Tạp chí Sông Hương - Số 354 (T.08-18)
Thơ và trường ca Hữu Thỉnh - tương hợp và đa thanh
09:10 | 24/08/2018

HỒ THẾ HÀ

Hữu Thỉnh là nhà thơ xuất sắc trong thế hệ những nhà thơ trưởng thành trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Cuộc sống và trang thơ của ông đã có rất nhiều công trình nghiên cứu và giải mã ở tất cả các cấp độ thi pháp với giá trị độc sáng riêng của chúng. Người đến sau khó có những phát hiện gì thêm từ thế giới chỉnh thể nghệ thuật ấy.

Thơ và trường ca Hữu Thỉnh - tương hợp và đa thanh
Ảnh: internet

Hữu Thỉnh là nhà thơ có khả năng nắm bắt và cảm nhận đời sống ở dạng uyên nguyên, minh triết của nó và thổi vào đó những kinh nghiệm quan hệ sống của mình một cách bất ngờ và sáng tạo. Điều đó cũng có nghĩa là ông đã làm đầy ngữ nghĩa mới từ những hình tượng gốc của hiện thực đời sống bằng cái nhìn triết - mỹ - văn hóa riêng của mình thông qua ấn tượng và trực giác và ngôn ngữ cũng bất ngờ, kỳ thú. Những va chạm và sinh thành của chính hiện thực và con người mà nhà thơ là chủ thể tương tác và sống qua đã giúp ông phát giác ở chúng những giá trị phái sinh. Trong bài viết ngắn này, chúng tôi muốn tìm hiểu thơ và trường ca (xin gọi chung là Thơ) Hữu Thỉnh bằng chính thế giới hình tượng và ngôn từ ảo ẩn ấy để tạo thành sự tích hợp/ tương hợp và ngôn từ nghệ thuật đa thanh đặc sắc riêng.

1. Tương hợp hình tượng thơ Hữu Thỉnh

Tôi xin bắt đầu bằng chính quan niệm của Hữu Thỉnh về nghề văn thông qua cách nói giảm trừ hiện tượng luận một cách tối đa: “tôi rất tin, thơ là kinh nghiệm sống”.(1) Kinh nghiệm sống đó phải được chứng nghiệm bằng tình cảm và lao động nghệ thuật, thông qua cơ chế của tâm lý học sáng tạo nhạy bén, sắc sảo mới có được, nhưng đồng thời, nhà thơ cũng phải được tự do một cách thản nhiên, đạt đến giới hạn hiện sinh một cách bản thể như ông đã xác quyết bằng thơ: “Tự do xanh quá, mênh mông quá”. Đó phải chăng là hai tố chất để hình thành nên tầm vóc, chất thơ và phong cách sáng tạo của nhà thơ? Vâng. Chỉ có kinh nghiệm sống và trạng thái tự do rộng lớn như thế mới giúp nhà thơ có được những xúc cảm chân thành để tứ thơ lần bóc vỏ trong ngôi nhà tâm hồn của mình thành những hình tượng và ngôn từ cũng bất ngờ, độc sáng. Nghĩ về Hữu Thỉnh, tôi nghĩ về hai tố chất nói trên để thám mã và giải mã thơ ông. Mà kinh nghiệm sống và tự do sáng tạo không bao giờ đối lập nhau, chúng luôn bổ sung, làm giàu có cho nhau, hình thành nên con người thơ và thi pháp thơ riêng. Để mở rộng quan niệm trên của mình, Hữu Thỉnh cũng đã khẳng định: “Tôi và bạn bè trong lớp các nhà thơ chống Mỹ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những nhà thơ cách mạng lớp đầu và các nhà thơ kháng chiến chống Pháp. Như là sự sắp đặt lịch sử, về sau này, hành trình thơ của chúng tôi cũng giống các anh. Bối cảnh thì khác, quy mô và tính chất ác liệt cũng khác, nhưng tinh thần dấn thân và nhập cuộc vẫn là một. Một cuộc dấn thân để tìm thấy sự kết hợp hài hòa giữa chủ thể sáng tạo và khách thể thẩm mĩ. Nói gọn, trong một anh bộ đội có một thi nhân… Nhập cuộc và hành động có đòi hỏi phải hy sinh gì không? Có. Đó là cái vụn vặt, quẩn quanh, lạc điệu và nguy cơ cạn kiệt tâm hồn… Nhập cuộc và hành động, được gì? Rất nhiều: Cả một đời thơ. Cuộc sống cho anh bao nhiêu thứ, kể cả sự đào luyện nghiêm khắc để anh có thể trở thành “Con của vạn nhà” đã là cái được lớn, chiến lược cho cả đời thơ.” (2)

Thanh Thảo - bạn thơ chiến sĩ tâm giao của Hữu Thỉnh cũng có quan niệm như vậy khi nghĩ về cội nguồn của sáng tạo nghệ thuật. Mối quan hệ giữa nhà thơ và sáng tạo thơ, đối tượng thơ được Thanh Thảo tâm sự: “Là nhà thơ, anh sẽ thắng nếu được thiên nhiên ủng hộ. Bây giờ tôi mới ngộ ra điều này”. Không phải cái gì khác ủng hộ nhà thơ “mà chính thiên nhiên mới có thể nói thơ anh thế nào, có đáng được ủng hộ không? Và không phải thơ anh chỉ viết về thiên nhiên mới nhận được sự ủng hộ như vậy. Anh cứ viết về con người, chỉ viết về con người. Nếu thơ anh hay anh vẫn nhận được sự ủng hộ vô hình nhưng quyết định ấy của thiên nhiên. Vì con người cũng là một phần hữu cơ của thiên nhiên. Dĩ nhiên, không con người nào sống ngoài thiên nhiên, khi con người là nhân vật chính của thơ anh - đó là bản thân anh. Bản thân anh sống với thiên nhiên như thế nào, thơ anh sẽ viết được như thế ấy, và anh sẽ nhận được sự ủng hộ hoặc khước từ của thiên nhiên đúng mức như vậy.

