Tạp chí Sông Hương - Số 357 (T.11-18)
Ký ức và phản chiếu: Hành trình khám phá lại Việt Nam của một cựu binh Mỹ
09:55 | 24/12/2018

WILLIAM D. ADAMS    

LGT: William D. Adams hiện là học giả cao cấp tại quỹ hỗ trợ nhân văn và khoa học nghệ thuật lừng danh Andrew W. Mellon của Hoa Kỳ. Từ 2014 - 2017, ông được Tổng thống Obama (lúc đương nhiệm) bổ nhiệm giữ chức vụ chủ tịch Tổ chức Quốc gia về Nhân văn (NEH) - cơ quan độc lập của chính phủ tài trợ các dự án văn hóa, nghệ thuật, và giáo dục.

Ký ức và phản chiếu: Hành trình khám phá lại Việt Nam của một cựu binh Mỹ
Tác giả William D. Adams - Ảnh: internet

Dưới sự lãnh đạo của ông, NEH khởi xướng chương trình phát triển nhân văn giá trị góp phần thay đổi dòng chảy văn hóa Mỹ trong thế kỷ 21 như Học giả Công chúng, Di sản chung, Liên kết Nhân văn, Đối thoại về Kinh nghiệm Chiến tranh, Quỹ Đào tạo Tiến sĩ Nhân văn cho Thế hệ Tương lai, Sáng tạo Cộng đồng Nhân văn… Trước khi đến với NEH, từ 2000 - 2014, ông là Chủ tịch đại học Bucknell, Pennsyvania và Colby, Maine. Adams lấy bằng cử nhân triết học từ đại học Colorado và tiến sĩ lịch sử ý thức ở đại học California, Santa Cruz. Nơi mà sau này, cùng tại đại học North Carolina, ông trở thành giảng sư chính trị triết học. Năm 1968, cuộc chiến đã làm đứt đoạn công việc học tập khi ông trở thành một người lính ở miền Nam Việt Nam. Dòng ký ức và suy tưởng của Adams được viết trong chuyến đi trở lại Việt Nam sau 50 năm với những cảm xúc chân thành, trăn trở vượt qua không gian và thời gian, với cảm nhận đa chiều về một đất nước Việt Nam trong ký ức chiến tranh và hiện tại hòa bình năng động trong suy tưởng của một học giả.   



Thứ Tư, ngày 15 tháng 3

Trên chuyến bay từ Seoul đến Hà Nội, tôi rất hào hứng và hăng hái lắm bởi chuyến đi này cuối cùng cũng diễn ra. Cảm giác dường như nó không có thật mãi cho đến khi lên máy bay. Chúng tôi đang ở trên một chiếc Boeing 777 lớn của hãng Korean Air, với rất nhiều ghế hạng nhất và hạng thương gia. Một nhóm hành khách rất đa dạng nhưng hầu hết vẫn là người châu Á đang đứng ở cửa kiểm tra an ninh. Khi tôi đến Việt Nam năm 1968, những chiếc máy bay Mỹ duy nhất đến Hà Nội thời bấy giờ là B52 và F4.

Trong tôi vào thời điểm đó, Hà Nội là một hình ảnh trừu tượng hoàn toàn với ngôi nhà sàn bí ẩn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị tướng huyền thoại, và dĩ nhiên Hà Nội cũng là chủ thể của rất nhiều sự chú ý mang tính tàn phá bởi Hoa Kỳ. Đến bây giờ, 50 năm sau, nơi đây trở thành đề tài của một tập phim trong chương trình truyền hình khám phá văn hóa ẩm thực Parts Unknown của Anthony Bourdain với sự xuất hiện của Tổng thống Obama.

Tôi đang cố gắng nhớ lại chuyến bay của mình đến Việt Nam vào đầu tháng sáu năm 1968. Rời sân bay Travis AFB, quá cảnh ở Hawaii và Manila. Một chuyến bay dài, làm tê liệt đầu óc, đầy sự kinh hãi. Tôi nhớ cái nóng và không khí ẩm đay nghiến da thịt khi người ta mở cửa máy bay ở Manila. Một điềm báo trước cho những thứ sẽ diễn ra.

Chúng tôi hạ cánh xuống phi trường Biên Hòa vào buổi sáng sau một khoảng thời gian dài tưởng như bất tận trên máy bay. Chúng tôi sau đó lên xe bus về trụ sở chính của MAACV ở Sài Gòn. Thời tiết gió mùa đầu tháng sáu rất nóng. Đi trên những chiếc xe bus thi thoảng bị dừng lại đột ngột vào buổi sáng đầu tiên đó, chúng tôi đã nghe thấy tiếng súng vang lên trong những lùm cây.

Chúng tôi được bố trí ở tại trụ sở của sĩ quan chỉ huy nằm giữa Sài Gòn. Vài ngày sau đó, chúng tôi nhận được thông tin về tình hình chiến sự lúc bấy giờ và các mệnh lệnh. Vào buổi tối đầu tiên, chú tôi, Ernie Lancina, đưa tôi đến căn hộ tuyệt đẹp của chú ở trung tâm Sài Gòn rồi dẫn tôi đi ăn tối. Chúng tôi ăn tối dưới hàng hiên khách sạn Continental Palace, nhìn ra nhà hát lớn. Đó là một buổi chiều tuyệt đẹp, chúng tôi uống gin và tonic và ăn đồ ăn Ý. Hôm đó là một ngày kỳ lạ và đáng nhớ.

