Tạp chí Sông Hương - Số 46 (T.4-1991)
Nhà văn của sáu mươi tử thi
09:25 | 31/07/2019


PATRICIA HIGHSMITH

Nhà văn của sáu mươi tử thi
Nhà văn Patricia Highsmith - Ảnh: internet
LTS: Phim trinh thám vốn mang nhiều duyên nợ với Patricia Highsmith, nhà văn Mỹ (gốc Texas), sống tại Thụy Sĩ. Tất cả tiểu thuyết của bà đều được chuyển thể thành phim. Báo chí bình luận bà là ''nhà văn của 60 tử thi", nhưng như Highsmith nói, "chuyện giết chóc với tôi là vấn đề rất nghiêm túc".
Dưới đây là cuộc phỏng vấn giữa phóng viên (P.V) Paris - Match với Patricia Highsmith (P.H) người được xem là không thích tiếp xúc với giới báo chí.




P.V: Người ta vẫn thường giành cho bà danh hiệu một "Takhanốp" trong công việc, cũng như về cuộc sống quá khép kín của bà. Không tiếp khách, không chuyện trò một ai, duy chỉ với những chú mèo của bà: một thầy tu ẩn dật.

P.H: Báo chí thường nói phóng đại: như thế họ tìm thấy ở tôi điều để dựng chuyện. Cũng đúng là tôi không thể làm việc với một ai trong nhà. Ví dụ, chị hầu gái với tôi cũng là phiền toái, ngay khi tôi làm việc ở một phòng khác.

P.V: Phải nói rằng bà ghét giới báo chí. Trong cuốn "Nghệ thuật gây hồi hộp", bà đã bàn về nghề viết văn như sau: "Nhà báo muốn lôi ra tất cả những gì trong bụng bạn, nhưng họ đã hoài công".

P.H: Đúng. Lý do đơn giản của tôi là: ông nhà báo muốn tôi phải nói hết những suy nghĩ của mình. Điều này với tôi là không thể. Tưởng tượng một ai sẽ hỏi bạn - tại sao bạn làm việc, hẳn ta sẽ nghĩ: một câu hỏi cực kỳ ngớ ngẩn.

P.V: Với bà có những ngày dài không gặp bất kỳ ai?

P.H: Vâng! Điều nầy rất thường khi và với tôi không vấn đề gì. Đúng hơn chính tôi lại bực mình với việc tiếp khách, mất thì giờ và không thể làm việc.

P.V: Những lần tiếp xúc với nhà báo, bà không nghĩ sẽ tìm cách giết một kẻ nào "không mời mà đến"?

P.H: Không. Trong đời tôi, có hai người đàn bà tôi rất ghét với đầy đủ lý do. Phương châm của tôi là xa lánh họ. Tôi tránh việc tiếp xúc, còn chuyện giết người thì, chỉ có trong sách. Với tôi, chuyện giết người là một vấn đề trầm trọng và rất nghiêm túc. Giết một thứ côn trùng với tôi cũng quá đáng. Tôi chỉ buộc phải giết những con sên làm hại những cây hoa hồng của tôi.

P.V: Bà đã giải thích trong cuốn "Nghệ thuật gây hồi hộp" rằng: làm sao điều chỉnh những tác phẩm của mình theo yêu cầu của nhà xuất bản mà không phải tự nhủ: Patricia Highsmith là tác giả chứ không phải là ông! Tôi biết việc tôi làm chứ!.

P.H: Truyện này tôi viết từ năm 1965, nhưng năm 1987 mới có mặt ở Pháp. Trong phim cũng như trong tác phẩm, bằng mọi cách phải cắt xén đi nhiều phần. Sai lầm của các tác giả: họ ngại phải cắt xén - tính tự cao tác giả đặt nằm trước sự hoàn thiện của tác phẩm. Xin nêu ví dụ: báo chí nói nhiều đến phim "Những cánh chim ước vọng" của hãng Wim Wenders. Rất nhiều nhà phê bình phim cho rằng phim quá dài và cần lược bỏ bớt, tôi đồng ý. Hẳn tôi biết rằng thế là rất khó, trước đây đã rất khổ cực khi viết cuốn "Trong ngục tù thủy tinh”, và nếu không muốn bản thảo bị trả lại, tôi phải sửa lại tác phẩm nhiều lần, theo yêu cầu của nhà xuất bản. Tất nhiên sửa một tác phẩm không dễ gì. Cuốn "Kẻ lạ mặt" bị từ chối đến 6 lần trước khi được phát hành.

