Tạp chí Sông Hương - Số 362 (T.04-19)
Phụ nữ và chủ nghĩa dân tộc: Vấn đề phụ nữ trong dự án quốc gia - dân tộc của Phan Bội Châu
09:53 | 17/05/2019

ĐOÀN ÁNH DƯƠNG  

                (Kỳ cuối)

Phụ nữ và chủ nghĩa dân tộc: Vấn đề phụ nữ trong dự án quốc gia - dân tộc của Phan Bội Châu
Ảnh: internet

4. Trước khi bị an trí ở Huế, ngót 20 năm, bên cạnh các trước tác là biên khảo, văn chính luận, thơ ca chữ Hán mang phong cách tỏ chí của nhà nho, các truyện ký danh nhân, chí sĩ Phan Bội Châu còn có sáng tác hư cấu. Với sự thể hiện vấn đề phụ nữ, đáng quan tâm là các tác phẩm viết về đề tài lịch sử, mà nổi bật là tuồng Trưng Nữ vương (1911) và tiểu thuyết Trùng Quang tâm sử (1921 - 1925). Cả hai tác phẩm có vị trí đặc biệt trong tiến trình thể loại này đồng thời cũng là hai tác phẩm có vị trí đặc biệt trong tiến trình tư duy về vai trò và vị trí của người phụ nữ, trong cách Phan Bội Châu đã không câu nệ các quy luật nội tại của hình thức văn chương để gửi gắm vào đó tư tưởng và tình cảm của người viết, không trung thành với sự kiện lịch sử để chỉ từ đó gửi gắm câu chuyện của thời hiện tại.

Giống như cảm nhận của Marr, nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu nhận thấy dụng ý nhấn mạnh nội dung “thù dân so với thù chồng nặng hơn” đã khiến cho Phan Bội Châu “thay đổi chủ đề của câu chuyện và do đó cả cốt truyện để làm cho cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng phản ánh thực tế đấu tranh chống Pháp và nhất là phản ánh quan niệm cứu nước của ông”:

“Theo quan niệm tuyên truyền của mình, Phan Bội Châu đã đương đại hóa cốt truyện lịch sử, làm người xem tiếp xúc với cuộc sống không phải của thế kỷ I sau Công nguyên mà với cuộc sống của thời kỳ thuộc Pháp đầu thế kỷ XX (thuế má, cảnh sát hứa thưởng Bắc đẩu bội tinh cho ai bắt được Thi Bằng, lý trưởng đút lót 5 hào cho Từ Phú,…). Những chi tiết phi lịch sử, đội mũ thuộc địa cho tên Thái thú đời Hán như vậy nằm trong một quan niệm thống nhất của ông khi viết về đề tài lịch sử” .

Việc “đương đại hóa cốt truyện lịch sử” trước nhất bằng “những chi tiết phi lịch sử” làm cho tuồng Trưng Nữ vương của Phan Bội Châu khác với các sáng tác đương thời về bà. Song quan trọng hơn, là ý đồ và cách thức xây dựng hình tượng Trưng Trắc và các nhân vật phụ nữ khác. Việc đặt “thù dân” lên trước “thù chồng”, rồi nhấn mạnh “gánh thù dân thêm nợ khối thù nhà”, là một hành động cố tình “đọc sai” lịch sử của Phan Bội Châu để làm nổi bật lên hình ảnh “khách quần thoa mà gánh việc non sông”: “Hổ sinh ra phận gái nữ nhi, gánh dân quốc thẹn thua phường nam tử/ Vốn sơ tâm thiếp đã nguyện cùng thiên địa, xin đem mình phó với giang sơn…/ Dầu hy sinh tính mệnh với giang sơn, ấy lòng thiếp mới đành cùng chủng tộc...”3 . Từ suy nghĩ đến lời thề thốt, đó là hình ảnh một liệt nữ thời hiện đại, người đã ý thức rất rõ về dân quốc, giang sơn, chủng tộc, đều là những “từ khóa” của chủ nghĩa yêu nước thời đầu thế kỷ XX. Quyết tâm ấy, nỗ lực ấy thành tựu ở việc trả được nợ nước thù nhà, khiến kẻ thù phải kính phục:

