Tạp chí Sông Hương - Số 351 (T.05-18)
Hệ hình mỹ học tiếp nhận như là chân trời mới cho diễn giải lịch sử văn học(*)
15:30 | 31/05/2018

(T. Segers đặt câu hỏi, Hans Robert Jauss trả lời, Timothy Bahti dịch [sang tiếng Anh], Tạp chí New Literary History, Vol. 11, No. 1, Johns Hopkins University Press, 1979).

Hệ hình mỹ học tiếp nhận như là chân trời mới cho diễn giải lịch sử văn học(*)
Hans Robert Jauss - Ảnh: internet

Mỹ học tiếp nhận là một trào lưu lý thuyết nghiên cứu văn học xuất hiện vào cuối những năm 1960 ở Đức thường gắn liền với tên tuổi của Hans Robert Jauss (1921 - 1997). Tinh thần của trào lưu này đi theo hướng quan niệm cho rằng việc nghiên cứu về các tác phẩm văn học được triển khai dựa vào sức tác động và tầm ảnh hưởng mà nó gieo lên người đọc của nó, cho nên giá trị văn học của một tác phẩm được đánh giá theo cách mà cái nhìn về tác phẩm ấy thay đổi như thế nào qua thời gian. Bài phỏng vấn trao đổi dưới đây được tiến hành lần lượt theo sáu vấn đề xoay quanh việc nhấn mạnh đến tính hợp thức của một hệ hình mỹ học tiếp nhận, bộ công cụ của nó, và mối quan hệ của nó với các trào lưu đương thời khác cùng sự ảnh hưởng lẫn những tác động ý thức hệ lịch sử lên nó. 

 

I

T. Segers
hỏi: Năm 1972 ông đi đến kết luận rằng mỹ học tiếp nhận giới thiệu một hệ hình mới cho nghiên cứu văn học. Ông có tiếp tục giữ quan điểm này không? René Wellek chẳng hạn, đã lưỡng lự trước điều ấy khi gợi ý rằng luôn có những nghiên cứu giống như mỹ học tiếp nhận; Manfred Nauman thì nói về một “sự dao động của con lắc” hơn là một sự chuyển đổi các hệ hình. Nói cách khác, xét về mặt “hệ hình”, mỹ học tiếp nhận đem đến điều gì mới cho nghiên cứu văn học?

Hans Robert Jauss trả lời: Cũng như trong các ngành học khác, sự chuyển đổi các hệ hình học thuật trong nghiên cứu văn học không phải là sự kiện từ trên trời rơi xuống như sự cách tân thuần túy nào đó. Khi một hệ hình mới có hiệu lực, thì hiệu lực này được đánh giá bằng những câu hỏi mới có thể đặt ra cho những vấn đề cũ, bằng việc xem xét liệu nó có thể giải quyết được chúng theo những cách mới hay không, bằng việc những vấn đề chưa biết nhờ đó trở nên sáng tỏ, và bằng việc xem xét liệu rằng, trong toàn bộ những trường hợp nêu trên, các phương pháp có thể được phát triển để góp vào sự phong phú của truyền thống học thuật hay không. Lịch sử nghệ thuật đã luôn tự thể hiện vai trò như một quá trình giữa tác giả, tác phẩm, và công chúng; biện chứng của sáng tạo và tiếp nhận đã luôn được trung giới thông qua sự tương tác của cả hai, tức là, thông qua sự truyền thông văn học [literary communication]. Theo nghĩa này, “mỹ học tiếp nhận” luôn luôn là có thể có, nhưng không theo cách nói của Réne Wellek là luôn có các nghiên cứu như mỹ học tiếp nhận. Trước khi bắt đầu thời đại huy hoàng của chủ nghĩa duy sử, ngay bước chuyển từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19, tiếp nhận văn học đã được nhìn từ viễn tượng (perspective) của một mỹ học tác động (Wirkungssthetik) vốn đứng trong truyền thống của tu từ học và truyền thống thi pháp học của Aristoteles, nhưng mỹ học ấy lại không quan tâm đến những điều kiện lịch sử cho tác động thẩm mỹ của những tác phẩm nghệ thuật. Mỹ học tác động vĩ đại cuối cùng là phê phán năng lực phán đoán thẩm mỹ của Kant. Sau đó các quan tâm nghiên cứu đã dao động trở lại phía sáng tạo, như chính Manfred Nauman đã chỉ ra (Poetica [1976], các trang từ 451): “cảm quan chung” và “sở thích” thẩm mỹ gắn với nó đã bị mang tiếng xấu, và mỹ học của tài năng thiên bẩm, “nghệ thuật vị nghệ thuật”, và littérature engagée [văn học dấn thân] đã xuất hiện thế chỗ chúng. Từ đó, và mãi cho đến thời đại của chúng ta, câu hỏi về sự tác động và tiếp nhận của nghệ thuật - và cùng với chúng là hiệu quả giao tiếp của kinh nghiệm thẩm mỹ - đã không còn chiếm địa vị nổi bật trong những mối quan tâm của chúng ta.

