Tạp chí Sông Hương - Số 350 (T.04-18)
Về hai đạo sắc phong khai khẩn họ Chế làng La Vân Thượng
15:27 | 11/05/2018

ĐỖ MINH ĐIỀN

Trong số những đối tượng được thờ cúng và được xem là phúc thần của nhiều làng xã vùng Huế, thì Khai canh, Khai khẩn là một thần hiệu ra đời khá muộn. 

Về hai đạo sắc phong khai khẩn họ Chế làng La Vân Thượng
Sắc phong họ Chế làng La Vân thượng năm Khải Định thứ 2 (Ngày 08 tháng 05 năm 1917) - Ảnh: Nguyễn Phước Bảo Đàn

Chân dung các vị được tôn vinh là Khai canh, Khai khẩn hầu hết là người Việt, bằng xương bằng thịt, không đồng tộc, có công lao to lớn trong việc mở đất, khai lập xã hiệu. Là tín ngưỡng mà từ rất sớm được dân làng đưa vào quy chế tế tự, tuy nhiên phải đến thời Duy Tân mới được triều đình chuẩn hóa và thừa nhận bằng cách ân ban sắc phong.

Nhân dịp khảo sát điền dã ở một số làng, chúng tôi may mắn được tiếp cận với hai đạo sắc phong dưới thời vua Khải Định ban cho ngài Thỉ tổ họ Chế làng La Vân thượng. Nhận thấy đây là nguồn tư liệu khá đặc biệt, có giá trị ở nhiều phương diện, là một trường hợp ngoại lệ về đối tượng được thờ cúng “không phải Việt” trong hệ thống nhân thần Khai khẩn, phản ánh quá trình cộng cư của cư dân Việt - Chăm và sự giao thoa về mặt văn hóa, tín ngưỡng.

1. Đôi nét về làng La Vân thượng

Những năm đầu Công nguyên, vùng đất Thừa Thiên Huế ngày nay là một phần của quận Nhật Nam, quận nằm về phía Nam của bộ Giao Chỉ thuộc nhà Hán. Phương Đình Nguyễn Văn Siêu cho biết, quận Nhật Nam vào thời Tiền Hán bao gồm 5 huyện là Chu Ngô, Tỷ Ảnh, Lư Dung, Tây Quyển và Tượng Lâm, với 15.460 hộ và 69.485 khẩu… Thời Hậu Hán, quận Nhật Nam có 18.263 hộ, 100.676 khẩu1. Cho đến khi người Việt hiện diện trên vùng đất này, cơ bản đây là địa bàn sinh sống của người Chăm. Vương quốc này được thành lập sau sự kiện người dân huyện Tượng Lâm, quận Nhật Nam nổi dậy, hình thành nước Lâm Ấp. Huế, ngày nay thuộc về châu U lik/Ô Lý, một trong năm tiểu vương quốc từng được nhắc đến trong các văn bia Chămpa.

Cũng như nhiều làng quê khác trên đất Huế, quá trình hình thành làng La Vân thượng là kết quả của tiến trình di dân lập nghiệp của người Việt trong lịch sử. Sau ngày bàn giao “quyền sở hữu”, khi hai châu Ô Lý được nhượng lại cho Đại Việt để làm món quà sính lễ của quốc vương Champa Chế Mân, người Việt vì nhiều lý do khác nhau lần lượt di cư về Nam tụ cư lập làng.

Xét về mặt dân cư, hành chính, sự thiếu vắng của các nguồn tư liệu dẫn đến trong một khoảng thời gian khá dài, những hiểu biết của chúng ta về vùng đất mới mở của người Việt phía Nam dãy Hoành Sơn trở nên quá mơ hồ. Tạm xem Ô châu cận lục là số ít các bộ địa chí đầu tiên đề cập đến hai châu Thuận Hóa, thì có thể nói La Vân đã hiện diện trên bản đồ Đại Việt ít ra cũng trước thế XVI. Trong danh sách các làng xã bấy giờ, La Vân là 1 trong 59 làng thuộc huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong2. Theo Dương Văn An, đây là một ngôi làng “có nếp văn vật3 và “kẻ sĩ La Vân tươi đẹp như mây, nho phong chưa mất4. Họ Phan là họ Khai canh của làng, trong bài tựa Tộc phả họ Phan cho biết, ngài Thủy tổ họ Phan nguyên quán ở xã Thanh Đồng, huyện Thiệt Lục, phủ Lạng Giang: 本 族 始 先 列 祖 原 貫 北 京 山 北 道 諒 江 府 實 籙 縣 青 同 社 自 昔 往 化 公 務 栔 眷 從 居 久 而 生 齒 日 蘩 開 拓 日 廣 隸 入 承 天 額 藉 立 成 社 號 廟 墓 歷 幾 百 年 爲 鄉 中 之 開 耕 巨 族 也 .

