Tạp chí Sông Hương - Số 356 (T.10-18)
Đi hết một vòng tròn
10:03 | 02/11/2018

TRẦN BĂNG KHUÊ   

1.
Những đợt mưa xối xả từ tháng âm hồn vẫn còn rảnh rỗi kéo dài từng hơi thở tận đến cuối mùa thu vàng trong rừng cây vô sinh cô độc.

Đi hết một vòng tròn
Minh họa: NGUYỄN THIỆN ĐỨC

Trời trắng xóa. Những đám mây đong đưa dập dềnh hệt như một đám bọt xà phòng hay một cơn sóng lớn cuộn lên từ biển sâu vậy. Chẳng ai nghĩ về việc sẽ đi đo chiều dài của những con sóng ngoài khơi xa khi biển đã làm một cuộc rời bỏ vĩ đại không hẹn ngày trở lại với giống loài buồn khổ yếu đuối ở nơi này.

K ngơ ngác mở mắt nhìn những luồng ánh sáng ngớ ngẩn đang xuyên chiếu qua khe cửa làm phiền giấc ngủ mệt nhoài mộng mị của chàng. Bất giác, K nhớ ra, mình đang muốn rời khỏi vạt giường này để vươn vai hít khí trời giữa bờ bãi bình minh đón một ngày mới. K thõng hai bàn chân xuống giường. Mắt ngó nghiêng tìm đôi dép lê vẫn thường đi trong nhà. Quái đản thay, chúng biến mất không một dấu vết. Vài thứ đồ vật trong nhà K vẫn thường biến mất không dấu vết như thế. Có khi là chiếc lược chải tóc. Tóc K thì chẳng bao nhiêu sợi, lại ngắn. K cũng không cần dùng lắm. Chàng chỉ cần lần những ngón tay hất ngược tóc, vuốt vài cái là gọn gàng ngay. Rồi đến cái bàn chải đánh răng. Riêng về bàn chải đánh răng K rất kỹ lưỡng, cẩn thận. Chàng đã cất riêng ở một góc nhỏ trong phòng vệ sinh dùng chung với cả gia đình. Ấy vậy, có buổi sáng, vội vã, K vẫn phải cuống cuồng lên vì chẳng thấy nó đâu. Mẹ chàng thì thủng thẳng vừa cười vừa trêu chàng, “hẳn là chiếc bàn chải ấy đã bị một lão chuột già nào đó giữ làm của tin rồi chăng?”.

Ngày nhỏ, mẹ vẫn thường kể cho K nghe lão chuột răng vàng. Một lão chuột già chỉ thích ăn những hạt vàng, và gặm những chiếc răng vàng. Nhưng, lão chẳng thể tìm đâu được những chiếc răng vàng như mong muốn, nên lão thường đi trộm bàn chải đánh răng của mấy gã nhà giàu. K thấy câu chuyện của mẹ rất quái lạ. Chàng thắc mắc tại sao lão chuột già đó lại trộm những chiếc bàn chải đánh răng?

Rồi, chàng lớn lên. Đi học. Đi làm. Và, quên bẵng. Chỉ đến khi mất bàn chải đánh răng, câu chuyện của mẹ mới trở về trong trí nhớ của K. K mỉm cười, nhe răng soi bóng qua gương. Chàng cố tìm thử xem, liệu răng mình có một mẩu vụn nào vàng không, hệt mấy tay nhà giàu già khọt rụng răng, phải đi trám vài chiếc răng vàng cho ra dáng trưởng giả. Mẹ K nhìn thấy, lại trêu chàng: “muốn tìm răng vàng hả con trai? Lũ chuột già chắc chẳng bỏ qua dù chỉ một miểng nhỏ”. K ngượng ngùng, cười tít mắt với mẹ. Rồi, lẳng lặng dùng bàn chải khác. Dù sao, K cũng không nên làm mất nhiều thời gian quý báu của mình cho buổi sáng vì một chiếc bàn chải đánh răng.

Hôm khác, lại là sự biến mất của một cái quần Jean mới toanh mà K vừa mua vẫn chưa kịp gỡ mác giá. Cái quần Jean, K không để ý lắm. Vì chúng cũng chỉ là vật ngoài thân. K vẫn còn cái quần khác. Nhưng, thi thoảng chàng vẫn muốn hiểu nguyên do tại vì sao chúng biến mất. Hay là, K nghĩ thầm tếu táo, “hay là ta báo cảnh sát nhỉ?” Họ sẽ giúp chàng tìm ra cái quần Jean ngay thôi. Họ rất giỏi những việc tìm kiếm. K bật cười với ý nghĩ ấy, rồi chàng cũng quên bẵng cái quần Jean.