Quả quyết ngang trời dọc đất
Phường nữ lưu mà rất phi thường
4

Nhưng không phải lúc nào “nữ lưu” ấy cũng hiện lên như một trang hảo hán, được đo bằng các chiều kích của nam nhi đại trượng phu. Như một giọng nhỏ phụ trong mạch văn hào sảng của lời hiệu triệu, Phan Bội Châu - trong quán tính rơi rớt của quan niệm Nho giáo về phụ nữ hay đã đủ sống trải để thấm thía thân phận người phụ nữ - để cho Trưng Trắc có những giây phút hiện lên như một người đàn bà bình thường: yếu đuối, dao động, bối rối, phân vân,... trước những khúc quanh của cuộc sống5.

Từ việc có ý thức về đời thường đến việc làm xuất hiện những con người bình thường trong tác phẩm văn học là một bước tiến quan trọng trong nhận thức về con người, cách mạng và dân tộc. Nếu như ở tuồng Trưng Nữ vương, Phan Bội Châu đã hư cấu một số nhân vật phụ là người đàn bà bình thường: thị tỳ Liên Hoàn, cố Hòe bà; đến Trùng Quang tâm sử, những người đàn bà bình thường như thế đi vào trung tâm của tác phẩm, trở thành nhân vật chính, những cô Chí, cô Triệu, cô Liên,… vì căm thù giặc, chán ghét cuộc đời nô lệ tù túng, theo nhau vào trại Trùng Quang hợp sức với tu mi nam tử làm cách mạng giải phóng dân tộc. “Nhưng bên cạnh những anh hùng phi thường được sử sách ca tụng thì họ, như Trần Đình Hượu phát hiện thấy - bị quên lãng không ai biết đến. Phan muốn nói đến những người anh hùng vô danh, đề cao những công việc bình thường của họ. Ông nói về họ với một tình cảm rất mực chân thành quý mến. Đó cũng là loại người mà ông quen thuộc am hiểu trong cuộc đời”6 . Một lần nữa, với Trùng Quang tâm sử, Phan Bội Châu lại “hiện đại hóa lịch sử” để cho cuộc khởi nghĩa ở cuối thời Trần mang dáng dấp một cuộc vận động duy tân ở đầu thế kỷ XX, nơi mà những tướng sĩ xưa kia được thay thế bằng những con người bình thường mà ông am hiểu và quý mến.

Song có điều, có lẽ không chỉ xuất phát từ bút pháp tiểu thuyết chương hồi kiểu trung đại, là kiểu sáng tác văn xuôi mà ông thông thuộc hơn cả, những con người bình thường ấy, nhất là người phụ nữ, lại hiện lên trong dáng dấp “phi thường”. Từ ngoại hình đến tính cách, đến lối sống không thiết tha chức phận của người nội tướng trong gia đình, chỉ chăm chăm lo công việc quốc gia đại sự, Phan Bội Châu chủ yếu vẫn lấy nam tính làm thước đo cho người phụ nữ. Điều này bộc lộ những bất cập của một quan niệm, song cũng cho thấy sự quy chiếu của lý tưởng dân tộc là mạnh mẽ đến thế nào khi nó huy động tất cả gom góp cho sức mạnh có khả năng bạo động, lật đổ - được hun đúc vào hình tượng nam nhi, không phải là đại trượng phu một thời mà là những chàng trai trẻ - “tân thiếu niên” - một thế hệ mới được sinh thành và hàm dưỡng cả về thể chất và trí tuệ cho một cuộc chuyển vần mới mà thế hệ cha ông Cần vương của họ đã không thể thực hiện.

