Tạp chí Sông Hương - Số 354 (T.08-18)
Mực in dần dần biến mất: Thơ vào cuối thời văn hóa in ấn
09:32 | 23/08/2018

DANA GIOIA

(Phần cuối, tiếp theo Sông Hương số 353, tháng 7/2018)

Mực in dần dần biến mất: Thơ vào cuối thời văn hóa in ấn
Ảnh: internet

VI. Thơ Văn học Mới

Nghiên cứu một đề tài quen thuộc qua một nhận thức mới, thường buộc ta phải có những tái đánh giá một cách kinh ngạc và cấp tiến. Thí dụ như, chủ nghĩa phê bình nữ quyền, đã thay đổi một cách quan trọng cảm tưởng của chúng ta về truyền thống văn học - không nhiều lắm trong cách gợi ra những chiến lược có thể dẫn giải được một cách tinh tế về những tác phẩm cũ, mà bằng cách đưa ra những câu hỏi lớn, rõ ràng, về những qui luật từng được công nhận không thắc mắc. Sau khi xem xét vài ba đặc tính của thơ mới đại chúng, tôi gợi chừng, thế giới (dường như) quen thuộc của thơ văn học sẽ bắt đầu có vẻ khác đi. Bốn phương hướng rất rõ ràng trong rap, thơ cowboy, và thơ slams - sự tin cậy của chúng vào trình diễn bằng lời, nguồn gốc không-học-thuật của chúng, phục hồi thể thức nghe thơ, và sự thu hút công chúng - cũng hiện diện, tuy không rõ bằng, trong thế giới văn học thành tựu.

Thơ văn học chưa bị ảnh hưởng bởi thơ mới đại chúng - mặc dù nó đã bắt đầu xảy ra giữa những người viết trẻ - nhưng nó đang thay đổi trong những cách tương tự. Mới đây, khoảng tám năm qua, kỹ thuật phim gợi ra những cách mới để kể chuyện trong văn xuôi và do đó ảnh hưởng đến tiến trình của tiểu thuyết mới - cả hai loại phổ thông và văn học - những sức mạnh kỹ thuật và văn hóa rộng lớn đã tạo ra thơ đại chúng, đang định hình lại (reshape) dòng thơ văn học.

Sự khác biệt rõ rệt nhất giữa thơ văn học và thơ mới đại chúng là, một thứ được viết ra và thứ kia chủ yếu bằng lời. Hai đặc tính này hình như không thể hòa giải với nhau được, phải không? Và hơn thế nữa, ai tranh cãi được sự kiện: phương cách phát hành chính của nhà thơ đương đại Mỹ bây giờ là bằng lời - thí dụ điển hình là đọc thơ? Giờ thì nhà thơ của từng mỗi trường phái đến với nhiều người hơn qua cách trình diễn bằng lời - đích thân nhà thơ, qua truyền thông, qua thu hình/thu thanh - hơn là qua cách in ấn. Sách vẫn là phương tiện căn bản đối với thơ văn học, nhưng nghịch lý thay, số người đọc bản in của một tác giả giờ lại dựa rất nhiều vào sự thu hút lúc đầu qua cách trình diễn bằng lời.

Đọc thơ không phải là một hiện tượng mới đây. Các nhà thơ La mã đã phát hành những tác phẩm soạn thảo công phu của họ bằng cách đọc chúng trước một số ít độc giả. Edgar Allan Poe đọc thơ của mình trước khán giả có trả tiền. Dylan Thomas nổi tiếng trong việc đi suốt nước Mỹ (đọc thơ). Nhưng trong khoảng hai mươi năm gần đây, vai trò đọc thơ có một thay đổi cơ bản trong văn hóa văn học. Cho đến gần đây, nhà thơ tạo danh chính yếu qua in ấn. Đọc thơ trước công chúng là một hoạt động đáng quý nhưng phụ thuộc, thứ mà một nhà thơ tên tuổi có thể làm bởi thúc đẩy hư danh, tham vọng hay thiếu thốn tiền bạc. Thí dụ như Robinson Jeffers, những buổi đọc thơ trước công chúng đầu tiên, khoảng ông năm mươi tuổi, chỉ để trả tiền thuế đất. Đó là lần đầu và duy nhất độc giả bản in của ông nhìn thấy và nghe ông đọc thơ của mình. Thu thanh của những nhà Hiện đại lớn như Wallace Stevens, William Carlos Williams, Marianne Moore, và ngay cả E.E. Cummings, cho thấy hầu hết rất kỳ cục khi họ đối diện với chuyện đọc lớn thơ của mình ra. “Đọc thơ trước công chúng,” Stevens càu nhàu, “là một việc vô cùng khiếp đảm.” Chỉ có T.S. Eliot và Robert Frost là có vẻ an bình tự tại trong trình diễn thơ.

