Tạp chí Sông Hương - Số 352&SDB29 (T.06-18)
Những bước đi mới hay câu hỏi về nhịp điệu thơ Tân Hình Thức Việt
09:39 | 21/06/2018

KHẾ IÊM

Tiêu chuẩn đánh giá một bài thơ Tân hình thức hay bao gồm: ý tưởng và nhịp điệu. Ý tưởng trong thơ, nếu ai cũng biết rồi thì không còn là ý tưởng nữa, bởi vì thơ phát hiện điều mới lạ trong những sự việc thường ngày.

Những bước đi mới hay câu hỏi về nhịp điệu thơ Tân Hình Thức Việt

Và ý tưởng trong thơ Tân hình thức là những ý tưởng và câu chữ liền lạc chứ không đứt đoạn như thơ tự do. Còn nhịp điệu, xác định tốc độ đọc và khơi dậy cảm xúc, là yếu tố chủ yếu. Nếu không có nhịp điệu, thơ không lôi kéo được người đọc tham dự vào sự chuyển động, nhanh hay chậm, khơi dậy cảm xúc, và nhập vào sự đọc. Muốn hồi phục người đọc, phải hồi phục nhịp điệu thơ.

Và vì vậy, luôn luôn phải tái định hướng để phù hợp với từng thời kỳ thơ. Với ngôn ngữ đời thường, chúng ta dễ hiểu lầm thơ Tân hình thức Việt chỉ quan tâm tới những câu chuyện đời thường, thật ra, ngôn ngữ đời thường có nghĩa là ngôn ngữ nói thông thường, giống như phái Hình tượng chủ trương, thơ bao quát mọi chủ đề, không hẳn chỉ là đời thường, mà bao gồm kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau cả sách vở lẫn đời sống. Thơ Tân hình thức Việt dùng kỹ thuật lặp lại chữ nhóm chữ để tạo nhịp điệu thơ, và kỹ thuật đó được tái định nghĩa như sau, “lặp lại những chữ đơn kép (bằng trắc) phân phối vừa đủ trong bài thơ để tạo nhịp điệu.” Lý do, tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm, có nhiều tiếng đơn kép dễ dàng lặp lại trong suốt bài thơ một cách tự nhiên.

Trước kia, vì chưa có những tiêu chuẩn đánh giá một bài thơ hay, nên rất ít sáng tác được coi là đúng thơ Tân hình thức, mà ngay cả những phán đoán, phê bình vì dựa theo sáng tác và những suy diễn chủ quan, nên cũng không hiểu dòng thơ này. Nếu yếu tố mới thuộc về ý tưởng, thì yếu tố hay thuộc về nhịp điệu. Mà nhịp điệu lại tùy thuộc cách làm thơ. Trong khi tiêu chuẩn đánh giá thơ và cách làm thơ chỉ mới hoàn tất, với hai tập tiểu luận “Vũ điệu không vần” (2011), “Tân hình thức, nghĩ về cách làm thơ” (2016) và một tiểu luận về những chức năng sáng tạo trong não bộ, “Thơ và không thơ” (2017), giúp bổ túc cách sáng tác và tìm kiếm nội dung thơ.

Cho đến bây giờ, những người tham gia sáng tác thơ Tân hình thức, đa số chỉ gắn bó với thơ Tân hình thức trong một thời gian ngắn, sau đó thì rút lui hoặc không còn sáng tác được nữa. Lý do, từ khi có thơ tự do, nhịp điệu thơ không còn tồn tại nơi những người làm thơ. Nhưng thế nào là nhịp điệu thơ? Nhịp điệu thơ được tạo ra từ luật tắc của những thể thơ truyền thống, như không nhấn, nhấn trong thơ tiếng Anh, bằng trắc trong thơ Đường hay luật vần trong thơ Mới, phân biệt với nhịp điệu nhịp nhàng của văn xuôi.

