Tạp chí Sông Hương - Số 354 (T.08-18)
Chùm hoa xoan lỗi hẹn
09:12 | 23/08/2018

NGUYỄN MINH ĐỨC

1.
Tảng sáng, bảy phát đại bác vội vã nã trống không xuống dòng Giang. Mặt đất rung chuyển. Bảy tiếng nổ liên hoàn kết thành làn sóng âm trong sương sớm.

Chùm hoa xoan lỗi hẹn
Minh họa: Ngô Lan Hương

Chim chóc ngái ngủ giật nẩy mình hoảng loạn bay ra khỏi tổ ngơ ngác. Cá vỡ bong bóng lóp ngóp dềnh trắng lấp lóa mặt sông. Hàng xoan đôi bờ ngã màu. Những chiếc lá vàng rơi rụng lả tả bay, trơ lại những cành khẳng khiu, thâm xì, mốc thếch trong gió đông, báo hiệu mùa hoa xoan thôi tím dòng Giang như những mùa xuân trước.

Sông Giang vẫn lững lờ điềm nhiên trôi sau khi đã tự khỏa lấp sóng nước bởi những phát đại bác tầm nã bắn vào vu vơ như không có chuyện gì xảy đến. Hai bên dòng sông sau bao năm binh biến, sau bao cuộc bắt bớ, giết chóc điêu tàn. Những hàng rào tre quanh làng trở thành những cái chuồng lớn nhốt người. Rặt đàn bà, con trẻ. Nội bất xuất, ngoại bất nhập. Lính khố lục canh gác cẩn mật phòng báo tin tức, tiếp tế lương thảo cho nghĩa quân. Lác đác vài giáo sĩ hành đạo thuyết giảng Ki-tô trong nhà thờ đạo. Miền quê thượng Đức vào buổi sáng mùa đông ấy hôm đìu hiu bóng người thêm u tịch, lạnh lẽo.

Dòng Giang đang trong xanh bỗng chốc đỏ quạnh một vùng vì ngấm thuốc những viên đại bác. Những cột nước máu ngún ứa túa ra trồi lên, cuộn chảy. Mặt trời mùa đông rọi xuống nước hắt ngược ánh lên những sắc lính gương mặt vốn đen đúa nay nhuốm khói thuốc súng càng bầm đen như máu, đằng đằng sát khí đang hả hê.

- Ờ! Có đúng thế không? Một câu hỏi gần như trống không chẳng biết hỏi ai dội vào lòng tướng quân. Dòng Giang quen nhận nỗi đau bồi lở xưa nay. Chẳng hề hấn gì. Câu trả lời của dòng sông là “Chẳng hề hấn gì! Giận cá không nên chém thớt!” Nguyễn Thân cười gằn vì ý nghĩ này.

Mấy chục năm nối gót cha vời chốn quan trường phò vua, được phong đến chức tham biện sơn phòng xứ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, chinh phạt bao kẻ cứng đầu giặc man đá, tiểu phỉ. Tình thế gió đổi chiều, triều đình bạc nhược trao quyền đô hộ cho người Pháp. Đức vua Hàm Nghi sức tàn lực kiệt vẫn hi vọng lãnh đạo phong trào Cần Vương vùng núi non hiểm trở xứ Huế. Kẻ nghịch tặc Trương Quang Ngọc bắt Hàm Nghi quay về triều đình Huế giam lỏng. Nguyễn Thân dốc lòng theo đuổi sự nghiệp. Nhưng phò ai? Nhà vua trẻ ư!? Lòng ta chỉ có thể phụng sự mẫu quốc. Đó mới là thượng sách. Người Pháp và triều đình muốn tận diệt những kẻ nổi dậy trong phong trào Cần Vương ư!? “Tốt thôi!” - Ông nói. Mũi tên này sẽ trúng hai đích, là cơ hội ngàn vàng để ghi công trạng.

Nhưng… Đã mười năm trời, thăm thẳm nuôi hận, nhiệm vụ bất thành. Lòng rưng rưng tức tối trước đường rừng miền tây đến Ngàn Trươi heo hút hiểm trở. Bên ngoài lòng dân không thuận. Trong quân lính có kẻ dị hiềm. Dẫu trong tay có lực lượng thiện chiến, trang bị vũ khí tối tân mà không dễ gì bắt sống được thủ lĩnh Phong Châu, mang thủ cấp về làm món quà chiến thắng.