Nhóm Hiện đại được sinh ra trong khoảng ba thập niên cuối thế kỷ mười chín. Đối với họ, máy đánh chữ, phim không lời, và máy hát dĩa là kỹ thuật mới. Đọc thơ bắt đầu tăng nhanh khoảng đầu thập niên 1960 qua sự nổi tiếng của nhóm The Beats là thế hệ đầu tiên có kinh nghiệm với radio và phim nói từ lúc bé. Thoạt đầu những buổi đọc thơ bổ sung cho văn hóa in bằng cách cung cấp một diễn đàn công cộng để ca tụng thơ, hầu hết là ở các trường đại học, nhưng dần dần, trong khi thơ-văn-hóa-cấp-dưới bắt đầu đào tạo ra nhiều nhà thơ đến nỗi không ai có thể đọc hay điểm thơ cho hết, vị trí của chúng thay đổi. Đọc thơ biến thành phương tiện chính mà công chúng văn học lần đầu tiên gặp gỡ và đánh giá thơ mới.

Ngày nay, đây là lần đầu tiên trong lịch sử văn học Mỹ, rất khó cho một nhà thơ mới tạo dựng và giữ vững tên tuổi chỉ bằng in ấn mà thôi. Một nhà thơ vẫn cần đến phát hành thi tập. Đấy vẫn là điều kiện tối thiểu được (độc giả) biết đến và tín nhiệm trong văn hóa văn học. Nhưng, trong một xã hội với quá nhiều sách in và quá ít thì giờ để đọc, nhất là đọc loại văn học nghiêm túc, một thi tập, cho dù tuyệt hay đến đâu chăng nữa, vẫn không chắc chắn thu hút được độc giả khi chỉ dùng bản in mà thôi.

Trường hợp này biểu trưng cho một chuyển đổi lạ lùng trong cơ cấu văn học từ trang giấy in cho đến lời nói và phản ánh ảnh hưởng của truyền thông điện tử trên ngay cả độc giả có học thức cao nhất. Đọc thơ - bất kể mùi-hương-nghệ-thuật-cao của nó - đáp ứng những điều kiện cần có trước của lời nói mới: như radio, truyền hình, phim, và thu thanh/hình, nó lấy ngôn ngữ ra khỏi trang giấy in; và giống như truyền hình và phim, nó liên kết lời thốt ra với sự có mặt thể chất của người nói. Những điều kiện này đã giúp cho tính phổ thông của cách đọc thơ rất nhiều và đồng thời làm tăng sự cách biệt giữa nó với văn hóa in ấn.

Nếu phương tiện của đàm luận không bao giờ trung lập với nội dung của nó thì tiến trình biến dạng thường là dần dà. Thí dụ như điện ảnh nói lúc đầu, bắt chước thể dạng của rạp trình diễn nói và âm nhạc. Ngay cả với vận tốc điên cuồng của Hollywood, nó mất thì giờ để biên kịch, đạo diễn thăm dò và nắm vững những khả thi của phương tiện mới. Đọc thơ cũng phục hồi đặc tính tự nhiên của nghệ thuật thi ca, với những cách chỉ mới bắt đầu thấy rõ gần đây thôi. Sự phục hồi hiện nay của thơ dân túy trong thế giới văn học, không thể tách khỏi sự có mặt của những người viết như Billy Collins, là người tạo ra tên tuổi của mình bằng những buổi đọc thơ công cộng không phải chỉ ở giảng đường đại học mà còn ở trên radio nữa.

Khi những nhà thơ thành danh như Stevens, Jeffers, hay Moore bắt đầu đọc thơ ở tuổi xế chiều, phương tiện ấy tương đối có ảnh hưởng không nhiều đến tác phẩm của họ. Văn phong và mỹ thuật của họ đã thành hình. Nhưng một khi phương tiện nói không phải chỉ là kinh nghiệm xuất bản thật sự đầu tiên của một nhà thơ mới lên mà còn tiếp tục là mối liên kết thường xuyên và vững bền của một nhà thơ đã thành danh với độc giả của ông hay bà ấy, thì nó bắt đầu ảnh hưởng đến chính tác phẩm một cách sâu xa.

VII. Bốn Loại Thơ Văn học

Giờ thì thơ văn học Mỹ tự tái định thể một cách cấp tiến để trả lời cho những thay đổi văn hóa này. Kết quả là, một thứ từng được cho là công trình hợp nhất (united enterprise), gọi là thơ nghệ-thuật-cao, giờ lại nằm trong tiến trình vỡ ra thành ít nhất là bốn thể loại văn học khác biệt, mỗi thể loại dựa trên quan hệ thiết yếu khác nhau giữa ngôn ngữ nói và in. Bốn thể loại mới của thơ giờ cũng đang làm biến dạng bè phái chính trị của bối cảnh văn học bởi vì những giả định căn bản về quan hệ giữa nghệ sĩ với tài liệu ngôn ngữ của chính ông hay bà ấy, quan trọng hơn sự khác biệt rất rõ giữa trường phái thi ca đương đại này với trường phái đương đại kia.

