Tạp chí Sông Hương - Số 348 (T.02-18)
Bàn thêm về bài chòi
08:57 | 09/02/2018

PHÙNG TẤN ĐÔNG  

1. Bộ bài chòi - một sản phẩm của giao lưu văn hóa

Bàn thêm về bài chòi
Chơi Bài chòi liên quan đến một trò chơi thẻ bài trong chòi tre vào Tết Nguyên đán. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Bộ bài chòi từ trước đến nay là bộ bài lá vốn được người chơi dùng để chơi bài Tới. Bài Tới - theo định nghĩa của học giả Huỳnh Tịnh Paulus Của trong sách Đại Nam Quốc âm tự vị (1896) là “thứ bài bắt cặp, ai bắt được đủ cặp trước thì gọi là “tới”, nghĩa là đến trước, rồi cũng được ăn tiền”(1). Lâu nay các nhà nghiên cứu đã cất công đi tìm nguồn gốc của bộ bài Tới. Dựa vào việc in ấn theo kỹ thuật in mộc bản bộ bài ở làng Sình (làng Lại Ân, Huế) và các hộ người Hoa ở vùng Gia Hội, gần chợ Đông Ba vào dịp trước Tết - nhà nghiên cứu Huỳnh Hữu Ủy cho rằng “Nếu bài chòi là một thú chơi hoàn toàn Việt Nam, do người Việt tự nghĩ ra, không vay mượn của nước nào thì bài Tới cũng thế, rất Việt Nam, cả hình thức cũng như nội dung. Ở miệt Huế và Quảng Nam, trong dân gian có bài vè “Nghe vẻ nghe ve - nghe về bài Tới - cơm chưa kịp xới - trầu chưa kịp têm - tôi đánh một đêm - thua ba tiền rưỡi - về nhà chồng chửi - thằng Móc thằng Quăn - đánh sao không ăn… mà thua lắm bấy…”(2) Nhà thơ, nhà nghiên cứu Quách Tấn (quê Bình Định) cho rằng bài chòi ở làng ông “người ta dùng bộ bài tam cúc 27 cặp, đem mỗi lá bài dán vào một thẻ tre. Bộ bài chia ra làm đôi: một nửa bỏ vào ống do người hô (hiệu) giữ, một nửa đem phân phối cho các chòi mỗi chòi ba lá…”(3). Nhà văn, nhà nghiên cứu Võ Phiến thì lại cho rằng: “Bộ bài tam cúc dùng đánh bài chòi không phải là bộ tam cúc 32 lá thông dụng. Giữa đôi bên chỉ giống nhau có cái tên gọi mà thôi. Thứ bài tam cúc 32 lá vẫn lưu hành từ Nam tới Bắc thuộc hệ thống bài tứ sắc. Nó gồm những xe, pháo, mã, tướng, sĩ, tượng v.v, nó hình dung hai lực lượng tham chiến đối đầu nhau, như trên ván cờ tướng. Còn bộ bài chòi gồm ba pho: văn, vạn, sách (ở đây lại có sự trùng tên với tài bàn, tổ tôm nữa. Nhưng rồi ta sẽ thấy cũng chỉ trùng nhau ở ba tên gọi ấy thôi). Pho văn có 9 cặp: Chín gối, Nhì bánh, Ba bụng, Tứ tượng, Ngũ rún, Sáu miểng, Bảy liễu, Tám miểng, Chín gan. Pho vạn có 9 cặp: Nhất trò, Nhì bí, Tam quăn, Tứ ghế, Ngũ trợt, Lục chạng, Thất vung, Bát bồng, Cửu chùa. Pho sách cũng có 9 cặp: Nhất nọc, Nhì nghèo, Ba gà, Tứ xách, Ngũ dụm, Sáu bường, Bảy sưa, Tám dây, Cửu điều. Ngoài ba pho (9x3 = 27 cặp) còn có 3 cặp yêu (quái): một cặp Ông ầm, một cặp Thế tử, một cặp Bạch huê”(4).