P.V: Theo bà, thế nào là thảm họa không có tính tự nhiên?

P.H: Chất thải hạt nhân. Một thảm họa thật sự, vì đây là một vấn đề không thể giải quyết được, dù vẫn nhiều người bảo có cách giải quyết.

P.V: Bà vẫn theo dõi tình hình thời sự? Điều gì khiến bà quan tâm?

P.H: Lúc này, vấn đề chinh phục không gian. Nhưng không theo kiểu của ngài Regan, bằng những trò bịp và cảm giác được đi trên sao hỏa. Tôi thích người Nga nghiên cứu vũ trụ. Bây giờ, tôi thích đọc tài liệu về các nhà du hành vũ trụ, nhà động vật học, xã hội học, và không phải ở sách viễn tưởng hay văn học. Tôi không còn đọc tiểu thuyết, điều này tác động chồng chéo vào công việc. Tôi chỉ theo dõi một vài tác giả cùng những tác phẩm của họ mà tôi thích.

P.V: Về tác giả, bà tôn trọng ai?

P.H: Lúc này là Graham Greene. Hiện tôi đang đọc lại một tập truyện ngắn của ông ta, "21 truyện ngắn". Một vài truyện đã có từ năm 1936. Mới đây một nhà phê bình văn học đã viết "Graham Greene là nhà văn đương đại lớn nhất". Tôi đồng quan niệm này. Cái hay của Greene là sự tiết kiệm những câu chữ... Marcel Proust cũng thế, nhưng cái xã hội mà Proust sống thì tôi ghê sợ. Thật khủng khiếp khi thấy sách của nhà văn bị tự do in ấn và bày bán, bất chấp tác giả. Ông ta, dù sau khi chết, vẫn có quyền hạn với tác phẩm của mình chứ.

P.V: Và bà không thích nghĩ rằng ngày nay Proust được đọc nhiều?

P.H: Cũng thật không dễ chịu gì khi thấy đồng tiền rải quanh ông ta. Tôi nghĩ cần phải có sự sắp xếp nào đó...

P.V: Nhưng bà, chính bà cũng bị như trường hợp Proust, sách bà vẫn in ấn tự do?

P.H: (Giọng đanh thép) Tôi à, tôi có quan niệm của riêng tôi chứ. Đóng thuế đầy đủ. Là công dân Mỹ nhưng tôi vẫn đóng thuế ở Mỹ lẫn Thụy Sĩ... Ông có thấy rằng với 100.000 francs kiếm được, tôi chỉ giữ lại được 49.000 francs.

P.V: Sách bà được chuyển thể thành phim rất nhiều. Xin bà cho biết phim nào bà thích?

P.H: Một bộ phim thú vị với tôi, đấy là "Người bạn Mỹ", của hãng Wim Wenders. Phim này hơi khác với sách "Trò đùa của Ripley" được chuyển thể. Những thay đổi ở cuốn sách cũng không khiến tôi phải bực mình, vì sự thành công của bộ phim. Cũng như "Kẻ lạ mặt" cũng có khác, nhất là ở đoạn cuối, phim "Dưới ánh nắng mặt trời" cũng thế. Tôi nghĩ điều quan trọng là sự thành công của bộ phim. Còn điều còn lại thì...

P.V: Cách nào để tìm được một câu chuyện?

P.H: Điều này thì tôi không thể trả lời. Tôi luôn ghi chép trong sổ tay, và rồi đột nhiên nảy ra một ý... Không bao giờ có một ý nghĩ 'chung chung’ nào. Cần phát triển một khúc đoạn ngắn, một kỹ xảo tâm lý hay một chi tiết vật thể trở nên quan trọng. Rồi từng chút một, câu chuyện cứ tiến dần lên.

P.V: Những nhân vật của bà thường mang một dạng tâm lý rất cá biệt, người ta tự hỏi liệu bà không thích tập hợp quanh bà những kẻ mang bệnh tâm thần...

P.H: Không. Tôi thích những người nghệ sĩ, những họa sĩ.

P.V: Còn nhà văn?

P.H: Không. Tôi không có người bạn nào là nhà văn. Trừ một người, hiện sống ở Mỹ.

P.V: Ngay cả Graham Greene là người rất ngưỡng mộ tác phẩm của bà?

P.H: Thỉnh thoảng chúng tôi có viết thư cho nhau, nhưng tôi chưa bao giờ gặp Greene. Tôi không có ý định gặp một nhà văn nào.

