Tạp chí Sông Hương - Số 358 (T.12-18)
KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ NGUYỄN CHÍ DIỂU (1908 - 2018)
09:29 | 18/12/2018

LTS: Sáng ngày 8/11/2018, tại Huế đã diễn ra Hội thảo “Đồng chí Nguyễn Chí Diểu với Cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức. 

KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ NGUYỄN CHÍ DIỂU (1908 - 2018)
Đồng chí Nguyễn Chí Diểu

Đây là hội thảo lớn về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Chí Diểu (1908 - 2018) - một cán bộ lãnh đạo xuất sắc, người con ưu tú của Thừa Thiên Huế; Hội thảo đã cho ra mắt tập Kỷ yếu dày dặn với sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Chí Diểu (1908 - 2018), Tạp chí Sông Hương giới thiệu đến bạn đọc bài viết: “Đồng chí Nguyễn Chí Diểu” của nhà thơ
Nguyễn Khoa Điềm, “Những đóng góp của  đồng chí Nguyễn Chí Diểu với phong trào  cách mạng dân chủ (1936 - 1939) ở Huế” của TS. Nguyễn Thái Sơn, “Những hoạt động của Nguyễn Chí Diểu trên lĩnh vực báo chí trong cao trào dân chủ 1936 - 1939” của PGS. TS. Đỗ Xuân Tuất, góp phần làm sáng lên những cống hiến của đồng chí Nguyễn Chí Diểu đối với đất nước, đồng thời giúp bạn đọc hiểu sâu hơn về sự nghiệp báo chí của đồng chí gắn liền với cuộc đời tranh đấu.  



NGUYỄN KHOA ĐIỀM *  

Đồng chí Nguyễn Chí Diểu  

Đồng chí Nguyễn Chí Diểu sinh năm 1908, con thứ năm trong một gia đình đông con ở làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Cha của anh là Nguyễn Chí Năng, một nhà nho hiền lành, đức độ, dòng dõi một gia đình nhiều đời làm quan.

Gia đình anh không có ruộng tư, chỉ cày cấy số ruộng khẩu phần do làng cấp. Nguồn sinh sống chính của gia đình dựa vào sáu sào vườn do các đời trước để lại; vườn đầy cau, mít, chuối, mùa nào thức nấy, bán cho bạn hàng các chợ quanh vùng. Bà mẹ anh, một người đàn bà tảo tần, hàng năm còn nuôi thêm vài lứa tằm, tự tay kéo lấy kén.

Anh lớn lên trong căn nhà tranh ba gian hai chái bên dòng sông Hương tươi mát, lặng lẽ.

Có một câu ca dao cũ nói về làng quê của anh:

Thanh Tiên cao bợc hẳm bờ
Khi mô ghe lại, mẹ nhờ duyên con.


Câu ca dao ghi lại hình ảnh khúc sông qua làng anh thường năm xói lở, cao bậc thẳm bờ, những người mẹ nghèo ở đây chỉ còn trông vào cái duyên con gái khéo lưu các đoàn ghe thuyền xứ Quảng ra buôn bán ở Bao Vinh (Huế) ghé lại đong gạo trước khi về Nam.

Thuở đó, theo nền nếp gia đình nhà nho, ông nội Nguyễn Chí Diểu bắt anh học chữ nho, lại mời thêm một thầy đồ làm bạn trong nhà, nhân thể kèm cặp con cháu học hành. Năm lên mười tuổi, ông nội anh mất, lối thi cử chữ nho cũng xếp lại, mấy anh em được chuyển qua học chữ quốc ngữ.

Lo cho đàn con ăn học, bà mẹ anh gánh nồi niêu, chăn đệm lên phố Hàng Bè (nay là đường Huỳnh Thúc Kháng) thuê một góc nhà nhỏ nuôi mấy anh em theo học trường Pháp Việt Đông Ba. Ngày ngày bà cụ tay dắt Diểu, lưng cõng người em trai anh đến trường.

Mấy năm sau thấy Diểu đã lớn, quen thuộc phố phường, bà cụ gửi Diểu ở lại trọ học ở một gia đình nghèo gần miếu Âm Hồn (bên đường Mai Thúc Loan hiện nay), còn mình thì trở về quê.

Diểu ở đây không bao lâu thì gặp một người bạn mới, trẻ hơn Diểu ba tuổi, khuôn mặt trắng trẻo, tròn trĩnh từ Quảng Bình đến tìm chỗ trọ học. Tuổi trẻ dễ thân quý nhau, Diểu liền mời bạn cùng ở với mình. Đó là Võ Giáp (tức Võ Nguyên Giáp sau này). Diểu rất quý người bạn mới thông minh, hiền lành, lại ít tuổi hơn mình; mọi cái anh đều nhường nhịn bạn, khi chỗ ngồi học, khi trái ổi hái sau vườn. Năm đó hai anh em cùng thi đậu vào trường Quốc Học, một trường trung học lớn nhất miền Trung lúc đó và được xếp vào cùng một lớp, lớp đệ nhất niên A.

Ngày 15 tháng 9 năm 1925, Nguyễn Chí Diểu bước vào cổng trường Quốc Học, bắt đầu cuộc đời của một học sinh trung học. Ngôi trường to lớn này đã được xây cất hoàn chỉnh trước đó mấy năm, rực rỡ tường vôi, mái ngói. Hiệu trưởng, tổng giám thị và phần lớn giáo sư là người Pháp, họ thực hiện một chế độ giáo dục sặc mùi thực dân, rất coi rẻ học trò bản xứ. Họ áp dụng một thứ kỷ luật gần giống trại lính đối với học sinh để biến người đi học thành những công chức tương lai ngoan ngoãn, dễ bảo, phục vụ nền cai trị thuộc địa. Vì vậy mối quan hệ thầy trò Pháp và Việt đã căng thẳng âm ỉ từ nhiều năm vẫn không ngừng tăng lên.

Nhiều người còn nhắc lại cuộc đấu tranh của lớp học sinh thời Trần Phú theo học trước đó mấy năm đã kiên quyết tẩy chay giáo viên dạy toán Đuy boa (Dubois), nhất quyết không chịu vào lớp ông giáo hay đánh học sinh một cách tàn nhẫn này. Nhà trường buộc lòng phải chuyển Đuy boa qua lớp khác. Bên cạnh những giáo viên Pháp nặng đầu óc thực dân, tại đây cũng có nhiều thầy Việt tâm huyết như thầy Võ Liêm Sơn, Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai, Nguyễn Khoa Tú… Giữa giờ lên lớp, trong những buổi học trò đến thăm thầy, các thầy giáo đều khéo léo khơi gợi lòng yêu nước, tình cảm dân tộc trong học sinh, nhắc nhở học trò không quên nhục mất nước, khích lệ các em sống xứng đáng với truyền thống con Rồng cháu Tiên. Tấm gương khẳng khái của thầy Cao Xuân Huy không phai mờ trong tâm trí Nguyễn Chí Diểu những năm đi học đó. Mặc dù biết viên hiệu trưởng Bu rốt (Burotte) tìm cách hãm hại mình, trong giờ sử lớp nhị niên, thầy Huy vẫn hùng hồn cao giọng ca ngợi khí phách của của quân dân đời Trần đánh thắng quân Mông Cổ như một truyền thống chống xâm lăng oanh liệt của nước Đại Việt trước bộ mặt cau có của viên hiệu trưởng thực dân dự giờ lên lớp. Đó là giờ lên lớp cuối cùng của thầy: Bu rốt đã ghi vào hồ sơ của thầy Huy: “Rất giỏi về sư phạm, rất xấu về chính trị”. Còn thầy Nguyễn Khoa Tú khi bị Bu rốt bắt ghi tên những học sinh bãi khóa đã nói thẳng: “Tôi là thầy giáo, không phải mật thám”. Viên giám đốc học chánh Trung Kỳ đã đuổi thầy khỏi trường Quốc Học.

Ngay sau kỳ thi tấn ích đầu tiên, Diểu đã tỏ ra là một học sinh giỏi; riêng Võ Giáp đã vươn lên đứng đầu lớp. Cả hai người đều được vào nội trú, được nhận học bổng toàn phần. Và nếu biết nhẫn nhục, ngoan ngoãn, chỉ một bề chăm chỉ học hành thì sau bốn năm đèn sách cũng kiếm cho mình tấm bằng thành chung, trở thành một công chức trong guồng máy cai trị, có đủ “rượu Tây, cơm Tây, ăn mặc đồ Tây tùy sở thích, hớn hở nghênh ngang” như lời cụ Phan Bội Châu châm biếm.

Tuy nhiên tình hình chính trị, xã hội Việt Nam những năm đó đã lôi cuốn tâm trí Nguyễn Chí Diểu theo một chiều hướng khác.

Đó là thời điểm cả nước dấy lên cuộc đấu tranh đòi thả chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu bị đế quốc Pháp bắt ở Thượng Hải và đưa về Hà Nội kết án. Cô giáo Trần Thị Như Mân và các nữ sinh trường nữ học Đồng Khánh làm đơn đòi thả cụ Phan. Trước áp lực của quần chúng, thực dân Pháp buộc phải “ân xá” Phan Bội Châu và đưa về giam lỏng tại Huế, nơi được coi là có bộ máy cai trị chặt chẽ, nghiêm ngặt nhất.

Cụ Phan Bội Châu đến Huế vào ngày cuối năm 1925, gây chấn động lớn cho kinh thành rêu phong ảm đạm này. Học sinh, đồng bào các giới, các nhân sĩ trí thức… chia nhau đến thăm, vấn an, tặng quà, xin ý kiến của cụ. Nguyễn Chí Diểu thường có mặt trong những dịp ấy.

Tết Nguyên đán năm Bính Dần 1926, Diểu và các bạn anh xúc động học thuộc lòng bài thơ mới của Phan Bội Châu “Bài ca chúc Tết thanh niên” với những dòng đầy cảm khái:

Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội
Xúm vai vào xốc vác cựu giang san
Đi cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan
Đây thành bại ghe phen liên hiệp lại!


Quan tâm lớp trẻ, chỉ mấy tháng sau ngày đến Huế, cụ Phan đến thăm hai trường Quốc Học, Đồng Khánh. Tại đây nhà chí sĩ đã kêu gọi học sinh phải chống cái học để làm nô lệ, nhận rõ bổn phận học hành là vì dân vì nước. Những lời lẽ có lý có tình, đầy sức mạnh lương tri của nhà yêu nước đã cuốn hút tâm trí Nguyễn Chí Diểu và các bạn anh. Tiếng nói sang sảng của cụ Phan gieo vào lòng những người trẻ tuổi như anh những tình cảm lớn.

Ấn tượng bài diễn thuyết của cụ Phan chưa phai mờ thì bảy ngày sau tin cụ Phan Chu Trinh qua đời tại Sài Gòn đã loan đi nhanh chóng. Diểu và các bạn bỏ học để tham dự các lễ truy điệu tổ chức nhiều điểm trong thành phố. Riêng anh cùng với Võ Giáp và bạn bè còn tổ chức một lễ truy điệu riêng để thắp hương cho cụ, nói lên lời nguyền đi theo chí hướng của các bậc tiên liệt.