Đa số những quốc gia Âu châu như Pháp, Đức Ý, Anh… thuộc ngôn ngữ đa âm, và luật thơ và các thể thơ được tiếp nhận từ thơ cổ La Hy, dựa trên những đơn vị âm tiết. Chỉ khác, với những ngôn ngữ như Anh, Đức, đơn vị âm tiết dựa vào những âm tiết không nhấn, nhấn, tương đương với âm tiết dàingắn trong các ngôn ngữ khác như Pháp, Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Luật thơ là luật một dòng thơ, điển hình là dòng thơ iambic pentameter với các đơn vị âm tiết không nhấn, nhấn được lặp lại 5 lần trong một dòng thơ 10 âm tiết. Trong khi những ngôn ngữ đơn âm như Việt Nam lại tiếp nhận luật thơ bằng trắc và thể thơ từ Trung Hoa như ngũ ngôn, thất ngôn... Nhìn vào luật thơ ở cả phương Đông lẫn phương Tây, nhà thơ phải chọn chữ chọn lời cho khớp với luật thơ, nên nhịp thơ đơn điệu với ngôn ngữ ẩn dụ, bóng bảy, lặp lại cả ngàn năm dần dần mất sức sống. Nhưng phải đợi đến khi thay đổi nền văn minh, phương Tây bước vào cuộc cách mạng kỹ nghệ lần thứ hai, cuối thế kỷ 19, mới có một cuộc cách mạng thật sự về thơ, thay đổi cả ngôn ngữ và cách làm thơ: Thơ tự do ra đời.

Thơ tự do phương Tây, phát xuất từ Mỹ, cuối thế kỷ 19, với sự xuất hiện tập thơ Lá Cỏ (Leaves of Grass) vào năm 1855 của Walt Whitman. Nhưng thuật ngữ thơ tự do (vers libre) lại chỉ xuất hiện với thơ tự do Pháp. Thơ tự do Pháp bắt nguồn từ thơ văn xuôi của Beaudelaire, Rimbaud, và được phát động từ Gustave Kaln (1859 - 1936), khi ông đảm trách tờ La Vogue vào năm 1885. Nhưng thơ văn xuôi của Beaudelaire lại ảnh hưởng từ nhà văn Mỹ Edgar Allan Poe, khi ông dịch những tác phẩm của Poe qua tiếng Pháp. Trong số báo 28, tháng 6/1886, xuất hiện những bài thơ tự do đầu tiên của Kaln, và một số bài thơ dịch từ tập Lá Cỏ của Whitman bởi Jules Laforgue. Những nhà phê bình Pháp cho rằng, hình thức thơ Whitman đã ảnh hưởng tới thơ tự do Pháp.

Thật ra, thơ tự do Mỹ và thơ tự do Pháp khác nhau, vì dù cùng là ngôn ngữ đa âm, nhưng tiếng Anh là ngôn ngữ trọng âm, trong khi tiếng Pháp thì không. Vers, tiếng Pháp có nghĩa là dòng thơ. Trong vers libre, chiều dài của dòng thơ không còn là những số âm tiết cố định (điển hình là dòng thơ Alexandrine, 12 âm tiết mỗi dòng), mà dài ngắn khác nhau. Trong khi verse trong tiếng Anh có nghĩa là dòng thơ, đoạn thơ (stanza) và thơ. Như vậy, free verse có nghĩa là thoát khỏi luật tắc dòng thơ, và thơ theo nghĩa truyền thống.

Nếu thơ tự do Pháp khởi đi từ văn xuôi, chỉ khác, trên mặt giấy, thơ văn xuôi có hình thức văn xuôi, còn thơ tự do, câu dài ngắn, thể hiện sự ngừng nghỉ và nhịp nhàng của nhịp điệu lời nói (speech). Khi nghe đọc thơ tự do, chúng ta nghe như người đọc đang phát biểu, không ngâm nga như thơ thể luật. Dr. Patterson coi thơ tự do là “spaced prose”, có nghĩa là những dòng trên trang giấy thể hiện nhịp điệu của lời nói hay nhịp điệu văn xuôi. Như vậy, làm sao thơ tự do có khả năng lôi cuốn người đọc, như thơ thể luật đã kéo dài cả ngàn năm trước với nhịp điệu và sự chuyển tải tư tưởng? Cho tới năm 1912, thơ tự do Pháp chưa được ai biết đến, ngoài nước Pháp. Còn thơ tiếng Anh là ngôn ngữ trọng âm, thơ Walt Whitman dựa vào bản dịch Thánh kinh thời King James, với cú pháp song song (parallelism), mỗi dòng chia làm hai, âm vang hoặc kéo dài ý tưởng của dòng này sang dòng kia, đọc lên nghe có âm hưởng nhịp điệu thơ, nhưng cú pháp song song cũng là loại văn xuôi cổ.

