Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-18)
Địa danh trong thơ chữ hán Nguyễn Du
09:07 | 22/05/2018

PHẠM TUẤN VŨ

Trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du, địa danh không chỉ xuất hiện với số lượng lớn, tần số cao, mật độ đồng đều mà còn đem lại nhiều giá trị thẩm mĩ quan trọng.

Địa danh trong thơ chữ hán Nguyễn Du
Địa danh Lục Tháp thành (thành Hoàng Đế ở Bình Định) được Nguyễn Du nhắc đến trong bài 'Ức gia huynh'

Đặc biệt hơn, đa số trong hệ thống địa danh đó không phải là các địa danh văn hóa - lịch sử như trong thơ của các tác giả khác ở thời trung đại. Chủ yếu trong ba tập thơ của Nguyễn Du là các địa danh gắn với những nơi mà nhà thơ đặt chân đến. Ngoài ra, bên cạnh địa danh Trung Quốc, trong thơ chữ Hán Nguyễn Du còn có một lượng lớn là địa danh Việt Nam. Đây là một điều đặc biệt, hiếm gặp trong thơ chữ Hán nói riêng, thơ Việt thời trung đại nói chung.

1. Kết quả thống kê và nhận xét

Khảo sát hệ thống địa danh trong 250 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du(1) trong ba tập Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm Bắc hành tạp lục, có thể thấy, địa danh xuất hiện trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du mang các đặc điểm quan trọng, độc đáo như sau.

Thứ nhất, địa danh được Nguyễn Du nhắc đến trong thơ chữ Hán của mình với số lượng rất lớn và tần số xuất hiện cao: 198 địa danh với 350 lần xuất hiện, trung bình một bài thơ có 1,4 lượt địa danh. Đây là điều ít gặp trong thơ trung đại nước ta.

Thứ hai, về nguồn gốc, bên cạnh địa danh nước ngoài (chủ yếu có nguồn gốc Trung Hoa với 142 địa danh, chiếm 71,7%), trong thơ chữ Hán Nguyễn Du còn có địa danh Việt với một số lượng khá lớn (55 địa danh, 27,8%), chủ yếu là các địa danh gắn liền với những giai đoạn quan trọng của nhà thơ: quê nhà và tuổi thơ gắn với Hà Tĩnh, Thăng Long (Quỳnh Hải, Lam giang, Hồng lĩnh, Tản lĩnh, Tây hồ, Dâm đàm, Trường An…), mười năm gió bụi (Vị Hoàng giang, Càn Hải từ, Tam Điệp sơn, Phú Nông giang…), làm quan tại Huế (Hương giang, Ngự Bình sơn, Hương Cần, Thiên Thai tự…), làm cai bạ tại Quảng Bình (Hành sơn, Linh giang, Trạm nguyên, Yến đảo, Lệ thủy…), đi nghênh sứ ở Lạng Sơn (Lạng thành, Nhị Thanh động, Quỷ Môn quan)… Trong thơ chữ Hán nước ta, địa danh Việt đã được nhắc đến nhưng xuất hiện với một số lượng lớn như trong thơ của Nguyễn Du là trường hợp đặc biệt.

Thứ ba, nếu như chủ yếu trong thơ chữ Hán nước ta là các địa danh lịch sử - văn hóa thì trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, bộ phận địa danh này chiếm tỉ lệ nhỏ (32 địa danh, 16,2%). Địa danh địa lí - thực địa gắn với bước chân của thi hào mới là bộ phận chủ đạo, chiếm vị trí áp đảo (166 địa danh, 83,8%). Đây là một trường hợp hiếm thấy trong văn học trung đại Việt Nam. Nếu như phần lớn các tác giả khác nhắc đến địa danh với tư cách là điển cố được dẫn dụng để nói thay một nội dung tư tưởng nào đó thì Nguyễn Du gần như ngược lại. Ông nói đến những địa danh nơi mà mình đã đi qua, miêu tả về chúng và những địa danh ấy là chất xúc tác để nhà thơ bộc lộ cảm xúc, tư tưởng của mình. Đây là một biểu hiện quan trọng của sự phá vỡ tính quy phạm trong thơ chữ Hán Tố Như.

