Tạp chí Sông Hương - Số 361 (T.03-19)
Hoa để mùa sau
09:21 | 09/04/2019

NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH   

Duy chợt mở bừng mắt vì tiếng đập lùng bùng của mấy tấm phên liếp. Anh nhìn ra ngoài. Trời xám đục một màu chì, chẳng biết còn sáng sớm hay đã xế chiều.

Hoa để mùa sau
Minh họa: Nguyễn Duy Linh

Suốt tuần rồi trời không mưa nhưng gió lạnh hun hút từ phía rừng thổi về làm mọi thứ se cứng lại. Duy bật dậy nhưng vẫn kéo chăn phủ vai, ngồi thu lu trên giường. Một mùi thơm ấm ngọt và hăng hăng của thuốc nam phả nhẹ khắp gian nhà tối mờ. Anh hất hẳn chăn ra, quơ chân tìm đôi dép rồi lệt xệt đi xuống nhà dưới. Siêu thuốc còn nóng nhưng trong bếp lò than đã gần tàn. Lớp tro trắng mỏng bám quanh mấy mẩu than còn ấm hồng lại lả tả bay theo mỗi cơn gió thổi tốc vào từ góc liếp chắn hờ hững.

Thằng Hiếu chạy lúp xúp từ ngoài ngõ vào đến sân, nghiêng vai quẳng mấy cây mía xuống thềm hiên. Nó cầm khúc mía đang cạp dở, nước mía còn chảy nhớp nháp qua kẽ tay, tay kia nhẹ nhàng kéo tấm liếp cửa sang bên vừa đủ để lách người vào. Liếc vội qua chiếc giường trống còn luộm thuộm chăn màn, biết bố Duy đã dậy, nó bước thẳng xuống bếp. Vứt nhanh khúc mía xuống chõng tre, nó chùi tay vào ống quần rồi vơ lấy miếng giẻ lau quấn quanh trên siêu thuốc. Thận trọng bằng cả hai tay, nó nhấc siêu lên chắt thuốc ra cái bát to, bên dưới đã lót sẵn cái đĩa sành. Một thứ nước màu đen nâu đặc sánh tuôn chảy từ miệng vòi vào đến hai phần bát thì chậm lại rồi nhỏ từng giọt. Hiếu chăm chắm nhìn theo từng giọt thuốc, cái miệng cong tròn như một chữ O rồi từ từ méo xẹo lại, kiên nhẫn chờ đến giọt cuối cùng. Phù! Nó thở hắt ra nhẹ nhõm, đứng thẳng người dậy. Hai tay bưng cái đĩa sành đựng bát thuốc, nó rón rén bước lên nhà. Thuốc chọng chạnh trong bát theo nhịp bước của Hiếu. Nhấc bát thuốc ra để giữa bàn, nó tiện tay lật sấp cái đĩa úp lên. Trông bộ dạng thằng bé mười ba tuổi lúc này nghiêm nghị và khắc khổ như một ông lão.

Duy rửa mặt xong, xuýt xoa bước lên nhà. Bấy giờ thằng Hiếu mới quay sang nói với bố, thứ giọng đã hơi nặng âm Huế:

- Bố uống thuốc đi kẻo nguội! Con đến lớp đây. Hôm nay liên hoan văn nghệ bố ạ.

Nó bỗng linh hoạt hẳn lên. Đến đầu chiếc giường con bên cửa sổ, nó vớ cái cặp đeo lên vai, vừa đi vừa nhảy ra sân, thoáng cái đã khuất hẳn đầu ngõ.

Còn lại mình Duy ngồi co cả hai chân lên ghế bó gối trầm ngâm. Anh đưa tay định lật cái đĩa trên bát thuốc xuống nhưng rồi lừng chừng rụt tay lại. Người đàn ông góa vợ gầy rộc và tiều tụy, cũ kĩ như những vật dụng tồi tàn trong gian nhà lụp xụp. Nước da vàng nhợt. Từ đuôi mắt, khóe miệng cho đến hai má hom hóp đều cong xuống vì chảy xệ khiến Duy trông già nua hơn tuổi bốn mươi của mình. Bốn mươi tuổi mà gần một nửa là những năm tháng trầy trượt gầy mòn. Mùi thuốc hăng hăng ngòn ngọt thoảng lên trước mặt làm anh lơ mơ như muốn nhắm mắt lại để hình dung một lần cho rõ hơn, đầy đủ hơn những bóng hình xưa cũ mà lâu lắm rồi, không biết đã bao tháng bao năm cứ dùng dằng muốn nhớ lại muốn quên...

