ĐOÀN ÁNH DƯƠNG
Trong suốt cuộc đời nghệ thuật của mình, Lưu Quang Vũ luôn hiện diện ở vị trí đầu tiên, hàng thứ nhất, cánh chim bay đơn, trước khi trở thành cái trang giấy kỳ lạ, trang-không/chưa-trang, trang-giữa-hai-trang, trong “cuốn sách xếp lầm trang” “rối bời” như lời thơ của ông.
Thuở ban sơ, người ta biết tới ông cũng đủ ở những cái viết, thơ của Hương cây (in chung với Bằng Việt, Nxb. Văn học, 1968); truyện của Một vùng mặt trận (in chung với Thế Long, Nxb. Phụ nữ, 1980), Người kép đóng hổ (Nxb. Hà Nội, 1983), Mùa hè đang đến (Nxb. Tác phẩm mới, 1983); phê bình của Diễn viên và sân khấu (in chung với Vương Trí Nhàn, Xuân Quỳnh; Nxb. Văn hóa, 1979), và kịch, rất nhiều, trước và khi ông khảng khái “Tôi và Chúng ta”, nhưng chưa đủ ở những cái biết: một gương mặt “trung hậu” phủ lấp trong sâu xa gương mặt khác, “buồn như sỏi dưới hang sâu”(1), chỉ được lần giở vào mãi sau này.
Là người tiên phong, Lưu Quang Vũ lập chí và lập ngôn, gián tiếp nhờ cái tôi trữ tình trong thơ, nhân vật trong truyện, diễn viên trong kịch. Khi trực tiếp, ông nói: “Trong quan niệm của tôi, thơ và kịch rất gần nhau. Có lẽ thơ với kịch còn gần nhau hơn là thơ với văn xuôi. Đều là hai thể loại lớn và khó của văn học, thơ và kịch đều là sự sống và thế giới bên trong của con người ở dạng tinh chất, cô đọng và mãnh liệt nhất. Đối với tôi, kịch cũng là một thứ thơ được trình bày trong không gian và thời gian kỳ diệu của sân khấu, thông qua diễn xuất của diễn viên”(2). Sự gặp gỡ giữa thơ và kịch, ở Lưu Quang Vũ, vì vậy, đánh dấu “những ngày đẹp nhất”, khi “người trai phiêu bạt” “mắc nợ những chuyến đi, những giấc mơ điên rồ, những ngọn lửa không có thật” nguyện trở về để viết tặng “vở kịch lớn, bài thơ hay nhất”. Chuyến trở về ấy, không ngờ, lại trở thành chuyến đi, xa, mãi, hoàn hủy một-thân-phận-lưu-đày.
Có thể khẳng định, Lưu Quang Vũ là một kẻ đi không dừng lại, tự lần đi, bị đẩy đi, một đám mây phiêu dạt trên vùng trời thành phố thân yêu, tổ quốc bao la thương mến. Nhưng có đích đến. Từ chân trời nghệ thuật này sang chân trời nghệ thuật khác. Trong nỗ lực khám phá không cùng chiều cao sâu cá nhân, chiều rộng dài xã hội, thách thức và mời gọi năng lượng sáng tạo. Ông lầm lũi đi, ngạo nghễ đi, và những dấu chân viết nên lai lịch của một Kẻ Khác.