Thứ tư, theo lĩnh vực, hệ thống địa danh trong thơ của Nguyễn Du vô cùng phong phú với nhiều loại hình khác nhau. Thủy danh gồm các địa danh liên quan đến sông nước, gồm sông (giang,, nguyên, thủy, như La Phù giang, Hoàng hà, Trạm nguyên, Dịch thủy), đầm (đàm, như Dâm đàm, Đào Hoa đàm), hồ (như Động Đình hồ), bến (tân, như Mạnh tân), biển (hải, như Bắc hải), cửa sông (khẩu, như Giang Hán khẩu)... Sơn danh gồm những địa danh liên quan đến núi rừng, gồm núi (lĩnh, sơn, như Tản lĩnh, Ngự Bình sơn), rừng (lâm, như Sở lâm), động (như Nhị Thanh động)... Địa danh chỉ công trình xây dựng gồm có miếu (như Quan Âm miếu), chùa (tự, như Thiên Thai tự), đền (từ, như Mạnh Tử từ), cầu (kiều, như Hoàng Mai kiều), gác (các, như Văn Xương các), lầu (lâu, như Nhạc Dương lâu), cửa khẩu (quan, như Vũ Thắng quan), lăng (như Chiêu lăng), mộ (như Chu Lang mộ)… Địa danh hành chính gồm có thôn (như Nam Đài thôn), làng (, như Kinh Kha cố lý), châu (như Từ châu), huyện (như Hoạt, Tuấn [nhị huyện]), thành (như Ninh Công thành)… Trong đó, bên cạnh địa danh hành chính (xuất hiện nhiều vì Nguyễn Du từng đến nhiều nơi), địa danh tự nhiên mà chủ yếu là sơn danh và thủy danh có số lượng rất lớn (82 địa danh, 41,4%). Địa danh chỉ công trình xây dựng cũng xuất hiện khá nhiều (26 địa danh), chủ yếu là chùa, miếu, lăng, mộ… Hai bộ phận địa danh này chắc chắn có ảnh hưởng nhất định đến không gian nghệ thuật trong thơ chữ Hán Nguyễn Du.

Cuối cùng, về đặc điểm cấu tạo, địa danh trong thơ Nguyễn Du có cả hai bộ phận: Địa danh có cấu tạo đầy đủ theo mô hình phức thể địa danh (yếu tố riêng, tức tên riêng + yếu tố chung, tức loại hình địa danh, như Vị Hoàng giang, Thanh Thảo thôn) và địa danh có cấu tạo rút gọn (chỉ có yếu tố riêng, như Nghệ An, Lỗi Dương). Trong đó, bộ phận địa danh có cấu tạo đầy đủ chiếm tỉ lệ cao hơn (115 địa danh, 58,1%). Đặc điểm này cũng mang lại những giá trị thẩm mĩ nhất định cho sáng tác của Nguyễn Du mà chúng tôi sẽ trình bày ở phần sau.

2. Ý nghĩa thẩm mĩ của địa danh trong thơ chữ Hán Nguyễn Du

2.1.
Cùng với các đối tượng được phản ánh khác, hệ thống địa danh góp phần gia tăng yếu tố hiện thực trong thơ chữ Hán Nguyễn Du. Ý nghĩa thẩm mĩ này chủ yếu thuộc về bộ phận địa danh địa lí - thực địa.

Những con số nói lên điều này. Với 166 địa danh, xuất hiện 306 lần (chiếm 87,4% trong tổng số 350 lượt địa danh) với mật độ 1,2 địa danh/bài, địa danh thực tại là bộ phận chủ đạo, thể hiện rõ vai trò tăng cường yếu tố hiện thực trong thơ chữ Hán của Tố Như.