Tôi là người làm thơ luôn muốn đổi mới nhưng luôn bị (hay được) cổ điển kéo về. Tôi không cưỡng lại, nhưng vẫn thích viết theo những lối mới, dù đôi khi, tự nhiên viết được một bài thơ hoàn toàn theo cổ điển, và lạ thật bài thơ ấy mình lại rất thích.” (3)

Tôi vô cùng tâm đắc với quan niệm này của nhà thơ Thanh Thảo. Thơ hay là thơ gan ruột, hồn cốt khi nhập vào đối tượng một cách chân thành, mãnh liệt để sáng tạo nên hình tượng thơ đầy xúc động với một nghệ thuật ngôn từ cũng đầy ấn tượng trực giác và thị giác. Với tôi, thơ sáng tác theo hệ hình nào không quan trọng, tùy sở trường và sức chiếm lĩnh nghệ thuật của từng nhà thơ. Nhưng thơ đó phải hay, phải động đến cõi sâu thẳm nhân tính và khát vọng sống cao đẹp của con người. Khi đó, nó sẽ hấp dẫn và truyền sang nội tâm người đọc một cách xúc động. Và vì vậy, nó sẽ sống với độc giả và sống với thời gian nhiều chiều một cách ám ảnh, lâu bền. Còn hiện đại hay hậu hiện đại mà thơ không hay thì nó sẽ bị lãng quên trong hờ hững của người đọc. Tôi yêu thơ Hữu Thỉnh chính là từ những quan hệ gần gũi mà ám ảnh nhân sinh như thế. Thơ Hữu Thỉnh hay chính là ở chất cổ điển mà không cổ điển của nó. Nghĩa là thơ anh đã chạm đến hiện đại, một phần hậu hiện đại từ cổ điển. Hiện thực và con người của thời hiện đại đang tiếp diễn hiện ra trong thơ Hữu Thỉnh nhức buốt thông qua hệ thi pháp gần gũi đến độ chấn động người đọc từ sâu thẳm bên trong tâm hồn họ. Chẳng hạn như những câu thơ sau: “Đi suốt cả ngày thu/ Vẫn chưa về tới ngõ/ Dùng dằng hoa quan họ/ Nở tím bên sông Thương”. Vậy mà những gì bình yên, thanh thản của mùa thu đã hiện ra lây lan, quyến rũ: “nắng thu đang trải đầy/ đã trăng non mú bưởi/ bên cầu con nghé đợi/ cả chiều thu sang sông” (Chiều sông Thương). Hay những câu thơ sau đây cũng tác động vào người đọc bằng ấn tượng thị giác và thính giác trực tiếp:

Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi

                        (Sang thu)

Một đoạn thơ mà biết bao hình ảnh và trạng huống quan hệ nhau, níu gọi nhau, hô ứng nhau. Tôi yêu thơ Hữu Thỉnh ở khả năng thức nhọn giác quan như thế.

Và tôi chọn lối thám mã thơ Hữu Thỉnh bằng cách riêng của mình để tránh dẫm lên hành trình của những người đi trước, mà vẫn không xa lạ với những thành tựu của họ. Đó là lối vào bằng những cổ mẫu mà nhà phân tâm học chất liệu G.Bachelard đã chỉ dẫn. Cách này rất tương thích với thế giới hình tượng và ngôn từ trong thơ Hữu Thỉnh.

Gaston Bachelard - nhà phân tâm học chất liệu người Pháp cho rằng: nước, lửa, đất và không khí là bốn nguyên tố vật chất cơ bản mà óc tưởng tượng kỳ diệu của con người khái quát được. Vì vậy, khi muốn tìm hiểu cấu trúc thi ca, đặc biệt là tìm hiểu thế giới hình tượng thì trước tiên phải xác định nguồn cội vật chất nào đã khiến cho nhà thơ tưởng tượng và ám ảnh đến day dứt những hình tượng đó để trở thành tần số đậm đặc trong thơ họ và làm nên bản mệnh thơ họ. Nếu liên hệ ý kiến này, ta có thể thấy trong thơ Hữu Thỉnh, những hình tượng đất, lửa, nước và có cả không khí nữa luôn xuất hiện thành các dạng thái thi ảnh và thi ngôn khác nhau. Bốn nguyên tố/ cổ mẫu này khi thì độc lập, khi thì hòa quyện, lan tỏa, tác động với nhau để tạo ra thế giới hình tượng thơ Hữu Thỉnh. Có thể nói thế giới hình tượng, trong thơ Hữu Thỉnh như: khu vườn, cánh đồng, con đường, dòng sông, bầu trời, mặt đất hoặc các hình tượng như mẹ, em, cỏ hoa, hương thơm, những âm thanh quen thuộc đều có sự liên hệ máu thịt, tương tác nhau được tái sinh từ bốn nguyên tố mẫu gốc (archétypes) nói trên, tạo thành thế giới tương hợp kỳ thú, có khi ám ảnh và thiêng liêng. Phải chăng con người sinh ra từ lửa của tình yêu và nước (nước ối) của mẹ và sống trong không khí bội sinh của đời sống xã hội để cuối cùng khi từ giã cõi đời này, họ lại trở về với đất? Đất trong thơ Hữu Thỉnh trở thành máu thịt và lẽ sống để cưu mang và ân nghĩa. Đất thấp thoáng trong không khí mát dịu và bao dung:

