Tạp chí Sông Hương - Số 350 (T.04-18)
Bà và cháu với con chồn con
09:29 | 26/04/2018

TRẦN DUY PHIÊN

1.
Ngày nghỉ học, cháu theo bố lên rẫy. Làm nông phải tận dụng công nhà, thuê mướn cả, tới lúc thu hoạch chỉ đủ trả nợ, không còn cái ăn - Bố cháu thường ra rả đêm ngày như thế. 

Bà và cháu với con chồn con
Minh họa: Nhím

Đầu mùa, đất đã được cày vỡ, bố dùng cuốc móc lỗ, cháu theo sau thả hạt. Công việc chẳng có gì nặng nhọc, nhưng thương con, bố cho cháu nghỉ sớm và bố tự làm một mình dưới nắng hè như đổ lửa. Rừng núi bao la, trời đất mênh mông cuốn hút, ở không cháu có chịu ngồi yên đâu. Uống vội hớp trà đắng trong bình-đông của bố, cháu băng qua những đám rẫy chưa gieo trồng, đến tận chân núi. Ở đây, lan từ đất theo mùa trồi lên, lá xanh mướt, hoa vàng ánh. Chỉ việc ngắm và ngắm cho đã mắt, còn hái mang về, đôi tay nhỏ bé của cháu chẳng nhằm nhò với bạt ngàn sơn lâm.

Lẫn trong gió từ những đỉnh núi xanh cao tràn xuống, cháu nhận ra có tiếng kêu lạ, nhìn lên chỉ thấy trời mây. Lần sâu hơn nữa, vào tận những khóm lan mọc xen nách đá, cháu thấy một con vật nhỏ màu nhung nâu nằm run rẩy dưới lá. Nó chỉ bằng con mèo nhí ngày bà cháu mới xin về nhưng sắc lông mịn mướt. Ngồi bệt xuống đất, dè chừng, cháu ghé mắt quan sát. Lạ chưa, một tí ti sợ hãi cũng không! Như chờ đợi nhau từ lâu, nó nghếch mỏ, mở lớn đôi mắt nhỏ thơ ngây. Cháu bế lấy nó và chạy như bay về phía bố.

- Nó là con chồn con. - Bố nói ngay khi cháu vừa ập tới.

- Hình như nó đang đói? - Cháu áp cận hơn nữa. Bố ngừng làm việc, vặt vạt áo lau mồ hôi trán. Con chồn lè lưỡi liếm vào lòng tay cháu, hai mắt đen nhong nhóng nhướng lên - Nó đang đói bố ơi!

Bố khẽ cười, trở lại làm việc, phó mặc cháu với con chồn con.

- Mẹ nó đâu mà để nó thế này! - Cháu than, nhưng bố chẳng thiết ngó ngàng.

Cháu ẳm con chồn đi thẳng tới gốc cây - nơi để các thứ mang theo cho bố con cháu ăn trưa. Rứt một rẻo cơm, cháu nhón nhén bón cho chồn. Nó kêu rin rít, vùng vằng rồi nuốt chửng. Cháu thả chồn xuống đất, đặt ngay mỏ nó nửa củ khoai luộc. Nó hươi mũi, rung râu, đưa hai chân trước kẹp lấy, vồ vập như sợ mất phần. Cháu nghỉ ngay đến chuyện mang chồn về nhà.

2.

- Bà có biết ngoài mấy thứ này, nó còn ăn được gì nữa không? - Cháu hỏi ngoại cháu đang bắc ghế ngồi bên nhìn cháu chăm sóc chồn.

Không nghe bà lên tiếng, cháu lại hỏi, một tay vuốt dọc sống lưng con vật như muốn thúc giục, vỗ về, bảo ban nó cố mà ăn nhiều vào cho mau lớn.

- Vất cái thứ dơ dáy ấy đi! - Ngoại thét, gấp chiếc quạt giấy gõ nhẹ vào đầu cháu.