P.V: Dạng người nào là nguồn kích thích trí tưởng tượng của bà?

P.H: Có những bậc thiên tài, cũng như có những người khiến ta phát ngấy. Dạng thứ hai này thích kể những chuyện quanh quẩn trong nhà, tôi rất ngán ngẩm. Và với họ tôi không có được một ý tưởng nào. Một ý tưởng đến được với tôi khi tôi không thiết nghĩ về nó: không có gì phải nhận xét ở những điều tôi nghe, thấy và làm. Thật sự, tôi chỉ gặp được hai người đáng chú ý: Henri Georges Clouzot, đã nói chuyện cùng tôi trong 3 giờ. Cũng thật khác thường và xin đừng buộc tôi phải giải thích. Rất đỗi bí hiểm, ba giờ như thế (Patricia bẻ mấy đốt ngón tay)... Và Michel Blanchard, đạo diễn phim người Canada. Hai con người rất trầm lặng. Nói chuyện với họ, tôi thấy rất sôi động...

P.V: Người ta vẫn thường vẫn bảo bà kiếm được ít nhất 60 xác chết trong bản thành tích của bà. Trước khi viết, bà có bị ám ảnh rằng sẽ giết ai trong lần này và sẽ bằng cách nào?

P.H: Không bao giờ tôi nghĩ điều này. Mối lo duy nhất của tôi là tìm được một câu chuyện hay. Không bao giờ tôi nghĩ đến chuyện giết người.

P.V: Truyện bà thường xoay quanh nhân vật đàn ông. Đàn bà bị xếp vào thứ yếu, trừ trong truyện "Con người mơ tưởng", ở đó vấn đề tính dục chiếm một vị trí khác thường.

P.H: Tôi không thích nói chuyện sex. Mọi người đều biết chuyện gì trên giường. Vì thế nói về nó cũng chả mấy khó. Anh cần phải là một nhà thơ thực sự khi nói về sex, nếu không anh là một diễn viên hài.

P.V: Tại sao truyện thường xoay quanh đàn ông?

P.H: Theo tôi, nhân vật chính phải được độc lập. Đàn bà thì không thể. Trong "Nghệ thuật gây hồi hộp", bà viết: Từ nỗi buồn chán mà tôi sáng tạo bằng cách sử dụng thực tiễn và sự phản ánh những thói quen cùng những sự vật quanh tôi. Quả vậy, tôi không thù ghét sự chán nản đã thỉnh thoảng chiếm lấy tôi, lắm khi tôi tìm cách có được nó!

P.V: Thế bà đã làm cách nào?

P.H: Tôi tống khứ những buổi gặp gỡ. Trước tiên tôi không có một điều áp buộc nào: làm những gì mình thích và cố quên, sau khi đã suy tính, những gì 'cần' làm. Giấy tờ, bài viết, cần phải chọn, đọc rồi sắp xếp. Mất thì giờ! Tôi cần ở trong trạng thái thư giãn, có sự giải trí hoàn toàn, trong một cuộc sống không có thời gian, đồng hồ...

P.V: Về nhân vật Ripley, bà viết: 'Tôi thường có cảm nghĩ rằng chính ông ta đã viết và tôi bằng lòng để đánh máy lại cho ông ta’. Sau này bà vẫn thường có lại cảm giác này?

P.H: Không. Đấy là lần duy nhất với Ripley và không có sự lặp lại. Tôi làm chủ được những nhân vật của tôi. Họ làm theo những gì tôi muốn, và không gây cho tôi chút ngạc nhiên nào.

P.V: Sống chỉ để làm việc. Có lúc nào bà đã lo âu khi tự nhủ: 'Ta cần phải ngồi cạnh bàn máy chữ và không biết phải viết gì'.

P.H: Không. Khi tôi không biết, tôi sẽ không viết gì. Tôi chỉ làm khi tất cả đã sẵn sàng trong đầu.

P.V: Thế bà không biết đến nỗi lo trước tờ giấy trắng?

P.H: Không bao giờ.

P.V: Bà có hạnh phúc?

P.H: Có!



ANH TÚ
(dịch theo báo Paris - Match)
(TCSH46/04-1991)



 

Các bài mới
Trang thơ da đen (30/08/2019)
Sử thi buồn (21/08/2019)
Kẻ mồ côi (02/08/2019)
Các bài đã đăng
Qua sông (26/04/2019)
Chùm thơ Võ Quê (26/03/2019)