Thông thường vào các ngày chủ nhật, trường cho phép học sinh nội trú về thăm nhà, Nguyễn Chí Diểu thường rủ Võ Giáp về làng Thanh Tiên quê anh nghỉ ngơi, vui chơi với bạn bè trong xóm. Trong nhà anh luôn có sẵn một bể nước mưa để hai bạn khi tắm sông về thì dội lại mấy gáo nước mưa trước khi ăn cơm. Cũng có khi các anh kéo nhau lên thăm thầy Võ Liêm Sơn, thầy Lâm Mậu để trao đổi tin tức, sách báo, nghe thầy dặn dò việc học hành. Năm 1926, Viện Dân biểu Trung Kỳ được thành lập. Đây là một tổ chức tư vấn cho chính quyền bảo hộ thực chất là hình thức trang trí cho nền cai trị thực dân. Nhưng trong khóa 1, với sự có mặt của cựu tù nhân Côn Đảo Huỳnh Thúc Kháng làm Viện trưởng, cùng nhiều nhà nho yêu nước tiến bộ như Lê Văn Huân, Hoàng Đức Trạch, Nguyễn Khoa Tùng, Lương Quý Di…, những cuộc thảo luận ở nghị trường cũng đã thu hút sự chú ý của cả xã hội. Nhiều lần Viện Dân biểu đã lên tiếng tố cáo một số chính sách bất công và hành động lạm quyền của bọn thực dân, đòi giảm thuế, mở thêm trường học…

Qua gặp gỡ, tiếp xúc sách báo, dư luận xã hội, lần đầu tiên Nguyễn Chí Diểu được biết một cái tên làm rung động lòng người: Nguyễn Ái Quốc.

Nhưng Nguyễn Ái Quốc là ai?

Nguyễn Chí Diểu là người tích cực trong nhóm thiếu niên thân tín của cụ Phan, một đêm mưa, anh được báo lên nhà cụ Phan gấp. Chính đêm đó anh được nghe nói khá tường tận về Nguyễn Ái Quốc. Lòng anh xúc động dạt dào khi biết Nguyễn Ái Quốc chính là người học sinh cũ của trường Quốc Học, con cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, đã một mình bôn ba khắp thế giới, làm nhiều nghề, lao động vất vả để sống và hoạt động yêu nước.

Sau đó không bao lâu, một tờ báo và một quyển sách lạ đến tay anh và Võ Giáp - tờ báo Le Paria và quyển “Bản án chế độ thực dân Pháp” in tại Pháp, trên bìa đề rõ tên tác giả Nguyễn Ái Quốc. Lật tờ báo ra, anh thấy rõ dáng một thanh niên dong dỏng cao đội mũ phớt đứng trên một ngọn đồi ở một xứ sở xa lạ, đó là Nguyễn Ái Quốc.

Càng ngày mối quan hệ thầy trò trong trường Quốc Học càng căng thẳng. Học trò ngày càng tỏ ra “cứng đầu”, “ngang bướng”. Trước đây mỗi lần thầy giáo Pháp mắng học sinh là “sale race” (giống bẩn), “sale annamite” (tên an nam bẩn) thì học sinh chỉ cúi đầu ngồi im, nay học sinh đã đứng dậy cãi lại. Hiệu trưởng Bu rốt, giám đốc học chánh Đê lê ti (Délétie), trùm mật thám Xô nhi (Sogny) biết rõ đây là hậu quả các cuộc diễn thuyết tại nhà Phan Bội Châu, đặc biệt là hoạt động của Đảng Việt Nam Cách Mệnh Đồng Chí Hội (tức Phục Việt) và Việt Nam Thanh Niên Cách Mệnh Đồng Chí Hội đang bén rễ vào phong trào học sinh.

Một sự kiện làm chúng rất hoảng hốt là một buổi chiều, vào lúc tan trường, học sinh Quốc Học và một số trường tiểu học đã kéo đến nhà Phủ Doãn và Tòa Khâm sứ đòi thả cụ Phan đang bị lưu giữ ở đó, ép chúng vào thế lúng túng phải thả cụ Phan ngay ngày hôm sau.

Hiệu trưởng Quốc Học và những kẻ cầm đầu Tòa Khâm sứ Pháp đã tính đến chuyện trừng trị những học sinh gây rối. Một trong những học sinh bị chúng chú ý trước nhất là Nguyễn Chí Diểu.

Trong kỳ thi kiểm tra cuối năm, chúng vu cáo anh vi phạm kỷ luật thi cử, đòi anh ra trước Hội đồng kỷ luật nhà trường do Hiệu trưởng đứng đầu. Viên hiệu trưởng mang nặng tâm lý kẻ thống trị, mạt sát anh coi thường học hành, theo đuôi những kẻ “lưu manh chính trị”, trong đó có cả Phan Bội Châu. Nguyễn Chí Diểu bác bỏ sự vu khống của Bu rốt, anh nói mình có quyền đến với cụ Phan Bội Châu, một người yêu nước đáng kính. Bu rốt tức điên người, y tuyên bố đuổi anh khỏi trường Quốc Học.

Từ khi Nguyễn Chí Diểu bước ra khỏi phòng thi lớp đệ nhị niên A đã náo động. Học sinh la ó: Nguyễn Chí Diểu, một học sinh giỏi của lớp, không phạm lỗi thi cử gì hết, đây là trò vu cáo bỉ ổi. Võ Giáp dẫn một số học sinh lên gặp Hác te (Harter) Tổng giám thị phản đối về kỷ luật vô lý với Nguyễn Chí Diểu. Hac te làm ngơ.

Chiều ngày 6 tháng 4 năm 1927, tin Nguyễn Chí Diểu bị đuổi học vô lý lan ra khắp trường. Học sinh các lớp trên như Đào Đăng Vỹ, Nguyễn Khoa Văn (sau này lấy bút hiệu là Hải Triều) xuống tiếp xúc với lớp nhị niên, biết chuyện, đều phẫn nộ. Sân trường náo động. Ngay thời điểm học sinh sắp hàng vào lớp đầu giờ chiều, Võ Giáp bước ra khỏi hàng la lớn:

- Bỏ học! Bỏ học! Phản đối đuổi Nguyễn Chí Diểu vô cớ! Phản đối đàn áp học sinh!

Tiếng hô được lớp nhị niên và nhiều khối lớp hưởng ứng. Khối đệ tứ niên gồm những học sinh lớn nhất đang di chuyển vào lớp liền dừng lại, xôn xao và túa ra cổng trường. Như đê vỡ, phút chốc cả trường tràn ra cổng chính trước con mắt hốt hoảng bất lực của Bu rốt và ban giám thị.

Người ta kể khi Võ Giáp dẫn các bạn đi ra cổng, Bu rốt còn kinh ngạc hỏi: Giáp! Cậu cũng ở đây à?

Ông ta không tin cậu học trò dễ thương, học giỏi mà có lần Bu rốt gọi lên phòng Hiệu trưởng khen ngợi và cho một đặc ân chọn lấy một quyển sách yêu thích trên giá sách của ông ta, lại có mặt trong đoàn bãi khóa.

Thế hệ đó bây giờ đã đi theo con đường khác: con đường độc lập dân tộc.

Ngay sáng hôm sau, học sinh Quốc Học đứng dọc đường Ju lơ Fe ri (Jules Ferry) - nay là đường Lê Lợi, hô hào các nữ sinh Đồng Khánh, trường sát nách Quốc Học xuống đường bãi khóa. Lập tức xô xát dữ dội giữa học sinh và cảnh sát. Một số học sinh bị bắt, đẩy vào lao Thừa Phủ gần đó. Phẫn nộ trước hành động tàn nhẫn của giới cầm quyền, nữ sinh Đồng Khánh tuyên bố bãi khóa, kéo đến Tòa Khâm sứ Pháp đòi thả các nam sinh bị bắt. Học sinh các trường tiểu học Chaigneau (nay lấy tên là Vĩnh Lợi), Paul Bert (nay lấy tên là Phú Hòa), Queignec (nay lấy tên là Thanh Long)… cũng ồ ạt kéo về đường Jules Ferry, xông tới cổng lao Thừa Phủ đòi ở tù cùng các anh lớn tuổi. Thành phố chấn động. Cảnh sát Pháp huy động xe vòi rồng phun nước bừa vào các học sinh, kể cả nữ sinh. Cả một quảng đường từ cầu Ga xuống Tòa Khâm ngổn ngang guốc dép, mũ nón, sách vở do học sinh bị đàn áp bỏ lại.

Sự phẫn uất trong học sinh và dân chúng lại tăng thêm. Mấy ngày hôm sau học sinh lại rùng rùng ra đường la hét đòi thả học sinh bị bắt. Nguyễn Hữu Bài, Thượng thư Bộ Lại ra lệnh đóng các cổng thành, đề phòng biến cố.

Nguyễn Chí Diểu cũng bị bắt. Một tuần sau, Diểu cùng các bạn được thả ra.

Để đối phó cuộc bãi khóa, các quan chức Pháp và Nam triều cho kiểm soát chặt chẽ các đường phố, cứ thấy có ba người đi với nhau là xô lại bắt. Chúng thông báo cho nghỉ lễ Phục Sinh sớm và kéo dài số ngày nghỉ lên đến hai tuần nhằm che lấp màu sắc chính trị của cuộc bãi khóa. Mặt khác chúng ra lệnh cho các viên chức có con em đi học phải đích thân đưa con em đến trường nếu không sẽ bị liên lụy…

Hàng loạt học sinh bị thông báo đuổi học, bị bắt bồi hoàn học bổng. Nhiều cô giáo, thầy giáo, công chức bị đổi đi xa. Nguyễn Chí Diểu vừa về đến nhà đã có lính đem trát đến đòi gia đình phải trả 120 đồng tiền học bổng mà “ân huệ” nước Pháp đã trao cho anh gần 2 năm qua. Cuộc vay trả thế là sòng phẳng. Anh biết con đường của anh bây giờ chỉ có thể là con đường chống chủ nghĩa thực dân. Các bạn anh: Võ Giáp, Nguyễn Khoa Văn, Nguyễn Hoàng, Trịnh Xuân An… đều bị đuổi học. Không ai bảo ai, các anh đều nuôi sẵn lòng mong mỏi một cuộc xuất dương. Bởi vì các anh được tin Nguyễn Ái Quốc đã về Quảng Châu. Nhưng thời gian trôi đi vẫn không thêm tin gì mới. Nguyễn Khoa Văn đành đi theo một nhóm nữ sinh Đồng Khánh trong đó có chị em cô Đào Thị Xuân Yến (tức bà Nguyễn Đình Chi sau này) ra Hà Đông học nghề dệt thủ công để chấn hưng nội hóa. Nguyễn Hoàng vào Sài Gòn kiếm sống và tìm đường hoạt động. Nguyễn Chí Diểu và Võ Giáp tạm chia tay nhau, người về Thanh Tiên, người ra An Xá (Lệ Thủy) chờ cơ hội.

Cuộc bãi khóa đã kết thúc nhưng tiếng vang của nó vẫn dội lại nhiều năm sau. Tháng 4 năm 1931, Rô banh (Robin), xử lý thường vụ Toàn quyền Đông Dương đánh giá đây là “cuộc gây men cho các cuộc đấu tranh theo xu hướng dân chủ và cộng sản”.

Sau bãi khóa, Nguyễn Chí Diểu bắt liên lạc rất nhanh với thầy giáo Võ Liêm Sơn, một đảng viên Phục Việt (sau đổi thành Việt Nam Cách mạng Đảng) và lăn vào hoạt động.

