Tạp chí Sông Hương - Số 347 (T.01-18)
Rose Agathe(1)
10:24 | 26/01/2018

HENRY JAMES   

Henry James: Nhà văn Mỹ (1843 NewYork - 1916 Luân Đôn), viết tiểu thuyết, truyện ngắn, phê bình văn học; đặc biệt yêu văn học, nghệ thuật Pháp. Tác phẩm: 112 truyện ngắn (1864 - 1910), Toàn tập (1990 - 2009). Chủ đề: Ý thức, tâm lý; mơ mộng, tình cảm; vẻ đẹp, chân lý nghệ thuật.

Rose Agathe(1)
Văn hào Henry James - Ảnh: wiki

Tôi đã mời chàng trai xuất sắc này đến dùng bữa tối; khi chuông đồng hồ điểm sáu giờ rưỡi, tôi bắt đầu tự hỏi tại sao cậu ta chưa xuất hiện. Cuối cùng, tôi ra ngoài (bao lơn) nhìn sang đường phố bên cạnh nơi cậu tính tới đó. Các tuyến xe Paris bao giờ cũng tạo cảnh tượng hấp dẫn, và tôi lại có sự chú ý sắc sảo của người nước ngoài. Vậy nên không lâu la gì tôi quên khuấy vị khách mời chậm trễ trong khi thưởng thức sự nhộn nhịp muôn vẻ của đô thành ánh sáng.

Đó là một buổi chiều lý tưởng, vào cuối tháng tư, có ánh đèn vàng tươi duyên dáng trải dài trên các mái nhà hướng tây; một thứ hương xuân dâng lên từ phố phường, hòa quyện vào hơi bốc lên của hàng ăn đối diện mà lúc này các cửa ra vào đều mở rộng, đến mùi thơm ngọt ngào của tiệm sô cô la ở tầng trệt ngôi nhà mà tôi cư ngụ tầng sát đất, và, dường như đến cả hương thơm lan tỏa quanh tủ kính nhấp nháy của tiệm cắt tóc kề cận nhà hàng. Bảng hiệu phía trên chỉ rõ: “Anatole, thợ cắt tóc”, bởi lẽ các nghệ sĩ này ở Paris chỉ nổi danh tiếng qua phụ danh của họ. Cũng có một phụ nữ đội mũ trùm xếp nếp li ti bán hoa vi ô lét, đẩy chiếc xe nhỏ chầm chậm trên đường nhựa áp phan, để lại phía sau một vệt dài thơm tho trong không khí dày đặc và dịu dàng. Tất cả tạo nên một hỗn hợp đặc biệt của Paris, và tôi thèm được như Sanguinetti có đặc quyền sống trong một thành phố mà các giác quan bình dị nhất cũng tạo được cho chúng ta những cảm xúc thơ mộng. Có cả thi ca trong các hơi bốc lên nồng nàn và bổ dưỡng của tiệm ăn - nơi mà tôi có thể trông thấy dưới ánh đèn các phản quang của ly tách và đồ bạc trên các bàn ăn, những chiếc bánh mì nhỏ màu nâu nhạt đặt trong các nhánh xếp của khăn ăn; rồi những chàng trai mang tạp dề tinh khiết ung dung trong vẻ chờ đợi nhàn nhã, và một phụ nữ dễ thương sau quầy hàng xoa đôi bàn tay mũm mĩm trắng trẻo vào lúc rảnh rỗi. Một người ham mê sô cô la như tôi, đúng là trên bàn đang có một hộp nhỏ xinh xắn vơi một nửa những viên lớn của thứ kẹo mềm mại này - không thể thấy gì tuyệt hảo hơn cái nhược điểm nếm trước vị đang bốc lên từ cơ sở tầng trệt. Nhưng ngay lập tức, tôi cảm thấy làn hơi trong trẻo dâng lên từ tiệm cắt tóc phả ra một cường độ khác thường khiến nhánh mũi phải của tôi bị tê tê buồn buồn do các cảm khí mới, như thể người ta bỗng mở một lọ dầu mao quản đặc biệt nhẹ nhàng. Tôi liếc mắt nhìn về hướng này và nhận ra căn nguyên mùi thơm phong phú ấy. Cửa ra vào tiệm cắt tóc đang mở, một người mà tôi đoán là vợ ông chủ bước ra ngưỡng cửa thở không khí kém nặng nề hơn. Đứng đó một lúc, bà đảo mắt nhìn quanh, và tôi có thời gian để nhận thấy là bà đẹp. Bà mặc chiếc áo dài lụa đen tuyền; và không nhất thiết phải biết kỹ càng hơn, phần lớn nam giới đều nhận xét là nó thích hợp tuyệt vời với vóc dạng duyên dáng của bà. Một dải băng hồng nhỏ tô điểm buộc nơi cổ và một bó hoa vi ô lét trên bộ ngực căng phồng. Theo tôi thì khuôn mặt bà vừa đẹp đẽ lại vừa có sức sống - hai tính chất hiếm khi giao hòa nhau; vì tôi thường quan sát thấy ít khi nụ cười xuất hiện với phụ nữ rất đẹp, hơn với những người rất xấu. Mái tóc hung hung gọn gàng, kiểu nhan sắc này điểm trợ cho sự trong trắng dịu dàng, như người ta có thể mong đợi, bà có cái vẻ (ngoại trừ áo dài lụa đen) của đức Mẹ mà với một tài nghệ khéo léo ông Anatole đã sửa sang. Thật là hấp dẫn biết bao đối với vợ một người thợ cắt tóc, tôi nghĩ vậy và tưởng tượng bà ngồi ở cửa ra vào cái tiệm nhỏ, sau chiếc quầy thu ngân nhỏ bé, thâu tiền các quý ông sau khi đã vào cạo sửa nơi gian chính phía trong. Tôi sờ lên râu mép của mình, và quyết định ngay là chúng phải được tu sửa. Vào lúc này, người đàn bà mê hồn ấy tiến ra lề đường, quay một vòng nhỏ thẩm tra trước tủ kính. Bà dừng lại ngắm nhìn hàng chai lọ lóng lánh được đậy nắp một cách lịch sự, những dụng cụ vệ sinh bằng ngà và các bông tai giả tùy theo mọi kiểu thời trang; rồi nghiêng đầu sang một bên đoạn gõ nhẹ vào cằm. Tôi thấy phía sau lưng bà đẹp chẳng kém gì phía trước - như dân Paris nói - lưng rất bảnh. Đầu nghiêng diễn tả sự hài lòng và cả sự thỏa mãn; tất nhiên bà có thể như thế, vì việc trang hoàng tủ kính này là vào nghệ thuật bậc nhất. Danh giá chủ yếu của bà thuộc về hai mái đầu nữ giới duyên dáng bằng sáp, mà người ta thường thấy trong tủ kính tiệm cắt tóc, những búp bê tóc giả sinh động ấy kiên nhẫn quay tròn, dường như là sự chiến thắng của chủ nghĩa thời trang. Một trong hai phu nhân quay tròn này tóc nâu, người kia tóc vàng; và người nào cũng lắc đầu, phồng thân mình bằng sáp và hé đôi môi hồng theo kiểu giá trị thích đáng nhất. Thường khi, khách qua đường dừng lại chiêm ngưỡng họ. Một lát sau, một người thứ hai xuất hiện ở chỗ ra vào cửa tiệm, nói câu gì đó với bà vợ xinh đẹp của ông cắt tóc. Chẳng phải là chính ông chủ mà là một thiếu phụ trẻ tuổi, chắc hẳn là người làm công. Dáng dấp cô này dễ coi, nhưng cô không mảy may có được chút nhan sắc của bà chủ, và đáng tiếc lại trở vào ngay sau khi thầm thì với bà. Mọi thứ làm tôi hoàn toàn quên bẵng là tôi ra ngoài để ngóng chờ Sanguinetti. Tôi nghĩ là cứ quan sát tiếp; thấy một ông và một bà đi vào hàng ăn, đến ngồi gần bức bình phong lớn bằng kính ngăn căn phòng với ngoài đường. Bà này có đôi lông mày tỉa đáng chú ý, xướng món cho người phục vụ; và tôi bị choáng bởi con số món ăn mà bà ta gọi. Sau đó bà dùng món xúp với ngón tay út cong lên. Rồi tôi nhìn lại về hướng tủ kính ông cắt tóc. Động tác này nhắc tôi nhớ mình đang thực sự chờ đợi anh chàng Sanguinetti chậm trễ một cách điềm tĩnh. Cậu ta đang đứng bất động trước tiệm cắt tóc, nhìn đăm đăm vào tủ kính một cách thản nhiên và chăm chú như thể có cả một buổi tối trước mặt. Tôi chờ đợi một lúc để tạo cơ may cuối cùng cho cậu ta cử động, song cậu ta đứng đó ngẩn ngơ như một nông dân đi hội chợ. Cậu chàng nhìn quỷ quái gì thế? Cậu ta khám phá vật gì cho việc sưu tầm ư? Vì Sanguinetti là nhà sưu tầm, ở nhà cậu có một gian chứa đầy đồ gốm và những đôn sứ cũ. Song các đồ vật đã có dưới một thế kỷ không làm cậu ta thích thú nữa, và các thứ đẹp đẽ trong tủ kính ông thợ cắt tóc lại mang dấu hóa đơn Paris gần đây nhất - thứ hàng hóa vớ vẩn hiện đại mà cậu ta vốn miệt thị. Vậy cái gì đang lôi cuốn cậu ta chú ý ghê gớm đến thế? Phải chăng chàng trai tội nghiệp đang nghĩ tới việc tặng một búi tóc mới hoặc một mảng tóc búp cho đối tượng thân yêu của mình? Có thể chẳng phải là trường hợp như thế, vì - tôi gần như không chắc lắm - tình yêu của Sanguinetti chẳng là gì khác ngoài các đồ sành sứt mẻ và những chiếc ghế bành thụt đáy mà tôi đã dẫn chứng. Chắc chắn, tôi còn thấy kỳ lạ hơn là cậu ta không mảy may quan tâm đến cô gái hấp dẫn nào mà cuối cùng phải lấy người ta, và đó là một ân huệ, vì cô ta sẽ khiến Sanguinetti phải đến đúng giờ các bữa ăn tối được mời. Tôi đập nhẹ vào lan can bao lơn, nhưng tiếng ồn ngoài phố cản trở việc tôi kêu gọi trật tự đến tai cậu. Chắc rằng cậu ta đang quá mê man. Thế là tôi thử huýt sáo theo kiểu dân La Mã - mà tôi luôn căm ghét kịch liệt; song, phải nhận thấy rằng, sử dụng với đôi môi La Mã, đạt mục đích hơn cách làm quý phái mà tiếng kêu dừng lại nửa chừng. Dẫu vậy, như góa phụ chinh nhân trong các thi tiết cùa Tennyson(2), cậu ta chẳng nói chẳng động đậy. Nhưng bỗng dưng tôi hiểu lý do bất động của cậu ta: tất nhiên là cậu chiêm ngưỡng bà vợ mỹ miều của ông thợ cạo, người đàn bà xinh đẹp có khuôn mặt Thánh Mẫu và có kiểu tóc phụ nữ Paris, mà chính tôi vừa nhận thấy là rất hấp dẫn. Đó là một cảm phiền đích đáng, và tôi cảm thấy thoải mái để gia ân cho cậu ta thêm ít lúc nữa. Chắc hẳn không gì che lấp được cậu ta bằng cảnh tượng sau tủ kính, con người hấp dẫn đánh phấn bột gạo và bôi son môi của phu nhân lịch sự, đang ngồi ở quầy thu với tư thế duyên dáng và khéo léo - đang tổng kết các món nợ, hoặc vuốt ve cẩn thận chiều dài một bím tóc giả theo sắc thái thời trang. Tôi tự hứa sẽ phải thám thính vùng cần quan sát này một khi đi qua trước đó.

