Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-18)
Người đưa chữ vào tâm hồn bè bạn
15:02 | 11/01/2019

LTS: Nhà thơ Ngô Minh, sinh ngày 10 tháng 9 năm 1949; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, cộng tác viên thân thiết của Sông Hương. Sau cơn tai biến nặng từ trưa 26 tháng 11 năm 2018, nhà thơ đã từ trần tại nhà riêng vào lúc 23 giờ 12 phút ngày 3 tháng 12 năm 2018. Nhà thơ được an táng tại Khu nghĩa trang phường Hương Long, thành phố Huế (sau lưng chùa Thiên Mụ).
Sông Hương thành kính chia buồn cùng gia quyến và bạn đọc, xin đăng bài viết dưới đây của nhà thơ Đông Hà, như là nén nhang tưởng nhớ, vĩnh biệt một người thơ…

            Ban Biên tập

Người đưa chữ vào tâm hồn bè bạn
Ngô Minh tác phẩm - (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2015)

ĐÔNG HÀ   

Thời nay, làm thơ để tự xưng là nhà thơ nghe rất dễ. Nhưng làm thơ để được người đời gọi là nhà thơ lại rất khó. Nhịp sống hiện đại thay đổi khiến con người ta cấp tập hơn, vội vã hơn và cũng nhiều trầm luân hơn nên mỗi khi ngột ngạt, họ lại có xu hướng quay về với thơ ca như một cách giải tỏa nỗi niềm. Người vụng chữ thì đọc thơ người khác, người khéo chữ thì làm chữ ra thơ cho chính mình. Viết cho chính mình dẫu sao cũng dễ dàng hơn, nhưng một khi để chạm đến được trái tim người đọc, để người đọc thấy được chính họ trong những câu thơ, thì không dễ dàng gì.

Vậy mà Ngô Minh đã làm được điều đó, và ông đã được gọi là nhà thơ. Ông là nhà thơ đã đưa được chữ của mình vào tâm hồn bè bạn và người đọc.

Nhà thơ Ngô Minh tên thật là Ngô Minh Khôi, quê làng Thượng Luật, xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Lớn lên từ mảnh đất cát gió quê nhà, ông có nhiều kỷ niệm gắn bó thời thơ ấu ở đấy với những nỗi niềm khắc khoải của một đứa trẻ sớm chứng kiến gia cảnh riêng đầy bi kịch. Cha bị xử oan sai, mẹ một mình gồng gánh tần tảo nuôi đàn con ăn học nên người. Những năm tháng đó đã khắc ghi trong ông những ám ảnh về thân phận, về cuộc đời. Lớn lên ông tham gia giai đoạn cuối cuộc chiến tranh, cùng đơn vị hành quân vào cửa ngõ Sài Gòn giải phóng quê hương. Giai đoạn này trở thành một đoạn đời đáng ghi nhớ trong cuộc đời ông. Sau đó, ông làm báo, sự lăn lộn gắn bó với nghề báo đã giúp ông có cái nhìn trực diện, thẳng thắn với cuộc đời. Hàng ngàn trang viết đã ra đời dưới cái nhìn sắc sảo của một nhà báo. Bên cạnh đó, hàng ngàn câu thơ vẫn sống mỗi ngày trong tâm hồn ông, vẫn cựa quậy theo nhịp đập trái tim ông để đi đến với bạn đọc. Vì vậy, trong 28 đầu sách đủ thể loại từ truyện ký đến phóng sự, tiểu luận phê bình thì thơ chiếm đến 14 tập.

