Tạp chí Sông Hương - Số 357 (T.11-18)
Mọc như một kiêu hãnh lặng câm…
09:54 | 23/11/2018

PHAN VĂN NAM    

Sau các tập thơ Cùng đi qua mùa hạ (Nxb. Văn nghệ, 2005), Phía bên kia cây cầu (Nxb. Phụ nữ, 2007) và Ngày linh hương nở sáng (Nxb. Hội Nhà văn, 2011) được trao nhiều giải thưởng văn chương uy tín, tác giả Đinh Thị Như Thúy tiếp tục ra mắt tập thơ mới Trong những lời yêu thương (Nxb. Hội Nhà văn, 12/2017).

Mọc như một kiêu hãnh lặng câm…
Ảnh: internet

Đây là cuốn sách nằm trong kế hoạch sách Nhà nước đặt hàng hằng năm nhằm tôn vinh ghi nhận hơn nữa những đóng góp thiết thực, hiệu quả trong lao động sáng tạo nghệ thuật, của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận phê bình vào sự nghiệp văn hóa, văn nghệ của đất nước.

Với 62 bài trong gần 200 trang in, chủ yếu là thơ tự do và thơ văn xuôi, nhà thơ Đinh Thị Như Thúy đã thổi một mạch ngầm trong trẻo, dịu dàng với những dòng thơ tươi mới, quyết liệt, ngập tràn sự khai phá, táo bạo. Mang sứ mệnh kiến tạo giá trị thi ca xuất phát từ những yêu thương tự trong sâu thẳm, tác giả làm sống dậy linh hồn đất đai, từ thực thể đến tâm thức, với những ám ảnh lạ lùng, sâu sắc và cũng không kém phần thi vị. Những bông hoa trắng ẩn hiện từ xa xôi vang vọng tiếng gọi tự do, từ đại ngàn đến thành thị chỉ như một giấc mộng dài, đánh thức đất đai xứ sở:

Vẻ đẹp đó. Quá chừng tinh khiết và lộng lẫy. Làm con người choáng váng. Thấy mình sao trần tục. Một ước muốn gột rửa bất chợt dâng đầy/ Là vậy. Bạn biết không? Sự cứu rỗi của cà phê không chỉ ở trong trái chín. Trong từng giọt sậm thơm lừng mỗi sáng/ Mà ở đây. Cả trong mùa tưới. Mùa hoa. Trong đất đai nồng nã. Trong ngọn gió hoang. Mang nỗi nhớ bay đi. Vượt trùng trùng xa ngái. Tìm đến một người”. (Hoa trắng tháng hai).

Đọc thơ Đinh Thị Như Thúy, thực khó định vị chính xác chúng ta đang ở đâu, những không gian nối tiếp nhau, mở ra vô tận, trong từng ánh mắt, từng hơi thở, từng cử chỉ, từng cái động chạm. Dường như những biến động trong thơ chị lạ lùng, tràn đầy tinh tế, cứ ẩn hiện chập chùng như sương, như gió, như mây, như nước, chẳng mang hình hài cụ thể nhưng vẫn mang lại cảm giác ấm áp, bao dung và nhân hậu. Nhà thơ Phan Hoàng từng nhận xét: “Từ vùng đất Tây Nguyên, từ khu vườn của mình, Đinh Thị Như Thúy đã cất lên tiếng thơ trong trẻo như suối nguồn, huyền ảo như đại ngàn, nghiêm cẩn như bảng đen phấn trắng, mang đến cho nền thơ Việt đương đại một ánh chớp, một giấc mơ đẹp và quyến rũ”. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất thi ca Thừa Thiên Huế, chị có khoảng thời gian dạy học ở Tây Nguyên, năm 2012 chị chuyển về công tác tại Liên hiệp các Hội VHNT Đà Nẵng. Đến với thành phố bên bờ sông Hàn không lâu, chị đã phát lộ miền tâm tưởng cao đẹp với nhiều khát vọng thầm kín:

Thường đi dọc sông Hàn mỗi sớm mai/ Thời khắc vắng/ Đón ngọn gió đến từ bờ Đông/ Ngọn gió ăm ắp ánh mặt trời/ Ban mai/ Sông Hàn trắng/ Vẫn thương làm sao những vòm cây xa xôi/ Khu vườn thiếu hơi thở/ Lặng/ Dịch chuyển không làm nên ngăn cách/ Sông Hàn ban mai kéo một vệt sáng/ Cơn rùng mình bén ngọt/ Cắt vào ngày” (Ban mai đi dọc sông Hàn, trang 99).

