Tạp chí Sông Hương - Số 361 (T.03-19)
Phụ nữ và chủ nghĩa dân tộc: vấn đề phụ nữ trong dự án quốc gia - dân tộc của Phan Bội Châu
09:54 | 08/03/2019

ĐOÀN ÁNH DƯƠNG   
                (Kỳ 1)

Phụ nữ và chủ nghĩa dân tộc: vấn đề phụ nữ trong dự án quốc gia - dân tộc của Phan Bội Châu
Ảnh: internet

1. Phan Bội Châu là một trong không nhiều nhân sĩ trí thức đầu tiên ở Việt Nam đặt vấn đề phụ nữ (the question of women) như một đối tượng cần thảo luận trong các dự án cải cách xã hội hay dự đồ về xây dựng mô hình nhà nước mới. Sử gia David G. Marr nhận thấy rằng:

“Phan Bội Châu (1867 - 1940), người dường như đã suy tư về tình cảnh của phụ nữ Việt Nam hơn hầu hết nam giới đương thời, đã viết một vở tuồng hấp dẫn về Hai Bà Trưng. Các nhân vật là các nguyên mẫu chủ yếu mang tính thực dân và chống thực dân trong phục sức của thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Gần như chắc chắn, mục đích chính của Phan là nhắm vào vai trò của phụ nữ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống thực dân dần đến. Ông đã bày ra một cảnh huống mà ở đó phụ nữ được kỳ vọng sẽ hành động nhiều hơn theo cùng các nguyên tắc yêu nước đã thúc đẩy cha, chồng, và anh em của họ hơn là từ sự tôn kính các khái niệm của Khổng giáo về phận vị người phụ nữ. Đặc biệt, trong khi hầu hết các nhà văn bước sang thế kỷ XX tiếp tục nhấn mạnh vào lời thề của Trưng Trắc trả thù cho chồng, người bị giết bởi viên Thái thú Trung Hoa, Phan đã hình dung điều này đơn thuần như là nhân tố thúc đẩy lòng yêu nước sẵn có và khát vọng đánh đuổi kẻ thù ngoại bang của bà. Và trong khi Trưng Nhị, người em gái của Trưng Trắc, từ lâu đã được miêu tả là tham gia cuộc đấu tranh vì bổn phận chị em, Phan đã xếp động cơ này sau chủ nghĩa yêu nước”[1].

Chia sẻ quan điểm với Marr, sử gia Ho Tai Hue-Tam còn đẩy các nhận định đi xa hơn. Theo bà, “Phan Bội Châu, có lẽ là người Việt đầu tiên thảo luận vai trò của phụ nữ trong xã hội Việt, xem phụ nữ chủ yếu như những chiến sĩ chống thực dân đắc lực và những sự phục vụ của họ là ngớ ngẩn nếu hi sinh cho những khái niệm truyền thống về sự hiền thục đoan trang. Ông Phan biết giá trị của người phụ nữ trong phong trào chống thực dân. Phụ nữ (cả những người thuộc giới ưu tú) đang điều hành kinh doanh nhỏ có thể lợi dụng làm bình phong cho các hoạt động chống thực dân. Họ có thể đi lại mà không khơi ra sự nghi ngại không hợp cách, và họ ít có cơ bị cảnh sát giữ và lục soát như đàn ông […]. Trong vở kịch của ông về Hai Bà Trưng, được viết năm 1911, Phan làm rõ rằng nữ quyền phải phục vụ lí tưởng dân tộc […]. Biến hai hình tượng của chủ ng- hĩa yêu nước Việt Nam này thành những mẫu mực của nữ tính Nho giáo, ông khiến họ tự hỏi làm sao để hòa giải sự kiên quyết và sức mạnh cần thiết để mở ra cuộc chiến với sự ngoan ngoãn và sự nhún nhường theo truyền thống được mong đợi ở phụ nữ”[2]. Cả hai nhà nghiên cứu này đều chọn vở tuồng Trưng Nữ vương (viết năm 1911, lúc Phan Bội Châu đang lưu vong bên Xiêm), làm cột mốc cho những tiếp cận sớm của ông với vấn đề phụ nữ và dân tộc, có lẽ phát xuất từ tính biểu trưng cao của hai người phụ nữ xuất chúng này trong lịch sử Việt Nam cũng như khả năng biểu kiến thân phận dân tộc nô lệ hiện tại của họ khi Việt Nam đối diện với sự xâm lược của thực dân Pháp: một mặt, họ là bậc nữ lưu kiêu hùng trong thành tích chống ngoại xâm; và mặt khác, họ hiện lên như là một Việt Nam hiện tại trong mối quan hệ bất tương thuộc với thực dân trong các diễn ngôn tu từ mang tính phụ quyền của nhà nước thuộc địa đương thời đối với dân bản xứ.