Câu trả lời cực đoan cho tính nói mới là trình diễn thơ. Trong lúc vai trò xã hội của nghệ sĩ thay đổi từ nhà sáng tác bản văn đến nhà sáng tác trình diễn bằng lời, có lẽ không tránh khỏi một hình thức nghệ thuật mới xuất hiện từ trung gian của việc đọc thơ. Thơ trình diễn tượng trưng cho việc kết hợp vài ba kỹ thuật riêng biệt nào đó với hình thức bi hài kịch và giải trí tại chỗ, nhất là độc-thoại-hài-hước và diễn xuất ứng khẩu. Khác với thơ nói truyền thống đến độ thơ mới không còn chú trọng chính yếu vào sự sáng tạo một văn bản ngôn từ - ít ra trên lý thuyết - có thể sao chép và truyền đạt một cách độc lập với sự hiện diện thể chất của người nói. Thơ trình diễn không chỉ bắt nguồn từ ngôn ngữ. Thay vào đó, nó nhận ra và khai thác sự hiện diện thể chất của người trình diễn, khán giả, và không gian trình diễn. Bản văn chỉ còn là một yếu tố trong toàn thể tính nghệ thuật của nó. Mặc dù nguồn gốc lịch sử của nó nằm trong thơ văn học, thơ trình diễn giờ là một nghệ thuật khác, và tính không hòa giải chủ yếu của nó với thơ văn học mỗi năm mỗi rõ hơn. Trong khi nó phát triển theo với thời gian, thơ trình diễn có thể sẽ tìm ra phương tiện lý tưởng của nó, không phải trên giấy hay ngay cả bục nói, mà trong những hình thức dễ uốn nắn hơn của video và thu thanh - một khuynh hướng đã hiển nhiên trong một phạm vi giới hạn. Thơ trình diễn như một ẩn dụ sống cho thơ, không hẳn là một hình thức thơ.

Hình thức thứ hai của thơ là thơ nói. Cho dù nó dựa trên bản viết hay gần- như-ứng-khẩu, hình thức này tương tự với nhạc hơn là bản viết vì phương tiện chính yếu của nó là âm thanh hơn là thị ảnh hay ngay cả phương pháp thính- thị (audio-visual). Thơ nói mới này khác với thơ trình diễn trong cách nó dùng chữ - thay vì dùng thể chất hiện diện của tác giả và không gian trình diễn - là vật liệu thô nhám của nó. Thơ rap và cao bồi mở đầu thể thơ này trong bối cảnh giải trí công chúng. Thơ slams biểu trưng một loại thí nghiệm các khả thi xuyên chéo của thể thơ, nhất là từ lúc nhiều nhà thơ xuất thân ở đại học, giờ lại vào quán rượu hay tiệm cà phê để đùa chơi với phương tiện này. Giữa những nhà thơ văn học với nhau, loại thơ vần nói mới này được gọi là thơ “Chữ (dùng để) Nói”, và nó đã có nhiều đám đông nghiêm túc theo đuổi. Thí dụ như vùng vịnh San Francisco, có một cộng đồng phức tạp các nhà thơ Chữ Nói, ít nhất là có một người viết - Jack Foley - làm thơ từ nền tảng truyền thống thí nghiệm theo Pound (Ezra Pound) và có những tác phẩm đúng theo mọi tiêu chuẩn - có thể ngoại trừ lỗi in ra mà thôi. Thí dụ của Foley nêu lên một câu hỏi tổng quát. Theo tiêu chuẩn nào mà thơ trình diễn được phán đoán? Như một trình diễn bằng lời, phần lớn Thơ Chữ Nói đều mạnh mẽ và lôi cuốn; trên trang giấy, hình như nó thường được hiểu ra có một nửa.

Hình thức thứ ba của thơ là, bởi so sánh, thính-thị. Không có tên thời trang mới cho nó bởi vì mỹ thuật này rất giống với khái niệm truyền thống về thơ của chúng ta. Nó chú ý vào sự sáng tạo của thơ là thứ có thể được dùng, vừa là thực thể chữ viết vừa là trình diễn phát ngôn. Đặc tính có vấn đề của loại cơ cấu này giờ rất rõ vì nó đối diện với những đòi hỏi đối nghịch của mỹ thuật thị ảnh của thơ Hiện đại và tính phát ngôn mới của văn hóa đại chúng. Hậu quả là, các nhà thơ làm việc trong mỹ thuật thính-thị, cho dù họ dùng thơ thể luật hay thơ tự do, ngày càng nghiêng về hình thức phát ngôn - những mô hình cú pháp và tu từ dễ hiểu, nếu không là vần và thể luật. Trong cái nghĩa này, họ rất giống với nhà thơ văn hóa nguệch ngoạc đầu thời Phục hưng (Renaissance), là những người đã sáng tác những vần thơ công phu để đọc lớn lên, hơn là làm những gì mà những nhà Hiện đại lớn như Pound, cummings, hay Williams, là những người tự tin vào vị trí của mình trong văn hóa in ấn, thường sáng tác những bài thơ không thể để đọc lớn lên, vì sẽ hoàn toàn hay phần nào đó, làm thay đổi ý nghĩa của chúng.

