Tạp chí Sông Hương - Số 359 (T.01-19)
Đôi giày
10:00 | 12/03/2019

Nassar Ibrahim là nhà văn, nhà báo người Palestine. Ông còn là nhà hoạt động xã hội, nguyên Tổng Biên tập báo El Hadaf tại Palestine. Truyện ngắn dưới đây được in lần đầu bằng tiếng Ả Rập trong tạp chí Masharef 28, số mùa thu 2005, được Taline Voskeritchian dịch sang tiếng Anh, in trong tạp chí Wordswithoutborders số tháng 11/2006.

Đôi giày

NASSAR IBRAHIM

Đôi giày  

Có thể đây chỉ là một chuyện đùa sắc sảo, nhưng nó đã trở thành một truyện - truyện dành cho mọi người.

Không ai biết vì sao Nizar kiên quyết phải đi Ramallah(1). Hoàn cảnh không thuận tiện - những trạm kiểm soát quân đội, những tình huống bẽ bàng, hành trình đi bộ mệt lử qua những ngọn đồi và qua những tường chắn làm bằng đất. Dù sao đi nữa, với lòng quyết tâm của một công nhân lao động, Nizar nhất định đi. Có một việc phải được giải quyết ở Ramallah. Anh phải đi. “Tôi sẽ chịu đựng được vất vả của hành trình… chúng ta đã quen với vất vả rồi… vất vả đã trở thành bình thường đối với chúng ta. Người Israel không nhận thấy rằng họ đã quản lý để làm cho mọi chuyện không bình thường trong cuộc sống chúng ta hóa ra bình thường… chúng ta còn có thể làm gì? Ngồi cho tới lúc chết à, đợi cái gì?”

Anh đón xe và ra đi. Anh phải đến được Ramallah, cách này hay cách khác.

Chiếc xe chạy qua vùng đồi, hết một ki lô mét đường nhựa lại đến một ki lô mét đường đất. Nizar hướng mắt về phía vùng đồi. Người ta luôn tìm ra một con đường vòng qua các trạm kiểm soát. Những con đường phụ đã làm họ trở thành những chuyên gia vượt trạm kiểm soát, vượt những mệnh lệnh, sự kiệt sức, sự tồi tệ. Họ giống như một bầy kiến luôn tìm được lối đi, một giải pháp, khi mà tổ và lối đi của chúng bị phá hủy, chúng đủ sức để vượt qua, thích ứng và chịu đựng. Khi đó, bầy kiến đào xới bằng miệng và bằng những cái chân nhỏ bé, mang từng hạt đất đến những điểm xa. Chúng mở một lỗ nhỏ, nhưng như thế là đủ, chúng sẽ tiếp tục trên con đường của chúng như không có gì xảy ra. Có thể sau một phút, vì vô tình hay hữu ý, một trong số chúng sẽ làm hỏng cái lỗ. Bầy kiến dừng lại, khích động ngọ nguậy râu của chúng, xem xét tình thế, tập trung lại chung quanh lỗ và rồi lại bùng ra và bắt đầu làm việc.

Trên những con đường đất, người ta giống như những khối đen nhỏ, đi thành hàng, những dòng người yếu đuối này, dừng lại, bước tới và rồi lùi lại. Họ sẽ leo qua bất cứ thứ gì để đến mục tiêu của họ, họ đi bộ như thể bước qua địa ngục của Dante. Trên con đường thẳng, họ tụ tập lại, họ leo, họ nhảy qua những rào chắn bằng đất. Sau một giờ, những chiếc xe ủi đất có thể phá hủy các lối đi của họ bằng đá, đất, và bằng những khối xi măng. Những khối đen dừng lại, nhìn quanh, tự quay lại, với sự chịu đựng, với nước mắt, mồ hôi, nhưng rồi vẫn tìm ra một lối đi mới, tạo ra lối đi mới, khám phá ra nó và tiếp tục lên đường với sự ngoan cường bất tận của họ.

Nizar di chuyển như những người khác. Hăng tiết, anh leo lên những con đường của kiến, nguyền rủa. Chân anh nhức, anh té xuống, đứng dậy, nắm tay một ông già và cùng nhau họ tiếp tục vượt đồi. Anh phải đến Ramallah. Ngay lúc đó, có thể anh đã quên lý do tại sao anh muốn đến Ramallah. Không quan trọng. Sự đến được đó tự nó là mục đích của anh - năng lực ngoan cường xác quyết với anh rằng chỉ đến được đó cũng là một cách chiến thắng, và như vậy là đủ.

Thời gian trôi qua chậm, nóng và bụi: những rào chắn, súng, lính, kiểm tra thẻ chứng minh, sự chờ đợi dai dẳng, những lời mắng chửi và những tình huống bẽ bàng. Mọi thứ này trộn lẫn với mọi thứ khác, sự tiến tới và sự thoái lui cùng là sự đo lường sức chịu đựng như nhau. Cứ thế, anh tiến tới. Không phải là sự đến được, không phải là sự vượt qua gian khổ được, thách thức việc bị bẻ gãy không là một sự bình đẳng rõ ràng, đơn giản hay sao? Cả một quốc gia tìm những con đường phù hợp, bước qua luận lý và lý do để duy trì cho chính nó điều mà luận lý nói. Kiên trì Tồn tại trước hết, hay là chết.