Những năm cuối bậc Trung học Phổ thông, cậu học trò trường huyện đã thích cầm cọ vẽ hơn là vùi vào giải toán hay “gạo” bài. Khoảng sân rộng sau trường lại tiếp giáp với chân đồi. Những nương dâu xanh mướt trong mưa, những đồi chè miên man dưới nắng, trời trung du thì cứ trong và cao mãi của những chiều mùa hạ. Rồi thì con suối lớn sớm chiều rì rào ngân nga... Tất cả đã mời gọi chàng trai mang túi vẽ lang thang những ngày nghỉ học. Và cũng chỉ là thế nếu giữa những màu xanh tươi sáng của núi đồi ấy lại không thấp thoáng một vóc dáng mảnh mai nhưng gói đầy sức sống thanh xuân của Lĩnh, cô bạn ở cùng thôn, năm ấy mới mười bảy tuổi. Hồi ấy ở quê anh, trẻ con phần nhiều đi học muộn, cả làng chỉ đâu chừng mươi nhà là có con học lên đến cấp ba. Nhà Lĩnh vào loại khá giả trong vùng. Ông Cung, cha Lĩnh, là lương y nổi tiếng bắt mạch và bốc thuốc mát tay nhất làng. Vì vậy, ngoài việc học ở trường, Lĩnh còn giúp cha đi hái lá thuốc, sao thuốc, giã thuốc... Ngôi nhà gỗ thấp và im ắng hay vẳng lên tiếng lăn đều đều của cái chày tròn như bánh xe lăn trong lòng chiếc thuyền tán thuốc bắc. Mùi dược thảo thơm nồng ướp dịu cả mái tóc dài mượt của Lĩnh. Đôi mắt biết cười cứ thẳm đen giữa đám lá rừng mướt xanh ngời sáng khiến Duy không say thuốc mà nhiều hôm như muốn quên đường về... Làng nhỏ, nhà thưa, người chưa đông mấy nên chuyện gì cũng không giấu được ai lâu. Huống gì là chuyện của những người yêu nhau.

Dưới mắt ông Cung thì Duy quả là một đứa hiền lành, con nhà nghèo lại mồ côi cha sớm nhưng được bà mẹ tảo tần, chịu khó lam lũ nuôi ăn nuôi học. “Nhưng trông thằng này có vẻ lừng khừng không mạnh mẽ, sợ con Lĩnh nhà mình không nương tựa được lâu. Cũng chẳng kén chọn gì lắm nhưng mình chỉ có một đứa con...”. Một lần ông nói với vợ như thế. Bà Cung xưa nay vốn tính rụt rè, ít át, ông nói vậy thì nghe vậy, chưa biết tính sao. Nhưng ông Cung không còn nhiều thời gian để băn khoăn lâu hơn. Một buổi chiều muộn, khi đi thăm một người bệnh ở xóm trên về thấy trời sắp tối, ông phải đi theo đường tắt qua đồi. Ông không nghĩ rằng những cơn mưa dữ dội tuần trước đã xói mòn khiến đất đá dưới chân ông lô xô khó đi đến thế. Khi ông chợt nhận ra điều này thì chân đã trượt dài. Ông ngã người, đầu đập xuống một thân cây lớn ai đó vừa đốn xuống nhưng chưa kịp kéo đi. Đợi đến quá đêm chưa thấy chồng về, bà Cung ruột nóng như lửa cùng Lĩnh gọi thêm người đốt đuốc đi tìm. Về nhà không lâu thì ông chìm vào hôn mê không còn biết gì nữa... Lĩnh càng rối hơn vì thương cha đã đành, còn nỗi riêng lại không dám nói. Trên đời không ai hiểu con bằng mẹ. Bà Cung kêu mẹ Duy đến bàn chuyện cho cưới chạy tang. Nhà bây giờ quạnh quẽ lắm rồi nên Duy sang ở rể. Biết Duy vẫn thiết tha với hội họa, Lĩnh gom góp thu xếp cho chồng về Hà Nội thi đại học, lúc ấy cô sắp làm mẹ. Có điều Lĩnh không hề biết rằng ngày cô đưa Duy theo bè chở gỗ của cậu Bản về xuôi để lên tàu đi Hà Nội là đưa Duy sang một dòng chảy mới, dòng chảy đó không có lối về...