GS. Nguyễn Lộc cho rằng, thơ chữ Hán Nguyễn Du “có tính chất nhật ký, bút ký”(2). Thật vậy, có thể ba tập thơ xem là những tập nhật kí được Nguyễn Du ghi chép một cách đầy đủ, chân thực không chỉ tâm trạng, cảm xúc của nhà thơ mà còn cả những “những điều trông thấy”, những nơi mà thi nhân từng đi qua. Hầu như đến với địa phương nào, Nguyễn Du đều ghi lại những nét chính về thiên nhiên và cuộc sống con người ở địa phương đó. Chẳng hạn, trong những ngày làm cai bạ tại Quảng Bình, Nguyễn Du có bài Tái thứ nguyên vận miêu tả một cách cụ thể, sinh động hai dòng sông lớn ở đây: Trạm nguyên lưu thủy phát sơn thôn/ Nhật Lệ triều đầu dũng hải môn (Sông Trạm nước chảy bắt nguồn từ các làng vùng núi/ Sóng Nhật Lệ vỗ mạnh ngoài cửa biển). Đến Lạng Sơn, ông viết về cái hoang sơ, dữ dội của thiên nhiên nơi ải Quỷ Môn: Quỷ môn thạch kính xuất vân căn (Đường đá ở Quỷ Môn từ chân mây đi ra, bài Quỷ Môn đạo trung). Hay như, trong hành trình đi sứ trên đất Trung Hoa, Nguyễn Du đã ghi lại một cách khá chân thực, đầy đủ tình cảnh bất ổn, loạn lạc của người dân tại những địa phương nơi có nạn binh đao, trộm cướp, mất mùa mà ông và phái đoàn sứ bộ chứng kiến hoặc nghe kể lại: Hoạt, Tuấn nhị huyện tề xung binh/ Tặc sát quan lại thập bát cửu/ Mãn thành tây phong xuy huyết tinh/ Cánh hữu Sơn Đông, Trực Lệ dao tương ứng… Kim nhật Vệ Châu trở đạo tặc… Chỉ hữu xuân tác vô thu thành/ Hồ Nam, Hà Nam cửu vô vũ (Hai huyện Hoạt, Tuấn cùng nổi binh/ Quan lại mười người giặc giết đến tám, chín./ Khắp thành gió tây thổi máu tanh/ Lại thêm Sơn Đông, Trực Lệ ở xa cùng hưởng ứng… Hôm nay Vệ Châu nổi giặc cướp… Mùa xuân có cấy cày nhưng mùa thu không gặt được / Hồ Nam, Hà Nam đã lâu không mưa, bài Trở binh hành). Rõ ràng, được phản ánh bằng một cảm quan hiện thực sâu sắc, địa danh trong thơ chữ Hán Nguyễn Du phần lớn đều mang giá trị hiện thực đậm nét, góp phần quan trọng vào việc tăng cường chất hiện thực cho thơ của Tố Như.

Bên cạnh tính nhật kí, bút kí, thơ chữ Hán Nguyễn Du, đặc biệt là tập Bắc hành tạp lục, mang tính du kí rõ nét. Hầu như đi đến đâu nhà thơ đều ghi lại những nét chính của cảnh và người nơi đó cũng như cảm xúc của mình khi đặt chân đến. Đi qua các tỉnh Bắc Trung bộ, ông có các bài Phượng Hoàng lộ thượng tảo hành, Thủy Liên đạo trung tảo hành,... Vào Huế nhậm chức, có một số bài về Huế như Thu chí, Vọng Thiên Thai tự,… Làm quan tại Quảng Bình, có nhiều bài về nơi đây như Độ Linh giang, Nễ giang khẩu hương vọng, Tân thu ngẫu hứng… Làm quan tại Bắc Hà, có các bài La Phù giang thủy các độc tọa, Thanh Quyết giang vãn diểu,… Trên đường lên Lạng Sơn đi nghênh sứ và sau đó là đi sứ, có nhiều bài về xứ Lạng như Lạng Sơn đạo trung, Quỷ Môn đạo trung, Đề Nhị Thanh động, Nam Quan đạo trung,… Đặc biệt, trong hơn một năm ròng rã trên đất Bắc, Nguyễn Du đã vết rất nhiều bài về những nơi mình đã đi qua: Minh giang chu phát, Ninh Minh giang chu hành, Tam Giang khẩu đường dạ bạc, Thái Bình thành hạ văn xuy địch, Sơn Đường dạ bạc, Thương Ngô mộ vũ, Quế Lâm công quán, Tương Âm dạ, Nhiếp Khẩu đạo trung, Vũ Thắng quan, Hoàng Hà trở lạo, Tây Hà dịch,… Điều này lí giải tại sao địa danh địa lí - thực địa xuất hiện với một số lượng rất lớn trong thơ của Nguyễn Du. Có thể nói, qua hệ thống địa danh trong thơ chữ Hán, có thể hình dung phần lớn những hành trình quan trọng trong cuộc đời của Nguyễn Du. Bởi các địa danh ấy đã phản ánh gần như đầy đủ, chính xác những nơi mà bước chân của thi hào đặt tới.