Sau cùng, là thơ thị ảnh, một thể thơ mà ngôn ngữ chính yếu chỉ xuất hiện như trình bày bản in. Một mặt của kiểu mỹ thuật này, tác phẩm có thể được đọc lớn ra như tác phẩm của Marianne Moore hay Robert Creeley, nhưng không phải là không bị mất đi ít ra vài ba tác động của nó vì thể thơ này thu hút mắt nhìn và tạo ra cách làm thơ thị ảnh phần nào dựa trên việc đọc thầm. Thí dụ như Thơ Ngôn Ngữ, tự tách biệt mình một cách tự giác với ngôn ngữ nói trong cách này và tuyên bố một cách đặc trưng, là “bản viết” hay “bản văn”. Nhưng thường thì nó vẫn là thứ bản văn có thể đọc lớn ra được. Mặt kia của mỹ thuật thị ảnh, giống như thơ cụ thể (concrete poetry), không thể nhận ra được đấy là ngôn ngữ nói trong bất kỳ ý nghĩa hợp lý nào. Một bài thơ giống như bài thơ nổi tiếng mang dạng “Swan” (Thiên nga) của John Hollander sẽ không có một hiện diện thật sự như là ngôn ngữ nói. Là một tác phẩm nghệ thuật, nó dựa hoàn toàn vào trình bày bản in.

Dĩ nhiên, không có nhà thơ nào bị buộc phải làm thơ chỉ trong một thể thơ mà thôi. Pound và cummings thường vượt qua biên giới giữa thơ nghe và thị ảnh. Đúng hơn, điểm muốn nói ở đây là mỹ thuật của từng thể thơ khác nhau, và dưới áp lực của văn hóa điện tử, nghệ sĩ thường đẩy thể thơ xa hơn, như sự xuất hiện của thể thơ mới Chữ Nói (Spoken Words) và thơ Slams đã cho thấy. Người viết trong nhiều thể thơ sẽ xem chúng như những phương tiện khác nhau giống như nghệ sĩ thị ảnh đến với tranh sơn dầu và khắc-bản- đồng, từng phương tiện riêng biệt cần đến những kỹ thuật khác nhau.

Sự suy sụp của văn hóa in ấn khó khăn nhất cho các nhà thơ văn học vì nó đã phá vỡ guồng máy văn hóa tinh tế mà họ đã từng dùng để đến với độc giả. Thường thì lớp độc giả và tên tuổi của nhà thơ bị ảnh hưởng chính yếu bởi bốn yếu tố liên quan với nhau. Điểm thơ trên báo chí, phê bình văn học nghiêm túc (thường là hàn lâm), tuyển thi tập, và truyền thông nói chung. Tất cả bốn phương tiện để đến với công chúng độc giả văn học đã giảm đi một cách đáng kể qua vài mươi năm gần đây. Trước hết, thơ đương đại chiếm một chỗ nhỏ trong giới hàn lâm hơn là ba mươi năm về trước. Trong khi lý thuyết văn học và nghiên cứu văn hóa chiếm lĩnh nghị luận phê bình, thơ đương đại biến thành một ngành bên lề. Tham dự đại hội văn học hàn lâm ngày nay và bạn thường nghe, như tôi mới vừa nghe, bản tường trình về thiết kế hệ thống xa lộ Los Angeles như sự diễn tả sức mạnh dương tính hay mã-hóa-phái-tính trên quảng cáo ngũ cốc (cereal) ăn sáng hơn là những khảo sát về thơ đương đại.

Thứ hai, phần lớn bình luận hàn lâm về thơ đương đại được viết bằng ngôn ngữ chuyên môn của hàn lâm hơn là từ ngữ công chúng. Biên mã quan lại này có thể mang lại vài lợi ích, nhưng đến với sự ưa thích của người không-chuyên-môn, nghiêm túc và thông minh thì không có trong đó. Thứ ba, các tạp chí có mục điểm thơ vẫn thường là nhỏ, đắt giá, và khó kiếm (để mua). Bất cứ người nào không tiếp xúc với thư viện đại học lớn sẽ không thể nào tìm ra hầu hết những định kỳ văn học, và ngay cả độc giả biết nhiều tin tức cũng không biết đến sự hiện hữu của nhiều tờ định kỳ hàng đầu. Rất rõ ràng phương tiện truyền thống in ấn đã thất bại trong việc này, hiện giờ hầu hết những định kỳ văn học mới đều điện tử hóa.

Sau cùng, có giảm sút trong phẩm chất và tính nghiêm túc của chính việc điểm thơ. Vài ba bài điểm thơ viết bằng đặc ngữ công chúng trên định kỳ văn học hay trên báo chí nói chung, ngày càng bị đặc tính hóa bởi phẩm chất trống rỗng thiếu phê bình của chúng. Ý thức về chuyện đăng tải thơ mới quá ít, và nhóm văn hóa thơ thì quá nhỏ, hầu hết các nhà điểm thơ đều tránh những định giá tiêu cực hay hoài nghi. Độc giả có hiểu biết rồi cũng bỏ qua trò tâng bốc công khai này. Hậu quả là độc giả quan tâm nghiêm túc đến việc theo dõi thơ đương đại nhận ra phê bình giờ chỉ có bốn thể loại: vô hình, không hiểu được, không nắm bắt được, và không thành thật. Có còn thắc mắc gì nữa không khi hầu hết những người mê thơ thích đến những buổi đọc thơ và tự quyết định lấy?