Bát thuốc nguội ngắt. Duy đứng dậy bưng bát thuốc xuống bếp lọ mọ nhóm lại mấy mẩu than trong bếp lò. Thằng Hiếu mà biết thế này thì nó giận bố lắm đây. “Bố phải uống khi thuốc còn nóng cho tốt nghe bố!” Duy bật cười khi nhớ tới ánh mắt thằng bé nheo nheo dặn dò ra vẻ người lớn. Hiếu trắng trẻo, nếu không vất vả thiếu thốn thì đã cao lớn như mấy đứa cùng tuổi rồi. Ai cũng bảo chắc nó giống mẹ. Nhưng Duy thì biết rất rõ, ngoài nước da trắng, nó chẳng giống Thảo chút nào. Duy gặp Thảo bất ngờ như cuồng phong của một định mệnh nghiệt ngã. Cơn bão nào đi qua mà không để lại những đổ nát tan hoang. Chàng trai trung du ngờ nghệch vừa bước xuống tàu, chưa rời khỏi sân ga đã phát hiện ra cái ví trong túi bị mất không rõ từ lúc nào. Sự việc chẳng mới mẻ xa lạ gì đối với những kẻ ngày đêm bám vào sân ga bến tàu nhưng với Duy thì lại là một bất ngờ đến choáng người. Anh không đủ thì giờ để tự rủa mình về sự bất cẩn hay tìm hiểu nguyên nhân, cũng chưa biết điều đầu tiên phải làm lúc này là gì. Không còn một xu dính túi, không một thứ giấy tờ nào tùy thân. Lúng túng và sợ hãi, Duy đi từng bước nặng nề ra cổng thì đã thấy một bóng người cao lớn đứng chắn ngang trước mặt:

- Này, cần giúp gì không?

Duy mừng như người sắp chết đuối vớ được phao, không kịp tự hỏi sao lại có một sự trùng hợp khó tin như thế. Hắn ta đưa Duy đến gặp Thảo. Mới trông cô không ai đoán được tuổi. Tươi tắn, sành điệu và cá tính, cô khiến Duy yên tâm từ câu nói đầu tiên. Duy có chỗ ở và việc làm tạm thời ngay khi đang khốn đốn. Công việc đơn giản và dễ chịu không cần đến sức vóc. Duy sẽ có thể tiết kiệm để đủ tiền làm một chuyến trở về quê. Chờ Lĩnh sinh xong, đỡ đần cho cô ấy rồi sang năm thi cũng được - Duy đã tự nhủ thế.