So sánh Pho Văn


Như vậy về tên gọi, cách chơi bài rõ ràng là cách gọi, cách chơi của người bình dân Việt Nam nhưng người sáng tạo ra các quân bài là ai và nguyên lai bộ bài là từ đâu thì câu hỏi vẫn còn bỏ ngõ. Các nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, Nguyễn Đại Phúc có khảo về cách gọi các pho của bài Tới có liên quan đến loại bài giấy thời cổ của Trung Quốc gọi là Diệp tử: “Diệp tử tương truyền xuất hiện từ thời Đường, thịnh hành vào thời Minh, Thanh. Diệp tử có hai loại, một in theo điểm số của bài xương in ra, ở giữa in một số hình tượng nhân vật trong hí khúc hoặc Thủy Hử (đây là thứ bài phiên bản của bài xương, nhưng nhờ đổi từ xương sang giấy nên phổ biến rộng rãi hơn bài xương vì dễ chế tác, giá thành thấp), hai là loại bài Mã điếu diệp tử, làm bằng giấy, rộng một tấc, dài ba tấc dùng nhiều lớp giấy bồi rồi in lên. Loại bài này có 40 lá, dựa vào hình họa chia làm bốn môn/pho như sau: 1/ Thập tự (chữ Thập) có 11 lá, trên mỗi hình có vẽ những nhân vật trong Thủy Hử: Tống Giang (lá Tôn Vạn Vạn quan), Võ Tòng (lá Thiên Vạn) Nguyễn Tiểu Ngũ (lá Bách Vạn), Nguyễn Tiểu Thất (lá Cửu Thập) Chu Đồng (Bát Thập)… Hồ Tam Nương (Nhị Thập); 2/Vạn tự (chữ Vạn) có 9 lá, trên mỗi lá cũng vẽ hình các nhân vật trong Thủy Hử: Lôi Hoành (lá Tôn cửu Vạn quan), Sách Siêu (Bát Vạn), Tần Minh (Thất Vạn), Sử Tiến (Lục Vạn), Lý Tuấn (Ngũ Vạn), Sài Tiến (Tứ Vạn), Quan Thắng (Tam Vạn), Hoa Vinh (Nhị Vạn), Yến Thanh (Nhất Vạn); 3/Sách tự (chữ Sách) có 9 lá, trên mỗi lá vẽ quan tiền: lá Tôn Cửu sách (vẽ 4 chồng, mỗi chồng 2 quan, một quan nằm riêng), lá Bát sách (vẽ 4 chồng, mỗi chồng 2 quan), lá Thất sách (vẽ 3 chồng mỗi chồng 2 quan, một quan nằm riêng), lá Lục sách (vẽ giống hai cây cầu, trên bộ dưới nước), lá Ngũ sách (hình như quẻ Cấn), lá Tứ sách (hình như 2 vòng ngọc), lá Tam sách (hình như chữ “phẩm”), lá Nhị sách (hình như quẻ Chấn), lá Nhất sách (hình như cái chĩa); 4/Văn tiền có 11 lá, phía trên vẽ các loại đồ hình: lá Tôn không một văn (vẽ hình “Ba tư tiến bảo”), lá Bán văn (hình hoa quả), lá Nhất tiền (hình như thái cực), lá Nhị tiền (hình trống “yêu cổ”), lá Tam tiền (hình quẻ Càn), lá Tứ tiền (vẽ hình như vòng móc vào nhau), lá Ngũ tiền (vẽ hình Ngũ Nhạc - 5 ngọn núi lớn), lá Lục tiền (vẽ hình như quẻ Khôn), lá Thất tiền (vẽ hình như chòm sao Bắc Đẩu), lá Bát tiền (vẽ hình “Ngọc Côi”), lá Cửu tiền (vẽ hình ba ngọn núi chồng lên nhau). Bài Mã Điếu lưu hành từ niên hiệu Vạn Lịch đời Minh, đến đời nhà Thanh đổi thành bài Mặc Hòa, chỉ còn lại ba môn: Vạn tự, Sách tự và Văn tiền. Cách đánh bài: 4 người một sòng, mỗi người rút 10 lá bài, tổ hợp ba, bốn lá cùng pho làm một bộ (hiểu là ghép từ 3 lá trở lên của các con bài cùng một pho, giống như “phu dọc” trong chơi tổ tôm; hoặc giống như “sảnh” trong chơi xập xám hay phé/bài tây), hoặc tổ hợp giống như “phu bí” trong chơi tổ tôm, tức ghép ba lá cùng số (nhất, nhị,… cửu) thuộc cả ba pho. Người tổ hợp đủ ba bộ/phu là thắng”(5).