2.2. Cùng với giá trị hiện thực, địa danh trong thơ chữ Hán Nguyễn Du còn phản ánh gần như trọn vẹn tâm trạng, cảm xúc cũng như nhiều quan niệm triết lí nhân sinh của tác giả. Giá trị thẩm mĩ này thuộc về cả hai bộ phận địa danh lịch sử - văn hóa và địa danh địa lí - thực địa.

Bộ phận địa danh lịch sử - văn hóa, tức những điển cố địa danh chủ yếu lấy trong kho tàng lịch sử, văn hóa của Trung Hoa thời cổ trung đại, đã giúp nhà thơ nói thay nhiều tâm sự. Để nói về lòng cô trung, nhà thơ mượn hai địa danh Bình Chương Cô Trúc(3): Bình Chương di hận hà thời liễu/Trúc cao phong bất khả tầm (Nỗi hận Bình Chương để lại biết khi nào nguôi/ Phong cách cao thượng của người Cô Trúc không thể tìm, bài My trung cảm hứng). Hay như, để nói thay hoàn cảnh ở ẩn nghèo túng và thái độ không muốn ra làm quan, tác giả mượn hai điển có chứa địa danh là Nam Sơn đậuBắc Hải tôn(4): Điền gia bất trị Nam Sơn đậu/ Bần hộ thường không Bắc Hải tôn (Là nhà nông nhưng không trồng đậu Nam Sơn/ Nhà nghèo nên vò rượu Bắc Hải luôn trống, bài Ký Huyền Hư tử). Để nói lên thái độ bất bình trước những thế lực đen tối đã gây ra bi kịch cho Khuất Nguyên, Nguyễn Du dẫn địa danh Mịch La, tức con sông nơi tác giả Ly tao trầm mình: Hậu thế nhân nhân giai Thượng Quan/ Địa địa xứ xứ giai Mịch La (Đời sau ai ai cũng là Thượng Quan/ Đâu đâu cũng là dòng Mịch La, bài Phản Chiêu hồn)…

Trong thơ chữ Hán, Nguyễn Du hiện lên là con người suốt đời phải làm kiếp tha hương, tấm thân nổi trôi, phiêu dạt (Tha hương thân thế thác phù vân), bao giờ cũng ngậm ngùi, đau đáu một tấc lòng quê (Nhất phiến hương tâm thiềm ảnh hạ). Hệ thống địa danh trong thơ ông đã góp phần nói thay tâm sự này. Cho nên, không ngẫu nhiên mà những địa danh gắn với quê nhà xuất hiện với tần số rất cao trong ba tập thơ: Hồng lĩnh Hồng sơn (23 lần), Lam giang (11 lần), Quỳnh Hải (5 lần), Quế giang (3 lần). Và những câu thơ có nhắc đến các địa danh này bao giờ cũng là những vần thơ cảm động mà Tố Như viết về quê hương, gia đình, bạn cũ: Hồng lĩnh vô gia, huynh đệ tán (Nơi núi Hồng không còn nhà, anh em tan tác, bài Quỳnh Hải nguyên tiêu), Lam thủy Hồng sơn vô hạn thắng (sông Lam, núi Hồng đẹp vô cùng, bài Phúc Thực Đình), Hồng lĩnh thân bằng nhật tiệm dao (Người thân, bạn bè chốn núi Hồng ngày một xa, bài Lạng thành đạo trung),…

Nguyễn Du tự nhận mình là con người của nỗi trường ưu (Thiên tuế trường ưu vị tử tiền) với những nỗi u buồn không thể nói ra được. Những tâm sự sâu kín ấy nhà thơ ví như nước con sông Quế quê mình: Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ/ Hồng sơn sơn hạ Quế giang thâm (Ta có tấc lòng không biết nói cùng ai/ [Tấc lòng ấy] sâu như nước sông Quế dưới chân núi Hồng).