Ernie làm việc cho CIA và đã sống ở Việt Nam được vài năm. Ông ấy mập mờ một cách hoàn hảo về công việc của mình nhưng từ một vài mẩu thông tin ông đề cập đến, tôi chắc rằng ông là một nhà phân tích cấp cao hay gì đó liên quan đến ngoại giao. Đêm hôm sau, chúng tôi ăn tối tại Caravelle, nơi Joe (người bạn cựu binh cùng đi) và tôi sẽ ở lại sau đó. Tôi nhớ mình đã đứng ở hiên nhà của ông sau giờ giới nghiêm lúc 7 giờ tối và nhìn thấy khói lửa súng đạn mịt mù ở ngay khu vực phía bên kia sông. Tôi được gặp Ernie thêm một vài lần nữa. Chú ấy đến thăm tôi từ những ngày đầu ở Mộc Hóa nơi tôi thực hiện nhiệm vụ đầu tiên của mình. Ông đến bằng một chiếc máy bay trực thăng Air America, điều này đã tạo ấn tượng mạnh đối với Trung tá của Lực lượng đặc biệt, người đang chỉ huy Đội B lúc bấy giờ. Tôi được gặp Ernie một lần nữa vào dịp nghỉ phép và một lần khác lúc tôi rời khỏi Việt Nam. Tôi không được gặp lại chú ấy lần nào nữa kể từ đó. Tôi nghĩ là ông đã đến Bolivia và sau đó là Tây Ban Nha. Ông mất vào khoảng cuối thập niên 80, tôi nhớ là như vậy.

Ký ức làm tôi nhớ rằng vị chỉ huy tại Mộc Hóa đã chết khoảng 10 ngày sau khi tôi đến nơi. Máy bay trực thăng của ông ấy gặp tai nạn rơi xuống vùng bom mìn tại một trong số các trại của Đội A, và tất cả những người ở trên máy bay chết tại chỗ. Điều này đối với tôi thực sự vô cùng ngẫu nhiên.

Đội B của Lực lượng đặc biệt tại Mộc Hóa có nuôi một con trăn rất lớn tên là Snuffy. Hình thức giải trí định kỳ yêu thích của mọi người là việc cho Snuffy ăn. Một vài tuần sau khi cán bộ chỉ huy của Đội B qua đời, Snuffy đã trốn thoát khỏi chuồng của nó. Nó lần đến rìa trại, một khu vực chết chóc đầy bom mìn. Một cách thần kỳ, nó đã sống sót và sau cùng được tìm thấy. Những đêm Snuffy mất tích, tôi đã gặp những cơn ác mộng rất tồi tệ.

Có quá nhiều ký ức - những điều mà tôi đã không hề nghĩ tới trong rất nhiều năm.

Thứ Năm, ngày 16 tháng 3

Trên chuyến bay từ Hà Nội về Huế. Tôi cảm thấy làm tiếc về việc đã đến Hà Nội trễ một ngày. Một nơi cực kỳ thú vị. Cuộc sống đường phố sôi động, rất nhiều người trẻ, một cộng đồng nghệ thuật sinh động, bộ sưu tập rất đáng chú ý của nhiều phong cách kiến trúc khác nhau. Uống bia tại Metropole cùng hai cựu học sinh của đại học Colby, một người là bạn của con trai tôi - Sean, từ thời học phổ thông ở Maine.

Sau khi ăn trưa, chúng tôi đã đi thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và nhà tù Hỏa Lò - khách sạn Hà Nội Hilton rất nổi tiếng. Phải nói rằng tôi đã cảm thấy lưỡng lự khi đi thăm những nơi này. Chúng dường như quá dễ đoán đối với tôi, và tôi đã nghĩ là thay vì vậy có lẽ hay hơn là nên đi một vòng quanh Hà Nội hay đến thăm bảo tàng dân tộc học. Nhưng tôi thấy mừng là mình đã đến. Tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, một lần nữa, tôi nhận ra rằng bản sắc dân tộc của Việt Nam hoàn toàn gắn liền với lịch sử quân sự và lịch sử lâu đời của việc bị chiếm đóng và vùng lên đấu tranh, bị chiếm đóng và rồi lại vùng lên đấu tranh với người Trung Quốc, hết lần này đến lần khác, rồi đến người Nhật Bản, người Pháp, người Mỹ trong suốt hai ngàn năm như vậy. Đây có thể xem như một phần của lịch sử hiện đại (và hệ tư tưởng), nhưng lịch sử bị chiếm đóng và đấu tranh đó chắc chắn đã tồn tại và diễn ra từ ngàn xưa, ở nhiều góc độ khác nhau. Và cũng như câu chuyện của nước Mỹ có phần cốt lõi nằm ở sự thành lập và bảo vệ nền cộng hòa, câu chuyện của Việt Nam đến từ sự đấu tranh quân sự không ngừng nghỉ cho nền độc lập của mình. Những sử gia Hoa Kỳ và Pháp đều biết điều này, dĩ nhiên, vào khoảng thời gian của thập kỷ 50 và 60. Than ôi!

Nhà tù Hỏa Lò cũng là một phần của câu chuyện, hiện thân của sự đau khổ về mặt thể xác mà người Việt Nam đã phải hứng chịu dưới bàn tay của người Pháp. Điều làm cho tôi và Joe ngạc nhiên là cuộc chiến với Hoa Kỳ được dành tương đối ít thời gian và không gian trong câu chuyện mà bảo tàng đang muốn kể. Dường như nó là một tập phim rất ngắn trong một cốt truyện dài hơi mà rõ ràng là chỉ tập trung vào chủ nghĩa thực dân Pháp. Ở vị trí là một người Mỹ, thật không dễ dàng gì để hiểu vì sao không đánh giá cao cuộc chiến.