Dễ nhận thấy rằng, viết tuồng Trưng Nữ vương để cổ vũ lòng yêu nước, Phan Bội Châu bị chi phối trước hết bởi tinh thần dân tộc. Ở đấy, trong việc truy tầm về nguồn cội, Hai Bà Trưng trở thành biểu tượng về sức mạnh tự cường kép: người phụ nữ chiến thắng kẻ thù ngoại bang và vượt thoát khung khổ nam quyền; dù như đã được các học giả trên chỉ ra, ở thời điểm này, ý thức về người nữ của Phan Bội Châu - hiện lên qua hình tượng hai bà - dường như trong suốt về mặt giới tính. Đặc thù “nam tính hóa nữ tính” này sẽ còn trở lại với nhiều sáng tác về sau của Phan Bội Châu, ở mảng trước tác lấy chất liệu từ lịch sử, từ các nhân vật lịch sử cổ trung đại hay gương liệt nữ đương đại, mà tuồng Trưng Nữ vương mở ra như một tiếp cận điển hình. Điều này không chỉ phù hợp với sự hình thành sớm ý thức về quốc gia của Phan Bội Châu (như cảm nhận của Phan Châu Trinh) mà còn phù hợp với đặc thù nhân cách nghiêng về “chủ nghĩa cấp khích” (như ông tự cảm nhận trong tự truyện). Song như sẽ được chúng tôi chỉ ra ở sau, quan điểm của Phan Bội Châu về vấn đề phụ nữ không phải cố định, nhất thành bất biến, mà có những điều chỉnh, cải biến, theo những thức nhận mới về thời cuộc và về người nữ như một chủ thể mới được sinh thành và giành được tiếng nói trong xã hội mới.

Chính sự khởi sinh của vấn đề phụ nữ ở Việt Nam hiện đại đang đối diện với tình cảnh thuộc địa và các phong trào cải cách cũng như đấu tranh cách mạng, mà Phan Bội Châu và tuồng Trưng Nữ vương của ông được các học giả xem như một chỉ dấu, khiến cho nghiên cứu các biểu hiện mới này trong đời sống, lịch sử và văn chương được chú ý. Sau những dẫn lối của học giả ở ngoài nước, một số nhà nghiên cứu ở trong nước cũng tiếp tục vào mạch tìm hiểu những biểu hiện của vấn đề phụ nữ. Với Phan Bội Châu, có thể nhắc đến các bài viết của Đặng Thị Vân Chi, Bùi Trân Phượng, Đào Lê Tiến Sỹ,…[3]. Bài viết này, chung vào đó, tìm hiểu nguồn gốc, diễn trình, đặc điểm tư tưởng về vấn đề phụ nữ của Phan Bội Châu, trong tương quan với các vấn đề khác mà ông quan tâm, và trong bối cảnh mà vấn đề phụ nữ nổi lên như một chủ điểm thảo luận có vị trí quan trọng trong sự đan kết đa dạng các dự án quốc gia - dân tộc (nation-state project) lúc bấy giờ.