So sánh Pho Sách


Các bộ bài tiền thẻ rất đa dạng gồm có Thủy Hử bài, Tiền Thẻ Bài, Thiên Tân nhạc vui, Tào Châu Bài, Dương Gia Tướng Bài… đều lấy các ký hiệu mệnh giá tiền tệ (tiền xu, dây chuỗi tiền xu, và 10 ngàn (Vạn)) với nhiều cách chơi khác nhau. Nhìn chung bộ bài Thẻ tiền gắn với triết lý đời sống xã hội Trung Hoa khi người Hoa quan niệm số 10 là toàn số và vì thế nó không phải là số, số chỉ có từ 1 đến 9. Nhưng muốn 9 số có thể có ý nghĩa và thống nhất với nhau thì phải có thêm một quân đặc biệt để làm cho số từ 1 đến 9 trở nên toàn vẹn đó là quân Yêu hoặc quân Quái. Hàng Văn là tiền xu lẻ, có mệnh giá thấp (quân 1 vẽ biểu tượng vòng tròn âm dương - chỉ sự tuần hoàn hằng thường mãi mãi theo nguyên lý âm - dương; quân Quái - giá trị cao nhất gọi là Hoa Đỏ vẽ hình bông hoa và một cậu bé, được đóng hai dấu đỏ - chỉ rõ mức độ sở hữu và chi tiêu tiền bạc vì trẻ con chưa làm ra tiền và chỉ chi tiêu tiền lẻ. Hàng Sách là dây, chuỗi tiền mệnh giá hàng trăm, vẽ dây và nút thắt, hình chim sẻ gợi ý tả sự sung mãn của nghề nông. Quân Quái trong hàng Sách, mệnh giá cao nhất được biểu thị bằng một bông hoa trắng và 3 ngọn núi nổi lên từ sóng. Hàng Vạn là hàng có mệnh giá cao - biểu thị bằng các doanh nhân, hình đàn ông, tầng lớp giàu. Quân Quái hiểu như ông Trùm hay ông Tổ. Như vậy hàng Văn để chỉ tầng lớp lao động. Hàng Sách chỉ tầng lớp trung lưu và hàng Vạn là tầng lớp trên trong xã hội nam quyền.

So sánh Pho Vạn


Bộ bài tiền thẻ của Trung Hoa có dấu tích rõ nét ở nước ta là ở bộ bài Tới, bài Chòi hiện nay. Nhà nghiên cứu Trần Gia Anh đã so sánh từng pho trong hai bộ bài để tìm thấy những nét tương đồng (xem hình 1, 2, 3).

“Pho Văn của bộ bài Tới: Chín Gối, Bánh Hai, Bánh Ba, Tứ Tượng (Dái Voi), Ngũ Rún (Ngũ Ruột), Sáu Tiền (Sáu Miểng), Bảy Liễu, Tám Tiền (Tám Miểng), Cửu Xe và quân Yêu (Quái) là Thái Tử.

Quân 1 Văn của bài thẻ tiền vẽ hình Âm Dương và vòng tròn tuần hoàn. Quân Gối ở bài Tới vẽ chín vòng tròn nhỏ nhỏ và vòng tuần hoàn. Như vậy, hình minh họa của hai bộ bài tuy có chi tiết khác nhau nhưng vẫn cùng một ý nghĩa triết lý - Trời định, mọi sự vận động tuần hoàn theo quy luật Âm Dương. Ở bài Tới dùng 9 vòng tròn nhỏ để đại diện cho Trời (người xưa coi số 9 đại diện cho Trời, Vua, Hoàng Đế). Ý nói - sự vận động đồng tiền khởi từ 1 xu là do trời định. Các quân khác từ 2 - 9 giống nhau hoàn toàn về bố cục, chỉ khác đôi chút đường hoa văn. So hai quân Quái (Yêu) là Hoa Đỏ và Thái Tử (có dấu đỏ) đều phản ánh con trai. Hình họa cơ bản giống (chúng ta lưu ý quân Quái Chi Chi (có dấu đỏ) trong hàng Văn của bài Tổ Tôm cũng phản ánh con trai). Pho Sách trong bộ bài Tới: Nọc Đượng (Thược), Nhì Nghèo, Ba Gà, Tứ Dóng, Ngũ Dụm (Ngũ Dày), Sáu Hột (Sáu Bường), Bảy Sưa, Tám Dây, Cửu Mỏ (Đỏ Mỏ) và quân Quái (Yêu) Bạch Tuyết (Bạch Huê). Pho Sách trong bộ bài Tới về cơ bản giống pho Sách trong bài Thẻ tiền về hình họa, bố cục, chỉ khác quân 9 ở bộ bài Tới thì không có dấu đỏ. Hai quân Quái là Hoa Trắng và Bạch Tuyết cũng tương đồng phản ánh màu trắng về phụ nữ (chúng ta lưu ý quân Thang Thang thuộc pho Sách trong bài Tổ Tôm cũng phản ánh người phụ nữ). Pho Vạn trong bộ bài Tới: Nhứt Trò (Học Trò), Nhì Đấu (Nhì Bí), Tam Quăng, Tứ Dóng (Tứ Cẳng, Hương), Ngũ Trợt (Ngủ), Lục Xơ (Lục Chạng/Trạng; Lục Chuôm), Thất Dọn (Nhọn, Thất Vung), Bát Bồng, Cửu Thầy. Quân Quái: Ông Ầm. Các hình người đàn ông trong hai pho Vạn ở bộ bài Tới và bài Thẻ tiền có nét vẽ không mấy giống nhau nhưng cùng một bố cục, đặc biệt các chữ Hán trong mỗi quân bài thì vẫn không thay đổi. Quân Quái là ông Trùm hay Cố tổ trong bài Thẻ tiền thì ở bài Tới gọi là Ông Ầm. Cả hai quân đều đóng dấu đỏ. Điều này cho thấy hàng Vạn trong hai bộ bài là trùng khớp”
(6).