Tôi hoãn thêm năm phút cho ông khách mời chậm trễ, trong khi các đèn ở tiệm cắt tóc được bật sáng. Tủ kính được phản chiếu, những bàn chải bằng ngà và các tấm gương nhỏ bằng bạc lấp lánh, những tinh tú trong các lọ phát quang nhiều màu giống như thức ăn, và các phu nhân xinh đẹp bằng sáp, lúc lắc đầu hơn bao giờ hết trên giá bán thân chói lọi dường như để hít làn không khí thơm tho này. Dĩ nhiên bà vợ ông thợ cạo trở nên sống động hơn, và, chắc chắn là Sanguinetti bị thôi miên. Cậu ta bất động như thể một người đội tóc giả. Mọi thứ là rất hay, song bây giờ tôi thực sự đói quá, và cảm thấy có ý muốn mạnh mẽ là ném vào hắn ta một trong các chậu hoa trang trí nơi bao lơn. Vào lúc ấy, người giúp việc của tôi đi vào gian phòng; tôi ra hiệu cho anh ta tới gần, chỉ tủ kính ông cắt tóc, và yêu cầu anh ta đi xuống cắt đứt việc chiêm ngưỡng của vị đang đứng trước đó. Anh ta chấp hành, và tức thì tôi thấy anh đi qua đường. Nhưng trước khi anh ta tới gần bạn tôi, đột nhiên người này quay lại và xem đồng hồ. Rồi, lo ngại thực sự, cậu ta rảo bước, nhưng mới năm bước đã dừng lại ném cái nhìn thánh thiện về phía sau. Đưa bàn tay lên môi, tôi xin thề, cậu ta có vẻ hôn thực sự đối tượng chiêm ngưỡng của mình. Người giúp việc tức thì đến gần cúi chào và dẫn cậu ta về nhà tôi; tuy nhiên Sanguinetti vượt qua cửa mà không nhìn lên phía bao lơn. Có thể cậu xấu hổ vì đã nhìn về phía người đàn bà thâu tiền sau khi ném những nụ hôn ngoài phố: đối với một người đàn ông nhỏ con, giản dị; được coi là chỉ ham đồ cổ, và không hề “dạn gái”, việc đó thật là một táo bạo ghê gớm. Còn người vợ ông cắt tóc? Về phía bà ta, có ném nụ hôn qua đầu ngón tay cho cậu ta không? Theo tôi, là rất có thể; tôi luôn luôn nghe nói Paris là thủ đô của sự lịch thiệp mà. Cuối cùng, Sanguinetti bước vào, mặt đỏ dừ, tuyên bố rất khổ tâm vì để tôi phải chờ đợi.

