Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-18)
Con đường Huyền Trân công chúa
14:53 | 28/05/2018

TRẦN KIÊM ĐOÀN

Cái tên vừa đẹp, vừa kiêu sa mà cũng rất nhu hòa và sương khói như một huyền thoại sử thi: Huyền Trân Công Chúa.

Con đường Huyền Trân công chúa
Minh họa: Nhím

Năm 1306, vua Trần Nhân Tông thuận gả công chúa Huyền Trân cho Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân (Jaya Sinhavarman) với sính lễ hôn nhân là hai châu Ô, Rí (từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên Huế đến phía bắc Quảng Trị ngày nay). Chỉ một năm sau ngày thành hôn, Chế Mân đột ngột qua đời. Theo tục lệ Chiêm Thành, các hoàng hậu và thiếp yêu của vua phải bị lên giàn hỏa thiêu với vương quân khi vua chết. Nhưng Huyền Trân công chúa được bào huynh là vua Trần Anh Tông sai Trần Khắc Chung giải cứu mang về.

Câu chuyện Huyền Trân công chúa được truyền tụng trong dân gian, không chỉ vì lý do chính trị, lịch sử mà còn về khía cạnh văn hóa và nghệ thuật. Huyền Trân là một nhân vật lịch sử hàng vương giả đã để lại dấu ấn sâu đậm nhất về một biểu tượng lá ngọc cành vàng đầy bi tráng. Sự tiếc nuối của dân gian đầy cảm tính: Tiếc thay cây quế giữa rừng, Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo. Dẫu cho “thằng Mán, thằng Mường” ấy có là vua thiên hạ chăng nữa thì sự tiếc nuối ấy vẫn không nguôi trong lòng nhân thế đầy hệ lụy chủng tộc. Trong hình tượng nghệ thuật, nếu Thúy Kiều là một nhân vật xinh đẹp, tài hoa, “bắt phong trần phải phong trần”, bị số phận nghiệt ngã của kiếp hồng nhan phải chịu nhiều khổ ải thì công chúa Huyền Trân ở một vị thế cao sang quyền quý hơn nhưng bản chất và số phận thì cũng tương tự: Kiều bán mình chuộc cha. Công chúa Huyền Trân vâng mệnh vua cha, phụng hiến đời mình cho giang sơn tổ quốc. Sự hy sinh nào cũng đẹp; nhưng hy sinh tình yêu lứa đôi cho ân nghĩa gia đình hay đại nghĩa tổ quốc có nét đẹp não nùng và rưng rưng riêng của nó.

Khúc quanh cuối cùng của cuộc tương tranh kéo dài gần 8 thế kỷ kể từ khi Huyền Trân về Chiêm Quốc và Châu Ô, châu Rí về giang sơn Đại Việt, vua Minh Mạng đã sáp nhập vương quốc Chiêm Thành vào đất nước Việt Nam kể từ năm 1832. Và cũng gần 200 năm, sau đó cho đến ngày nay, bóng dáng anh thư và điển hình nghệ thuật của công chúa Huyền Trân đã “thể nhập” vào những thế hệ con người và sông núi Huế. Lúc mơ hồ thiêng liêng, lúc hiển hiện dưới muôn vàn hình tướng. Với những hình thức lễ hội tôn giáo dân gian khi huyền bí mơ hồ nơi non cùng dặm thẳm hay thể hiện dưới những hình thức lễ nghi ngập tràn âm thanh và rực rỡ màu sắc, công chúa Huyền Trân đã trở thành một biểu tượng Nữ Thần trong văn hóa Huế. Mơ hồ đâu đó hay hiển hiện dưới nhiều hình thái thờ tự, người dân xứ Huế có niềm tin truyền đời rằng, mình là cư dân mới trên đất cũ Chiêm Thành. Những chuỗi ngữ âm (răng, ri, mô, tê, rứa...), những nhóm từ còn mang âm hưởng Champa, những điệu Nam Ai, Nam Bình đòi đoạn, những món ăn cúng cô hồn còn có rau luộc mắm nêm... là dấu vết kế thừa trên dải đất mà ngày xưa công chúa Huyền Trân đã đem cả cuộc đời thanh xuân đổi lấy. Trong cái không gian bao la và dòng lịch sử trải dài như sông núi, những thế hệ kế thừa tưởng nhớ và tôn vinh Huyền Trân theo một cách riêng tùy theo từng chặng đường lịch sử và xã hội. Tôi sinh ra và lớn lên trong vùng đất châu Ô, châu Rí ngày xưa khi cuộc chiến Việt Nam đang diễn ra đầy khốc liệt trên khắp mọi miền quê hương. Nhưng Huế vẫn được ví như... nàng công chúa ngủ trong rừng. Trong tiếng bom đạn não lòng xa xa gần gần đêm ngày dội về Huế. Nếp sống đơn giản của giới bình dân và nếp sống quý phái kiểu Huế của những gia đình tương đối khá giả từ thời tiền chiến vẫn còn đậm nét trong chiến tranh.

