Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-18)
Nhìn từ hình tượng vĩnh cửu
09:40 | 17/10/2018

TRẦN BÌNH LAN

Trong nghệ thuật Việt Nam hiện đại, hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh được nhiều nghệ sĩ trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật khai thác, đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị cao dưới nhiều góc nhìn và nhiều phương pháp sáng tác khác nhau, vì thế, để có những cái nhìn mới và để có những tác phẩm lạ về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một đề tài khó đối với nghệ sĩ hiện nay.

Nhìn từ hình tượng vĩnh cửu
Tác phẩm "Bác Hồ của chúng ta" của họa sĩ Phan Thanh Bình

Nhưng một lần nữa, thông qua cuộc thi sáng tác mỹ thuật: "Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sáng tác của các nghệ sĩ tạo hình Huế" (diễn ra từ ngày 19/5/2018 đến ngày 20/8/2018), các nghệ sĩ ở Huế đã thể hiện được bản lĩnh của mình khi đưa ra được nhiều góc nhìn khác nhau về hình tượng Bác Hồ, một hình tượng nghệ thuật mang tính biểu tượng lớn trong tâm thức của người dân Việt Nam.

Tác phẩm "Nụ cười của Bác" của họa sĩ Trần Hữu Nhật


Với nhiều chất liệu khác nhau, được rọi chiếu dưới nhiều nhãn quan nghệ thuật, hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiện lên một cách sống động, nhiều màu sắc mới, gắn liền với từng giai đoạn hoạt động cách mạng của Người. Đáng chú ý là lối đặc tả thông qua bút pháp hiện thực trong tác phẩm "Nụ cười của Bác" của họa sĩ Trần Hữu Nhật; họa sĩ không lựa chọn mô phỏng toàn diện hình tượng mà chỉ đặc tả một vài chi tiết nhằm lột tả hồn cốt của hình tượng, và nụ cười chính là điểm trung tâm của tác phẩm.

Tác phẩm "Hồ Chí Minh là kết tinh của dân tộc" của họa sĩ Hoàng Thanh Phong


Không chỉ đa dạng về điểm nhìn, mà sự đa dạng về chất liệu cũng là một trong những điều đáng chú ý ở triển lãm. Trong sáng tác nghệ thuật, ngoài ý tưởng thì chất liệu cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng, thậm chí, nhiều khi chất liệu mà họa sĩ tìm tòi cũng chứng minh cho khả năng sáng tạo của họa sĩ ấy. Sự đa dạng về chất liệu như: sơn dầu, sơn mài, acrylic, lụa, trúc chỉ, kim loại, đúc nhôm, gò đồng, chì... đã góp phần đưa tới sự thành công của các họa sĩ có trong triển lãm lần này.

Tác phẩm "Khát vọng tự do" của Lê Hòa


Nhìn chung, bút pháp mô phỏng hiện thực là bút pháp được nhiều họa sĩ lựa chọn. Các tác phẩm của họa sĩ Phan Thanh Bình, họa sĩ Trần Hữu Nhật, họa sĩ Nguyễn văn Hoàng, họa sĩ Nguyễn Văn Thọ, họa sĩ Hồ Viết Hoàng... đã thành công dưới lối vẽ hiện thực. Bút pháp trừu tượng biểu hiện lại là lựa chọn của họa sĩ Hoàng Thanh Phong, họa sĩ Lê Hòa và nhà điêu khắc Lê Ngọc Thái.

Tất cả cùng góp mặt để tạo nên một bức tranh tổng thể về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lòng các nghệ sĩ tạo hình Huế.

T.B.L
(SHSDB30/09-2018)




 

Các bài mới
Ký ức về nội (18/12/2018)