Tuy nhiên, nơi trình diễn thơ, nhiều chưa từng thấy, không tránh khỏi sự mỉa mai của nó. Nếu đọc thơ công chúng đã biến thành sức mạnh văn hóa quan trọng nhất để giữ lại độc giả thơ mới, đấy cũng là lý do chính cho việc tiếp tục phân mảnh của nó. Bởi vì có ít truyền thông đăng tải tin tức thơ, nghệ thuật thơ thu vào khu vực nhiều hơn, hay ngay cả địa phương. Trừ vài ngoại lệ, độc giả thường biết đến tác phẩm của những nhà thơ còn sống chỉ khi nào họ quen biết tác giả hoặc có thể là bạn bè biết đến nhà thơ và chuyền tay nhau tuyển tập. Một châm biếm lộ liễu khác nữa là đôi khi chỉ một chỗ duy nhất mà ta có thể tìm ra tập thơ của một nhà thơ tương đối có tiếng là tại buổi đọc thơ của ông hay bà ấy. Trình diễn bằng lời chưa thay thế thơ in, nhưng vì thiếu vắng sự ủng hộ công chúng cho thơ, nên giờ nó được dùng như một lối đi chính bước vào phương tiện truyền đạt ngày càng khó đến gần hơn.

VIII. Sự nổi lên của Cộng đồng Văn hóa mới

Khía cạnh thứ hai đáng chú ý của thơ mới đại chúng, nguồn gốc không-hàn-lâm của nó, dường như cũng phân biệt được nó với thơ văn học. Quan sát thông thường nhất về trường hợp thơ Mỹ đương đại - bởi những nhà quan sát địa phương và quốc tế - là nó đặt tổng hành dinh ở đại học, chính yếu là cả trăm chương trình viết văn hậu đại học trên toàn quốc. Tất nhiên, theo căn bản, ít ra là ở chỗ này, thơ văn học khác với thơ mới đại chúng.

Tuy nhiên, khảo sát gần hơn cho thấy, sự gần như độc quyền mà đại học vui hưởng mới đây trong cương vị quản lý thơ, giờ thì như đang bị phân hủy ngay trước mặt những thay đổi kinh tế, dân số và kỹ thuật. Vai trò hàn lâm trong việc ủng hộ thơ mới không biến mất. Chương trình dạy viết văn và phân khoa tiếng Anh tiếp tục có vai trò quyết định trong văn khoa đương đại. Nhưng thế giới văn học lớn hơn vây quanh đại học gần đây đã thay đổi đến độ chỗ đứng của hàn lâm trong văn hóa văn học đang bị biến dạng. Thời gian bốn-mươi-năm chiếm lĩnh không chống đối mà đại học rèn luyện thơ Mỹ (ta có thể xác định vào khoảng đầu thập niên sáu mươi khi Beats và những người sống sót khác từ bọn văn học lang thang cũ, như Rexroth, Ginsberg, và Baraka bắt đầu nhận việc hàn lâm) giờ thì đã kết thúc. Thơ Mỹ đang trở lại với trường hợp đặc trưng lịch sử tiêu biểu, trí thức lành mạnh hơn, nơi mà vai trò của đại học được cân bằng bởi một nền văn hóa văn học không-hàn-lâm mạnh mẽ.

Ta thấy bằng chứng vai trò đại học sút giảm diễn ra trong thơ đương đại qua vài ba phát triển có ảnh hưởng đến đời sống thi ca Mỹ, hầu hết đều xảy ra bên ngoài khuôn viên đại học. Xa hơn sự xuất hiện của rap, thơ cowboy, và thơ slams, những thay đổi đáng chú ý kể cả sự thăng tiến của những nhà in văn học độc lập vô vụ lợi như Graywolf, Copper Canyon, Curbstone, và Story Line không dính dáng với những cơ chế hoặc những nhà phát hành hàn lâm hay thương mại; sự lớn mạnh của những tổ chức không học thuật như Poets & Writers, Poets House, Poetry Society of America, và The Academy of American Poets; sáng lập ra những mạng lưới điện tử và định kỳ như Poetry Daily, Contemporary Poetry Review, và Eratosphere, nối kết những người viết cá biệt toàn quốc lại với nhau; sự phát triển của ấn loát bàn giấy (desktop publishing) đã làm cho sách vở và những tạp chí nhỏ dễ dàng lưu hành mà không cần đến ủng hộ tài chánh có tổ chức của các cơ chế học thuật; và sự biến dạng của tiệm sách, thư viện, phòng triển lãm, viện bảo tàng, và những trung tâm cộng đồng thành nơi dành cho giáo dục văn học và trình diễn. Cùng với nhau, tất cả những phương hướng này đã tạo ra một cộng đồng văn hóa mới (bohemia, một cộng đồng văn hóa, đặc biệt về tư duy, và nghệ thuật) không cư ngụ tại một thành thị riêng biệt nào đó mà rải rác qua nhiều vùng thị thành và kết nối với nhau nhờ những phương tiện truyền thông điện tử và không gian công cộng.