Bữa tối cùng nghệ sĩ Lê Thiết Cương đã được sắp xếp bởi Hải Nguyễn, một nhà văn tôi đã gặp qua sự giới thiệu của Chris Merrill tại một hội thảo cho văn sĩ ở Iowa. Hải biết Cương, người sau đó đã mời hai nhân vật rất thú vị cùng ăn tối - một nhà báo, và một nhà thơ. Với sự giúp đỡ của hướng dẫn viên kiêm phiên dịch của chúng tôi, Việt, chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện rất đáng nhớ về cuộc chiến và thực trạng của Việt Nam. Nhà thơ sinh ra ở Hà Nội và tham gia kháng chiến với vai trò của một người lính thông tin đã tham gia những trận đánh khốc liệt tại tỉnh Quảng Trị năm 1972 - 1973, những trận đánh đã để lộ rõ sự yếu kém của quân đội Sài Gòn khi thiếu đi sự yểm trợ của bộ binh Hoa Kỳ. Mẹ của Cương đã nấu bữa tối: gà luộc khai vị ăn kèm với tương ớt, gỏi cuốn nhà làm rất tuyệt vời, một món cơm cùng với cá, súp gà, trà. Và rượu whiskey.

Sáng nay Joe bảo tôi rằng ký ức cũng đang ùa về với anh theo cách rất lạ lùng và rối bời. Anh kể cho tôi câu chuyện về một lần đi cùng máy bay trực thăng với nhóm thủy quân lục chiến, máy bay đã va phải một đoạn cáp lúc cất cánh và lật xuống một cánh đồng ngập nước do gió mùa. Tay súng chốt chặn ở cửa không hề biết bơi và đã chết nước. Joe nói rằng câu chuyện đó thực sự rất khó để quên đi. Khó khăn vậy đấy.

Thứ Sáu, ngày 17 tháng 3

Ngồi bên hàng hiên của khách sạn, chúng tôi đang ở tại Huế, nhìn ra dòng sông Hương hướng về phía Kinh thành cổ kính. Những chiếc thuyền ngược xuôi dòng sông. Tôi có thể nhìn thấy bức tường bọc lấy Kinh thành. Chúng tôi đã đi quanh Kinh thành hôm qua. Rất ấn tượng, mặc dù cần phải phục hồi rất nhiều. Dường như vẫn tồn tại một niềm tự hào lớn lao đối với lịch sử của chế độ quân chủ và hoàng gia Việt Nam trước giai đoạn chiếm đóng của Pháp. Tôi vui vì đã được nhìn thấy các pháo đài và cung điện hoàng gia của Hàn Quốc trước đó. Hàn Quốc đã đi xa hơn nhiều trong những nỗ lực bảo tồn của họ, một nỗ lực đồng thời phát triển sự thịnh vượng và bảo tồn lịch sử quốc gia một cách liên tục và đồng nhất. Cả hai nền văn hóa đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi Nho giáo, trong đó Huế là trung tâm của Đông Nam Á.

Vùng nông thôn vẫn rất đẹp, mặc dù có những thay đổi to lớn. Phần lớn việc canh tác nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa và rau, dường như (vẫn) được thực hiện bằng tay. Cuối ngày, chúng tôi đến thăm lăng mộ của hoàng đế Minh Mạng. Một nơi đáng kinh ngạc, dù bị xói mòn nặng nề, nhưng vẫn ấn tượng.

Tối qua tôi đã ăn tối tại nhà và phòng tranh của nghệ sĩ Bội Trân, người được giới thiệu trong tập phim của Anthony Bourdain tại Việt Nam. Chúng tôi được đón tiếp bởi cháu gái của Bội Trân, một sinh viên năm cuối tại trường Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Tôi đã học được rất nhiều điều về Huế và vị trí của nó như là nơi đặt nền móng của các giá trị Nho giáo truyền thống, đặc biệt là lòng hiếu thảo. Quả là một thế giới khác biệt! Tưởng tượng mà xem, lòng hiếu thảo! Việc những giá trị truyền thống này và giá trị của chủ nghĩa xã hội hòa quyện vào với thế giới đương đại, dưới một góc độ nào đó, chính là cái cốt lõi của sự phát triển của Việt Nam.

Tôi ý thức được cái bẫy của việc quan sát toàn bộ trải nghiệm này qua ống kính của việc nó có ý nghĩa với tôi cũng như với quá khứ như thế nào. Dưới nhiều góc độ, Việt Nam là một nơi rất khác biệt và rõ ràng là không hề bị mắc kẹt trong quá khứ, hoặc ít nhất không phải là phần quá khứ mà tôi quan tâm hay có mối liên hệ đối với tôi. Đối với hầu hết người Mỹ, cái bẫy ở đây đã từng là (và vẫn là) việc luôn luôn nhìn Việt Nam qua ống kính của lịch sử và mối quan tâm riêng của chúng ta.

