Tạp chí Sông Hương - Số 351 (T.05-18)
Bao la nhân ái một con người
14:58 | 18/05/2018

TRẦN NGUYÊN HÀO  

Lòng nhân ái của Bác Hồ dành cho mọi người dân Việt Nam; tình yêu thương ở Bác lan tỏa đến những người nô lệ mất nước và những người cùng khổ trên khắp thế gian, cho những người da đen bị phân biệt chủng tộc, cho cả những người da trắng bần cùng, cho những người phụ nữ các nước đế quốc thực dân có chồng con bị đưa sang Việt Nam và nước thuộc địa làm bia đỡ đạn; và cho cả chính những người lính ở bị đưa đi đánh nhau và nhận những cái chết oan uổng trong các cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa.

Bao la nhân ái một con người
Đại biểu học sinh trường trung học Trưng Vương (Hà Nội) đến chúc thọ Hồ Chủ tịch (5/1956). Ảnh tư liệu.

Người viết: “Than ôi, trước lòng bác ái, thì máu của Pháp hay máu Việt đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người”; “Những dòng máu đó chúng tôi đều quý như nhau”.

Bác Hồ - người luôn luôn đề cao, trân trọng và quan tâm đặc biệt đến những người con đã cống hiến tuổi xuân, sức trẻ và cả cuộc đời cho Tổ quốc, cho cách mạng với một tấm lòng nhân ái bao la. Người thấu hiểu những nỗi đau và thiệt thòi mà mỗi con người Việt Nam phải trải qua khi đất nước bị chìm trong chiến tranh xâm lược. Người luôn nâng niu, quý trọng từng sinh mệnh trực tiếp xông pha trên các chiến trường khốc liệt. Trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, ở cương vị Chủ tịch nước và Tổng tư lệnh của quân và dân Việt Nam, Bác luôn luôn chỉ đạo các tướng lĩnh tìm mọi cách tránh tổn hao xương máu, công sức, tránh tổn thất cho quân và dân. Khi Mỹ dùng thủy lôi phong tỏa cảng sông, cảng biển của ta, biết tin ở Bến Thủy các chiến sĩ của ta dũng cảm lái ca nô chạy qua bãi thủy lôi để tiêu diệt thủy lôi, rất nguy hiểm đến tính mạng, Bác gặp cán bộ có trách nhiệm căn dặn: “Ta đánh địch ta thừa dũng cảm, nhưng phải tiết kiệm xương máu, các chú tìm phương pháp để điều khiển ca nô tự động không người lái chạy qua bãi thủy lôi, chứ dùng người lái thì quá nguy hiểm”. Ngay sau khi thấm thía lời căn dặn của Người, chương trình ca nô tự động điều khiển mang tên T.5 đã được cán bộ và chiến sĩ ở Bến Thủy triển khai có hiệu quả(1). Sau mỗi trận đánh, Người bao giờ cũng quan tâm đến tổn thất của quân ta trước khi nắm thông tin về thiệt hại, thất bại của quân địch. Người đau lòng khi một chiến sĩ của đất nước phải ra đi, một chiến sĩ phải bỏ lại một phần cơ thể nơi chiến trường. Viết thư cho bác sĩ Vũ Đình Tụng khi nghe tin con trai của ông đã hy sinh, Người đã thể hiện sự đồng cảm đến tột cùng của mình: “Tôi được báo cáo rằng: con trai ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái, nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột…”(2). Một lần, có đồng chí vào báo cáo Bác tình hình chiến sự miền Nam, về trận đánh lớn ta tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, đồng chí hết lời ca ngợi trận đánh rất đẹp, Bác với vẻ suy nghĩ và hỏi: “Chú hiểu thế nào là trận đánh đẹp”(3). Chúng ta hiểu Bác không bằng lòng với việc gọi một trận đánh tiêu diệt được nhiều sinh lực địch là một trận đánh đẹp vì như thế là không nhân văn, hơn nữa. Người biết địch bị tiêu diệt nhiều thì trận đánh đó cũng rất ác liệt, quân ta cũng thiệt hại không nhỏ, cũng có những chiến sĩ phải hy sinh, vĩnh viễn nằm lại với đất mẹ bao dung.

