Tạp chí Sông Hương - Số 347 (T.01-18)
Tác phẩm mới tháng 01/2018
09:01 | 26/01/2018

NGÔN TỪ (Tự truyện), tác giả Jean-Paul Sartre, Thuận và Lê Ngọc Mai dịch, Nxb. Văn Học, 2017.

Tác phẩm mới tháng 01/2018

Đây là một cuốn tự truyện nổi tiếng của Sartre. Ở đó, Sartre đã tái hiện lại tuổi thơ của mình bằng một cái nhìn trải nghiệm và có phần tự châm biếm khi thuở thiếu thời của ông ngập chìm trong chuyện sách vở và chữ nghĩa. Để rồi từ đó, qua cách gợi lại quá khứ có phần ngột ngạt của mình, bản thân ông muốn đi tìm động lực thúc đẩy ông đến với văn chương. Cuốn sách được chia thành hai phần, phần đọc và phần viết. Tuy nhiên, hai phần được kể lại không tương ứng với mốc thời gian sự kiện như đã diễn ra trong cuộc đời ông. Ở một góc độ khác, người đọc có thể đọc cuốn sách này theo năm phần. Phần thứ nhất trình bày niên biểu gia phả của gia đình ông. Phần thứ hai nói đến sự tách biệt của Sartre ở trong một thế giới tưởng tượng, như bị nhào nặn nên từ phía gia đình mình. Phần thứ ba gợi ra sự nhận thức của Sartre về sự lừa gạt của mình, về nỗi lo sợ trước cái chết và sự xấu xí của ông. Phần thứ tư trình bày sự phát triển của một sự lừa gạt mới, ở đó Sartre chọn rất nhiều phong cách hành văn khác nhau. Phần thứ năm liên hệ đến ảo tưởng của Sartre, được ông xem là nguồn động lực giúp ông tìm đến với văn chương.


SỰ QUYẾN RŨ CỦA CHỮ (Lý luận phê bình), tác giả Mai Sơn, Nxb. Văn Hóa - Văn Nghệ, 2017. Cuốn sách là một tuyển tập những bài phê bình, cảm nhận của dịch giả, nhà văn Mai Sơn về các cây viết, các tác phẩm văn chương trong và ngoài nước qua một góc nhìn mang đậm dấu ấn riêng của tác giả. Theo Mai Sơn, đọc là một hoạt động có tính cá nhân, và sự viết để thể hiện hoạt động đọc ấy là phương cách chiếm hữu những giá trị tự thân của văn bản cho chính mình. Qua cuốn sách này, như đúng với tên gọi của nó, người đọc sẽ có dịp được thưởng lãm vẻ đẹp của chữ-nghĩa được tác giả mổ xẻ từ những truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ của các tác giả trong và ngoài nước như Trăm năm cô đơn của Marquez, hay hình tượng Albert Camus với ý niệm phi lý trong văn chương của ông. Ngoài ra, người đọc còn có dịp khám phá ra vẻ đẹp của kết cấu chữ nghĩa trong những đường nét mê hoặc của các tác giả Việt Nam như Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Trần Nhã Thụy, Như Huy, v.v.  

(TCSH347/01-2018)




 

Các bài mới
Mẹ (14/02/2018)
Phố Phái (13/02/2018)
Cõi một (31/01/2018)
Các bài đã đăng
Vào xuân (23/01/2018)