- Ồ, tôi nói, mình rất hiểu. Từ bao lơn, mình đã quan sát cậu trong phần tư tiếng đồng hồ.

Vẫn đỏ mặt, cậu cười yếu ớt.

- Anh biết không, tôi luôn luôn nhìn các tủ kính, cậu nói, dẫu là đã sống ở Paris mười lăm năm nay. Chẳng hiểu nổi cái gì mà người ta có thể khám phá ra.

- Cậu có thị hiếu khám phá những khuôn mặt đẹp, tôi đáp. Chắc chắn ở nhà ông thợ cạo có một bộ mặt rất đẹp.”

Chàng Sanguinetti tội nghiệp thực sự rất xấu hổ; việc tôi trêu chọc làm cậu ỉu xìu và cậu bắt đầu chống chế, cam đoan.

- Ôi, tôi nói tiếp, việc lựa chọn của cậu làm vinh danh thị hiếu cậu. Đó là một sinh linh mỹ miều; chính tôi cũng phải ngưỡng mộ.

Đang cầm muỗng dùng xúp, cậu nhìn tôi đăm đăm một lúc. Cậu cố phân bua vì luôn e sợ bị tôi xem là chàng trai dao động chỉ đam mê các tách vỡ và mảnh vải thêu cũ. Nhưng bây giờ cậu có vẻ được trấn an nhẹ nhàng; có thể tâm sự miễn là dám nói.

- Anh biết không, có hai, cậu nói, nhưng một cô đẹp hơn cô kia rất nhiều. - Hẳn rồi, tôi trả lời, cô tóc vàng.

- Bạn thân mến, người khách của tôi thì thầm, đó là đối tượng đẹp nhất mà tôi chưa bao giờ trông thấy.

- Có lẽ đi hơi xa đấy. Song cô ta đặc biệt đẹp đẽ.

- Cô ấy là hoàn hảo. Sanguinetti tuyên bố rồi kết thúc món xúp. Và cậu lập tức nói thêm:

- Tôi sẽ nói cho anh biết cô ấy giống ai.

- Giống một thiên thần thời trang, tôi nói.

- Phải, cậu trả lời với nụ cười, hoặc giống một thánh mẫu được tu sửa tóc… nơi đó.

- Bạn ơi, tôi kêu lên, thật đúng với sự so sánh trong tâm tưởng tôi ban nãy.

- Điều đó chứng tỏ sự đích đáng của cô ấy. Cô ấy đúng là điển hình của Đức Thánh Mẫu.

- Một chút Paris hóa nơi khóe miệng, tôi đáp lại.

- Có thể lắm, Sanguinetti nói. Nhưng đôi môi là nét duyên dáng nhất.

- Thế cậu có thể thấy cô ta rõ không? Vừa hỏi, tôi gắp món thịt bê hầm cho cậu.

- Một cách tuyệt vời… đặc biệt một lần khi bình gaz được bật lên.

- Trước kia chưa bao giờ cậu để ý tới cô ta ư?

- Chưa bao giờ, thật quái lạ. Tuy nhiên, như tôi đã nói, tôi rất yêu thích các tủ kính, phải thú thực là tôi luôn có ấn tượng mạnh với tủ kính tiệm hớt tóc.

- Thấy không, cậu đã sai chừng nào.

- Nói chung, không; cô này là một ngoại lệ. Phụ nữ ở đó thường là cực xấu. Làn da của họ không ổn định, luôn luôn là màu sáp vàng khè. Ở phố tôi, cách ba nhà, có một cô. Người ta bảo cô được làm bằng…

Anh tìm cách so sánh một lúc.

- Người ta nói cô được làm bằng mỡ bò.

Chúng tôi thanh toán xong món bê hầm và tôi nghĩ là nói chuyện khác; sau đó bạn tôi rút từ túi ra một món hàng nhỏ theo thứ tự đồ cổ mua ngay sáng hôm ấy. Anh phấn khởi trình bày. Đó là một tách uống cà phê nhỏ ở Sèvres, thời Louis XV, tô vẽ các tràng chuỗi và bó hoa rất tinh xảo. Còn lâu tôi mới tài giỏi về vụ này, nhưng Sanguinetti cam đoan là nó mang chứng ấn gì đó khiến việc mua được là rất quý giá. Rồi cậu cất lại vào trong tráp nhỏ da dê và đắm mình mơ mộng hướng về phía cửa sổ. Cậu ta yêu thích thứ hàng cũ xấu, những đồ vớ vẩn cổ xưa thuộc mọi thể loại, mọi thời đại, nhưng tôi biết là cậu có tình yêu mến đặc biệt với các vật phẩm cuối thời phong kiến Pháp. Việc sưu tầm các hộp ưa chuộng và bình phong hoa lá của cậu rất đáng nể - và tôi cho rằng đáng phải được nổi danh. Dẫu người đồng hương của tôi tên nước ngoài, do sinh trưởng, mối quan hệ giữa chúng tôi đã bắt đầu rất sớm, từ khi chúng tôi còn là các cậu bé học cùng trường. Theo truyền thống Ý, ông của Sanguinetti là người bán rong tranh ảnh ở Hoa kỳ, vào thời kỳ mà các vị ấy có thể tự xem là những người duy nhất quan tâm đến mỹ thuật. Vào buổi đầu thế kỷ, rất ít người trở thành như thế, và người ta kể rằng người sáng lập việc chuyển hàng xuyên đại tây dương của dòng họ Sanguinetti, nhờ có đôi mắt Ý đẹp đẽ, chiếc mũ mềm, những bông tai và sự dẫn dụ hùng hồn cùng chiếc khay nhỏ đầy các thứ ấn tượng và tượng bán thân bằng thạch cao, được coi là nhân vật khá quan trọng; chiếm lĩnh trái tim và kết hôn với con gái một luật gia giàu có vùng Vermont. Phu nhân này đã đem của cải về cho chồng xuất vốn vào vài lĩnh vực khá tế nhị của thương trường Ý đại lợi và phất lên như những người giàu có ở thời kỳ hỡi ôi! tha hóa ấy. Ông ta đã di tặng của cải đầy ắp cho thân phụ anh khách mời của tôi. Bạn tôi chỉ có các chị gái, nên được nuôi dưỡng như một quí tộc tương lai; và từ tuổi ấu thơ đã chứng tỏ những triệu chứng cuồng si đối với các phế vật phẩm. Ở trường, cậu sưu tầm cây viết bảng đen và hộp diêm; cái thị hiếu này, tôi đoan là sự thừa hưởng quí giá của người ông đã rong ruổi xứ sở với cái khay đội đầu ngổn ngang các thứ trang sức vô dụng (như một bàn cờ tướng khổng lồ). Khi hai mươi tuổi Sanguinetti mất bố và hưởng phần di sản của mình, đem sang Âu châu, nơi cậu đến sinh sống bấy lâu nay. Lần đầu tiên gặp cậu ở Paris, tôi hỏi cậu có ý định bao giờ trở về New York không; tôi nhớ lại rõ ràng câu trả lời: “Bạn thân mến (với giọng bi ai) có thể tìm thấy gì được ở đó? Tất cả được sắp xếp thứ yếu, và về thời đại Louis XV, anh thấy không, xứ sở tội nghiệp của chúng ta quả là… quả là…” và cậu chậm rãi lắc đầu theo cách ngụ đa nghĩa.