Đến đầu thế kỷ 20, T. S. Eliot và Ezra Pound ảnh hưởng thơ tự do Pháp, qua nhà thơ Tượng trưng Remy de Gourmont (1858 - 1915), phát triển thơ tự do tiếng Anh, mở đầu thơ hiện đại phương Tây, và với chủ nghĩa Hình tượng (imagism), 1910, do Ezra Pound và T. E. Hulme khởi xướng. Và thơ tự do Pháp, với chủ nghĩa Siêu thực, do André Breton chủ trương, ảnh hưởng từ Charles Pierre Baudelaire, Arthur Rimbaud, Stéphane Mallarmé, đặc biệt với thơ Dada và Phân tâm học Sigmund Freud (1856 - 1939). Thơ Siêu thực dùng kỹ thuật viết tự động, cắt dán, chơi chữ, mang tính ảo giác, mở ra từ viễn cảnh những giấc mơ, ảnh hưởng lan tỏa ra ngoài thế giới, sau thế chiến II.

Chủ nghĩa Hình tượng chủ trương dùng ngôn ngữ nói thông thường với chữ chính xác. Quan tâm tới nhịp điệu nhưng không phải nhịp điệu tạo ra bởi những âm tiết xen kẽ như thơ thể luật, mà là lặp lại những nhóm chữ. Thơ tự do Mỹ, tới giai đoạn này, vẫn còn ảnh hưởng bởi nhịp điệu từ thơ truyền thống. Đến giữa thế kỷ, thơ tự do Mỹ thoát ra khỏi những yếu tố thơ truyền thống, cả về nhịp điệu. Nhà thơ William Carlos Williams, cũng giống như thơ tự do Pháp, từ khởi đầu, dựa vào nhịp điệu của lời nói và hình thức thơ trên trang giấy, tạo nên những phong trào tiền phong hậu hiện đại, sau thập niên 1950. (Quá quan tâm tới việc tìm kiếm kỹ thuật mới, mà kỹ thuật lại liên quan tới ngôn ngữ, trong khi ngôn ngữ, với ảnh hưởng của nhà ngữ học Ferdinand de Saussure (1857 - 1913), đã trở thành yếu tố chính trong triết học cấu trúc và hậu cấu trúc Pháp, thập niên 1950, 1960. Thơ tự do đã quay mặt lại với đời sống thực tại và với người đọc, phức tạp và khó hiểu đến nỗi, chỉ còn những nhà thơ đọc với nhau).

Nhưng phong trào tiền phong (avant garde) là gì? Phong trào tiền phong là nhóm những nhà thơ cấp tiến thách thức các qui ước thông thường của dòng chính, khai phá những ý tưởng, kỹ thuật và chủ đề mới (Siêu thực Pháp). Đối với thơ tự do hiện đại và hậu hiện đại Mỹ là hình thành những yếu tố thơ thay thế cho các thể thơ truyền thống. Nhà tiểu thuyết mới người Pháp, Michel Butor, cho rằng thời trang (fashion) là tiền phong (avant garde), như một hệ thống ký hiệu ngôn ngữ. Quần áo là ngôn ngữ, nhưng không phải tất cả quần áo đều là ngôn ngữ, mà chỉ có quần áo lôi kéo sự chú ý, còn những quần áo bình thường thì không. Những đồng phục mặc khi làm việc như y tá, tiếp viên hàng không, quân phục cũng được coi là ký hiệu. Họ mặc những ký hiệu.