Đất của đời ta, đất của thơ ta đấy
Lá chuối thương nhau lộp độp mưa rào
Cánh diều chao đôi mắt cũng chao
Con đường làng để dây mực tím


Phải nói đó là một hình tượng đơn sơ mà đẹp đến nao lòng. Nhưng đất đâu phải chỉ có nghĩa trực tiếp như thế. Đất còn tạo ra bao hình tượng phái sinh. Đất là con đường, làng quê nơi chôn nhau cắt rốn, đất là những gì thân yêu và thiêng liêng nhất, hình thành trong nó những mối quan hệ hữu hình và vô hình:.

Anh đang bò về phía gốc sim
Ngực đập dội chuyền sang đất đá
Quần áo tướp ra
Một nửa người anh dâm dấp máu
Anh đang đau cho đất đá anh yêu

            (Đường tới thành phố)

Đất là những cánh đồng đang mùa gặt vụ, là bầu trời trên giàn mướp lúc thu về. Tất cả đang sinh sôi trên mặt đất chiến tranh nhưng vẫn thấm đẫm không khí mát dịu của trời thu, cảnh thu: “Thu ơi Thu/ Ta biết nói thế nào/ Sương mỏng thế/ Ai mà bình tĩnh được/ Hứa hẹn bao nhiêu bầu trời trên giàn mướp/ Lúc hoa vàng thu mới chập chờn thu. Dù là khung cảnh chiến tranh thì sắc vàng hoa mướp cũng bình thản sinh nở, bất tử trước đạn bom:

Ngỡ như không phải vất vả chi nhiều
Sau tiếng sấm thế là trời mới mẻ
Quả đã buông thủng thẳng xuống bờ ao
Ta cứ tưởng đất sinh sôi thật dễ

            (Bầu trời trên giàn mướp)

Và một liên tưởng gần gũi khác lập tức hiện ra nối liền hậu phương với tiền tuyến. Mẹ trở thành sức mạnh chiến đấu và chiến thắng trên đường ra mặt trận. Bầu trời trên giàn mướp trở thành sự sống không phải cho chính nó mà chính là cho con người:

Thưa mẹ!
Những năm bom rơi con không thể có
Chuyến phà con đã qua
Rừng già con đã ở
Gặp vạt lúa nương con đều viết thư về
Nên không dám
Dù phút giây xao nhãng
Bầu trời này từng dẫn dắt con đi


Cao hơn tất cả, bốn cổ mẫu lửa, nước, đất không khí lại hóa thành Non sông, Tổ quốc mà Hữu Thỉnh triết luận rất hay, mang tầm khái quát trí tuệ: “Đất bận quanh năm điệp khúc mùa màng/ Chị búi tóc cao hơn, chịu thương chịu khó/ Mẹ vẫn đong bữa ăn bằng chiếc lon nho nhỏ/ Quá nửa những cánh đồng dành cho đứa con xa/ Sức lực nào từ mạch đất ông cha/ Chuyền đến tận chiến hào hăm hở thế” (Sức bền của đất). Đất giúp con người yêu nhau hơn, gắn bó máu thịt và hy sinh, trách nhiệm với nhau hơn để chiến đấu, bảo vệ vẹn tròn Tổ quốc, dầu trước mắt, đất nước còn đau thương, chia cắt: “Chúng tôi đi với một niềm tin” từ đó hình thành nên tình yêu Tổ quốc, nhân dân. Cứ thế, những tình cảm máu thịt lây lan: “Khi anh hiểu nhân dân, nhân dân đang chia cắt/ Yêu Tổ quốc mình, Tổ quốc bị chia đôi/ Nỗi đau ấy góp đời mình để xóa”. Tình yêu Tổ quốc tột cùng là hiến dâng và chiến đấu giành độc lập, tự do và thống nhất:

Còn ao ước nào hơn
Tự do và đoàn tụ
Vào rừng lấy mật và đẵn gỗ
Thương mẹ và yêu em
Còn hạnh phúc nào hơn
Tổ quốc!