Quái lạ nhất, có bận, K loay hoay tìm con dao thái gọt trái cây ngay kệ gỗ vẫn thường để các loại dao làm bếp thì chẳng thấy đâu. K nghĩ, chắc là nó thất lạc. Rồi, K quên bẵng nó. Con dao thái cán vàng. Lưỡi bén ngọt. K chỉ thích dùng con dao đó. Và, K cũng chẳng có hứng thú hay cần kíp gì với việc dùng đến các loại dao khác trong nhà. Một vài lần, K có nghĩ về nó, rồi tiếp tục nghĩ đến việc tìm nó khi chàng muốn gọt quả. Nhưng, K vẫn băn khoăn tự hỏi, tại sao những đồ dùng sinh hoạt trong nhà chàng lại lần lượt đội nón ra đi, không một dấu vết. Hệt như nhà chàng có ma vậy. Chàng cần con dao, lúc này, chàng đang cần con dao nhỏ cán vàng của chàng.

2.

“Đám sinh vật biển trồi xác lên nằm xếp hàng lênh láng khắp mặt cát. Cát không còn đẹp dưới nắng vàng như nhiều gã thi sĩ mơ mộng hoài vọng mô tả lừa bịp nữa. Xác người đàn bà lạ dạt vào bờ, như đám sinh vật biển vậy. Chúng đã chết. Và người đàn bà đó cũng đã chết”.K đọc đến đoạn này, rồi gấp sách lại. K nhắm mắt trùm đầu kín mít, không để lọt một sợi tóc nào ra khỏi chăn. Cả thân hình K dài thườn thượt, hẳn là cũng giống cái thây vô hồn lắm. Trời đã bắt đầu hưng hửng sáng, những âm thanh thức dậy, rộn ràng. K vẫn nằm ườn trên giường, thưởng thức sự chây lười trong cơn rét nhẹ đầu thu.

K không thích phải tung chăn dậy ngay lập tức vào mỗi sáng sớm khi một vài tia nắng lọt vào khe cửa. K ghét việc bị đánh thức bởi thứ ánh sáng trắng này. K biết rằng, đôi khi K khá kì quặc và hơi vô lí với chính những suy nghĩ của mình. Nhưng, K dứt khoát tìm cách né tránh thứ ánh sáng ấy dù chỉ dăm ba phút ngắn ngủi rồi sau đó, chàng sẽ bật dậy làm những công việc thường nhật lặp đi lặp lại chán ngắt.

Nắng chưa kịp hòa tan làm ấm không gian. Mưa đã ào xuống. Mưa rỉ rả gõ lộp độp xuống hiên nhà. K thích cảm giác này. Nằm nghe tiếng mưa, đếm thời gian từ chiếc kim đồng hồ điểm từng nhịp một bên cạnh bàn làm việc. Một giây, hai giây, ba giây. Một phút, hai phút, ba phút. Bảy giờ sáng, còi báo giờ làm việc đã bắt đầu hú hét inh ỏi như thời chiến tranh người ta bắc loa báo động vậy.

Những cơn mưa uớt át, sầu não một cách thê thảm. Rõ ràng là chúng chỉ khiến K mệt mỏi thêm và mất hết hứng khởi bắt đầu ngày mới, ấy vậy mà K vẫn thích nghe tiếng mưa. Chúng hệt như một giàn giao hưởng nhẹ của đất trời. K vẫn không muốn rời khỏi giường để bước vào phòng vệ sinh, cầm đến chiếc bàn chải đánh răng, hoặc chiếc lược chải tóc trong lúc này. Mặc dù, chúng đều ở đó. Ngay trên kệ để vật dụng vệ sinh cá nhân. Chúng không hề biến mất như trước đây. Nhưng con dao nhỏ cán vàng của chàng thì vẫn chẳng thể tìm thấy.