Cuối năm 2015, nhà thơ Ngô Minh khiến bạn bè bất ngờ khi ông hoàn tất bản thảo và cho xuất bản bộ sách “Ngô Minh tác phẩm” với 2100 trang gồm 5 tập; tập 1: Thơ; tập 2: Chân dung; tập 3: Ký & Phóng sự; tập 4: Tiểu luận phê bình; tập 5: Phê bình văn chương Ngô Minh. Với một người viết hơn bốn mươi năm cầm bút, để chọn lựa ra một bộ sách như vậy không chỉ là sự bền bỉ cần cù làm việc mà còn là sự dứt khoát với chính bản thân mình. Biết bỏ những cái không đáng có, biết đóng lại những năm tháng sau này trong cuộc đời mình, đó là điều không dễ dàng gì. Nhưng Ngô Minh đã làm và làm xong. Trong lời thưa đầu sách, nhà thơ nói: “Bốn mươi năm qua tôi viết ngày viết đêm, say mê, cuồng nộ. Làm thơ, viết chân dung văn nghệ sĩ, tiểu luận và phê bình thơ, viết truyện ký, viết cả bút ký về ẩm thực Huế, nhưng cơ bản là tâm tình, hồn cốt của tôi đều ở trong thơ. Tôi đã xuất bản 14 tập thơ trữ tình và hơn 14 tập truyện ký, phóng sự, tiểu luận phê bình, sưu tầm biên soạn, nay tuyển chọn lại trong 5 tập là món quà gửi đến độc giả, là sự tổng kết một thời dấn thân sôi nổi”. Bạn bè quen với một hình ảnh Ngô Minh “cười sần sật” (chữ dùng của nhà văn Nguyễn Quang Lập), một Ngô Minh la đà với bạn từ sáng đến trưa từ trưa đến tối, một Ngô Minh tận tình với việc nhà người khác như việc nhà mình, một Ngô Minh sôi nổi hứng khởi đọc thơ không biết mệt trong những cuộc thơ… nên khi được cầm bộ sách trên tay, nhiều người ngơ ngác. Làm “tuyển” cho mình cũng là lúc tuyên bố gác kiếm, với một người viết vừa tròn 67 tuổi như vậy có sớm quá chăng? Ông bộc bạch: “Tôi nghĩ mình bây giờ U70 rồi. Những gì trẻ trung, tinh túy đã rút ra hết rồi. Nếu còn sáng tác được cũng chỉ cầm chừng, câu giờ. Họa may có “sự biến đổi gen” nào đấy, tôi mới viết khác đi, mới hay hơn. Nhưng điều đó chắc khó xảy ra. Phải tự biết mình là ai, đứng đâu trong làng văn, tôi nghĩ vậy”.

Người cầm bút thường bị ám thị văn mình vợ người, mấy ai biết vị trí của mình trong làng văn mà chọn điểm dừng như thế.

Tôi đọc thơ Ngô Minh từ những ngày đầu bước chân vào đại học, những câu thơ tình của ông đã trở thành lời hay ý đẹp cho tâm hồn tươi trẻ thời ấy. Bài thơ Hoa hồng mưa với những câu thơ đẹp lạ lùng đã ám ảnh tôi về câu chuyện tình nhuốm màu huyền thoại:

ta về Bến Ngự mưa sa
thức cùng tí tách chuyện ba bông hồng

 
người mưa qua phố mưa buồn
gặp nàng tiên tặng đóa hồng cầm tay
hoa cười lúm nắng gọi say
mắt môi như rượu rót đầy hồn mưa

 
rồi theo về tận cổng chùa
tóc mưa thăm thẳm gót mưa bềnh
bồng
xứ mưa mưa ngập cõi lòng
nàng cùng ba ngọn lửa hồng vút bay...

 
hoa hồng ơi hoa hồng gai
chuyện tình một đóa trên tay người cầm!