Chiều hành quân đồn trú dừng chân. Lán trại vừa dựng lên, tướng quân nhận tin cấp báo: “Trận tiến công vào đại bản doanh núi Vụ Quang ngày 24/10/1893, ba sĩ quan Pháp thiện chiến và hàng trăm binh lính khố đỏ khố xanh bỏ mạng thê thảm tại đây. Vì sao!? Vì đã trúng kế “Sa nang úng thủy” - ngăn đập xả nước của nghĩa quân!” - Hừm! ngài đứng phắt dậy. “Đối sách với kẻ mưu sâu kế hiểm chi bằng kế đánh lúc chiều tà”. Tay cầm đốc thanh Thượng Phương Bảo Kiếm, giận dữ: “Phải huy động lực lượng áp đảo, phải triệt tiêu dạ dày nghĩa quân của ông ta, bịt đường lương thảo, đánh ngày vây đêm thì may ra…”.

Đêm giao mùa, trăng đỏ như máu. Nằm trong lán trại mải mê nghĩ mưu tính kế, tướng quân thiếp đi lúc nào chẳng hay. Giấc mơ được gắn lên vai huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh, trở thành thành viên trong quân đoàn danh dự mẫu quốc chảy sang những phẩm hàm cao quý khác. Toàn thân ngài rung lên sung sướng. Nhưng lại thấy những oan hồn bị giết hoặc chết trận đứng thành dãy vây quanh lán. Ngài ú ớ hét to. Mồ hôi túa ra. Lính cận vệ theo hầu nghĩ ngài đang lên cơn sốt bèn đắp một chiếc khăn ướt lên trán, còn đặt vào lòng bàn tay ngài một nắm lông đuôi ngựa làm bùa hộ mệnh giúp khuây khỏa nỗi nhớ phu nhân. Tướng quân vứt đi rồi gằn giọng: “Cha ta báo mộng cuộc chinh phạt lần này nhất định thành công. Ta không thể uổng công vì một kẻ ngự sử mọi rợ”. - Ý tướng quân ám chỉ thủ lĩnh Phong Châu - kẻ không đội trời chung dù là người An Nam máu đỏ da vàng. Thế mà mười năm trời lao tâm khổ tứ. Mười năm theo đuổi bóng ma thủ lĩnh vẫn không cách gì triệt hạ được ông ta. Bi phẫn quá.

2.

Ni sư Thu Hà lệ thường gióng chuông thỉnh nguyện chúng sinh chùa Xoan triền núi Lạc bên dòng Giang bốn mùa xanh trong, thoai thoải triền đồi mênh mông những rặng xoan cổ thụ. Sáng nay ni sư bị đánh thức sớm bởi những loạt đại bác vang rền trong ngơ ngác, hoang mang, hoảng loạn. Thu Hà vội chạy ra phía sau chùa nghe ngóng quên cả việc dóng chuông. Nếu biết Nguyễn Thân cho bắn đại xuống sông đã một nhẽ. Nhưng dòng Giang nào có biết. Khi khỏa đầy sóng nước, tịnh không một lời đáp. Nguyên cớ người ngựa hành quân mang vác đại bác như độn thổ mà lên, hối hả trong đêm trút hàng loạt đại bác tầm nã xuống sông như thế là một câu hỏi lớn trong lòng nàng.

Nàng ôm ngực tựa lưng vào mé hiên chùa đau đáu nhìn phía sông, rặng xoan đang trút lá. Nàng lo lắng nghĩa quân đang bơ vơ trơ trọi như những cành xoan khẳng khiu kia. Mồ hôi lấm tấm trên gương trăng dù ngoài trời tháng Chạp khá lạnh. Vành khăn nâu ôm sát đầu, đôi mắt không chớp. Đầu nàng vang lên những câu hỏi: “Vì sao có tiếng nổ!? Ai đã gây ra giờ này!?” Hồ nghi xen lẫn kì vọng. Thần thái biến sắc, trái tim nhạy cảm trỗi dậy thêm rối bời. Thu Hà ước tiếng nổ đanh thép kia là của nghĩa quân trở về đánh đồn Linh Cảm báo thù cho Phong Châu!? Dẫu chàng đã rời cõi trần nhưng rừng sâu vẫn còn đó dấu chân nghĩa quân rải rác, phong trào chưa thể tắt ngấm thế được. Nàng tự vấn để trấn an mà thấy lòng mông lung quá…