Thứ Bảy, ngày 18 tháng 3

Một ngày tuyệt vời. Chúng tôi đi xe dọc theo quốc lộ 1 nổi tiếng từ Huế đến một điểm ngay phía bắc Đà Nẵng. Cảnh núi rừng và vùng duyên hải tuyệt đẹp. Sau đó chúng tôi chạy xe dọc theo một con đường đẹp và yên tĩnh tiếp giáp với vùng đầm phá lớn trong đất liền. Sau khi dừng chân uống nước trong chốc lát, chúng tôi bắt đầu leo lên đèo Hải Vân - một đoạn leo tầm 600 mét tiếp nối với 6 dặm đường gập ghềnh ở độ nghiêng 8%. Phía dưới mặt đất đang rất nóng. Khoảng nửa đường đến đỉnh, gió bắt đầu hú và chúng tôi bị bao phủ trong sương mù. Rất ẩm ướt và nhiều gió, tốc độ gió tới 40 dặm một giờ. Cuối cùng tôi đã lên đến đỉnh, nhưng vài kilômét cuối cũng vừa vắt kiệt khả năng của tôi. Trên đường đi xuống, đội đua xe đạp chuyên nghiệp của Hà Nội đã đi vượt qua chúng tôi. Ở chân đèo, mặt trời xuất hiện trở lại, và đường chân trời của Đà Nẵng đi vào tầm mắt. Hàng tá tòa nhà cao tầng mọc lên ở phía xa. Đà Nẵng hiện là thành phố lớn thứ ba của Việt Nam với 1,5 triệu dân.

Sau bữa trưa, chúng tôi đi xe jeep lên Núi Khỉ, hiện thời là một khu bảo tồn động vật hoang dã cấp quốc gia. Joe từng bay qua khu vực núi này hàng chục lần khi đơn vị trực thăng của anh vận chuyển quân lính và thiết bị đến các khu vực phía bắc Đà Nẵng. Khi gần đến đỉnh, chúng tôi thấy một chú khỉ di chuyển trong lùm cây. Trên đường xuống núi, ta có thể nhìn thấy toàn bộ chiều dài của bãi biển, kéo dài khoảng 20 dặm về phía nam và bây giờ bao phủ bởi các khách sạn resort mới.

Chúng tôi trở lại đường cao tốc dọc bờ biển để tìm kiếm vị trí của căn cứ và đường băng trực thăng của Joe. Tất cả những gì còn lại là một bức tường và một vài mái vòm bê tông bảo vệ phi đội trực thăng của Joe. Những thứ khác đều đã biến mất. Một đường cao tốc ven biển mới bây giờ nằm trên vị trí đường băng cũ, và thay vào vị trí khu doanh trại của Joe cùng các cơ sở khác của quân đội Mỹ là rất nhiều khách sạn và chung cư xếp dọc theo bãi biển nào là Four Seasons, Ritz Carleton, Crown International Club, và Hilton...

Joe cảm thấy rất ngạc nhiên. Khi anh ở đây vào năm 1970, không có con đường nào chạy dọc theo bãi biển và những tòa nhà liền kề duy nhất là các khu quân sự tạm thời phục vụ các phi công. Bãi biển hầu như không có người và cũng chẳng có gì ở khu vực gần bãi biển ngoài các boongke và cát. Đà Nẵng lúc bấy giờ vẫn là một thành phố khiêm tốn, nơi lính thủy quân lục chiến đến uống rượu và gặp gỡ phụ nữ. Bây giờ bãi biển là một khu vực bùng nổ, hết khách sạn lại đến chung cư rồi lại đến khách sạn, thu hút các nhà đầu tư và khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới. Đà Nẵng sẽ sớm trở thành bãi biển Miami của Đông Nam Á.

Tôi cho rằng, theo một cách nào đó, điều này rất bất ngờ và là một tín hiệu rất tốt cho đất nước. Người Việt Nam rất năng động trong chuyện kinh doanh và bãi biển là một nguồn tài nguyên lạ lùng. Và dĩ nhiên đất nước phải tiếp tục phát triển. Ở thời điểm hiện tại, hàng trăm nghìn khách du lịch đổ xuống Đà Nẵng mỗi năm, một số còn đầu tư vào sự phát triển bùng nổ của Việt Nam. Đất nước này là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của chúng ta và người Mỹ được chào đón ở đây với vòng tay rộng mở. Và chúng ta đến đây với con số hàng chục ngàn người.

Trước khi đi Hội An, chúng tôi đã leo lên Ngũ Hành Sơn, một địa điểm tôn giáo rất quan trọng là nơi cư trú của một số ngôi chùa Phật giáo. Một địa điểm tuyệt vời, và vào tuần này, đây là địa điểm hành hương thiêng linh. Hàng trăm người Việt leo núi cùng chúng tôi để thăm những hang động tuyệt đẹp nơi các nhà sư thờ phụng và thiền định. Joe và các phi công của mình đã bay qua vùng núi này mỗi ngày, biết về các ngôi chùa. Đó là một câu chuyện mang tính biểu tượng của cuộc chiến với Mỹ.

Chủ nhật, ngày 19 tháng 3

Chúng tôi rời khách sạn ở Hội An sáng nay và đi thuyền ngược dòng sông đến một ngôi làng nhỏ nổi tiếng với nghề gốm. Một địa điểm lâu đời, với một lịch sử rất dài gắn liền với nghề gốm. Phần còn lại của buổi sáng, chúng tôi chạy xe quanh vùng nông thôn ở rìa Hội An. Dân cư đông đúc hơn khu vực xung quanh Huế, không đẹp như Huế, nhưng vẫn rất thú vị. Chúng tôi đi ngang qua và bắt gặp một số nghi lễ tại các sân đình.

Chúng tôi dừng chân để uống nước và ăn hạt điều tại một trang trại rau. Chúng tôi tìm hiểu được rằng nông dân trong khu vực này đã được trao quyền sở hữu đất cách đây vài năm, sau nhiều thập kỷ canh tác tập thể. Đó là một tín hiệu thú vị thể hiện hướng đi của nền kinh tế.