Chủ nghĩa khách quan của phương pháp ngữ văn học thế kỷ 19, mà René Wellek - với tư cách là một đại diện nổi bật nhất - vẫn còn nặng nợ, đã không thể nhận thức được một cách trọn vẹn vấn đề này, vì nó quan tâm hơn hết đến vấn đề giá trị thẩm mỹ phi thời gian. Những lĩnh vực học thuật khác, chẳng hạn như thần học hay luật học, đã đánh bại chủ nghĩa duy sử giáo điều và chủ nghĩa thực chứng sớm hơn ngữ văn học. Ở đó, vấn đề phương pháp luận của thông diễn học từ lâu đã được nhìn nhận trong sự thống nhất ba mặt của việc hiểu, sự lý giải và sự vận dụng. Vấn đề về sự vận dụng - hay nói cách khác, vấn đề về tính không đầy đủ của việc chỉ đơn thuần tái cấu tạo cái quá khứ ‘như nó thực sự đã là’, tính không đầy đủ của sự lý giải hay sự miêu tả một văn bản ‘vì chính nó’, và sự nỗ lực trung giới văn học quá khứ vào trong chân trời kinh nghiệm của thời hiện tại của chính ta - là một đòi hỏi đã bị lấp liếm đi và đây chính là nội dung thực sự của bước ngoặt hướng đến một mỹ học tiếp nhận diễn ra trong giữa những năm 60 và rõ ràng là nó đã thành công.

II

T. Segers
hỏi: Nếu mỹ học tiếp nhận của những năm 60 phải xác lập một hệ hình mới, phải chăng nó không cần tiền giả định những công cụ mới - giống như những hệ hình của các ngành học thuật khác - nhằm đem đến một ý nghĩa mới cho khái niệm về sự lý giải? Nó có dẫn tới việc “vượt qua sự lý giải”, như tuyên bố của chủ nghĩa cấu trúc và kí hiệu học không? Đối với mỹ học tiếp nhận, liệu ta có thể nói về một sự lý giải có tính cách khoa học riêng hay không? Và ông nói gì về sự phản đối thường xuyên rằng phân tích tiếp nhận các văn bản chỉ thuần túy là chủ nghĩa chủ quan, và việc nhận ra rằng có bao nhiêu người đọc thì cũng có bấy nhiêu sự lý giải?