5. Mười lăm năm an trí ở Huế ngẫm ngợi về bao thất bại trên đường tranh đấu, Phan Bội Châu hiện lên không chỉ như là “người chí sĩ cô độc quay về với con người đạo đức theo Nho gia” (Trần Đình Hượu), mà ở nhiều phương diện, “Ông già Bến Ngự” gắng tham góp vào đời sống dân sự như một trí thức đối kháng vượt lên sự ngăn trở, quản thúc của chính quyền thực dân, và những giới hạn của chính bản thân và thế hệ mình. Kết quả của nỗ lực “tái tranh đấu” ấy là những đóng góp trên phương diện tư tưởng và văn hóa, thậm chí trên cả phương diện các hoạt động xã hội, báo chí và văn học. Trong số những chuyển biến đáng kể này, các suy tư về vấn đề phụ nữ nổi bật lên như là một đóng góp của Phan Bội Châu cho sự trưởng thành của phong trào phụ nữ Việt Nam suốt mấy thập niên này.

Trong tình cảnh bị quản thúc, nhiệt huyết ái quốc của ông không vì thế bị thuyên giảm, thậm chí càng thêm nung nấu khát khao “Dựng gan óc lên đánh tan sắt lửa/ Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ”, nên dễ hiểu vì sao ông chú tâm quan sát các sự kiện cách mạng, sáng tác nhiều văn thơ về những con người và tiếng vang của những sự kiện ấy. Không phân biệt trai gái, chủ nghĩa, phương hướng, cứ có nơi đâu có hành động yêu nước là ông tỏ đồng tình, hô hào, cổ vũ.

Tưởng nhớ người nữ đồng chí từ thời Duy tân hội, khi về Huế, Phan Bội Châu làm thơ, rồi lập miếu thờ Ấu Triệu Lê Thị Đàn ngay tại vườn nhà. Với các nhi nữ đương thời, Phan Bội Châu cũng hết lời ca ngợi. Khi nghe tin cô Nguyễn Thị Giang quyên sinh theo chồng là đảng trưởng Quốc dân Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu lấy “bức giấy máu xin ghi lời viết” để viếng. Với tất cả sự cung kính và ngưỡng mộ sâu sắc, Phan Bội Châu đã khắc họa rõ nét chân dung một bậc liệt nữ: “Sóng nhân đạo ở hai mươi thế kỷ, bạn má hồng toan cướp gái làm trai/ Gương nữ hùng treo một khóe trời Nam, lũ da trắng phải ghê dòng nước Việt/ Trên quốc sử mực chàm giấy phấn, “ông” cả đoàn nhan nhản bầy nô/ Dưới Long Thành màu biếc cỏ xanh, gái đến thế rành rành chữ “liệt”7. Khi khác, nghe tin các nữ đồng chí cộng sản trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh bị thực dân bắt, dùng cực hình thô tục để ép cung khai, Phan Bội Châu làm bài “vọng tế”: “Thưa các bà các cô!/ Lạy các bà các cô!/ Năm chị em chúng tôi truồng thân trụi xác,/ Để cho món cường quyền, nhà tư bản đứng vỗ tay cười!/ Văn minh thế hết rồi!/ Đạo đức thế hết rồi!/ Ơn bảo hộ là thế!/ Ơn khai hóa là thế! Xin bà con ngẫm lại mà coi!”8. Xen giữa những miêu tả theo lối nam tính hóa nữ tính quen thuộc, với bài “vọng tế”, Phan Bội Châu đã cho thấy ý thức về thân xác, cái hình hài làm gốc cho “phận” và “thân” của người phụ nữ, đòi hỏi sự tôn trọng đối với phần vật chất vốn bị quan niệm truyền thống xem thường này.