Miên man với suy nghĩ của mình, Nizar tiếp tục đi trong niềm hy vọng. Mỗi ngọn đồi là một trở ngại anh phải vượt qua, ý nghĩ đó nuôi dưỡng sự kiên định của anh. Mỗi tiếng cười là một cách phản kháng, như thể anh là người vui vẻ nhất trên cõi đời này. Nhưng tiếng cười sảng khoái nhất, là tiếng cười khi anh cảm thấy thực sự vui vẻ.

Anh tiếp tục luồn lách, xoay xở, từ xe này chuyển sang xe khác, từ đồi đến núi, từ trạm kiểm soát này đến trạm kiểm soát khác. Anh tiến tới, con đường ngoằn nghèo, chịu đựng, cho tới khi anh thấy mình mệt nhoài trên ghế của chiếc xe, không biết đến những gì xảy ra chung quanh.

Sáu tiếng đồng hồ từ lúc trời rạng sáng không phải là khoảng thời gian dài, anh nghĩ và mỉm cười. Có nhiều người mất mười tiếng đồng hồ để đến nơi họ muốn đến, để đạt tới cái họ muốn đạt tới. Anh đến gần trạm kiểm soát cuối cùng ở phía trước trại tị nạn Qalandia. Chỉ thêm một bước nữa là anh thắng cuộc chiến.

Một hàng xe dài đậu dọc trên con đường nhựa. Chiếc xe chậm lại và đậu nối đuôi hàng xe. Anh mở cửa bước xuống, nhìn xung quanh. Cả hai bên đường, những con kiến đang di chuyển giữa những chiếc xe, trong bụi bậm, những người phụ nữ, trẻ con, thanh niên và ngừơi già, người bán hàng, sinh viên, những con lừa, tất cả di chuyển lui và tới, những giọng nói, tiếng la, tiếng thì thào, lời xin xỏ - một phức hợp người, của đau đớn và của đất, của sự khẳng định và của bụi, của cuộc đời.

Anh rời xe và bước tới, tham gia vào dòng người tiến lên. Một chiếc xe đen, sạch chạy qua, tạo nên một quầng bụi, mặc cho những tiếng chửi vọng theo.

Nắng đun nóng đầu người, những dòng mồ hôi muối chảy xuống cổ họ, làm mờ mắt họ. Nhưng bất chấp, không có lựa chọn nào ngoài sự tiếp tục.

Nizar kiên quyết bước đi, tai anh nghe những câu nói rời rạc: “Họ không cho ai đi qua ngoài những ai được giấy phép của cơ quan dân chính”.

“Tôi phải đến Ramallah, có phép hay không phép tôi cũng không quay lại”.

Anh đến gần trạm kiểm soát và đứng trước dãy hàng rào xi măng. Có mấy người lính ở gần đó, một số chưa tới mười tám tuổi, còn chưa mọc ria. Phía trước họ là hàng trăm người đàn ông đàn bà, đang chờ đợi, hy vọng, đang nói ngọt với những người lính bằng mọi khả năng của họ để mong được cho đi qua. Nhưng chẳng có ích gì: sự năn nỉ, khóc lóc, tuổi tác, bệnh hoạn, vào đại học, tất cả đều không được… “Không được, không”.

Áp lực và sự đông đúc càng tăng. Một trong những người lính ném một quả bom hơi, gần như không nghe ra tiếng vì nổ giữa đám đông. Người ta chạy, ho, lả người, nhưng không được gì. Không là không.

Đám đông lại bắt đầu tụ tập nhích lên. Nizar tiến tới trước. Anh đứng trước dãy hàng rào bê tông, rồi tiến lên qua lối đi hẹp.

- Nè anh kia, đi đâu? Dừng lại.

- Tôi muốn qua.

- Có giấy phép không?

- Không có giấy phép.

- Vậy quay lại. Cấm qua.

- Nhưng anh à, tôi phải đi qua. Tôi đến từ xa. Tôi có việc quan trọng phải giải quyết ở bên đó.

- Tôi không biết. Cấm qua. Quay lại không tôi bắn.

- Sao lại bắn? Tôi không có vũ khí.

- Tôi nói không, cấm qua.

Nizar do dự. Anh ngoái đầu nhìn đám đông, rồi tiếp tục:

- Làm ơn cho qua. Nếu anh muốn giữ chứng minh thư cho tới khi tôi trở lại, đây, anh cầm lấy.

- Tôi không cần chứng minh thư. Lệnh cấm không được qua. Tôi không nói thêm nữa.

- Sao vậy? Anh muốn gì ở tôi? Tôi phải đến Ramallah.

Người lính nhìn ra xa rồi quay lại nhìn mặt Nizar. Đây là một dịp để đùa chơi, một trò đùa. Người lính hỏi thẻ chứng minh của Nizar. Anh ta nhìn thẻ, rồi bảo Nizar:

- Nghe nè, tôi sẽ cho anh qua nếu anh gỡ nón ra.