Những người gặp anh trong thời kỳ này đều nhận ra anh ngoài thời gian đạp xe đi chắp nối cơ sở lại vùi đầu đọc các sách báo cách mạng bằng tiếng Pháp. Trên bàn anh, bên cạnh bản nhạc La Mac xây de mà anh yêu thích là các quyển Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Tư bản của Mác, Chính trị kinh tế học của Xê gan do Nhà xuất bản Xã hội Pháp ấn hành, nhiều quyển còn mới.

Ngoài thời gian đọc sách, anh không bỏ lỡ cơ hội tiếp xúc với các nhà hoạt động chính trị xã hội thuộc nhiều xu hướng khác nhau để mở rộng tầm mắt, xác định hướng lựa chọn của mình. Anh chú ý các cuộc diễn thuyết bằng tiếng Pháp của Bửu Đình, Đồng Sĩ Bình bộc lộ thái độ chống Pháp rất dữ dội. Đồng Sĩ Bình sống cạnh làng Thanh Tiên của Nguyễn Chí Diểu; anh thường đến nhà Đồng Sĩ Bình học hè, mượn sách báo, có lúc ở lại ăn cơm trưa. Ít lâu sau, Phủ Thừa đưa lính về bắt trói Đồng Sĩ Bình bỏ vào thúng gánh đi; Bình ngồi trong thúng vẫn lớn tiếng chửi Tây.

Một hoạt động được Diểu yêu thích là rèn luyện thân thể. Anh tự trồng lấy xà đơn, xà kép trong vườn và tập đều đặn. Ai đã từng thấy anh làm động tác grand soleil (mặt trời) đều không khỏi thán phục sức khỏe và sự khéo léo của anh. Anh hướng dẫn bạn bè phương pháp thể dục Muy lơ, một phương pháp tiên tiến lúc đó và tự mình học thêm đánh bốc. Anh nói rằng sức khỏe và võ thuật cần cho cách mạng.

Mỗi lần về làng Diểu đều lôi cuốn bạn bè trong làng vào các trận bóng đá, các cuộc thi bơi. Ban đêm anh đọc sách, kể chuyện cho cụ thân sinh nghe về danh nhân nước nhà hoặc xay lúa, giã gạo giúp các chị em gái. Là người hiếu động, xốc vác, anh cũng thường bày các trò vui để chọc cười các bạn. Có một lần trong làng có một đám chay của một gia đình vào hàng chức sắc, khách ra vào rất đông phần lớn là những vị áo gấm bài ngà. Anh rất ghét những người cứ lấy cơ hội giỗ chạp để phô bày mề đay, kim khánh, bài ngà - những thứ ân huệ của thực dân, phong kiến. Anh liền bày cho các bạn đào gốc chuối cắt ra một loạt “bài ngà”, tự tay anh đề chữ nho lên rồi đeo lên cổ chó. Lạ gì các chú mực, vện, vàng hễ thấy nhà nào động dao thớt là chui hàng rào tìm đến, chạy quanh từ ngoài sân vào đến bếp, cắn nhau inh ỏi. Các cụ trong nhà nhìn ra tím mặt vì chú chó nào cũng đeo “bài ngà” đi lại nghễu nghện. Riêng bọn trẻ là cứ cười bò ra…

Tổ chức Việt Nam Cách mạng Đảng (sau này đổi là Tân Việt) phát triển khá nhanh trong trí thức, học sinh, thợ thuyền, một số công chức, quan lại, công thương gia và cả một số nông dân chung quanh Huế. Trước yêu cầu phát triển mới, bộ máy Đảng Việt Nam Cách Mạng chuyển từ Vinh vào Huế, trung tâm các biến động chính trị. Với nhiệt tình và hiểu biết của tuổi trẻ, Nguyễn Chí Diểu được thầy Lâm Mậu kết nạp vào Đảng và sau đó được bổ sung vào ủy viên Kỳ bộ Trung Kỳ. Anh lại xin trọ lại căn nhà cũ ở gần miếu Âm Hồn, bề ngoài nhận làm thông tín viên báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng để có thẻ nhà báo tiện đi lại hoạt động.

Một buổi sáng Diểu đáp xe lửa ra An Xá, Lệ Thủy tìm gặp người bạn thân thiết của mình. Cả hai đều mừng rỡ, xúc động sau những ngày đầy biến cố. Biết có việc trọng yếu, Võ Giáp mời anh ra sau làng, hai anh em trèo lên một cây cao, giả học bài để tiện nói chuyện. Nguyễn Chí Diễu rút trong một số sách báo bất hợp pháp trao cho Võ Giáp đọc rồi bằng giọng vừa thân mật vừa nghiêm trang anh nói:

- Giáp này, muốn làm cách mạng thì phải vào Đảng cách mạng. Chỉ có sức mạnh của tổ chức mới dấy lên được phong trào cách mạng…

Võ Giáp tin cậy và đồng tình với những lời của người bạn thân thiết và chín chắn của mình. Được sự ủy nhiệm của tổ chức, Nguyễn Chí Diểu đã kết nạp Võ Giáp vào Việt Nam Cách mạng Đảng từ phút đó. Anh đề nghị Giáp sắp xếp nhanh để vào Huế hoạt động.

Không bao lâu Võ Giáp xuất hiện ở Huế với nhiệm vụ ủy viên tuyên huấn của Việt Nam Cách mạng Đảng, bề ngoài anh tham gia biên tập Quan hải Tùng thư của Đào Duy Anh và viết báo Tiếng Dân.

Ngày 14 tháng 7 năm 1928, nhân không khí rộn ràng của ngày lễ Cách mạng Pháp, Việt Nam Cách mạng Đảng họp đại hội tại một khách sạn ở phố Hàng Bè để sửa đổi chương trình, điều lệ và đổi tên thành Tân Việt Cách mạng Đảng, thường gọi là Tân Việt.

Nguyễn Chí Diểu tham gia ủy viên Kỳ bộ Trung kỳ nhưng vẫn tham gia cùng một tiểu tổ với Nguyễn Khoa Văn, Võ Giáp… Là những thanh niên chịu ảnh hưởng mạnh sách báo của Đảng Cộng sản Pháp, ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười thông qua hình ảnh Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Chí Diểu và các bạn anh dần dần nhận rõ màu sắc quốc gia khá đậm trong lập trường chính trị của Đảng Tân Việt, điều đó không thỏa mãn khuynh hướng cộng sản chủ nghĩa đang chín dần trong nhận thức của các anh. Mặc dù hoạt động bí mật ngăn cách, Diễu vẫn có quan hệ nhất định với một số anh chị trong Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội và anh càng chịu ảnh hưởng mạnh hơn xu hướng cộng sản của tổ chức do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp thành lập.

Cuối năm 1929, Nguyễn Chí Diểu được phân công vào Sài Gòn hoạt động bên cạnh Nguyễn Đình Kiên (còn gọi Tú Kiên) Bí thư Kỳ bộ Nam kỳ của Tân Việt. Nguyễn Khoa Văn và Nguyễn Hoàng đã vào Sài Gòn từ trước để chuẩn bị cơ sở ăn ở cho cả nhóm tại số 5 đường Nguyễn Tấn Nghiệm (nay là đường Trần Đình Xu). Nguyễn Hoàng làm thư ký ở hãng Ba Son lãnh được đồng nào thì dùng cho cả nhóm. Diểu cũng đi suốt ngày để liên lạc với Đảng Tân Việt và nhận chỉ thị. Anh em phân công nhau dịch thêm sách báo để kiếm sống. Chính thời gian này Nguyễn Khoa Văn với bút hiệu Nam Xích Tử đã viết bài “Tư bổn chủ nghĩa” khéo léo giới thiệu quyển Tư bản của Các Mác đăng thành 3 kỳ trên báo Kỳ Lân.

Lúc đó trong anh em cách mạng hoạt động tại Sài Gòn đã có khẩu hiệu “vô sản hóa”. Diểu dẫn đầu anh em mượn xe bò kéo thuê hàng sắt cho các tàu lục tỉnh tại bến Ben gich, cảng Sài Gòn. Lúc đầu phải đi phụ đẩy cho người khác, mỗi ngày cũng kiếm được một đồng. Nhờ đồng bạc đó, ngày ngày mấy anh em kéo nhau ra quán cơm “đầu ghế”, ăn cốt lấy no, buổi sáng thì thêm nồi khoai luộc. Với số tiền gom góp được, mỗi người may một bộ bà ba bằng vải dù đen và sắm một cái nón chóp, đủ tiền cước để thuê hẳn một cái xe bò. Như vậy hàng ngày chân đất kéo xe vừa đủ ăn, lại có cơ hội trò chuyện với bà con thợ thuyền, những người buôn thúng bán bưng trên đường phố, cũng tiện liên lạc với các cơ sở.

Nhưng do anh em không quen với cái nắng bỏng rát ở bến cảng thỉnh thoảng lại sập xuống những cơn mưa dữ dội bất thần làm mặt đường ngột ngạt như nồi hấp hơi nên mấy tháng sau anh nào anh ấy đều rạc đi. Diểu vốn khỏe quen cầm càng nhưng cũng đuối đi trông thấy. Chân cẳng các anh sưng tấy lên, nhúc nhắc đi lại đau buốt tận óc. Cũng may nhờ chạy tìm được bác sĩ có lòng với anh em “quốc sự” nên cũng chữa khỏi.

Giữa lúc đó thì xảy ra vụ nhà số 7 đường Bác bi ê (Barbier) nay là đường Thạch Thị Thanh. Đó là vụ các đồng chí trong cơ quan Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội trừng phạt một tên vi phạm kỷ luật Đảng có âm mưu đầu thú địch. Mật thám Pháp phát hiện tình hình liền vây bắt, lục soát rất dữ. Không may, một cơ quan ấn loát của Kỳ bộ Tân Việt Nam kỳ đóng ở gần đó bị lộ. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Đào Xuân Mai đi công tác về đến nhà thì bị bắt. Đảng Tân Việt chủ trương phân tán gấp anh em để tránh vỡ lở, tổn thất.

Trước khi phân tán, Nguyễn Khoa Hiền đã kịp thông báo cho nhóm Tân Việt số 5 đường Nguyễn Tấn Nghiệm biết tin, Nguyễn Chí Diểu liền hội ý: Trịnh Xuân An trở lại Huế, Nguyễn Chí Diểu và Nguyễn Khoa Văn lui về Nha Trang.

Lúc này nội bộ Đảng Tân Việt gặp biến động về tổ chức và tư tưởng, sự phân hóa trong Đảng ngày càng mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là xu hướng dân tộc cải lương bộc lộ rõ trong đề án thành lập “Khối quốc gia” (Bloc national) do Tổng bộ đưa ra. Đề án đó bị phản ứng mạnh trong Kỳ bộ Nam kỳ, họ quyết định ly khai Tổng bộ và xây dựng các nhóm cộng sản. Tiếp đó, tháng 7 năm 1929 cơ quan Tổng bộ Tân Việt ở Huế bị địch vây bắt. Đào Duy Anh bí thư Tổng bộ bị địch giam giữ ở lao Thừa Phủ.

Mặc dầu vậy các kỳ bộ vẫn tìm cách gặp nhau để thành lập tổ chức cộng sản lấy tên Đông dương Cộng sản Liên đoàn vào ngày 1 tháng 1 năm 1930. Nguyễn Chí Diểu là một trong những đảng viên nòng cốt của Đông dương Cộng sản Liên đoàn.