Vậy nên, trong mọi trường hợp, phải bảo vệ và chở che Tổ quốc, dù chỉ là một gốc sim thôi, một gốc sim cằn. Vì đó là những sở hữu giản đơn nhất mà thiên nhiên sinh ra tồn tại trên mặt đất này:

Tổ quốc sẽ ra sao? Tổ quốc
Thơ ơi thơ hãy ghì lấy gốc sim
Anh đang bò về phía gốc sim


Mọi tình cảm đều gắn với tình yêu nhân dân và đất nước như một mệnh lệnh từ trái tim người lính:

Đã khắc vào cây để nhớ một ngày
Để nhớ một người để thương đất nước
Đã để ít đời mình ở ngã ba khốc liệt
Đã bông đùa xen kẽ với bom rơi


Và đó chính là cội nguồn của tình yêu và hạnh phúc. Hữu Thỉnh đã hóa thân vào đất đai, cảnh vật quê hương trên cái nền của đất, nước, lửa và không khí để nghiệm chứng hiện thực chiến tranh và khát vọng hòa bình, hạnh phúc; “Đất nước theo em ra ngõ một mình/ Cau vườn rụng một tàu đã cũ ” để rồi nghĩ về những gì chưa đến, nhưng rồi sẽ đến, đó là nỗi ước ao hạnh phúc:

Mẹ tôi hát nghìn câu có một câu chưa hát
Cha tôi gặp trăm điều có một điều chưa gặp
Hạnh phúc
Cây rơm vẫn mơ thành một đám mây vàng

                                    (Hạnh phúc)

Phải nói là trong liên hệ thẳm sâu, thơ Hữu Thỉnh đã tạo ra được những tương hợp như thế.

Mà cụ thể của những cổ mẫu trên chính là hình tượng con đường - thể hiện dáng đi và tầm vóc tâm hồn mỗi con người Việt Nam yêu nước mình trong cuộc sống gian lao mà hồng hào khát vọng:

Đường chúng tôi ra trận lại dài thêm
Những ngôi nhà chật ánh đèn buổi tối
Hạnh phúc của người này là ngăn cách của người kia

                        (Trái đất này chẳng rộng đâu)

Con đường để họ hiểu lòng mình sau trước, để người lính nhận ra những quan hệ đời thường nhưng có cội nguồn từ trầm tích văn hóa thẳm sâu:

Ta đi trong rừng suốt cuộc đời trai trẻ
Đánh giặc là ước mơ vạm vỡ như rừng
Quen nhớ nhà quen nhạt muối
Khúc dân ca hát đi hát lại

                        (Đêm chuẩn bị)

Con đường dẫn đến bao miền quê để đánh giặc và dẫn đến đích chiến công: “Ngày mai chúng mình tiến vào thành phố/ Đêm nay mẹ lại nhắc chúng mình đây”, “Sáng mai đất nước vào thành phố/ Đêm nay xe pháo vẫn sang phà. Vậy nên, trước giờ phục kích, mệnh lệnh xung phong vẫn trong tầm đón đợi phập phồng của người chiến sĩ:

Anh đang ở bên này thành phố
Cách một mệnh lệnh
Cách một trận đánh
Cách một cây cầu
Cách một đêm nay…

            (Đường tới thành phố)

Nơi ta về sẽ là nơi ta tiếp tục ra đi. Chỉ nỗi nhớ thương là quay quắt. Những mùa hạ xốn xang mãi còn trong nỗi đợi chờ của những người vợ trẻ, khiến người lính không sao quên được những liên hệ máu thịt với nhân dân:

Bởi nơi ta về có mười tám thôn vườn trầu
Mỗi vườn trầu có bao nhiêu mùa hạ
Chị đợi chờ quay mặt vào đêm
Hai mươi năm mong trời chóng tối
Hai mươi năm cơm phần để nguội
Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy
Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc
Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền

                        (Đường tới thành phố)

Vậy mà cuối cùng cái đích phía chân trời để nhân dân đoàn tụ vẫn như còn thách thức gian lao trong nỗi nhớ mong quay quắt vào đêm của những người lính trẻ chưa kịp về gặp mặt nhân dân, và những người thân yêu nhất:

- Tôi chưa kịp về thăm căn nhà mái thấp
Trên đôi kèo có một tổ chim
Và tôi chưa kịp nói với em
Đường lắm cát làng mình thương nhớ quá
Trước mặt tôi bây giờ là biển cả
Lại gặp núi non trong những chớp sóng thần

- Ngày mai chúng ta đánh trận cuối cùng
Một nửa nhân dân ngày mai ta nhận mặt
Nhân dân trở về từ bên kia mặt trăng
Lại vằng vặc những bến bờ thương nhớ

                        (Đường tới thành phố)

Cuối cùng tụ hội trong hình ảnh lay động nhất là mẹ với nỗi buồn nhân đôi, nỗi nhớ nhân đôi:

- Tôi biết
Có lá thư anh vẫn chờ mong
Đang đuổi theo anh như đám mây đuổi nắng
Mẹ đang xếp lại cho anh bộn bề giá sách
Nhưng nhớ thương thì biết xếp vào đâu

                        (Đường tới thành phố)

Chiến dịch càng gần thì càng cố quên em và mẹ để được nhận về những giọt nghĩ trong đêm kết thành nỗi nhớ: “Thành phố càng gần/ Càng không dám nghĩ nhiều về mẹ/ Phải cố quên mẹ ngồi đứng không yên” (Tờ lịch cuối cùng).

