Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-18)
Những ca khúc nồng nàn từ trại sáng tác âm nhạc “Huế xưa và nay”
15:24 | 15/01/2019

NGUYỄN CÔNG TÍCH

Được sự đồng ý về mặt chủ trương của Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức Trại sáng tác Âm nhạc “Huế xưa và nay”, diễn ra từ ngày 08 đến 29/9/2018 với sự tham gia của 16 nhạc sĩ tên tuổi trong cả nước.

Những ca khúc nồng nàn từ trại sáng tác âm nhạc “Huế xưa và nay”
Các nhạc sỹ chụp ảnh chung với Lãnh đạo tỉnh và Ban tổ chức

Trong những ngày tham gia Trại sáng tác ở Thừa Thiên Huế, các nhạc sĩ đã tham quan các di tích ở Huế, đầm phá Tam Giang ở Quảng Điền, Phú Lộc, rừng Bạch Mã, vịnh Lăng Cô… Các địa phương nơi các nhạc sĩ ghé đến đã có những tiếp đãi nồng hậu, hun đúc nên bao cảm xúc trong lòng các nhạc sĩ. Đặc biệt, Công ty Cổ phần Đầu tư IMC Huế đã tài trợ cho Trại sáng tác này, Làng Du lịch sinh thái Về Nguồn đã mời đoàn nhạc sĩ giao lưu.

Cùng với cảnh sắc thiên nhiên hiền hòa của miền sông Hương núi Ngự; văn hóa còn gìn giữ trong tà áo dài, trong chiếc nón bài thơ, trong giọng Huế dạ thưa, và những dấn ấn của một Huế hiện đại bên cạnh sự cổ kính... đã gợi niềm cảm hứng cho các nhạc sĩ. Kết thúc trại sáng tác, các nhạc sĩ đã cho ra đời 15 ca khúc viết về Huế, vùng đất của thi ca nhạc họa.


Từ tứ thơ rất gợi và giàu giai điệu của nhà thơ Dương Văn: “Gặp em - người con gái Huế, Huế thật rồi mà sao ngỡ trong mơ…”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã khéo léo dùng tiết nhịp 2/2, giọng mi trưởng giai điệu trong sáng để diễn tả tình yêu của mình dành cho con người, cho miền đất này, qua ca khúc “Gặp em”.


Từng rất thành công với nhạc phẩm “Ngược dòng Hương Giang”, ở Trại sáng tác lần này, nhạc sĩ Đức Trịnh tiếp tục giới thiệu một ca khúc dạt dào tình cảm, đầy màu sắc âm điệu Huế từ lời thơ của nhà thơ Lê Tự Minh, đó là ca khúc “Sóng Hương Giang”.


Nhạc sĩ Tôn Thất Lập, người con xứ Huế, tham gia Trại sáng tác lần này đã có ca khúc “Cảm xúc Huế”. Ca khúc có tiết nhịp 3/4 dịu êm, nhẹ nhàng như nhịp chèo đò của thiếu nữ trên sông Hương xưa ở đoạn 1, để rồi vào đoạn 2, tác giả chuyển sang tiết nhịp 4/4 mềm mại nhằm diễn tả nội tâm của người con xa xứ trở về Huế nay.


“Nghe tiếng đàn tranh ở Huế” là một trong những bài thơ hay của nhà thơ Phùng Tấn Đông. Từ ý thơ, nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn đã viết ca khúc “Giọt đàn xứ Huế” mang giai điệu đậm chất liệu âm nhạc truyền thống Huế.


Sinh tại Bến Tre nhưng Huế là quê ngoại, nhạc sĩ Võ Đăng Tín sáng tác ca khúc “Về với Huế” để tặng đời, tặng Huế. Ca khúc được viết ở tiết nhịp 4/4 trên giọng rê thứ giai điệu với một số nốt biến âm hình thành nên giai điệu âm nhạc miền Tây Nam Bộ rất đặc trưng.
 

Nhạc sỹ Phú Quang giao lưu với khán giả trong đêm bế mạc

Hứng khởi về Huế tham gia Trại sáng tác ca khúc Huế, nhạc sĩ Phú Quang đã có ca khúc “Còn trong ký ức” được phổ từ thơ của nhà thơ Thái Thăng Long, với lời đề từ “Viết tặng Huế yêu thương của tôi”. Khi tha thiết, lắng sâu, lúc xôn xao, thầm lặng…, đây là điều dễ nhận ra khi nghe những nhạc phẩm của nhạc sĩ Phú Quang. Ca khúc “Còn trong ký ức” có những câu nồng nàn bãng lãng như “Núi Ngự Bình chén nghiêng Đại Nội chiều say…”. Bài hát viết ở hình thức hai đoạn đơn tương phản trên giọng son thứ, giai điệu man mác hoài niệm, sang trọng mà gần gũi.