Ngày 3 tháng 2 năm 1930, hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam thắng lợi. 20 ngày sau đó Đảng Cộng sản Việt Nam chấp nhận yêu cầu hợp nhất của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn vào Đảng. Hội nghị hợp nhất được tiến hành tại Sài Gòn, Nguyễn Chí Diểu trở thành đảng viên chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Có được khí thế cách mạng mới mẻ của đội tiền phong, phong trào công nhân lao động Sài Gòn - Chợ Lớn phát triển rất mạnh. Nguyễn Chí Diểu trở thành một trong những cán bộ lãnh đạo đầu tiên của Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.

Nguyễn Chí Diểu đi sâu vận động lao động thợ thuyền, đẩy mạnh cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son, Nhà Bè, Bình Tây, Khánh Hội, xây dựng các tổ chức công hội đỏ. Nhân ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5, anh tích cực tham gia lãnh đạo các cơ sở treo cờ Đảng, rải truyền đơn, mít tinh nêu các yêu sách dân sinh, dân chủ. Nổi bật là hai cuộc bãi công của công nhân nhà máy đèn Chợ Quán và nhà máy xe lửa Dĩ An.

Tại Gia Định, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trọng Mân bị địch bắt. Đảng điều Nguyễn Chí Diểu về làm Bí thư thay Lê Trọng Mân, không để phong trào cách mạng của Gia Định trầm lắng. Là người có am hiểu nhất định về nông thôn, Nguyễn Chí Diểu đã lặn lội trực tiếp chỉ đạo xây dựng địa bàn vùng Bà Điểm - Hóc Môn, khu vực “mười tám thôn vườn trầu” vốn có truyền thống yêu nước thành mảnh đất trung kiên của cách mạng. Hóc Môn Bà Điểm về sau trở thành địa bàn đứng chân của Trung ương Đảng và Xứ ủy Nam kỳ qua nhiều thời kỳ.

Được sự tiếp sức của Xô Viết Nghệ Tĩnh, phong trào nông dân Gia Định có bước phát triển mới. Các cuộc biểu tình của nông dân đã nêu cao khẩu hiệu ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh, chống Đảng lập hiến Bùi Quang Chiêu âm mưu phá hoại phong trào cách mạng. Nhiều nơi nông dân nổi dậy phá hội tề, đốt hồ sơ, đòi bỏ thuế phụ thu, miễn tạp dịch… Đứng trước uy hiếp của phong trào nông dân nổi lên quanh Sài Gòn, thực dân Pháp và tay sai ra sức đối phó dã man, chúng cho phép bọn tay sai bắn bừa và bắt bớ hàng loạt nông dân. Quần chúng phẫn nộ đã chém chết một tên hương quản gian ác.

Biết Nguyễn Chí Diểu lúc đó cải tên là Trọng là một trong những người lãnh đạo Gia Định, bọn chó săn Pháp ra sức truy tìm dấu vết của anh. Tháng 10 năm 1930 trong một lần đi công tác giữa Sài Gòn, anh bị bọn chúng nhận mặt đuổi theo vây bắt. Anh đánh ngã một số tên tìm cách thoát thân nhưng cuối cùng đã bị bắt.

Bắt được Nguyễn Chí Diểu bọn Pháp liền đẩy anh vào Khám Lớn Sài Gòn và giở mọi thủ đoạn tra tấn dã man. Ngoài những trận đòn tra điện, đổ nước xà phòng, thôi miên, chúng còn giở ngón đòn mà chúng gọi là “lộn mề gà” để uy hiếp tinh thần người cộng sản trẻ tuổi. Chúng bắt anh ngồi xổm, trói giật cánh gà và hai tay vào chiếc cọc, rồi bất thần từ phía sau chúng nhấc đít anh lên quay một vòng rất mạnh. Diểu là một người cao lớn, khỏe mạnh nhưng cứ mỗi cái quay giật dữ dội đó anh lại hộc từng ngụm máu.

Mặc dù bị tra tấn tàn nhẫn, chúng không lấy được ở anh một lời khai. Trong hồ sơ của bọn thực dân, chúng cũng chỉ để lại những dòng ngắn ngủi mà quyển “Đông Dương cấp cứu” của bà Ăng đrê Vi ô lit (André Violis) ghi được: “Nhà báo Nguyễn Chí Diểu (số 30) 22 tuổi bị kết án khổ sai chung thân vì đã giữ một chân trong kế hoạch đầu tiên trong tổ chức cộng sản, đã rải truyền đơn, tổ chức những ủy ban và biên soạn một tập sách “Những nhiệm vụ của chủ nghĩa cộng sản”.

Âm mưu thâm độc của bọn thực dân là cố gán cho anh tội chủ mưu vận động nông dân giết tên hương quản, từ đó vu cáo những người cộng sản là “bọn phiến loạn cướp của giết người”, nhân đó khép anh vào án trảm giam hậu. Nguyễn Chí Diểu kiên quyết bác lại sự vu khống của kẻ thù, bảo vệ uy tín của Đảng, bảo vệ bí mật của tổ chức.

Tháng 2 năm 1931 một tù nhân cộng sản trẻ bị đẩy vào Khám Lớn Sài Gòn, đó là Lý Tự Trọng. Trong một cuộc mít tinh chớp nhoáng giữa ngã tư đường phố Sài Gòn, Lý Tự Trọng dùng súng ngắn bắn chết tên cò Pháp Lơ grăng (Legrand) để diễn giả kịp thoát thân. Lý Tự Trọng phải chịu những trận đòn thù rất dã man nhưng anh cắn răng không hề khai báo. Như vậy trong Khám Lớn có hai chiến sĩ kiên cường không chịu khuất phục đều có tên là Trọng. Từ đó tù nhân đều gọi Nguyễn Chí Diểu là “Trọng lớn” và Lý Tự Trọng là “Trọng con” để dễ phân biệt.

Ngày 20 tháng 11 năm 1931, thực dân Pháp hèn hạ đưa Lý Tự Trọng lên máy chém đặt trước Khám Lớn Sài Gòn để uy hiếp đồng bào chiến sĩ. Nguyễn Chí Diểu cùng các đồng chí trung kiên đã vận động tù nhân hò la phản đối đế quốc dã man. Bọn cai ngục hốt hoảng đến mức chúng đẩy Lý Tự Trọng ra rồi kéo vào đến mấy lần trước khi hạ sát người anh hùng trẻ tuổi.

Để trả thù, bọn địch đánh đập tàn bạo tù nhân, chúng bắt một số người giam hầm kín, bắt ăn cơm nhạt. Cái chết anh hùng của Lý Tự Trọng và hành động hung ác của nhà tù đế quốc như lửa đổ thêm dầu vào cuộc đấu tranh. Anh chị em liền tuyệt thực để phản đối. Sau một tuần không khuất phục được tù nhân, chúng phải tháo cùm, đem cơm có thức ăn đến.

Trong cuộc đấu tranh đó, Nguyễn Chí Diểu luôn luôn là tấm gương nhiệt tình, kiên quyết giữ vững ý chí, hành động. Có một tù nhân Quốc dân đảng sợ Pháp lấy cớ tuyệt thực để đàn áp, cố tình gieo rắc nghi ngờ chủ trương của các chiến sĩ cộng sản. Anh em ta tìm cách thuyết phục, can ngăn y không nói bậy. Nhưng y lại cà khịa, cho rằng tù cộng sản “đấu tranh vì miếng ăn”. Nguyễn Chí Diểu nổi nóng, liền xông vào đánh cho anh Quốc dân đảng này một trận. Bị đòn, anh ta mới chùn lại, không dám chống cuộc đấu tranh chung. Từ đó anh em biết Diễu có võ khá nên còn gọi anh là “Trọng võ sĩ”.

Ngày 2 tháng 5 năm 1933, thực dân Pháp mở phiên tòa “đại hình đặc biệt” tại Sài Gòn để xử 120 chiến sĩ cộng sản trong đó có Nguyễn Chí Diểu. Âm mưu của địch là tạo ra một vụ án lớn về Đảng Cộng sản Đông Dương nhằm trấn áp cao trào cách mạng dấy lên từ ngày thành lập Đảng.

Bảy ngày diễn ra cuộc xét xử tại tòa án là bảy ngày liền đấu tranh cực kỳ thông minh, dũng cảm của các chiến sĩ cộng sản kiên quyết bảo vệ chân lý, vạch trần bộ mặt xấu xa của bọn thực dân đang chà đạp lên Tổ quốc thân yêu.

Mặc dù hình thức, thủ tục phiên tòa chỉ là trò hề có tính toán của kẻ thù, nhưng các chiến sĩ cộng sản vẫn nắm cơ hội dùng diễn đàn công khai để vạch mặt và kết án chúng. Hết đồng chí Ngô Gia Tự, lại đến Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Hà Huy Giáp, Bùi Lâm… lên tiếng phản đối luận điệu vu cáo của địch, tuyên bố lập trường chính nghĩa của những người cộng sản.

Đến phiên Nguyễn Chí Diểu. Âm mưu của quan tòa thực dân là cố ghép anh vào tội xúi giục giết người để bôi nhọ thanh danh Đảng Cộng sản. Viên chánh án hỏi Diểu:

- Vì sao Đảng Cộng sản các anh lại chủ trương giết người?

Diểu đứng phắt dậy, lớn tiếng nói:

- Không, Đảng chúng tôi không hề chủ trương giết người, không hề chủ trương khủng bố cá nhân. Vì đối với bọn người gian ác, giết người này thì còn người khác. Do đó Đảng chúng tôi chủ trương làm cách mạng để lật đổ toàn bộ xã hội bất công này. Việc giết tên hương quản gian ác là do người ta quá uất ức. Đấy chỉ là trách nhiệm của cá nhân mà thôi…

Viên chánh án bực tức rung chuông cắt lời anh nói.

Hai giờ sáng ngày 9 tháng 5, thực dân Pháp lén lút đưa 120 chiến sĩ của ta ra trước tòa và đọc án. Nguyễn Chí Diễu bị kết án khổ sai chung thân cùng 18 người nữa.

Ngay giây phút đó, các chiến sĩ cộng sản đã hô vang khẩu hiệu:

- Đả đảo tòa án đế quốc!

- Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!


Tiếng hô vang dội làm bọn quan tòa hoảng sợ vội vàng chuồn thẳng.

Không lâu sau đó, Nguyễn Chí Diểu cùng nhiều chiến sĩ có mức án 5 năm tù trở lên bị địch đẩy xuống tàu đưa ra Côn Đảo.

Vừa bước chân lên đảo, trong khi phần lớn anh em cách mạng bị đẩy về banh 2 (bagne 2: nhà tù khổ sai số 2) là banh tù chính trị, thì Nguyễn Chí Diểu và một số đồng chí nữa lại bị đẩy về banh 1, banh giam giữ phần lớn tù khổ sai thường phạm. Tuy nhiên biết các anh là loại tù nguy hiểm nên chúng đưa vào xan 6 (salle 6: phòng số 6) mà chúng thường gọi là “xan cứng đầu” (salle des réfractaires).