Tôi trả lời, nghe nói là người ta đã tìm được ở đó nhiều bánh xe nhỏ đẹp và những chiếc ghế dài nhà bếp vững chãi; nhưng cậu đáp, chỉ quan tâm các vật phẩm thực sự lịch duyệt. Đó là người độc thân dễ thương và thật thà; cậu có thể làm hết sức mình khi bạn bè cần đến, nhưng không che đậy định kiến là chỉ các “vật xinh đẹp” mới đáng mất công. Cậu cận thị nặng, luôn luôn tháo chiếc kính cặp mũi khi xem xét vài đồ vật trên lò sưởi hoặc trên bàn xoay của bạn bè. Cậu có cái vẻ trang trọng và thiết tha khi nói về chiều cao gót giày bà De Pompadour(3) hoặc sắc thái khác nhau của các cây đèn Hà lan xưa. Và ngay nếu có nhiều đồng hương đánh giá cậu về thói “cao ngạo ghê gớm, nhưng đối với tôi, cậu lại tỏ ra là người ít tự phụ nhất. Không bao giờ muốn đọc thời sự chính trị ở nhật báo mà cậu chỉ ưa đọc các thông báo về mua bán đấu giá. Tôi đối xử với cậu rất mực tử tế, tôi thấy cậu là một kiểu tinh thần trong sáng sống động trong một tập đoàn vô tư các mục nữ bằng sứ xứ Dresde(4) và các nhan sắc có nụ cười điểm tô trên các nắp hộp vô giá. Có gì đó luôn luôn là dễ thương ở người đàn ông điển hình kiểu mẫu hoàn hảo, và Sanguinetti là tất cả cái đó. Cậu là hóa thân quyền lực tuyệt vời ở lãnh vực các vật xinh đẹp. Như tôi đã nói, mắt cậu đăm đăm nhìn về phía cửa sổ; và chẳng phải ranh ma gì cũng đoán được ý nghĩ của cậu vượt ra ngoài, lượn lờ quanh nơi trưng bày của ông thợ cắt tóc. Tôi muốn chế nhạo nhiệt tình của cậu, vì điều đó làm tôi thích thú khi thấy một người đàn ông đã tìm được khuôn mặt hồng hào của một quí bà vẽ trên khay sứ là đối tượng sùng tín khá thực tế, bị hút hồn bởi một duyên nợ mà theo biểu thị là có điều để nói.

- Thế cậu không thích nhìn cô ta gần hơn à? Tôi hỏi với nụ cười quan tâm. Cậu quay về phía tôi, lại đỏ mặt.

- Sinh linh hấp dẫn ấy ư?

- Sinh linh hấp dẫn ấy. Cậu không thích tới gần cô ta à?

- Ôi, tất nhiên rồi. Nhưng gương tủ kính rất cản trở.

- Thế tại sao cậu không tìm một lý do gì mà vào trong tiệm? Cậu có thể mua một bàn chải răng.

- Tôi không tin sẽ thắng đậm. Sanguinetti trả lời đơn giản.

- Cậu sẽ thấy nàng chuyển động, các động tác của nàng là tuyệt mỹ.

- Các động tác của nàng là… thi ca của hoạt động. Nhưng tôi có thể thấy từ phía bên ngoài.

- Bạn thân mến, cậu là không mấy si tình, tôi đề nghị: Nếu là cậu, mình đã đặt chân vào trong tiệm.

Cậu ta dán con mắt nhỏ trong sáng và cận thị vào mặt tôi.

- Phải, phải, cậu nói. Chắc chắn đó là điều thú vị nếu được ngồi đấy mà chiêm ngưỡng nàng; sẽ tiện nghi hơn là đứng bên ngoài.

- Hẳn rồi, chàng trai của tôi ạ. Song ngồi chiêm ngưỡng nàng? Cậu đi xa rồi đó.

- Giả sử là tôi có làm phiền phức lối qua lại, nhưng thỉnh thoảng nàng lại quay mặt về phía tôi. Mọi thứ mà tôi biết là phía sau lưng nàng cũng đẹp như phía trước mặt. Cậu nói thêm.

- Cậu nhận xét như chính tôi vậy. Nàng rất bảnh. Sanguinetti đưa ngón tay lên đôi môi theo cử chỉ học được những ngày sống ở Paris.

- Thi ca của nàng rất bảnh! Cậu nói tiếp ngay. Tôi không thất vọng đâu, tôi không thất vọng đâu.

Và cậu im bặt, hai tay bỏ túi, tựa mình váo lưng ghế dựa.

- Để khiến nàng là của tôi. Tôi bật cười.

- Để nàng là của cậu, bạn thân mến ơi! Cậu si tình hơn tôi tưởng. Nhưng cậu muốn nói gì thế? - Mình chẳng tin vào trường hợp cậu có thể lấy cô ta.

- Có cơ may, không, khốn khổ thật. Nhưng tôi có thể có nàng ở nơi ấy mãi mãi.

- Ở đâu? mãi mãi?

- Ở nhà tôi, trong phòng khách của tôi, Đó là nơi thích hợp với nàng.

- À, ra thế, bạn thân của tôi ơi, tôi cười đáp lại; nhưng ồn ào nhẹ nhàng thôi, đó là một vấn đề về quan niệm.

- Đó là một vấn đề thị hiếu. Tôi nghĩ nàng ở đó sẽ rất tốt.

Một vấn đề thị hiếu, thực sao, vấn đề đạo đức đơn giản này! Sanguinetti đã Paris hóa hơn tôi tưởng, và tôi tự nhủ rằng Paris là nơi chốn rất nguy hiểm, vì đã tước mất của bạn tôi dã tính cao nhất. Song tôi chẳng bị va chạm mà dừng lại ở điểm làm tôi đùa vui nhiều.

- Tất nhiên, tôi không tiến hành nhanh đâu, cậu nói tiếp. Tôi sẽ không quá đột ngột.

- Ồ phải rồi, xin cứ tự nhiên.

- Tôi sẽ bắt đầu công việc dần dần. Tôi sẽ đến tiệm cắt tóc nhiều lần để mua đồ vặt. Trước hết, một hũ kem lạnh, rồi một miếng xà bông, sau là một lọ glyxerin. Tôi sẽ khẳng định và chiêm ngưỡng không dứt. Đôi khi tôi sẽ nhẹ nhàng quay quanh, và chờ đợi nàng liếc nhìn tôi. Cứ thế dần dần, tôi đi vào giữa trung tâm của vấn đề.

- Có lẽ người ta chẳng muốn nghe cậu nói đâu.

- Tôi sẽ tặng một món lớn.

- Cậu muốn nói tặng món gì?

- Tôi xấu hổ mà phải thú thực với anh: anh sẽ bảo là tôi ném tiền qua cửa sổ. Tặng tiền ư! Cậu này thô tục thật. Tôi cũng vậy, sẽ đến như thế ư, nếu tiếp tục sống ở Paris?

- Ồ, tôi nói, nếu cậu tin là tiền nong sẽ sắp đặt mọi thứ…

- Cái gì, anh tưởng là tôi hy vọng có được nàng để không được gì ư?