Có mùi khét như là thịt cháy trong sương sớm. “Thôi chết! Đang xảy ra điều chi đây?” Nàng linh cảm một tội ác ghê gớm. Hơn mười ngày trước, từ đại bản doanh trở về chùa, Thu Hà biết quân Nguyễn Thân đang ráo riết bủa vây, lùng sục khắp các cánh rừng Ngàn Trươi truy tìm huyệt mộ thủ lĩnh. Ông ta còn treo thưởng mấy lạng bạc cho ai báo dấu vết lăng mộ. Bước chân trần bần thần. Nàng trở vào chùa Xoan. Bảy tiếng chuông báo lễ đốt nến đèn, nhang khói thỉnh nguyện chúng sinh hôm nay vô thức từ cánh tay nàng trùng hợp bảy phát đại bác bắn xuống sông. Nàng gục xuống bên chuông chùa lạnh buốt, hồn phiêu diêu về những năm tháng đời mình…

3.

Đời người con gái hơn một lần quy y mà chưa thể thoát tục lụy. Nếu ta không đơn phương thương nhớ và mến yêu tài năng đức độ của Phong Châu, an phận ở chùa Xoan. Và… nếu ta không dại dột nghe lời tướng quân theo ông ta vào Huế ngự chốn thiền môn, thăm thú cảnh chùa để gặp ngự sử Phong Châu thì đã khác.

Nguyễn Thân bỏ công nghiên cứu Phong Châu và biết rõ thân phận, mối quan hệ của nàng với quan ngự sử. Chốn quan trường chưa từ bỏ một thủ đoạn nào để đạt mục đích. Một mặt muốn lấy lòng kết giao tình bằng hữu với Phong Châu; mặt khác, dùng nàng để diệt bằng được con người liêm chính quan ngự sử. Nhân lần kinh lí xứ Nghệ, ngài ghé chùa Xoan thuyết phục nàng theo về kinh đô Huế. Vừa gặp nhau ngài cung kính: “Bẩm ngài ngự sử. Đường xa vạn dặm. Việc triều chính bộn bề. Hay tin ngài bấy lâu chẳng dịp hồi hương. Nay bao quản nắng mưa, đường rừng heo hút, Tiểu phủ sứ tôi đưa Thu Hà vào đây hầu hạ. Hầu mong ngài đối đãi với giai nhân Xoan Tự như nghĩa đất trời”. Nói đoạn, ông ta gập người và đá lông nheo sang Thu Hà. Phong Châu nhận ngay thâm ý mà chẳng thèm nói lời nào. Chứng kiến buổi gặp gỡ, Thu Hà hiểu rõ hơn con người Nguyễn Thân.

Quan ngự sử là người trọng nghĩa, kín đáo giao thiệp, nhẹ nhàng với cấp dưới và thực sự có sức hút lớn từ đôi mắt tinh anh với người đối diện. Những ngày nàng ở Huế, Phong Châu ghé thăm: “Ta biết nàng lặn lội vì ta. Người Pháp nổ súng đánh chiếm và đang ngày đêm vây ép. Thời thế tao loạn. Triều chính rối ren. Ta chưa thể vì tình riêng, mong nàng xá tội”. Ngừng giây lát, Phong Châu tiếp: “Lòng người hiểm sâu khó đoán định. Nàng quay về học cho được bí truyền. Ta nghe sư thầy chùa Xoan rất giỏi chữa rắn cắn, thương hàn, sốt rét… Những bài thuốc bí truyền Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác lần thăm thú vãn cảnh Hương Sơn truyền lại. Nếu sư thầy thương tình truyền cho đặng có ngày dùng đến…!” Tấm chân tình ấy làm nàng xúc động chực khóc nhưng ngăn được. Nàng nhớ chùa, nhớ thầy muốn trở về chốn cũ. Hoàn cảnh trớ trêu ấy Nguyễn Thân tranh thủ buông lời ong bướm nhưng nàng cự tuyệt.