Mang một “trái tim trong trắng”, một lý trí và tình cảm lạc lõng và cô độc, sôi sục và thiết tha, dễ hiểu chàng trai 17 tuổi Lưu Quang Vũ sẽ “bầm dập” thế nào khi đi vào cuộc chiến và để cuộc chiến đi qua. Chỉ sau vài năm nhập ngũ, xuất ngũ, va đập với chiến tranh và cuộc đời, đã có một Lưu Quang Vũ hiện lên khác hẳn. Ông nhanh chóng tách ra khỏi dàn đồng ca những nhà thơ trẻ thời chống Mỹ, lạc quan, trong trẻo, tươi vui, để vùi sâu trong những vần thơ dữ dội, đau đớn, u buồn, xót xa. Cuốn sách xếp lầm trang(3), Những bông hoa không chết(4), những tập/bài thơ di cảo là một tiếng thơ khác hẳn, khi nhìn nhận về chiến tranh và cuộc đời. Sự buông bỏ ngợi ca và chối từ chiến tranh, ý thức khắc sâu vào nỗi đau và đổ vỡ, tôn trọng tâm sự và cảnh ngộ cá nhân,… hiện diện một cách đậm đặc trong những trang thơ này. Nó là một nhật ký khác, “nhật ký bằng thơ”, được Lưu Quang Vũ viết ra theo sự thôi thúc của bản thân, tự chữa lành những vết thương do cuộc chiến phạt ngang tuổi xuân của mình: Chúng ta ra đi chiến tranh mùa đông/ Ta kịp biết gì đâu/ Vừa hết trẻ con đã là người lính/ Cô bạn gái cánh tay trần rám nắng/ Ngực phập phồng thở mạnh đến lo âu/ Đừng nói với ta những lời hào nhoáng về chiến tranh/ Tuổi trẻ ta đã qua bạn bè ta đã chết/ Ta đã vượt bao đèo cao chót vót/ Bao điều nhà trường chẳng dậy cho ta/ Nghĩ lại giễu cười những giấc mộng tuổi thơ/ Giờ trong ta vui buồn đều nín lặng/ Một thế hệ cứng đi như thỏi sắt/ Nhưng xoáy ngầm vẫn cuộn ở lòng sông (Những bông hoa không chết).
Chưa bao giờ muốn đứng trong mọi hàng ngũ, với chiến tranh, Lưu Quang Vũ chọn cho mình một đội ngũ, để đến khi cả đội ngũ ấy bị chiến tranh “tôi luyện” “cứng đi như thỏi sắt”, ông thấu thị và rơi vào đáy thẳm của cô đơn cùng cực: Sao tôi lại muốn em tin/ Khi chính tôi cũng chẳng tin ai cả/ Tôi là đứa con cô đơn ngay khi ngồi cạnh mẹ/ Thằng bé lẻ loi giữa lớp học ồn ào/ Bàn chân hồ nghi giữa đường phố xôn xao/ Giữa sự thông minh của đông vui bè bạn/ Vứt sách xuống gầm bàn đi ra mặt trận/ Tôi là người lính cô đơn ở giữa trung đoàn/ Bao lâu rồi vẫn chỉ có thế thôi/ Nỗi cô đơn hoàn toàn nỗi cô đơn khủng khiếp/ Trước và sau trong và ngoài cuộc đời và trang sách... (Mấy đoạn thơ). Trong khủng hoảng ấy, thơ thành người bạn cố tri, nơi chốn thân yêu cho người nghệ sĩ đi về. Và chính ở trong sự xoa dịu chấn thương, để vượt qua cái chết và nỗi sợ, được sống trong sạch và trung thực, thơ Lưu Quang Vũ đã làm nên sự khác biệt. Như đã nói, sự khác biệt trước nhất ở trong những bài thơ chép trong sổ tay, chỉ đọc cho nhóm nhỏ bạn bè mà không hề in ấn. Những vần thơ hoang mang, dằn vặt, đớn đau trong cách ông đơn độc đi tìm bản thể mình, cũng đang hoang mang, dằn vặt, đớn đau trước những khúc ngoặt của cuộc sống. Những vần thơ ấy đã định hình một Lưu Quang Vũ khác, dù từ Hương cây, thơ ông đã khác, nhưng đến đây là một khác hẳn trong những vần thơ chiến cuộc, lạc hồn, lạc điệu, lạc giọng xung quanh, để chỉ không lạc lõng (đường) nguyện đã chọn. Đó là kết quả từ ý chí của hành nhân mà bước chân đã trải không ít “hồ nghi giữa đường phố xôn xao”, bế tắc không “biết làm gì” “biết đi đâu” trong “tối đen thành phố đêm lưu lạc”. Đó là biểu hiện ý thức tự nhiệm của “gã làm thơ da vàng/ không đêm nào ngủ được” bởi ước mơ “đi mở những cánh cửa” “suốt đời đi mở những cánh cửa” với tinh thần trung thực tuyệt đối ở mỗi cái nhìn, mỗi niềm tin, trong khao khát “nói hết sự thực/ về đất nước của mình”.