Hans Robert Jauss trả lời: Nếu đúng rằng chủ nghĩa cấu trúc văn học và kí hiệu học đưa ta ra khỏi và vượt qua những phương pháp lý giải truyền thống, thì ta có thể nói về mỹ học tiếp nhận và mỹ học tác động rằng, theo một cách nào đó, chúng dẫn ta về lại với sự lý giải. Nhưng hiển nhiên điều này không có nghĩa là chúng trở về lại với điểm tương tự mà những lý thuyết trước đó đã vượt qua rồi. Nói một cách chính xác thì mỹ học tiếp nhận và tác động không còn xem mục đích của việc lần theo một văn bản để về lại với “phát ngôn” của nó, [trở về lại] với ý nghĩa ẩn tàng đằng sau nó, hay với “ý nghĩa khách quan của nó” như là mục đích nữa. Đúng hơn, mỹ học tiếp nhận và mỹ học tác động xác định ý nghĩa của một văn bản như một sự hội tụ giữa cấu trúc tác phẩm và cấu trúc của sự lý giải vốn luôn luôn đổi mới. Công cụ của chúng không gì khác hơn là: sự phản tư thông diễn, được vận dụng một cách có ý thức và có giới hạn, vốn phải đồng hành cùng với toàn bộ sự lý giải. Do vậy, mỹ học tiếp nhận và mỹ học tác động cũng có thể vận dụng những thành tựu trong việc miêu tả các văn bản của chủ nghĩa cấu trúc, chẳng hạn như khi chúng vận dụng mô hình những tương đương của Jakobson để lý giải trên phương diện ngữ nghĩa các cấu trúc vốn có thể xác định trên phương diện ngôn ngữ học. Tuy vậy, các công cụ ngôn ngữ học được sử dụng ở đây khi và chỉ khi có mối liên hệ về mặt ngữ nghĩa. Các cấu trúc ngữ pháp mà vốn chỉ có nghĩa nào đó đối với các chuyên gia ngôn ngữ học, hay những nét tinh tế ngữ nghĩa mà chỉ có loại siêu người đọc toàn năng của Riffaterre mới có thể nhận thức ra được, [những cấu trúc ngữ pháp ấy] phải được đặt sang một bên để tập trung cho nhiệm vụ chính yếu là làm rõ sự tiếp nhận thẩm mỹ một văn bản từ bên ngoài những điều kiện tác động [Wirkungsbedingungen] của sự tiếp nhận này. Điều kiện trước tiên và bao quát chung cho một tác động thẩm mỹ đến từ văn bản là việc tiếp nhận nó [xảy ra] bằng việc hiểu, trong một sự kế tiếp nhau của văn bản những thể thơ, tự sự, hay sự khai mở đầy kịch tính của nó. Thế thì, thông diễn học văn học phân biệt giữa việc hiểu, sự lý giải và sự vận dụng. Lý giải, xét như sự cụ thể hóa một ý nghĩa đặc thù (giữa những khả thể về nghĩa khác nhau mà người lý giải trước đã cụ thể hóa hay người lý giải sau này có thể sẽ tiếp tục cụ thể hóa), vẫn luôn hạn định trong chân trời của lần đọc thứ nhất, tức việc tri nhận thẩm mỹ và việc hiểu với niềm vui sướng (pleasure); tiếp theo nó có nhiệm vụ soi sáng những điều kiện ngôn từ và thi pháp mà, từ sự cấu tạo của văn bản, [những điều kiện này] định hướng cho hành vi hiểu ban đầu. Sự vận dụng bao gồm cả hành vi hiểu lẫn hành vi lý giải trong chừng mực nó thể hiện mối quan tâm đến việc chuyển dịch văn bản ra khỏi quá khứ hay tính xa lạ của nó và đưa [văn bản] vào thời hiện tại của người lý giải, trong việc tìm kiếm câu hỏi mà văn bản đã có một câu trả lời cho người lý giải, trong việc tạo thành một phán đoán thẩm mỹ về văn bản vốn có khả năng thuyết phục được những người lý giải khác.

