Tạp chí Sông Hương - Số 349 (T.03-18)
Phục dựng ký ức chiến tranh
08:51 | 22/03/2018

DO YÊN     

Trong không khí kỷ niệm 72 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhà văn - cựu chiến binh Nguyễn Quang Hà đã trình làng tiểu thuyết Nhật ký Đông Sơn, góp phần làm phong phú các tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân.

Phục dựng ký ức chiến tranh

Cho đến nay, trong làng văn xứ Huế, cùng với thế hệ các nhà văn Tô Nhuận Vỹ, Hà Khánh Linh, Nguyễn Khắc Phê,… nhà văn Nguyễn Quang Hà là một tác giả giàu lòng nhiệt huyết, ngồn ngộn chất liệu hiện thực chiến tranh và luôn say sưa với đề tài này. Nói như nhà văn Nguyễn Khắc Phê: “Nguyễn Quang Hà là người chung thủy và có nhiều tác phẩm nhất về đề tài chiến tranh và lực lượng vũ trang trong làng văn ở Thừa Thiên Huế”.

Sau nửa thế kỷ cầm bút, cho đến hôm nay, lúc nhà văn đã bước qua tuổi 80, đã có hơn hai chục tác phẩm viết về chiến tranh, đặc biệt là những câu chuyện, nhân vật, sự kiện về cuộc chiến trên các mặt trận ở Huế và các vùng phụ cận. Có thể kể đến những tiểu thuyết như Nếu không có nhân dân, Thời tôi mặc áo lính, Tiếng thở dài của đất, Vùng lõm… Trong dòng văn học sử, chúng ta nhận thấy rằng đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng như là nguồn chất liệu không vơi cạn, là cái nôi nuôi dưỡng nhiều tác phẩm nghệ thuật của nhân loại. Chiến tranh chống Mỹ là hiện thực lịch sử, là một bộ phận của hiện tại, không thể tách rời hiện tại, hàm chứa nhiều bí ẩn của xã hội và thời đại. Văn học Việt Nam đương đại những năm qua đã xuất hiện nhiều tac giả viết về đề tài lịch sử chiến tranh có giá trị, được bạn đọc chú ý như Chu Lai, Bảo Ninh, Võ Thị Hảo, Nguyễn Bình Phương... đem đến một cách nhìn nhận, đánh giá mới về những thời đoạn đã qua.

Nhà phê bình Hồ Thế Hà cho rằng: “Tác phẩm tiểu thuyết có tên là nhật ký - Nhật ký Đông Sơn, tự nó đã gợi sự tò mò thú vị cho người đọc. Đây không hề là sự ngẫu nhiên mà chính là một chủ ý của tác giả. Chính vốn sống và vốn ký ức tối đa về chiến tranh mà ông với tư cách người trong cuộc, là nhân chứng sống đã thôi thúc ông viết tiểu thuyết này với khát vọng nói lên sự thật chiến tranh. Cảm quan hiện thực và nhu cầu tái hiện bức tranh chiến đấu hào hùng và sinh động của nhân dân như là mệnh lệnh của trái tim, như là một điểm nhìn trần thuật chân xác, khách quan, nhưng đồng thời, tác phẩm có ý nghĩa như là sự đổi mới thi pháp thể loại - tiểu thuyết nhật ký”.

Nhật ký Đông Sơn được thể hiện dưới dạng nhật ký của Trúc - tiểu đoàn trưởng “Chị Thừa I”, mật danh đơn vị nổi tiếng thuộc Thành đội Huế. Nhật ký bắt đầu ngày 2 tháng 7, kết thúc 23 tháng 10, trải qua ba tháng trời chiến đấu ác liệt. Nhân vật Trúc là lính đặc công quê miền Bắc, được Thành đội trưởng Thân Trọng Một cử về Đông Sơn, giúp quân dân ở đây đánh địch, phá các ý đồ quân sự. Nhân vật Quyền, chiến sĩ du kích giàu lòng yêu nước, quả cảm, cũng được nhà văn khắc họa thành công. Nhà văn Nguyễn Quang Hà cho biết địa danh Đông Sơn trong tác phẩm chính là xã Phong Sơn (huyện Phong Điền) mà tác giả từng bám trụ ở đây thời chống Mỹ. Đông Sơn là vùng tạm chiếm nhưng phong trào du kích mạnh, lòng dân theo cách mạng. Mất Đông Sơn là nguy cho Huế và chiến cuộc chung ở mặt trận này. Còn nhân vật Chúc chính là người bạn chiến đấu cùng quê với anh là Dương Thanh Chúc (nay đã mất). Trong Nhật ký Đông Sơn Trúc về “nằm vùng”, bám dân, bám đất đó để cùng với dân giữ địa bàn chiến lược này. Và cuốn nhật ký cũng có lộ trình gian nan của nó để tránh bị phát hiện: “Tôi có cái địa chỉ hộp thư bí mật riêng. Viết xong nhật ký này, tôi chôn xuống địa chỉ bí mật, không bao giờ tôi mang nhật ký trong người”.