Và có thể trong giây lát thôi, tất cả sẽ đổi thay và tất cả lại bắt đầu:

Qua thành phố vội vàng lau mặt lấm
Đất nước mình dài rộng của mình đây
Bao nhiêu thành phố đã đi qua
Bao nhiêu cánh đồng, bao nhiêu khuôn mặt
Bao nhiêu cuộc đời gọi ta về kịp

                        (Điệp khúc những cây cầu)

Nhưng rồi, mọi điều có thể sẽ diễn ra: “Anh mất sau loạt bom tọa độ/ Mất chỉ còn cách nước một vài gang” , “Cũng có thể chỉ một cơn ác tính/ Sau cái rùng mình và cứ thế ra đi” (Đường tới thành phố). Bi kịch của người lính có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng tất cả rồi sẽ trong veo: cay đắng trong veo, gian khổ cũng trong veo:

Em hát về rừng em hát về cây
Em hát về người đang nghe em hát
Anh bỗng quên và qua cơn sốt
Rừng bỗng quên vừa trận bom đau
Anh vịn vào tiếng hát vượt gian lao
Những năm Trường Sơn bạn bè trong trẻo quá

                        (Tiếng hát trong rừng)

Cổ mẫu nước được Bachelard xem là mơ mộng và diệu kỳ nhất. Nước là cội nguồn sinh ra giấc mơ, những giấc mơ trôi chảy dịu dàng và khốc liệt. Giấc mơ lưỡng phân, biểu tượng của sự sống và cái chết: “Nước luôn chảy và luôn ngã, luôn tự kết liễu đời mình bằng cái chết ngang… Cái chết của nước mơ màng hơn cái chết của đất và niềm đau của nước là vô tận.” (4) Trong Trường ca biển, Hữu Thỉnh đã triết luận nhiều về nước trong quan hệ máu thịt và tương hợp giữa nhân dân, gia đình và người lính đảo một cách máu thịt và thiêng liêng như thế: “Biển xanh quá ước gì anh gói được/ Nhờ con tàu bè bạn đến tay em. Tâm trạng người lính đảo nghĩ về đất liền gần gũi mà ấm nồng đến day dứt:

Lúa chín bao năm ngả vào tay người vợ
Đồng tiền lẻ nhảy cò qua đốt mía
Những đứa con khôn dại phía sau mình…
Anh nhớ con anh phất một lá diều
Ba tầng sáo chắc đất liền nghe thấy
Những ô cửa xin đừng khép vội
Đảo nói gì thao thiết giữa không trung


Còn lửa, theo Bachelard, sinh ra từ tình yêu và nồng ấm từ tình yêu. Con người không bao giờ từ bỏ tình yêu và tận cùng của tình yêu, họ trở về với đất. Cõi tạm trần gian, con người đã sống và hành động hết mình cho những gì mình ao ước. Rồi tất cả cuối cùng đều trở về với đất - với cõi chết im lìm.

Còn không khí cũng là cổ mẫu mơ mộng của sự sống, khuếch tán và tỏa phát, vừa ban phát, nhưng đồng thời vừa là nguồn gốc tạo ra sự giao tranh khốc liệt của các sinh thể trên trái đất. Tất cả các quan hệ của con người và thế giới chung quanh đều diễn ra với các yếu tố vật chất nói trên, tạo thành sự sống có lạc quan và bi quan. Hữu Thỉnh đã ý thức hoặc vô thức thể hiện điều đó qua thi ca một cách nên thơ và đa dạng. Tất cả những hình ảnh, sự vật và thế giới thiên nhiên cũng như con người đều được ông chiếm lĩnh và thể hiện chúng trong sự hình thành, vận động và phát triển tương quan với môi trường sống của chúng. Tất cả cuối cùng kết tinh thành văn hóa - văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Đó chính là sức khái quát hóa và tổng hợp hóa của hình tượng thơ Hữu Thỉnh. Đặt các hình tượng thơ Hữu Thỉnh trong quan hệ tác động, tương hỗ và sinh thành, chuyển hóa từ các cổ mẫu như trên sẽ giúp chúng ta nhận thức được sự đa dạng và đa nghĩa của thơ ông và qua đó, thấy được phần nào cơ chế của tâm lý học sáng tạo và vô thức sáng tạo theo quan niệm của phân tâm học về văn học mà Hữu Thỉnh hoặc đã ý thức và thi hóa chúng một cách nghệ thuật.

2. Đa thanh ngôn từ thơ Hữu Thỉnh

“Ngôn ngữ là ngôi nhà của hữu thể” như Heidegger đã nói. Từ thế giới hình tượng như trên, HữuThỉnh đã kiếm tìm trong kho ấn tượng và tri nhận của mình để thể hiện chúng bằng ngôn từ một cách hài hòa và tương thích nhằm chuyển tải tư tưởng thơ một cách hiệu quả bằng đường dẫn nghệ thuật. Những cổ mẫu nói trên được nhào nặn và biến hóa thông qua hệ thống ngôn ngữ tu từ giàu biến ảo, linh hoạt. Dựa trên trường từ vựng cùng nghĩa, gần nghĩa, Hữu Thỉnh đã phát huy tối đa khả năng có thể của chúng trên trục lựa chọn để sáng tạo ra hệ ngôn từ mang tính thi pháp cá nhân, làm thành phong cách cá nhân. Ông có cách nói lạ, mới và hấp dẫn: “Cỏ bao phen phải làm lại từ đầu/ Ta im lặng vì quá nhiều mây trắng. Những triết lý bất ngời cũng xuất phát từ ngôn ngữ:

Lấy khoan dung làm chiếc phao bơi
Khiến cay đắng cũng nhuốm màu tha thứ

                        (Người bộ hành lặng lẽ)

Hữu Thỉnh thường phát giác từ hình tượng những đối lập và liên tưởng mới, tạo nên giá trị biểu cảm bất ngờ:

Không giữ nổi một mình
Nhớ em, chia cho sóng
Nhấp phải chút tương tư
Thế là chiều biển động

            (Tám câu)

Diễn tả trạng thái đối lập của thiên nhiên và con người, tác giả đã có cách phát hiện mới: “Ve vẫn kêu úp mặt vào cây/ Câu kinh rơi giữa hai hàng dân vệ”, “Nụ cười mát lành như mây trắng bay qua”. Những liên tưởng thường không nằm trong phán đoán của người đọc: “Những sợi tóc đứng yên mà ta nhìn thấy bão/ Bao thăng trầm như sóng đánh qua anh. Câu thơ sau thì càng bất ngờ hơn nữa: “Anh biến thành một chiếc áo choàng/ Che đồng đội những cơn mưa xích đạo. Nhờ khả năng liên tưởng tinh tế và một vốn hiểu biết về địa lý chắc chắn mới nghĩ ra câu thơ hay như thế. Và những câu thơ sau đây thì đã đẩy sang địa địa hạt ấn tượng và trực giác. Mà không chỉ ấn tượng và trực giác. Đó còn là kinh nghiệm từ vốn sống hữu thức và vô thức, có cả tiềm thức:

- Chiếc lá mở trước cửa hầm thân mật
Thư của trời súc tích chỉ mùa xanh
- Câu thơ ở giữa trời
Vó nhện cất sương rơi
- Hoa bung biêng ơi con lắc của mùa xuân
Rừng không ngủ vì những hồi gõ tím
- Trời còn bao nhiêu thu
Tóc chị thắm làm thót lòng nội ngoại


Để tạo tính hàm hôn và giá trị biểu cảm cho thi ảnh, nhà thơ phải sáng tạo những biện pháp tu từ đặc biệt. Biện pháp so sánh được thể hiện đậm đặc trong thơ Hữu Thỉnh. Biện pháp này có tác dụng làm cho ý nghĩa của so sánh được hiển lộ bất ngờ: “Hạt phúc rất quen/ Sao mà như cổ tích”, “Đêm căng như tờ giấy/ Chia đều sang hai trang. Nhiều những so sánh lạ, đem lại những ý nghĩa mới mẻ không có trong kho ấn tượng của người tiếp nhận:

- Ta bới sóng đi tìm các dòng sông
Như người đào than tìm lại cánh rừng
Những dòng sông hóa thạch
Những dòng sông thở than
Sông tan vỡ trách thầm trăng lỡ hẹn

                        (Trường ca biển)

Hữu Thỉnh cũng thường cấu trúc những câu thơ theo dạng định nghĩa để khẳng định vấn đề nhân sinh, khẳng định những chân lý trong cuộc sống:

- Ngôi nhà mẹ là chiếc ga nhỏ bé
- Em là biển đời anh
Là vụng kín
Là bến bờ nương tựa
- Hầm là nơi che máu che sương
Là cửa sổ mở về hướng mẹ


Những khẳng định như trên đã làm cho hình tượng thơ Hữu Thỉnh có sức tin cậy và ấm lòng người trong đau thương, trong chiến tranh chia cắt. Khẳng định là phong cách thơ Hữu Thỉnh để xác quyết niềm tin trong cuộc sống cách mạng:

- Ngôi sao xanh rơi xuống lá sim
Thành giọt sương từ lá sim rơi xuống
- Bóc hạt sen bùi gặp một tâm sen
Tâm sen đắng mình ơi ta vẫn đợi
Nếu em về đường sông gió sẽ thôi than thở bến đò
Nếu em về đường mây con chim xanh sẽ cùng anh trở lại


Với cách tạo hình linh động thông qua cái nhìn ấn tượng và thị giác, Hữu Thỉnh thường gắn cho đối tượng và hiện tượng bằng những hình dung từ, bổ từ lạ, nhưng không gây sốc. Và vì lạ nên hay, có sức vang ngân, hấp dẫn người đọc:

- Tóc em dài gội lá đài bi
Cuộc tình ngắn bỏ buồn cho bến vắng
- Ta bới sóng đi tìm các dòng sông
Gặp cái chao chân khi em mười tám tuổi


Có lúc, đọc thơ Hữu Thỉnh, chúng ta phải vận dụng những logic của trực giác và ấn tượng mới hiểu được, bởi anh nói những điều “vô nghĩa nhưng là vô nghĩa hợp lý” (Chế Lan Viên), không thể dùng logic bình thường mà hiểu được:

Tôi lặng bước dưới cây
Chiều đã làm tan chợ
Cô đơn đầy đường không ai thèm nhặt
Ngõ đứng trông người


Hữu Thỉnh luôn có ý thức làm mới văn học dân gian, hiện đại hình ảnh và thi liệu từ văn học dân gian. Có người gọi đó là phép dụng điển hay hiện đại hóa thi liệu văn học dân gian, cũng thế: “Bao giờ lúa trổ đòng đòng/ Lúa đang trổ/ Anh đang về đấy chị”. Nhiều những biến ý và hợp nghĩa để làm mới văn học dân gian:

Châu chấu cào cào xanh tím rủ tôi đi
Những đồi cỏ may, những bờ trống ếch
Cây bưởi ca dao, cây cau cổ tích
Tôi âm thầm nuôi bống bống trong chai


Hoặc:

Tôi là chỗ thất thường của gió
Khi người yêu cởi áo trao khăn
Chị vẫn tin có mùa thu đến cho cuốc kêu tháng sáu
Vẫn tin ngày hái quả cho anh


Nỗi nhớ của Hữu Thỉnh cũng bất ngờ. Đó là nhớ đồng bằng. Không nằm trong trường liên tưởng của người đọc, nhưng lại rất thật và da diết đối với người lính, lại rất đặc trưng lính:

Anh lớn lên đâu biết trước một ngày
Ngồi nhặt sấu dưới vòm cây sốt rét
Nắng ký ninh rải rác dọc rừng thưa
Thèm trăm thứ nhưng đồng bằng thèm nhất

                        (Đường tới thành phố)

Nắng ký ninh” và “đồng bằng thèm nhất” là cách nói lạ nhưng rất chân thật, đúng với hiện thực và tâm trạng người lính xa quê, đang đối diện với những cơn sốt rét rừng run rẩy dưới cái nắng của rừng thưa.