Như vậy bài lá Trung Hoa mà cụ thể là bộ bài tiền Thẻ có xuất xứ từ Quảng Đông vào miền Trung Việt Nam qua một quá trình biến đổi, phân hóa cách tạo hình, cách chơi (qua tiếp biến, giao lưu văn hóa Việt - Champa - Hoa - Nhật…), vì thế rất có thể là “tiền thân” của bộ bài Tới - bài Chòi và khi du nhập vào miền Bắc, bộ bài đã được chơi với 120 quân với lối chơi “Kán ú” (Khan hoo), dân gian gọi là Tụ Tam - Tổ Tôm.

Bài Tiền thẻ được cho là du nhập vào miền Trung nước ta khoảng giữa thế kỷ XVII về sau (1650 - 1700)(7) hay sớm hơn khi có thuyết cho rằng do ông Đào Duy Từ (1572 - 1634) từ Thanh Hóa mang vào(8).

2. Gìn vàng giữ ngọc cho hay…

Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam vừa được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại ngày 7/12/2017 tại Phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc. Bài Chòi được nhận diện là một loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học.

Bài Chòi có hai hình thức thể hiện chính là trò chơi bài - “chơi bài Chòi” và “trình diễn bài chòi”. Chơi bài chòi liên quan đến trò chơi bài lá (bài Tới) bằng các quân bài thẻ trên chòi tre vào dịp Tết Nguyên Đán âm lịch. Trình diễn bài Chòi liên quan đến việc diễn xướng nghệ thuật trong việc hô hát tên các quân bài. Những người lưu giữ nghệ thuật bài chòi là những nghệ nhân dân gian hô hát - những anh hiệu, chị hiệu, những nghệ nhân khắc in, làm bộ bài tới, làm thẻ để dán quân bài, những nghệ nhân dựng và trang trí chòi, các nhạc công: trống chiến, nhị (đàn cò), nguyệt… và người chơi bài (cộng đồng xóm, làng, khối phố…). Theo Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản phi vật thể, hồ sơ đề cử di sản phi vật thể Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam đáp ứng những tiêu chí để đăng ký vào Danh sách di sản phi vật thể đại diện của nhân loại bởi: “Nghệ thuật Bài Chòi là một hoạt động văn hóa quan trọng trong cộng đồng làng xã, đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng. Các câu chuyện trong Bài Chòi - đúng hơn là nội dung hô câu thai (câu hô hát) - là những bài học đạo đức, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, sự gắn kết cộng đồng và những kinh nghiệm trong cuộc sống của người dân”. Hồ sơ đề cử đã chỉ ra được vai trò quan trọng của người lưu giữ di sản. Bài chòi là di sản của cộng đồng. Việc truyền dạy di sản thường diễn ra trước hết trong phạm vi gia đình, các nhóm sở thích, câu lạc bộ và cộng đồng làng xóm, khối phố. Bài Chòi cũng được truyền dạy trong nhà trường và việc thực hành nghệ thuật cũng thúc đẩy sự bình đẳng về giới tính cũng như sự tôn trọng lẫn nhau giữa các cá nhân thực hành, giữa các cộng đồng…