Đêm cuối ở quán văn, Thu Hà đốt thêm trầm thao thức. Canh khuya có tiếng gõ cửa thư phòng. Nguyễn Thân tuần phủ đường đột một mình xuất hiện. Cửa mở, ông ta xộc vào bế xốc nàng lên, tay bịt miệng định dở trò. Nàng vẫy vùng hoảng loạn nhưng làm sao thoát khỏi vòng gọng kìm thép của tướng quân!? Thu Hà vờ nằm im ngoan ngoãn trong vòng tay ấy. Lấy lại bình sinh: “Thiếp phận nữ nhi, đường tu chưa trót. Nếu chàng thương, không ngại điều tiếng thì cứ buông ra. Đã theo vào tới đây, ắt có dịp đáp đền”. Nghĩ đến danh phận, Nguyễn Thân để nàng ngồi xuống tràng kỉ. Đang lúc phủi bụi áo, Thu Hà vụt chạy ra ngoài toan nhảy xuống sông Hương nhưng ông ta đuổi kịp ngăn lại. Trời sáng rỡ, nước mắt Thu Hà nhòa sông Hương. Nghĩ đến Phong Châu, nàng không thể chết. Quyết quay về chùa Xoan. Nguyễn Thân nuôi ý phục thù.

4.

Danh phận Thu Hà chính là “dòng sông mùa thu”, càng lớn càng xinh đẹp, giỏi giang và đặc biệt thông minh, sáng dạ. Học đến đâu rỡ rạng đến đó nhưng chưa khi nào nhận được lời khen của sư thầy. Làn da trắng, đôi mắt đượm buồn, biếc xanh như trái xoan mùa hạ. Nàng sớm được sư thầy chỉ lá thuốc, cách chưng cất, sao tẩm; thành trợ thủ đắc lực giúp sư thầy bào chế thuốc cứu chữa cho nhiều người trong vùng đặc trị sốt rét, cảm hàn và rắn cắn.

Ngày sư thầy sắp viên tịch, ông nói.

- Con theo ta chừng ấy năm trời. Ta có con hiếu thảo. Cùng ta giúp sức nghĩa quân cứu chữa thương bệnh binh. Ta không còn bên con bao lâu nữa. Ta giao bí thuốc gia truyền để con thay ta giúp đời. Chừng nào nghĩa binh chưa hoàn thành sứ mệnh thì còn cần đến ngôi chùa này”. Sư thầy viên tịch. Mắt Thu Hà ầng ậng nước. Nàng dốc lòng đảm đương việc sư thầy giao phó.

Nàng vẫn chưa biết người sinh ra mình ở đâu. Chỉ biết lớn lên ở chùa Xoan, là con của chùa Xoan. Nhưng nàng biết chùa Xoan chẳng những thờ tự các đấng Bồ tát mà còn là căn cứ quan trọng, đầu mối giao liên tiếp tế lương thảo, thuốc men cứu chữa thương bệnh binh nghĩa quân. Cạnh chùa Xoan, con đường mòn lớn nối giao liên các vùng thượng Đức. Các Thứ quân Hương Sơn xuống, Bồng Thượng, Bồng Hạ lên; từ Hói Trùng, Hói Trí ngược Ngàn Trươi, Ngàn sâu sang Ngàn Phố. Đường mòn bộ hành, đường sông, suối ngược thác lên đại bản doanh Vụ Quang, Đại Hàm, nơi bước chân thủ lĩnh Phong Châu ghi dấu.

Nàng nhớ hôm tiễn Phong Châu tham dự kì thi Đình, chàng hai nhăm, nàng chớm trăng tròn. Hôm ấy Phong Châu vai mang tay nải qua đò sang bên kia dãy Thiên Nhẫn. Buổi chia tay chiều đầu đông, rặng xoan bên chùa đìu hiu bóng nước. Tính Phong Châu cương trực, không muốn ai buồn lụy. Nhưng nàng bướng bỉnh muốn tiễn đưa một đoạn qua bên kia sông rồi mới quay về. Giữa dòng Giang, cơn gió bất chợt thổi mạnh, đò chòng chành. Cánh tay chàng vững chãi đỡ lấy vạt áo nâu thơm hương bưởi. Lần đầu tiên tay hai người chạm nhau bối rối e lệ.