[Phiên âm]: Bổn tộc thủy tiên liệt tổ nguyên quán Bắc Kinh Sơn Bắc đạo Lạng Giang phủ Thiệt Lục huyện Thanh Đồng xã, tự tích vãng hóa công vụ, khế quyến tòng cư, cửu nhi sinh xỉ nhật phiền, khai thác nhật quảng, lệ nhập Thừa Thiên ngạch tịch, lập thành xã hiệu, miếu mộ lịch kỷ bách niên, vi hương trung chi khai canh cự tộc dã.

[Dịch nghĩa]: Ngài thủy tổ và các ngài tiên tổ họ ta, nguyên quê gốc tại xã Thanh Đồng, huyện Thiệt Lục, phủ Lạng Giang, đạo Sơn Bắc ở Bắc Kinh, từ xa xưa vào Thuận Hóa làm việc công, đem gia quyến theo, lâu đời sinh đẻ càng nhiều, mở mang càng rộng, bèn lệ vào ngạch tịch Thừa Thiên, lập thành làng xã, miếu thờ và mộ táng đã trải mấy trăm năm, là một họ khai canh lớn trong làng vậy5.

Trong các bản văn tế của làng và gia phổ họ có ghi “Thiên Trường vệ Chấn Uy quân tiền phong tướng, Ngự dinh quản lĩnh Phan quý công”, như vậy rất có khả năng ngài thủy tổ họ Phan là một nhân vật sống vào thời kỳ trước khi chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa. Trong một lần đi công vụ Thuận Hóa trở về ngài đã đem theo toàn bộ gia quyến vào đây định cư lập nghiệp6. Hiện nay, phần mộ ngài táng tại Cồn Lệnh xứ, thuộc địa phận phía tây làng Hiền Sĩ.

Sau hơn 200 tụ cư, lập nghiệp và liên tục mở rộng đất đai. Về sau với sự lớn mạnh dần của cộng đồng dân cư, La Vân phân tách thành hai làng [xã] riêng biệt, độc lập “đinh, điền, tế tự”, và đến cuối thế kỷ XVIII, La Vân thượng là 1 trong 16 xã thuộc tổng An Thành, huyện Quảng Điền7.

Nằm về phía hạ lưu sông Bồ, cuộc đất La Vân không chỉ lý tưởng về mặt phong thủy, nơi đây rất tiện lợi cho việc giao thương, đi lại giữa các vùng, miền. Dải đất men theo bờ sông liên tục được nguồn Bồ Giang bồi đắp phù sa, góp phần không nhỏ cho việc canh tác và sản xuất nông nghiệp. Vào khoảng giai đoạn đầu triều Gia Long, sau đợt tổng lập địa bạ trên toàn quốc, tổng diện tích đất của làng là 147 mẫu, 5 sào, 6 thước, 7 tấc, trong đó diện tích công điền là 108 mẫu, 8 sào, 8 thước và 1 tấc, công thổ: 25 mẫu, 2 sào,1 tấc. Riêng đất dành cho Quan thổ Tam bảo là 6 sào và mộ địa: 12 mẫu, 8 sào, 13 thước, 5 tấc8. Về tứ cận ranh giới, phía đông của làng giáp với các xã La Vân hạ, Phước Yên, Hương Cần và sông, tây giáp xã Phước Yên, Lương Cổ và sông, nam giáp xã Hương Cần (phần đất làng liên giới với Giáp Kiền thuộc Hương Cần) và sông. Phía bắc giáp với thôn Cao Xá thượng, Cao Xá hạ, xã Thiên Tùy, xã Vu Lai, có cột đá làm giới9. Đến thời kỳ vua Đồng Khánh, La Vân thượng thuộc tổng Phước Yên, huyện Quảng Điền, và danh xưng này tồn tại mãi đến hôm nay.

