Tạp chí Sông Hương - Số 348 (T.02-18)
Con chó khóc đứng khóc ngồi
08:19 | 09/02/2018

NGUYỄN DƯ   

Họ hàng nhà chó thật đông đúc. Khắp năm châu bốn bể chỗ nào cũng có chó. Chó kiểng, chó săn, chó chân dài, chó tí hon. Chó Bắc Kinh, chó Chihuahua, chó Phú Quốc…

Con chó khóc đứng khóc ngồi
Thổi hồn vào đá - Ảnh: Phạm Bá Thịnh

Nước ta có ba giống chó quý là chó sủa gâu gâu, chó đá ngồi trơ trơ nhìn thiên hạ và chó rơm, chó cỏ bị hắt hủi, quăng bỏ ngoài đường.

*

Chó sủa gâu gâu

Số phận con chó bằng xương bằng thịt của ta thì ai cũng đã biết. Thật đáng thương. Ăn thì bữa đói bữa no. Làm thì chẳng từ chuyện gì. Dọn cho thằng cu, liếm cho cái đĩ mỗi lần chúngbậy ra nhà. Nào là canh trộm ban đêm, canh người lạ ban ngày.

Thế mà còn bị…

Một người cưỡi ngựa đi đến đầu làng kia, có con chó đang ngủ giữa đường, bỗng giật mình thức dậy, đuổi  theo con ngựa, sủa cắn mãi, làm cho con ngựa sợ, chạy lồng lên.

Người cưỡi ngựa tức giận vô cùng, muốn giết ngay con chó, mới bảo rằng:

- Tao mà có súng, thì cho mày một phát là hết cắn. Nhưng mà được, tao đã có cách làm cho mày chết.

Nói xong, người kia chạy đến giữa làng, kêu to lên rằng:

- Chó dại! Chó dại!

Những người xung quanh đấy, nghe tiếng kêu chó dại, liền vác gậy, vác xẻng ra đuổi đánh chết con chó.

Gớm thay cho lời nói của người ta, có khi giết hại được hơn là đồ binh khí!(1)

Chó chạy ra đường không xem hướng, xem giờ. Bị chụp mũ, mất mạng. Tuổi thơ há mồm ngồi nghe thầy giảng. Ù ù cạc cạc, không hiểu ý nghĩa bài học. Chỉ thấy sợ chó.

Chó nước ta được sinh ra trên mảnh đất đậm đà ẩm thực. Nhiều quán nhậu.

Con chó nhà kia bị chủ hóa kiếp. Xuống âm phủ, chó bị Diêm Vương gọi ra hỏi tội.

- Đồ chó chết kia, ai cho mi được vinh dự gặp ta?

Chó run sợ, mếu máo kể lể:

- Tâu Diêm Vương, con ăn ở hết lòng với vợ chồng chủ con từ tấm bé. Nào trông nhà, nào dọn đồ dơ. Vậy mà con vẫn còn bị chúng nó đánh chửi, hủy hoại cả cáithú vị của con. Đau quá Diêm Vương ơi. Đời mà hết động cỡn, sống âm thầm như một hoạn quan, thì còn gì là đời. Tuần vừa qua, nhà chúng nó bỗng vui như mở hội. Nào rượu, nào mẻ, riềng tỏi, lạc rang, rau thơm, rau húng. Thân con bị băm vằm, chia năm xẻ bảy. Tưng bừng lá vông. Rựa mận, tiết canh, dồi, gan. Nướng, xào, luộc, rim…

Diêm Vương nuốt nước miếng, cắt lời chó:

- Đừng nói nữa kẻo… tao thèm. Trông mày hơ hớ thế kia thì ai mà chả muốn đánh mày.

Chó bẽn lẽn… toát mồ hôi lạnh.

- Mày bị giết oan, tao cho đi gác Cầu Vòng. Chờ ngày bọn khốn nạn kia xuống đây, cho mày bẻ răng, xẻo lưỡi, móc mắt chúng nó.

Diêm Vương cho chó chơi trò cân phúc, cân tội! Có tiếng xì xào: Phen này chúng mày sẽ biết… mõm ông. Nhưng…

- Con không biết trả thù. Con chỉ xin Diêm Vương bắt chúng nó từ nay phải tôn trọngcẩu quyền,thú vị, cho con được nhờ.

- Khá khen thay. Hôm nay ta học được bài học Có dung người dưới mới là khuyển trên. Ta sẽ can thiệp…”.

Từ đó, trên dương gian bắt đầu có hội bảo vệ súc vật, có mĩ viện dành cho chó.

Đấy là chuyện dưới âm phủ. Chuyện trên trần gian cũng lâm li không kém.