Để phần nào giảm nhẹ nỗi đau và sự mất mát của gia đình các thương binh, liệt sĩ, Bác luôn quan tâm đến những người thân của thương binh, liệt sĩ, đồng thời nhắc nhở mọi người phải quan tâm, động viên và chăm sóc họ. Khi được biết bố đẻ liệt sĩ Lý Tự Trọng ra Hà Nội, Bác cho mời vào. Trong không khí hàn huyên của thủa hàn vi (thời kỳ Bác hoạt động ở Thái Lan thường đến nhà ông), Bác mời ăn những món ăn xưa để nhắc lúc nào cũng nhớ về nhau như đôi bạn tri kỷ. Hồi ở chiến khu, Bác tiếp anh hùng La Văn Cầu, khi anh qua một trận chiến đấu rất anh dũng. Bác mời anh ở lại ăn cơm cùng Bác và lưu anh Cầu ngủ lại qua đêm. Bác xem anh như con đẻ. Đối với những người đã bỏ lại chiến trường một phần cơ thể, những người đã mất đi một phần sức lực, Bác không những thể hiện sự cảm thông sâu sắc, sự chăm sóc tận tình, chu đáo khi có điều kiện về thời gian mà còn luôn động viên họ nêu cao ý chí, tự tin vượt qua hoàn cảnh khắc nghiệt. Tết năm 1956, đến thăm trường thương binh hỏng mắt, Bác vui vẻ nói chuyện, rất khen ngợi tinh thần khắc phục khó khăn, bệnh tật, luôn cố gắng phấn đấu vươn lên. Bác động viên: “Các chú được học chữ, học nghề sau này phục vụ nhân dân được tốt hơn, như vậy các chú ‘tàn nhưng không phế’”. Bác luôn nhắc nhở, căn dặn chính quyền địa phương phải quan tâm trước hết đến những gia đình có người thân chiến đấu xa nhà bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Đầu năm mới Bác lên Vĩnh Phú thăm và chúc tết. Bác chưa đến những nơi mà các đồng chí lãnh đạo tỉnh bố trí trước mà đến thăm một gia đình của một đồng chí đang chiến đấu ở miền Nam. Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe gia đình, việc học hành của các cháu và sự quan tâm của địa phương ra sao. Chị chủ nhà nói những điều có thật, khác xa với sự báo cáo của địa phương. Nghe như vậy, Bác không vui, Bác phê bình thế là không tốt với dân, lừa dối cấp trên.

Trong kháng chiến, Bác cùng chịu đựng gian khổ, giá lạnh như người chiến sĩ. Bác không để lại gì cho riêng mình mà lo cho chiến sĩ trước. Bác là người khởi xướng phong trào “mùa đông binh sĩ”, vận động nhân dân không những lo cái ăn mà còn lo cái mặc cho chiến sĩ. Ở hậu phương, ai có thành tích lo cho chiến sĩ mặc ấm đều được Bác gửi thư khen ngợi(4). Bằng tình cảm nhân ái bao la và sự nâng niu, trân trọng những cống hiến, hy sinh của họ cho sự nghiệp cách mạng, bằng cách ứng xử thấm đẫm chất nhân văn và những lời dạy hết sức sâu sắc, tâm huyết, Bác Hồ đã khắc sâu vào tâm khảm và suy nghĩ của mỗi người dân về tình cảm, ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ đối với công tác đền ơn đáp nghĩa, trong đó đặc biệt là vai trò của những chủ thể trực tiếp thực hiện các chính sách đối với những người có công. Trước lúc đi xa, trong Di chúc để lại cho dân tộc Việt Nam, Người vẫn luôn băn khoăn, trăn trở đối với công tác đền ơn đáp nghĩa và căn dặn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể cần phải làm tốt hơn nữa công việc này và xem đây là công việc trọng yếu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn phải có một chính sách đặc biệt, cụ thể, thiết thực đối với mọi tầng lớp nhân dân đã vì Tổ quốc mà hy sinh. Theo Người, đó là công việc nhất thiết phải làm, dẫu khó khăn, phức tạp đến mấy cũng phải ra sức làm. Người dạy: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, chúng ta phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, phải mở những lớp dạy nghề thích hợp cho họ, để họ có được hành trang cần thiết bước vào cuộc sống tự lập, tự lực cánh sinh...

Đối với liệt sĩ, cần xây dựng vườn hoa và bia tưởng niệm...

Đối với cha mẹ, vợ con của thương binh liệt sĩ thiếu sức lao động và túng thiếu thì phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp...

Đối với phụ nữ, Đảng và Chính phủ phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cân nhắc và giúp đỡ..., bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên...”.

Người đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho nông dân để đồng bào thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất, sau nhiều năm liên tục đã ra sức góp của, góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Ngay cả đối với những người Việt Nam lầm lỡ, trước đây làm việc cho chế độ cũ hoặc không lương thiện trong chế độ xã hội cũ, Bác chỉ gọi họ là “nạn nhân của chế độ xã hội cũ” và nhắc nhở phải quan tâm đến họ, hướng thiện và hướng nghiệp cho họ theo tinh thần “đánh người chạy đi chứ không đánh người chạy lại”: “Nhà nước phải vừa dùng giáo dục vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở chúng ta không bỏ sót những đối tượng cần quan tâm thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, từ “những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình” (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong) đến gia đình của họ, từ nam giới cho đến phụ nữ, từ người già, người thiếu sức lao động cho đến thanh niên. Người căn dặn chúng ta rằng tất cả những con người đã cống hiến, hy sinh đều phải được quan tâm, động viên, giúp đỡ và hỗ trợ về cả mặt vật chất lẫn tinh thần và cái chính không chỉ giúp họ giảm bớt những nỗi mất mát thiệt thòi mà là tạo những điều kiện thuận lợi để họ vươn lên, khắc phục khó khăn, sống có ích, tiếp tục cống hiến cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Đó chính là phẩm chất nhân văn cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang tiếp tục soi sáng sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam tất cả vì con người, vì nhân dân.

T.N.H  
(TCSH351/05-2018)

-------------------
(1), (3), (4) Dẫn theo: Hồ Chí Minh, chân dung đời thường”, Nxb. Lao động, Hà Nội, 1997.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, 2000, tập 5, tr.40.  






 

Các bài mới