Thảo có rất nhiều công chuyện làm ăn. Chồng cô đi lao động ở Đức, vì vậy thỉnh thoảng cô cần giao dịch để bán một số mặt hàng ông ấy gửi về và đóng ít thứ gửi qua. Công việc của Duy là chở Thảo đi gặp bạn hàng, nơi thì hàng, nơi thì tiền. Khi đã quen người quen việc thì Duy đi một mình. Quan hệ chủ tớ nhanh chóng thành chị em, rất tự nhiên, cho đến khi Duy ở hẳn lại nhà Thảo thì mọi thứ đã không thể dừng lại được nữa. Một đôi lần vài người đàn ông đến nhà, hầm hố và bụi bặm, cáu kỉnh hoạnh hoẹ với Duy. Nhưng chỉ vài câu nói hay cái liếc mắt, Thảo đã dàn xếp mọi thứ đâu vào đấy. Chỉ một đôi lúc, rất thoáng qua, Duy muốn về nhà báo cho Lĩnh biết công việc và dự định của anh sau sự việc bất trắc đã xảy ra. Cũng để xem Lĩnh sinh con ra sao, trai hay gái. Nhưng lạ một điều là bên cạnh Thảo, anh không chủ động làm được gì nếu Thảo không muốn. Thi thoảng anh nhớ làng quê với đồi nương sông suối, nhớ mái nhà âm trầm u tĩnh với nhiều cái giá gỗ sát tường xếp kín những hũ lớn đựng đầy các món thảo dược được đánh dấu ghi tên sạch sẽ ngăn nắp. Dưới mái nhà ấy, bóng Lĩnh ra vào, đi nhẹ, nói nhỏ, một tà áo, một nếp khăn cũng thơm thoảng những mùi dược thảo. Thế mà tất cả đã như lùi xa, xa lắm. Thảo thì nồng nàn, dữ dội và cuốn hút. Nhiều lúc cô quá bổ bả và sỗ sàng, nhưng Duy lại thấy dễ chịu, không phải ý tứ vì cái dịu dàng đến ngăn nắp, chỉnh chu của Lĩnh. Bên Thảo, anh luôn muốn buông tay, chìm xuống và cháy mãi đến tận cùng, không biết tháng ngày. Cho đến khi có thằng Hiếu.

Một hôm bế con cho Thảo ghé vào mua hoa quả bên đường, Duy bất ngờ gặp cậu Bản.

- Trời ơi, mày đấy hả Duy? Mày bế con cho ai mà để con trai với vợ mày lút cút dưới quê vậy hả? - Cậu Bản trợn mắt hét một thôi.

Duy sững người, lúng búng chưa kịp mở miệng nói thì Thảo đã lễ mễ xách mấy túi trái cây đến bên cạnh:

- Nào, hai bố con chờ mẹ lâu chưa? Mình về thôi anh! Nhanh kẻo tối nay em còn nhiều công chuyện lắm đấy!

Vừa nói cô vừa đẩy Duy tới trước rồi quay đầu nói vói lại:

- Này, ồn ào quá! Nhầm người rồi đấy nhớ!

Ông Bản ngớ người chưa kịp hiểu ra cô gái phấn son rực rỡ kia nói gì thì thằng cháu rể chết vằm chết giẫm của ông đã lẩn vào đám đông mất hút...

Công việc của Thảo càng ngày càng gặp nhiều rắc rối. Cô nói với Duy là thầy tướng bảo giờ sinh của thằng Hiếu khắc với mệnh cô. Lúc thì hàng bên Đức gửi về bị giữ lại, lúc thì xe chở hàng bị sự cố ở Quảng Bình phải vào xử lí... Thằng Hiếu vì vậy suốt ngày chỉ quấn bên Duy, thỉnh thoảng mẹ có về cũng chẳng đòi.

Năm thằng Hiếu lên bảy tuổi, một buổi chiều Duy chở thằng bé đi học về thì đã thấy đông người xúm đen xúm đỏ trước sân. Lễ, em trai Thảo đã mở được cửa đưa cô vào và xua đám người hiếu kì ra ngõ. Thảo nằm bất động, tóc bết máu che kín mặt. Lễ tái nhợt, dù cố trấn tĩnh vẫn lắp bắp:

- Tai nạn... ở ngã tư trước ngõ... Chúng chạy cả rồi...

Duy sụp xuống nhưng vẫn cố sức níu cổ áo Lễ giật mạnh:

- Tai nạn? Sao không chở đi cấp cứu? Còn công an?

Lễ giật nảy người như bị ai đâm vào bên hông, liếc nhìn quanh:

- Khẽ thôi!