Thứ Hai, ngày 20 tháng 3 và thứ Ba, ngày 21 tháng 3

Trên đường đến sân bay Đà Nẵng, chúng tôi dừng lại ở Bảo tàng Chăm. Bộ sưu tập nhỏ nhưng rất ấn tượng. Người Chăm xây dựng những khu phức hợp đền thờ nổi tiếng được khai quật bởi người Pháp vào đầu thế kỷ 20. Ở những địa điểm và giai đoạn khác nhau, người Chăm theo Ấn Độ giáo và Hồi giáo, và có lẽ có cả Phật giáo. Nó nhắc tôi nhớ về sự đa dạng của văn hóa và tôn giáo của Việt Nam bao thế kỷ qua. Có một ngôi làng người Chăm nằm ngay bên ngoài Châu Đốc, tôi tin là họ theo Hồi giáo.

Chúng tôi hạ cánh tầm khoảng 2 giờ chiều tại sân bay Sài Gòn, một sân bay quốc tế rộng lớn và rất hiện đại. Khi tôi rời Việt Nam vào tháng 5 năm 1969, sân bay được gọi là Tân Sơn Nhứt. Cơ sở hạ tầng lúc đó giống như của một sân bay cấp hạt, bao quanh bởi hàng trăm tòa nhà quân sự và máy bay. Trên đường đi vào thành phố, người ta có thể cảm nhận được độ lớn của Sài Gòn. Chín triệu dân trải rộng trên một không gian rộng lớn. Xe gắn máy ở khắp mọi nơi, luôn trong chuyển động vĩnh viễn và điên cuồng mà chỉ có một nhà vật lý lý thuyết hạt mới có thể hiểu được. Chúng tôi nhận phòng tại Caravelle, nơi tôi đã ăn tối với chú Ernie của tôi vào năm 1968. Ngay phía dưới và đối diện với phòng của mình, tôi có thể thấy rõ khách sạn Continental Palace, nơi Ernie cũng đã đưa tôi đến.

Joe và tôi ra ngoài uống một chút rượu trước bữa tối tại Continental Palace, và chúng tôi ngồi tại một bàn ngay bên đường, chính là nơi tôi ngồi cùng Ernie. Một cảm giác lạ lùng và kỳ quái, quá gần và cũng quá lâu rồi kể từ quãng thời gian đó. Xung quanh chúng tôi, thành phố đang di chuyển với muôn hình vạn trạng trong nhịp thở đương đại. Bây giờ đúng là hội nhập quá. Tất cả các nhãn hiệu thương mại châu Âu đều được trưng bày; những chiếc xe đắt tiền và những phụ nữ xinh đẹp.

Joe và tôi ra ngoài ăn tối tại một nhà hàng Việt Nam sang trọng. Chúng tôi ngồi cạnh hai người phụ nữ Mỹ trò chuyện ầm ĩ, dường như họ đang làm việc tại Việt Nam. Joe và tôi trò chuyện về gia đình của chúng tôi. Quay trở lại phòng khách sạn, tôi không thể rời mắt khỏi khung cảnh thành phố và đường chân trời, nó giống như những gì người ta sẽ thấy ở Singapore hoặc Seoul.

Sáng hôm sau chúng tôi bắt đầu ngày mới bằng cách nhảy lên yên sau của hai chiếc xe máy. Lái xe của chúng tôi là các bạn sinh viên đại học. Chúng tôi xuất phát và hòa vào với dòng xe cộ điên cuồng của giờ cao điểm, một trải nghiệm không dành cho những kẻ yếu tim. Tôi níu vịn vào tay cầm sau ghế, khớp ngón tay bóp chặt trắng bệch cả ra. Joe có vẻ thoải mái và không lo lắng gì, quay phim trong lúc chúng tôi đi.

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là địa điểm tự thiêu của tu sĩ Phật giáo, Thích Quảng Đức. Chúng tôi đã thấy ngôi chùa của ông ở Huế, và bây giờ chúng tôi đang ở nơi mà cuộc sống của ông đã đi đến điểm kết thúc của định mệnh.

Chúng tôi đã đi qua chợ hoa Sài Gòn, rồi đến Chợ Lớn - Phố người Hoa. Điên cuồng và đông đúc, tâm điểm của các giao dịch mua bán sĩ trong thành phố. Rất thu hút, và hoàn toàn không giống như những trung tâm hiện đại. Không có tòa nhà cao tầng nào; không có thương hiệu châu Âu sang trọng nào; mọi loại thực phẩm và hàng hóa đều được bày ở đây, và đám đông nhộn nhịp mua bán. Tôi đã không biết cho đến khi Việt nói với tôi rằng Châu Đốc là điểm đến chính của người nhập cư Trung Quốc vào Sài Gòn từ nhiều thế kỷ trước.

Sau bữa trưa, chúng tôi lái xe ngang qua Dinh Độc Lập (nay là Dinh Thống Nhất), ghé thăm Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện cũ của Pháp trong chốc lát. Ernie sống trong khu phố này vào năm 1968, và tôi nhìn quanh tìm kiếm căn hộ của ông, cũng không ngạc nhiên khi không gặp chút may mắn nào. Buổi chiều, chúng tôi đã đến khách sạn Rex và ngồi trên sân thượng ngay phía trên quảng trường dẫn đến hội trường thành phố. Tại Rex vào những năm 1960, các nhà báo Mỹ đến đây để uống rượu và phàn nàn về các cuộc họp quân sự - “các cuộc họp điên rồ lúc năm giờ”, diễn ra hàng ngày trong một phòng họp ở tầng trệt.