Thơ ông phản tỉnh ngay giữa cuộc chiến, ở chiều sâu nhất của nó, khi nhận ra cái đổ nát của cuộc đời và lòng người, cái lý tưởng mà người ta phụng thờ và hiện thực trơ tráo: tuổi trẻ chúng tôi tìm gặp nhau/ đặt lại những câu hỏi/ về cuộc chiến tranh này/ về mọi giá trị trên đời/ nguồn gốc những nguyên nhân/ của chém giết và thù hằn/ bất công và đói rét/ cần phải làm gì/ để có lý do mà hy vọng? (Hồ sơ mùa hạ 1972). Ở hậu phương, nghe “tiếng loa vang tiếng nhạc kèn dồn dập”, xem “người ta truyền nhau bản tin”, Lưu Quang Vũ đau xót cho những người bạn, bầy em trên trận tuyến: thương nhớ bạn nơi chiến trường lầm lụi/ thương bầy em buổi sớm ấy ra đi/ trổ trên tay những hình vẽ dị kỳ/ bóng chúng ngã trên chang chang đất nắng? (Hồ sơ mùa hạ 1972), những đứa trẻ buồn ướt lạnh/ đường dài mặt trận nối nhau đi (Những đứa trẻ buồn).
Ngoái về quá khứ chiến tranh, cái cuộc chiến mà Lưu Quang Vũ không hết ngạc nhiên vì nhận thấy “ta cứ là viên đạn/ xoáy trong cuộc chiến tranh dài”, “lòng chỉ muốn yêu thương/ mà cứ phải suốt đời căm giận”, cái cuộc chiến đang giày vò, giằng xé, nghiền nát trái tim nhỏ bé “trong ngực ta đau buốt chiều nay”, Lưu Quang Vũ khát khao “chỉ xin được nói nỗi buồn có thực” về một băn khoăn: ta đã qua/ bao phố làng đổ sụp/ cổ nghẹn lòng thù hận/ nhìn bao em bé mồ côi/ mà sao chiều nay/ giết xong quân giặc/ chẳng thấy lòng thảnh thơi nhẹ nhõm/ chỉ nỗi buồn trĩu nặng/ dâng lên như đá trên mồ; và một sự thực: xác ngụy nằm ruồi muỗi bâu đầy/ những đôi mắt bệch màu hoa dại/ những gương mặt trẻ măng xanh tái/ những bàn tay đen đủi chai dầy/ các anh ơi, đừng trách chúng tôi/ các bà mẹ, tha thứ cho chúng tôi/ chúng tôi chẳng thể làm khác được/ quả đồi cháy như một phần quả đất (Những đứa trẻ buồn). Soi vào cuộc sống và trang thơ hiện tại, Lưu Quang Vũ thấy tủi hổ vì bất lực: mỗi phút sống của tôi đều có người đang chết/ mà bàn tay gầy guộc của tôi/ không che chở được ai/ trang giấy mỏng của tôi/ không ngăn nổi một viên bi độc ác (Hồ sơ mùa hạ 1972). Ông chẳng thể “kết thúc thơ mình/ bằng những lời tốt đẹp”. Bởi “giữa tột cùng đau khổ/ đâu dám ngồi chau chuốt mỗi câu thơ”. Bởi “lòng tôi làm sao tươi sáng được/ khi máu bầm khắp nơi”. Và bởi “đêm qua tôi đã chết/ với hàng ngàn mạng người”. Nhưng sẽ: từ than bụi tôi hiện hình trở lại/ mang đau thương đến trọn cuộc đời/ tôi sẽ xông vào mọi cuộc vui/ mọi buổi lễ uy nghiêm/ mọi bài ca lừa dối/ mọi quên lãng mọi nụ cười dễ dãi/ để nói về những xác chết cháy đen/ để nói về/ những xác chết cháy đen// kẻ làm chứng trung thành/ trước phiên tòa lịch sử (Khâm Thiên).
