Tạp chí Sông Hương - Số 349 (T.03-18)
Nghệ thuật quân sự
09:16 | 03/05/2018

KHẢ HÂN

Nghệ thuật quân sự là loại hình nghệ thuật quan tâm đến các vấn đề về quân sự, ngoài điều này ra phong cách và phương tiện chuyển tải chúng đều ít được quan tâm hơn so với đề tài của nó.

Nghệ thuật quân sự
Hiệp sĩ, cái chết và quỷ dữ của Albrecht Dürer, thế kỷ XVI

Phong cảnh giao chiến là một trong những bối cảnh nghệ thuật xuất hiện từ rất lâu ở trong diễn trình phát triển của nền văn minh nhân loại. Những bức vẽ tái hiện lại các cuộc chiến thường được những kẻ thống trị xem đó để xưng tụng những chiến thắng của họ. Việc vẽ về các khía cạnh khác của chiến tranh mà đặc biệt là nỗi khổ của nạn nhân và dân thường trong các cuộc chiến đã được nghệ thuật hóa xuyên suốt chiều dài lịch sử.

Hoàng đế sống mãi (Vive L'Empereur) của Edouard Detaille, sơn dầu trên bố (1891) vẽ về trung đoàn kỵ binh số 4 giao chiến ở trận Friedland giữa quân của Napoleon và quân Nga dẫn đầu bởi Count von Bennigsen.


Những bối cảnh giao chiến rất đỗi quen thuộc và các trận đánh đa phần đều được liệt vào nhánh nghệ thuật quân sự. Sự phát triển của các loại hình trang bị quân sự như máy bay chiến đấu, tàu chiến và xe tăng đã dẫn đến các bức hình chân dung vẽ về chúng. Ở các cuộc chiến tranh diễn ra trong thế kỷ XX, các nhà nghệ sĩ quan tâm đến đề tài này đều vẽ về các hoạt động quân sự giữa các bên tham chiến. Thuật ngữ nghệ thuật chiến tranh (war art) thỉnh thoảng được sử đụng để thay thế cho nghệ thuật quân sự (military art) ở vào thời điểm này.

Những pháo thủ Canada ở dưới bùn của Alfred Bastien, sơn dầu trên bố (1917).


Liên quan đến phạm vi của các đề tài quân sự. Ở loại hình nghệ thuật này người ta thường tập trung vào hai giai đoạn chủ yếu của nó, thời bình và thời chiến. Bằng cách đó, nghệ thuật quân sự giúp tái hiện lại những khung cảnh đau thương, cùng khổ, chết chóc vừa để lên án sự tàn bạo của con người cũng như để đề cao lòng quả cảm, tinh thần anh hùng của người lính ra trận. Nó là bằng chứng cho thấy sức sống của cái đẹp vẫn tỏa khắp đây đó đằng sau sự tham tàn, dưới tận cùng của lòng ích kỷ, sự hiếu chiến, và cũng là một hình thức giáo dục sâu sắc đối với lòng nhân đạo khơi lên ở mỗi người xem khi đứng đối diện với những bức tranh đầy máu và nước mắt.

K.H.
(TCSH349/03-2018)



 

 

Các bài đã đăng
Một tuần (02/04/2018)
Chùm tản văn (26/03/2018)