Sự biến dạng của tiệm sách văn học Mỹ suốt mười lăm năm qua có thể được dùng như hệ biến hóa cho những thay đổi rộng lớn hơn trong văn hóa văn học không-học-thuật. Trong khi văn hóa in ấn dần giảm sút, trong khi không gian công cộng dành cho văn học nghiêm túc thu hẹp lại, và đại học biến thành diễn đàn duy nhất cho người chuộng văn học, một tiền đội phụ trách các nhà buôn sách Mỹ tiến dẫn một phòng vệ cấp tiến có hiệu quả, ít ra là để dựng lại lớp độc giả cho thơ Mỹ cũng như cho tất cả mọi chương trình viết văn ở công chúng. Họ từ từ biến dạng cơ ngơi kinh doanh của mình từ một chợ dành cho sách thành ra một chợ dành cho ý tưởng. Mỉa mai thay, cách họ dùng để ủng hộ in ấn lại vay mượn những đặc tính tự nhiên của văn hóa thơ nói mới.

Dựa vào độc giả để sống còn và kích thích bởi tin tưởng vào sự quan trọng của gìn giữ văn hóa in ấn, các nhà buôn sách đặt ra một hệ ủng hộ mới cho, gồm luôn những đặc tính hay nhất của văn hóa điện tử, truyền thống học thuật, kinh tế thị trường, và chủ nghĩa quân bình thuộc cộng đồng văn hóa. Họ đã hiểu rằng sức hấp dẫn chính của đại học đối với nhiều nhà trí thức không phải là thứ học đường cứng ngắc mà là cảm giác cộng đồng nó mang lại. Họ bắt chước đại học bằng cách biến tiệm sách thành ra những cộng đồng nhỏ - thường là thêm vào những thứ canh tân lặt vặt (vào lúc ấy) như ghế ngồi dựa ngửa và máy pha cà phê espresso. Họ thích nghi lối trình bày bằng lời thân thiết của truyền hình và radio cho đến cuối thời văn hóa in ấn và đưa ra những dòng thông tin về những buổi đọc không nghi thức, bài giảng, và các nhóm nghị luận để mang lại con đường đến với. Họ cũng chăm sóc những ám ảnh văn hóa điện tử với cá tính bằng cách mang người viết ra khỏi trang giấy và đặt vào tiệm sách. Họ tìm được cách phối hợp quyền lợi của các nhà phát hành, tiệm sách, và nhà thơ lại với nhau để khắc phục tính thương mại bên lề của văn học nghiêm túc. Sau cùng, họ bắt chước cộng đồng văn hóa bằng cách dân chủ hóa văn hóa văn học theo những cách mà các cơ cấu có tổ chức đẳng cấp như đại học không thể quản trị một cách dễ dàng được nữa. Cuối cùng, một sinh viên không phải lúc nào cũng đúng, nhưng khách hàng thì lúc nào cũng đúng. Suốt thập niên qua, những tiệm sách như Chapters ở Washington, D.C. hay Cody’s ở Berkeley đã đưa ra chương trình văn học ngang bằng với (chương trình) của các đại học lớn, và nó không tốn kém cho bất cứ người nào vào tiệm.

Trong khi ấy, thế giới thơ trở nên ngày càng kém đi tính học thuật vì một căn nguyên không ai nghĩ đến - chính là đại học. Qua vài mươi năm, chương trình dạy viết văn đã sản xuất số sinh viên tốt nghiệp có văn bằng nhiều hơn nhu cầu của thị trường. Đến nay có khoảng 25,000 MFAs (Cao học) ra trường mỗi mười năm và chỉ có một phần rất nhỏ biến thành giáo sư đại học. Nếu một nhà thơ Mỹ trẻ tuổi ngày nay muốn học một chương trình viết văn hậu đại học, hơn bao giờ hết, anh hay chị ấy sẽ không muốn ở lại để làm giáo sư. Những người tốt nghiệp không có việc làm này tham gia giới trí thức ngoài hàn lâm (literati, người có kiến thức rộng về văn học và ngôn ngữ) để tạo ra một cộng đồng văn hóa mới - một văn hóa văn học nghiêm túc đang nảy sinh từ những chòm sao tiệm sách, nhà in vô vụ lợi, trung tâm viết văn cộng đồng, tạp chí nhỏ, đại hội cuối tuần, và mạng toàn cầu, tập hợp với thế giới lớn hơn của báo chí, phát hành, và quản trị nghệ thuật.