Đồng hồ điểm sáu tiếng. Chiếc đồng hồ quả lắc, tích tắc đều đặn. Đó là thứ âm thanh duy nhất mà K thích nghe. Dù bất kể thời điểm nào. Ngay cả khi chàng đang ngon giấc trong đêm. K biết tại sao chàng lại thích nghe thứ âm thanh đó. Chúng tạo cho chàng cảm giác được quyền mơ mộng. Mở mắt ra, chàng vẫn mơ mộng về những thứ mang sắc màu lưu cữu của dấu vết thời gian. Đối với K, chiếc bàn chải đánh răng, con dao Thái bén ngọt, hay chiếc quần Jean có thể biến mất không một dấu vết. Nhưng, âm thanh của thời gian thì vẫn còn đó.

K bật dậy, sau vài phút. Chàng phải đến trường. Chàng có tiết dạy đầu giờ sáng.

K nhìn một gã đàn ông trong mảnh gương treo tường trong phòng vệ sinh. Gã trừng trững mắt nhìn lại chàng không chớp mi. K rùng mình. Đôi mắt chàng mệt mỏi. Khuôn mặt chàng dài ra, râu ria mọc lởm chởm. Chàng nhớ mẹ. Chàng nhớ đôi mắt của mẹ. Cha chàng thường bảo, đôi mắt chàng giống mẹ nhiều hơn. Mẹ chàng đã rời đi đâu đó. Chỉ là rời đi đâu đó thôi, chàng lẩm bẩm một mình, “có thể chàng đang tự huyễn hoặc về sự tồn tại của một con người, về sự biến mất”. Chiếc đồng hồ quả lắc vẫn đang tích tắc. K nghĩ vội, thời gian vẫn đang hiện hữu cùng với sự tồn tại của mọi thứ trên đời. Thời gian không bao giờ biến mất, nhưng con người và các loại vật dụng khác thì có thể.

Hẳn là, mẹ chàng vẫn đang ở đâu đó thôi.

Nhưng, bà ấy đã rời đi đâu nhỉ? đến một nơi nào đó mà chàng không thể đoán ra được chăng. Chàng không thể ngăn lại dòng suy nghĩ của chàng về mẹ, dù tiếng còi vẫn hú inh ỏi ngoài phố. Mẹ chàng khá kỳ quặc. Khi còn ở bên cạnh chàng, cùng với cha chàng, mẹ thường lặp đi lặp lại một lời hát lạ. Hoặc có khi chàng bắt gặp mẹ ngồi một mình, im lặng chăm chăm hướng ánh mắt về phía rỗng không hư ảo, rồi thì thào như đang nói chuyện với ai khác. Chàng chỉ nghe được lõm bõm vài từ. Chàng nghe tiếng sóng, tiếng gió trong lời của mẹ. Chàng yêu biển. Nhưng, biển không phải của riêng chàng. Và, có thể biển sẽ chẳng bao giờ sống mãi. Hoặc ngược lại. Biển và chàng. Chàng và mẹ. Mẹ và cha. Những thực thể trong căn nhà bé nhỏ này là những linh hồn bí ẩn.

3.

Cha.

Chàng nhớ, có lần chàng nghe cha nói, cha chỉ thích tiền. Nhiều lần chàng thấy cha thường trầm ngâm nhìn về phía núi. Mẹ thích biển và sóng. Chàng thích gì nhỉ? Chàng chưa định hình được. Nhưng, khuôn mặt này của chàng thì rất giống cha. Còn trái tim của chàng nhạy cảm và trĩu nặng xa vời như đôi mắt buồn của mẹ vậy.

Mẹ chàng đã rời đi, không một lời từ biệt. Cha lặng lẽ ẩn nấp trong thư phòng, vùi đầu vào những quyển sách. Cha không ham công tiếc việc và hào hứng nói về tiền nữa. Từ ngày mẹ rời đi. Nhưng, sau đó, cha bắt đầu uống rượu. Cha thường uống rượu một mình. Trong chính căn phòng của cha và mẹ. Cha không bao giờ gọi K cùng uống rượu với cha. K ít khi nói chuyện với cha. Sự trầm mặc lặng lẽ của cha khiến K e ngại. Nhiều khi K nghĩ, đàn ông với nhau có gì để nói. K hiểu cha. Nhưng, chàng lại thương và chưa bao giờ trách mẹ. Chàng chỉ thắc mắc về nơi mẹ đang nương náu. Linh hồn hay thể xác. Như chính trong căn nhà này, khi mẹ sinh chàng ra, rồi dưỡng nuôi chàng đến lúc trưởng thành.