Sao bà giận dữ thế? Thoáng nhìn và biết bà bực dọc, cháu vẫn cúi xuống với chồn nhưng trong lòng phân vân, gờn gợn âu lo. Suốt ngày ở rẫy với bố, cháu nhớ lại hôm nay không làm gì phiền bà. Muốn đánh bạo hỏi cho rõ chuyện, nếu có sơ suất thì cháu xin thứ lỗi, nhưng bà đã xô ngã ghế, vội quay vào nhà.

Ém nhẹ chồn vào ngăn tủ, cháu theo bà lui nhà sau ăn cơm. Con em cháu ngồi bên cứ năn nỉ đổi con chồn lấy cái cặp da mới. Cháu không chịu, nó phụng phịu bỏ đũa ngay sau đó, gạt nước mắt đi ra vườn. Mẹ im lặng nhìn theo. Bà ngồi bên bố, uể oải ăn cho qua bữa, mắt cứ gườm cháu. Mẹ lựa miếng cá ngon gắp bỏ chén bà nhưng bà lạnh nhạt trả lại. Mẹ đưa mắt nhìn bố, ngập ngừng muốn nói gì với cháu rồi lại thôi. Bố im lặng, không vui như thường ngày, ăn nhanh. Xong bữa, bố ra ngồi ở hiên hút thuốc.

Cháu nghĩ đến việc làm cho chồn cái nhà bé xíu ở vườn sau, chỗ sát hè. Nhưng trời đã tối hẳn, với lại, chưa tìm được vật liệu, cháu đành xin mẹ chiếc khăn cũ lót cho nó nằm.

- Ngủ ngoan nhé! - Cháu e dè đặt chồn vào ngăn tủ.

Mẹ từ bếp lao lên, hai tay dính đầy lọ, sửng sốt nhìn cháu.

- Bài vở ngày mai con chưa lo xong kia mà! - Mẹ nhắc nhở như thường ngày nhưng hôm nay giọng hơi khe khắt - Nè, bà hờn đấy!

Ngoại hờn việc gì? Cháu chưa kịp hỏi, mẹ đã bỏ đi. Nhà sau vang lên giọng bà bực bội mắng mỏ ai đó. Cháu ngồi vào bàn ngay, cố học để tỏ ra mình không lơ là vì mê mẩn chồn. Bà đi ngang qua, dừng lại nhìn vào ngăn tủ, bĩu môi rồi bước thẳng ra cửa. Bà nhỏ to tỉ tê với bố, cháu nghe tiếng được tiếng mất. Mẹ sai con em gọi cháu xuống bếp. Đang giặt áo quần, mẹ ra hiệu cháu ngồi ghé xuống sát bên.

- Ai cho con cái của nợ ấy? - Mẹ hỏi, dằn thấp giọng.

- Là cái gì ơ? - Cháu ngớ ngẩn, mẹ ra hiệu nói khẽ thôi - À, con chồn! - Mẹ gật đầu - Con bắt gặp nó ở rẫy nhà mình - Cháu cố lái chệch nơi chốn một tí để mong mẹ đoái thương.

- Bà không muốn con nuôi nó trong nhà.

- Thế sao có lần đi chợ bà lại mua về cặp thỏ?

- Thỏ khác chồn - Mẹ nói, cháu xị mặt ngồi im - Ý bà, thỏ hiền, dễ nuôi, mắn đẻ, còn chồn là thứ mờ ám quỷ quyệt gian manh. Con gần gũi nó rồi có ngày lây nhiễm tính xấu.

- Con không tin.

- Từ xưa đến nay, cả thế gian này đều tin như thế.

- Chó ăn bẩn, mèo ăn vụng, sao bà lại rước về? - Cháu muốn lôi kéo mẹ theo mình.

- Chó canh trộm, mèo bắt chuột - Nói đến đó, mẹ đưa áo quần ra phơi ở hè chái, cháu nhìn theo, lặng im. Lúc trở vào, mẹ dỗ dành - Con mang thả nó về lại với núi rừng!

- Nó còn nhỏ, đi lạc mẹ hay mẹ nó đã bị ai giết…

- Đừng bướng nữa! - Mẹ ngồi xuống bên cháu - Lớn lên con sẽ hiểu ngoại đã yêu con như thế nào, còn bây giờ, mẹ đổi cho đôi chim chào mào?

