Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-18)
Thắt thẻo chiều quê
09:01 | 22/05/2018

CAO THỊ HOÀNG  

1.
Mùi bùn non từ cửa sông theo gió chướng lộng về, tôi ngây ngây mùi nhớ! Cái mùi nhớ đôi lúc bâng khuâng và cũng lắm khi, rịt chặt tâm hồn kẻ hậu sinh với tiền nhân thuở trước. Tôi quay lại Huế.

Thắt thẻo chiều quê
Cầu Phú Thứ - nơi 3 con sông Như Ý- Lợi Nông - Đại Giang gặp nhau. Từ thành phố Huế về thị trấn Phú Đa khi qua cây cầu này khoảng hơn 1 km là tới làng Nam Châu.- Ảnh: internet

Chiều nghiêng Cố Đô!

Từng sợi nắng đan xen xe chỉ như phong màn che giấu sẹo kinh thành, nơi từng trải qua bao dâu bể. Tôi lần khân tựa lan can cầu Phú Thứ, nhìn ba con sông Như Ý, Lợi Nông, Đại Giang hợp cùng rồi chia xa... Mỗi sông đi về mỗi hướng và mỗi hướng đó tưởng đối nghịch, nhưng lại thuận dòng mang phù sa bồi đất, giữ nước vững bền.

Người kinh kỳ muốn tới Phú Đa phải qua cầu Phú Thứ, đi tiếp ngót nghét hơn cây số sẽ gặp thôn Nam Châu. Có thể nói, đây là vùng đất ngụ cư duy nhất của người Nam Bộ ở xứ Huế(1). Nơi chốn đó, ngoại thường nhắc nhớ con cháu, rằng có một phần máu thịt của dòng họ ngoại đã nhiều đời thấm sâu lòng đất khách, nhưng lại là quê mình!

Huế những ngày Chạp, những ngày cúc Bãi Dâu, huệ Nguyệt Biều, mai Dương Xuân, thược dược Phú Thượng... thầm kín ẩn tàng háo hức tạo dáng, khoe nhan sắc Huế yêu... Huế rất yêu! Rồi, ai yêu rất Huế? Hỏi ngoại, ngoại trầm ngâm cả buổi chiều quê!

Huế! Một tiếng vút không gian hay một tiếng gõ thời gian? Sông Hương, núi Ngự... Sông núi nếu phải là biểu tượng quê hương, thì những ai nặng tình non nước làm sao tránh khỏi bùi ngùi khi nghĩ tới nơi mình đang sống đã bén rễ thành gốc.

Sông núi có hồn thiêng! Hồn thiêng sông núi khắc vào tâm khảm của mỗi người con Việt một thứ tình yêu bất diệt, đó là tình yêu đất nước! Ngoại nói: “Núi dù lớn nhưng xa sông, trơ trọi một mình, thì núi thiếu hồn và nếu có thiêng, cũng chỉ là thiêng với đất. Sông dù dài ngắn, rộng hẹp, sông vẫn có hồn và cái hồn đó, chính là long mạch của đất”. Rồi, ngoại cắt nghĩa: “Sông thuộc Âm, núi thuộc Dương, và “Thủy dưỡng Mộc” nên là nơi chốn sinh ra mọi sự sống’’. Nương theo lời ngoại, tôi thầm nghiệm: “Vậy thì, nữ là sông nam là núi”?

Trong các triều đại Việt, hiếm có - nếu không muốn nói chẳng có - trường hợp bề tôi kết thông gia cả trai lẫn gái cùng một vị vua, như Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng kết thông gia với vua Minh Mạng(2). Rõ ràng, trong tay Đức Quốc Công nắm “Âm - Dương’’ tức hội đủ “Sông - Núi” để có cái tất nhiên có Nam Châu, nơi chốn đi về.

Đêm Nam Châu xốn xang không vì xa nguồn Nam Bộ vốn là đất cũ Phù Nam, mà xốn xang vì bươi mớ tro tàn quá khứ Thuận Hóa (Phú Xuân) một thời từng là Kinh Đô, đi từ “Nhà” tới “Triều”, đi từ sáng tới tối... Đầy rẫy tiếng cười, ngập tràn tiếng khóc!

2.

Ngoại ngồi tự lự trên thềm lạnh tàn đông, tôi khẽ khàng:

- Ngoại ơi! Ngoại cũng họ Phạm, vậy họ Phạm của ngoại có dính dáng gì tới Phạm Đức Quốc Công?