Gần ba mươi tuổi, K rời khỏi nơi chàng đã sinh ra lớn lên. Chàng đặt chân đến một vùng trời khác, tìm kiếm những bí ẩn của cuộc đời mình. Ở tuổi này, bạn bè chàng đã con bồng con bế. K vẫn mơ mộng và háo hức với việc tìm kiếm những sự mất tích. K trở thành một nghiên cứu sinh. Mặc dù chàng không muốn thế. Học và lấy bằng cấp, đối với chàng không phải là một thứ gì đó thú vị lắm. Nhưng, giá như chàng được phép lựa chọn một cuộc chơi. Đôi khi chàng nghĩ, chàng muốn học từ thế giới, từ cỏ cây, hoa lá, từ những ngọn núi, dòng sông, từ bờ cát xô sóng vào những đêm trăng sáng. Chàng muốn học cách lắng nghe. Chưa bao giờ con người biết cách lắng nghe những thứ tồn tại xung quanh mình.

Mùa đông ở xứ người. Trong một quán café nhỏ. K gặp lại mẹ. Một cuộc gặp rất tình cờ. K không bao giờ dám nghĩ đến sự gặp gỡ với một con người đã từng biến mất không một dấu vết. Hình như, K luôn cảm thấy sự tồn tại của mọi người, mọi thứ mà chàng yêu thích thường biến mất không một dấu vết.

Mẹ chàng rất khác, không như K mong muốn khi nhớ về mẹ, hoặc nghĩ về sự mất tích của mẹ thời điểm ấy. K đã từng đưa ra rất nhiều phỏng đoán tại sao mẹ lại rời bỏ chàng và cha. Mẹ không hạnh phúc với cha. Mẹ nhạy cảm. Mẹ cần thứ gì đó có thể níu lấy linh hồn mẹ. Mẹ không cần tiền. Cha lại mê tiền và công danh. Vài lần chàng bắt gặp mẹ thức trắng đêm trong phòng. Cha không ở đó. Cha ẩn nấp nơi nào đó, say mê với những con chữ, số liệu và các tin tức kì quặc về một thế giới khác ngoài căn nhà chung. Cha ít khi mang đến cho mẹ những khoảnh khắc ngọt ngào mà mẹ hằng mong muốn. Đàn bà như những con mèo. Họ thích được ve vuốt và chiều chuộng. Cha chàng thì lạnh lùng. Như tiền vậy.

Mẹ không tỏ thái độ mừng rỡ, hào hứng khi gặp lại chàng. Nhưng đôi mắt mẹ lấp lánh nỗi buồn và niềm nhớ mong. Người mẹ nào cũng vậy. Chàng nhận ra điều đó. Có thể chàng nhạy cảm, chàng mơ mộng giống mẹ. Chàng cũng thích rong ruổi khắp nơi trên thế giới này để tìm kiếm những sự mất tích không một dấu vết. Mẹ chàng tìm kiếm tình yêu. Chàng tìm kiếm những không gian. Cha chàng thì không, ông ấy chỉ cần một không gian duy nhất là căn phòng, ngôi nhà và một chiếc Laptop. Cha chàng là một nhà giáo, nhưng cũng là một lập trình viên giỏi.

Mẹ hỏi chàng về cha. Chàng không trả lời. Mẹ im lặng. Có thể, chàng vẫn hờn giận vì mẹ rời bỏ cha và chàng. “Nếu muốn có câu trả lời, mẹ phải tự tìm kiếm”, K nói, rồi trầm ngâm, hệt như chàng lúc này vậy. Chàng cũng đang tìm kiếm những câu trả lời cho cuộc đời mình, cho những tháng năm kì quặc trong ngôi nhà chung chỉ có ba người.

Chàng rất tò mò về cuộc sống của mẹ sau một thời gian mất tích. Mẹ lại hỏi chàng về sự tồn tại của các vật dụng trong nhà, những thứ thường xuyên mất tích không một dấu vết. Chàng nói với mẹ, chúng vẫn mất tích đều đặn. Chiếc bàn chải đánh răng, con dao Thái, hoặc chiếc quần Jean của chàng (và kể cả mẹ). “Duy nhất mỗi thời gian thì không mất tích bao giờ”, chàng nói giọng hờn dỗi. Hóa ra, với mẹ, chàng vẫn chỉ muốn làm trẻ con như ngày xưa.

4.

Xứ người.

Năm nghiên cứu sinh thứ hai, K vắng nhà.