Do vậy, sự trách cứ của chủ nghĩa chủ quan là định kiến ít được biện minh và khó xóa bỏ nhất nhằm chống lại mỹ học tiếp nhận. Nó làm ngơ sự kết nối trở lại một cách không thể thay đổi được của sự lý giải với cấu trúc tiếp nhận của văn bản, cũng như làm ngơ tính liên-chủ thể của phán đoán thẩm mỹ vốn phải được cổ vũ; nó thể hiện việc thiếu một thức nhận về sự thiên lệch tất yếu của mọi lý giải trong quá trình tiếp nhận nghệ thuật. Ngược lại, chủ nghĩa chủ quan, cư ngụ một cách xác thực dưới lý tưởng về tính khách quan, nghĩa là nó giành thắng lợi ngay ở nơi người lý giải phủ định chân trời bị giới hạn về mặt lịch sử của họ, tức đặt họ ra bên ngoài lịch sử tác động của văn bản, chỉ nhìn thấy “những sai lạc” nơi tiền bối của họ và tự cho là mình đã sở hữu một cách trực tiếp và toàn bộ ý nghĩa của văn bản. Ngược lại, giá trị của phương pháp mỹ học tiếp nhận chính là việc nó phản đối tham vọng của lý giải duy ngã luận, và nó ít quan tâm đến sự kiểm sai có tính cách đảo ngược lại mà quan tâm hơn đến tính có thể hợp nhất của những lý giải khác nhau trong đó ý nghĩa của tác phẩm nghệ thuật - được mang lại cho ta và luôn được cụ thể hóa một cách bộ phận/ một cách thiên lệch - tự thể hiện ra theo cách thức riêng biệt.

Nếu bây giờ ông hỏi tôi rằng liệu đường hướng này có thể đưa ta đến sự lý giải có tính cách khoa học riêng hay không, thì rõ ràng câu hỏi trên có ý nói đến một khái niệm về khoa học rút ra từ khoa học tự nhiên, hay cụ thể hơn, từ vật lý học. Cái được gọi là khái niệm có tính định luật học về khoa học này, đã có lúc bị phản đối và bị phản đối trong vô số ngành học thuật khác nhau, bởi một khái niệm có tính đối thoại về khoa học mà chỉ có những người bảo vệ ý hệ [ideologue] mới có thể xem nó như là “ít [tính] khoa học”. Khái niệm có tính đối thoại về khoa học không loại trừ lập trường và hoạt động của chủ thể, mà đúng hơn, thâu gồm chủ thể như là điều kiện của nhận thức, và trong chừng mực ấy khái niệm này là khái niệm dùng để chỉ riêng cho toàn bộ những ngành khoa học muốn tìm hiểu nghĩa, tức những khoa học tiến hành từ giả định rằng nghĩa là một chân lý được mang lại - chứ không phải là một chân lý có sẵn - được hiện thực hóa trong sự thảo luận và đồng thuận với những người khác. Mặt yếu kém của cái gọi là nghiên cứu thường nghiệm về sự tiếp nhận và nghiên cứu văn học là chúng vẫn chưa một lần đạt đến được những kết quả của cấu trúc đối thoại trong việc hiểu những đối tượng văn học.

III

T. Segers
hỏi: Có hay không những điểm nối kết giữa ba phong trào: chủ nghĩa cấu trúc trường phái Prague, ký hiệu học và mỹ học tiếp nhận vốn là mối quan tâm của khoa học văn học nói chung?