Người Việt nổi tiếng, đúng hơn là bị mang tiếng, hay ăn thịt chó.

Sống trên đời ăn miếng dồi chó,
Chết xuống âm phủ biết có hay không.


Nhưng ai là người khởi xướng phong trào hạ cờ tây?

Sử ký Tư Mã Thiên kể rằng: Thời Xuân Thu (thế kỉ thứ 5 trước Công nguyên) nước Việt và nước Ngô quyết thôn tính nhau. Việt vương Câu Tiễn bị Ngô vương Phù Sai đánh bại, nhờ mưu của Phạm Lãi, Văn Chủng mà nước Việt khỏi mất. Phạm Lãi và Văn Chủng tiếp tục theo giúp Câu Tiễn trong suốt mười lăm năm. Kết quả là Câu Tiễn diệt được nước Ngô và xưng bá.

Phạm Lãi bèn bỏ đi từ nước Tề, gửi thư về cho đại phu Chủng nói:

- Chim đã hết thì cung tốt phải cất, thỏ khôn đã chết thì chó săn bị nấu (Điểu tận cung tàng, thỏ tử cẩu phanh). Vua Việt là người cổ dài, miệng diều hâu có thể cùng lo lúc hoạn nạn, nhưng không thể cùng vui sướng với ông ta. Sao ông lại không bỏ đi?(2)

Phạm Lãi cho chúng ta biết người Trung Quốc cũng ăn thịt chó. Rất có thể trước cả người Việt Nam.

Dân nhậu ngồi trong quán nhỏ, xem trời bằng cái vung nồi lẩu, cứ bô bô… tự hào bậy!

Hầu hết chó ở Việt Nam đều an phận sống cuộc sống bình thường của chó. Nghĩa là ăn, ngủ, chạy rông, trừ những lúc nổi hứng… a dua bạn bè:

Con chó đi gặp con gà trống mới chào, rồi nói:

- Tôi trông cho gặp anh một chuyến, mà hỏi một chuyện. - Con chó mới hỏi: Trời phú tính cho anh hay, chớ phải chơi sao! Sao lại biết canh ba, lại khi gần sáng dậy mà gáy; ngày ngày cũng vậy.

Con gà nói:

- Cái là trời đã phú tánh hễ tới chừng thì gáy. - Rồi con gà mới hỏi: Còn như anh làm sao anh biết có người đi mà sủa?

- Vốn cái tâm tôi thuộc đất: hễ động đất là động tới tâm tôi, nên tôi biết.

- Mà khi anh nằm dưới đất thì làm vậy, chớ như khi anh nằm trên ván, thì biết sao được mà sủa?

- Chừng tôi ở trên ván, nghe chúng sủa, thì tôi bắt chước sủa hùa theo mà thôi.(3)

Con chó thành thật, dễ thương. Không biết nó có hùa theo bạn bè cắn càn người lương thiện không?

Chó ở Việt Nam thông minh. Cứ nghe chó giãi bày tâm sự với đám trâu, ngựa, dê, gà, lợn thì đủ hiểu:

(…)

Khi sống thì gìn giữ của đời
Khi thác xuống giữ cầu âm giới
Người có phước muông đưa ra khỏi
Ai vô nhơn, qua chẳng đặng đâu
Chủ có lòng suy trước, xét sau
Khi lâm tử, gạo tiền tống táng
Chủ đã có công dày, ngãi rộng
Muông dễ không tiếp rước đãi đưa…

            (Lục súc tranh công)

Thật khó tin! Chó chết được chủ lo gạo tiền, tống táng. Nước ta có chủ nào tử tế với chó đến mức như vậy không? Có chứ!

Thành ngữ Tiền cột cổ chó được Tự vị Huỳnh Tịnh Của giải nghĩa là: “Ngu tục hiểu con chó chết rồi, hồn nó xuống giữ cầu âm giái, cho nên phải cột tiền hối lộ mà tống táng, họa ngày sau nó đã không cắn mà lại đưa mình qua cầu âm ti”.

Chủ kia chắc là ăn ở cũng khá lem nhem, sợ bị Diêm Vương chiếu cố. Hắn lo móc nối, sửa soạn đi “đấm mõm” chú chó cai tù tương lai của âm phủ. Người mong được chó rủ lòng thương! Chó ở Việt Nam đáng nể thật!

Trước hiện tượng Tiền cột cổ chó, giới khoa học nước ta tỏ ra lo ngại, tranh cãi sôi nổi. Phe theo thuyết tiến hóa thì cho rằng chó truyền bệnhcột tiềnsang người. Phe khác phản bác, dựa vào lịch sử xã hội để chứng minh rằng người truyền bệnhcột tiền sang chó.