Thật ra những nhà thơ tiền phong và những nhà nghệ sĩ thiết kế là những người sáng tạo và đổi mới. Trong những cuộc trình diễn thời trang, những bộ quần áo kỳ dị được giới thiệu, không phải là loại quần áo để mặc. Đó chỉ là những sản phẩm để nhà thiết kế thể hiện khả năng sáng tạo của họ, tạo cơ sở cho các nhà thiết kế thời trang thương mại theo đó, lấy cảm hứng thiết kế quần áo cho đại chúng, bán ra thị trường.

Khác với thời trang, những khai phá của những nhà thơ tiền phong thời trước, ảnh hưởng trực tiếp tới những nhà thơ tiền phong thời sau, tạo nên những sáng tác độc đáo và làm tăng giá trị cho thơ tự do. Kỹ thuật phần mảnh trong thơ T. S. Eliot và Erza Pound đã đưa tới những khám phá mới của phong trào Black Mountain, dựa vào tiểu luận “Projective Verse” (Thơ dự phóng), năm 1950, của Charles Olson. Kỹ thuật này thể hiện cách thức tâm trí chuyển từ ý tưởng này qua ý tưởng khác, hình ảnh này qua hình ảnh khác, mà người đọc có thể đọc ý nghĩa ở giữa các dòng thơ. Họ mang tới cho thơ tự do những kỹ thuật thay thế thể thơ và nhịp điệu thơ thể luật bằng hình thức trên trang giấy, với nhịp điệu thị giác mà họ gọi là nhịp điệu hình ảnh và ý tưởng. Họ thay thế luật tắc không nhấn, nhấn của dòng thơ thể luật bằng luật tắc của hơi thở, mỗi dòng là một đơn vị hơi thở, dài ngắn khác nhau, kết hợp với âm đọc của ngôn ngữ. Về nguyên tắc, hình thức không vượt quá sự kéo dài của nội dung. Về tiến trình, một nhận thức phải ngay lập tức và trực tiếp dẫn tới một nhận thức khác. Trên thực tế, mỗi dòng thơ là những ốc đảo chữ, theo quan điểm, chữ là những ký hiệu ngôn ngữ. Ký hiệu không nối với tên hay sự vật mà với khái niệm và hình ảnh âm thanh.

Với trường phái New York, họ coi thơ là một quá trình, và ngôn ngữ thơ - âm thanh, cấu trúc, hình thức, sự tương tác của từ ngữ và kết cấu - quan trọng hơn nỗ lực tạo ra ý nghĩa. Họ quan tâm đến tính thực chất của ngôn ngữ, chú ý đến các từ, cụm từ, hình ảnh, câu, và khoảng trắng trên trang giấy, tách rời ngôn ngữ khỏi ý nghĩa của nó. Phong trào ghi dấu ấn trên phong trào thơ Ngôn ngữ thập niên 1980, dù rằng thơ Ngôn ngữ cực đoan hơn, biến thơ thành một trò chơi ngôn ngữ khó hiểu tới nỗi, họ quan trọng lý luận ngang bằng với sáng tác.

Thơ tự do ưu đãi đối với những tác giả tiền phong, thể hiện sự độc sáng của họ, nhưng người đọc bình thường không ai đọc, vì thơ không làm cho người đọc. Và người làm thơ cũng không bắt chước họ được, nhưng có thể rút ra những kinh nghiệm từ họ, bằng cách tạo cấu trúc thơ trên trang giấy với nhịp điệu hơi thở, kết hợp với âm đọc. Mà đã liên quan tới âm đọc thì cách làm thơ phải đọc lớn lên, hay đọc thầm trong đầu. Thơ tự do không ai làm như vậy. Đa phần những nhà thơ tự do số đông vẫn tiếp tục sáng tác như ở thời kỳ đầu với nhịp điệu văn xuôi, dòng dài dòng ngắn, và ảnh hưởng tiêu cực từ những phong trào tiền phong, một số biến thơ thành một loại thơ thuần lý với chữ khó hiểu hoặc thông tục. Nhà thơ Ann Lauterbach, trong tiểu luận “Slaves of Fashion” cho rằng, bà đã đọc 82 tập thơ được giải thưởng và xuất bản lần đầu, “tập này qua tập khác, bài này qua bài khác, dòng này qua dòng khác, họ đều chỉ quan tâm tới cái tôi (self) của nhà thơ, kinh nghiệm của họ trong đời sống (in life) không phải về đời sống (of life), và biến tất cả thành thứ ngôn ngữ: trưng diện, kiểu cách, khoa trương. Những bài thơ chán ngắt: tự ý thức, tự thẩm thấu; hầu hết là văn xuôi xuống dòng.” Đối với thơ Mỹ, thơ văn xuôi không được coi là thơ.