2. Thực ra, từ trước khi viết tuồng Trưng Nữ vương, người phụ nữ đã xuất hiện trong sáng tác hư cấu (thơ ca cổ động) và văn chính luận của Phan Bội Châu. Mang trong huyết quản truyền thống nhân văn xứ Hồng Lam, giống như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, cái chất “thị tài đa tình” là đặc điểm không thiếu ở nhà nho chí sĩ Phan Bội Châu. Hơn thế, sống trong bối cảnh chuyển đổi của đất nước, tham gia sâu rộng vào các hoạt động xã hội dân sự, Phan Bội Châu hiểu rõ sức mạnh của văn học thông tục đối với việc tuyên truyền cải cách xã hội và cổ vũ các hoạt động đấu tranh cách mạng. Các sáng tác như Vợ khuyên chồng, Khuyên chồng xuất dương du học, Vợ khuyên chồng xuất dương du học, Bài hát mừng vợ chồng tri kỷ, Bài hát nhắn bạn quần thoa,… của Phan Bội Châu rõ ràng đã có chủ đích hướng tới đối tượng là phụ nữ, hoặc chí ít là nhằm vào sự liên đới giữa họ với các “nam nhi” đang là cơ hội cho cuộc xoay vần sơn hà trước phen thay đổi. Song dù sao chăng nữa, có một sự thực là, vai trò của những sáng tác theo lối này, các bài ca cổ động của Đông Kinh nghĩa thục hay các phong trào yêu nước và cách mạng khác, đã mở thêm một cánh cửa tới đối tượng là phụ nữ bình dân, giai tầng đông đảo gấp bội bộ phận những phụ nữ ưu tú có học thức, giúp họ có điều kiện nhận thức và thụ hưởng các lợi ích của cuộc vận động vì quyền phụ nữ và nữ quyền trong cuộc cải cách chung của dân tộc, vốn đã được manh nha thảo luận trên báo chí đương thời.

Một cội rễ của ý thức về phụ nữ trong quan điểm chính trị, xã hội và văn học của Phan Bội Châu có lẽ còn xuất phát từ hoàn cảnh gia đình riêng. Ân tình của ông với bà chánh thất Thái Thị Huyên, phẩm cách mẫu mực của người phụ nữ theo truyền thống Nho giáo này, đã là một dẫn nối trực tiếp Phan Bội Châu tới vai trò và vị thế của người phụ nữ trong mô hình xã hội cổ truyền. Tư cách “nội tướng” từ trong xã hội truyền thống đã nhanh chóng dẫn lối cho người phụ nữ xuất hiện với tư cách người sinh thành, bảo trợ, động viên và chia sẻ với chí làm trai tang bồng hồ thỉ. Từ thân phận “viết vô” đến quẩn quanh trong xó bếp, người phụ nữ đã đứng ra “gánh vác giang sơn nhà chồng”, và nay là “giang sơn xã tắc” trong các diễn ngôn dân tộc chủ nghĩa, ở trên cả khía cạnh biểu tượng lẫn thực tại. Sự chuyển đổi nhanh mạnh này diễn ra rất thuận lợi trong cuộc hôn phối giữa vấn đề phụ nữ với chủ nghĩa dân tộc; đối lập hẳn với cũng sự chuyển đổi ấy trong cuộc hôn phối với chủ nghĩa hiện đại, theo kiểu cách của Nguyễn Văn Vĩnh hay Phạm Quỳnh sẽ được chỉ ra ở sau. Có thể nhận thấy tính chất “trưng dụng” hình tượng người phụ nữ trong diễn ngôn dân tộc chủ nghĩa song cũng không thể xóa bỏ các cơ hội giải phóng mà quan điểm này đem đến cho họ, nếu là chưa tính đến sự tự vận động của nữ giới trong bối cảnh mới.

Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ với tân thư, tân văn mới là nguyên nhân trực tiếp bùng phát các quan tâm của Phan Bội Châu với vấn đề phụ nữ như một bộ phận của vấn đề quốc gia - dân tộc. Trong tự truyện của mình, Phan Bội Châu đã nêu rõ vai trò của các sách mới, báo mới này khiến ông thêm hiểu biết về thế giới, thức tỉnh nỗi nhục mất nước, nỗi đau phải làm người dân nô lệ: “Tôi vì xem những pho sách ấy mới hiểu qua được tình hình cạnh tranh ở trong hoàn hải, thảm trạng đất nước diệt chủng lại càng kích thích trong đầu sâu sắc hơn”[4]. Từ trong thức nhận về “thảm trạng” ấy, khởi sinh ở Phan Bội Châu quan niệm mới về quốc gia - dân tộc, con đường mới để đấu tranh giành lại độc lập tự do, khi triều đình phong kiến đã chấp thuận đầu hàng. Trong Việt Nam quốc sử khảo, đưa ra định nghĩa cô đúc của mình về quốc gia - dân tộc, ông cho rằng: “Gọi là một nước thì phải có nhân dân, có đất đai, có chủ quyền. Thiếu một trong ba cái ấy đều không đủ tư cách làm một nước”[5]. Quan niệm mới mẻ này đã hoàn toàn thoát ly khỏi quan niệm “đế vương” từ mô hình ý thức hệ phong kiến, cho thấy những ảnh hưởng rõ rệt của tư tưởng mới được hấp thu từ tân thư, tân văn. Điều đáng chú ý ở đây là, việc lần đầu tiên “nhân dân” được xem trọng như một thành phần cấu tạo nên đất nước, được dành cho biết bao tình thương trước nạn “diệt chủng”, vị thế của con người bình thường đã được lưu tâm. Đây là cơ hội cho phụ nữ có được vị trí trong mô hình quốc gia - dân tộc mới trong các thảo luận của các nhà dân tộc chủ nghĩa cũng như trên báo chí Nhật Bản và Trung Quốc, một tham chiếu gần gũi cho các nhân sĩ trí thức Việt Nam lúc bấy giờ. Trong công trình dẫn ở trên, Hue-Tam đã chỉ ra sự học tập tinh thần các sĩ phu Trung Hoa đương thời trong tài liệu giảng dạy của các nhà cải cách thuộc Đông Kinh nghĩa thục[6]; chính vào thời điểm ấy, Phan Bội Châu đang có mặt ở hải ngoại để vận động cho phong trào yêu nước của người Việt Nam, hẳn không thể không để ý trước những chuyển động này.

Như vậy là, từ trong môi trường địa lý nhân văn đến hoàn cảnh cá nhân và các mối giao lưu văn hóa - chính trị, vấn đề phụ nữ vì thế đã sớm có chỗ đứng trong tư tưởng và trong sáng tác của Phan Bội Châu. Từ khởi đầu này, vấn đề phụ nữ ngày càng có sự triển diễn đa dạng trong các khúc ngoặt cuộc đời hoạt động và trong quá trình vận động của tư tưởng Phan Bội Châu, nhất là từ khi ông bị thực dân Pháp bắt giải về an trí ở Huế. Tuy bị cách ly với các hoạt động chính trị trực tiếp, nhưng vẫn ít nhiều được tham gia vào các hoạt động xã hội, đặc biệt là báo chí, Phan Bội Châu có cơ hội tiếp cận với các hoạt động, các thảo luận về vấn đề phụ nữ đang diễn ra sôi động ở Việt Nam lúc này. Chính trong bối cảnh đó mà những điểm khả thủ và giới hạn trong quan điểm của ông về quyền phụ nữ và nữ quyền được hiển lộ, trong tư cách một nhà hoạt động từng trải, và trong sự đối diện của nhận thức một cá nhân trước sự biến chuyển nhanh chóng của đời sống tinh thần đất nước.

3. Vậy ở điểm phát xuất, vấn đề phụ nữ được Phan Bội Châu hình dung thế nào trong sự kết nối trực tiếp tới quan niệm quốc gia - dân tộc mà ông đề xướng?