Diểu cũng như mọi anh em khác hàng ngày phải lãnh các việc lao động khổ sai nhọc nhằn: đập đá, lấy củi, cắt cỏ, bẩy đá, đào đất, đắp đường… Mặc dù trên người còn nhiều vết tra tấn của địch, nhưng anh vẫn là người có sức vóc nên thường gánh lấy phần nặng đỡ cho các đồng chí yếu. Ban đêm anh thường đứng ra tổ chức cho anh em nghiên cứu lý luận, học văn hóa. Là người có lý luận, lại chịu khó học, anh tích lũy khá nhiều vốn hiểu biết về chủ nghĩa Mác, Lê nin. Được tiếp thêm nguồn tin tức, sách báo từ banh 2 chuyển sang, Nguyễn Chí Diểu thường tổ chức cho anh em thảo luận các tác phẩm kinh điển như: Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Tư bản, Hai sách lược của Đảng Xã hội Dân chủ Nga, Nhà nước và cách mạng, Bệnh ấu trĩ tả khuynh trong phong trào cộng sản, Nghị quyết 6 của Quốc tế Cộng sản… Sau bữa cơm chiều, tất cả anh em tù bước vào học tập thảo luận. Anh em thường lật ngược vấn đề để tranh luận ráo riết. Tổ quốc là gì? Gia đình là gì? Từ “đồng bào” có phù hợp tinh thần của người cộng sản không?… Trong những cuộc thảo luận đó, Nguyễn Chí Diểu tỏ ra là người chín chắn, giàu hiểu biết; lý lẽ của anh được anh em tin cậy.

Một điều cũng khá bất ngờ với nhiều người là Diểu cũng đã tổ chức được một nhóm kịch. Anh thuộc khá trôi chảy một số vở kịch cổ điển của Cooc nây (Corneille), Mô li e (Molière), đọc cho anh em sao chép rồi chia nhau sắm vai. Quần áo biểu diễn may bằng bao tải, đem nhuộm theo các màu sắc thích hợp. Hết giờ tập thì leo lên tường cất giấu phục trang sân khấu. Đêm ra mắt, nhóm kịch biểu diễn rất khá, khán giả tù nhân hết sức khen ngợi.

Là một trong những đồng chí chủ trì hoạt động của Đảng trong banh 1, Nguyễn Chí Diểu luôn đi đầu trong các cuộc đấu tranh trực diện với địch. Tháng 8 năm 1934 anh đã tổ chức cuộc đấu tranh chống cưỡng bức lao động, đàn áp tù nhân tàn tệ của bọn cai ngục. Cuộc đấu tranh có tiếng vang vào đất liền và được phản ánh một phần trên sách báo công khai.

Biết Diểu là người có học, có lúc bọn cai ngục còn giao cho anh sổ sách chấm công và thu phát dụng cụ lao động như cuốc xẻng, rìu rựa, nhân đó Nguyễn Chí Diểu thường phát thừa một số rìu rựa để anh em chặt gỗ đóng bè vượt biển.

Những hoạt động nhiều mặt của anh làm bọn địch chú ý. Chúng liền đẩy anh vào hầm xay lúa, một hình thức biệt giam để giết dần giết mòn người tù trong cảnh lao động nặng nhọc cùng cực. Đó là một phòng kín bưng chừng bốn thước vuông vừa đủ chỗ đặt một cái cối xay. Chúng giam anh với một tù thường phạm nổi tiếng hung dữ. Họ phải thay nhau xay lúa; suốt ngày hầm xay bụi mù, nóng bức, ngột ngạt. Những người tù thường phạm “anh chị” sống trong hoàn cảnh đó thường rất dễ bẳn tính, giở trò hành hạ tù chính trị. Diểu hiểu rõ điều đó, anh từng bước thuyết phục, động viên người tù thường phạm, giúp anh ta nhận rõ và thấm thía tội ác của thực dân Pháp, cảm phục tấm gương nhân ái, kiên cường của người cộng sản. Bọn cai ngục nhốt anh như vậy suốt sáu tháng trời. Anh em đấu tranh đòi địch phải thả anh ra khỏi hầm xay lúa. Chúng lỳ lợm không chịu thả. Mãi đến khi Mặt trận Nhân dân Pháp giành chỗ đứng trên chính trường, cuộc đấu tranh vạch trần tội ác trong các nhà tù, đòi thả tù chính trị lên mạnh, chúng mới chịu đưa anh ra khỏi hầm xay lúa. Cuộc sống cực khổ, lại thêm không khí ngột ngạt, bụi bặm trong thứ lao động khổ sai này đã tàn phá hai lá phổi của anh, bệnh lao của anh chớm phát ra từ đó.

Năm 1936, có tin sắp ân xá tù chính trị lan ra khắp đảo. Nguyễn Chí Diểu và các đồng chí náo nức chuẩn bị ngày về đất liền hoạt động. Một việc quan trọng là làm sao đưa được các tài liệu mà các anh đã chuẩn bị mấy năm nay ở đảo để khi về đất liền là sử dụng được ngay. Diểu cùng anh em chia nhau dịch và chép lại các tài liệu như Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, các Nghị quyết của Quốc tế Cộng sản… Khó nhất là làm sao thu giấu những tài liệu vào người mà địch không phát hiện được khi trao trả tù nhân lên bờ. Các anh dùng bút lá tre hiệu Sergeant Major lật ngửa lại để có nét nhỏ nhất, chấm bằng mực Tàu là thứ mực không nhòe khi thấm nước, viết thứ chữ nhỏ li ti để tiết kiệm giấy. Rồi cứ 10, 12 tờ bồi thành một tấm bìa bọc lấy những quyển Kinh Thánh mà bọn cai ngục vẫn phát không cho tù. Chỉ cần hai tấm bìa trước và sau của quyển kinh là có đủ Tuyên ngôn và Nghị quyết của Quốc tế Cộng sản. Còn những tài liệu khác thì phải viết trên giấy quyến vấn thuốc hiệu Con Cò. Một tờ giấy bằng ba ngón tay thì bề dọc cũng được 22 dòng, bề ngang 10 dòng. Ban đêm bọn Tây giữ lệ “đi rỏn” nhưng trong khám anh em vẫn miệt mài chép từ 8 giờ tối đến 11, 12 giờ đêm trên các bàn nhỏ tí với một ngọn đèn che lại rất kín, người ngồi bên cạnh không tinh mắt cũng không nhận ra. Cứ được tài liệu nào thì xếp lại thành tập, khâu vào đường khâu áo bà ba. Một bộ quần áo cũng khâu được một hai quyển sách kinh điển.

Đó là tất cả hành trang mà anh em lo liệu để Diểu về bắt liên lạc với tổ chức Đảng ở đất liền, cung cấp tài liệu cho Đảng hoạt động.

Tháng 6 năm 1936, Nguyễn Chí Diểu được đưa vào đất liền để phóng thích. Tại trại Tân Đảo nơi đón các tù ân xá, anh đã gặp lại cô gái Cao Lãnh từng liên hệ với anh thời kỳ anh hoạt động tại kho dầu Nhà Bè. Đó là chị Trần Thị Đầy, còn gọi Tư Đầy. Chị cũng bị địch bắt, giam tại Khám Lớn, rồi được thả. Tư Đầy đến thăm anh là tín hiệu vô gi: anh được gặp lại người anh yêu đồng thời bắt được liên lạc với Đảng.

Theo sự phân công của Trung ương, Nguyễn Chí Diểu phải về Huế để nắm lại tình hình của Đảng bộ Trung kỳ bị tổn thất khá nặng sau thời kỳ khủng bố trắng của địch. Đây là thời điểm các đảng viên trong Đảng bộ, sau những năm bị tù đày lần lượt trở về. Một số đồng chí hoạt động ở vùng khác, sau khi ra tù cũng bị địch đưa về quản thúc ở quê hương. Một số lợi dụng những biến chuyển thuận lợi do Mặt trận Nhân Dân Pháp giành được sau bầu cử, một số quyền tự do dân chủ được ban bố đã từng bước đứng ra hoạt động hợp pháp hoặc bán hợp pháp. Nguyễn Khoa Văn, Nguyễn Hoàng, Lâm Mộng Quang… bắt đầu viết báo, triển khai cuộc đấu tranh duy tâm duy vật với Phan Khôi và cuộc tranh luận nghệ thuật với Thiếu Sơn và Hoài Thanh. Bút hiệu Hải Triều của Nguyễn Khoa Văn ra đời từ đó. Tuy nhiên nhiều đồng chí chưa nắm được chủ trương của Trung ương vẫn nằm im chờ đợi. Trong khi đó khí thế quần chúng đang có chuyển biến mới, đòi hỏi mới. Bọn phản động thuộc địa không dám trắng trợn chống lại làn sóng đòi hỏi các quyền dân sinh, dân chủ. Tình hình cho thấy rõ thời cơ và những thách thức mới, đòi hỏi phải nhanh chóng sắp xếp tổ chức thì mới đưa phong trào tiến kịp yêu cầu.

Nhiệm vụ Trung ương giao cho anh là trong vòng một tháng phải nhanh chóng nắm bắt tình hình mọi mặt, nhất là về tổ chức để báo cáo trước Trung ương giúp Đảng có quyết sách cụ thể.

Nguyễn Khoa Văn bị địch bắt ở Sài Gòn đầu năm 1931 khi đang chuẩn bị đi học trường Đông Phương với Trần Văn Giàu, bị đưa về Huế kết án, giam ở Thừa Phủ rồi được ân xá. Ra tù anh lập gia đình, được chị gái cho tiền mở quán sách Hương Giang gần cầu Tràng Tiền làm nơi lui tới của cựu chính trị phạm. Nguyễn Chí Diểu về Huế chọn căn phòng nhỏ sau quán sách làm nơi tiếp xúc các đồng chí cũ, nắm lại tình hình. Nguyễn Chí Diểu đã gặp lại Phan Đăng Lưu đi tù Ban Mê Thuột trở về, đang ở nhà anh Lê Bồi gần chợ Cống, đóng vai dạy học tư, cùng các anh Bùi San, Lâm Mộng Quang, Nguyễn Cửu Thạnh, Trịnh Xuân An, chị Tú Cầu… Thỉnh thoảng anh cũng nhờ các đồng chí dẫn mình đi gặp người quen cũ để nắm thêm tình hình.

Anh cũng rất quan tâm các nhân tố mới. Anh nhờ Hải Triều nhắn tin để gặp Đào Duy Dếnh, một học sinh 16 tuổi đã đứng ra hô hào bạn bè bảo vệ một phụ nữ bị chủ tiệm vải người nước ngoài hành hung. Qua tiếp xúc với người thanh niên trẻ tuổi, Nguyễn Chí Diểu hiểu thêm quần chúng đã có xu thế mới sẵn sàng liên kết nhau chống bất công áp bức.

Dừng lại Huế không bao lâu, Nguyễn Chí Diểu lại vào Sài Gòn để báo cáo tình hình và nhận chỉ thị mới. Lúc này Đảng chủ trương tiến tới Đông Dương Đại hội thu thập nguyện vọng nhân dân đòi thực hiện những cải cách dân sinh dân chủ.

Các thành phố lớn đều rộn ràng chuẩn bị Đông Dương Đại hội.