Duy ôm thằng Hiếu, rã rời không tính toán được gì. Chỉ có Lễ và vài đứa đàn em lâu nay thân cận với Thảo chạy tới chạy lui thu xếp cho một đám tang vội vàng, lặng lẽ. Rồi không còn ai lui tới. Trước khi cuốn gói vào Nam, Lễ đã vắn tắt kể hết cho Duy biết đó là một vụ thanh toán vì Thảo đã qua mặt, ăn chia không sòng phẳng dù hắn đã đánh hơi và nhắc cho cô biết. Nhưng Thảo quá chủ quan. Vậy là không có ông chồng nào ở Đức cả. Duy rùng mình ớn lạnh. Sau vụ Thảo, cả bọn phải xé lẻ tứ tán để tránh sự truy lùng phán xử tàn độc của bọn đầu gấu bên kia. Lễ đã thu xếp cho Duy đưa thằng Hiếu vào Quảng Trị, quê vợ của hắn. Quanh quẩn trong vườn nhà, Duy dè xẻn những đồng bạc ít ỏi còn lại. Lạ lẫm, âu lo vì chưa biết ngày mai sẽ sống vào đâu. Buồn nhưng anh ngạc nhiên khi thấy mình không nhớ nhiều đến Thảo. Ở đây Duy tình cờ gặp Liên, ngày trước học cùng cấp ba. Cô đang đi tour cho một đoàn khách nước ngoài. Liên lấy chồng Huế, cũng làm trong ngành du lịch như cô. Qua Liên, Duy biết tin xấu ở quê nhà. Mẹ anh, nhục vì đứa con trai đổ đốn bất nhân, đã dẫn em trai Duy là Vinh bỏ đi đâu mấy năm nay không ai biết. Ngần ngừ trước nỗi bàng hoàng của Duy, cuối cùng Liên cũng phải nói thêm về cơn lũ quét kinh hoàng năm năm trước, Lĩnh và con trai là Duy Nhất đã bị cuốn trôi khi cô đưa nó từ lớp mẫu giáo về. Tìm mãi mấy ngày sau vẫn không thấy...

Liên về Huế rồi, Duy bải hoải chân tay, lúc nào cũng trong trạng thái lơ mơ chập chờn không phân biệt được cuộc sống quanh mình đang là ngày hay là đêm. Cũng may từ ngày Thảo mất, thằng Hiếu trở nên ngoan hơn, không vòi vĩnh gì thêm ngoài mấy bữa được bà chị vợ của Lễ cho ăn và dỗ dành đi ngủ.

Tình cảnh vạ vật của bố con Duy lúc này sẽ là gánh nặng cho bên nhà vợ của Lễ nếu không có sự giúp đỡ kịp thời của vợ chồng Liên. Biết Duy có chút năng khiếu vẽ, họ đã thu xếp cho anh có được việc làm để hai cha con tạm sống trong lúc này. Vậy là Duy dắt con vào Huế, nơi mà lúc còn đi học anh từng mong được đến để sống với những tác phẩm nghệ thuật tương lai của mình. Giờ đây công việc của anh lại là chép tranh theo yêu cầu của một cơ sở kinh doanh các mặt hàng lưu niệm. Căn phòng nhỏ được chủ cửa hàng bao phần thuê tháng, nằm tít trong một xóm nhỏ sau lưng ngôi chùa cổ nổi tiếng đất Thần Kinh. Công việc chiếm hầu hết thời gian trong ngày của Duy. Sớm chiều chỉ còn nghe tiếng chuông chùa ngân vang trong không gian yên ắng, ngân vào cả trong những nét vẽ nhàm chán theo một vài mẫu mã quen thuộc với dòng sông, lá trúc và mấy tầng cổ tháp..., như để an ủi dỗ dành kẻ lỡ thời tuyệt lộ như anh.