Trong Tân Việt Nam, Phan Bội Châu cho rằng:

Phụ nữ là người có trách nhiệm làm mẹ tốt, làm vợ hiền, biết việc văn thơ, hay nghề buôn bán, khéo đường dạy dỗ con em, giúp đỡ quân lính. Mẹ tốt thì sinh được con ngoan, vợ hiền thì giúp được chồng giỏi. Hơn nữa, về các sự nghiệp chính trị, người phụ nữ thực có quyền lợi không cùng. Có chú trọng việc giáo dục thì mới bỏ được riêng tư mà theo công lợi, mới làm cho nước nhà giàu mạnh tiến tới, nên chi trong nước nếu không có phụ nữ yêu nước, thì nước ấy sẽ phải làm đầy tớ người mà thôi. Nước mà được duy tân thì việc giáo dục nữ giới là việc quan trọng lắm. Sách để dạy chị em phụ nữ phải chọn những sách hay, sách tốt. Trường học để dạy chị em phụ nữ phải chọn những thầy giáo tốt và giỏi hơn. Bao nhiêu những trường công nghệ, nhà dưỡng bệnh, sở thương mại, kho bạc, bưu điện, xe hơi, tầu điện mà có quan hệ trong nền tài chính, thì dùng người phụ nữ có học hành giỏi là hơn cả, họ cũng sẽ ra tài giúp nước chẳng khác gì nam giới. Làm thế nào để phụ nữ trong nước, người nào cũng muốn làm bà mẹ tốt, cũng muốn làm người vợ hiền, cũng muốn làm người phụ nữ tài giỏi. Bia đá tượng đồng, lưu danh muôn thuở, thì phường khăn yếm cũng chẳng kém gì bọn mày râu. Đó là cốt ở sự giáo dục phụ nữ”[7].

Khởi điểm bằng quan niệm bạo động, gặp gỡ với Lương Khải Siêu lúc ở Nhật, Phan Bội Châu đã có những điều chỉnh trong quan điểm cách mạng của mình: vấn đề duy tân bằng giáo dục được đặt ra. Về mặt hành động, ông tổ chức cho thanh niên sang Nhật du học. Về mặt tư tưởng, ông tìm hiểu cách thức kết hợp giữa bạo động với duy tân. Vẫn trong tự truyện, Phan Bội Châu kể về việc được đọc tác phẩm Ý Đại Lợi tam kiệt truyện của họ Lương, rất lấy làm tâm đắc câu nói của Mã Chí Nê (Giuseppe Mazzini, 1805 - 1872, lãnh tụ phong trào cách mạng thống nhất nước Ý): “Giáo dục dữ bạo động đồng thời tịnh hành” (Giáo dục và bạo động cùng tiến hành song song[8]. Nhưng ngược hướng với Phan Châu Trinh, người cũng tôn sùng Mazzini thậm chí đặt hiệu cho mình là Hy Mã để theo đòi chí nghiệp của người anh hùng nước Ý này, đã đưa “bất như học” lên trước, thì với Phan Bội Châu, ưu tiên của ông vẫn là bạo động, lấy đó làm “môi giới để cải lương giáo dục”. Đó là lý do để trong Tân Việt Nam, Phan Bội Châu đề cập đến giáo dục để duy tân cải cách, “nhưng trong nền giáo dục, thì việc giáo dục binh lính và phụ nữ là thiết yếu hơn cả”[9]! Đặt “phụ nữ” bên cạnh “binh lính”, Phan Bội Châu đã không xem xét họ dưới góc độ giới (tính), mà xem như một lực lượng xã hội ích hữu cho cuộc cách mạng.

Điều này ít nhiều chia sẻ với quan niệm của các nhà cải cách trong Đông Kinh nghĩa thục đương thời. Học giả Nguyễn Hiến Lê đã chép lại một bài thơ khuyết danh thác lời “vợ khuyên chồng” được cho là xuất hiện trong môi trường nghĩa thục này, trong đó có những câu như:

Tỉ diện, Cách mi quân đối kính,
Qua tình, La tứ thiếp lâm trang.
Thiếp tôi đây, đâu có nhi nữ chi thường,
Anh tai mắt, mong nở nang trong vũ trụ.
Đường ưu thắng, anh thênh thang vó ngựa,
Gánh văn minh, em sớn sở lưng ong.
Đôi ta vợ vợ chồng chồng,
Nước non nhẹ gót tang bồng này chăng?
Xem trong phu phụ ai bằng!
[10]