Gió phá Tam Giang thổi qua miền đất bạch sa, ngoại chạnh lòng:

- Phạm Đăng gốc Gò Công, Phạm Hữu gốc Bến Lức (Long An)(3)... Ngoại họ Phạm, nhưng là Phạm Kế gốc Tân An (Long An).

Ngoại bồi hồi kể tiếp:

- Tuy Phạm Kế nhà mình không cùng huyết thống Phạm Đăng, nhưng nếu nói không dính dàng gì với nhau là không đúng. Chẳng những cả hai họ đồng triều mà thời loạn, lúc lâm nguy đã “đâu lưng đấu cật” phò Chúa. Nội của ngoại là Phạm Kế Tiết, về hưu được sắc phong Hàn Lâm viện thị độc, Phụng thành đại phu. Dù vậy, ông không cam tâm hưởng nhàn khi đâu đó, những người đồng hương Gia Định, hay nói rộng ra là người miền Nam vẫn còn sống rải rác nơi xứ Thần kinh chưa hội tụ chung cùng. Ông tiếp tay Nam Châu hội quán, trực tiếp khẩn hoang lập ấp, và khai hoang vỡ đất.

Lời ngoại nói, tôi rung cảm. Tôi hiểu rằng: “Đất sanh quê, Người sanh nhà”. Hai tiếng “Quê - Nhà” hợp thành “dây tơ rễ má” thắt lòng bao người con xa xứ!

Mưa Huế, nắng Thừa Thiên!

Mưa nắng đó, là mưa nắng Thuận Hóa. Trong mưa có nước mắt, trong nắng có mồ hôi của lưu dân bốn đợt(4) nhập cư mở cõi. Và, bốn đợt nhập cư đó đã có lần gián đoạn trên trăm năm, kể từ sau 1672, khi Trịnh - Nguyễn lấy sông Gianh làm giới tuyến tạm thời chia cắt đất nước. Vận nước gắn liền thân phận dân đen như vậy, thì đành vậy! Mãi tới lúc thời xoay thế chuyển, vua Quang Trung - Nguyễn Huệ đánh tan quân Trịnh, nối đôi bờ Nam - Bắc sông Gianh (1786), dân tiếp tục nhập cư và lần nầy, chẳng những dân từ phía Bắc đổ vô vùng Thuận Hóa, còn có cả dân Nam - Bình - Ngãi - Phú vốn là thân nhân chiến binh của đoàn quân Nguyễn Huệ.

Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế, những công thần và tướng sĩ đem gia đình từ đất Gia Định ra Phú Xuân định cư lập nghiệp. Thuận Hóa đùm túm lưu dân bằng tấm chơn tình ủ men Huế! Dân ngụ cư với dân cư cùng “đồng cam cộng khổ’’, chung cuộc thăng trầm. Và rồi, thế sự thuận nghịch, đổi dời; họ đều ở trong con thuyền trôi theo dòng lịch sử... Huế tất cả!

Một lần, ngoại nhắc lời Hoàng Thái hậu Từ Dụ dạy: “Người miền Nam ra Kinh Đô phục vụ triều đình, định cư miền Trung. Vì vậy, gọi là Nam Trung”(?).

Tôi thoáng nghĩ khác, hay là “Người miền Nam (Gia Định) trung với vua’’!? Không rầy, ngoại chậm rãi nói:

- Ba cửa sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương hình thành Tam Giang. Nghe đâu vua Minh Mạng đổi Hạt Hải, có nghĩa biển cạn thành Tam Giang “Nước sông sâu, gió bất trắc, thuyền bè dễ gặp nạn’’(5). Và phá, bởi một bộ phận nước bị ngăn hoặc chặn lại do dãy đá, có khi là rặng san hô vòng. Nam Trung là một địa danh; và địa danh đó, nếu hàm ý là người miền Nam trung với vua cũng không sai, nhưng chưa hẳn đúng. Nam Trung vốn xưa là Nam Châu, có nghĩa: “Người miền Nam lập thôn nơi bãi đất”, và vì được bao bọc bởi sông Đại Giang, phá Tam Giang nên người đời thường gọi “xứ cát’’.

Hình như tia mắt ngoại chồng lên tia nắng chiều bát ngát mặt nước phá nhấp nhô sóng.