Nghe một địa danh đẹp, ai cũng muốn đi. Đến một nơi chốn đẹp, ai cũng đôi phần luyến lưu về nó. Nhưng để làm được những vần thơ ở lại cùng địa danh đó, thì hẳn phải là người có một tấm lòng thơ. Bến Ngự của Huế cũng vậy. Chỉ một cái tên nhưng gợi nhớ bao hình ảnh, vừa mang tính khí khái tráng ca của tư chất người chí sĩ yêu nước họ Phan, vừa vấn vương trong một thoáng đường tơ của nhà thơ họ Lưu, lại vừa uyển chuyển mơ hồ trong tiếng nhạc liêu trai của chàng nhạc sĩ tài hoa Dương Thiệu Tước. Vậy, làm người đến sau, ắt hẳn những cây bút hậu thế sẽ lúng túng đến dường bao khi muốn chạm vào địa danh vừa quen thuộc vừa hấp dẫn bởi vẻ đẹp của trầm tích văn hóa qua tháng năm ửng dậy như thế. Và nhà thơ Ngô Minh đã chọn một góc nhìn khéo léo để viết về Bến Ngự, về Huế của riêng ông qua bài thơ này.

Nhưng sau này, tiếp xúc nhiều với ông, đọc kỹ hơn thơ ông, tôi nhận ra, điều khiến thơ Ngô Minh ở lại với người đọc không phải chỉ ở những câu thơ tình mà đó là những vần thơ về cuộc đời, về thế sự. Ngô Minh làm thơ nhiều, nhưng nhiều nhất và ám ảnh nhất vẫn là những câu thơ về quê hương, về làng Thượng Luật của ông. Ký ức về một thời khốn khó, cực khổ luôn hiện lên qua những câu thơ buồn khắc khoải. Trong bài thơ Nhớ mạ, ông như trẻ nhỏ ngồi lại hiên nhà, chờ ngóng bước chân của người mẹ tần tảo với nắng mưa. Nhưng nhớ mạ, chờ mạ, để rồi khi mạ mất đi, ông thốt lên: “con về giã cối trầu cay/ như giã buồn đau cô quạnh” thì tình cảm ấy quá sức sâu nồng, day dứt trong cuộc đời của đứa con nhạy cảm một mình trong cuộc sống mồ côi.

Người ta làm thơ để than thở nỗi niềm, nhà thơ Ngô Minh đôi lúc cũng mượn câu thơ để thở than cho nhẹ nỗi. Như khi đi trên tàu ra Côn Đảo vào tháng 4/2014, ông viết: “Sống sao khó quá người ơi/ Ra đường sợ nạn, nói chơi sợ phiền” (Lênh đênh) thì quả thật đáng rùng mình. Phải trải nghiệm lắm, trần ai lắm, thị phi lắm, tai bay vạ gió lắm… người viết mới thốt lên như vậy. Tính Ngô Minh hiền lành, với bạn bè, con cháu bao giờ cũng cười hềnh hệch, rượu vào thì say tít mù, cười sần sật nghiêng ngả cả đường về. Bạn gần đến nhà trải chiếu rượu thâu đêm. Bạn xa đến nhà cũng trải chiếu rượu suốt tháng. Ngôi nhà nhỏ xíu trên dốc Bến Ngự đón tiếp bao tao nhân mặc khách. Thời còn sống, mỗi lần vào Huế nhà thơ Phùng Quán lại đóng đô ở đó. Bạn thơ từ xa về mặc nhiên xem đó là nơi tá túc. Ngay cả những nhà thơ ở Huế như Mai Văn Hoan, Nguyễn Trọng Tạo… cũng thường tụ tập lại đó trong những đêm thơ đêm rượu bất tận không có điểm dừng, chỉ khi nào say thì lăn ra ngủ, tỉnh lại kéo nhau lang thang xuống phố cho hết cơn say thơ mới chịu về. Vậy mà cũng có lúc nhà thơ phải thốt lên sống sao khó quá, nghe sao cay đắng chát chua ngậm ngùi.