Cái đói cũng vậy, vô hình nhưng đắng nghẹn vì nó diễn đạt được trạng thái vô hình, nhưng cồn cào của cơn đói mà người lính đã trải qua:

Cơn đói đi qua không để lại mảnh gì làm di vật
Không phải trận bom nên không dễ sưu tầm

                        (Đường tới thành phố)

Thuyết tương hợp (corespondsances) được các nhà thơ lãng mạn và tượng trưng, siêu thực sử dụng đến cạn kiệt, nhưng đến Hữu Thỉnh, ông có cách làm mới nó thông qua những đường link cảm giác và thị giác riêng. Tôi muốn chứng minh bằng bài thơ tiêu biểu: Thơ viết ở biển

Anh xa em
Trăng cũng lẻ
Mặt trời cũng lẻ
Biển vẫn cậy mình dài rộng thế
Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn

 
Gió không phải là roi mà vách núi phải mòn
Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím
Sóng chẳng đi đến đâu nếu không đưa em đến

 
Dù sóng đã làm anh
Nghiêng ngả
Vì em


Xuất phát điểm của bài thơ là không gian và thời gian có thật của tình yêu, là trạng thái “anh xa em”, được soi chiếu qua thuộc tính lẻ loi của các thiên thể trong vũ trụ. Điểm tựa để chàng trai so sánh nỗi cách xa, đơn lẻ của mình chính là vầng trăng và mặt trời - hai hình tượng/ thiên thể có sức lay động trực tiếp đến cuộc sống con người và vạn vật trên trái đất. Chúng đều có thuộc tính chung là nguồn sáng, thay nhau giữa ngày và đêm để sưởi ấm và tỏa mát vạn vật, muôn loài.

Với các thiên thể Mặt trăng và Mặt trời, thì sự lẻ loi đó lại là một quy luật của tự nhiên, dù “trăng cũng lẻ”, “mặt trời cũng lẻ”, nhưng chúng được soi rọi, phản chiếu trong nhau. Mặt trời chiếu ánh sáng và sưởi ấm trái đất trong ngày, mặt trăng phản chiếu ánh sáng của mặt trời và soi sáng, tỏa mát trái đất về ban đêm, chúng luân phiên tròn - khuyết, lặn - mọc, nhưng có nhau, phản chiếu trong nhau. Còn “anh xa em” đến “trăng cũng lẻ”, “mặt trời cũng lẻ” lại là một trạng thái lẻ loi, cô đơn có thật của con người - chủ thể có ý thức, biết mình đang nhớ mong, day dứt. Sự xa cách ở đây trở thành nhu cầu được gặp gỡ, được ở gần nhau. Thế nhưng, đó cũng chỉ là khao khát. Nỗi cô đơn tràn ngập cả không gian và thời gian, đến nỗi, biển hình như cũng hòa điệu với con người, dù biển vẫn là một đại lượng vô tri, vô giác: “Biển vẫn cậy mình dài rộng thế/ Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn”.

Tác giả đã nhân cách hóa biển - như một thực thể người, đặt trong quan hệ người, hòa điệu với con người, để biết cô đơn khi “vắng cánh buồm một chút”. “Một chút” mà biển thì dài rộng dường kia cũng liền cảm nhận cô đơn, huỗng hồ “anh xa em” vô định, vô phương, vô nghĩa, làm sao không xa xót, mỏi chờ. Nhờ biện pháp tu từ trùng điệp: ẩn dụ, nhân hóa, so sánh đã làm cho khổ thơ trở thành một thông điệp có ý nghĩ thẩm mỹ kép: nỗi nhớ đã trở thành ám ảnh thường trực không chỉ cho chủ thể trữ tình “anh” mà còn là cho “biển” - một hình tượng ẩn dụ do tác giả dựng lên để hợp lý hóa nỗi nhớ và nỗi cô đơn của mình. Nhờ hiệu quả tương hợp này đã đem lại sự thức nhận nghệ thuật mới lạ trong tiếp nhận của người đọc.

Trạng thái thực và ảo thông qua nghệ thuật tương hợp đã làm cho con người và thiên nhiên có mối quan hệ mới: 1/ với Thiên nhiên: “Gió không phải là roi mà vách núi phải mòn”; 2/ Với Em: “Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím. Chính những so sánh tương hợp mới lạ này đã đẩy cấp độ của nỗi nhớ lên tầm mãnh liệt, quay quắt:

Sóng chẳng đi đến đâu nếu không đưa em đến
Dù sóng đã làm anh
Nghiêng ngả
Vì em


Bài thơ mang ấn tượng thi giác cao thông qua ngôn từ gợi hình và giàu âm thanh, màu sắc, tâm trạng.