- Chàng đi. Thiếp muốn đi cùng. Nàng lơ đễnh nhìn rặng xoan. “Mùa này xoan chưa nở. Chàng gắng đỗ đạt. Ngày về vinh quy, em kết hoa xoan nghinh đón”. Mắt Thu Hà trải tím một màu hoa xoan. Phong Châu muốn thầm hứa mà có gì đó cứng nghẹn. Chàng biết Thu Hà không dễ hoàn tục. Đò cập bến, nàng lặng thấm những giọt nước mắt hi vọng khi bóng chàng khuất dần trong mờ sương bên kia sông. “Phong Châu chàng ơi! Sao chàng im lặng!? Chàng hãy hứa với thiếp cùng hẹn ngày về, khi ấy thiếp sẽ xuất gia…”.

Nàng nhớ sư thầy. Sư thầy kể ngày bà Phan mang đứa con trai ra bờ sông làm lễ cúng thần sông. Đôi mắt cậu Phan rực sáng, đôi tay tinh nghịch vẫy vùng khỏa nước. Thay vì ba tiếng khóc là tiếng cười nắc nẻ vang vọng sang bên kia dãy Thiên Nhẫn. Ngã ba sông Linh Cảm - nơi gặp gỡ của ba nhánh sông Ngàn Trươi, Ngàn Sâu, Ngàn Phố đổ về bến Tam Soa chứng kiến lần đầu của cậu bé. Sư thầy tri giác: “Đây là gương mặt của một thủ lĩnh! Thần tiên sẽ phù hộ độ trì người kế nghiệp gìn giữ dòng Giang quê mình mãi xanh trong”.

Ngày bà Phan dẫn con trai vào chùa Xoan làm lễ tạ ơn đúng rằm, trăng tròn vành vạnh. Gần tới cổng chùa, có tiếng kêu như mèo con ở lối rẽ vào cổng. Đứng lại nghe kĩ. Không phải. Tiếng khóc hài nhi, càng đến gần càng rõ. “Đúng là tiếng khóc hài nhi. Nhưng ai đem bỏ cổng chùa giờ này?” Bà Phan định bước đi nhưng không thể. Tiếng khóc níu chân quay lại, bà cúi xuống bên chiếc thúng rộng vành mở mẹt đậy, một hài nhi tím tái quấn trong vài lần áo cũ, lót dưới đáy thúng một nắm lá xoan khô mùi hăng hắc đắng. Có lẽ nhằm ngăn lũ kiến và côn trùng có thể tấn công hài nhi. Một ống tre khô mài nhẵn đựng ít nước như là nước cơm. Không phải. Mùi nồng nàn thơm béo này chỉ có thể là sữa mẹ, còn ấm nóng. Bà thầm nghĩ: “Người mẹ ấy đã chuẩn bị cho chuyến rời xa, khóc nhiều và đau đớn lắm khi vắt sữa trước khi bái biệt con mình”.

Trước sau đặng không một bóng người. Tay dắt con trai nách thêm cái thúng đựng hài nhi đi vào chùa. Hiểu rõ sự tình, tiếng gõ mõ đều đều vang lên trong thanh tịnh. “A Di Đà Phật. Thân phận hài nhi! Con là con của ai? Người mẹ hữu ý nào đó muốn gửi cửa chùa mà không dám thốt lên? Hẳn có cơn cớ mà không nói ra được”. Sư thầy đưa mắt vọng xuống cổng chùa: “Mô Phật. Chùa ở trên cao, sương giăng buổi sớm khó lòng nghe được tiếng khóc hài nhi. Nếu không duyên phận bà đến đây lúc này, vài khắc nữa khi mặt trời lên cao sẽ lịm, kiến sẽ bâu xâu xé, côn trùng sẽ đốt chết, nhà chùa đắc tội. A Di Đà Phật”. Tiếng mõ vang đều vào thinh không…

Những ngày sống ở chùa Xoan, Phong Châu coi Thu Hà là đứa em gái bé bỏng, cậu dành nhiều thời gian chỉ dạy những nét chữ đầu tiên. Học được chữ nào chỉ cho em chữ ấy. Thu Hà tiếp thu nhanh và luôn coi Phong Châu như núi lớn. Chữ thánh hiền cần thiết cho bất kì ai yêu nó. Phong Châu nói vậy khi Thu Hà vào tuổi thập tam sao nhãng việc học mà chỉ ham tìm lá thuốc trên núi. Lần hai đứa mải trèo bắt tổ Hoàng Yến đầu ngọn xoan không may Phong Châu bị ngã gãy một ngón tay. Phong Châu đau điếng trong khi Thu Hà trêu: “Bàn tay sáu ngón không gãy lại gãy tay thuận năm ngón”. Phong Châu nhăn mặt cười theo. “Tay sáu ngón dị tật của một tài năng. Nhớ lấy”. Sư thầy dường như nhận thấy thay đổi tâm tính trong Thu Hà. Ông tìm thuốc bó, nắn xương nên tay nhanh khỏi. Mối lương duyên hai người lớn lên từng ngày.