2. Sắc phong Khai khẩn họ Chế ở làng La Vân thượng

2.
1. Hai đạo sắc phong cho ngài họ Chế, lần lượt được ban vào các năm 1917 và 1924 dưới thời vua Khải Định, hiện nay được lưu giữ tại từ đường họ Chế. Kích thước sắc với số đo lần lượt là dài 122cm, rộng 0,50cm. Chất liệu sắc là loại giấy có màu vàng thẩm, đậm, dày và cứng. Về trang trí, bốn góc bổ 4 ngũ thọ lớn, bên trong lòng sắc là các hoa văn nối liền các chữ thọ với nhau theo kiểu vặn thừng. Chính giữa sắc vẽ đồ án long vân màu bạc đậm. Mặt sau chủ yếu trang trí theo một số mô típ như tứ linh, dây lá nho, chữ thọ. Ấn được đóng là ấn Sắc mệnh chi bảo [敕 命 之寶], màu đỏ son rất đẹp, tươi mịn. Hai sắc phong này đều chung một đặc điểm với hệ thống sắc phong dưới thời nhà Nguyễn. Sự thống nhất này được thể hiện rất rõ ràng cả về hình thức lẫn nội dung trình bày.

Sắc phong 1

Nguyên văn: 敕 承 天 府 廣 田 縣 羅 雲 上 社 奉 事 開 墾 制 大 郎 之 神 稔 著 靈 應 o 肆 今 丕 承 耿 命 緬 念 神 庥, 著 封 為 翊 保 中 興 靈 扶 之 神, 準 其 奉 事o 庶 幾 神 其 相 佑 保 我 黎 民o 欽 哉

啟 定 貳 年 叁 月 拾 捌 日 [硃 印: 敕 命 之寶]

Phiên âm: Sắc Thừa Thiên phủ, Quảng Điền huyện, La Vân thượng xã phụng sự Khai khẩn Chế đại lang chi thần, nẫm trứ linh ứng. Tứ kim phi thừa Cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, trứ phong vi Dực Bảo Trung Hưng linh phò chi thần, chuẩn kỳ phụng sự. Thứ cơ thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai!

Khải Định nhị niên tam nguyệt thập bát nhật. [Chu ấn: Sắc mệnh chi bảo]


Tạm dịch: Sắc cho làng La Vân thượng, huyện Quảng Điền, phủ Thừa Thiên phụng thờ thần Khai khẩn Chế đại lang, linh ứng rõ rệt. Nay Trẫm vâng mệnh nối nghiệp lớn, nghĩ đến công đức của thần, nên phong tặng Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò chi thần. Chuẩn cho xã [La Vân thượng] phụng thờ như cũ, ngõ hầu thần hãy che chở, trợ giúp dân đen của ta.

Khâm tai!

Ngày 18 tháng 03 năm Khải Định thứ 2 (Ngày 08 tháng 05 năm 1917).

[Đóng ấn son: Sắc mệnh chi bảo]

Sắc phong 2

Nguyên văn: 敕 承 天 府 廣 田 縣 福 煙 總 羅 雲 上 社 從 前 奉 事 原 贈 翊 保 中 興 靈 扶 開 墾 欽 差 北 道 使 制 文 族 大 郎 尊 神 護 國 庇 民 稔 著 靈 應o 節 蒙 頒 給 敕 封, 準 許 奉 事o肆 今 正 值 朕 四 旬 大 慶 節o 經 頒 寶 詔 覃 恩 禮 隆 登 秩o 著 加 贈 端 肅 尊 神o特 準 奉 事 用 誌 國 慶 而 申 祀 典o 欽 哉

啟 定 玖 年 柒 月 貳 拾 五 日[硃 印: 敕 命 之寶]

Phiên âm: Sắc Thừa Thiên phủ, Quảng Điền huyện, Phước Yên tổng, La Vân thượng xã, tòng tiền phụng sự nguyên tặng Dực Bảo Trung Hưng linh phò Khai khẩn Khâm sai Bắc đạo sứ Chế Văn Tộc đại lang tôn thần, hộ quốc tý dân, nẫm trứ linh ứng. Tiết mông ban cấp sắc phong, chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim chính trị, Trẫm tứ tuần Đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, trứ gia tặng Đoan Túc tôn thần. Đặc chuẩn phụng sự, dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển. Khâm tai!

Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật. [Chu ấn: Sắc mệnh chi bảo]


Tạm dịch: Sắc cho làng La Vân thượng, tổng Phước Yên, huyện Quảng Điền, phủ Thừa Thiên trước đây đã phụng thờ thần Khai khẩn Khâm sai Bắc đạo sứ Chế Văn Tộc đại lang tôn thần, phò nước giúp dân, linh ứng rõ rệt, đã được ban cấp sắc phong chuẩn cho phụng thờ.