- Người miền Nam trung với vua, điều đó thì không cần tranh cãi; nhưng người miền Nam yêu vua không bằng yêu đất nước. Vua có thể mất, nước thời không.

Rồi ngoại nói chắc cứng:

- Nước trên vua, vua mần sao trên nước? Người ta giữ nước chớ bao thuở giữ vua, nếu vua chỉ là thứ hôn quân vô đạo!

- Đó có phải là tánh cách trượng nghĩa của người Nam Kỳ không, ngoại?

Không trả lời câu hỏi của thằng cháu hay hỏi, ngoại nói thơ điệu Lục Vân Tiên:

“Mai sau chi sá ai còn mất
Vạn đại giang sơn, vạn đại vui’’
(6).

3.

Mười năm, ngoại đã là sương khói nơi sóng nước phá Tam Giang.

Với tôi, Nam Châu là quê nhà!

Với tôi, những câu chuyện “Làng Nam Bộ trong lòng xứ Huế’’ mà lúc sanh thời, ngoại chầm chậm kể suốt bao chiều trôi lênh đênh trên dòng thời gian phôi phai ký ức. Tôi nhớ ngoại nói: “Chín họ tộc còn gọi “Cửu tộc’’, bổn quán người miền Nam tụ về làng Nam Trung...’’.

- Chắc là, ngoại đã quên?

Tôi ướm lời.

Ngoại cười, như là tín hiệu: “Rành cái tánh tinh nghịch của thằng cháu’’. Ngoại kể vanh vách:

- Chín họ tộc: Phạm Đăng, Phạm Hữu, Phạm Kế, Đinh, Lê, Trần, Phan, Đoàn, Đặng Ngọc. “Đất lành chim đậu’’, sau nầy, có thêm họ Nguyễn Trọng, Nguyễn Trung, Hoàng Trọng...

Rồi, đột ngột ngoại nói nhanh:

- Người miền Nam ra Huế phục vụ triều đình ắt tìm đồng hương chung sống, nếu không muốn sống lẻ loi.

Tôi ngẫm nghĩ: “Ngôi làng quan, mọc lên giữa lòng thứ dân. Vì sao có thể yên ổn và thân thiện? Hạng quý tộc, vì sao có thể trong ấm ngoài êm trước cảnh lầm than và sự đói lạnh của dân lành?’’ Tôi im lặng. Tự đáy lòng, tôi khao khát có một Thái Tông hoàng đế đi du thuyền dạo chơi phá Tam Giang, chợt thấy lũ sóng yêu hại thuyền dân chúng, ngài nổi giận bèn sai quan binh đem đại pháo ra bắn, “trúng được hai ngọn sóng máu phun ra đỏ dòng nước, còn một sóng chạy ra biển cả trốn mất...’’. Ngoại đọc rành mạch tâm trí tôi:

- Cần chi tới thiên tử như Thái Tông hoàng đế, hả cháu? Người miền Nam có tiếng Trượng nghĩa khinh tài, tính cách bộc trực, khí phách, hào sảng; bản chất hồn hậu, thương người... Cứ coi truyện “Lục Vân Tiên’’ của cụ Đồ Chiểu thì sẽ rõ. Và, với họ: “Đừng ham hốt bạc ghe chài/ Cột buồm cao bao lúa nặng, tấm đòn dài khó đi’’(7).

Cuộc sống giúp tôi nhận ra “Làng quan’’ ngày đó được dân che chở lúc biển động, sóng to, được dân tin yêu những khi trái gió, trở trời... Vì, như ngoại thường nói: “Hồi nẳm, mần quan không đồng nghĩa mần giàu; kẻ có quyền chưa chắc đã có lực... Tất cả buộc ràng bởi kỷ cương phép nước; bởi lòng tự trọng và biết hổ ngươi của quan lẫn dân.

- Vậy, họ mần quan để làm gì, hả ngoại?

- Để phò vua, cứu nước, giúp dân...

Có lẽ, biết mình nói theo quán tính của thời còn là “khuê nữ đài các’’ con quan. Một lúc sau, ngoại nói nhỏ nhẹ:

- “Phải có danh gì với núi sông’’! Họ mần quan để thi thố tài năng, thỏa chí kẻ sĩ, và nhứt là làm rạng danh dòng tộc, quê nhà. Tất nhiên, cũng có những kẻ chẳng ra gì.