Nhìn nhận phụ nữ như một thực thể tự nhiên - xã hội cũng là con đường dẫn Phan Bội Châu đến các miêu tả về người đàn bà bình thường có thực ngoài đời, những thân phận bà già, trẻ gái, đứa ở, đứa ăn mày, kẻ cắp,… đang dần trở nên phổ biến đáng thương trong xã hội. Các bài Đứa con gái ăn mày, Cô gái mồ côi đi tu, Kẻ trộm gái, Bà già tự tử, Tặng cô gái bé bơi xuồng,… làm hồi tưởng lại kiểu thơ “sở kiến”, ghi lại chân thực những điều tai nghe mắt thấy. So với những bài thơ viết về các gương liệt nữ, hay các bài viết về những phụ nữ cùng tầng lớp (Tặng bạn gái; Tặng Tùng Phong nữ sĩ; Mừng bạn đẻ con trai; Mừng bạn đẻ con gái; Tặng nữ sĩ Tương Phố; Tiễn nữ sĩ Tương Phố; Họa Mộng Nhi nữ sĩ thi; Cảm ơn Mộng Nhi nữ sĩ;…), các bài thơ này cho thấy thêm một phương diện ở nhà cách mạng Phan Bội Châu: sự quan tâm chia sẻ với thân phận nhỏ bé, bất hạnh trong xã hội vốn từng làm thành dòng văn học nhân văn của các nhà nho xưa.

Tuy nhiên, đóng góp lớn nhất của Phan Bội Châu cho phong trào phụ nữ Việt Nam những năm này nằm ở sự kết hợp song hành các hoạt động đấu tranh cho quyền phụ nữ và nữ quyền với việc viết bài, viết sách xung quanh vấn đề phụ nữ. Hơn bất cứ nhà hoạt động xã hội nào cho đến lúc này, Phan Bội Châu đã công bố nhiều bài viết, công trình thể hiện sâu sắc quan điểm về quyền phụ nữ và nữ quyền, đồng thời hiện thực hóa quan điểm ấy bằng các hành động cụ thể để hối thúc phong trào phụ nữ.

Năm 1926, Nữ công học hội do bà Đạm Phương nữ sử thành lập ở Huế, Phan Bội Châu đã ra sức giúp đỡ. Ông có soạn tập văn vần Nữ quốc dân tu tri, cùng với Nam quốc dân tu tri, làm sách giảng bài ở nhà, đã cấp cho học hội quyền in ấn để làm tài liệu giảng dạy cho chị em. Sách đã đề cập đến những tri thức phổ thông căn bản nhất (như về đạo làm con, về gia đình, công - dung - ngôn - hạnh, đạo làm vợ và làm mẹ, công đức với tư đức,…) cùng lời khuyên “hợp quần” để giáo dục và vận động phụ nữ.

Sang năm sau, trong các buổi diễn thuyết tại trường Quốc Học và trường nữ sinh Đồng Khánh, Phan Bội Châu đề cập sâu hơn đến vấn đề nữ học, đến nghĩa vụ và quyền lợi của phụ nữ. Hình dung về vai trò và vị thế của người phụ nữ Việt Nam hiện tại, Phan Bội Châu cho rằng:

“Trời đã sinh ra các chị em, thì các chị em chắc cũng có trí khôn, hay tự lập; nước Việt Nam đã sản xuất ra các chị em, thì các chị em chắc cũng có năng lực, hay tự cường. Chị em nếu một mai hay hăng hái nghĩ làm người, quyền lợi của loài người quyết ra tay tranh lấy, phẩm cách của loài người quyết ra sức giữ lấy; xã hội hủ kia, có ngày ta chỉnh đốn, gia đình ác kia, có ngày ta cải lương, rồi đây sẽ lấy thân đào liễu mà đỡ gánh non sông, xum sức quần soa mà vần xây vận hội; chắc có một ngày bà Trưng Nữ Vương thứ hai xuất hiện ở thế kỉ này” .