Tuy chưa có kết luận thống nhất nhưng cả hai phe đều đồng ý với nhau trên một điểm là người giống chó, chó giống người, cả hai cùng biết loay hoay kiếm sống.

Dân đen gọi những ông hèn kém mà lại có địa vị cao, hợm hĩnh là Chó nhảy bàn độc. Bàn độc là bàn ngồi đọc sách, còn được hiểu là bàn bày đồ thờ. Có người diễn Nôm: Độc là chất độc, một loại bả. Nghe cũng hay hay.

*

Chó đá

Ngày xưa, nước ta có Chó đá (Thạch khuyển).

Lần kể xuân thu biết mấy mươi
Cửa nghiêm thăm thẳm một mình ngồi…

            (Hồng Đức quốc âm thi tập)

Người ta đặt chó đá để canh giữ chỗ thờ phụng.

Đời sau, nhiều làng bắt chước chôn chó đá để yểm trừ ma quỷ, bảo vệ dân làng. Ban đầu chôn ở cửa đình, cửa chùa, rồi dần dần chôn cả ở cổng làng, đường làng.

Tiếp theo làng quê, đến lượt các nhà giàu cũng chôn chó đá.

Khi làm nhà, người ta tránh làm cửa ngõ nhìn thẳng vào trung tâm nhà. Người ta cũng tránh để con đường đâm thẳng vào nhà, tránh có đền chùa ở trước nhà. Nếu không tránh được những điều kị ấy thì người ta chôn ở trước nhà một con chó đá hay là treo một cái gương ở trên cửa chính để yểm tà khí. (4)

Hàng quý tộc chôn chó đá để canh giữ, bảo vệ chỗ thờ vua chúa. Nhà phong thủy chôn chó đá để thay đổi dương cơ, âm phần. Dân gian chôn chó đá để xua đuổi ma quỷ.

*

Chó rơm.

Những con chó kết bằng rơm (sô cẩu) khi chưa bày để cúng thì được cất kĩ trong rương hoặc giỏ, bao bằng gấm vóc, khi cúng xong rồi, người ta liệng chúng ra đường, người đi đường giẫm lên đầu, lên cổ chúng hoặc lượm về để nhóm lửa(5).

Chó rơm bị vứt ra đường, bị người ta giẫm lên, hoặc lượm về để nhóm lửa. Như vậy thì chó rơm không phải là đồ tế lễ của triều đình, vua chúa. Chó rơm là đồ cúng của dân gian. Bên cạnh chó rơm (hay chó cỏ) còn có rồng đất cũng là một đồ cúng.

Thành ngữ Chó cỏ rồng đất được giải nghĩa là:

Xưa kia ta cúng tế thường bện chó bằng cỏ, nắn rồng bằng đất để dùng lễ cúng; chừng cúng xong thì đem đi liệng bỏ. Nghĩa rộng của thành ngữ là: Người hoặc vật mà người ta hết cần dùng. Công thần đã đem mối nước lại cho nhà vua, mà bây giờ bị nhà vua sa thải(6).

Rồng là biểu tượng của vua chúa. Chó là con vật gần gũi dân đen. Tại sao chó cỏ lại nằm cạnh rồng đất trên bàn thờ?

Câu trả lời đơn giản là rồng (long) của dân gian khác rồng của vua chúa. Rồng của dân gian là con long xà (loài rắn lớn), con giao long (cá sấu, loài thủy quái).

Chó cỏ, rồng đất tượng trưng cho chó ngao, thuồng luồng, rắn giải dưới âm phủ. Người ta cúng lễ, cầu xin chó ngao, thuồng luồng, rắn giải đừng sát hại người chết lúc leo Cầu Vòng qua sông Nại Hà.

*

Chó trong văn học.


Văn học thỉnh thoảng cũng mượn hình ảnh con chó để ví von, bàn luận thế sự.

Nguyễn Văn Lạc chửi bọn làm tay sai cho thực dân Pháp:

Sống thì bắt thỏ thỏ kêu rêu
Thác thả dòng sông xác nổi phều…

                        (Chó chết trôi)

Nguyễn Gia Thiều than vãn cho cuộc đời phù du:

Lò cừ nung nấu sự đời
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương.

                        (Cung oán ngâm khúc)

Vân cẩu là đám mây hình con chó. Cuộc đời đổi thay nhanh như đám mây trắng bỗng chốc hóa thành hình chó xanh.

Có người lại muốn được làm chó:

Tâu rằng: Hổ phận ngu si,
Đem lòng khuyển mã đền nghì bể sông.