5.

Triều đình giáng chức Phong Châu về làm tham biện sơn phòng xứ Hà Tĩnh, Thu Hà bán tín bán nghi. Lần ngang qua chùa Xoan, Phong Châu dừng chân ghé lại. Thấy chàng đường đột xuất hiện, Thu Hà quay mặt vào buồn trĩu nặng. Bao niềm tin sụp đổ dưới chân. Phong Châu chỉ nói: “Ni sư chớ vội, lòng người là sông”. Câu đó hàm nghĩa người quân tử như dòng sông vậy. Nói xong, chàng xin nhà chùa ngụm nước mưa uống vội rồi bước ra khỏi cổng. Thu Hà nhìn theo bóng chàng mà thấy lòng nhói đau.

Thật ra, người Đàng Trong Đàng Ngoài chẳng ai lạ gì sông nước dòng Giang. Nơi này núi cao, dốc đứng, dòng thẳng, chảy xiết. Lòng người quân tử như sông, trong xanh phù sa ít bám víu, đá sỏi trôi xuôi dòng mãi rồi cuội mòn trơn bóng. Mấy ai không biết thủ lĩnh họ Phan tự Phong Châu, người đã mở lời trước ba quân đúng lần trở về tập họp nghĩa binh, rèn đúc khí giới, luyện tập binh mã, lập căn cứ địa Ngàn Trươi, lấy núi rừng Vụ Quang, Đại Hàm hiểm trở làm tổng hành dinh giương cao ngọn cờ kháng cự chống quân xâm lược.

Dưới chiếu Cần Vương, Phong Châu chiêu tập trăm họ tụ nghĩa với hàng ngàn trai tráng, thống lĩnh mười lăm Thứ quân. Ông tổ chức nhiều trận đánh, làm cho quân Pháp lo sợ. Thu Hà mở lòng nghi hoặc nguyện xin theo và thành trợ thủ đắc lực chăm lo sức khỏe nghĩa binh, dõi theo tin thắng trận báo về. Chùa Xoan là nơi lui tới phần đông dân chúng. Tin tức các đồn địch được mật báo hằng ngày, giúp nghĩa binh nắm vững tình hình, xuất quỷ nhập thần tiến công địch.

Phong Châu ốm nặng trong hang núi Vụ Quang, nàng ngày đêm chăm lo thuốc thang. Buổi chiều mùa đông, biết mình không qua khỏi, ông vẫy các nghĩa binh lui. Khi chỉ còn ông và nàng, Phong Châu thều thào đứt quãng: “Đời ta… mãi mãi không có nàng mà có nàng… mãi mãi. Ân tình này tạc ghi ta gửi vào hoa xoan. Khi ta mất, trồng bên mộ cây xoan để mỗi mùa xuân đến ta được ngắm màu hoa tím, ngửi thấy mùi thơm thảo hương hoa…”. Thu Hà nắm bàn tay khô rạc của thủ lĩnh bật khóc. Trái tim nàng bóp nghẹt. Nàng chạy băng rừng hoang sương lạnh một mạch về tận chùa Xoan phủ phục dưới hương án sư thầy nức nở. Phong Châu trút hơi thở cuối cùng vào giờ Hắc đạo, ngày Kỉ Dậu, tháng giá rét năm Ất Mùi. Thi hài được bí mật mai táng ở chân núi Quạt. Nơi ấy có thế núi hình sông bao bọc, đường vào hiểm trở, là chốn thẳm rừng thiêng đã từng được vua Quang Trung trấn yểm, rằng ai động đến một cành cây ngọn cỏ nơi này đều phải chết.

6.