Nhưng để vun trồng và nâng cao vai trò và vị thế ấy, ông khuyên các nữ sinh phải chuyên tâm vào việc học hành, nâng cao nhận thức, chí ít theo ông cũng ở bốn điều: “Một là chị em phải biết chị em cũng là người. Hai là, chị em phải biết chị em cũng là dân trong nước. Ba là, chị em phải biết chị em cũng nên có nghĩa vụ như con trai. Bốn là, chị em phải biết chị em cũng nên được quyền lợi như con trai”. Ở điều thứ ba, ông nhấn mạnh vào nghĩa vụ với gia đình, với xã hội, và với chính bản thân phụ nữ; phụ nữ làm sao phải gây dựng sự tự chủ, có tư cách độc lập để không bị xem là “kí sinh trùng”. Trên nền tảng ấy, ở điều thứ tư, ông khẳng định: “Chị em ta đã hay biết được cái nghĩa vụ mình cũng như con trai, và hay làm được cái nghĩa vụ mình cũng như con trai, thì bao nhiêu cái quyền lợi của con trai, chắc các chị em ta cũng có phần được hưởng thọ. Nghĩa là như các việc kinh tế được bình đẳng với con trai; các việc giáo dục được bình đẳng với con trai; mai sau đạo đức các chị em ta, trí thức các chị em ta, tài cán các chị em ta, đều là cao lên tột đến cực điểm, thì cái quyền lợi về chính trị, cũng được bình đẳng với con trai”10 . Ngay khi ở phương Tây, cuộc vận động nữ quyền hãy còn đang tiếp diễn, quyền chính trị vẫn chưa thành hiện thực, bài diễn thuyết cho thấy tính cấp tiến trong nhận thức về chủ nghĩa bình quyền và đường hướng đấu tranh cho nam nữ bình quyền của Phan Bội Châu.

Đánh giá cao vai trò của giáo dục, nên mấy năm sau, khi được báo Phụ nữ tân văn trưng cầu ý kiến về “vấn đề phụ nữ”, nhìn vào thực trạng xã hội, Phan Bội Châu chua xót nhận xét: “Khốn khổ nhất là giáo dục ngày nay, không lo uốn nắn từ lên ba lên bảy, lo vun đắp khắp kẻ chợ nhà quê. Hình thức bề ngoài tuy vẫn có cái mặt nạ giáo dục, mà tinh thần bên trong lại cốt làm cho tiêu mòn cái chân tính con người! Giáo dục giả dối bao nhiêu, thời phụ nữ sa sút bấy nhiêu, cái họa áp chế ở gia đình không bằng cái họa bùa mê ở giáo dục, vứt hết kim tiền máu mủ vì phấn sáp nước bông, hao hết thì giờ quý báu vì đua hồng diện lục; mua được một lá bằng tốt nghiệp, thời xem cha mẹ, chú bác không đáng một xu, mang được một cái lốt ma-đam thời xem đất nước quê hương không bằng một sợi tóc, thế mà nữ sĩ này, nữ sĩ nọ, danh hiệu um sùm, thế mà nay nữ quyền, mai nữ quyền, kêu rêu xao xác, phụ nữ như thế, còn vấn đề gì mà phải bàn nữa đâu! Những người còn có tâm huyết, còn có can trường, xét đến tình trạng phụ nữ xã hội ta, bảo không chán ngán buồn rầu làm sao đặng!”11. Làm thế nào để thay đổi thực trạng đáng buồn đó, một lần nữa Phan Bội Châu khẳng định: “Thời chỉ nhờ sức tự động của chị em mình, mình giáo dục lấy mình, ấy là thượng sách”. Rồi ông nói thêm: “làm người muốn tự lập, tất trước phải tự cường; mà muốn đắp cái nền móng tự cường, tất trước phải có cái chức nghiệp tự sinh hoạt, đó là đội quân tiên phong cho tự lập tự cường vậy. Nếu chị em ta, không trước để lòng về chức nghiệp mà chỉ cứ trau son dồi phấn, cợt liễu cười hoa, mái tóc cho bóng, móng tay cho dài, lấy cô Đốc bà Tham làm mô phạm, thời những bao nhiêu câu nữ quyền, câu giá trị đều là nói khoác mà thôi”12.