Hans Robert Jauss trả lời: Tôi thấy có những điểm kết nối giữa ba phong trào nói trên, [nhưng] trên hết là trong việc các phong trào ấy đã đặt những vấn đề về sự truyền thông giữa người với người (interhuman communication), với những đặc trưng khác nhau, vào tâm điểm của những quan tâm nghiên cứu của chúng. Trong ngữ cảnh này, hoạt động nghiên cứu do trường phái nghiên cứu văn học Constance ở Đức giới thiệu từ năm 1966 không phải là sự kiện biệt lập. Nơi đây, những nỗ lực hướng đến một lý thuyết về sự tiếp nhận và tác động của văn học, vốn thoạt đầu được đặt cơ sở trên một khoa học về văn bản, đã không ngừng được phát triển thành một lý thuyết truyền thông văn học nhằm đánh giá đúng chức năng sáng tạo, tiếp nhận và mối quan hệ tương tác của chúng. Sự phát triển lý thuyết-khoa học này của khoa học văn học có tính báo hiệu cho một quá trình bao quát vốn có những biểu hiện tương tự trong ngôn ngữ học, kí hiệu học, xã hội học, nhân học, triết học và thậm chí là sinh học. Vào giữa những năm sáu mươi, một sự tách ra khỏi chủ nghĩa cấu trúc có tính khoa học đã xảy ra dưới sự phê phán về những hệ hình của vũ trụ ngôn ngữ học không-qui chiếu và do đó là phi-thế giới (nonworldly), tức việc phê phán hệ thống ký hiệu khép kín trong chính nó và không có chủ thể, phê phán việc bản thể hóa của khái niệm về cấu trúc, và phê phán logic bị hình thức hóa, phi truyền thông. Sự phục hồi [vai trò] của người đọc, người nghe, và công chúng khán thính giả (tức những “người nhận”) trong nghiên cứu văn học là tương ứng với: việc mở ra ngôn ngữ học - văn bản dựa trên một ngữ dụng học của những hành vi phát ngôn và hoàn cảnh giao tiếp; sự nghiên cứu kỹ lưỡng kí hiệu học trong một khái niệm văn hóa về văn bản; những câu hỏi được làm mới lại về chủ thể của vai trò và của “thế giới sống” trong nhân học xã hội, về động vật và môi trường trong sinh học; sự trở lại của xã hội học về nhận thức với những lý thuyết tương tác vốn đã trở nên thiết thực; và sự tách ra khỏi logic học hình thức hay logic học biểu đạt bằng một logic học dự bị hay logic học đối thoại. Trong sự biến đổi những hệ hình này (và chắc chắn là những hệ hình khác nữa) của những quan tâm nghiên cứu, vấn đề truyền thông được đề cập đến theo nhiều cách. Thêm vào đây là cuộc diễu hành thắng lợi của khoa học truyền thông toán học và khoa học lý thuyết thông tin, tuy vậy, trong đó tràn lan một góc nhìn ngây thơ quan niệm về một khoa học cứu rỗi đi tìm kiếm cách giải quyết những vấn đề phức tạp nhất về truyền thông của con người theo những cách thức đơn giản nhất. Vì truyền thông - ngược lại với khuynh hướng mở rộng nó vượt ra khỏi sự nhận thức, như là một khái niệm thời thượng và một cụm từ dùng đâu cũng được - giờ đây vẫn tiếp tục hiện diện trong sự hình thành khoa học của lý thuyết chỉ trong [phạm vi] những nỗ lực phương pháp luận, vì hầu hết các bộ phận của nó tách biệt khỏi các bộ phận khác, [nên] lý thuyết khái quát về truyền thông dù đã phát triển mạnh ngày nay vẫn còn xa mới thiết lập được một môn học nền tảng cho khoa học lịch sử, khoa học xã hội, và (với một sự mở rộng nào đó) khoa học tự nhiên. Để phát triển lý thuyết này theo một cách thức tương tác, dường như tôi - và không chỉ tôi - được giao một nhiệm vụ quan trọng nhất trong tương lai gần, và giải quyết một phần của nhiệm vụ này sẽ là một thời cơ của nghiên cứu văn học.

IV

T. Segers
hỏi: Có hay không một sự tương ứng giữa mỹ học tiếp nhận với những phát triển gần đây trong văn học Đức đương đại - so sánh với sự tương ứng giữa chủ nghĩa hình thức Nga và chủ nghĩa vị lai Nga?