Thơ vì thế, phải đổi khác. Và ông tự nhủ một lựa chọn: Tôi ở cùng những chữ hôm nay/ Điều còn lại sau đường dài tôi vượt/ Những chữ lấm lem đứng dậy từ đời thật/ Tin yêu cuộc đời theo cách của tôi/ Những chữ đẹp xưa giờ tôi đuổi đi rồi/ Bao chữ mới đang ầm ầm đập cửa/ Thơ rộng dài cánh lớn hãy bay đi (Những chữ); thầm thì một nguyện cầu: Sao cho máu đừng chảy nữa/ Sao cho người lính trở về/ Lũ trẻ ngủ ngon/ Cái chết không cắt ngang giấc ngủ/ Nguyện cho phố tôi/ Không ai phải quanh năm túng đói/ Không còn ai bị mỏi mòn sỉ nhục/ Nguyện cho kẻ ốm mau lành/ Nguyện cho người tôi thương không phải khóc/ Nguyện cho lòng tôi đừng sợ hãi/ Nguyện cho lòng tôi đừng nguội lạnh tình yêu… (Cầu nguyện); thắp lên một hy vọng: những gương mặt trẻ/ mang đầy vết thương/ dù lạ dù quen/ ở đâu cũng nhận ra nhau/ chưa gặp đã cùng tiếng nói/ còn lũ thở ra bóng tối/ còn kẻ phá cầu ngăn lối/ nhưng chúng ta đã lớn lên/ không gì ngăn nổi/ trải qua mọi điều, không sợ hãi/ chúng ta đứng bên nhau/ sống chết với đất nầy (Những gương mặt); hướng tới một tương lai: hôm nay tất cả hãy về/ lối cũ, bờ đê/ những mắt bàng hoàng sau kính trắng/ những binh lính áo quần vằn vện/ những tướng già tóc bạc/ những kẻ lãng du những hồn uất hận/ anh em ruột thịt cầm tay/ lạy mẹ lạy thầy/ chúng con hư để thầy mẹ khổ/ từ nay chẳng tham lam mê muội nữa/ súng đạn người ném trả/ oán thù đổ xuống ao sâu (Tìm về).
Trong cái đổ nát hoang tàn của chiến tranh, sự ấu trĩ và mê muội của con người, Lưu Quang Vũ sớm nhận ra một thực tế: cùng làng chẳng nhận ra nhau/ thờ những vị thần xứ khác/ nghe lời kẻ ác/ súng đạn người bắn thịt xương ta/ đào huyệt hận thù/ chia miền cắt đất/ tin những chữ không hồn trong sách/ tìm kiếm mãi đâu xa. Ông mong mỏi “cái mối tình Lạc Việt” sẽ là phương cách để “tha thứ cho nhau”, để khi đã “hay mình có một làng quê” “có thể sống những ngày thương mến/ anh và em chẳng phải phụ tình nhau”. Thơ về chiến tranh của Lưu Quang Vũ, vì vậy, gắn liền nỗi đau cá nhân với tổ quốc, nghẹn ngào, bỏng rát: đốt lòng con tiếng chim như lụa xé/ hót lo âu trên ngọn tre làng (Tìm về). Đó là những chữ của ông, niềm tin yêu của ông, độc sáng, cố nhiên (vì chỉ) theo cách của ông.