Ở đây, các nhân vật được nhắc đến trong hai câu chữ Hán làm nên một cuộc cách mạng trong việc dụng điển của văn chương Việt Nam buổi giao thời. Sự hiện diện của các anh hùng phương Tây: Tỉ [Tư Mạch] (Otto von Bismarck, 1815 - 1898, nhà chính trị thống nhất nước Đức), Cách [Lan Tư Đốn] (William Ewart Gladstone, 1809 - 1898, Thủ tướng giúp nước Anh vững mạnh), Qua [Đặc] (Jeanne d’Arc, 1412 - 1431, nữ anh hùng lãnh đạo quân dân Pháp chống Anh), La [Lan phu nhân] (Madame Roland, 1754 - 1793, nữ anh hùng Pháp trong cách mạng 1789)] đã trở nên thân thuộc hơn với các nhà cải cách Việt Nam nhờ vào sự phổ biến sự nghiệp của họ qua tân thư, tân văn; một kho văn sử liệu mới so với truyền thống từ chương Á Đông thân thuộc. Vậy là, một cách nhanh chóng, như trong (và qua) trước tác của Phan Bội Châu, các “giai nhân” xa lạ đã “kỳ ngộ” với các gương anh hùng liệt nữ của dân tộc, để hun đúc người dân ý chí học tập vì tự do, tự cường [11]. Việc Phan Bội Châu và những nhà cải cách đương thời khác chủ động “lâm mô” “các câu chuyện anh hùng dựng nước phương Tây” từ kho dữ liệu Trung Quốc và Nhật Bản trong các trước tác của mình, không chỉ tạo nên cảm giác tương cận bởi sự tình “đồng bệnh”, “đồng chủng”, mà còn khiến tư tưởng Âu Tây trở nên thân thuộc hơn vì đã được lọc qua nhãn quan Nho giáo vẫn còn chi phối sâu đậm các chí sĩ vùng Đông Á. Thêm một bước tiến nữa, ngay trong những biên khảo lịch sử được Phan Bội Châu viết trong những ngày hoạt động lưu vong ở nước ngoài, những Việt Nam vong quốc sử, Sùng bái giai nhân, Việt Nam quốc sử khảo, Hà Thành liệt truyện, Việt Nam vong quốc thảm, Việt Nam nghĩa liệt sử,… đã có sự xuất hiện đáng kể các “giai nhân” là bậc nữ lưu của dân tộc, không chỉ những tên tuổi đã lưu danh sử sách, mà còn gồm cả những người phụ nữ đương thời, những người ưu tú của một trong “mười hạng người đồng tâm” mà ông kêu gọi trong “huyết thư” yêu nước, khiến cho các “câu chuyện” này phổ biến hơn tới đông đảo quần chúng có ý thức về thời cuộc. Trong khi ở một hướng đi gần gặn khác, như phát hiện của Hue-Tam, sự cổ vũ tinh thần yêu nước mới mẻ (“Thôi thôi đừng bạc trắng lòng đen/ Tham danh lợi nỡ quên người một giống/… Này này, học chữ để đâu?”[12]) được khéo léo lồng trong quan niệm luân lý thân thuộc: “mẫu dĩ tử quý” (cha mẹ được lây hưởng sự thành đạt của con cái). Chính trong cách thức quan niệm về phụ nữ “như vợ và mẹ, như những hình tượng nuôi dưỡng mà chức năng thiết yếu là giúp đỡ, cứu trợ, và khuyên bảo hậu trường những diễn viên nam trên sân khấu công cộng” khiến cho “căn cước của họ được xác định trong mối quan hệ với những người khác”[13]. Diễn ngôn về phụ nữ của Phan Bội Châu hay của những nhà cải cách xuất thân từ tầng lớp sĩ phu yêu nước ở Việt Nam lúc này (mà hội tụ đông đảo hơn cả trong Đông Kinh nghĩa thục), theo cách đó, nằm trong vòng bảo bọc của diễn ngôn chủ nghĩa dân tộc. Tân thư, tân văn và rộng hơn là phong trào cải cách trong thế giới Á Đông với tiền tiêu là Nhật Bản và Trung Quốc, là tham chiếu đáng kể cho sự nhận thức thúc đẩy các hành động cách mạng chống thực dân của những người yêu nước Việt Nam. Điều này khác biệt so với cách đặt với cùng vấn đề phụ nữ trong bộ phận những nhà cải cách theo hướng Tây học, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ văn hóa Pháp và chủ nghĩa hiện đại. Nguyễn Văn Vĩnh, tuy có tham gia các hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục, nhưng trên tờ báo song ngữ Việt - Hán Đăng cổ tùng báo (1907) do ông làm chủ bút, các thảo luận ở đây lại hướng tới vấn đề phụ nữ trên các thuyết ngôn về cải cách luân lý, về thực nghiệp, về vị trí của người phụ nữ trong xã hội mới[14]. Trong khi đến sau tới mươi năm, và nhờ vào sự bảo trợ của nhà nước thuộc địa, Phạm Quỳnh với diễn đàn Nam Phong của mình khởi động cho một cuộc thảo luận thiếu dẫn dắt (hay không chủ tâm khuynh loát?) về đường hướng “giáo dục đàn bà con gái” do chính ông khới lên ngay từ những số đầu tiên của tạp chí Nam Phong (1917). Tất cả, ngay từ khởi đầu, đã cho thấy những giao cắt của những quan niệm khác biệt về vấn đề phụ nữ. Song từ những trải nghiệm khác biệt về tri thức nguồn đến sự rộng mở của đa dạng tri thức do phong phú báo chí đưa đến đời sống thuộc địa hạn hẹp sau đó, sẽ tác động lẫn nhau, mời gọi sự hồi ứng tri thức từ các khuynh hướng khác biệt, làm sinh động và phức tạp các thảo luận về vấn đề phụ nữ, theo đó mà tăng tiến các đòi hỏi nhận thức và hành độ.