Thằng Hiếu càng chóng lớn hơn, không hay ốm vặt như trước. Chỉ một lần nó bị sốt cao đúng vào mùa có dịch sốt xuất huyết. Duy tất tả đưa con vào bệnh viện kịp lúc cần phải tiếp máu. Anh thấy trời như nghiêng ngả trên đầu, đất như sụt lở dưới chân khi kết quả xét nghiệm cho thấy Hiếu không phải con anh. Nhưng nhìn thằng bé xanh rớt và mỏng như chiếc lá nằm bẹp trên chiếc giường trắng lạnh, ruột gan Duy lại quặn thắt. Định mệnh đã buộc nó vào anh, không chỉ vì hai phận đời đơn độc mà chính là vì cho đến bây giờ, anh đã yêu thương nó hơn cả sự sống của mình. Vậy nhưng từ đó không đêm nào Duy ngủ được. Hoặc nếu có chợp mắt đôi chút thì lập tức những hình ảnh lay lắt chập chờn cứ hiện ra: con suối lớn gầm réo, thằng Hiếu nhấp nhô hụp nước, đưa tay chới với gọi anh... Duy phải tìm đến rượu và chỉ ngủ vùi khi đã chìm vào cơn say. Đói cũng uống, no cũng uống. Mà nào được mấy khi no, công xá của mấy đợt giao hàng trước vừa trả đủ viện phí và các thứ bồi bổ cho Hiếu lại sức khi nó vừa ốm dậy. Lẽ ra phải vẽ tiếp cho đợt hàng mới thì anh cứ lăn lóc, dật dờ, ngay cả khi thằng Hiếu thương bố đã cố dè chừa lại bát canh cá bống thệ nấu với thơm ngọt thanh. Nhưng cổ họng Duy bây giờ chỉ khát rượu. Ngày lẫn với đêm, say chìm trong tỉnh. Đôi lúc nhìn thằng Hiếu gầy sút đi trong lúc đang tuổi ăn tuổi lớn, Duy thấy lòng mình se lại. Anh gắng gượng ngồi dậy, tự nhủ phải tập trung làm việc, thằng bé chỉ còn mình là chỗ dựa sau cùng. Nhưng rồi Duy đã nhầm. Một ngày, sau những cơn đau âm ỉ và cứ váng vất sốt cùng nôn mửa, anh phải nhập viện. Lá gan không còn nguyên lành. Không còn khả năng làm việc để mưu sinh, anh nằm héo hắt trên giường, phó mặc việc chạy gạo lây lất cho thằng Hiếu lúc này mới vào học cấp hai. Căn nhà thuê phải để cho người mới đến nhận các lô hàng của Duy, may mà anh đã được miễn cho khoảng bồi thường vì vỡ hợp đồng. Có người chỉ cho anh nơi ở của một bác trong đội trồng rừng mãi trên xóm núi cách đường cái khoảng hơn bốn cây số. Căn nhà bỏ hoang đã lâu, chỉ có bốn bức vách xây tạm còn lam nham, cửa nẻo không còn gì. Núi rừng heo hút nhưng xóm nhà ngoài kia có mấy người dân hay đi tìm củi, đốt than hoặc đào rễ cây thuốc nam ngang qua giúp hai bố con buộc lại mấy tấm liếp. Thôi thì có chừng nào hay chừng ấy. Vách ván, tre pheo và cả những tấm bạt được tận dụng. Mỗi người một tay vá víu chằng đụp để hai bố con có cái gọi là nhà. Dăm gốc sắn, mấy luống rau, cặp gà choai để gầy vốn của thằng Hiếu làm cho sân vườn có sắc màu tươi vui. Sớm chiều gian nhà ấm hơi khói bếp. Duy thấy vui và linh cảm một sự bình yên cho cuộc sống mới khi được gần gũi với những con người lam lũ và chất phác giản dị. Biết Duy đang suy kiệt vì bệnh gan, một bà mẹ quê tốt bụng đã dẫn anh vừa đi vừa nghỉ qua tận dốc núi bên kia để nhờ nhà chùa chữa giúp. Cứ dăm bảy hôm một lần, thằng Hiếu sang lấy thuốc về sắc theo lời dặn của sư bà. Lâu lâu có dịp mấy bác gái chở gạo nếp lên cho chùa, sư lại nhờ chở sang thăm phía xóm ngoài và tiện thể vào tận đây xem mạch lại cho Duy. Nửa năm nay Duy đã hồi phục được phần nào...  

Có tiếng thằng Hiếu reo lên vui vẻ trước sân:

- Bố ơi, nhà mình có khách!