Tôi từ làng quê lên Huế học từ thời đệ thất Hàm Nghi năm 1959. Tôi học lịch sử công chúa Huyền Trân và thường đi trên con đường Huyền Trân Công Chúa. Có thể nói mà không lo bị hài tội là cường điệu, đại ngôn khi cho rằng, con đường Huyền Trân Công Chúa Huế nổi tiếng vào thời tuổi trẻ của tôi không chỉ vì danh vị của bậc anh thư bảy trăm năm trước mà vì những giai nhân tài sắc của một gia đình thời hiện đại: Gia đình bác Trần Kiêm Phổ và những người con gái đã làm xao xuyến bao chàng trai gạo cội Huế cũng như vãng lai; kể cả học trò trong Quảng ra thi. Với giới nam nhi đủ mặt của Huế một thời thì con đường Huyền Trân Công Chúa (ngày đó) bắt đầu từ cầu Ga. Từ nơi đó nhìn phía bên trái có một cái “ki ốt” nhỏ, lai lịch dựng lên không biết thời nào, nhưng trong mắt những chàng trai Huế thì nó có từ khi trở thành nhà sách Uyên Bác. Nhà văn Dương Mãn viết: “Nơi đó là ki ốt bán sách báo của chị em ca sĩ Hà Thanh. Đây cũng là nơi quy tụ nhiều cây si tới mua sách báo thì ít mà ngẩn ngơ nhìn ngắm... thì nhiều.” Bác Trợ Phổ là trưởng tộc dòng họ Trần trong thế hệ học trò chúng tôi. Đối với các chị, tôi ở vai vế đàn em vừa về mặt tuổi tác, vừa về mặt quan hệ huyết thống nên chỉ biết các bà chị của mình rất nổi tiếng. Chị Tố Cần, nổi tiếng là người đẹp Đồng Khánh vang bóng một thời, nhưng không tránh khỏi chuyện tình duyên lận đận. Chị Hà Thanh là một danh ca với tiếng hát trong ngần như nước sông Hương. Nhưng tình duyên cũng nửa đường gãy gánh. Chị Phương Thảo đẹp đoan trang như bức tranh nghệ thuật. Nhưng chuyện tình của chị cũng đẹp mà buồn như tình sử Love Story! Với những khuôn mặt nổi tiếng như các chị và các lang quân của mấy chị thì chuyện tình nghĩa riêng tư không còn ở riêng sau khung cửa sổ mà đã trở thành những mẫu chuyện tình đẹp và buồn của Huế. Tôi còn nhớ bác Ấm Mai đã có lần bình luận: “Chuyện của mấy o cũng như là chuyện tình của Huyền Trân - Trần Khắc Chung thuở trước. Có những người đàn bà hy sinh việc lớn cho cuộc tình. Nhưng cũng có những người đàn bà hy sinh cuộc tình cho việc lớn. Thiệt không dễ gì tìm ra một chuẩn mực để phê phán công bằng cho những hệ lụy của tình yêu và lịch sử.”

Con đường Huyền Trân Công Chúa ở Huế là một trong những con đường đẹp nhất nơi đây. Đẹp bởi cái tên gọi diễm kiều và ẩn chứa trong mình cùng lúc vai trò lịch sử đầy bi hùng của dân tộc và nét đẹp non nước thần kinh. Tôi một thời là chàng trai Quốc Học lớn lên với niềm mơ mộng hoa niên về con đường áo trắng Đồng Khánh. Nhưng rồi cũng xa Huế, xa con đường Huyền Trân Công Chúa chạy dọc theo dòng sông An Cựu nắng đục mưa trong lên tới Nguyệt Biều Lương Quán. Tôi bỏ Huế mà đi; nhưng mỗi lần về thăm Huế, tôi không thể là gã lưu dân hay người du khách. Tôi thương Huế như thương bóng dáng mẹ mình: Bóng dẫu khuất nhưng niềm tâm cảm vẫn luân lưu ấm nồng trong mạch sống. Thương Huế, thương mình và miên man nhớ dáng xưa, tôi làm bài thơ Đồng Khánh - Huyền Trân xưa:

Tôi nhớ mãi một “mai tê” Đồng Khánh
Một mai tê… dễ sợ: Lạnh xa mù
Mai tê rồi bóng xế trăng lu
“Con ve kêu mùa Hạ, biết mấy thu gặp chàng!”
Huế có già mô mà níu kéo thời gian
Lo chi rứa nỗi đá mòn sông cạn
Bảy trăm năm những mùa trăng ly tán
Sông nước Chàm miền châu Rí, Châu Ô
Cô công chúa - tóc xanh màu Đồng Khánh
Tuổi quỳnh dao đành… “cho thiếp đi cùng!”
Ngày Chiêm Quốc, đêm mơ về bến Việt
Mắt Huyền Trân còn đẫm lệ Khắc Chung
Điệu Hời ca bơ phờ đòi đoạn
Sên phách vô tình để lạnh dòng sông
Có phai cũ khi nửa đời xa Huế…
Ngõ sau nhìn, quê mẹ có vời trông?
Tôi, Đồng Khánh, mai tê thời son trẻ
Đã xa quê từ dâu bể mưa nguồn
Hái niềm vui tan tác giữa cơn buồn
Nhớ rưng rức nỗi tha phương dồn tụ
Đồng Khánh ơi, Huyền Trân xưa đó
Nhiều tang thương nên Huế đẹp vô cùng
Sông, nước, biển, trời… nơi mô cũng có
Nhưng não nùng làm Huế đẹp rưng rưng
Khi ở Huế thấy Huế buồn chi lạ
Xa Huế rồi thấy Huế quá mênh mông
Trong nỗi nhớ một cũng là tất cả
Khi thương yêu tất cả sẽ vô cùng.


T.K.Đ  
(SHSDB28/03-2018)





 

 

Các bài đã đăng
Kẻ dối trá (14/05/2018)
Phù hư (08/05/2018)