Thỉnh thoảng, K vẫn gọi về hỏi thăm cha. Cha chàng vẫn vậy, lặng im với những công việc kỳ lạ của một người đàn ông nhiều đam mê. Từ nghiên cứu, học thuật cho đến khám phá thế giới trong những hàm, những biến số. Đó cũng là một trò chơi sáng tạo. Cha sáng tạo theo kiểu khác. Không phải như các nhà văn. Nhưng cha vẫn đọc sách đều đặn. Và, dĩ nhiên cha vẫn mê tiền. Sau khi chàng đi, cha không uống rượu nữa. Cha quay trở lại với những công việc của mình. Chàng khá bình thản với những đam mê kỳ quặc của cha, hay sự rời bỏ ngôi nhà chung của mẹ. Có lẽ, K đã trưởng thành nhiều hơn khi chàng nhận diện cuộc đời mỗi con người cũng hệt như một trò chơi có bắt đầu và có kết thúc.

Năm nghiên cứu sinh thứ tư. K sắp phải quay trở về. Nơi ngôi trường cả cha và chàng đang công tác. Cha chàng sắp đến tuổi về hưu. Chàng mong muốn mẹ cũng trở về với chàng. Biển sẽ chẳng bao giờ mất tích.

K hẹn gặp mẹ. Cũng quán café đó. Nơi chàng gặp lại mẹ một cách bất ngờ. Hệt như số phận. Người ta có rời bỏ nhau sau bao nhiêu năm tháng, thì cũng chỉ đi quanh một cái vòng tròn. Gần hết vòng tròn người ta lại gặp nhau tại điểm kết. K hỏi mẹ về sự trở về. Hẳn cha sẽ mong chờ điều đó. Mẹ mỉm cười. Đuôi mắt mẹ hằn vết dấu thời gian. “Ai cũng cần một bến đỗ”, mẹ nói, rồi ngước nhìn đám lá lao xao rụng xuống gốc cây bên ngoài cửa sổ.

K dự định sẽ nói với cha ngày trở về. Nhưng, K lại im lặng. Chàng muốn tạo cho cha sự bất ngờ. Chàng đã tìm thấy biển. Biển đã từng mất tích trong ngôi nhà chung của ba con người, ba thế giới kỳ lạ.

Ấy vậy, khi chàng và mẹ chạm chân đến bậc thềm nhà. Sự im ắng bủa vây. Không một âm thanh nào lay động trên cành cây bên hông nhà. Chẳng thấy cha đâu. Chàng đẩy nhẹ cánh cửa. Mẹ chàng bước theo sau, như kẻ lạ lần đầu bước chân vào ngôi nhà mới.

Chàng vào căn phòng làm việc của cha. Hôm nay cuối tuần, hẳn cha không lên trường, Vậy cha đi đâu nhỉ? Chàng nhìn thấy một ngọn núi bị vùi sâu dưới đáy biển trong bức tranh mới toanh. Cha chàng còn là một họa sĩ tài năng. K chợt nghĩ, chẳng lẽ lại đến lượt cha chàng mất tích khi mẹ trở về?

Mẹ đứng nhìn bức tranh, rồi tiến đến ngắm nghía nó. Cánh cửa sổ phòng cha vẫn để mở. Gió tràn vào, thổi tung mái tóc mẹ. Mẹ bất giác bật khóc nức nở. Chàng đứng nhìn mẹ. Nhìn bức tranh cha vừa vẽ. Giờ thì chàng hiểu những giấc mơ của cha, của mẹ và của chính mình. Hóa ra đó là một vòng tròn mất tích.

Chiếc đồng hồ quả lắc quen thuộc trên tường của chàng điểm từng tiếng chuông chầm chậm, tích tắc, vừa đủ cho chàng hồi tưởng những hoạt cảnh quen thuộc, những sự mất tích của các loại vật dụng quen thuộc. Nhưng thời gian thì không. Bất giác, K nghe tiếng sóng. Mẹ trở về. Biển cũng trở về. Nhưng, núi lại mất tích. K bần thần nhìn mẹ, nhìn quanh quất ngôi nhà, và bức tranh trong phòng cha, lẩm bẩm: “Người ta cứ thế chạy trốn lẫn nhau gần hết một đời. Hệt như một trò chơi vậy.”

T.B.K  
(TCSH356/10-2018)





 

 

Các bài mới
Chùm thơ Lưu Ly (23/11/2018)
Người vợ câm (16/11/2018)
Các bài đã đăng