Cộng đồng văn hóa mới sẽ không thay thế cho giới hàn lâm trong đời sống văn hóa nhưng bổ sung nó, và cả hai cộng đồng này không những chỉ sống nhờ vào sinh lực của đôi bên, mà còn mang lại cho hệ thống trí thức và nghệ sĩ, sự cân bằng (checks and balances) đang bị thiếu trầm trọng trong văn hóa văn học lệch ở cuối thế kỷ hai mươi. Bởi vì cộng đồng văn hóa mới này hủy trung tâm hóa, nên vài ba người, kể cả hội viên của chính nó, bây giờ mới nhận ra phạm vi hoạt động của nó, nhưng tốc độ sinh sản thì vô cùng lạ lùng. Ngày nay, lần đầu trong năm mươi năm, phần lớn đại đa số người viết Mỹ trẻ giờ sống và làm việc bên ngoài đại học. Hậu quả văn hóa của sự thay đổi kinh tế và dân số này sẽ ảnh hưởng lớn đến mọi khía cạnh thơ Mỹ.

IX. Lối Nghe Avant-Garde

Đến giờ cũng đã hiển nhiên rằng đặc tính quan trọng thứ ba của thơ mới đại chúng - cách sử dụng thính thể, sự thỏa thích không biện giải trong mô hình âm thanh của nó - ngày càng hiện rõ trong thơ văn học. Sự dời đổi trong nhạy cảm này về tính nói không phải là một phong trào văn học đơn lẻ, một mưu đồ xấu của các nhà thơ trẻ ác ý quyết định lòe/trộ bọn tư sản cấp tiến (épater les bourgeois avant-gardes), như đôi khi đã bị hiểu sai. Thay vào đó nhóm thế hệ nhà thơ trẻ đã nổi tiếng là New Formalists/Tân Hình Thức phản chiếu một thay đổi trong Hệ Tư tưởng thời đại/Zeitgeist, một đáp ứng lan rộng không trung tâm cho văn hóa nói mới đang vây quanh thơ văn học, kể cả những nhà thơ già, trẻ, trung niên, giới hàn lâm, bohemian, tiến bộ, bảo thủ, bọn vô chính phủ, và nhóm thực nghiệm. Các nhà thơ Tân Hình Thức, nghệ sĩ Chữ Nói, các nhà thơ Slams, các nhà thơ Cowboys, và những Rappers cùng nhau tạo ra lối nghe avant-garde. Nhà thơ của những trường phái tạp nham này mang lại những giả định lý thuyết, lịch sử, tư tưởng khác nhau vào trong tác phẩm của mình. Điều mà họ có chung mẫu số là mối quan tâm thực nghiệm trong thính thể (auditory form) và bỏ qua cái taboo phê bình lỗi thời mà nó mới vừa bị đặt dưới.

Các nhà phê bình hàn lâm không thể hiểu được sự hồi sinh này. Tại sao? Bởi vì họ gắng đóng khung nó vào “lối suy nghĩ kiếng-chiếu-hậu,” bằng cách nhìn trở lại những ý tưởng dần lui đi của chủ nghĩa Hiện đại và bọn avant-garde hơn là đặt nó vào một cái nhìn văn hóa rộng rãi hơn. Nhưng điều đó cũng không có gì kinh ngạc. Phê bình văn học hàn lâm là một cơ cấu đáng kính, nhưng trong việc tiên đoán khuynh hướng nghệ thuật mới nó chưa bao giờ đáng tin hơn kinh tế lượng trong việc tiên đoán những thay đổi lớn trong GDP hay Dow Jones Industrial Average. Những phát triển nghệ thuật mới chân thật - dù là sự hồi sinh của thơ đại chúng hay sự tái xuất hiện của thể thơ - có khuynh hướng di chuyển một cách biện chứng từ bên lề của văn hóa thành tựu hơn là êm ái đến từ sự đồng thuận trung ương. Khái niệm này dẫn đến sự so sánh cuối cùng giữa thơ mới đại chúng và đối tác văn học của nó - là câu hỏi về tính công chúng. Bởi vì hơn nửa thế kỷ nó đã được giả định một cách tổng quát rằng thơ văn học là một nghệ thuật suy tàn không có độc giả bên ngoài đại học và ít sinh khí nếu không có cơ cấu (đại học) ủng hộ. Hãy mượn một hình ảnh từ văn hóa đại chúng, tiếng tăm gần đây của thơ giống như con két chết được miêu tả bởi khách hàng trong một màn diễn trào phúng nổi tiếng “Monty Python”. Trở lại tiệm bán thú vật để than phiền rằng tiệm bán một con két chết, khách hàng nói:

Con két này không còn là két.
Nó đã ngưng thôi không còn là két.
Nó đã hết sống và đi theo thượng đế.
Đây là một con két đã qua đời…
Mất sinh khí, nó (ngàn thu) yên nghỉ.
Nếu bạn không đóng đinh nó trên sào đậu,
nó thành phân bón cây
Đã tới lúc hạ màn
và nhập bọn hợp xướng vô hình.
Đây là một con cựu-két.