Tiếng cửa liếp kéo mạnh rồi giọng nó lễ phép:

- Mời cô vào ạ!

Người phụ nữ xuất hiện ngay bậc cửa trông như một bức tranh đã được lồng khung. Do nhìn ra bị ngược sáng, Duy chỉ thấy được bờ vai mảnh dẻ nghiêng nghiêng quen thuộc:

- Lĩnh! Trời ơi, lẽ nào...

- Kìa bố, bố nói gì thế? - Thằng Hiếu ôm cánh tay Duy lay lay - Đây là cô Tịnh mà bố?

Duy đưa tay lên dụi mắt, gật đầu chào ngượng nghịu. Phải rồi. Làm sao người chết có thể sống lại được, vả lại người này còn trẻ quá. Bối rối, Duy không để ý đến khách đang mỉm cười, không nồng nhiệt cũng chẳng ngại ngùng:

- Hôm nay sư thầy có việc bận ở Non Nước chưa ra được. Sư dạy tôi đến xem mạch lại để đổi thuốc cho anh.

Duy nằm xuống giường đưa cánh tay ra, bàn tay để ngửa và mắt anh nhìn lên trần nhà. Khách ngồi ghé bên giường, bàn tay phải khẽ khàng để đầu ngón trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn lên cườm tay anh, mắt nhìn ra ngoài, chốc chốc khẽ nhíu mày. Duy chỉ thấy van vát một bên má cô trong chút ánh sáng còn sót lại của buổi chiều muộn.

- Mạch khá ổn định rồi. Anh nên tập thở sâu để dễ ngủ hơn!

Quay sang Hiếu, cô dịu dàng:

- Hai hôm nữa con sang chùa lấy thuốc mới cho bố nhé!

Khách trùm khăn lên đầu, bước ra cửa. Mùi hương dược thảo được sao giòn còn thoảng lại từ nhịp lay động rất khẽ của áo khăn.

Sáng hôm sau Duy dậy sớm. Đầu hiên, những luống tần ô và cải muộn vẫn ửng lên cái vẻ mướt mát dưới những chồi hoa vươn cao, khoe vàng đỏng đảnh trong làn gió tết hôm nay đã bắt đầu nhuốm hơi nắng ấm. Anh quay vào nhà lần mở cái thùng gỗ kéo ra từ dưới gầm giường, im lặng một lúc nhìn những hũ màu và nắm cọ đã se cứng bởi lâu rồi không được dùng tới...

Sương Nguyên tiêu như lụa giăng phủ lớp lớp phía rừng xa. Vẻ đẹp sương khói đó đã hiện rõ dần trên khung vải, bóng người con gái nghiêng vai bên những luống cải ngồng rợp hoa vàng. Thằng Hiếu đứng nhìn, thích thú khi nhận ra cô gái trong tranh có đôi mắt đen dịu dàng phảng phất giống cô Tịnh. Như vừa nhớ ra điều gì, nó chạy lại mở cái cặp sách, lấy đưa Duy một bọc bìa dày như túi đựng hồ sơ:

- Bố ơi, hôm kia con có sang chùa. Lúc ấy cô Tịnh chuẩn bị đi. Cô gửi bố cái này.

Duy lần mở mối dây buộc, những ngón tay bỗng lóng ngóng: một phong thư nằm trên cuốn sổ bìa đỏ.