Cái thứ bất nghĩa đó con không cần. Cháu muốn nói ra ý nghĩ ấy với mẹ nhưng không dám, ấm ức, cúi mặt. Hai bàn tay cháu đây đã từng nâng niu bao nhiêu con chim từ trứng nước, đến ngày khôn lớn lỡ khi sổ lồng, chúng dông tuốt.

3.

Mẹ chồn cho chồn ăn uống thế nào cháu không rõ, nhưng ở với cháu, hễ có gì là nó ních ngay thứ ấy. Chồn rất ngoan và mau lớn. Cháu đã dạy nó đuổi được mấy con gà hay vào bươi bếp, diệt lũ chuột chù đêm hôm chí chóe quanh nhà… Nhưng bà cứ ghét cay ghét đắng chồn và thường chì chiết cháu. Bố không có ý kiến nhưng tỏ ra không vui. Mẹ sợ chồn chết nhưng không muốn nó ở trong nhà. Con em cháu vẫn tiếp tục gạ gẫm đủ thứ, vài ba hôm lại hờn dỗi một bữa. Chồn có lắm kẻ thù trong nhà mà cháu ngại nhất là mèo và chó. Mèo không thích gần chồn, hễ có dịp, nó tung ngay cái tát vào mặt đối phương, nếu không kịp tránh đòn nhất định sẽ đổ máu. Còn chó, hung hăng, lì lợm. Nó đánh hơi chồn từ xa nhưng giả bộ lù đù rồi bất ngờ tấn công. Cũng may, cháu kịp thời can ngăn và bao giờ cũng tẩn cho nó một trận. Bà liền binh chó, có bữa xồng xộc đứng cản ngọn roi. Từ đó, bao chuyện xấu xa xúi quẩy trong nhà bà đều đổ vạ lên đầu chồn. Mẹ gà dẫn con đi kiếm ăn, chiều về thiếu mất mấy nhóc, bà kết tội chồn bắt thịt. Một buổi sáng dọn chuồng, không thu nhặt được quả trứng nào, bà quy chồn lén cắp. Con heo nái đau đẻ, nhảy cà tưng sỉa hầm gãy chân, bà vu do chồn rượt đuổi…

Buổi trưa hai anh em đi học về, cửa ngăn tủ ai mở toang hoác, cháu nhìn vào, chẳng thấy chồn trong đó. Hai anh em chạy tìm khắp nhà khắp vườn. Cháu hỏi mấy lần mẹ cứ giả tảng không nghe. Bố lên rẫy từ sáng sớm, chắc do bà? Nhưng còn lâu cháu mới dám hỏi bà một việc như thế, chỉ thầm mong bà đừng giết nó.

4.

Cháu tin chồn lần dò được đường trở về chốn cũ. Bỏ một buổi học, cháu lén bố mẹ lên núi tìm thăm nó. Vượt qua những đám rẫy nay đã phủ xanh khe luống, cháu đến chân núi. Lan xanh đầu mùa như chui cả vào đất chẳng để lại tí gì. Tảng đá trước đây - nơi chúng cháu tình cờ gặp nhau, nay cỏ dại đã khuất lấp. Quẩn quanh một lúc, mệt đứ đừ, nhưng chẳng thấy chồn đâu! Đứng chơ vơ giữa trời dài đất rộng, tự dưng cháu hiểu vì sao bà căm ghét chồn, vì sao cha buồn, và vì sao mẹ đứng ngồi không yên.

Khi trở về, trời đã ngả sang chiều, cháu bắt gặp bà len lén lau mặt thềm nhà sau, con chó ngồi bên lè lưỡi liếm mép. Nhìn kỹ, cháu thấy tấm giẻ trong tay bà có vấy máu. Cháu đứng lặng, đã cố hết sức, nước mắt vẫn ứa ra. Cháu tin những gì đang ở trước mắt là có thật, cũng như bấy lâu cháu đã tin bà cưng cháu nhất nhà.

T.D.P  
(TCSH350/04-2018)




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng