Tạp chí Sông Hương - Số 355 (T.09-18)
Tác phẩm mới tháng 09/2018
09:29 | 24/09/2018

BẮT VẠ TRI ÂM (Tập thơ), Trần Duy Phiên, Nxb. Hội Nhà văn 2018.

Tác phẩm mới tháng 09/2018

Qua 55 bài thơ, là những trường đoạn chiêm nghiệm về cuộc đời của tác giả với đủ thăng hoa, bi lụy. Những câu thơ như mùi hương luyến quyện sắc hoa, như trăng khuya dát sáng quê nhà, dẫn lối người đọc về những đắm say tha thiết của lòng tri âm. Chúng ta có thể thấy được những dòng tự sự với bạn bè, người yêu, với đời sống, với hiện hữu qua nhiều thi ảnh đẹp, bố cục thơ chặt chẽ, có phần cổ kính trong “Bắt vạ tri âm”. Trần Duy Phiên là một tên tuổi quen thuộc trên văn đàn Việt từ trước năm 1975, với nhiều thành tựu về văn xuôi. Ẩn sâu trong những dòng thơ ấy là một trăn trở với nghiệp cầm bút như ông chia sẻ: “Tôi thích cuộc sống tự do, thích sống cuộc đời viết văn bởi người cầm bút là đến với cuộc đời, dấn thân vào thế giới sáng tạo nên mang tâm thế đa ngã, vì đa ngã nên cô đơn”.
 

VẨN VƠ NƠI GA XÉP (Tạp bút), Nguyễn Công Thắng, Nxb. Trẻ, 2018.

Khi người đọc mệt mỏi và mất phương hướng trong cõi mông lung của chữ, có những thể loại đã lấp chỗ trống với những hàm nghĩa nhẹ nhàng, gần gũi. Tạp bút là một thể loại như thế và trong “Vẩn vơ nơi ga xép”, Nguyễn Công Thắng dẫn người đọc đi từ đề tài này đến đề tài khác qua giọng văn đằm thắm của ông. Đó là những biểu tượng của ký ức như bếp lửa, quê hương, khoảng vắng và khoảng dừng, ở xa, tâm thế Tết… với nhiều nhớ nhung, hoài niệm. Những dòng thắc thỏm về văn hóa dân tộc như Đôi điều gia huấn xưa, “Tiên học lễ, hậu học văn” và gì nữa, Rằm tháng Bảy nhớ Nguyễn Du. Hay sự tài tình biểu đạt những vẻ đẹp thầm kín của các vùng miền giàu bản sắc như: Ơi màu tím Huế, Sapa thổ cẩm, Angkor thoáng chốc… Nhiều trong số đó là cảm nhận của chính tác giả về thời cuộc, nền nếp văn hóa, những hiện tượng xã hội… để rồi gióng những hồi chuông róng riết.
 

HOANG DÃ, Hành Trình Tìm Lại Mình Trên Đường Mòn Pacific Crest (hồi ký, tự truyện), Cheryl Strayed, Quế Chi dịch, Nxb. Thế giới và Alphabook, 2018.  

Đây là cuốn hồi ký viết về chuyến hành trình đi bộ gian khổ gần 1800km dọc theo đường mòn Pacific Crest ở phía Tây nước Mỹ khi Cheryl Strayed 26 tuổi. Cô là một phụ nữ đa cảm, cá tính nhưng dường như đã đánh mất mình sau những năm tháng tuổi trẻ nhiều bi kịch, mất phương hướng. Cheryl đã chọn hành trình đi bộ con đường mòn để tìm lại chính mình, cân bằng lại đời sống rối ren, túng quẫn. Trong suốt cuộc hành trình, cô vượt qua nhiều thử thách ngoài sức tưởng tượng, những cảnh đẹp hoang dã và những người bạn quen biết trên con đường. Sau khi được xuất bản vào tháng 3 năm 2013, cuốn sách đã nhanh chóng leo lên vị trí dẫn đầu trong danh sách best-seller ở Mỹ, hiện được dịch ra 28 thứ tiếng và được chuyển thể thành phim năm 2014 với đề cử giải Oscar.
 

TRUYỆN CƯỜI DÂN GIAN NGƯỜI VIỆT LIÊN QUAN ĐẾN MỘT SỐ LĨNH VỰC THUỘC NGÀNH NGÔN NGỮ HỌC (Nghiên cứu), Triều Nguyên, Nxb. Đại học Huế, 2018.

Với hơn 350 trang sách với hàng trăm tiểu mục lớn nhỏ, công trình thể hiện sự công phu, nghiêm túc của nhà nghiên cứu Triều Nguyên về một lĩnh vực đòi hỏi sự dụng công tỉ mẫn, khoa học. Khai thác những vấn đề ngôn ngữ học trong nghiên cứu về truyện cười dân gian là một hướng đi khả dĩ, giải quyết cốt lõi những thành tố về tín hiệu ngôn ngữ, ngữ âm, ngữ nghĩa chữ viết… 384 truyện cười dân gian được dẫn như đối tượng khảo cứu để đưa ra các luận chứng, luận điểm. Việc dẫn nguồn, chú thích, khảo dị và bình giải cho mỗi truyện đã làm sáng tỏ hầu hết vấn đề đặt ra của hướng nghiên cứu này.  

(TCSH355/09-2018)




 

 

Các bài mới
Môi freud (12/10/2018)
Sách Cát (05/10/2018)
Các bài đã đăng
Cơn dông (21/09/2018)
Đoản khúc thu (21/09/2018)