“Anh Duy,

Hôm trước chẳng phải anh hoa mắt gọi nhầm đâu bởi tôi đúng là Lĩnh. Tên gọi này tôi đã để lại bên suối vào cái ngày tối tăm nhất đời tôi, ngày tôi mở mắt tỉnh lại mà không còn thấy con trai mình. Sống với tôi lúc đó còn khó hơn là được chết. Tôi muốn được gửi thân trong ngôi chùa nơi tôi được các ni sư cứu sống. Lúc ấy sư cô đã bảo tôi: “Nếu con đến chùa với thương tiếc, đau khổ hay oán hận, chán đời, con làm sao được thấy Phật?” Tôi ở lại giúp nhà chùa chăm sóc vườn thuốc nam, ngày tháng qua đi và những buồn đau dần lắng xuống. Tôi chẳng còn oán trách anh hay oán trách số phận. Năm ngoái sư cô bảo tôi vào giúp các sư trong này việc trồng cây thuốc nam. Tôi đã thấy anh và cháu Hiếu đến gặp sư bà. Những lần nói chuyện với Hiếu đã cho tôi hiểu thêm những hệ lụy mà anh đã vướng mắc. Anh vẫn yêu thương và xem nó như con trai mình cũng là một cách hay để hóa giải nghiệp chướng rồi. Vì sao tôi biết ư? Anh còn nhớ trước lúc chuẩn bị về Hà Nội mấy tuần, anh đã sang bên nhà cùng chú Vinh lợp lại mái bếp cho mẹ? Lúc đi anh đã chớm sốt mà không biết, về bên này thì đã nằm li bì. Tôi biết chứng bệnh tai ác đó sẽ lấy đi cơ hội tiếp tục làm cha của anh. Vì vậy khi sinh con, tôi đặt tên nó là Duy Nhất. Nửa năm nay tôi đã đối mặt với thử thách khi phải thấy lại anh, tự tay bốc thuốc cho anh. May mà cái tâm của người thầy thuốc đã thắng. Lần đến đây vừa rồi, tôi đã thực sự thấy mình an tịnh. Vậy là tôi đã gạn được lòng mình thanh thản để có thể trở ra ngoài ấy kịp thọ lễ xuất gia vào dịp rằm này. Tôi gửi lại anh giấy tờ sở hữu một hecta rừng nơi anh và Hiếu ở để hai bố con có điều kiện ổn định lâu dài. Lâu nay tôi làm công quả chẳng có đồng xu nào gọi là của nả đâu. Đây là toàn bộ số tiền đền bù mặt bằng cho ngôi nhà của bố mẹ tôi nằm trong diện giải tỏa khi cây cầu mới được bắc qua suối. Mẹ tôi đã theo vợ chồng cậu Bản sang Thái buôn bán từ lâu, cũng không đến nỗi khó khăn. Tôi làm điều này chẳng phải vì anh, chỉ là muốn cho hương linh con trai mình được mát mẻ ở nơi xa kia. Những ngày mới biết đi biết nói, chiều nào nó cũng ra ngõ nhìn sang bên kia suối trông bố về dù chỉ mới thấy anh trong tấm ảnh ở album... Những dòng chữ cuối này cũng là để kết thúc mối nhân duyên ngắn ngủi giữa anh và tôi, cũng là để lần cuối cùng xóa đi những gì từng được coi là ta đã nợ nhau...”.

Duy bước ra hiên. Thằng Hiếu đang ngồi cạnh luống hoa vàng rực, loay hoay buộc lại mấy sợi giây thun cho cái ná mới, ngước lên nhìn anh, hớn hở:

- Cô Tịnh có nói bao giờ về không hả bố?

- Thế hôm ấy cô không dặn gì con sao? Đại khái như là... ngoan này, chăm học này... - Anh ngồi xuống xoa đầu thằng bé.

Nụ cười tắt nhanh, Hiếu xịu mặt:

- Không ạ!

Nó đứng dậy cầm cái ná lên định bước ra cổng, bỗng quay lại:

- À, mà có đấy bố ạ! Cô bảo con nhớ hôm nào tàn hoa nhớ thu hoạch để mùa sau có hạt mà gieo trồng. Cô đã nhờ mấy bác ở xóm ngoài rồi, đến vụ sẽ làm đất giúp. Mình trồng cho đến đằng kia, đằng xa kia nữa này... nữa, nữa này...

Hiếu vừa nói vừa chạy ra xa, hai tay đưa về trước như đôi cánh chim bay. Nhìn theo bước chân thằng bé, Duy thấy trước mắt mình màu hoa cứ như rực lên, vàng lên mãi về phía chân trời...

N.T.D.S  
(TCSH361/03-2019)





 

Các bài mới
Chị tôi (22/04/2019)
Các bài đã đăng
Bến vắng (03/04/2019)