Vấn đề của thơ Mỹ: Thơ tự do, với những phong trào tiền phong tuy thể hiện tinh thần sáng tạo, nhưng không mang lại những giá trị phổ quát cho thơ. Kết quả, thơ trở nên quá khó hoặc quá dễ, đi đến bế tắc. Thập niên 1980, những nhà thơ trẻ phản ứng lại bằng cách quay về với thơ thể luật, qua phong trào thơ Tân hình thức, với mục đích hồi phục lớp người đọc bình thường, và lôi kéo những nhà thơ trở về với thể luật. William Baer cho rằng, thơ Tân hình thức đã mang lại sức sống cho thơ thể luật giống như thời Lãng mạn đầu thế kỷ 19. Nhưng theo A. E. Stallings, không ai muốn gọi mình là nhà thơ Tân hình thức, (New Formalist) mà họ muốn gọi là nhà thơ trở về thể luật (retro-formalist). Vả lại, thơ thể luật, với nhịp điệu đều đặn, đã nhàm chán cách đó một thế kỷ, và dù có thay đổi ngôn ngữ đời thường, cũng không mang lại mới mẻ cho thơ. Nhưng để không bị rơi vào những khuyết điểm của cả hai thể loại, thơ thể luật và thơ tự do, là bất khả. Đầu thế kỷ 21, thơ Mỹ nổi lên những phong trào thơ trình diễn như thơ Tân hình thức, Thơ Jazz, thơ Cao Bồi, thơ Slam.

Đến đây, chúng ta mới thấy vị trí của thơ Tân hình thức Việt, khi có thể rút ra những ưu khuyết điểm của cả hai dòng thơ thể luật (hay vần điệu) và tự do để hình thành một thể loại thơ mới, với nhịp điệu và cách làm. Thơ Mỹ đã không làm được.

Thuật ngữ “Tân hình thức” (new form), tiếng Anh, có nghĩa là “thể thơ mới”. Đó là thuật ngữ mỉa mai của những người chống lại phong trào, trong một tiểu luận nhan đề “Yuppie Poet” của Ariel Dawson, trên tờ AWP (Association of Writers & Writing Programs), số tháng 5, 1985, có ý nghĩa trái ngược, đó chỉ là những thể thơ cũ, chẳng có gì mới. Với thơ Việt, thuật ngữ “thơ Tân hình thức” lại đúng, vì đó là hành trình đi tìm những thể thơ mới. Những nhà thơ Việt chỉ dùng kỹ thuật vắt dòng, chuyển những thể thơ Việt thời Thơ Mới như 5 chữ, 7 chữ, lục bát… từ thơ có vần thành thơ không vần, thay đổi cả ngôn ngữ và cách làm thơ, với các yếu tố: vắt dòng, lặp lại, tính truyện ngôn ngữ thông thường.