Ở giữa một bài diễn thuyết (17/3/1926) và một bài trả lời trưng cầu ý kiến trên báo chí (4/7/1929) mà “vì thiên bức chật hẹp, không thể hết lời”, Phan Bội Châu có một công trình hệ thống mang tên: Vấn đề phụ nữ. Ban đầu tác phẩm được trích đăng trên Đông Pháp thời báo (12/1927); sang năm sau, tác phẩm được in thành sách bởi Duy Tân thư xã ở Sài Gòn. Theo bản in của Duy Tân, sách gồm bốn phần: Địa vị với lịch sử của phụ nữ, Nữ quyền, Phụ nữ vận động và Kết luận. Dù tác phẩm có dung lượng không lớn, nhưng bàn rất tập trung về vấn đề phụ nữ, đặc biệt là vấn đề nữ quyền và đường hướng của việc “phụ nữ vận động”, có thể xem như một tài liệu tập huấn về nhận thức và thực hành các phong trào phụ nữ. Đây là một tác phẩm quan trọng ghi nhận quan điểm của Phan Bội Châu về vấn đề phụ nữ, cũng là một bước trưởng thành của ý thức về quyền phụ nữ và nữ quyền ở nước ta cho tới lúc bấy giờ.

Về vấn đề nữ quyền, Phan Bội Châu nhận định: “Theo ở trên mặt chữ mà nói, Nữ Quyền nghĩa là quyền người đàn bà, cũng như Nam Quyền nghĩa là quyền người con trai, nhưng xét cho đến gốc chân lí, thăm cho đến nguồn triết học, thời Nữ Quyền với Nam Quyền tất cả thu nạp vào trong hai chữ Nhân Quyền. Nhân Quyền nghĩa là quyền của người mà cũng là quyền làm người. Rằng quyền của người, tức là quyền đó, hễ người thời đáng được. Rằng quyền làm người, tức là đã một con người, tất có quyền được làm con người mà không phải là làm trâu làm ngựa. Con trai là người, con gái cũng là người, ở trong chữ quyền người đã bao bọc cả trai với gái, không cần phải phân biệt Nam Quyền, Nữ Quyền. Nếu phân biệt Nam Quyền, Nữ Quyền cũng là dư”13. Đẩy vấn đề đi xa hơn - vẫn theo một quan điểm gắn kết phụ nữ với vấn đề dân tộc, Phan Bội Châu nhấn mạnh:

“Chị em ta thử nghĩ, ở trong câu “việc gì đáng làm” đó có việc gì đáng làm hơn việc xã hội nữa đâu? Vì xã hội có người cày thì ta mới có cơm ăn, vì xã hội có người dệt ta mới có áo mặc, vì xã hội có công tác, có giao thông mà ta mới có chỗ yên ở, chỗ vui chơi. Dầu chung quanh ta, những cha mẹ, những bà con, anh em, cũng là nhờ ơn xã hội che chở đùm bọc mà còn đó. Ta hết lòng gánh vác việc xã hội tức là hết nghĩa vụ làm người mà quyền người mới có thể khôi phục được. Quyền người ta khôi phục thời quyền gái chẳng cần nói nữa”14 .

Bởi vì thế mà cần “phụ nữ vận động”. Phan Bội Châu dành nhiều tâm sức cho việc hướng dẫn tổ chức phong trào phụ nữ có thiên hướng xã hội như thế trong phần thứ ba của tác phẩm này. Trước khi phân tích cụ thể các công việc nên làm, Phan Bội Châu cho rằng “muốn bắt tay vào làm việc vận động, thời trước phải nhận cho minh bạch những điều này:

1. Phải biết phụ nữ là một hạng người không thiếu được ở trong loài người.
2. Phải biết phụ nữ là một suất dân không thiếu được ở trong dân nước.
3. Phải biết phụ nữ là một bộ phận rất lớn trong xã hội.

Ba điều đó đã biết được rành rõi rồi có thể định được cái phương châm vận động.