Hữu Thỉnh luôn dựa và phát giác ở ngôn ngữ khả năng tạo sinh nghĩa, ở khả năng biến ảo và linh hoạt qua nghệ thuật liên kết và hô ứng để tạo nghĩa mới cho từ ngữ “Xa em đói tiếng đói hình/ Trời xanh với chỉ một mình trời xanh”. Thơ tình yêu Hữu Thỉnh có kiểu ngôn ngữ ảo diệu riêng: “Những mầm cây ríu rít nói về em/ Em đỏ thắm một mình đi giữa lá/ Sau vết bỏng chiếc hôn đầu ngày đó/ ở cuối vườn có một nụ tầm xuân” (Trở lại mùa xuân). Hoặc có những câu thơ như châm ngôn: “Bão trời ta coi khinh/ Bão người không chịu nổi”, lại có những câu thơ tạo xác tín mới cho từng quan hệ cụ thể. Chân lý thì bao giờ cũng là sự thật, nó xa lạ với dối lừa:

- Cây cối thưa dần
Màu ngụy trang cuối cùng là màu đất
Đố kỵ gian manh thấp khớp tháo dạ
Tháng ba đầu cành hoa bưởi còn kia

- Đom đóm ơi đom đóm đi đâu
Đêm là tàu lá sen che nửa phần trái đất
Ấy là lúc những vì sao xa lắc
Nối với tôi qua một sợi dây diều
- Biển có đảo biển đỡ lặp lại mình
Đảo có lính cát non thành Tổ quốc


Hữu Thỉnh cũng thường xuyên cấu trúc những câu thơ theo dạng định nghĩa để xác tín vấn đề: “Bao nhiêu người ở chiến hào là bấy nhiêu mẹ ta”. Có những định nghĩa mới, kiểu như:

- Ngôi nhà mẹ là chiếc ga bé nhỏ
- Em ơi em
Em là biển đời anh
- Sóng - những cây nước khổng lồ
Bóng mát mệt mê mang mang bồi đắp
Sông góp củi cho nồi cơm lớn
Lòng vị tha là người khách sau cùng


Sự đa thanh ngôn từ thơ Hữu Thỉnh còn thể hiện ở nhiều cách tổ chức ngôn từ mới lạ khác mà trong bài viết ngắn này chúng tôi chưa thể chỉ ra trọn vẹn. Bạn đọc sẽ có cách giải mã của riêng mình.

*

Từ tập thơ đầu tay in chung Âm vang chiến hào (1976), rồi Đường tới thành phố (trường ca - 1985), Thư mùa đông (thơ - 1994), Trường ca biển (1994), Sức bền của đất (trường ca - 2004), đến Thương lượng với thời gian (thơ - 2005), Hữu Thỉnh đã có hành trình hơn 40 năm sáng tạo và cống hiến lớn lao vào tiến trình thơ Việt Nam hiện đại. Ông là nhà thơ có khả năng nắm bắt và cảm nhận đời sống thông qua sự giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa chủ thể sáng tạo và khách thể thẩm mĩ ở dạng uyên nguyên, bản chất của nó thông qua thế giới hình tượng và ngôn ngữ cũng bất ngờ và sáng tạo. Điều đó cũng có nghĩa là ông đã làm đầy những giá trị gốc của hiện thực đời sống bằng cái nhìn triết - mỹ riêng của mình bằng ấn tượng và trực giác bẩm sinh kỳ thú. Ông đã tạo nghĩa và chuyển nghĩa cho thơ một cách linh hoạt từ những hiện thực đời sống hằng ngày bằng khả năng sáng tạo từ ngữ bất ngờ, mới mẻ

Và thơ chẳng phụ ông. Hữu Thỉnh nhận được nhiều giải thưởng lớn và cao quý, trong đó có Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1980 dành cho tập trường ca Đường tới thành phố, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1995 dành cho tập Thư mùa đông, Giải thưởng Asean năm 1999, Giải xuất sắc của Bộ Quốc phòng dành cho tập Trường ca biển. Và đặc biệt, ông vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, đợt I, 2011.

Một đời người và hành trình thơ như thế phải nói là vinh dự và hạnh phúc. Nhân dân và bạn đọc đã dành cho ông những phần thưởng cao quý như thơ ông phải được như thế. Từ bệ phóng cuộc đời và tình yêu Tổ quốc, Nhân dân đã giúp thơ Hữu Thỉnh cất cánh, thăng hoa và tỏa hương trên cánh đồng thi ca Việt vốn đã ngập tràn hương thơm âm thanh và màu sắc.

H.T.H
(TCSH354/08-2018)

.....................................
(1) Nhà văn Việt Nam hiện đại, in lần IV, Nxb. Hội Nhà văn, 2010, tr.333.  
(2) Hữu Thỉnh, Nhập cuộc và hành động, vẻ đẹp của thơ ca kháng chiến, Tạp chí Văn học,  số 2-2000.
(3) Cơ nhỡ trong hòa bình, Nxb. Hội Nhà văn, 2017, tr.178-179.  
(4) Thụy Khuê, Phê bình văn học thế kỷ XX, Nxb. Hội Nhà văn, Nhã Nam, 2017, tr.447.   




 

 

Các bài mới
Bướm (31/08/2018)
Các bài đã đăng
Con đường xanh (17/08/2018)