Cậu ta là hoàn toàn vô liêm sỉ, và tôi câm lặng.

- Tôi cảm thấy mình sẽ không hạnh phúc, cậu nói, từ lâu… trước khi thành công. Tôi luôn mơ tưởng một phụ nữ y hệt người phụ nữ này. Bây giờ tôi đã khám phá sự hóa thân tuyệt vời của nàng; vậy thì, tôi không thể đơn giản mà bỏ qua được.

- Cậu si tình một cách thật thà đấy, tôi nói.

Cậu ta nhìn tôi một lát, rồi đỏ mặt.

- Phải, tôi tự tin là đàng hoàng. Thật vô lý quá.

- Theo cách nhìn này hay cách khác, mọi ham mê đều là vô lý. Tôi nói. Rồi tôi quyết dịnh đó không hề là việc của mình nữa. Chúng tôi nói sang chuyện khác trong một tiếng và trước khi từ giã, Sanguinetti lại trở về với cô nàng ở tiệm cắt tóc.

- Tôi đoan chắc, cậu nói, anh coi tôi là hoàn toàn ngu ngốc vì xem… sinh linh ấy hết sức quan trọng! Và cậu gật đầu ra hiệu về phía bên kia đường phố.

- Ở xứ sở chúng ta, cậu kết luận, người ta luôn dạy tôi phải xem mọi việc là quan trọng, đó là một nhiệm vụ!

Tất nhiên tôi thề với cậu và ngày hôm sau, dừng lại trước tiệm cắt tóc để nhìn lại người phụ nữ đáng chú ý đã tạo cảm hứng quá đỗi cho bạn tôi. Tôi phát hiện quả là có cửa thông lớn sau tủ kính, khiến trông thấy được mọi thứ diễn ra nơi gian lớn của cửa tiệm. Tuy nhiên, không thấy được đối tượng chiêm ngưỡng của Sanguinetti ở tầm nhìn của khách qua đường; và tôi ráng chờ một chốc nữa mà vẫn không thấy nàng xuất hiện; thế là tôi quyết đi vào căn phòng thơm phức, bịa chuyện mua một thứ gì đó. Bất chấp sự liều lĩnh của tôi, người đến tiếp tôi không phải là cô nàng duyên dáng đã thấy trên vỉa hè lần trước, mà là thiếu phụ kém hấp dẫn đã ra gọi nàng. Người này, cũng bận một áo dài lụa đen và có thân hình không chê được; tóc bới tuyệt đẹp và rất lịch thiệp, song rất khác cô bạn của Sanguinetti, làm tôi hơi tiếc năm quan đã trao cho cô ta vì một lọ nước ngải hương mà chẳng cần đến. Làm gì đây với lọ ngải hương? Tôi sẽ tặng Sanguinetti. Với hàng tá lý do, tôi chậm rãi ở lại trong tiệm, vẫn không thấy cô nàng xinh đẹp mà cậu ta quan tâm. Thiếu phụ nọ vẫn mỉm cười, xoa tay, trả lời các câu hỏi và diễn giải cho tôi với một phép lịch duyệt cao cấp. Cuối cùng tôi cầm cái lọ và đặt tay trên nắm cửa. Vào lúc ấy, tấm màn nhung ở cuối tiệm được vén lên, và vợ ông thợ cạo xuất hiện. Nàng dừng lại một chút, mỉm cười, tay nắm màn cửa, nhìn ra phòng khách; trên đầu xinh đẹp đội mũ trùm buổi sáng xếp nếp. Quả thật nàng lộng lẫy quá, và tôi thực sự hiểu nỗi đam mê bất ngờ của Sanguinetti. Nhưng tôi chẳng thể nào ngồi lại nhìn thẳng mặt nàng, vì đã dốc hết sự dìn giữ thích hợp, tôi buộc phải rút lui. Tuy nhiên tôi lấy tư thế trước cửa tiệm, và tức thì nàng đến gần tủ kính. Nàng nhìn vào đó để kiểm tra mọi thứ có đâu vào đấy không. Nàng vẫn mỉm cười - bao giờ nàng cũng có cái vẻ mỉm cười - nhưng không gì chứng tỏ nàng trông thấy tôi, và tôi cảm thấy nếu có ngay một tá đàn ông ngắm nghía nàng như thế, nàng vẫn giữ bộ mặt vô thức dịu dàng này. Được một lúc, nàng dơ bàn tay nhỏ mềm mại sửa bộ tóc của một trong các phu nhân bằng sáp - phu nhân bên phải, tóc vàng.

Hai tiếng sau, sau khi dùng xong điểm tâm, tôi ra bao lơn, nơi địa điểm quan sát tôi bắt gặp một người dừng lại ngay trước tủ kính ông thợ cắt tóc. Nếu tôi không có mọi cách nhận ra cái đầu nghiêng nghiêng chăm chú, say sưa, để hiểu ra ngay đó là Sanguinetti. Tại sao cậu ấy không vào? Tôi tự hỏi? Cậu ta không thể trông thấy rõ nàng từ bên ngoài được. Dường như cái kết luận này cũng đến với cậu ta, vì bỗng nhiên cậu vươn mình rồi đi xuyên vào phía trong. Cậu ở đó khá lâu. Tôi bắt đầu mệt mỏi chờ đợi cậu tái hiện nên trở lại chiếc ghế bành đọc tiếp tờ “Nhật báo của các cuộc tranh luận”. Tôi mới xem xong cái kỳ công khá gian lao này, thì nghe tiếng chuông cửa ra vào, và sau một lát thì Sanguinetti hiện diện. Cậu ta rõ ràng có vẻ ốm tương tư; xanh xao, mắt nặng nề.

- Bạn đa cảm của tôi ơi, tôi nói, cậu hoàn toàn say đắm rồi.

- Phải, cậu đáp. Tôi đang yêu thật sự. Thật khôi hài quá. Hãy làm ơn, đừng cho ai biết.

- Chắc chắn là tôi sẽ không nói rồi, tôi tuyên bố. Nhưng đối với tôi, điều đó không chính xác là khôi hài.

Cậu nhìn tôi một cách biết ơn.

- À, nếu anh nghĩ thế thì tốt quá!

- Thật là khờ khạo, đó là điều đúng hơn tôi muốn nói.

Cậu lại nhìn thẳng tôi.

- Anh không nghĩ là tôi có thể dâng tặng nàng ư?

- Điều đó chẳng phải là quá thể.

- Anh tưởng là nàng sẽ không làm tốt sao? Tôi sẽ sắp xếp theo cách mà sự phê bình gắt gao nhất phải đầu hàng. Nàng rất đẹp, sáng nay, cậu nói tiếp ngay.

- Đúng rồi, tôi cũng thấy nàng như thế, tôi nói. Vậy là, cậu đã vào trong tiệm ư?

- Tôi đã ở đó nửa giờ. Tôi nghĩ rằng tốt hơn là nên đi thẳng vào công việc.

- Cậu đã nói gì?

- Tôi chỉ nói sự thật một cách đơn giản… là tôi có ham muốn lớn lao được sở hữu nàng.

- Thế vợ ông thợ cạo… nàng tiếp nhận thế nào?

- Điều đó hình như làm đùa bỡn nàng nhiều.

- Đùa bỡn? Không hơn nữa sao?