Bài Chòi hấp dẫn người chơi/xem trước hết bởi tính trò chơi. Chơi đây là trò chơi bài bạc, cụ thể đây là một loại bài lá tên là bài Tới. Vì chơi bài nên tính khó đoán định các con bài khi con bài ở trong tay nhà cái hay các đối thủ cùng chơi vốn là thuộc tính của trò chơi. Riêng việc khó đoán định cũng đã kích thích người chơi bài niềm khoái cảm chờ đợi những gì sẽ tiếp tục diễn ra. Thú chơi bài Chòi - thông qua việc hô hát tên quân bài lại thêm một lần nữa tính trì hoãn - kéo dài thêm khoái cảm chờ đợi và một lần nữa người chơi vừa hưởng cái thú thưởng thức nghệ thuật của trò diễn thông qua việc văn học hóa, âm nhạc hóa tên các quân bài vừa “đồng sáng tạo” khi bị kích thích khả năng suy đoán con bài sẽ “ra” là con gì. Tính tương tác của trò diễn xướng bài chòi giữa người chơi và nhà cái - qua trung gian hay người đại diện là anh Hiệu - người hô hát - cùng với sự “đồng cảm” của cộng đồng khiến bài Chòi luôn thích ứng với đời sống bởi tính trò chơi - theo các nhà nghiên cứu văn hóa đương đại - là tính cốt lõi của văn hóa, văn nghệ. Phía khác, bài chòi là một loại hình nghệ thuật luôn mang tính hội hè vì luôn thoáng mở về nội dung hô hát và cách thức hô hát bởi mỗi lần “chơi” anh - chị hiệu hô hát đầy ngẫu hứng- tên quân bài được hô trong mỗi cuộc chơi mỗi khác nhau. Bài chòi luôn ca ngợi Chân, Thiện, Mỹ, phê phán cái Ác, cái xấu, cái lạc hậu là luôn đi tìm “sự thật biết cười” trong cuộc sống như nhà văn Umberto Eco nói về “tác phẩm mở” và đồng thời với văn bản văn học, nghệ thuật hô hát bài chòi cũng để ngõ khả năng dung nạp các làn điệu âm nhạc có chất liệu dân ca Nam Trung Bộ kể cả các ca khúc mới có chất liệu dân ca - nhất là các ca khúc của sân khấu ca kịch bài chòi

Bài Chòi được trao truyền trong phạm vi gia đình, trong các nhóm sở thích. Hiện nay, nhiều địa phương đã đưa nội dung tìm hiểu về nghệ thuật bài chòi vào nội dung giảng dạy phần đạo đức (Tiểu học), phần văn học dân gian địa phương (THCS, THPT) nhưng thiết thực nhất vẫn là đưa bài Chòi vào các lễ hội Tết, lễ lệ, lễ hội làng, xã và đưa bài Chòi trở thành một sản phẩm văn hóa trong hoạt động du lịch. Thiết nghĩ chính quyền các huyện, thị xã, thành phố các địa phương nên bố trí kinh phí hàng năm cho việc “giữ lửa” bài chòi thông qua việc mở lớp, các hội thi “tìm anh, chị hiệu bài Chòi tài năng” (như Hội An, Huế, Quy Nhơn… đã tổ chức từ nhiều năm nay).

Kho tàng văn nghệ dân gian miền Trung cũng thật phong phú với hàng ngàn đơn vị ca dao, hò, lý… đủ cho nghệ thuật bài Chòi vận dụng về mặt văn bản và cùng với các tác giả sáng tác lời hô mới trong dân gian, năng khiếu “bắt quờ”, ứng tác tại chỗ (kiến tại) của các anh, chị hiệu trẻ, nghệ thuật bài Chòi chắc chắn sẽ mãi thanh xuân, mỗi năm mỗi mới.

P.T.Đ  
(TCSH348/02-2018)


...................................................
(1) Huỳnh Tịnh Paulus Của - Đại Nam Quốc âm tự vị - Sài Gòn xb 1974, tr. 455.  
(2) Huỳnh Hữu Ủy - “Nghệ thuật dân gian và bộ bài Tới ở miền Trung Trung bộ” - Tạp chí Sông  Hương số 35 Tết kỷ Tỵ 1989 tr. 78-86.
(3) Quách Tấn - Nước Non Bình Định - Nam Cường xb, Sài Gòn 1967, tr. 444.  
(4) Võ Phiến - “Bài Chòi” - Tạp chí Tân Văn số 1/1968 tr. 2-18, Sài Gòn 1968.  
(5) http://tuoitre-vn/Van-hoa-Giai-tri/188402/Nguon-goc-Bai-choi-html  
(6) Trần Gia Anh - Việt Nam, Đặc sản Bài Lá - Nxb. Thanh Hóa, 2010, tr. 25-30.  
(7) Huỳnh Ngọc Trảng - Nguyễn Đại Phúc - bài đã dẫn.  
(8) Trần Gia Anh - sách đã dẫn - tr. 31.   




 

Các bài mới
Bến mê (28/02/2018)
Mãi là mùa xuân (22/02/2018)
Điệp khúc xuân (17/02/2018)
Các bài đã đăng