Diểu trở lại Huế vào lúc bọn trùm thực dân ở đây - khâm sứ Grap phơi (Graffeuil ), chánh mật thám Sô nhi (Sogny) đối phó với chủ trương Đông Dương Đại hội bằng cách giao Lê Thanh Cảnh, thường trực Viện Dân biểu Trung kỳ đứng ra lập Hội đồng thảo nguyện vọng dân chúng để phá phong trào. Làm ra vẻ dân chủ, chúng cho mời một số nhà báo tham gia ban tổ chức. Chúng dự định cho in 100 giấy mời phát cho đại biểu dân chúng đến dự phát biểu nguyện vọng. Hải Triều nắm được tin ấy liền báo cho Nguyễn Chí Diểu. Nguyễn Chí Diểu liền triệu tập bộ phận công khai thảo luận, quyết định tương kế tựu kế, sẽ dùng áp lực quần chúng biến diễn đàn của địch thành diễn đàn của ta. Các anh phân công nhau nhanh chóng đi vận động các nghị viên tiến bộ và các nhà báo ủng hộ chủ trương của Đảng đồng thời cử người huy động lực lượng quần chúng của ta ở thành phố và các huyện nông thôn về dự.

Nghe tin họp dự thảo dân nguyện tại Viện Dân biểu (Văn phòng Đại học Huế hiện nay) sáng hôm sau, ngày 20 tháng 9 năm 1936, quần chúng ùn ùn kéo đến. Lê Thanh Cảnh không tài nào kiểm soát được lượng người dự họp. Giấy mời phát ra 100 nhưng y đành để gần 500 người kéo vào đứng ngồi chật cả phòng họp.

Lê Thanh Cảnh tuyên bố mấy lời rồi bước vào phần cử Hội đồng dự thảo nguyện vọng. Các dân biểu và nhà báo có cảm tình với cách mạng liền đứng lên đòi gạt Nguyễn Trác Viện trưởng Viện dân biểu ra khỏi Hội đồng, đưa Hải Triều vào làm Chủ tịch Hội đồng dự thảo nguyện vọng. Quần chúng hoan hô sôi nổi. Cứ như thế danh sách 26 người trong Hội đồng được thông qua. Nguyễn Chí Diểu, Hải Triều và nhiều cựu chính trị phạm được giới thiệu vào danh sách. Cuộc họp Viện Dân biểu thực chất đã biến thành Đại hội Nhân dân toàn Xứ ủng hộ Đông Dương Đại hội.

Chiều hôm đó và hai ngày tiếp theo, cuộc thảo luận, nêu nguyện vọng càng diễn ra sôi nổi. Quần chúng lũ lượt kéo đến đưa bản nguyện vọng thành một xấp dày trên bàn. Lợi dụng diễn đàn công khai, các đồng chí chúng ta đã phác họa nội dung bản nguyện vọng bám theo 12 điều dự thảo do Đảng đề ra, tố cáo các thủ đoạn bóc lột, vơ vét, xâm phạm quyền tự do dân chủ của bọn cầm quyền.

Grap phơi, Xô nhi lồng lộn điên cuồng. Chúng không ngờ đồng chí ta và quần chúng cách mạng lại lái hội nghị sang một chiều hướng tệ hại đối với chúng như thế. Quả đúng là “gậy ông đập lưng ông”!

Chúng gọi Lê Thanh Cảnh lên quở trách, buộc Cảnh phải về mời toàn thể Hội đồng đưa các bản dân nguyện lên cho chúng đọc trước.

Buổi chiều, Tòa Khâm cho hai xe hơi lên đón 26 vị Hội đồng về cho chúng gặp và tiếp nhận “dân nguyện”. Hải Triều thay mặt Hội đồng thông báo hoạt động của Hội đồng các ngày qua đồng thời cho biết trong khi chờ đợi phái đoàn quốc hội Pháp qua Việt Nam, Hội đồng đã trao các bản nguyện vọng của nhân dân cho nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, nguyên Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ khóa 1, hiện nay là chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Tiếng Dân từng giữ thái độ kình địch với Tòa Khâm sứ Trung kỳ. Nghe đến tên Huỳnh Thúc Kháng, Grap phơi đỏ phừng mặt. Y biết y đã thua cộng sản một keo nữa. Để vớt vát, y vẫn yêu cầu Lê Thanh Cảnh chuyển bản dân nguyện lên Tòa Khâm. Tuy nhiên ai cũng biết đời nào Cảnh dám đến chỗ cụ Huỳnh để làm việc đó.

Thắng lợi của hoạt động nghị trường hưởng ứng Đông Dương Đại hội đã đẩy phong trào quần chúng ở Trung kỳ tiến lên bước mới. Dựa vào hình thức thảo luận nguyện vọng, các ngành giới lao động thợ thuyền, công tư chức, học sinh, nông dân đã tổ chức nhiều cuộc họp xây dựng các Ủy ban hành động nửa công khai để tập hợp quần chúng.

Tiếp theo phong trào Đông Dương Đại hội, Đảng ta chủ trương vận động quần chúng đón Gô đa (Godart) Bộ trưởng Lao động đại diện cho chính phủ Pháp đi điều tra tình hình Đông Dương. Đây là một cơ hội đưa quần chúng xuống đường, nêu nguyện vọng dân sinh dân chủ. Nguyễn Chí Diểu thảo luận với Hải Triều và các đồng chí hoạt động công khai thường xuyên lui tới hiệu sách Hương Giang cần ra một tờ báo để tuyên truyền cổ động kịp thời cho hoạt động đón Gô đa. Hải Triều nhận nhiệm vụ, cùng Nguyễn Xuân Lữ chạy giấy phép và thuê một ngôi nhà gần Đập Đá để làm trụ sở. Đó là tờ tuần báo “Nhành lúa” ra ngày thứ sáu, 8 trang. Số 1 của “Nhành lúa” ra ngày 9 tháng 1 năm 1937.

Cũng tại trụ sở mới của báo “Nhành lúa”, ngay trước đó, cuối tháng 12 năm 1936, Nguyễn Chí Diểu dựa vào ảnh hưởng của mình đã triệu tập cuộc họp đại biểu các giới của Thừa Thiên bàn việc đón Gô đa.

Để khuấy động không khí, vào đầu buổi họp, Nguyễn Chí Diễu đã đứng lên hát bài “Quốc tế ca” và kéo violon bản nhạc nổi tiếng của giai cấp vô sản đó. Tiếp đó, trong không khí hào hứng cách mạng vừa được khơi ra các đại biểu các ngành, địa phương lần lượt thông báo tình hình, phản ánh nguyện vọng nhân dân. Mọi người nhất trí tổ chức thật tốt cuộc đón tiếp Gô đa và cử ra một ban chỉ huy cuộc đón tiếp do Nguyễn Chí Diểu đứng đầu.

Ngay sau cuộc họp ở trụ sở báo “Nhành lúa”, Nguyễn Chí Diểu cùng các anh Phan Đăng Lưu, Bùi San, Trần Công Xứng, Lê Tự Nhiên… phân công nhau đi sâu các cơ sở để móc nối tổ chức, bố trí các hoạt động. Đích thân anh Diểu ra tiếp xúc với nhóm thanh niên yêu nước ở Niêm Phò do Nguyễn Vịnh (tức Nguyễn Chí Thanh) phụ trách, nhóm Phù Ninh do Hoàng Anh đứng đầu. Anh đến nhà Hoàng Anh gặp buổi trưa, cả nhà dọn rổ khoai mời khách, anh vừa ăn khoai vừa nói chuyện với cụ chủ nhà. Khi Nguyễn Chí Diểu đi rồi, cụ thân sinh anh Hoàng Anh còn khen mãi:

- Người mô mà giỏi rứa?

- Giỏi ra răng?

- Ông ấy nói cái chi ra cũng thấy trúng với lòng mình, cũng thấy việc phải làm cả.

Cứ thế, ngày này qua ngày khác Nguyễn Chí Diểu tranh thủ mọi thời gian đạp xe xuống các địa phương để kiểm tra tình hình, phát hiện những yêu cầu mới; có lúc anh đạp xe thẳng ra Hải Lăng, Triệu Phong (Quảng Trị) để bàn việc phối hợp giữa các địa phương. Anh thực sự chạy đua với tình hình ngày càng diễn tiến mạnh mẽ.

Ngày 24 tháng 2 năm 1937 có tin Gô đa sẽ từ Vinh đi đường bộ vào Huế. Dự đoán Gô đa sẽ đến Huế vào buổi chiều, ta huy động quần chúng chờ sẵn bên đường. Tuy nhiên bọn Pháp xảo quyệt đã đưa Gô đa lên xe vào sáng 25 rồi về nghỉ ở Cửa Tùng (Quảng Trị) mà không báo trước hòng làm lực lượng đón tiếp tại Huế rã đám. Nguyễn Chí Diểu kịp thời kêu gọi mọi người kiên trì, giúp nhau chỗ nghỉ chân để ai cũng có cơ hội đón Gô đa, đưa kiến nghị. Các đảng viên và quần chúng trung kiên tỏa ra vận động mọi người giúp bà con ở các huyện có chỗ ăn nghỉ, sẵn sàng đón Gô đa khi ông ta xuất hiện.

Sự chờ đợi lên đến ngày thứ ba: sáng 26 tháng 2, Gô đa đến Huế.

Một không khí biểu dương lực lượng náo nhiệt chưa từng có mà vẫn có tổ chức rập ràng diễn ra suốt dọc đường từ cửa An Hòa vào đến trung tâm thành phố. Quần chúng hô vang các khẩu hiệu, tràn xuống đường trao kiến nghị tận tay Gô đa. Vị đại sứ Pháp liền bỏ xe đi bộ với đoàn tuần hành của nhân dân Huế.

Dưới đầu đề “Hơn một vạn quần chúng công, nông, học sanh và tiểu thương tiếp rước viên Lao công đại sứ của Chính phủ chiến tuyến bình dân” báo “Nhành lúa” số đặc biệt (số 8) đăng bài viết của Hải Triều tường thuật tỉ mỉ cuộc đón tiếp chưa từng có và cuộc tiếp xúc lấy nguyện vọng của nhân dân Thừa Thiên Huế và các tỉnh tràn đầy không khí của ngày hội chính trị. Một câu nói của Gô đa trước những người đưa kiến nghị đã được báo “Nhành lúa” nhắc lại: “Đối xứ nầy không phải chỉ một cuộc cải cách vụn vặt, cần phải có nhiều cuộc cải cách to lớn và cần kíp, đủ các phương diện”. Nói đúng hơn là một cuộc cách mạng.

Sau cuộc biểu dương lực lượng to lớn này, Nguyễn Chí Diểu lại tiếp tục đi về các huyện. Trong chuyến đi công tác với Trần Công Xứng, Nguyễn Chí Diểu đã kết nạp Hoàng Anh vào Đảng, giao Hoàng Anh trách nhiệm xây dựng Chi bộ Phù Ninh (Phong Điền) và liên lạc chặt chẽ với nhóm Nguyễn Vịnh (Quảng Điền). Anh cũng về các huyện phía nam làm việc với các anh Lê Bá Dị, Trần Thanh Chữ, Phan Sung… Anh đi nhiều đến mức chiếc xe đạp tùy thân cũng không chịu được sự vất vả đường trường. Có lần anh về làm việc ở chợ Phù Lễ, lốp xe đạp nổ tung. Không có cách gì vá được, trong người cũng hết tiền, anh cứ thế đạp cái xe xẹp lốp lạch cạch về Huế để kịp hẹn với đồng chí ở nhà.