Đ.A.D
(Còn nữa)
(TCSH361/03-2019)

.............................................
[1] David Marr: “The 1920s Women’s Rights Debates in Vietnam”, The Journal of Asian Studies, Vol.  35, No. 3 (May, 1976), p.376. Bài viết khởi thảo này sau được tác giả tu bổ thành chương 5: “The Question of Women” trong sách Vietnamese Tradition on Trial, 1920-1945 (Berkeley: University of California Press, 1981), nghiên cứu mở đường cho việc tiếp cận vấn đề phụ nữ như một đối tượng nghiên cứu quan trọng trong hình dung về Việt Nam hiện đại. Các công trình hồi ứng, có thể kể đến: Hue-Tam Ho Tai: “Daughters of Annam”, in Radicalism and the Origins of the Vietnamese Revolution (Cambridge, Mass, and London: Harvard University Press, 1992), pp.88-113; Shawn McHale: “Printing and Power: Vietnamese Debates over Women’s Place in Society, 1918-1934”, in Essays into Vietnamese pasts (Southeast Asia Program), (Ed. K.W. Taylor and John K. Whitmore) (Ithaca, N.Y.: Cornell University, 1995), pp.173-194;… In nghiêng do chúng tôi nhấn mạnh.

[2] Hue-Tam Ho Tai: “Daughters of Annam”, in Radicalism and the Origins of the Vietnamese Revolution,  Sđd., tr.95-96; trích theo bản trích dịch của Hồ Liễu tại địa chỉ: http://www.holieu.org/2013/07/gai- nuoc-nam.html (lên mạng 10/7/2013). In nghiêng do chúng tôi nhấn mạnh.

[3] Chẳng hạn, xem Đặng Thị Vân Chi: “Phan Bội Châu với vấn đề phụ nữ đầu thế kỷ XX”, trong Phan  Bội Châu con người và sự nghiệp, Nxb. ĐHQG Hà Nội, 1998, tr.303-317; Bùi Trân Phượng: “Ông già Bến Ngự và nữ giới”, Tuyển tập Giới & Xã hội 2, Trung tâm Nghiên cứu Giới và Xã hội thuộc Đại học Hoa Sen & Nxb. Hồng Đức, Tp.HCM. - H., 2015, tr.16-43; Đào Lê Tiến Sỹ: “Nam tính hóa nữ tính và lý tưởng người phụ nữ anh hùng trong các sáng tác trước 1925 của Phan Bội Châu”, Nghiên cứu văn học, số 2/2018, tr.83-94;...