Hans Robert Jauss trả lời: Với câu hỏi này, ông đã chạm đến một trong những khía cạnh thú vị nhất và vẫn còn ít được bàn luận đến nhất trong hoàn cảnh hiện nay. Theo quan điểm của tôi, không có sự tương ứng nào trong thực tiễn văn học đối với sự hình thành lý thuyết của nghiên cứu văn học Đức vào những năm sáu mươi như trường hợp giữa chủ nghĩa hình thức Nga và chủ nghĩa vị lai Nga vào những năm hai mươi. Ở Đức, cụ thể, mỹ học tiếp nhận thậm chí được xét trong thế đối trọng với lý thuyết mỹ học của tính phủ định (theo nghĩa của Adorno) và những biểu hiện của văn học và nghệ thuật tiền phong vốn phần lớn là theo cùng với nó. Lý thuyết tiếp nhận quan tâm đến việc tái chiếm lĩnh những chức năng truyền thông của văn học và nghệ thuật, trong khi lý luận mỹ học của Adorno - một hiện tượng nổi bật trong giai đoạn này - liên kết toàn bộ những hành vi giao tiếp hướng đến nghệ thuật với sự vui sướng thẩm mỹ bị ngăn cấm, và tuyên ngôn một chủ nghĩa tân Thanh giáo vốn được xem như là câu trả lời duy nhất cho cái gọi là công nghiệp văn hóa. Gần đây nhất, một sự phát triển đáng chú ý xuất hiện trong bối cảnh văn học Đức (và trên thực tế, ở cả hai bờ sông Elbe), trong đó ta có thể thấy một sự tương ứng với lý thuyết tiếp nhận và tác động. Tôi muốn nói đến sự tái chiếm lĩnh kì lạ - trong hình thức này - và độc nhất những văn bản cổ điển (chẳng hạn như là quyển The New Sorrows of Young Werther của Plenzdorf, hay quyển Mary Stuart của Hildesheimer) trong đó hình thức có tính toàn bộ của những phân mảnh gốc bất biến bị đập vỡ ra để phơi bày cho hiện tại một nội dung kinh nghiệm theo những cách mới và hầu hết là theo cách phê phán, trong một hình thức trùng phục thu hồi bằng những công cụ xa lạ hóa. Nước Anh cũng góp thêm một phần vào sự phát triển này với một làn sóng mới của việc tiếp nhận Shakespeare, trong khi ở Pháp quá trình tái chiếm lĩnh có tính phê phán về những văn bản cổ điển tiếp tục thiếu vắng trầm trọng.

V

T. Segers
hỏi: Trong quan điểm của ông, những tranh luận khá gay gắt diễn ra giữa nghiên cứu văn học Cộng hòa Liên bang Đức và Cộng hòa Dân chủ Đức vào những năm gần đây có góp phần nào vào một sự phát triển thực sự xa hơn của mỹ học tiếp nhận hay không?

Hans Robert Jauss trả lời: Tranh luận này đã được tiến hành - dĩ nhiên là có tính điển hình - như sự bất đồng trong nội bộ Đức giữa một lý thuyết nhìn bề ngoài là có vẻ duy tâm và một lý thuyết nhìn bề ngoài là có vẻ duy vật về văn học, trong đó cả hai phe đều cùng nỗ lực để vượt trội hơn phe kia trong [việc khẳng định] tính chính thống của họ. Hồi tưởng lại, chắc chắn là tôi không cần phải quay về xa hơn với [vấn đề] tính chính thống của những phe ngữ văn tư sản - mà từ đó trường phái Constance đã tự ngừng chiến. Nhưng mặt khác, trước hết phải xem cái gì vẫn được gọi là đặc trưng chính thống trong lý luận Marxist về văn học mười năm trước. Tính chính thống Marxist có thể được biểu thị ở ba điểm: lý luận phản ánh theo nghĩa của Georg Lukács; một việc hiểu không biện chứng về mối quan hệ giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm; và tính tiên nghiệm tuyệt đối của mặt sáng tạo trong mỹ học. Đối lập với điều này, khi ấy, cái được gọi là những nghiên cứu ngữ văn tư sản có thể được xem là chính thống theo cách của họ, trong chừng mực họ vẫn chấp nhận sự lý giải nội tại và chấp nhận sự khảo sát biệt lập về chuỗi những văn bản văn học, và không nghiêm túc đặt câu hỏi về chức năng xã hội của văn học. Từ viễn tượng của tôi - với việc tôi tự đặt mình ở giữa, không theo những người chủ chương của cánh tả lẫn những người chủ trương cánh hữu - thì đối thoại của mười năm đổ lại đây thành công một cách đặc biệt về mặt lập luận, tuy rằng nó được tiến hành một cách quyết liệt, vì cả hai bên đã vượt qua những điểm khởi đầu thuộc về tính chính thống và đã đặt ra được những vấn đề mới. Lý luận văn học Marxist tiên tiến ngày nay, cũng như lý luận văn học được tuyên bố là mới của phe “tư sản” đã bắt đầu hiểu mối quan hệ giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm, không trong thế đối lập nhau, mà như một quá trình trung giới biện chứng: nơi mà tác phẩm văn học vượt ra khỏi tính hữu dụng ý hệ thuần túy và chiếm giữ một chức năng xã hội tích cực, [thì nơi ấy] nó chứa đựng một hạt nhân của chủ nghĩa duy tâm - nói cách khác là sự siêu vượt-giai cấp - trong khi đó, ngược lại, ý nghĩa thẩm mỹ của một tác phẩm thậm chí là cổ điển, thoạt nhìn là phi thời gian và lý tưởng, chỉ có thể được nhận thức khi [ta] tái lập trở lại chân trời điều kiện hóa có tính duy vật của cái xã hội mà nó đã phản ứng. Ở trung tâm điểm của lý luận văn học như nó đang được tiến hành ngày nay bởi Manfred Naumann, Robert Weimann, và những người khác của Viện hàn lâm khoa học Berlin, không định vị trong hình thái phản ánh nữa, mà trong hình thái lưu thông [hàng hóa] của Marx có trong ‘Lời mở đầu phê phán chính trị kinh tế học’, nơi nó đòi hỏi và hợp thức hóa sự phân tích quá trình văn học như là một sự trung giới giữa sản xuất, tiêu dùng và phân phối hay trao đổi. Do vậy, các khuynh hướng tiên tiến của lý luận văn học trong cả hai phe ngày nay đều quy về nỗ lực thiết lập một sự tập trung của mối quan tâm về chức năng giao tiếp và do đó chức năng cấu tạo xã hội của văn học, vượt qua và vượt lên khỏi bình diện tiêu biểu của từng phe.