Biết bao câu chuyện, sự kiện đã được khắc họa, đủ những ác liệt, cam go, tàn khốc của cuộc chiến và cả những mất mát, hy sinh. Nhật ký Đông Sơn bừng lên khí thế hừng hực của toàn quân toàn dân Đông Sơn đoàn kết chống lại kẻ thù ngày đêm giày xéo quê hương họ. Những cái kết có hậu, xán lạn chiến công đã mở ra như những trận đánh, chặn đứng âm mưu của địch, như tổ chức phục kích bắn cháy 4 xe tăng địch ở Đông Sơn; giết Lê Nhuận ấp trưởng gian ác, giết quận trưởng Hồ Xuân Mai, đánh tan đồn Bòng Bòng của Trung đoàn xe tăng, cuối cùng bắt buộc địch phải cho dân Đông Sơn trở lại quê hương. Ý chí quật cường đã chiến thắng, minh chứng rõ nhất cho sức mạnh đoàn kết quân dân như một trong cuộc chiến trường kỳ, gian khó. Nhật ký Đông Sơn mô tả một cuộc chiến không cân sức ở làng quê. Cuối cùng Trúc, Quyền và dân Đông Sơn đã thắng, lấy lại được địa bàn. Sau 3 tháng 21 ngày “nằm vùng” ở Đông Sơn, Trúc được điều động đi đơn vị chiến đấu mới.

Nhà thơ Ngô Minh nhận xét về tác phẩm: “Cuốn sách như một bảo tàng lưu giữ những hình ảnh của cuộc chiến âm thầm mà vĩ đại của những người dân Đông Sơn”. Qua 282 trang Nhật Ký Đông Sơn, ta hiểu thêm sự quyết liệt và rất khốc liệt ở làng quê bắc Huế. Ta cũng hiểu thêm cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam đã sáng tạo nên một cách thức tổ chức phối hợp giữa quân chính quy và quân du kích rất hiệu nghiệm. Đó là đưa bộ đội chính quy về “nằm vùng” ở các làng quê để xây dựng lực lượng kháng chiến, làm chỗ dựa tin cậy cho du kích và đồng bào. Ở chiến trường Thừa Thiên Huế, các đồng chí Tô Nhuận Vỹ, Hoàng Cát, Nguyễn Quang Hà… sau này trở thành nhà văn là những bộ đội “nằm vùng” như thế. Có lẽ Nhật ký Đông Sơn là cuốn tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên phản ảnh sâu sắc về phương thức bộ đội chính quy “nằm vùng” này.