Nay nhân dịp Tứ tuần Đại khánh của Trẫm, đã ban chiếu ra ân rộng rãi, lễ dày trật hậu, nên gia tăng cấp bậc, gia tặng Đoan Túc tôn thần. Đặc biệt chuẩn cho phụng thờ, để ghi nhớ ngày mừng của nước mà tỏ bày điển lễ thờ tự.

Khâm tai!

Ngày 25 tháng 07 năm Khải Định thứ 9 (Ngày 25 tháng 08 năm 1924).

[Đóng ấn son: Sắc mệnh chi bảo]

2.2. Những nhận xét ban đầu

Gia phả họ Chế và một số bản Văn tế hiện đang lưu giữ tại tộc họ, thì ngài Chế đại lang có tên húy là Động, ông chính là Thủy tổ họ Chế ở La Vân. Không rõ ông sanh năm nào, nhưng hàng năm Chánh kỵ của ngài được tổ chức vào ngày 27 tháng 11 (Âm lịch). Trong phần mở đầu bản Chúc văn10 cho biết ngài Chế Văn Động nguyên trú “cổ Chiêm Thành chi quốc, Ô Lý châu chi địa thị dã”. Cũng theo tư liệu này thì ngài Chế Văn Động đã có công lao rất lớn trong việc “khẩn điền tịch thổ, lập hiệu quy dân”. Sắc phong vào năm Khải Định thứ 9 cung cấp thêm một thông tin về chức vụ của ngài là Khâm sai Bắc đạo sư 欽 差 北 道 使. Tuy nhiên, tra cứu một số tư liệu liên quan về quan chế như Lê triều quan chế, Sử học bị khảo và bộ Lịch triều hiến chương loại chí [mục quan chế], chúng tôi vẫn không tìm thấy chức vụ này.

Thuận Hóa, nguyên là đất của hai châu Ô Lý, đây là lãnh thổ của người Chăm trước khi nó được cắt nhượng cho người Việt sau cuộc hôn nhân giữa vua Chế Mân và Công chúa Huyền Trân năm 1306.

Theo Inrasara thì “họ” của đồng bào Chăm gồm có 5 nhóm11. Trong đó nhóm “Họ xưa” dành cho các vua Chăm gồm có Indra, Jaya, Çri, Maha, Rudra. Về sau, có thể do quá trình Việt hóa nên các họ này đều được phiên âm qua tiếng Hán và Chế có lẽ từ “Çri mà ra12. Với dẫn liệu nêu trên thì khả năng dòng họ Chế ở La Vân hiện nay chính là hậu duệ người Chăm đã ở lại, cộng cư với người Việt13. Hiện nay, trên địa bàn Thừa Thiên Huế, ngoài La Vân thì “còn lại dòng họ Chế ở làng Vân Thê (Thủy Vân, Hương Thủy) và một vài chi phái làng An Đô (Hương Chữ, Hương Trà), và làng An Mỹ (phường Phú Hiệp, thành phố Huế)”14. Như vậy, quá trình di dân tụ cư của người Việt cũng gắn liền với quá trình cư dân Champa lùi dần về phía Nam, hoặc ở lại cùng chung sống với người Việt. Có thể quá trình cộng cư của người Việt với cư dân bản địa ở đây cũng đồng thời diễn ra mối quan hệ hôn nhân giữa các tộc người và như vậy lớp thế hệ “người Việt gốc Chăm” nối tiếp ra đời và cùng song hành tồn tại trên vùng đất mới. Các trường hợp trên chính là minh chứng cho tiến trình Việt hóa, thể hiện sinh động sự giao thoa và hỗn dung về văn hóa.

Như chúng tôi đã đề cập, nhân thần Khai canh, Khai khẩn là một thần hiệu chung, thuộc hệ thống tín ngưỡng dân gian vùng Huế nói riêng. Khai canh, Khai khẩn là tập hợp những đối tượng là nhân thần, thường là các vị thủy tổ họ, có hành trạng rõ ràng. Quá trình hình thành và định hình của tín tục này gắn bó mật thiết với hình ảnh, công lao của những lớp lưu dân Việt trên bước đường mở cõi. Qua khảo sát, trường hợp họ Chế ở La Vân thượng có thể nói là biệt lệ khi một vị là người Chăm “không phải Việt” được tôn vinh làm Khai khẩn.