This parrot is no more.
It has ceased to be.
It’s expired and gone to meet its maker.
This is a late parrot…
Bereft of life, it rests in peace.
If you hadn’t nailed it to the perch,
it would be pushing up daisies.
It’s rung down the curtain
and joined the choir invisible.
This is an ex-parrot.


(Monty Python là một nhóm trình diễn những màn hài hước ngắn trong chương trình Flying Circus trên đài truyền hình BBC từ 1969 đến 1974. Đoạn trên trích từ một màn nổi tiếng, dùng một số thành ngữ ám chỉ cái chết, sự qua đời v.v, tương tự như những thành ngữ trong tiếng Việt như: đi bán muối, hui nhị tì, đi thăm ông bà, ngàn thu yên nghỉ… - Lời nd).

Nhưng thay vì chấp nhận vị trí của thơ văn học là một cựu-nghệ-thuật, mất sinh khí, và đóng dính vào sào đậu học viện, một quan sát viên tinh khôn có thể đưa ra ý kiến rằng văn hóa nói mới đã tạo ra những điều kiện cho sự hồi phục của nó. Sẽ là một lớp độc giả khổng lồ chăng? Ừ thì mỉa mai thay, lớp độc giả khổng lồ ấy là đám đầu tiên tái-giao với nghệ thuật xuyên qua thơ mới đại chúng - bất kể sự đồng ý có chung giữa những nhà trí thức cho rằng việc nối lại quan hệ ấy là vô khả thi.

Cho dù hiểu biết thông thường diễn tả sự nổi dậy của truyền thông điện tử và sự xuống dốc tương đối của in ấn như là một thảm họa cho tất cả mọi loại văn học, tình trạng này phần lớn có ích cho thơ. Nó không tạo ra một lựa chọn phân cực giữa thông tin nói và thông tin in. Cả hai loại truyền thông đồng hiện diện thường là trên nhiều hình thể chồng chéo nhau. Điều mà kỹ thuật mới đã làm là điều chỉnh chút xíu tính nhạy cảm đương đại để chuộng lấy âm thanh và tính nói. Quan hệ giữa in ấn và lời nói trong văn hóa Mỹ ngày nay có lẽ gần với thời đại Shakespeare hơn là thời đại Eliot - nói chung thì tình trạng này không mấy tệ cho một nhà thơ. Lần đầu tiên trong thế kỷ có khả thi có được nền thơ văn học nghiêm túc tái giao với lớp độc giả không-chuyên-môn của nghệ sĩ và giới trí thức, cả bên trong lẫn bên ngoài hàn lâm. Cũng còn có cơ hội để tái định trung tâm nghệ thuật trên thứ mỹ thuật bao gồm lạc thú của truyền thông nói và sự phong phú/giàu có của văn hóa in, đã rút (kinh nghiệm) từ truyền thống mà không bị giới hạn bởi quá khứ, nhận lấy thể thơ và truyện kể mà không loại bỏ di sản thực nghiệm của chủ nghĩa Hiện đại, và nhận thức được sự độc lập cần thiết của văn hóa cao và đại chúng. Một nghệ thuật nghiêm túc không cần lớp độc giả rộng lớn để nảy nở - chỉ cần lớp độc giả sống động, đa dạng, và giao kết.

Miễn là khi nhân loại còn đối mặt với cái chết và dùng ngôn ngữ để miêu tả sự hiện hữu của mình, thơ sẽ mãi còn là một trong những căn nguồn tinh thần chủ yếu của nó. Thơ là một nghệ thuật đến trước chữ viết, và nó sẽ sống sót sau truyền hình và trò chơi điện tử. Cách nào? Hầu hết cứ là chính mình - súc tích, ngay lập tức, dễ cảm, dễ nhớ, và mang tính âm nhạc, những phẩm chất đáng giá nhất trong văn hóa nói mới, cũng còn là những đạo đức tập hợp một cách có truyền thống với nghệ thuật. Thơ văn học nghiêm túc có thể hay hơn trong vị trí nảy nở ở thế kỷ mới này hơn là sáng tạo lớn nhất của văn hóa in (là), tiểu thuyết. Vâng, nghệ thuật thi vị sẽ thay đổi nhưng có lẽ qua những cách đem nó lại gần với Shakespeare, Marlowe, và Milton, là những người đã hiểu được cách mang thơ phong phú phức tạp ra khỏi trang giấy mà không làm mất gì cả, hơn là truyền thống máy in của chủ nghĩa Hiện đại. Nhưng còn có những giải đáp chắc chắn cho cái thách đố nghệ thuật này mà chúng ta không thể tưởng tượng ra vào lúc này. Vấn đề không phải là đi tìm một lớp độc giả. Thách đố là viết hay đủ để xứng đáng có được độc giả. Ngay cả khi có ít độc giả hơn, người ta vẫn lắng nghe.

Điểm Thọ dịch
Nguyên tác: Disappearing Ink: Poetry at the End of Print Culture  
(TCSH354/08-2018)





 

 

Các bài mới
Bướm (31/08/2018)
Các bài đã đăng
Con đường xanh (17/08/2018)