Trong các sáng tác của mình, Tố Như từng nêu ra nhiều quan niệm tiến bộ về người phụ nữ. Trong thơ chữ Hán, Vọng Phu thạch là một địa danh quan trọng, được nhà thơ kí thác vào đó một quan niệm đi trước thời đại. Trên đường qua Lạng Sơn, bắt gặp hình ảnh hòn Vọng Phu đứng trơ trọi ngàn năm và câu chuyện nàng Tô thị ôm con chờ chồng hóa đá, bằng cảm hứng phản biện, trong bài thơ cùng tên, Nguyễn Du nêu ra quan điểm đi ngược với tất cả mọi người. Nếu người đời cho đó là biểu tượng của tiết hạnh trung trinh, của lòng thủy chung sắt đá thì Tố Như lại tỏ ra bất bình, xót xa khi nhận ra hòn Vọng Phu chẳng khác nào hiện thân của nỗi bi kịch ngàn năm mà người phụ nữ trong xã hội phong kiến phải chịu đựng. Đó là bi kịch phải đánh đổi hạnh phúc, kể cả hạnh phúc bản năng, để giữ gìn một chữ trinh cứng nhắc: Vạn kiếp diểu vô vân vũ mộng/ Nhất trinh lưu đắc cổ kim thân (Muôn kiếp không biết mộng mây mưa nữa/ [Chỉ vì] một chữ trinh mà tấm thân phải lưu giữ đời đời).

2.3. Đối với việc kiến tạo ngôn ngữ thơ chữ Hán Nguyễn Du, hệ thống địa danh có vai trò nhất định. So với những danh từ chung, địa danh là những danh từ riêng, thường mang tính khái quát, trừu tượng hơn. Việc huy động sử dụng một lượng rất lớn địa danh đã giúp cho ngôn ngữ thơ của Nguyễn Du thêm phần hàm súc, khái quát, trang trọng, phù hợp với đặc điểm phong cách ngôn ngữ của thơ chữ Hán truyền thống.

Mặt khác, địa danh với tính chính xác, cụ thể của nó đã thể hiện vai trò quan trọng vào việc kiến tạo nên lớp ngôn ngữ thơ mang tính chính xác, chân thực, giàu sức gợi tả và biểu cảm. Đặc biệt, phần lớn trong thơ chữ Hán Nguyễn Du là bộ phận địa danh có cấu tạo đầy đủ (gồm yếu tố riêng + yếu tố chung, như Tương Sơn tự, Tô Tần đình, Lưu Linh mộ, Dự Nhượng kiều, Việt Tây sơn, Đào Hoa đàm,… với 115 địa danh, 58,1%), mang tính xác định cao đã thể hiện rõ vai trò trên.