Chỉ đến khi ông rời khỏi cõi trần ai này, trong không khí của cuộc Đổi mới, Vũ Quần Phương - một tiếng thơ chống Mỹ cùng thời với Lưu Quang Vũ, được tiếp xúc với Cuốn sách xếp lầm trang, đã “sửng sốt” mà nhận ra rằng “đây là một Lưu Quang Vũ khác, một Lưu Quang Vũ mà bạn bè còn ít biết tới. Ở đây anh cô đơn hơn, cay đắng hơn và nhiều ý nghĩ của anh bế tắc quá. Nhưng cũng chính ở đây anh viết thực chân thành, trái tim trần trụi nhoi nhóp đập sau nét chữ mảnh mai như chữ con gái - chưa bao giờ tôi thấy thơ Lưu Quang Vũ chân thành đến tàn nhẫn với chính mình như ở tập này. Anh ghi lên giấy tất cả những gì đã có ở lòng anh, không cần biết những ý tình ấy có phù hợp hay không với thời cuộc. Lưu Quang Vũ không gửi đăng ở đâu. Anh viết cho anh thôi, cho nhu cầu của riêng anh, trước hết. Nhưng chắc chắn anh tin rằng tập thơ sẽ có lúc được xuất bản vì một lý do đơn giản: nó hay, hay vì nó đã diễn đạt tinh vi được một tâm trạng mà tâm trạng đang cảm xúc cao độ những gì nó đang sống”(5). Có thể nói, Lưu Quang Vũ đã tỉnh thức những người làm thơ cùng thế hệ bởi sự phản tỉnh sớm của mình, ngay khi những dòng thơ nhật ký kia được trở lại. Ngày nay, thời gian lùi xa hơn, người đọc ít “sửng sốt” hơn, nhưng thấm thía sâu hơn, nhiều hơn, tình yêu và nỗi đau làm người lính, làm người trong nỗi bi ai của dân tộc mà Lưu Quang Vũ nhận thấy và lên tiếng: Mắt cá chân em bốc lửa/ Trong buổi chiều phiêu bạt/ Những chiếc xe bò đi vào thành phố// Cuộc chém giết lặng dần/ Các dũng sĩ thân tàn ma dại/ Đập nát những cây đàn quý/ Ngồi nướng thịt cóc ăn/ Con mèo đi hai chân/ Kêu lên tiếng trẻ khóc/ Tóc em bù rối tro than/ Tóc gió đen quanh cột đèn xiêu đổ/ Cổng nhà thờ gạch vỡ/ Lão ăn mày mù thổi sáo/ Điệu gọi hồn âm u/ Lũ trẻ mở nắp quan tài đứng dậy/ Mình quấn đầy vải liệm/ Chạy theo ta xin tiền/ Ngàn mũ sắt lặng im/ Trong ráng chiều đỏ rực/ Đã lâu không có con tàu nào cập bến/ Không con tàu nào ra đi/ Biết nói gì nữa em, cô gái hoang/ Của hải cảng tối/ Của tấm chăn nghèo thời chiến tranh phá hoại/ Của nỗi buồn nội chiến?/ Cô gái hoang tóc bay như bờm ngựa/ Đi bên bờ vịnh thủy lôi/ Mắt cá chân xanh biếc/ Ngực mềm trôi về bãi sú xa/ Nghe sóng đập vào những cây đàn mới (Chiều cuối).
Vượt qua khó khăn, Đổi mới đã làm đất nước tươi trẻ lại. Bằng tình yêu ngây dại của mình với quê hương, Lưu Quang Vũ sống lại, xây dựng lại cuộc đời, bằng từ những gì đơn sơ nhất, gần gũi nhất, dễ thấy và dễ bắt gặp nhất trong cuộc đời đang ngây ngất sang trang này. Thơ xếp lại, ông lao vào kịch, nơi, ở đâu, lúc nào, cũng dễ dàng tìm được mâu thuẫn nghệ thuật để sáng tác, để thổi vào đó ngọn gió khát vọng. Ông nhanh chóng trở thành trung tâm của kịch nghệ, ở nơi mà không gian tinh thần nuôi sống nó, các mâu thuẫn xã hội cũng đạt tới mức kịch tính nhất, cao trào nhất, báo hiệu bước chuyển biến của “tấn trò đời”. Từ một nghệ sĩ cô độc, ông thành cánh chim đầu đàn, của một lứa văn nghệ sĩ mà tuổi đời còn trẻ, khát vọng sáng tạo còn cháy bỏng, còn nuôi dưỡng những bước phiêu lưu.