Nizar đăm đăm nhìn người lính, rồi gỡ nón ra khỏi đầu và ném ra xa.

- Giờ tôi qua được chưa?

Người lính cười to. Anh ta đưa mắt nhìn cái nón văng vào đám đông và biến mất.

- Chưa xong. Còn những điều kiện khác nếu anh muốn qua.

Nizar cảm thấy anh đang phá vỡ được rào cản ban đầu và sự từ chối thẳng thừng. Anh tìm cách thương lượng:

- Vâng, các anh muốn gì nữa? - Anh hỏi người lính.

- Anh phải cởi giày gởi lại đây và sẽ lấy lại khi quay về.

Nizar nhìn người lính. Đây là trò đùa hay anh ta nói nghiêm chỉnh?

- Sao được! Làm sao tôi đi bộ chân không trong cái nóng này, thủy tinh vỡ, cát bụi…

- Tốt, anh không bằng lòng? Quay lại nơi anh xuất phát.

Nizar cúi đầu và hơi nhìn ngoái lại. Anh đưa mắt lướt qua đám đông đứng trong nắng và bụi. Trong khoảnh khắc, sức chịu đựng lại trỗi dậy.

- Tốt, tôi chấp nhận. - Anh nói rành rẽ.

Anh cúi xuống, cởi giày và đặt chúng ngay trên hàng rào chắn bê tông, trước mặt người lính bàng hoàng, và không cần đợi được phép anh tiến bước.

- Ê, đợi đã, điều kiện chưa hết.

Nizar bước như trong cơn mê. Con đường đất nóng dưới ánh nắng.

- Trước khi anh đi, tôi muốn anh đi lấy cho tôi một ly trà.

Nizar nhìn người lính, nhìn chân mình. Những giọt mồ hôi chảy xuống trên gò má anh, hơi dừng lại một chút ở cằm trước khi rớt giọt xuống ngấm trong đất nóng.

Anh bước đi chầm chậm rồi khuất dạng. Năm phút sau anh trở lại với một ly trà lớn. Anh đưa ly trà cho người lính. Người lính nhấp trà, cười cợt với những người lính khác.

Nizar rời khỏi trạm kiểm soát, sau cùng anh đã vượt qua trạm và đang trên đường tới Ramallah. Điều quan trọng là anh đã vượt qua.

(Đến đây, theo lô gích của thể loại truyện kể, câu chuyện có thể kết thúc. Nhưng như thường lệ một người Palestine điển hình cứ tiếp tục can thiệp vào truyện để làm cho truyện tiếp tục theo một kết cục khác).

Sau nhiều giờ, Nizar quay lại. Trước khi đến trạm kiểm soát, anh cởi đôi giày mới. Anh cất giày vào túi nhựa. Thỏa thuận là anh sẽ đi chân không trở lại.

Anh đi đến trạm kiểm soát, tới chỗ người lính.

- Ê, anh thấy là tôi trở lại đấy. Giày tôi đâu?

Người lính phá ra cười, tay anh ta chỉ đôi giày để kế bên tảng bê tông vuông.

Nizar lại chỗ đôi giày. Anh đút chân phải vào giày và cảm thấy có một chất lỏng nóng. Giật mình, anh lùi lại. Anh cầm chiếc giày và nhìn người lính vừa được bốn người lính khác nhập bọn và tất cả đều cười.

Nizar lật chiếc giày lại, một chất lỏng nhầy, vàng đổ ra. Anh lắc chiếc giày nhiều lần. Anh cố lau khô giày bằng tờ báo, những trang đầy tin tức và hình ảnh các hội nghị thượng đỉnh… Anh bình tĩnh đứng dậy, đút chân vào giày, và đi qua trạm kiểm soát. Ba bước. Chợt anh dừng lại đột ngột. Anh quay lại và đi trở lại, đến gần những hàng rào bê tông.

- Anh muốn gì? - Người lính hỏi anh, cười và ngạc nhiên.

Nizar đứng yên lặng. Anh nhìn đám đông và đoàn xe. Anh cởi giày ra và để chúng lên trên hàng rào xi măng. Anh nhìn thẳng vào mắt người lính. Anh nói rành rẽ:

- Điều cuối cùng tôi muốn nói với anh. Chừng nào anh còn tiểu vào giày của chúng tôi và chúng tôi còn tiểu vào ly trà của anh, sẽ không có hòa bình giữa chúng ta. Anh hiểu không?

Nizar quay nhanh trở lại. Anh biến vào đám đông, chân trần.

Võ Hoàng Minh dịch
(Nguồn: http://www.wordswithoutborders.org)   
(TCSH359/01-2019)

...........................................
(1) Ramallah là một thành phố của người Palestine ở quãng giữa Bờ Tây giáp với al-Bireh có dân số  gần 25.500 người. Ramallah cách Jerusalem 10 km về hướng bắc hiện là thủ đô hành chính của chính quyền Palestine.  




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bản âm (05/03/2019)