[4]Phan Bội Châu: Tự phán[Phan Bội Châu niên biểu], Nxb. Anh Minh, Huế, 1956, tr.27; dẫn theo  bản dịch có hiệu chỉnh của Vĩnh Sính trong bài “Thử nhìn lại vị trí của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh trong hành trình dân tộc vào thế kỷ XX”, tại địa chỉ: http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/ phan_boi_chau_phan_chu_trinh_hanh_trinh_dan_toc.html (lên mạng ngày 26/12/2017).

[5] Dẫn theo Vĩnh Sính: “Thử nhìn lại vị trí của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh trong hành trình  dân tộc vào thế kỷ XX”, Tlđd.

[6] Hue-Tam Ho Tai: “Daughters of Annam”, in Radicalism and the Origins of the Vietnamese Revolution, Sđd., tr.95; về vấn đề phụ nữ và chủ nghĩa dân tộc trên báo chí, và báo chí phụ nữ Trung Hoa lúc bấy giờ, tham khảo các công trình được Hue-Tam dẫn trong chú thích số 11 (tr.283) của chương đã dẫn trong sách này.

[7] Phan Bội Châu: “Tân Việt Nam”, trong Phan Bội Châu - toàn tập, (bộ 10 tập), Tập 2, (Chương  Thâu biên soạn), Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây & Nxb. Thuận Hóa, Hà Nội - Huế, 2001, tr.185-186; Các trích dẫn tác phẩm Phan Bội Châu từ đây, nếu không chú thích gì thêm, đều theo bộ sách này. In nghiêng do chúng tôi nhấn mạnh.

[8] Dẫn theo Vĩnh Sính: “Thử nhìn lại vị trí của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh trong hành trình  dân tộc vào thế kỷ XX”, Tlđd.

[9] Phan Bội Châu: “Tân Việt Nam”, Sđd., tr.185. In nghiêng do chúng tôi nhấn mạnh.  

[10] Nguyễn Hiến Lê: Đông Kinh nghĩa thục [phong trào Duy Tân đầu tiên ở Việt Nam], Nxb. Lá Bối,  Sài Gòn, 1968, tr.69.

[11] Xem thêm Chen Yi Yuan - Luo Jing Wen: “Phan Bội Châu và mối quan hệ mật thiết với Nhật Bản  và Trung Quốc - tìm hiểu trường hợp Phan Bội Châu tiếp thu và chuyển hóa các câu chuyện anh hùng dựng nước phương Tây” (Nguyễn Ngọc Thơ dịch), trong Đoàn Lê Giang (chủ biên): Văn học cận đại Đông Á từ góc nhìn so sánh, Nxb. Tổng hợp Hồ Chí Minh, 2011, tr.619-631.

[12] Xem đầy đủ bài thơ “Khuyên con mẫu dĩ tử quý”, cũng như bài thơ “Vợ khuyên chồng” đã dẫn ở  trước, trong Nguyễn Hiến Lê: Đông Kinh nghĩa thục, Sđd., tr.69-70.

[13] Hue-Tam Ho Tai: “Daughters of Annam”, in Radicalism and the Origins of the Vietnamese Revo-  lution, Sđd., tr.95; trích theo bản trích dịch của Hồ Liễu tại địa chỉ: http://www.holieu.org/2013/07/ gai-nuoc-nam.html (lên mạng 10/7/2013). In nghiêng do chúng tôi nhấn mạnh.    

[14] Xem thêm Nguyễn Văn Vĩnh: Lời người Man di hiện đại: Nhời đàn bà (Nguyễn Lân Bình sưu tầm,  biên soạn), Nxb. Phụ nữ, H., 2018.  




 

 

Các bài mới
Chị tôi (22/04/2019)
Các bài đã đăng