VI

T. Segers
hỏi: Khi ông nghĩ về sự phát triển tiếp theo của mỹ học tiếp nhận, theo ông những nhiệm vụ nào hiện ra như là nhiệm vụ cấp bách? Một trong những nhiệm vụ tất yếu là viết lịch sử tiếp nhận. Vậy thì phương pháp nào có thể có được cho nhiệm vụ này? Một vấn đề quan trọng xuất hiện ở đây chắc chắn là vấn đề thiếu các phản hồi của người đọc từ một thời đại nào đó. Chính xác hơn, bằng cách nào ta có thể tái cấu tạo chân trời của những chờ đợi trong một thời đại từ một vài, hay một số, những phản hồi của người đọc được lưu truyền lại mà không rơi vào kiểu cũ của lịch sử tinh thần?

Hans Robert Jauss trả lời: Tôi thấy việc cần kíp nhất của tình thế hiện nay là đề ra một thông diễn học văn học, tức là sẽ thiết lập những giả thiết thẩm mỹ của nó (xét như ngược lại với với thông diễn học thần học và thông diễn học luật học) và sẽ tìm cách xây dựng một nhịp cầu nối liền với các phương pháp cấu trúc, phương pháp ngôn ngữ học văn bản và phương pháp kí hiệu học. Dĩ nhiên cũng có những nhiệm vụ thú vị trong lĩnh vực lịch sử tiếp nhận, và có một số lượng lớn những lịch sử tiếp nhận phải được xử lý: lịch sử tiếp nhận các tác phẩm cá nhân, lịch sử tiếp nhận các tác giả, lịch sử tiếp nhận các thể loại và lịch sử tiếp nhận các thời đại tiêu biểu, nhưng chắc chắn là theo nhiều cách khác nhau hơn là theo phương pháp có tính chất bản thể luận cũ của “La fortune de…” hay “Sự ảnh hưởng của…”. Nhưng với điều này, một vấn đề lớn vẫn chưa được giải quyết, đó là, bằng cách nào các lịch sử tiếp nhận như vậy được hợp nhất vào trong một lịch sử văn học mới. Ở đây tôi muốn nhớ lại rằng ít nhất có một điều mà ta học được - hay có thể học - từ cuộc thảo luận của chủ nghĩa Marx: lịch sử của một loại hình nghệ thuật hay văn học không thể được viết như một lịch sử tự trị, mà chỉ như một bộ phận của quá trình xã hội. Trước khi ta có thể tham gia vào nhiệm vụ lớn này, một loạt những nghiên cứu dẫn nhập phải được thực hiện xong. Theo trình tự, điều này thuộc về việc nghiên cứu sự biến đổi chức năng của văn học, về hư cấu văn học và về sự tạo thành có tính tương quan của quy phạm văn học (chẳng hạn như sự chiếm hữu và sự loại bỏ văn học quá khứ trong các thể chế giáo dục) cũng như là một lịch sử về kinh nghiệm thẩm mỹ - như bản thân tôi đã bắt đầu trong quyển sách cuối cùng của mình, Kinh nghiệm thẩm mỹ và thông diễn học văn học. Nếu lịch sử văn học mới thực sự tồn tại thay vì chỉ đơn thuần là sự phản ánh lịch sử xã hội hay cuộc đối thoại mà thoạt nhìn là có tính tự trị giữa các tinh thần sáng tạo, thì sự dự phần của văn học theo các chức năng đa dạng của nó trước hết phải được xử lý một cách lịch sử và hệ thống.