Hiện tại làng La Vân thượng 羅 雲 上 (Quảng Thọ, Quảng Điền), chỉ có họ Phan là Khai canh và ngũ tộc Khai khẩn, gồm: Nguyễn Thượng, Nguyễn Hữu, Chế, Trần và Phan Văn. La Vân hạ, một làng được tách ra từ làng La Vân hiện tại không thờ tự ngài Khai canh, bởi lẽ theo lệ của nhiều làng, trách nhiệm tế tự, lập miếu các ngài thường do “làng gốc” đảm nhận.

Trong hệ thống các đối tượng thờ cúng là nhân thần Khai canh, Khai khẩn ở vùng Huế mà chúng tôi có dịp khảo sát và tìm hiểu. Khi một dòng họ dự hàng Khai khẩn, được xem là thế hệ sau, trong mối tương quan với các “họ nhất” thuộc lớp Khai canh của làng thì thường các vị [1] thủy tổ các tộc đó đến sau, hay [2] trong tộc có một nhân vật nào đó do có công lao đặc biệt nên được nội bộ làng xã đưa vào điển lệ thờ tự, về sau dưới các triều vua Nguyễn được ân cấp sắc phong. Tuy vậy, nếu nhìn trên phương diện lịch đại, chúng ta không có một lý do nào để khẳng định người Việt đến đây lập nghiệp trước lớp cư dân bản địa, trong đó có người Chăm.

Sau các đợt di dân rầm rộ vào giai đoạn sớm, người Việt và người Chăm vẫn xen cư lẫn lộn, bên cạnh các nhóm lùi dần về Nam hay tiến lên vùng phía Tây, rải rác có những nhóm liên tục phân tán kiếm tìm vùng đất thích hợp hơn, nên có thể họ Chế ở La Vân không phải là “nhóm cư dân gốc”, họ sống đâu đó ven lưu vực sông Bồ và thậm chí xa hơn, do nhu cầu sinh kế nên di chuyển đến đây sau khi người Việt đặt chân lên vùng đất này. Vả lại chính sự cổ súy của triều đình vào giai đoạn cuối Nguyễn cũng có tác động rất lớn, khi nhu cầu cố kết mọi tầng lớp trở nên cấp thiết hơn, bởi thực quyền của chính quyền Nam triều lúc này lại do người Pháp nắm giữ.

Đời xa người khuất, việc xác định rõ ràng thời điểm nhập cư của những ngài thủy tổ, một trong những căn cứ để phân biệt thế thứ “kẻ trước, người sau” thật ra là không phải dễ. Từ thực tiễn điền dã ở một số làng xã ở Huế, thực tế là không hiếm những trường hợp, trong từng thời kỳ nhất định, sự nổi lên của một hay nhiều dòng họ nào đó, biểu hiện cụ thể bằng sức mạnh quyền lực hay tài chính đã tác động không nhỏ trong việc thay đổi và định hình vị trí, thế thứ và nguồn gốc ban đầu của nhiều dòng tộc. Xuất phát từ ý thức cá nhân, những hành động này không ngoài mục đích khẳng định sự thắng thế của chính bản thân dòng họ mình.

Thiết nghĩ, với sự thiếu vắng các nguồn tư liệu rồi thần tích của các ngài và gia phả được biên soạn khá muộn sau này, không tránh khỏi “tam sao thất bản”, nhiều chỗ nhầm lẫn và sai sót. Hơn nữa, từ cuộc hôn nhân Chăm - Việt qua nhiều thế hệ, đồng nghĩa với sự biến mất của cộng đồng Champa khi truyền thống này lại không được trao truyền, nên xét cho cùng thì những hậu duệ hiện nay không thể gìn giữ bất kỳ một lưu ảnh nào mang sắc thái Chăm. Do vậy, không cho phép chúng tôi đưa ra một kiến giải xác đáng nào cho những nghi ngờ nói trên cả về phương diện văn hóa cũng như nhân chủng học. Nên chăng đó là những giả định, cần tiếp tục nghiên cứu và bổ sung.

3. Tạm kết

So với nhiều vùng khác trên địa bàn vùng Huế, lưu vực sông Bồ là địa bàn quần tụ sinh sống tập trung đông đảo của người Chăm trong quá khứ, sự mật tập của những dấu tích về bia ký, đền tháp, thành lũy… ở đây là minh chứng rõ nét nhất. Hai đạo sắc phong cho ngài Chế đại lang là nguồn tư liệu rất có giá trị nhằm xác thực lai lịch, công lao của những người tham gia kiến tạo thổ điền, quy dân lập ấp. Đồng thời phản ánh quá trình xen cư, tiếp xúc và giao lưu văn hóa của các lớp cư dân trên vùng đất mới mở. Có thể thấy rằng, trong hệ thống nhân thần Khai canh, Khai khẩn ở vùng Huế, không chỉ dừng lại ở chân dung các ngài thủy tổ họ mang gốc Việt. Với việc tôn xưng họ Chế là Khai khẩn đã tạo nên sự đa dạng về các đối tượng thờ cúng trong loại hình tín ngưỡng này.