Phương châm vận động có bốn điều:

1. Mở mang về đường trí thức của phụ nữ.
2. Liên kết đoàn thể của phụ nữ.
3. Chấn hưng chức nghiệp của phụ nữ.
4. Nâng cao địa vị của phụ nữ”15.

Có thể nói, những đề xuất như trên là cụ thể, rõ ràng, cấp tiến, cho thấy một nhận thức và những giải pháp thích đáng để nâng cao quyền phụ nữ và nữ quyền trong xã hội. Và để làm được điều này, Phan Bội Châu đã không chỉ nêu quan điểm, mà ông còn tích cực hoạt động góp vào các phong trào phụ nữ. Phan Bội Châu đề xuất mở nhà giảng báo, và khi các tờ báo phụ nữ được ấn hành, Phan Bội Châu có thơ mừng (như với Phụ nữ thời đàm, Phụ nữ tân văn). Ông tích cực hoạt động trong Nữ công học hội của bà Đạm Phương; ông đến diễn thuyết tại hội, khi bà Đạm Phương bị chính quyền thực dân bắt giam, ông viết thư gửi Toàn quyền đề nghị trả tự do, vì cho rằng hoạt động xã hội và phụ nữ của bà là chính đáng. Tất cả những điều này, nỗ lực nâng cao nhận thức và hành động, gắn kết phụ nữ với dân tộc, vận động cải cách xã hội,… trong mười lăm năm cuối đời, làm nên một phương diện khác của nhà cách mạng Phan Bội Châu: tuy biểu hiện có bớt phần “cấp khích”, song nhiệt tình yêu nước thì không hề thuyên giảm, thậm chí càng nung nấu sục sôi khi phải chịu cảnh cách ly, giam lỏng trong không khí đấu tranh ngày càng rộng khắp của các phong trào cách mạng giải phóng dân tộc và cải cách xã hội.

6. Tóm lại, trong số những suy tư của Phan Bội Châu về một nước Việt Nam mới - Tân Việt Nam - như một dự đồ được ông phác thảo trong tác phẩm hình thành sớm vào năm 1907, phụ nữ và các vấn đề của họ đối với đất nước luôn dành được sự chú ý. Và trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng với nhiều tự phán, điều chỉnh về mặt tư tưởng và hành động, vấn đề phụ nữ luôn luôn được ông đặt ra, từ trong mối liên thuộc số phận quốc gia - dân tộc (nation-state) đến các vấn đề tự thân của phụ nữ như quyền phụ nữ (women’s rights) và nữ quyền (feminism). Việc sớm quan tâm và thường bận tâm tới vấn đề phụ nữ của Phan Bội Châu, theo đó, đáng được xem xét như một chủ điểm quan trọng - dù không chiếm giữ vị trí bề thế như đa dạng các vấn đề chính trị xã hội khác mà Phan Bội Châu quan thiết - để hình dung về nhân cách, tư tưởng và sự nghiệp của ông, qua đó mà hiểu thêm về đời sống tinh thần Việt Nam những năm giao hòa Á - Âu, tân - cựu, cũng như lịch sử vận động của vấn đề phụ nữ ở Việt Nam thời hiện đại.

Từ một chí sĩ cách mạng đến một nhà hoạt động xã hội vượt lên cảnh huống bị câu thúc, Phan Bội Châu trở thành một hình mẫu, một điểm tựa tinh thần, nhưng đồng thời cũng là một bài học lớn cho lớp hậu sinh soi gương. Tìm đến lý tưởng cách mạng và duy tân, Phan Bội Châu dành tâm sức đấu tranh cho tự do, tự chủ, cho nhân quyền. Xem xét vấn đề phụ nữ trong sự tương tác giữa các vấn đề quốc gia - dân tộc với nhân quyền, giới và xã hội,… theo đó, là một bước nhảy vọt trong nhận thức về phụ nữ và các vấn đề vì/của/thuộc về họ ở Việt Nam những năm giao thời đầu thế kỷ XX. Sự hiện diện của Phan Bội Châu trong dòng mạch vi lịch sử này, không chỉ như một đấng nam nhi quan chiêm đến thân phận thấp hèn đã được thiết định trong tư duy truyền thống, đánh dấu một nỗ lực tri thức và hành động đáng kể việc thoát ly gánh nặng quá khứ để hội nhập hiện đại, trong các dự đồ về một mô hình quốc gia - dân tộc mới. Dần hình thành một tư tưởng hệ thống về vấn đề phụ nữ, chính điều này đã xác lập hình ảnh một nhà hoạt động nữ quyền tiêu biểu ở Việt Nam hiện đại ở Phan Bội Châu, bên cạnh (và bên trong) hình ảnh một người anh hùng lẫm liệt trọn đời vì đất nước, giống nòi.