Về mặt nghệ thuật, nhà phê bình Hồ Thế Hà xếp Nhật ký Đông Sơn vào dạng tiểu thuyết tư liệu. Đặc trưng của văn xuôi tư liệu là có sự kết hợp giữa văn chương và sự kiện lịch sử mà nhà văn chính là người trải nghiệm, dựa vào vốn sống cá nhân của mình để sắp xếp chúng lại theo một trật tự khách quan của hiện thực để dẫn dắt câu chuyện từ khởi đầu đến kết cục. Ta từng chứng kiến kiểu tái hiện nghệ thuật này qua nhiều tác phẩm như: Hồi ký Đặng Thùy Trâm, Người tình báo thầm lặng của Tống Quang Anh, Hồi ức lính của Vũ Công Chiến, Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn… mà nổi bật nhất là Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.1975 của Trần Mai Hạnh. Nhà phê bình Hồ Thế Hà còn xem những câu chuyện thật được nhà văn Nguyễn Quang Hà kể lại giản dị nhưng giàu chi tiết với lối hành văn của văn xuôi tự sự. Sự kiện và con người thực được “văn học hóa” theo dòng trần thuật tuyến tính và đồng hiện đã giúp người đọc theo dõi câu chuyện, tâm lý nhân vật một cách đa dạng, nhiều hướng, nhiều chiều, linh hoạt. Kết hợp giữa cảm hứng văn chương và sự thật lịch sử là mạch thi pháp xuyên suốt tác phẩm. Mạch cảm xúc hiện thực cộng với sự bình giá khách quan của người trong cuộc, Nguyễn Quang Hà đã giúp người đọc hôm nay xích lại gần hơn với lịch sử và đồng thời với độ lùi thời gian, họ đã nhận thức được những gì cao hơn chính lịch sử. Đó chính là ý nghĩa thực tế của tác phẩm. Bài học lịch sử và bài học chiến tranh đã có thêm nội hàm mới mà chính những nhà sử học không thể ghi lại một cách bao quát và sinh động như văn học.

Ở một góc nhìn khác, nhà văn Nguyễn Khắc Phê thẳng thắn bộc bạch rằng, với lớp bạn đọc hôm nay thích tìm kiếm những thủ pháp, trường phái nghệ thuật tân kỳ, có thể chưa thỏa mãn với cách miêu tả hiện thực “cổ điển” trong Nhật ký Đông Sơn; tuy vậy, trong nghệ thuật, các thủ pháp, trường phái đều có khả năng tạo nên giá trị; bút pháp hiện thực của nữ văn sĩ Bêlarut Sveslana Alexievich - chủ nhân giải Nobel văn học năm 2015 là một bằng chứng. (Tất nhiên, nữ văn sĩ Bêlarut đoạt giải Nobel không chỉ nhờ bút pháp hiện thực...). Mặt khác, có lẽ chúng ta không nên đòi hỏi quá nhiều ở một nhà văn tuổi 80, lại luôn bị bác sĩ “hỏi thăm” như Nguyễn Quang Hà. Những gì mà Nhật ký Đông Sơn đem đến cho bạn đọc hôm nay đã là rất đáng quý.

Lịch sử và cuộc sống luôn là một dòng chảy bất tận. Trong cuộc sống hiện tại ngày hôm nay có nền tảng và những giá trị tinh thần của quá khứ và nó chứa đựng mầm mống của tương lai. Dựa trên những chất liệu hiện thực phong phú, ký ức sâu thẳm về những năm tháng không thể nào quên và quan trọng hơn, chính tác giả là người trong cuộc, tham gia cuộc chiến những ngày gian khó nhất. Nguyễn Quang Hà là một trong những nhà văn từng đi qua chiến tranh với tư cách người lính. Công việc của nhà văn đã làm sống lại lịch sử, biến những sự kiện lịch sử thành những câu chuyện sống động, khám phá số phận con người và luận giải những vấn đề được đặt ra từ lịch sử, qua đó truyền cảm hứng và tình yêu dân tộc. Đối với nhà văn Nguyễn Quang Hà, đây có thể coi là một cuốn biên niên sử sống động về những ngày chiến đấu ở Đông Sơn.

Thông qua ngòi bút đầy ắp chủ nghĩa nhân đạo, các chi tiết nghệ thuật và hiện thực nghiệt ngã của cuộc chiến, nhà văn Nguyễn Quang Hà đã nhìn thẳng vào hiện thực chiến tranh bằng những trải nghiệm, tái hiện lại bộ mặt tàn khốc của chiến tranh, phục dựng hình ảnh của những con người bằng sự chịu đựng và sức mạnh anh hùng đã thực sự làm nên sức mạnh cho cuộc kháng chiến, tái sinh những khát vọng nuôi dưỡng cả một dân tộc trong chiến tranh.

D.Y  
(TCSH349/03-2018)




 

Các bài mới
Một tuần (02/04/2018)
Chùm tản văn (26/03/2018)
Các bài đã đăng
Người đội mũ (19/03/2018)