Đ.M.Đ  
(TCSH350/04-2018)

------------------
1. Nguyễn Văn Siêu (1997) “Đại Việt địa dư toàn biên”, Nxb. Văn Hóa, tr: 17 - 19.  
2. Dương Văn An (2001) “Ô châu cận lục”, Trần Đại Vinh, Hoàng Văn Phúc dịch chú, hiệu đính, Nxb.  Thuận Hóa, tr: 59
3. Dương Văn An (2001) “Ô châu cận lục”, Sđd, tr: 69.  
4. Dương Văn An (2001) “Ô châu cận lục”, Sđd, tr: 83.  
5. Lê Nguyễn Lưu (2006) “Đời sống văn hóa gia tộc”, Nxb. Thuận Hóa, tr: 84.  
6. Lê Nguyễn Lưu (2006) “Đời sống văn hóa gia tộc”, Sđd, tr: 86.  
7. Lê Quý Đôn (2015) “Phủ biên tạp lục”, Trần Đại Vinh dịch chú, bổ chính, Nxb. Đà Nẵng, tr: 60.  
8. Nguyễn Đình Đầu (1997) “Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, tỉnh Thừa Thiên”, Nxb. Thành phố Hồ  Chí Minh, tr: 270
9. Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, tỉnh Thừa Thiên, Sđd, tr: 270.  

10. Bản Chúc văn này không thấy ghi niên đại. Tuy nhiên theo chúng tôi khả năng đã được con cháu  phụng sao chép lại vào giai đoạn muộn sau này. Nội dung có nhiều chỗ sai sót. Một số phần, đoạn chỉ thấy chép phần Phiên âm bản Hán văn mà không thấy phần nguyên tác. Vì vậy, chúng tôi tạm xem đây là cứ liệu mang tính chất tham khảo. Hy vọng sẽ sớm bổ khuyết sau.

11. Gồm có: Họ xưa, Họ Chăm bình dân, Họ Chăm theo dòng tộc, Họ và tên theo tôn giáo và Họ  Chăm trong giấy Khai sinh ngày nay. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông lại cho rằng, người Champa vốn dĩ không có họ. Những họ như Ôn, Ma, Trà và Chế là kết quả của các cuộc hôn nhân giữa Chăm - Việt đã diễn ra trong lịch sử và được người Việt quy định để thuận tiện hơn trong việc kê khai nhân khẩu, lập sổ đinh của nhà nước. Tên gọi 4 tộc họ này là những đại từ nhân xưng (Ôn có nghĩa là ông, Ma: Cha, chú, Trà: nghĩa là gã [ấy] và Chế là âm trại từ chữ Chêy nghĩa là chàng). Xin xem thêm Nguyễn Hữu Thông (1994) “Huế, nghề và làng nghề thủ công truyền thống”, Nxb. Thuận Hóa, tr: 23 - 24.

12. Inrasara (2008) “Văn hóa xã hội Chăm, nghiên cứu và đối thoại”, Nxb. Văn Học, tr: 297 - 298.  

13. Vùng đất Thừa Thiên Huế được sát nhập vào bản đồ Đại Việt trong một bối cảnh khá êm dịu, vì  thế đã không gây xáo trộn lớn về mặt dân cư. Trong thành phần cư dân ở đây, bên cạnh lực lượng người Việt mới chuyển đến thì một bộ phận đông đảo người Chăm vẫn ở lại đất Thuận Hóa. Hai văn bản Thỉ thiên tự ở làng Câu Nhi [Hải Lăng, Quảng Trị] và Đà Sơn, Đà Ly phổ chí ở Hòa Vang cho thấy sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa giữa người Việt và người Chăm.

14. Ủy ban nhân dân Tỉnh Thừa Thiên Huế (2013) “Địa chí Thừa Thiên Huế, phần Dân cư và Hành  chính”, Nxb. Thuận Hóa, tr: 33 - 34.  






 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chùm thơ NP Phan (10/05/2018)