Theo nhà phê bình Văn Giá, “mỗi kỹ thuật nói trên trước đây nằm riêng lẻ, rời rạc ở mỗi thể thơ khác nhau (trong mỗi nhà thơ khác nhau thuộc mỗi nền thơ khác nhau), nay cùng một lúc, tổng lực, hòa phối trong một thể thơ duy nhất mang tên Tân hình thức. Nhờ vậy, trên thực tế, thơ Tân hình thức không đoạn tuyệt với các thể thơ truyền thống, mà vẫn sử dụng vóc dáng của thể thơ truyền thống, và vẫn phát huy được tất cả tiềm năng ngôn ngữ tiếng Việt.” Thật ra, vắt dòng là một kỹ thuật đã có từ thời cổ đại trong thơ thể luật Hy Lạp - La Mã và thơ tiếng Anh, chưa phổ biến trong thơ Việt, nếu có cũng là tình cờ, nhưng chỉ trở thành kỹ thuật sau khi có sự xuất hiện của thơ Tân hình thức. Còn những yếu tố khác đều đã có trong thơ từ Đông qua Tây, từ ngôn ngữ đa âm tới đơn âm. Như vậy, thơ Tân hình thức là một dòng thơ thuần Việt.

Thơ Tân hình thức Việt xuất hiện trên Tạp chí Thơ số 18, mùa Xuân 2000, kéo dài cho tới số 27, mùa Thu 2004, với những yếu tố như vắt dòng, kỹ thuật lặp lại để tạo nhịp điệu, ngôn ngữ thông thường, tính truyện (ý tưởng liền lạc). Nhưng kỹ thuật lặp lại để tạo nhịp điệu dường như không được những người tham gia sáng tác quan tâm. Nhìn lại những tuyển tập thơ Tân hình thức: Thơ Không Vần (2006), Thơ Kể (2009) và Thơ Tân Hình Thức Việt (2016), kỹ thuật lặp lại hoặc không được sử dụng hoặc sử dụng đơn điệu, giống nhau. Hầu hết những tác giả tham gia tuyển tập Thơ Không Vần không có mặt trong Thơ Kể, và hầu hết những tác giả trong Thơ Kể không có mặt trong Thơ Tân Hình Thức Việt. Lý do, họ đã bỏ cuộc.

Câu hỏi được đặt ra, tiếng Anh là ngôn ngữ đa âm, sự lặp lại quá nhiều những âm tiết không đủ mạnh làm thơ tự do Mỹ thất bại trong việc tạo nhịp điệu thơ. Nhưng tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm với nhiều tiếng đơn kép trùng lặp, sự lặp lại các câu chữ dĩ nhiên phải có hiệu quả, tại sao lại có rất ít bài thành công, còn đa số thì không? Kỹ thuật lặp lại không có gì sai, nhưng cách áp dụng sai. Với thơ Tân hình thức Việt phải đọc lớn lên hay đọc thầm trong đầu khi sáng tác.

Cho đến thời điểm 2018, chúng ta mới hoàn tất xong hai tập tiểu luận “Tân hình thức, nghĩ về cách làm thơ” (2016) và “Thơ và không thơ” (2017), hình thành cách làm thơ và tiêu chuẩn đánh giá một bài thơ hay, cả về nội dung lẫn hình thức, phối hợp với các chức năng trong não bộ. Thơ Tân hình thức Việt kết hợp những yếu tố của thể luật và tự do, sáng tác với cả hai bán cầu não phải và trái. Cũng cần nhắc lại, thơ thể luật (vần điệu) sáng tác nghiêng về cảm xúc với bán cầu não phải, còn thơ tự do nghiêng về lý trí là loại thơ trí tuệ, với bán cầu não trái. Thơ Tân hình thức Việt phối hợp cả hai, giữa cảm xúc và trí tuệ, và nhịp điệu thơ là chiếc cầu nối. Trong não bộ, bán cầu não phải và trái được phân chia bởi mạng kết nối Corpus callosum. Người có Corpus callosum lớn có thể truyền tải dễ dàng dữ kiện giữa bên phải và trái não. Câu hỏi đặt ra, bán cầu não phải thuộc sáng tạo, còn bán cầu não trái thuộc phân tích, lý luận, nhưng tại sao tác phẩm sáng tạo lại đòi hỏi sự phối hợp của cả hai? Cái biết (ý tưởng mới hay ánh chớp lóe) đầu tiên thuộc bán cầu não phải, nhưng cái biết đầu tiên chỉ là cái biết từng phần, chưa đầy đủ và lập tức ghim thành thói quen nơi bán cầu não trái, cứ như thế cho đến khi cái biết (ý tưởng) đầy đủ trở thành kiến thức, nằm ở bán cầu não trái. Kiến thức phối hợp với các yếu tố khác tạo thành nội dung. Và nhịp điệu thơ, tương tự như mạng nối kết Corpus callosum trong não bộ, tùy thuộc cách làm thơ, phải đọc lên thành tiếng, hay đọc thầm trong đầu (đọc đi đọc lại nhiều lần), như vậy mới khơi dậy được cảm xúc và hòa nhập với nội dung, làm chuyển động quá trình sáng tạo. Đó là cách duy nhất để nhịp điệu có thể kết nối hai bán cầu não phải và trái với nhau trong sáng tác. Bởi vì nhịp điệu thơ thuộc bán cần não phải. Mà bán cầu não phải cần thiết cho việc am hiểu cảm xúc trong ngôn ngữ nói, thể hiện qua giọng hát, âm độ và sự chuyển giọng. Trái lại với nhịp điệu thơ, nhịp điệu văn xuôi thuộc bán cầu não trái, chỉ cần viết trên giấy như khi viết văn xuôi.