Nỗi u hoài thế nhân vận vào đôi mắt nữ sĩ, cứ quấn lấy không rời, không đành tâm dứt bỏ, đành buông xuôi cảm xúc dưới những hơi thở khác, những sự sống khác, khoảnh khắc khác, tưởng như thật gần gụi nhưng lại hóa xa xôi: “tôi thuộc về giọng nói thì thầm trong tôi”. Định hình phong cách theo con đường của một người mê đắm với thi ca, nhưng chị là vô cùng tỉnh táo trong những lời yêu thương gửi trao đến độc giả, đến công chúng, dẫu đôi khi rơi vào cảm tính cá nhân, tuy nhiên điều đó càng minh chứng sự sắc sảo trong thơ chị, những con chữ được viết ra từ gan ruột, từ đáy lòng:

Ta chờ tiếng thì thầm/ Chờ hơi thở gấp/ Chờ một động chạm để tỏ bày cảm xúc/ Sao tất cả luôn quá chừng xa xỉ/ Cô độc níu bàn tay ta lưng chừng/ Không cho phép/ Chẳng điều kỳ diệu nào có thể xảy ra/ Sao chúng ta chạm mặt nhau chỉ để rời xa/ Sao cứ muốn trốn nhanh về nơi trú ẩn/ Vùi mặt vào gối chăn/ Tìm dấu vết chính mình/ Nghe đơn côi chảy rùng rùng trong máu/… / Đau đớn thú nhận đời sống thật quá buồn” (Chưa bao giờ ta đến được giấc mơ của nhau, trang 57).

Tầng tầng lớp các câu thơ đa nghĩa dẫn chúng ta đến một miền thơ nhiều gập ghềnh, khúc khuỷu nhưng cũng tràn đầy hoa thơm trái ngọt, ở đó không gian, xúc cảm tưởng chừng mong manh dễ vỡ, man mác u buồn nhưng cũng lấp lánh sắc màu, sắc màu của cái đẹp, sắc màu của tình yêu. Tác giả sử dụng nhuần nhuyễn nghệ thuật tu từ “phép điệp” tạo nên phong cách thi ca riêng, thú vị và độc đáo. Những bài thơ với trùng trùng điệp điệp thi ảnh, âm thanh gợi lên cõi giới thẩm mỹ đẹp đẽ, trong trẻo lạ lùng đã cho thấy những nỗ lực đáng ghi nhận của tác giả nhằm chuyển tải đến bạn đọc những khao khát tìm kiếm, tỏ bày, những lời trao gửi yêu thương:

Những tiếng gọi như tan vào khoảng rỗng/ Sương dâng mịt mờ/ Suốt một ngày dài một đêm dài/ Một ngày dài một đêm dài/ Rồi ngày dài rồi đêm dài tiếp nối/ Những tiếng gọi cứ tan vào khoảng rỗng/ Sương dâng mịt mờ/ Chỉ cây/ Và cây/ Và cây/ Những cây trổ mầm xanh bên cầu/ Những cây trơ trụi lá/ Những cây nứt ngang thân mềm rễ đỏ/ Những cây ngơ ngác đơm hoa/ Nhẫn nại đứng im lìm trong màn sương bủa vây như sữa/ Chỉ cây/ Và cây/ Và cây/ Đầm đìa chảy/ Từ lá từ thân/ Những dòng nước mắt trong suối lạnh/ Chỉ cây/ Và cây/ Buồn bã chịu đựng/ Chỉ cây/ Và cây/ Vẫn những tiếng gọi như tan vào khoảng rỗng/ Vẫn sương dâng mịt mờ/ Suốt những ngày dài những đêm dài/ Vẫn chỉ cây/ Và cây/ Và cây/ Bất lực/ Cháy những đốm lửa rưng rưng trong ký ức (Cây trong sương, trang 145).

Với chỉ hai hình ảnh chỉ “cây” và “sương”, tác giả đưa ta lạc vào chốn mê hoặc trong cõi giới thi ca đầy ngọt ngào và quyến rũ, tác giả luôn tạo ra khoảng trống bất tận để độc giả được hòa mình vào tâm hồn của tác giả, cùng hòa nhịp và cùng đồng điệu. “Đốm lửa” trong thơ Đinh Thị Như Thúy chính là đốm lửa của niềm tin và hy vọng, của sự dâng hiến cháy bỏng, của yêu thương vẫy gọi từ xa xăm diệu vợi. Còn rất nhiều điều đặc biệt trong tập thơ khá dày dặn “trong những lời yêu thương” được xuất bản lần này, đưa chúng ta khám phá mọi ngóc ngách của con chữ từ khi được gieo trồng đến khi “mọc như một kiêu hãnh lặng câm”.

P.V.N  
(TCSH357/11-2018)



 

 

Các bài mới
Gam màu lạnh (13/12/2018)
Các bài đã đăng
Lời Thầy (20/11/2018)