Thứ Tư, ngày 22 tháng 3

Về đồng bằng sông Cửu Long.

Lái xe đến Châu Đốc trên quốc lộ 4 cũ, bây giờ là một con đường chia bốn làn nối Sài Gòn và Mỹ Tho. Cảnh quan đồng bằng đi vào tầm mắt - những cánh đồng lúa, những hàng dừa và chuối. Nằm rải rác giữa các cánh đồng là các nhà máy và khu công nghiệp mới. Nơi đây dân cư thưa thớt hơn nhiều so với các vùng trung tâm của đất nước. Và dường như giàu có hơn nhiều.

Chúng tôi gặp sông đoạn gần Mỹ Tho, rẽ phải, và đi về phía Cao Lãnh. Con đường nhỏ bên bờ sông, giáp với các trang trại nhỏ. Cảnh quan và cái nóng dữ dội khơi gợi trong tôi nhiều cảm giác. Mọi thứ đều trông rất quen thuộc, cảm giác cũng rất quen thuộc, và đột nhiên tôi cảm thấy rất hạnh phúc.

Chúng tôi kết thúc hành trình của mình gần Cao Lãnh và tải xe lên một chiếc thuyền có mái che đưa chúng tôi đến phía tây của sông Mekong. Ngay giữa thuyền là một cái bàn, nơi chúng tôi ăn một bữa trưa tuyệt vời, có cá sông chiên, gỏi cuốn, súp cá da trơn và trái cây. Đầu bếp là một cô gái xinh đẹp, có lẽ tầm tuổi mười chín, đôi mươi. Thêm nhiều kỷ niệm.

Chúng tôi đến bờ phía tây ở Vĩnh Long, nơi tôi đã ghé thăm ít nhất một lần trong cuộc chiến. Từ đó chúng tôi lái xe đến Bassac, nhánh phía tây của sông Mekong. Tại đó, chúng tôi lên một chiếc thuyền khác chạy nhanh hơn nhiều để đến Châu Đốc.

Châu Đốc vào chiều muộn, cảm giác vừa phấn khích vừa hồi hộp. Tôi nhận ra những mong đợi mãnh liệt của mình đối với nơi đây. Đó là một buổi chiều muộn tuyệt đẹp vào mùa khô, với những đám mây dày, khổng lồ bươn mình phủ lên dòng sông và thành phố. Mặt trời xuống thấp ở đường chân trời và tất cả mọi thứ khoác lên mình một thứ ánh vàng mờ ảo.

Trên sông tấp nập thuyền bè và các hoạt động. Chúng tôi lên bờ tại khách sạn Victoria, vừa được xây dựng cách đây không lâu, nơi giao lộ của sông Bassac và kênh Tân Châu. Đó là một cảnh tượng hào hùng và tôi cảm thấy ấn tượng bởi sự kỳ lạ và vẻ đẹp của nó. Sau khi làm thủ tục nhận phòng, chúng tôi bắt đầu tản bộ quanh thành phố, hướng về phía trụ sở cũ của Việt Nam và Trại Arnn, nhà tôi những năm 1968 - 1969.

Không có gì trông quen thuộc ở trung tâm thành phố, ngoại trừ dòng sông. Một bến tàu bê tông rất đẹp chạy dài vài trăm mét dọc theo bờ sông, một không gian mở đáng yêu nơi mọi người tụ tập để tập thể dục, nói chuyện và đi dạo. Chúng tôi đi qua khu chợ của thành phố, chợ nằm dọc bờ sông kéo dài vài trăm mét. Đó là một nơi đặc biệt, với mọi loại trái cây và rau quả, cá và thịt, được bày trong các quầy hàng nhỏ, đứng trông hàng chủ yếu là các chị em phụ nữ. Trong quãng thời gian tôi từng sống nơi đây, không điều gì có thể so sánh với nó về quy mô hay sự phong phú.

Rời khỏi chợ, chúng tôi tiếp tục đi về phía bắc dọc theo dòng sông. Tôi bắt đầu lo lắng về việc nắng chiều đang tắt dần và bắt đầu đi nhanh hơn, mồ hôi đổ xối xả. Đoạn, tôi tưởng chừng mình đã nhìn thấy một cái gì đó quen thuộc và sau đó tôi nhận ra rằng nó thực sự không quen thuộc tí nào. Quá nhiều thay đổi; nơi đây đông đúc và có nhiều nhà cửa hơn so với hình ảnh trong ký ức của tôi.

Chúng tôi tiếp tục đi, cuối cùng cũng đến kênh Vĩnh Tế. Có một cây cầu hẹp, vắt qua kênh đào, tôi không nhớ nó đã từng ở đây. Ở phía bên kia là một ngôi chùa nhỏ. Hy vọng tan dần đi, chúng tôi băng qua kênh và nhìn về góc xa. Tôi không thấy gì quen thuộc trong những dãy nhà dài, hay bất cứ thứ gì có dáng dấp một khu trại. Tôi nhờ hướng dẫn viên của chúng tôi hỏi thăm hai người đàn ông đang ngồi nói chuyện ở góc đường. Một trong số họ dường như tầm tuổi tôi. Anh đưa ra một lời giải thích cặn kẽ về việc tất cả các cơ sở quân sự của thời kỳ chiến tranh đã được gỡ xuống và thay thế.