Nhưng vượt qua tất cả, bằng cái nhìn hồn nhiên của một tâm hồn nhạy cảm, Ngô Minh vẫn tha thiết sống với đời, với chữ nghĩa văn chương. Trải qua những cơn đau của mình, ông lại càng gắn bó với con chữ hơn. Ông viết báo, viết tiểu luận phê bình, viết ký sự… và hơn cả, vẫn làm thơ, vẫn chơi với bạn nồng nàn như thuở còn hai mươi tuổi. Ngôi nhà nhỏ 31 Phan Bội Châu dưới dốc Bến Ngự dẫu đã được làm lại, cao rộng hơn, vẫn không đủ chỗ chứa cho mỗi lần họp bạn. Người vợ hiền nhỏ nhắn năm xưa giờ tóc đã điểm bạc, tay bồng cháu tay vẫn sắp đặt mâm rượu cho chồng tiếp bạn nồng hậu như xưa. Nhìn ngắm cảnh này, tôi lại nhớ câu thơ hôm nào ông viết: “Cay đắng trong veo, nồng nàn cũng trong veo/ Trong veo câu thơ thương người biết khóc”. Cuộc sống luôn có nhiều bất trắc, con người phải chịu sự va đập của nó. Nhưng cái tâm trong veo sẽ giúp họ nhìn đời hồn hậu hơn. Tất nhiên, cũng sẽ sống đẹp hơn nhờ sự hồn hậu từ tâm đó.

Đặc biệt, cõi thơ Ngô Minh luôn dành sự nâng niu trân trọng cho mảnh đất Thượng Luật của ông. Những câu thơ chan chứa tình đã nuôi nấng tâm hồn ông để ông có được một Ngô Minh-thơ hôm nay luôn là đề tài day trở trong ý niệm sáng tác.

Như tôi
Đứa con của cát
Mắt quen mở ngang tầm gió sắc
Để nhận trong mắt biển một chân trời
Kết tinh thành hạt muối của hồn tôi.


Quê hương trong thơ ông là con đò, là bụi cát, là con đường dưới hàng dương quen thuộc, là nơi “mạ bọc tôi trong vạt áo đẫm mồ hôi/ và dính đầy bụi cát/ đôi dép mạ đi là manh ván hẹp/ từ sạp thuyền đi biển của cha”. Tất cả hiện lên giản dị đơn sơ đến mộc mạc. Nên đừng tìm trong thơ ông những mỹ từ. Cái đẹp thơ ông hiện lên ở cái tình hồn hậu bằng câu chữ rất thật, đơn giản và quê mùa. Nhưng cũng chính cái quê mùa ấy đã làm nên hồn thơ Ngô Minh. Cũng chính bằng cái quê mùa ấy, Ngô Minh đã đưa được thơ mình đến với người đọc.

Như khi cư xử với bè bạn, với người đời, ông cũng đem cái tình thật thà ra để sống. Vì vậy những khi hoạn nạn ốm đau, những khi chật vật cơm áo, nhà thơ đã được nhận từ bè bạn biết bao ân tình. Bởi đã từng có lúc, ông sống tận tụy với bạn mình, đúng như trong bài Thơ tiễn bạn đi học trường Nguyễn Du:

Cạn túi mươi đồng cạn cốc tiễn nhau
Cay đắng trong veo nồng nàn cũng
trong veo…

 
Thôi bạn đi
Con tàu thơ không có ga dừng!


Mượn ý thơ ông, tôi mong rằng với nhà thơ Ngô Minh, con tàu thơ cũng không có ga dừng, cho dù thơ phú bọt bèo như cách nói của ông, thì cũng đã từng chở biết bao tình nghĩa trong cuộc sống để bạn bè sống đẹp với nhau.

Mà thời nay, sống đẹp với nhau, hay nói như Trịnh Công Sơn, là sống tử tế với nhau không dễ. Nhưng từ con chữ, từ văn chương, từ trang viết, nhà thơ Ngô Minh đã đem tấm lòng tốt ra đãi bạn bè, để từ đó có những câu chuyện tình bạn, tình đời nồng hậu thì có nghĩa nhà thơ đã làm được điều có ý nghĩa lớn trong cuộc đời mình. Âu đó cũng là một cách sống đẹp.

Huế, 5/1/2016
Đ.H  
(SHSDB31/12-2018)




 

 

Các bài mới
Lính giáp ranh (25/01/2019)
Các bài đã đăng