Hơn nữa, hệ thống địa danh trong thơ chữ Hán Nguyễn Du mang tính đa dạng, phong phú trên nhiều phương diện (nguồn gốc, cấu tạo, tính chất, loại hình…). Nhiều địa danh cùng một loại hình nhưng được gọi tên bằng nhiều yếu tố chung khác nhau. Ví dụ, cùng là núi nhưng trong thơ Nguyễn Du có lĩnh (Hồng lĩnh, Tản lĩnh), sơn (Hồng sơn, Hoành sơn, Thiên Nhẫn sơn, Ni sơn, Đông A sơn), có khi chỉ có tên riêng (Bình Chương, Côn Lôn); cùng là sông nhưng có giang (Cẩm La giang, Đồng Lung giang), (Hoài hà, Hoàng hà), thủy (Dịch thủy, Lệ thủy, Tiêu thủy), nguyên (Trạm nguyên), có lúc chỉ gọi bằng tên riêng (Tang Càng, Mịch La, Vị, Kinh). Ở nhiều trường hợp, cùng một đối tượng địa lí nhưng Nguyễn Du thường gọi bằng những tên khác nhau, chẳng hạn, cùng là núi Hồng nhưng nhà thơ có khi gọi là Hồng lĩnh, có lúc gọi Hồng sơn; cùng là xứ Lạng nhưng có khi là Lạng Sơn, lúc là Lạng thành; cùng là sông Luộc nhưng lúc được gọi là Phú Nông giang, lúc thì gọi là Nông thủy... Ngoài ra, cách định danh của Nguyễn Du trong nhiều bài cũng khá độc đáo, chẳng hạn, ông không gọi “làng” mà gọi là “làng cũ” khi đến thăm quê nhà của một số danh nhân Trung Hoa như ở các địa danh Lạn Tương Như cố lý, Kinh Kha cố lý, Nhị sơ cố lý,… Những điều này góp phần làm cho ngôn ngữ thơ chữ Hán Tố Như thêm phong phú, sinh động và nhiều sắc thái.

Có thể nói, 250 bài thơ của Nguyễn Du là đỉnh cao của thơ chữ Hán nước ta. Thơ chữ Hán Nguyễn Du vừa đạt trình độ mẫu mực của thi pháp thơ luật Đường vừa có những bứt phá cách tân quan trọng trên nhiều phương diện, từ nội dung tư tưởng đến hình thức thể hiện. Hệ thống địa danh được nhắc đến với số lượng lớn, tần suất xuất hiện cao; đa dạng về nguồn gốc (đặc biệt với sự gia tăng đáng kể địa danh Việt), tính chất, cấu tạo, lĩnh vực; mang lại nhiều giá trị thẩm mĩ quan trọng, đặc sắc cho thơ chữ Hán của Tố Như là một biểu hiện tiêu biểu.

P.T.V  
(SHSDB28/03-2018)

--------------
1. Văn bản được sử dụng để khảo sát là Nguyễn Du toàn tập, tập 2, Mai Quốc Liên và Vũ Tuân Sán dịch nghĩa, chú giải, Nxb. Văn học, H., 2015.

2. Nhiều tác giả, Từ điển văn học, bộ mới, Nxb. Thế giới, H., 2004, tr. 1122.

3. Núi Bình Chương. Trương Thế Kiệt phò Tống Đế Bính chống quân Nguyên nhằm khôi phục nhà Tống. Về sau, khởi nghĩa thất bại, bèn lên thuyền chạy về núi Bình Chương. Trên đường về, gặp bão, thuyền đắm, Trương Thế Kiệt chết, cơ nghiệp kháng Nguyên phục Tống cũng mất theo.
Cô Trúc là một nước nhỏ lập vào đời Ân. Vua nước này là Á Vi có hai người con là Bá Di và Thúc Tề. Khi nhà Chu chiếm nhà Ân, Di và Tề bỏ lên núi Thú Dương ở ẩn, nhịn đói mà chết, quyết không ăn rau thóc nhà Chu. Cả hai điển Bình Chương Cô Trúc trong văn học đều chỉ cho lòng cô trung.

4. Nam Sơn đậu, tức đậu trên núi Nam Sơn. Đời Hán Tuyên Đế, Dương Vận mất chức, về nhà làm bài thơ ví mình như cây đậu trên núi Nam Sơn vì núi rậm rạp mà cây xơ xác nhằm trách vua Hán để triều đình nhiễu nhương khiến người hết lòng phò tá như ông bị bỏ rơi. Nguyễn Du viết “không trồng đậu Nam Sơn”, ý nói mình không muốn ra làm quan.
Bắc Hải tôn là chén rượu ở Bắc Hải. Đời Hán, Khồng Dung làm thái thú Bắc Hải, nhà lúc nào cũng đông khách, rượu không bao giờ thiếu. Nguyễn Du viết “vò rượu Bắc Hải luôn trống” ý muốn nói gia cảnh mình nghèo.  




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Kẻ dối trá (14/05/2018)
Phù hư (08/05/2018)