- Tôi tin là nàng cảm thấy hơi vui thích

- Tôi cũng hy vọng thế!

- Phải, bạn tôi tiếp, vì, sau hết, bản chất thị hiếu của chính nàng đi vào cuộc chơi. Với lời tuyên bố này, tôi hết sức ưng ý. Và Sanguinetti tiếp:

- Nhưng rốt cuộc, công bằng là, sinh linh thân mến về với tôi mà chẳng mất mát gì. Tôi sẽ sắp xếp để nàng được sửa sang đầu tóc thường xuyên.

- Tôi thấy là cậu có khuynh hướng làm các việc theo kiểu ông hoàng. Vậy ai sẽ sửa tóc cho nàng?

- Chính ông thợ cắt tóc.

- Ông chồng ư?

- Hẳn rồi. Người ta nói đó là người giỏi nhất Paris đấy.

- Người chồng tốt nhất à? Tôi hỏi.

- Bạn thân mến, hãy nghiêm chỉnh… người sửa tóc giỏi nhất.

- Thế thì chắc chắn sẽ rất phiền cho ông ta.

- Dĩ nhiên, Sanguinetti bảo, tôi sẽ trả cho ông ta những cuộc đến, như thể nếu… như thể nếu... Và cậu ta dừng lại một lúc.

- Như thể nếu cái gì?

- Như thể nếu việc đó thuộc một trong những khách hàng xinh đẹp của ông ta. Vợ ông ấy nói với tôi là ông ta sắp sửa tóc cho tất cả các nữ công tước.

- Đúng là một chứng cứ, tôi đáp. Tuy nhiên…

- Anh muốn nói là tôi ở quá xa à? Tôi biết, nhưng tôi sẽ trả tiền các chuyến xe ngựa của ông ta.

Tôi nhìn thẳng vào mặt cậu ta và - không thể dừng được - tôi bật cười. Chưa bao giờ tôi gặp phải một sự hỗn hợp lý lẽ và phi lý quái lạ đến thế.

- À! cậu đỏ mặt kêu lên. Thế, anh nghĩ đó là khôi hài ư?

- Phải, tôi nói, đến nước này, thú thật cậu làm tôi buồn cười.

- Chẳng sao cả, Sanguinetti tuyên bố với sự né tránh dễ thương. Tôi có ý muốn giữ nàng cho tôi.

Vào đúng thời điểm này, sự quan tâm của tôi bị chiếm dụng bởi việc đến Paris của vài vị phụ huynh không có khả năng dung hòa thói quen của họ với tập quán ngoại lai, lôi kéo tôi đi theo họ như người phiên dịch và hùng biện. Trong ba, bốn tuần gì đó, tôi luôn đi cùng họ nên ít gặp Sanguinetti hơn trước. Tuy vậy, cậu đến thăm tôi nhiều mà không báo trước, như có thể tưởng tượng được, là xuất hiện thường xuyên nơi gần đó. Bao giờ tôi cũng hỏi các điều mới nhất về nhiệt huyết ái tình theo cách hồng hồng đỏ đỏ làm cậu hoàn toàn lãnh đạm trước phán xét của người khác. Chàng trai tội nghiệp đang yêu đương một cách thành thật.

- Tôi làm tất cả theo đam mê của mình. Cậu đáp lại khi tôi hỏi tin tức. Trước khi việc được giải quyết xong, tôi không thể nghĩ điều gì khác. Luôn xảy ra như thế khi tôi mong muốn tha thiết điều gì đó. Nó trở thành một thứ si cuồng, một ý tưởng kiên định; và, tất nhiên trường hợp này là không ngoại lệ.

Cậu ta luôn luôn đến cửa tiệm.

- Chúng tôi bàn định việc ấy, cậu nói. Nàng không đi tới quyết định được.

- Mình có thể tưởng tượng là khó khăn, tôi nói.

- Nàng bảo đó là một sự thay đổi lớn lao.

- Mình cũng có thể tưởng tượng như thế.

- Chẳng bao giờ tôi gặp người chồng, Sanguinetti nói. Ông ta luôn luôn ở chỗ các bà công tước. Song nàng sẽ bàn cãi với ông ta. Thoạt đầu ông ấy không muốn nghe nói điều đó.

- Tất nhiên!

Ông ta bảo đó sẽ là một mất mát không bù đắp được. Nhưng tôi hy vọng làm cho ông ấy thay đổi ý định. Ông ta có thể tiếp tục rất tốt với cô kia.

- Cô kia? Cô bé tóc nâu à? Cô ấy còn xa mới xinh đẹp bằng.

- Hẳn rồi. Song với cung cách riêng, cô ấy cũng không kém. Tôi nghĩ là chắc chắn ông ta sẽ thay đổi ý định, Sanguinetti nói. Nếu không, chúng tôi sẽ cho qua sự thuận tình của ông, và sẽ chấp nhận mọi kết thúc. Ông ấy sẽ không tức giận đâu, vì sau hết, là có tiền.”

Có thể chắc rằng tôi tỏ ra quá kinh ngạc trước giọng doanh nhân mà Sanguinetti sử dụng khi bàn cãi về dự kiến không thận trọng trở thành “sở hữu” vợ của kẻ khác. Chắc hẳn cậu ta không có một chút đạo dức giả nào trong việc này; từ lâu rồi cậu ta đã vượt qua giai đoạn mà người ta cần tôn trọng việc thực hiện nhượng quyền theo phép lịch sự. Nhưng tôi tự nhủ chắc đó là kiểu Paris, mà nếu nó chiến thắng được cái kiểu mẫu hoàn hảo chính thống của xã hội này là người bạn đáng quí của tôi, chắc còn liều lĩnh hơn để làm tôi hư hỏng theo cách như thế. Dẫu sao, mỗi lần Sanguinetti đến thăm tôi, cậu luôn bắt đầu nói với tôi điều gì đó về đề tài tạo vật đắm đuối ở trước mặt nhà.

- Sáng nay anh có chú ý nàng không? Một hôm, cậu hỏi tôi. Nàng thật là tuyệt mỹ. Tôi muốn hỏi xin phép được hôn nàng.

- Mình ngạc nhiên là cậu hỏi xin phép việc ấy, tôi đáp. Mình giả thiết cậu sẽ làm mà không xin phép, đã tính được tha lỗi.

- Tôi sợ làm nàng đau, cậu nói. Vả lại, nếu từ ngoài đường người ta thấy tôi, tôi sẽ có vẻ kỳ quái.

Tôi không thể tuyên bố dường như điều ấy là một hỗn hợp gớm ghiếc của thói xấu và sự dè dặt, nhưng cậu lại nói tiếp mà không loại trừ các bình luận của tôi:

- Anh có thể cười về ý tưởng, nhưng xin thề là, đối với tôi mỗi ngày nàng mỗi khác; chẳng bao giờ nàng có sự biểu hiện giống nhau. Đôi khi nàng hơi âu sầu… và có lúc lại tràn đầy vui vẻ.

- Tôi cho rằng nàng luôn luôn mỉm cười.

- Về bề ngoài, phải, Sanguinetti nói. Đó là mọi sự trông thấy thường tình. Nhưng có gì đó phía dưới… một thoáng suy tư rất dịu dàng. Kỳ thật, nàng buồn. Nàng mỏi mệt phải phô trương trước công chúng.