                        (Nhị độ mai)

Khuyển mã (chó ngựa) là lời tự khiêm của bầy tôi đối với vua hoặc tớ đối với chủ.

Ơ hay! Sao lại vàng thau lẫn lộn như thế? Bầy tôi có bổn phận của bầy tôi. Tớ có phong cách của tớ. Tại sao tôi tớ lại chơi trèo, đòi so sánh mình với chó ngựa? Vô tình hạ thấp uy tín của chó ngựa.

Cao Bá Quát mượn chuyện các quan cãi nhau để chửi khéo triều đình Tự Đức:

(…)
Hai bên cãi nhau
Bên này bảo chó
Bên kia cũng chó
Hai bên đều chó
Rồi họ đánh nhau…


Kinh nghiệm sống dạy người dân quê một điều:

Chó đâu chó sủa chỗ không
Chẳng thằng ăn trộm thì ông ăn mày


Ngoài nghĩa đen, nghĩa bóng, câu ca dao còn phản ánh nền đạo lí của ta. Ăn trộm, ăn cắp, ăn cướp, bất kể già hay trẻ, lớn hay bé, tất cả đều là thằng đáng khinh. Ngược lại, ăn mày rách rưới cũng được gọi bằng ông một cách kính trọng.

Ăn mày kiếm ăn giữa thanh thiên bạch nhật. Ăn trộm là phường chỉ thậm thụt, lén lút, bất kể ban ngày hay đêm khuya.

Chó cũng có đạo lí của chó: Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo. Chưa chắc chó đã thua người.

Các nước phương Tây ngày nay đã thành công trong việc huấn luyện chó để tìm ma túy, chất nổ. Người ta đang cố gắng dạy chó ngửi được những đồng tiền bẩn.

Chó nước ta thực tế. Không mơ mộng được cưng chiều. Chỉ mong giang sơn gấm vóc này giảm bớt những lò sát sinh treo cờ tây ngất nghểu. Bảy, tám món ăn chơi. Chín, mười món ăn thiệt. Bớt những tấm bảng hiệu chào khách lủng lẳng, cao gần bằng mái đình làng!

Con chó khóc đứng khóc ngồi
Ông ơi, bớt nhậu cho tôi được nhờ!


Trong ngôn ngữ hàng ngày, mọi người nên thận trọng để tránh ngộ nhận.

- Chó má là lời khen con nít mới đẻ xinh tốt, mà không dám nói ngay. Cây chó đẻ là một loài cỏ dùng làm thuốc chữa bệnh hậu sản (Huỳnh Tịnh Của).

- Đồ chó má là câu chửi, khinh thường người khác. Đồ chó đẻ là câu chửi tục tĩu.

Đúng như các cụ vẫn thường nói, cứ đụng đến đồ là hết trang nghiêm. Nhất là… đồ chó.

*

Chó Phú Quốc một thời nổi tiếng tại… miền Nam nước ta, nhờ công của Fernand Doceul.

Doceul là một viên chức hành chánh cao cấp hồi đầu thời Pháp thuộc. Ông làm việc tại nhiều tỉnh trong Nam Kì, chuyên phụ trách các vấn đề vệ sinh, chỉnh trang thành phố và các lợi ích công cộng.

Năm 1886, Doceul rời Nam Kì trở về Pháp. Ông mang theo 4 con chó Phú Quốc (2 con đực, 2 con cái) về tặng Vườn bách thảo Paris để thử nuôi. Giống chó Phú Quốc đặc biệt có bờm lông dọc sống lưng. Âu châu không có giống chó này(7).

Nhưng, không thấy Pháp cho biết kết quả nuôi chó Phú Quốc đi đến đâu.

Lyon, 11/2017
N.D  
(TCSH348/02-2018)

-------------
(*). Cờ tây nói lái thành cầy tơ
1. Quốc văn giáo khoa thư, lớp sơ đẳng, 1948.
2. Sử ký Tư Mã Thiên, tập 1, Văn Học, 1988, tr. 261.
3. Trương Vĩnh Ký, Chuyện đời xưa, Sudasie, 1994, tr. 53-54.
4. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Đông Nam Á, 1985, tr. 179.
5. Nguyễn Hiến Lê, Lão Tử - Đạo đức kinh, Văn Hóa, tr. 171.
6. Diên Hương, Thành ngữ điển tích, Phương Lai, 1954, tr. 80.
7. Antoine Brebion, Dictionnaire de bio-bibliographie générale de l’Indochine Française, Paris, 1935.  




 

Các bài mới
Bến mê (28/02/2018)
Mãi là mùa xuân (22/02/2018)
Điệp khúc xuân (17/02/2018)
Các bài đã đăng