Bước tiếp nối từ một lịch sử các tác phẩm và các thể loại nghệ thuật đến lịch sử kinh nghiệm thẩm mỹ, tức là hoạt động sáng tạo, tiếp nhận, giao tiếp thẩm mỹ của con người, cũng là nhiệm vụ tối cần thiết, vì nếu trình bày nó theo cách thông diễn, thì nó hiện ra một nhịp cầu giao tiếp với quá khứ xa lạ. Ngược lại với lịch sử có tính chất sử kí, cái lịch sử phải tái cấu tạo đời sống quá khứ từ một số lượng lớn những bằng chứng câm lặng hay từ những luận điểm xuyên tạc có tính ý hệ, lịch sử các nghệ thuật có sự thuận lợi của cái tồn tại (being) được định hình từ những tác phẩm vẫn tiếp tục đến được với chúng ta ngày nay - hay có thể xuất hiện trở lại - trong niềm vui sướng thẩm mỹ và việc hiểu thẩm mỹ. Do đó, xét ở góc độ kinh nghiệm thẩm mỹ, nghệ thuật thúc đẩy sự chuyển động chân trời của các chờ đợi hiện thời từ sự chuyển động chân trời của các chờ đợi quá khứ, một sự chuyển động vô cùng cần thiết cho nghiên cứu lịch sử cũng như nghiên cứu lịch sử nghệ thuật. Bằng việc quay trở lại với các chức năng xã hội của kinh nghiệm thẩm mỹ, thì một chân trời của những chờ đợi có thể được tái cấu tạo một cách dè dặt (tentatively) ngay cả khi không có, hay vừa mới có những phản hồi của người đọc được lưu truyền lại. Vì chính chúng ta là và luôn vẫn có khả năng là những người đọc các văn bản quá khứ. Để tái cấu tạo không chỉ đặc điểm thẩm mỹ của nó, mà còn cả tính khác của nó, ta có những phương pháp tự chọn của ta. Ở nơi nào thông diễn học lịch sử không thể có được, ta có thể nỗ lực một hướng tiếp cận hệ thống với, chẳng hạn như, những công cụ của truyền thông, các hệ thống xét như là lý thuyết văn học và thể loại nghệ thuật chuẩn bị cho chúng. Trong quyển sách của tôi, Tính khác và tính hiện đại của văn học trung cổ, tôi đã cố gắng chỉ ra, ví dụ như, cách thức hệ thống giao tiếp của các thể loại văn học nhỏ, hay “các hình thức đơn giản” của diễn ngôn mẫu mực của một thời đại trong quá khứ có thể được tái cấu tạo, nhờ đó tôi chứng minh được tính thực tiễn của công cụ thông diễn của “câu hỏi và câu trả lời”.

Hoàng Phong Tuấn chuyển ngữ  
(TCSH351/05-2018)

---------------
(*) Tiêu đề do Ban biên tập đặt.  




 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Mầm nhói (30/05/2018)