- Hôm qua, nàng rất xanh xao; một lần khác cậu bảo tôi. Tôi chắc là nàng cần nghỉ ngơi. Cái động tác lặp lại này không thể tốt đối với nàng. Đúng là nàng cử động rất chậm chạp.

- Phải, tôi nói, tôi cũng cho là nàng cử động rất chậm chạp.

- Và xinh đẹp làm sao! Dẫu sao, về với tôi, Sanguinetti tiếp, nàng sẽ hoàn toàn yên tĩnh, tôi sẽ xem điều đó thích ứng thế nào với nàng.

- Tôi nghĩ dẫu thế nào nàng cũng cần luyện tập một chút,” tôi bác lại. Cậu mở to mắt, và lên án tôi, như thường khi bị tôi “chơi xỏ”.

- Có điều gì đó trong giọng nói anh bảo tôi, cậu nhận xét.

Song, ít lâu sau, cậu quên mọi khuynh hướng châm biếm của tôi, và đến báo cho tôi hay một sự thay đổi kiểu tóc của ý trung nhân.

- Anh có nhận thấy mái tóc nàng được sắp xếp khác hẳn không? Tôi chẳng biết có thích như thế không; kiểu đó che lấp vầng trán nàng. Nhưng rất đẹp, hoàn toàn mới mẻ, và anh sẽ thấy mốt này sắp áp đặt khắp Paris.

- Nàng tung các kiểu mốt sao? Tôi hỏi.

- Luôn luôn. Tất cả những người thông thạo ghi chép các kiểu tóc nối tiếp của nàng.

- Thế khi cậu đem nàng đi rồi, các vị lịch duyệt sẽ làm gì?

- Họ đi theo người kia, cô tóc nâu… Cô Clementine.

- Đó là tên cô ta à? Vậy người yêu dấu của cậu tên là gì?

Sanguinetti nhìn tôi một lúc, hơi đỏ mặt như thường lệ, cậu rời chỗ và dè chừng, rồi đáp: “Rose Agathe”.

Khi tôi hỏi việc theo đuổi của cậu có tiến triển không, cậu trả lời thường thận trọng vì đó chỉ là vấn đề thời gian.

- Chúng tôi tiếp tục tranh luận, và với cách này, dẫu thế nào, tôi có thể trông thấy nàng. Người đàn bà tội nghiệp không thể làm theo ý mình.

- Tôi ngỡ vậy!

- Cô ấy bảo là điều đó sẽ làm thay đổi tất cả… thiếu nàng phòng khách sẽ không như trước được. Nàng quá nổi tiếng, và được toàn thế giới chiêm ngưỡng. Tôi khẳng định là có thể tìm một người thay thế khéo léo cho nàng, nhưng nàng bảo là, một sự thay thế có thể cũng khéo léo, nhưng không bao giờ có được cái duyên dáng đặc biệt của Rose Agathe.

- À, chính nàng cũng ý thức được cái duyên dáng ấy sao?

- Chính xác, và nàng tôn sùng điều tôi nói.

- Nét đặc sắc của cái duyên đó, tôi tự bảo, cầm bằng với điều cậu ta không bị rắc rối vì thiếu khiêm nhường; và tuy thế, tôi nhớ là người vợ hấp dẫn của ông thợ cạo có cái vẻ vô cùng nết na. Trong khi Sanguinetti, hầu như thiên về làm hài lòng thói hợm hĩnh của ý trung nhân; tôi được biết cậu ta đã tặng quà cho nàng.

- Tôi đã cho nàng một đôi bông tai, cậu thông báo, và từ nay nàng sẽ đeo. Anh sẽ chú ý khi đi qua đó nhé. Đó là hai viên ngọc tím, hợp với nàng một cách mê hồn.

Tôi rình rập cô bạn xinh đẹp của chúng tôi ngay lần đi qua sau đó, nhưng qua tủ kính ông thợ cắt tóc không thấy rõ nàng được. Cô bạn nàng bận lo một khách hàng sang trọng nào đó, hẳn là một trong các công tước phu nhân, trong khi, tôi giả thiết là bà Anatole đang đứng trước một tấm gương trong căn nhà, với các bông tai ngọc tím lớn của Sanguinetti đeo tai.

Một hôm cậu bảo tôi là quyết định mua cho nàng một món trang sức, và rất ao ước được tôi đến chọn lựa giúp. Tôi lên án cậu tiêu tiền phí phạm, nhưng cũng vui vẻ bằng lòng đi cùng cậu tới ông bán hàng trang sức. Cậu dẫn tôi đến Palais Royal(5), và ở đó trước sự kinh ngạc của tôi, cậu đưa tôi vào một trong các cửa hàng hào nhoáng ở mặt tiền có bảng chỉ dẫn thật thà với những chữ vàng chóe: “Mô phỏng”. Ở đó, người ta có thể mua mọi thứ đá lấp lánh với số tiền rất khiêm tốn, và trả giá thấp cho thị hiếu kém cỏi về sự chói lọi. Và sự chói lọi là thực tế, sự lóng lánh của các trang sức giả dường như rất tự nhiên. Đó chỉ là một mối lo ngại, như người ta nói, cản trở mua đồ châu báu trong các cơ sở tiện lợi này; ngay cả nếu chủ nhân đưa ra nhận xét tinh tường là thêm năm mươi ngàn quan (ví dụ) là cao quá để trả cho một cảm xúc. Tuy nhiên, từ sự mê tín đắt đỏ ấy, tôi cho rằng Sanguinetti phạm tội.

- Cậu không sắp mua một trang sức thật chứ? tôi hỏi.

Cậu ta có vẻ hơi khó chịu.

- Chắc thế. Tuy nhiên, tặng quà với đồ trang sức giả ư? Cậu biết không, càng đẹp, chúng càng kệch cỡm.

- Tôi có nghĩ tới điều đó, bạn tôi nói, và thú thật là tự thấy xấu hổ. Tôi thích tặng nàng một món trang sức thật. Nhưng, anh thấy đấy, tôi ưa kim cương và ngọc lam, mà một món trang sức vào loại ấy trị giá một trăm ngàn quan. Là quá nhiều với… với… Với vợ người sửa tóc ư? Tôi tự bảo.

- Vả lại, bạn đồng hành tôi tiếp, nàng chẳng nhận ra sự khác biệt đâu.

Tôi nghĩ là cậu ta hạ thấp trí thông minh của nàng: một phụ nữ Paris xinh đẹp theo bản năng biết đánh giá đồ trang sức. Tôi nhớ ra là hiếm khi cậu nói về tri thức mà chỉ phô trương nhan sắc và vẻ dịu dàng của nàng. Vì thế tôi tham dự vào việc mua hai trăm quan một vòng đeo cổ chói lọi, và một găm tóc bằng đá vùng Golconde(6). Niềm say mê của cậu rõ là một việc hoàn toàn kỳ cục, mang theo sự quái gở không hơn không kém. Cậu tuyên bố, vả lại ở nhà đã có một bộ sưu tầm khả quan đá nhân tạo, và những thứ mới mua sẽ là một bổ sung thú vị cho biển treo hàng mới của cậu.

- Tôi sẽ cho nàng đeo tất cả, cậu kêu lên.

Nhưng tôi tự hỏi chẳng hay nàng có chấp nhận thế không.