Hoạt động liên tục ngày đêm làm sức khỏe Nguyễn Chí Diểu giảm sút nhanh chóng. Một đôi lần anh khạc ra máu nhưng cố giữ vẻ tự nhiên để các đồng chí chung quanh không xao xuyến. Việc ăn uống của anh chủ yếu cũng dựa vào sự giúp đỡ của các đồng chí nói gì đến việc mua thuốc chữa bệnh. Quỹ Đảng thì chỉ đủ để làm công tác tuyên truyền, in ấn tài liệu. Các anh Phan Đăng Lưu, Trần Công Xứng, Bùi San hàng ngày cũng phải kèm trẻ dạy học, bán sách báo, dịch sách, viết báo để có tiền tự nuôi sống mà hoạt động. Anh không có quyền dành cho mình sự ưu tiên nào khác. Chỉ có anh Võ Nguyên Giáp hoạt động ở Hà Nội, vừa làm báo Đảng vừa đi dạy có được thu nhập chút ít, biết tin anh bị lao, thỉnh thoảng gửi cho anh một ít tiền để chữa bệnh cùng một ít sách báo tài liệu.

Ngày 10 tháng 3 năm 1937, báo “Nhành lúa” sau hơn hai tháng xuất bản bị rút giấy phép, phải đình chỉ hoạt động. Dư luận ký giả và người đọc hết sức bức xúc. Phan Đăng Lưu vận động một số nhà báo nòng cốt, kêu gọi triệu tập Hội nghị báo giới Trung kỳ để phản đối đàn áp tự do ngôn luận. Hội nghị khai mạc tại một khách sạn đường Hàng Bè (Huỳnh Thúc Kháng). Lực lượng báo chí ở Huế và Trung kỳ có mặt khá đông: báo “Tiếng Dân” có Nguyễn Nhiếp, Nguyễn Quý Hương; báo “Tràng An” có Đào Đăng Vỹ, Phan Khôi… ; Hải Triều, Hải Thanh (Nguyễn Hoàng), Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu, Lâm Mộng Quang, Nguyễn Sơn Trà… đại diện cho đội ngũ báo chí cách mạng ở miền Trung và Huế; Trần Huy Liệu thay mặt báo “Thời thế”, “Tin Tức”, Đào Duy Kỳ, Trần Đình Tri thay báo “Bạn Dân” từ Hà Nội vào. Từ Sài Gòn có Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo ra dự. Ngoài ra còn có rất đông anh chị em thông tín viên, cổ động viên, đại biểu các đoàn thể, các nhân sĩ trí thức tham gia… Con số người dự hội nghị lên đến hàng trăm người, trong đó riêng lực lượng báo chí có trên 60 người. Mặc dầu thành phần hội nghị khá phức tạp, bên cạnh những nhà báo cách mạng có cả những phần tử thân Pháp, nhóm Đệ Tứ Trốt kit chủ trương phá hội nghị bằng việc đưa ra ý kiến đối lập, khiêu khích; tranh cãi nổ ra khá kịch liệt. Nhưng nhờ sự lãnh đạo khéo léo của đồng chí ta và áp lực của quần chúng, hội nghị đã lên tiếng tố cáo mạnh mẽ chính sách phát xít của bọn phản động thuộc địa đối với báo chí và đã thông qua hai nghị quyết về quyền tự do báo chí và nghị quyết về tình hình chính trị chung.

Thời gian này các đoàn thể quần chúng có bước phát triển khá. Quần chúng đã tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thu tiền quyên góp ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân Hà Nội. Tuy nhiên Huế vẫn thiếu những cán bộ nghiệp đoàn có kinh nghiệm tổ chức. Nguyễn Chí Diểu chủ trương xin Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội hỗ trợ cán bộ cho Huế. Anh trực tiếp tiếp xúc với xứ ủy Bắc kỳ để đặt vấn đề. Nhân chuyến ra Hà Nội anh ghé thăm tòa soạn báo Tin Tức ở đường Phùng Hưng, gặp lại Võ Nguyên Giáp, người bạn cũ. Anh Giáp cho anh rất nhiều tài liệu để nghiên cứu.

Sau chuyến đi đó ít lâu, tại hiệu may Đô tây khá sang trọng ở đường Paul Bert (Trần Hưng Đạo) - hiệu Phan Huy Đậu, xuất hiện hai người thợ may trẻ là Đoàn Quang Thìn và Bùi Đăng Chất; ở chợ Đông Ba có chị Soái buôn bán lẻ nói giọng Bắc. Đó là những cán bộ được Hà Nội điều vào Huế để hoạt động Ái hữu.

Bắt được thời cơ, tại Huế ta đã tổ chức Đại hội thành lập Ái Hữu ở rạp hát Bà Tuần phố Gia Long (nay là đường Phan Đăng Lưu). Số lượng đại biểu lên đến hàng trăm người. Đại hội đã thông qua điều lệ chung của Ái Hữu Huế và cử một đoàn đại biểu đưa điều lệ hội lên Tòa sứ Thừa Thiên yêu cầu công sứ Pháp thừa nhận tổ chức. Mặc dầu bọn thực dân tìm cách lờ đi, Ái Hữu vẫn phát triển nhanh chóng. Khắp các cơ sở sản xuất, các chợ, lao động, thợ thuyền, chị em tiểu thương đã sôi nổi thảo luận điều lệ, bàn chương trình hoạt động, bảo vệ quyền lợi hội viên. Qua hoạt động, quần chúng được giác ngộ thêm một bước trong tình cảm gắn bó của người lao động.

Mùa hè năm đó, một quán ăn cho người tắm biển cũng được mở ngay tại bãi biển Thuận An, thu hút rất đông thanh niên học sinh về sinh hoạt. Nguyễn Chí Diểu đã hướng dẫn nhiều bạn trẻ hát những bài hát cách mạng như Quốc tế ca, La jeune garde (còn gọi Thanh niên xích vệ), Au devant de la vie (Đứng trước cuộc đời) của Thanh niên dân chủ Pháp. Một bài hát tiếng Việt mà Diểu từng thuộc trong tù cũng được anh tập lại để mọi người hát vang bãi biển:

Bớ công nông, phất cờ lên
Bớ công nông, phát cờ lên
Đồng tâm bước tới diệt loài sói lang
Theo ngọn cờ Mác, Lê nin…


Trong những ngày tháng sôi nổi đó lần đầu tiên bạn trẻ Huế được đọc những bài thơ đầy nhiệt huyết của nhà thơ trẻ đồng thời là một cán bộ của Đoàn Thanh niên Dân chủ Huế - đồng chí Tố Hữu (tức Nguyễn Kim Thành) trong các cuộc họp bạn trên các sườn đồi Từ Hiếu, Ngự Bình, Thiên An, Vọng Cảnh…

Là người quan tâm phong trào thanh niên, Nguyễn Chí Diểu thường nhắc nhở các cán bộ trong đoàn Thanh niên Dân chủ như Đào Duy Dếnh, Hoàng Anh, Lâm Hồng Phấn… phải thường xuyên đi sát thanh niên, đi đâu cũng đem bài hát, cây đàn để thu hút bạn trẻ, khi giao nhiệm vụ phải chu đáo, trước khi chia tay phải nêu tình huống khi gặp địch thì đối đáp thế nào không để anh chị em luống cuống, cơ sở trả lời suông sẻ thì để cho đi. Lối hướng dẫn khéo léo nhẹ nhàng như vậy đã giúp nhiều cán bộ trẻ tự tin và tiến bộ.

Sau khi “Nhành lúa” bị đóng cửa thì yêu cầu xây dựng tờ báo mới trở nên cấp bách. Nguyễn Chí Diểu đưa vấn đề để các đồng chí bàn bạc. Phan Đăng Lưu chủ trương lợi dụng tờ “Sông Hương” của Phan Khôi đã đình bản vì ế ẩm, xin nhượng lại giấy phép để xây dựng cơ quan ngôn luận của ta. Ta nhờ Phan Thao, con trai Phan Khôi nói giúp. Phan Thao là nhà báo cộng sản, anh hăng hái thực hiện. Kết quả là hai anh Phan Đăng Lưu và Nguyễn Cửu Thạnh kéo về “Sông Hương” xây dựng tờ “Sông Hương tục bản” của Đảng.

Tòa soạn tờ báo nằm trên đường xuống Đập Đá, gần lối rẽ vào chợ Cống. Sông Hương bộ mới ra số đầu ngày 19 tháng 6 năm 1937. Thực hiện chủ trương của Đảng, không lâu sau đó, “Sông Hương” trở thành cơ quan ngôn luận chỉ đạo cuộc tranh cử Viện Dân biểu Trung kỳ khóa 3.

Viện Dân biểu là cơ quan dân cử do thực dân đề ra, gồm 36 người, quyền hạn rất hạn chế, nhiệm kỳ 4 năm, mỗi năm họp một lần. Thể lệ bầu cử vào cơ quan Viện lại rất thắt ngặt cho cả người ứng cử lẫn người đi bầu. Thủ đoạn của bọn thực dân là tạo ra một khung cửa hẹp chỉ để một số người nằm trong khuôn khổ của chúng, dính dáng ít nhiều lợi ích của chế độ là có thể lọt qua. Xung đột gay gắt giữa cụ Huỳnh Thúc Kháng, Viện trưởng khóa 1 (1926 - 1929) với hai viên Khâm sứ Trung kỳ D’ Elloy và Jabouille làm chúng thận trọng khi lựa chọn nhân sự mới.

Biết rõ những hạn chế đó của Viện Dân biểu, tuy nhiên trước biến chuyển của tình hình, quyết tâm của Đảng ta là phải “lợi dụng các thời kỳ tranh cử mà tuyên truyền khẩu hiệu của ta, phải lợi dụng các cơ quan lập hiến mà bênh vực quyền lợi cho quần chúng lao động và các tầng lớp dân chúng bị áp bức” (Thông báo ngày 20 tháng 7 năm 1937 của Đảng).  

Với trách nhiệm chỉ đạo cuộc đấu tranh trên khắp địa bàn miền Trung nhằm đưa những nhân tố tích cực mà ta có thể nắm được vào làm thành viên của Viện Dân biểu, Nguyễn Chí Diểu và Phan Đăng Lưu đã phân công các đảng bộ quyết tâm giành thắng lợi cho danh sách những người của ta, quyết cơ cấu lại thành phần dân biểu theo hướng có lợi nhất.

Thừa Thiên Huế có 3 ghế trong Viện. Âm mưu của Lê Thanh Cảnh - tay sai của Sô nhi là giành 3 ghế này về người của chúng. Quyết tâm của ta là giành phiếu cho hai ông Hoàng Đức Trạch (Phú Lộc) và Nguyễn Đình Diễn (Phong Điền) những nhân sĩ có cảm tình với cách mạng, sẵn sàng ủng hộ ta. Ở Thanh Hóa phải chỉ đạo giành thắng lợi cho ông Nguyễn Đan Quế; ở Quảng Nam: ông Phan Thanh; ở Phan Thiết: ông Huỳnh Văn Dậu; ở Quảng Bình: ông Nguyễn Xuân Các…

Tại Thừa Thiên, như những lần ra quân trước, một cuộc họp các đoàn thể, các huyện, các khu phố được triệu tập tại tòa soạn “Sông Hương”. Hội nghị thảo luận và giao trách nhiệm các địa phương và ngành giới phải tổ chức mit tinh lên án sự bất lực, cúi đầu của các ông nghị theo đuôi Pháp, không đại diện cho tiếng nói nguyện vọng nhân dân, đồng thời gây dư luận đầu phiếu cho ứng cử viên do ta đưa ra. Mặt khác ta liên lạc với những nhân sĩ, trí thức tiến bộ, có tinh thần dân tộc, lôi kéo họ ủng hộ ứng cử viên của ta.