Đ.A.D
(TCSH362/04-2019)


............................................
1. Trần Đình Hượu: “Phan Bội Châu”, Tuyển tập (Tập 2), (Trần Ngọc Vương giới thiệu và tuyển  chọn), Nxb. Giáo dục, H., 2007, tr.570.

2. Về một điểm diện các tác phẩm viết về Hai Bà Trưng ở đầu thế kỷ XX, xem thêm Đào Lê  Tiến Sỹ: “Nam tính hóa nữ tính và lý tưởng người phụ nữ anh hùng…”, Bđd., tr.85-86.

3. Phan Bội Châu: “Trưng Nữ vương”, trong Phan Bội Châu - toàn tập, (bộ 10 tập), Tập 3, Sđd.,  tr.276. In nghiêng do chúng tôi nhấn mạnh.

4. Phan Bội Châu: “Trưng Nữ vương”, trong Phan Bội Châu - toàn tập, (bộ 10 tập), Tập 3, Sđd.,  tr.324. In nghiêng do chúng tôi nhấn mạnh.

5. Sau vở tuồng gần hai chục năm, một bài thơ khác đã hết sức nhấn mạnh vào khía cạnh  đời thường này, và được đón nhận hết sức nồng nhiệt: …Ải bắc quân thù kinh vó ngựa/ Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi/ Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá/ Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi (Trưng Nữ vương - Ngân Giang).

6. Trần Đình Hượu: “Phan Bội Châu”, Tuyển tập (Tập 2), Sđd., tr.587.  

7. Phan Bội Châu: “Văn tế cô Giang”, trong Phan Bội Châu - toàn tập, (bộ 10 tập), Tập 8,  Sđd., tr.494.

8. Phan Bội Châu: “Vọng tế các nữ đồng chí cộng sản ở Nghệ Tĩnh”, trong Phan Bội Châu - toàn  tập, (bộ 10 tập), Tập 8, Sđd., tr.502.

9. Phan Bội Châu: “Bài diễn thuyết tại trường Đồng Khánh Huế”, trong Phan Bội Châu - toàn  tập, (Tập bổ di 1), Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây & Nxb. Lao động, H., 2012, tr.163.

10. Phan Bội Châu: “Bài diễn thuyết tại trường Đồng Khánh Huế”, Sđd., tr.166.  

11. Phan Bội Châu: “[Cuộc trưng cầu ý kiến của Phụ nữ tân văn]: Ý kiến của ông Phan Bội  Châu với vấn đề phụ nữ”, [Phụ nữ tân văn, số 10, (ra ngày 4/7/1929)], trong Phan Bội Châu - toàn tập, (bộ 10 tập), Tập 7, Sđd., tr.438.

12. Phan Bội Châu: “[Cuộc trưng cầu ý kiến của Phụ nữ tân văn]:…”, Sđd., tr.439.  

13. Phan Bội Châu: “Vấn đề phụ nữ”, Phan Bội Châu - toàn tập, (10 tập), Tập 7, Sđd., tr.112-113.  

14. Phan Bội Châu: “Vấn đề phụ nữ”, Sđd., tr.114.  

15. Phan Bội Châu: “Vấn đề phụ nữ”, Sđd., tr.114-115.   




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Trăng và Quỳnh (09/05/2019)