Trong thời đại thông tin, mọi thông tin phải được kiểm chứng bởi những nguồn tham khảo mang tính học thuật, để tạo niềm tin nơi người đọc. Vì vậy, để tìm hiểu tường tận thơ tự do Mỹ và thơ thể luật tiếng Anh, hai nguồn thơ tiêu biểu của thơ phương Tây, không phải đơn giản. Và với 18 năm cũng không phải là thời gian dài, nhưng lại bất lợi cho thơ Tân hình thức Việt, một dòng thơ mới, chưa có cách sáng tác, thơ dở nhiều, thơ hay ít, là điều dĩ nhiên. Không sáng tác thì không biết cái khó của sáng tác; dị ứng với cái mới, chỉ thấy cái dở, không thấy cái hay (mới), rồi phản bác và phủ nhận, là chuyện thường tình trong sinh hoạt văn học. Thơ Tân hình thức là thể thơ không vần Việt. Hay dở một bài thơ đã có tiêu chuẩn đánh giá, không liên quan gì tới thể thơ. Không ai lấy những bài thơ lục bát ra chê bai, rồi phủ nhận thể thơ lục bát. Nói gì thì nói, đó là những thách đố mà thơ Tân hình thức phải vượt qua. Vả lại, lỗi không phải tại người làm thơ, mà do lý thuyết thơ Tân hình thức không kịp cung ứng những thông tin cần thiết về tiêu chuẩn giá trị và cách làm thơ.

Bây giờ, với những tiêu chuẩn, cái mới của ý tưởng và cái hay của nhịp điệu, ai cũng có thể phê bình, đánh giá đúng, mức độ hay dở một bài thơ Tân hình thức. Còn trước kia chỉ là giai đoạn lần mò trong thực hành và tìm kiếm trong lý thuyết. Cho đến nay, người làm thơ Tân hình thức đã được trang bị đầy đủ kiến thức và phương cách thực hành, để bắt đầu một giai đoạn thử nghiệm mới, chúng ta cần làm gì? Ngoài những dẫn giải cụ thể để tìm kiếm ý tưởng và nhịp điệu từ trong lý thuyết, người làm thơ cần trầm tư và kết hợp những yếu tố giữa hai chức năng bán cầu não phải và trái trong sáng tạo, để tìm ra phong cách riêng của mình. Thời gian lâu hay mau là do sự nhạy bén và tài năng của mỗi người. Xin nhắc lại, sáng tác thơ Tân hình thức và thể thơ Tân hình thức là hai phạm trù riêng biệt, không thể lẫn lộn với nhau. Lý thuyết thơ Tân hình thức, kinh nghiệm từ nhiều nguồn thơ, có thể làm vững mạnh thể thơ và hỗ trợ sáng tác, nhưng áp dụng hay không áp dụng, hay dở thế nào, lại tùy thuộc người làm thơ.