Càng gần đến ngày bầu cử, cuộc vận động tranh cử càng quyết liệt. Anh Diểu ngày đêm tiếp xúc với các tỉnh về báo cáo tình hình. Đến ngày bầu cử, bọn Lê Thanh Cảnh thuê tiền cho du côn về các thùng phiếu giở trò uy hiếp cử tri để kiếm phiếu. Anh lập tức chỉ thị cho các nhóm thanh niên xuống đường bảo vệ quần chúng, đuổi bọn du côn phá hoại. Đợt một, ba huyện phía Nam giành được thắng lợi, cụ Hoàng Đức Trạch trúng cử. Khu vực Huế, nhờ số cử tri quan chức, Lê Thanh Cảnh trúng cử. Chỉ còn lá phiếu ở Phong Quảng là quyết định sự thành bại ở Thừa Thiên. Các đồng chí đi xuống vận động ráo riết từng thôn xã. Ngày bầu cử đợt hai bắt đầu. Anh Diểu đi ô tô với anh em báo chí ra Mỹ Chánh vào giờ kiểm phiếu. Ta thắng! Lại quay về Hạ Lang (Quảng Điền) vừa kiểm phiếu xong. Anh chị em hô rầm lên: Nguyễn Đình Diễn thắng phiếu! Thế là trong toàn tỉnh ta thắng lợi rực rỡ!

Lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử các cơ quan nhà nước của thực dân phong kiến, tại Viện Dân biểu Trung kỳ, những người do ta đưa ra đã giành được các ghế quan trọng như Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Ủy viên thường trực… Đó là thắng lợi rất có ý nghĩa biểu hiện sự trưởng thành về trình độ lãnh đạo đấu tranh công khai hợp pháp của Đảng và sức mạnh phong trào quần chúng…

Mùa thu năm 1937, từ ngày 25 tháng 8 đến 4 tháng 9, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong triệu tập Hội nghị Trung ương mở rộng (lúc đó gọi là khoáng đại hội nghị) tại Bà Điểm Hóc Môn. Đây là Hội nghị Trung ương lần thứ tư sau Đại hội Đảng ở Ma Cao (1935) và cũng là Hội nghị Trung ương đầu tiên tổ chức trong nước. Mấy ngày đầu Hội nghị nhóm họp trù bị để thông qua chương trình và phân công dự thảo nội dung, đến ngày 3 tháng 9 thì chính thức khai mạc.

Dự Hội nghị có Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt (Hạ Bá Cang), Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Nguyễn Chí Diểu (tức Nguyễn Văn Trọng). Hội nghị đã nghe, thảo luận và thông qua 4 bản báo cáo:

- Nguyễn Chí Diểu báo cáo về tình hình trong nước và thế giới.

- Hà Huy Tập báo cáo về những công tác đã được thực hiện Đảng trong một năm qua.

- Nguyễn Văn Cừ báo cáo về công tác hoạt động quần chúng.

- Lê Hồng Phong báo cáo về những sai lầm và khuyết điểm của Đảng.

(Theo Đào Phiếu, trong sách “Nguyễn Văn Cừ nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt nam”, tr. 120).

Nghị quyết của Hội nghị được thông qua đã đáng giá cao phong trào quần chúng và hoạt động của Đảng năm qua, chỉ ra những thiếu sót nhược điểm là bệnh biệt phái, hẹp hòi trong tổ chức quần chúng và trách nhiệm mở rộng Mặt trận dân chủ thống nhất. (Văn kiện Đảng toàn tập, T.6, trang 263 -298).

Ghi lại hình ảnh của Hội nghị, hồi ký của đồng chí Hoàng Quốc Việt đã lưu lại những dòng xúc động: “Dự họp có các anh Lê Hồng Phong, anh Hà Huy Tập hai mắt đã đau, anh Nguyễn Văn Cừ, chị Nguyễn Thị Minh Khai, anh Võ Văn Tần tức Già Tần rất dễ thương, người sau này lãnh đạo khởi nghĩa Nam Kỳ, giương cao ngọn cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên trên đất nước ta, anh Nguyễn Chí Diểu đại biểu Đảng bộ Trung kỳ, hai lá phổi đã ruỗng mà vẫn vươn lên, sôi sục hoạt động, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”. (Nhân dân ta rất anh hùng, tr.177).

Hội nghị đã bầu Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư. Nguyễn Chí Diểu được bầu vào Trung ương, có thông tin còn được bổ sung vào ban thường vụ Trung ương Đảng.

Từ cuộc họp Trung ương mở rộng trở về, Nguyễn Chí Diểu bị ốm nặng. Bệnh lao trở nên trầm trọng. Các đồng chí phải cho chuyển anh vào khu lao Pasquier phía trong khu vực Nhà thương Huế. Đây là nhà thương làm phúc của dòng tu Chúa Cứu thế ở Huế, các y tá hầu hết là các bà xơ, riêng người phụ trách là bác sĩ Lê Đình Thám, một cư sĩ Phật giáo đồng thời là một trí thức yêu nước có cảm tình với cách mạng. Bác sĩ Thám đã mời viên bác sĩ Pháp khám cho Nguyễn Chí Diểu. Khám xong, ông ta lắc đầu nói bằng tiếng Pháp: “Không hiểu làm sao anh này còn sống được khi lá phổi anh ta mất cả, chỉ còn một nắm tay!” Anh Diểu nghe được câu nói đó; khi anh em vào thăm, anh nhắc lại câu nói của bác sĩ Pháp và nói đùa: “Cái ông Tây này không biết điều. Ông ta không biết rằng người ta đâu chỉ sống bằng lá phổi”.

Anh cố gượng dậy trao đổi nhiệm vụ với các đồng chí. Nhưng bệnh tình của anh ngày càng nguy kịch, anh ra máu luôn.

Bằng sự cố gắng tinh thần mãnh liệt, không bao lâu sức khỏe anh có những chuyển biến khá hơn trước. Cuối tháng 3 năm 1938, anh lại bí mật đi dự cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương tại làng Tân Thới Nhất gần Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định). Hội nghị tổ chức trong hai ngày đã quyết định nhiều nhiệm vụ mới trong đó có chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất Dân chủ Đông Dương và bầu đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư của Đảng. Đây là lần đầu tiên một Tổng Bí thư được chọn từ một đồng chí trưởng thành từ phong trào chính trị sôi động trong nước.

Nhưng sức khỏe không cho phép Nguyễn Chí Diểu tiếp tục hoạt động được nữa. Từ hội nghị trở về anh lại suy yếu nhanh chóng và nằm liệt giường. Lần này chánh mật thám Sô nhi ra chỉ thị mật buộc Bệnh viện Huế phải đưa anh vào khu lazaret - khu cách li vì bệnh truyền nhiễm để tách anh hoàn toàn với phong trào.

Biết rằng sự ra đi của anh chỉ còn là vấn đề thời gian, các đồng chí của ta thông báo vào Thành ủy Sài Gòn để chị Tư Đầy được ra chăm sóc anh trong những ngày cuối cùng. Cuối tháng tư chị Đầy ra Huế cùng với chị Nữ, em gái anh hàng ngày thay phiên nhau chăm sóc cho anh. Những lúc cơn ho dịu lại, trong người dễ chịu hơn, anh lại cầm lấy cây đàn violon kéo một vài giai điệu mà anh yêu thích. Ngày chủ nhật đại diện các đoàn thể, tiểu thương chợ Đông ba… lại đến thăm anh, tặng quà, chia sẻ với anh những lời khích lệ. Bài thơ “Những người không chết” của Tố Hữu ra đời trong những ngày đó với những dòng xúc động:

Không! không! không! anh không chết trong tôi
Ý đời anh đã nẩy lộc đâm chồi
Trong cân não của một loài cơ cực
Anh đương sống với bao nhiêu sinh lực
Của thân cây đương buổi nhựa lên cành!...


Sinh lực của anh bắt nguồn từ ý chí của Đảng, sức mạnh của phong trào cách mạng. Năm 1938 cuộc đấu tranh của cả nước và Thừa Thiên Huế tiếp tục vươn lên đỉnh cao mới. Anh chăm chú lắng nghe bước đi của phong trào, vui mừng trước mỗi thắng lợi của cách mạng.

Tháng 9 năm 1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Thực dân Pháp phát xít hóa bộ máy cai trị Đông Dương, ra sức đàn áp cách mạng Việt Nam. Các đồng chí lần lượt rút vào hoạt động bí mật. Sức khỏe Nguyễn Chí Diểu suy sụp hẳn. Anh chìm trong những cơn mê kéo dài…

Ngày 12 tháng 9, bác sĩ Lê Đình Thám báo cho các đồng chí của ta vào bệnh viện chuyển anh ra gấp. Anh đang hấp hối. Anh Hà Thế Hạnh đón anh ra một căn nhà ở đường Gia Long, đối diện trường Pháp - Việt Đông Ba ngày xưa anh đi học. Anh Đoàn Quang Thìn thay mặt Thành ủy đến đề nghị anh cố gượng thêm vài ba ngày nữa để khi anh yên nghỉ Thành ủy có thể tổ chức lễ tang lớn vào đúng ngày chủ nhật, biểu dương sức mạnh của phong trào trước sự uy hiếp của kẻ thù. Anh không còn nói được, anh chỉ giơ nắm tay lên như tuyên thệ.

Anh trút hơi thở cuối cùng vào sẫm tối ngày thứ sáu 15 tháng 9 năm 1939.

Lúc đó, một vấn đề đặt ra cho ban tổ chức lễ tang và gia đình là đưa anh về đâu. Đi đâu cũng bị thực dân Pháp gây khó dễ. Ngày đó cụ Phan Bội Châu có dành dụm ít tiền do đồng bào quyên góp, mua được một mảnh đất nhỏ gần đồi Quảng Tế làm nơi chôn cất những người yêu nước “chí tử bất biến” (đến chết không thay đổi chí hướng) mà không có nơi yên nghỉ. Ta liền xin cụ được an táng Nguyễn Chí Diểu tại nghĩa trang của cụ. Cụ liền đồng ý. Kẻ địch tức lắm nhưng không làm gì được.

Ngày chủ nhật, 17 tháng 9 năm 1939, hàng ngàn đồng bào đồng chí đã thương tiếc đưa Nguyễn Chí Diểu, ngược dốc Nam Giao về tận nơi an nghỉ cuối cùng…

Bên nấm mộ anh, chị Trần Thị Đầy đã khóc nức nở, kể hết mọi nỗi niềm của người vợ, người bạn chiến đấu từng chia sẻ với anh những ngày gian khổ, như một bản điếu văn sâu sắc, thấm thía nhất về cuộc đời cao đẹp và dũng cảm của anh cống hiến cho quê hương đất nước.

31 tuổi đời, từ khi bước chân vào đời đến khi nằm xuống, Nguyễn Chí Diểu đã hiến dâng trọn tuổi thanh xuân của mình cho Dân, cho Nước, cho lý tưởng Cộng sản Chủ nghĩa; anh mãi mãi là cây thông cứng cỏi tươi xanh vươn mình trên đỉnh Ngự Bình…

Huế, biên soạn, mùa phượng nở 1983
Hà Nội, bổ sung sửa chữa, tháng 8/ 2017

N.K.Đ  
(TCSH358/12-2018)

--------------
* Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương.






 

 

Các bài mới
Người đi qua em (14/01/2019)
Nhớ Huế (08/01/2019)
Các bài đã đăng