Chúng tôi ăn tối ở một nơi đơn giản với thức ăn ngon - mì (dĩ nhiên), gà, một ít cá. Các món ăn ngon nhất ở đây hầu như luôn luôn được bán ở những nơi rất đơn giản thế này, họ chỉ tập trung vào phục vụ một vài món ăn địa phương.

Chúng tôi quay trở lại khách sạn, đi ngang qua trung tâm thành phố. Tôi ngạc nhiên bởi những thay đổi nơi đây. Tại một trong những giao lộ chính, các góc đường bị chiếm bởi một ngân hàng OCB, một đại lý của Honda, và một cửa hàng điện tử khổng lồ có tên là “thegioididong”, được chiếu sáng bằng bóng neon chói lóa. Phía bên trong, nó trông giống như bất kỳ chuỗi cửa hàng điện tử tổng hợp nào ở Mỹ hay châu Âu; mọi thứ từ tivi đến lò nướng bánh, tới điện thoại di động, đến máy tính xách tay và các thiết bị gia dụng sử dụng điện. Khi tôi ở đây vào năm 1968, hầu hết các vùng nông thôn đều thiếu điện, nói gì đến máy phát truyền hình.

Thứ Năm, ngày 23 tháng 3

Chúng tôi rời đi sáng nay từ Nha Bằng, hướng về phía nam về Tri Tôn. Chúng tôi leo lên một đường dốc vào đèo Nha Bằng, một điểm có địa thế cao trên tuyến lộ được bao quanh bởi những ngọn đồi dốc. Tôi nhớ đến sự cằn cỗi và quạnh vắng của nó ở thời điểm đó. Không còn như vậy nữa.

Chúng tôi đi xuống vùng đồng bằng xinh đẹp gần Chi Lăng. Những hàng dừa ngay ngắn được ngăn cách bởi những cánh đồng lúa xanh tươi rực rỡ. Núi Cấm sừng sững vươn lên phía bên phải chúng tôi, và vùng đồng bằng kéo dài bất tận nằm về phía bên trái chúng tôi. Tôi dừng lại ở Chi Lăng để chụp ảnh, xem chợ và các con đường bận rộn. Tôi nghĩ ở đây chẳng có gì vào thời điểm năm 1968, nhưng tôi không chắc chắn lắm.

Tôi cảm thấy kinh ngạc trước con đường đến Tri Tôn. Bây giờ, nó là một khu vực lớn và bận rộn, biến đổi hoàn toàn. Bây giờ thành phố phát triển theo mọi hướng, dày đặc, bận rộn và dễ gây nhầm lẫn. Cuối cùng tôi đã bắt gặp điều gì đó quen thuộc ở một khu nhà chùa Theravada. Chúng tôi dừng lại khám phá và chụp ảnh. Đó là một nơi ấn tượng, lớn hơn nhiều so với trí nhớ của tôi.

Quay trở lại xe, chúng tôi rời Tri Tôn đi về hướng Nam về phía Núi Cô Tô. Con đường hẹp lại, làm cho giao thông trở nên tệ hơn. Tồi tệ nhất là những chiếc xe rác lớn lấn đi trên cả hai làn đường. Các mỏ đá lớn xuất hiện ở sườn đông và đông nam của núi Cô Tô, những vết sẹo khổng lồ trên cảnh quan. Chúng là dấu hiệu của các tác động tiêu cực đến môi trường, cái giá của sự phát triển thần tốc.

Chúng tôi đi bọc quanh phía đông nam của dãy núi và xe cộ bất ngờ biến mất đoạn gần ấp Cô Tô, nơi mà tôi và Peter đã đến thăm Nhóm Cố Vấn Lưu Động vào năm 1969. Đoạn đường dọc theo sườn phía nam của Cô Tô rất yên bình. Không có xe hơi hay xe tải, thậm chí còn không có một chiếc xe tay ga nào. Đó là cảnh quan yên tĩnh và hoang sơ nhất mà chúng tôi đã thấy ở Việt Nam. Cũng giống như Chi Lăng, cánh đồng lúa đẹp đẽ được chấm phá bởi những hàng dừa lớn chạy dài đến rìa núi. Ngọn núi này lớn hơn so với trong trí nhớ của tôi, và không phải là một chặng leo dễ dàng, tôi nghĩ vậy. Tôi không thể thôi suy tư về ý nghĩa của Cô Tô đối với chúng tôi, cảm giác ngờ ngợ mang chút huyền thoại trong đó.

Những kỷ niệm này và những thứ khác lấp đầy trí óc tôi khi chúng tôi quẹo góc và dừng lại ở An Tuc và lối lên gò Tuc Dup. Có một tấm bản đồ mô tả gò và hầm chỉ huy, vũ khí, bệnh viện và kho thực phẩm. Chúng tôi bắt đầu lên núi. Đường đi không dễ dàng - không phải là quá dốc, nhưng lộn xộn gập ghềnh những tảng đá khổng lồ xếp lại với nhau như một tổ ong lỗi lõm các lỗ. Chúng tôi trèo lên và khám phá. Có những bảng chỉ dẫn giải thích việc sử dụng các đường hầm khác nhau ra sao và cách đi từng bước theo các con dấu đã được đánh sẵn trên những tảng đá. Thật sự khủng khiếp khi phải sống ở đây và chịu đựng những cuộc không kích, chất độc màu da cam và đạn gây cay một cách thường xuyên. Cảnh sống khổ cực làm sao.