Trời khuất mình Đại Giang.

Dường như ngoại nói khẽ: “May mà, làng Nam Trung không có kẻ đó!’’

4.

Người làng Nam Trung sống chan hòa “Tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau’’. Bằng tấm chơn tình người miền Nam, họ đã mở toang cánh cửa “tính cách Huế’’! Đồng thời, họ khắc cốt ghi tâm công đức những bậc tiền hiền: Phạm Đăng Hưng, Phạm Kế Tiết, Phan Thanh Giản, Trần Đạo Tế, Trần Trạm, Đặng Ngọc Oánh, Phạm Hữu Văn, Nguyễn Trọng Tịnh... đã góp sức lập làng nhưng không “chôn nhau cắt rún’’ ở làng. Đó là, chưa kể những “công dân danh dự’’ của làng, như: Trương Vĩnh Ký, Luật sư Diệp Văn Kỳ, Hiệp tá Hồ Phú Viên... đóng vai trò không nhỏ trong công cuộc phát triển làng Nam Trung(8).

Chiều cuối năm, tôi đứng nhìn những cánh chim trời bay về cố xứ. Hồn đất nước hòa quyện tình người, hương vị nồng nàn yêu thương sông núi. Tiếc cho những ai vì “miếng đỉnh chung’’ hay vì lợi ích trước mắt của cá nhân, bè nhóm... hoặc vì mục đích khác khiến tâm u tối, đành đoạn cắt núi lấp sông tàn phá “long mạch giang sơn gấm vóc’’. Hỏi “long mạch’’ đó ở đâu? Ngoại tôi nói: “Ở lòng người’’!

Huế dỗ dành làng Nam Bộ trong lòng Huế bằng tiếng ru của mẹ hiền, bất kể những khi thắt thẻo chiều quê!

T.B.Đ
(SHSDB28/03-2018)

......................................  
(1) Năm 1904, vua Thành Thái cấp đất và cho  lập thôn Nam Châu (Nam Trung) thuộc làng Phú Đa, tổng Sư Lỗ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, giúp các dòng Họ gốc Nam Bộ có nơi thờ cúng, tế tự. Trước 1975, vẫn là thôn Nam Trung (xã Phú Đa, quận Phú Thứ (tỉnh Thừa Thiên). Sau 1975, lấy lại tên thôn buổi đầu là Nam Châu, thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

(2) Vua Minh Mạng gả công chúa Nguyễn Phước  Vĩnh Trinh (con gái thứ 18) cho Phạm Đăng Thuật (con trai Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng), và vua Minh Mạng cưới Phạm Thị Hằng (con gái Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng), sau nầy là Hoàng Thái hậu Từ Dụ cho hoàng tử Miên Tông, tức vua Thiệu Trị thì bà Phạm Thị Hằng được phong Chánh thất Quý phi, sanh ra Hoàng tử Hồng Nhậm, sau nầy là vua Tự Đức. Do đó, bà Phạm Thị Hằng được phong Hoàng Thái hậu Từ Dụ.

(3) Bố chính tỉnh Thanh Hóa Phạm Hữu  Văn (1882 - 1946), đậu tiến sĩ Khoa Quý Sửu (1913), lưu danh tại văn bia Tiến sĩ ở Văn Thánh, Huế. Lúc về hưu được thăng hàm Thượng thư, vốn gốc Bến Lức (Long An). Con trai của Phạm Hữu Văn có bác sĩ Phạm Biểu Tâm (1913 - 1999) sanh tại làng Nam Trung, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

(4) Nhập cư lần 1, thời Trần - Hồ (1307 - 1428).  Nhập cư lần 2, thời Lê - Mạc (1428 - 1558). Nhập cư lần 3, thời Trịnh - Nguyễn (1558 - 1786). Nhập cư lần 4, thời Tây Sơn - Triều Nguyễn (1786 - 1945).

(5) Thơ Nguyễn Khắc Dương.  

(6) Cửu tộc: Họ Phạm Hữu, họ Phan, họ Trần,  họ Nguyễn Trọng, họ Nguyễn Trung, họ Đoàn, họ Lê, họ Đặng Ngọc, họ Đinh, về sau có thêm họ Hoàng Trọng (“Về nguồn’’, Đinh Khắc Thiện).

(7) Ca dao.    




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Kẻ dối trá (14/05/2018)
Phù hư (08/05/2018)