Khi chưa có tiêu chuẩn sáng tác và cách làm thơ, Tân hình thức Việt là loại thơ dễ làm, chỉ cần viết xuống theo nhịp điệu văn xuôi, đếm chữ xuống dòng cho đúng với các thể thơ Việt. Hậu quả, chất lượng bài thơ làm thất vọng người đọc, và người làm thơ lần lượt bỏ cuộc. Nhưng khi có tiêu chuẩn sáng tác và cách làm thơ, Tân hình thức Việt lại là một loại thơ khó làm. Nhưng khó cũng chỉ trong giai đoạn đầu, khi chúng ta chưa thay thế thói quen cách làm thơ cũ bằng thói quen cách làm thơ mới. Cái hay mới khác với cái hay cũ, sẽ lôi cuốn người đọc, và mang tới niềm hạnh phúc và khả năng sáng tạo cho người làm thơ. Thơ Tân hình thức Việt đi tìm kiếm cái hay mới (căn cứ trên những cái hay cũ, cả vần điệu lẫn tự do), vì thế thực hành cần thời gian gấp nhiều lần hơn, có khi cả thế kỷ.

Trở lại kỹ thuật lặp lại, đa số những người tham gia thơ Tân hình thức Việt sáng tác theo cách làm thơ tự do, với nhịp điệu văn xuôi (thuộc bán cầu não trái), vì chỉ cần viết xuống trên giấy như khi viết văn xuôi, để diễn đạt tâm tư và suy nghĩ của họ. Sau khi tìm ra cách làm thơ, chúng ta mới nhận ra, nhịp điệu thơ (thuộc bán cầu não phải) được tạo ra từ những âm nói, vì vậy khi sáng tác, phải đọc lớn lên để dàn dựng những âm thanh bằng trắc nhịp nhàng ăn khớp với nhau. Như thế, muốn tạo nhịp điệu với kỹ thuật lặp lại phải theo đúng cách làm thơ của Tân hình thức Việt. Nhịp điệu thơ Tân hình thức Việt có tính đa dạng, mỗi bài thơ mỗi khác, vì sự lặp lại những chữ đơn kép được rải ra khắp bài thơ. Nhịp điệu nhanh chậm tùy thuộc vào nội dung, và với cách làm thơ đọc thầm trong đầu, (chỉ ghi trên giấy những ý tưởng cần ghi nhớ), nhịp điệu sẽ hòa nhập cảm xúc và nội dung, giúp người làm thơ đắm chìm trong sáng tác, và người đọc khi đọc cũng đắm chìm trong cái đọc. Nếu làm thơ theo cách thơ tự do, người làm thơ bị chi phối bởi tâm trí, và người đọc bị tách lìa khỏi cái đọc, làm cho bài thơ khi đọc lên chỉ thấy những ý tưởng và những câu chữ lặp lại, không thành nhịp điệu.

Để hoàn tất phần lý thuyết với cách làm thơ và tiêu chuẩn đánh giá một bài thơ hay, mang tính phổ quát - mà những nhà thơ tự do tiền phong vì quan tâm tới tính độc sáng cá nhân, đã không làm được - thơ Tân hình thức đã trải qua 18 năm, học hỏi và thực hành, cả hay lẫn dở. Đó là thời gian vừa đủ để chúng ta nhìn ra những thiếu sót và hoàn chỉnh, dựa trên sự đổi mới liên tục, chấp nhận rủi ro và bước tới. Thành công thực sự chỉ có thể được thực hiện thông qua thất bại, vấn đề là phải nhận ra và vượt qua những khiếm khuyết. Đó là trường hợp thơ Tân hình thức Việt. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại cách sáng tác của mình để có được những bài thơ đúng Tân hình thức.

Tháng 3/2018
K.I  
(TCSH352&SDB29/06-2018)




 

 

Các bài mới
Bông huệ trắng (12/07/2018)
Các bài đã đăng
Nến (19/06/2018)