Tại trại sáng tác, nhạc sĩ Vũ Thiết đã sáng tác 2 ca khúc, trong đó có ca khúc phổ thơ bài thơ “Đi cùng sông Hương” của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ thành nhạc phẩm cùng tên. Ca khúc thứ 2 của nhạc sĩ Vũ Thiết mang tên “Tình Hương Giang” được phổ thơ từ lời thơ của nhà thơ Mai Hương. Bài hát được viết trên giọng La trưởng tự nhiên tạo ra cung quãng lơ lớ rất âm điệu đặc trưng Huế.


“Thương lắm Huế ơi! Thương cả một đời… Vương cả trời thương” là ca từ tha thiết, tình cảm trong nhạc phẩm “Thương thương xứ Huế” là sáng tác của nhạc sĩ Vũ Đức Tân ở trại lần này. Bài hát được viết ở hình thức hai đoạn đơn tương phản, tiết nhịp 4/4 trên giọng son trưởng. Nét nhạc như sáng bừng rồi lại lắng sâu, giai điệu của bài hát có âm vực rộng nhằm diễn tả niềm thương sâu thẳm của tác giả đối với Huế, với cả những câu hò, điệu lý… của vùng đất kinh kỳ.


Cảm xúc từ những buổi đi thực tế điền dã lên trên núi Bạch Mã, về đầm phá Tam Giang, nhạc sĩ Vũ Duy Cương đã cho ra đời nhạc phẩm “Huế nay”. Bài hát được viết trên tiết nhịp 2/4. Giai điệu tha thiết dạt dào trên giọng son trưởng.


Lúc lắng đọng, xôn xao, khi gào thét, sôi nổi… niềm cảm hứng sáng tạo dồi dào là nét riêng trong những ca khúc của nhạc sĩ Lê Minh Sơn. “Về Huế với nhau đi” được viết ở hình thức hai đoạn đơn tương phản trên tiết điệu Bossanova tinh tế, ca từ mộc mạc, dân dã. Ngôn ngữ gợi nhắc những món ẩm thực trong đời sống thường nhật của người dân Huế như bánh bèo, cơm hến, bữa lỡ được tác giả khéo léo hòa âm thành ca từ trong bài hát của mình.


A Lưới là một huyện miền núi phía Tây Thừa Thiên Huế, nơi xảy ra cuộc chiến khốc liệt trên đồi A Bia tạo nên một thiên hùng ca lừng lẫy trong cuộc chiến chống Mỹ. Người lính năm xưa, nhà thơ Lê Tự Minh trong một lần trở lại nơi đây đã viết ra bài thơ “Trở lại nơi đây”. Bài thơ được nhạc sĩ Tuấn Phương phổ thành bài hát cùng tên.


“Gánh cơm hến đi trong sương” là một trong những bài thơ hay của nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc, gợi hình ảnh sống động của một món ăn đặc trưng của xứ Huế, đã được nhạc sĩ Trầm Tích phổ thành ca khúc “Cơm hến”. Bài hát mang phong cách đậm đặc âm điệu ngũ cung đặc trưng âm nhạc truyền thống Huế nhưng trên tiết tấu hiện đại, mạnh mẽ của dòng nhạc EDM (Electronic Dance Music) một dòng âm nhạc điện tử rất thịnh hành hiện nay. Âm sắc của các nhạc cụ được tạo ra từ các thiết bị điện tử được hòa trộn với tiếng đàn tranh Huế thật nhẹ nhàng tạo ra nét mới lạ của âm nhạc Huế đương đại. Trong trại sáng tác này, nhạc sĩ Trầm Tích còn phổ thơ bài thơ “Nợ Huế một vần thơ” của nhà thơ Viên Mãn thành ca khúc “Nợ Huế” có giai điệu đậm chất âm nhạc truyền thống Huế.

Cũng như những trại sáng tác khác, những giờ khắc bên nhau cùng nghe, cùng xem… để “thẩm thấu” tác phẩm của nhau trong không gian Huế; cùng nhau góp ý, thảo luận cho những “đứa con tinh thần” của các văn nghệ sĩ nhằm hoàn thiện hơn tác phẩm luôn là thời khắc thú vị. Các nhạc sĩ đến từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế đã có những giờ phút đắm say cùng sóng nước Tam Giang, nghe tiếng gió rừng bạt ngàn Bạch Mã, cảm thấu đời sống sôi động Huế ngày nay còn phảng phất hương vị ngàn xưa, để thấy yêu thương cuộc đời, yêu mến nhau hơn.

Với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học nghệ thuật, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (TRT), Liên Hiệp các Hội VHNT tỉnh, Công ty GMC Huế, Ban tổ chức Trại sáng tác, và sự tham gia của các nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên múa… đã cùng tổ chức đêm bế mạc trại sáng tác và công diễn các tác phẩm viết tại Trại. Đêm nhạc đã gửi đến công chúng yêu âm nhạc một chương trình đặc sắc, đầy ấn tượng với những ca khúc mới viết về Huế. Những nhạc phẩm này hứa hẹn sẽ còn tiếp tục vang lên và đi vào đời sống.

N.C.T  
(SHSDB31/12-2018)


 

Các bài mới
Lính giáp ranh (25/01/2019)
Các bài đã đăng
W.a.t.e.r (15/01/2019)
Cơm Hến (11/01/2019)