Từ Tuc Dup, chúng tôi đi về phía bắc, rồi về phía tây, sau đó về phía tây nam một đoạn trước khi quay về phía đông bắc hướng về làng Ba Chúc, rất gần biên giới Campuchia. Núi Troung xinh đẹp xuất hiện trong tầm mắt, và chúng tôi đi thẳng đến đó, qua nhiều cánh đồng lúa xanh tươi rực rỡ. Tôi nhớ rằng mình đã đến doanh trại Đội A gần đó của Lực Lượng Đặc Biệt tại Ba Xoia nhiều lần, một nơi tuyệt đẹp và nằm ở vùng xa. Tôi vẫn còn có bức ảnh một cậu bé Khmer trẻ tuổi mà tôi đã chụp ở ngay bên ngoài rìa của trại.

Chúng tôi dừng lại chốc lát ở núi Sam trên đường về Châu Đốc. Ngọn núi đã trở thành một địa điểm hành hương quan trọng đối với Phật tử từ khắp nơi ở Việt Nam, và một con đường dài 4 làn xe hiện đang kết nối ngôi làng dưới chân núi với Châu Đốc. Vào bữa tối hôm đó, chúng tôi ăn mì sắn, cá biển, và rau quả địa phương ở một tiệm ăn nhỏ trên đường đến núi Sam.

Thứ Sáu, ngày 24 tháng 3

Đêm trước khi rời Châu Đốc đi Phnom Penh, tôi thức dậy vào giữa đêm và suy nghĩ về Trại Arnn. Đột nhiên tôi nghĩ đến việc có lẽ tôi đã không đi ngược dòng đủ xa để tìm thấy nó. Và vì vậy tôi thức dậy lúc 5 giờ, đem túi của tôi xuống tầng dưới, đi ra ngoài, và bắt đầu đi về phía kênh Vĩnh Tế.

Buổi sáng tuyệt đẹp, ánh sáng đầu ngày, chợ sớm vừa bắt đầu họp. Thật là một nơi tuyệt vời. Qua khỏi chợ, tôi nhận ra rằng tôi sẽ không có đủ thời gian để đi bộ toàn bộ quãng đường, vì vậy tôi tiếp cận một người lái xe xích lô và ra hiệu theo hướng tôi muốn đi. Anh gật đầu, tôi lên xe, và chúng tôi đi.

Chúng tôi băng qua kênh và tiếp tục đi về phía bắc dòng sông. Tôi nhìn chăm chú vào dãy nhà dường như kéo dài bất tận ra khỏi thành phố, tìm kiếm thứ gì đó có thể đã từng là một khu trại. Chúng tôi đã đi qua hai trường học, tương đối mới, có lẽ cần những mảnh đất rất rộng để xây dựng. Nhưng không có biển hiệu gì. Chúng tôi tiếp tục đi, ít nhất là 2km sau khi qua khỏi con kênh. Vẫn không có gì. Và vì vậy chúng tôi quay trở lại.

Bây giờ thì tôi tin rằng tôi đã nhớ đúng địa điểm, và khu trại đó thực sự đã biến mất. Tôi vô cùng nhẹ nhõm bởi vì ít nhất mình đã quyết định tìm kiếm một lần nữa. Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho bản thân mình nếu tôi đã không thử.

Ngược dòng Mekong đến Phnom Penh.

Lên thuyền đi Phnom Penh lúc 7 giờ sáng. Chúng tôi đi về phía đông một đoạn, sau đó rẽ về phía tây trên kênh Tân Châu. Con kênh giờ đây bận rộng hơn, với nhiều thuyền hơn và thuyền lớn hơn, nhưng theo những cách khác thì vẫn rất quen thuộc.

Thứ Bảy - Chủ Nhật, ngày 25 - 26 tháng 3

Khi quá cảnh từ Vientiane đến Hà Nội, Seoul và Detroit, tôi nghĩ về những gì tôi đã thấy và học được lần này ở Việt Nam, ý nghĩa của cuộc hành trình và ý nghĩa của nó đối với tôi.

Theo một cách quan trọng - ở những nơi như Châu Đốc, hay ở bất cứ nơi nào khác - tôi có cảm giác mạnh mẽ rằng cuộc chiến với Mỹ, và trải nghiệm của riêng tôi trong cuộc chiến, đã bị nuốt chửng bởi gần 50 năm lịch sử kể từ thời điểm đó, và bởi nguồn năng lượng, những mục tiêu tuyệt vời và những thành quả đạt được của đất nước kể từ năm 1975. Và như vậy, giống như Trại Arnn ở Châu Đốc hay sở chỉ huy ở Triton hoặc căn cứ trực thăng của Joe ở Đà Nẵng, có rất ít hoặc không gì còn sót lại từ khoảng thời gian đó. Việt Nam đã hoàn toàn thay đổi và khác biệt so với nơi tôi từng biết và trải nghiệm.

Điều đầu tiên ta có thể đề cập đến, nó lớn hơn rất nhiều. Dân số hiện nay đến khoảng 90.000.000 người, gần gấp đôi năm 1968, và khoảng 65% dân số ở thời điểm hiện tại được sinh ra sau năm 1975. Nền kinh tế cũng đã thay đổi và phát triển với tốc độ ngoạn mục từ năm 1995. Một giai đoạn lịch sử hoàn toàn mới và khác biệt đang diễn ra ngay bây giờ, không bị ràng buộc bởi những lo lắng, những nhu cầu và những ký ức của thế hệ tôi.

Văn Cầm Hải dịch và giới thiệu  
(TCSH357/11-2018)





 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Gam màu lạnh (13/12/2018)