Đám thuộc hạ hoan hỉ treo cờ phướn, giăng khẩu hiệu, rỉ tai: “Không ai phải xông pha trận tiền giao tranh, không cần vào vùng rừng thiêng nước độc Ngàn Trươi mà vẫn thỏa nguyện ý chí tướng quân!” Thế thời nương cây ẩn bóng, ông ngắn gọn bằng thông điệp từ cái phẩy tay quyền uy tót vời: “Người đời có thể tạm hiểu sông Giang là kẻ thù truyền kiếp của dòng họ Nguyễn ta, của chính ta! “Đúng! Bất luận mọi lí do để tướng quân nổi giận đều là kẻ thù không thể tha thứ”.

Chỉ mấy ngày trước, tướng quân bi phẫn vì thiếu phương án tối ưu nên không thể làm gì được. Dù quân Phong Châu gần như tuyệt lộ, việc cung cấp lương thảo không còn, người ngựa vơi, khí giới tản mát, bệnh dịch hoành hành. Đang lúc suy mưu tính kế, người của tướng quân bắt được tù binh khai thác: “Thủ lĩnh Phong Châu tuốt gươm khỏi vỏ, một đường ngọt từ trái sang phải, yên lòng nằm lại chân núi Quạt”. “Hừm! Tự sát ư? Ta đâu dễ tin đến thế!” Nghĩ thế nên ngài đốc thúc quan quân truy lùng ráo riết, đào xới tung cả những ngọn núi, quả đồi nơi nghi ngờ chôn mộ phần thủ lĩnh Phong Châu. Tìm mọi cách dụ dỗ, mua chuộc, cưỡng bức bất cứ ai cung cấp đầy đủ chứng cứ nơi chôn mộ phần thủ lĩnh.

Núi Quạt có địa thế quá hiểm trở. Đường rừng cheo leo, đá tai mèo trơn nhẫy dưới làn sương giăng. Sên vắt nhung nhúc, rắn rết hàng đàn nên bọn lính gan mấy cũng không dám liều mình bỏ mạng. Sau gần tháng lùng sục khắp các cánh rừng, Nguyễn Thân bắt thêm được toán trưởng bị thương, cho ăn no và mở những màn tra tấn tàn độc. Toán trưởng đành dẫn đường tới chân núi Quạt rồi cắn lưỡi chết tại chỗ. Tướng quân sung sướng nghĩ ngay đến bảy phát đại bác ăn mừng theo nghi thức Tây hóa cho phải phép. Coi đó là món quà xứng đáng dành nơi dung dưỡng thủ lĩnh cất tiếng khóc chào đời.

- Ngài Khâm sứ Brière cho rằng: “Việc làm của tướng quân là theo tục lệ An Nam” ư!? Không hẳn thế. Thủ lĩnh Ngàn Trươi dám đương đầu với nước mẹ, đương đầu với tướng quân sừng sỏ nhất xứ An Nam... thì việc bằng mọi giá phải truy cùng giết tận. Nếu chết rồi thì truy tìm bằng được huyệt mộ lấy thủ cấp, xác định danh tính thi thể tử thi. Chặt xác, tẩm dầu, đốt lên thành tro cốt, trộn vào thuốc súng bắn xuống sông chưa hả giận.

- Bảy phát đại bác! Không hơn không kém. Việc này trả lại tro xương cốt nhục về nơi từng sinh ra nó. Đó là việc nhân nghĩa, là lễ mừng chiến thắng và rửa nỗi nhục cho dòng họ Nguyễn ta - Tướng quân y chuẩn.

Người dân vùng thượng Đức chiều ấy còn nhìn thấy đám cháy nghi ngút phía chùa Xoan. Rừng xoan quanh chùa ngẩn ngơ những cành khẳng khiu, thâm mốc, xù xì lấm tấm nụ sắp mở mắt bung ra báo hiệu một mùa xuân về thành những ngọn đuốc rừng rực. Mùi khói hương gỗ xoan lan tỏa khắp vùng quê hoang lạnh điêu tàn. Màn khói từ đám cháy phủ kín dòng Giang bạc trắng quyện lẫn với dòng sông máu. Từ trong đám cháy, người ta nghe rõ tiếng thét thất thanh của người con gái. Vẳng xa trên bến Tam Soa phía đồn Linh Cảm, những tràng cười khả ố rợn dựng một khúc sông Giang.

N.M.Đ  
(TCSH354/08-2018)





 

 

Các bài mới
Bướm (31/08/2018)
Các bài đã đăng
Con đường xanh (17/08/2018)