Kịch ở giai đoạn sôi nổi nhất của nó, đã báo hiệu, thúc giục cho cuộc Đổi mới, mà ở đó ông trở thành trung tâm quy tụ, người dẫn lối, bạn đồng hành. Với ngôn ngữ nghệ thuật giàu chất thơ, nhiều suy tưởng, suy niệm, những mâu thuẫn gay gắt khía sâu vào đời sống nội tâm con người, ở đa dạng các đề tài, các loại hình kịch, ông đóng dấu ấn tiền phong của mình. Kịch của ông thời sự trong những vấn đề vĩnh cửu, sôi động một cách trầm ngâm, sâu sắc một cách hoang mang. Tính chất nước đôi ấy có được là bởi ông chưa bao giờ đứng lại ở một vị trí, thuộc về chỉ một hàng ngũ, nghiệt ngã trong mỗi lựa chọn ra đi và trở về.
Có thể nói, ở một khởi điểm mới này, ông xác tín bản thân ở lưng chừng giữa “Tôi và Chúng ta”, giữa Thơ và Kịch. Bởi thơ và kịch, chứ không phải văn xuôi, mới là mảnh đất của tiền phong, của cách mạng và khởi loạn. Văn xuôi không lưu đày, bởi sự cách tân lớn nhất của văn xuôi là phản-văn- xuôi (vốn thường được biết hơn ở phản-tiểu-thuyết) vẫn chỉ là văn xuôi, một thứ văn xuôi mới không ngắt đứt với truyền thống và quăng mình vào cõi hư hỗn của tương lai. Không giống văn xuôi, cái mới quyết liệt trong thơ và kịch tạo nên cái khác, thơ khác và kịch khác, tự chọn tính chất cách mạng và lật đổ, bởi nó không biện biệt giữa nội giới và ngoại giới, điều làm thành sức mạnh hiện sinh của việc phá hủy cái đã biết để dấn thân vào cái chưa biết. Và chính cái khác hàm chứa một tiền phong, hàm ngụ một lưu vong ấy, khởi sinh cho dấn-thân-lưu-đày.
Một phần mười, một phần năm, một phần tư, rồi một phần ba thế kỷ ngừng lại của cuộc dấn-thân-lưu-đày của ông, thơ và kịch của ông dần được tái sinh. Thơ của ông giờ không chỉ để đọc mà một phần cơ bản đã để in (trong tuyển thơ Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi), và mới đây nhất, kịch của ông giờ không chỉ để diễn mà một phần nhỏ đã để đọc (trong tuyển kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt), hơn thế, di cảo, như một phần máu thịt của ông, đã được sẻ chia, làm giàu đẹp thêm “tiếng Việt như bùn và như lụa”, của một đất nước “Việt Nam khốn khổ” muốn trở thành “đất nước ban mai…”. Thơ ông tái sinh trong những đọc mới và kịch ông tái sinh trong những diễn mới. Bởi thôi thúc tự trong sâu thẳm của “những viết” của ông, cái viết tự tái sinh trong mỗi lưu đày. Và bởi tự ông, đã là tiền phong, là cách mạng, nghĩa là cái-khác-lưu-đày từ trong cốt tủy của sống và viết.
Đ.A.D
(TCSH356/10-2018)
..............................
1. Thơ Lưu Quang Vũ được trích trong bài viết đều dẫn từ: Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi. [Lưu Khánh Thơ biên soạn]. Nhã Nam & Nxb. Hội Nhà văn, H., 2010; Di cảo Lưu Quang Vũ. (Lưu Khánh Thơ tuyển soạn). Nxb. Trẻ, Tp.HCM., 2018.
2. Lưu Quang Vũ: Hồn Trương Ba, da hàng thịt. [Lưu Khánh Thơ biên soạn]. Nhã Nam & Nxb. Hội Nhà văn, H., 2013, trang bìa 4. Một phiên bản đầy đủ hơn, xem phần phỏng vấn Lưu Quang Vũ trong “Phỏng vấn đầu xuân”, Văn nghệ quân đội, số 2, (2/1988).
3. Có thể đọc (theo tên bài ở phụ lục ảnh chụp thủ bút tác giả), trong Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi. Sđd., tr. 372.
4. Có thể đọc trong Di cảo Lưu Quang Vũ. Sđd., tr.227-372.
5. Vũ Quần Phương: “Đọc thơ Lưu Quang Vũ”. Tạp chí Văn học, số 4, (7+8/1989), tr.39-40.