Ngay chiều hôm ấy, tôi dừng lại trước cửa tiệm để nhìn vào, nếu có thể, xem vợ ông thợ cạo mang trang sức lộng lẫy đến chừng nào. Hiếm khi tôi cảm thấy hạnh phúc về những ý muốn dò la; và lần này nữa, tôi bị hụt hẫng. Rồi khi quay gót đi, tôi cảm nhận điều gì đó mách bảo tôi là nàng chế nhạo người bạn thân yêu của tôi. Trên tượng bán thân hớn hở của một trong các búp bê lớn bằng sáp ở tủ kính, lấp lánh một vòng đeo cổ những hạt lóng lánh hiển hiện sự tương tự đập vào mắt, vật phẩm mà tôi đã giúp Sanguinetti chọn lựa. Nàng đã nhường tặng lễ của người tình cho bông hoa ấn tượng này, phải nhận là cho đối tượng thích hợp một cách lạ lùng.

Và tuy nhiên, tôi tự nhầm lẫn về các phán đoán của mình. Một tuần lễ sau, Sanguinetti đến nhà tôi với vẻ mặt rạng rỡ, báo tin hiện thực ước mơ của cậu.

Nàng là của tôi! Nàng là của tôi! của riêng mình tôi! - Cậu hét lên và lao vào chiếc ghế bành.

- Nàng đã rời cửa hàng à? Tôi hỏi.

- Tối hôm qua… vào lúc mười một giờ. Chúng tôi đi bằng xe ngựa.

- Nàng đang ở nhà cậu à?

- Mãi mãi! Cậu nói với giọng ngây ngất.

- Xin chúc mừng, bạn thân mến!

- Điều đó chẳng dễ dàng gì, cậu tiếp. Nhưng tôi đã mang nàng trong vòng tay. Tôi lại chúc mừng, và bày tỏ niềm tin là nàng hạnh phúc; và cậu quả quyết nàng có một biểu cảm trong trắng tràn trề hạnh phúc: có cái gì đó trong đôi mắt cậu. Cậu nói thêm là tôi cần đến thăm nàng ngay; cậu nóng lòng giới thiệu với tôi.

- Không gì có thể làm tôi có niềm vui lớn lao hơn, tôi trả lời; nhưng trong khi chớ đợi, thế ông chồng nói gì?

- Ông ta cằn nhằn một chút, nhưng tôi đã đưa cho ông ấy năm trăm quan.

- Cậu đã thoát ra được rẻ đấy, tôi bảo. Và tôi hứa đi thăm bạn gái mới của bạn tôi ngay khi có phút rảnh rỗi đầu tiên. Nhưng tôi lại gặp cậu ba hay bốn lần trước đó, và cậu cam đoan với tôi là nàng đã làm cho cậu thành một người đàn ông hạnh phúc.

- Mỗi lần tôi ao ước mãnh liệt một điều mà tôi đã chờ mong, và cuối cùng đạt được, tôi luôn tràn đầy hạnh phúc trong tháng tiếp đó, cậu nói. Nhưng tôi tin là lần này niềm vui của tôi sẽ kéo dài lâu hơn.

- Nó sẽ bền lâu, tôi hy vọng, cũng lâu dài như nàng lâu bền vậy!

- Tôi chắc thế! Đó là loại đồ vật… phải, anh có thể cười đi… mà tôi đạt được hạnh phúc của mình.

- Cậu chẳng phức tạp đâu, tôi bác lại.

- Tất nhiên, nàng sẽ hỏng mất, cậu nói tiếp sau một lúc.

- Ôi, tôi nói, cậu phải chăm nom nàng rất cẩn thận.

Một hay hai ngày sau đó, tôi theo cậu về nhà. Các gian phòng thật đẹp đẽ, từ sàn đến trần nhà phủ đầy những “vật xinh đẹp” của chủ nhân - đồ đồng và thảm trải, mề đay bằng đất nung và những vật quý bằng sứ. Có nhiều bàn và các tấm kính nhỏ chất đầy các báu vật tương tự; nơi này là một bảo tàng nhỏ tuyệt vời. Sanguinetti đưa tôi đi qua hai hay ba phòng gì đó, rồi dừng lại trước một cửa sổ, mà gần đó, nửa che khuất bởi tấm ri đô, một phu nhân đang ngồi, đầu quay đi, mắt nhìn xa xăm. Dù rằng chúng tôi đến, nàng vẫn bất động cho đến khi bạn tôi tới gần, ôm thân hình nàng với một cử chỉ lịch thiệp và yêu thương. Do vậy, nàng từ từ quay lại và hướng bộ mặt xinh đẹp sáng lòa và đôi mắt điềm nhiên về phía tôi.

- Tiếc quá nàng kêu cọt kẹt, bạn đồng hành tôi nói trong khi tôi cúi mình thi lễ. Thế là tôi hiểu ra, vừa lạ lùng, vừa thích thú nguyên do các tiếng cọt kẹt ấy. Nàng chỉ hiện hình từ thân đến đỉnh đầu, và chiếc váy nhung đỏ bao phủ một bệ đài khéo léo. Sanguinetti lại quay nàng vòng nữa một cách tình tứ, và nàng lại từ từ quay tròn trên trụ, với một tiếng nghiến nhẹ nhàng. Nàng cũng phô bày như thế về phía sau đầu, nơi những bím tóc tết tuyệt mỹ đổ xuống đôi vai tròn lẳn bằng sáp. Đó là con búp bê ở bên phải tủ kính của ông thợ cạo - cô tóc vàng! Như Sanguinetti đã nhận xét, cử động của nàng là đặc biệt đáng khen ngợi; và trong mọi vật phẩm đẹp đẽ mà cậu ta sở hữu, chắc chắn Rose Agathe là xinh đẹp nhất.

Thái Thu Lan(*) dịch
(Theo bản dịch “Rose Agathe” của Jean Pavans Ed. Minos - La Différence. Paris, 2010)  
(TCSH347/01-2018)


-----------------  
(*) Tiến sĩ Văn học, Nhà giáo ưu tú, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hồchí Minh.  
(1) Tên riêng. Thêm tên thánh, Agathe (sinh ở Palerm e, Ý. Trinh nữ, tuẫn tiết vì đạo. Được phong  thánh, lễ 5 - 2.
(2) Nhà thơ quý tộc Anh (1809 - 1892) của thời đại nữ hoàng Victoria.  
(3) Antoinette Poisson, hầu tước phu nhân, quý phi của vua Louis XV (1745 - 1751). Người bảo vệ  Văn học, Nghệ thuật.
(4) Dresden. Thành phố phía đông nước Đức, bên sông Elbe. Một trong những bảo tàng phong phú  nhất Âu châu.
(5) Xây dựng năm 1633 cho Richelieu - phụ chánh đại thần của vua Louis XIII. Nay phần lớn là nơi  lưu trữ các tác phẩm mỹ thuật.
(6) Thành phố xưa của Ấn Độ. Bị tàn phá nám 1867. Nơi, nhiều Vua Thổ Nhĩ Kỳ tích chứa châu báu.  
 



 

Các bài mới
Mẹ (14/02/2018)
Phố Phái (13/02/2018)
Cõi một (31/01/2018)
Các bài đã đăng
Độc thoại (26/01/2018)
Vào xuân (23/01/2018)