Tạp chí Sông Hương - Số 362 (T.04-19)
Đường về Thăng Long
10:18 | 17/05/2019

NGUYỄN THẾ QUANG   

        Trích tiểu thuyết 

Đường về Thăng Long
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

LGT: Sau hai cuốn tiểu thuyết “Nguyễn Du” và “Thông reo Ngàn Hống” (Giải thưởng Hội Nhà văn 2015), nhà văn Nguyễn Thế Quang vừa hoàn thành tiểu thuyết “Đường về Thăng Long”. Thăng Long là biểu tượng nền Độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam, là con đường chiến đấu hy sinh giành độc lập cho dân tộc của nhân dân ta. Nhất quán trong việc khám phá lịch sử trong mối quan hệ quyền lực và trí thức cùng nhân dân, tác giả đưa vào tác phẩm những nhân vật đã từng gắn bó với lịch sử dân tộc ở một thời kỳ bi tráng đầy biến động như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Trần Trọng Kim, Nguyễn Tường Tam, Hoàng Xuân Hãn... Con đường đi của mỗi người tuy có khác nhau nhưng cùng chung một ước nguyện độc lập và thống nhất giang sơn. Chú ý khai thác chiều sâu tư tưởng và tình cảm của nhân vật nên tác phẩm trở nên sinh động, hấp dẫn, gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ.

Sông Hương xin giới thiệu Chương 3 phần thứ nhất của tiểu thuyết “Đường về Thăng Long”, nói về chuyến kinh lý miền Trung yêu dấu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp tháng 1/1946 đã dừng chân lại ở Huế - mảnh đất nhiều năm gắn bó với bao buồn vui, ân tình sâu nặng. 


Sông Hương

  


Xe của Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp vào Huế khi chiều Đông đã xế, nắng đã nhạt, khí lạnh đã ùa cả vào trong xe. Thế nhưng lòng ông lại háo hức. Một Huế khác hẳn xưa, rộn rã, đỏ rực bóng cờ đỏ sao vàng. Kể từ ngày vào Huế vận động cho Đặng Thai Mai trúng cử vào Viện Dân biểu Trung kỳ đến nay đã gần mười năm. Anh bảo người lái xe đi chậm lại. Anh em trong đoàn lần đầu tiên trong đời được vào Kinh đô Huế, thích thú ngắm nhìn cảnh vật. Bộ trưởng chăm chú nhìn, nhớ bao cảnh cũ người xưa, lòng bồi hồi. Anh nói với các cộng sự mà cũng như nói với chính mình:

- Hai mươi mốt năm trước, mình đã học ở đây, rồi ở lại hoạt động hơn bảy năm trời.

Bộ trưởng Võ Giáp chỉ cho anh em biết: kia là núi Ngự Bình, đó là Hoàng cung, kia là sông Hương… Chợt người lái xe hơi hỏi:

- Anh Văn ơi. Sao ở đây bên đường có nhiều miếu nhỏ thờ những ai vậy?

- Đó là những miếu dân Huế lập nên để thờ những người dân chết trong ngày Pháp chiếm Kinh đô.

Bộ trưởng Giáp bèn kể cho mọi người nghe: hơn sáu mươi năm trước vào ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu, nhằm ngày 5/7/1885 thực dân Pháp đánh chiếm Kinh đô. Quân lính triều đình chống cự không nổi, quân chúng ra sức đốt phá, tàn sát đồng bào. Hàng ngàn người dân Huế phải chết, xác phơi đầy làng, đầy đường, đầy sông, đầy bãi, nước ta rơi vào tay chúng. Từ đó, người dân Huế lập đàn hàng năm thờ những người đã mất. Nhiều miếu thờ được lập nên khắp nơi - nhất là những ngã ba, ngã tư đường. - Giọng ông Giáp như lắng xuống:

- Hồi mười bốn tuổi, lần đầu tiên mình theo thầy vào học thi gặp đúng ngày giỗ. Cả kinh thành từ triều đình đến thường dân, từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ tôn miếu đến ngã ba chợ hay bến sông, đâu đâu cũng hương khói, đâu đâu cũng có mâm xôi chè cúng những người bị chết. Đến bây giờ mình vẫn thuộc lời khấn của một cụ già bên đường.

Nói rồi anh đọc:

Hồn ơi! Nào hồn Đông hồn Tây hồn Nam hồn Bắc, chẳng đâu không gọi, gọi thì về.
Hỡi cô phu cô phụ cô tử cô thần vất vưởng hồn thiêng về đây chứng giám.
Này hương, hoa, vàng, giấy. Xôi, rượu, chuối, chè, chút gọi rằng nếm lấy hơi, xin nếm lấy lòng, nghĩa đồng chủng đồng bào, thác xem như sống, xin về đây thụ hưởng phù trì cho nước Việt trường tồn.


Bộ trưởng dừng lại. Mọi người thấy lòng ngùi ngùi.

- Chưa gặp thầy, chưa học được chữ văn, toán nào mình đã học được bài học khổ đau mất nước và cả tình nghĩa nước non sâu nặng từ mảnh đất này.

Xe từ từ qua cầu. Những hàng cây xanh rực bóng cờ soi mình trên dòng nước. Đến trước cổng trường có bốn trụ lớn đỡ tấm bê tông đắp nổi năm chữ bằng sứ Khải Định Trung học trường, phía dưới có ba chữ nổi màu đen Lyceé Khải Định, anh bảo đồng chí lái xe dừng lại. Mọi người theo anh xuống xe. Mái trường cũ hiển hiện trước mắt. Lòng anh bồi hồi. Anh nói với các đồng chí đi cùng:

- Đây là trường Quốc Học Huế. Năm học 1925 - 1926, 1926 - 1927 mình học ở đây. Hồi đó, cổng trưởng bốn trụ, hai lầu, bốn mái với dòng chữ Hán: Pháp tự Quốc Học trường môn. Mình học được rất nhiều điều ở đây.

Anh nhìn vào trường: những phòng học, phòng ký túc xá, phòng thầy Hiệu trưởng vẫn nguyên vẹn. Anh muốn đi về phía đó, đến phòng học Đệ nhất, đệ nhị A, nơi chứa đựng những kỷ niệm tuổi trẻ cùng thầy, cô và bạn bè. Thế nhưng, dãy phòng đó lố nhố những bóng quân Tàu. Quân chúng quá đông, chính quyền phải tạm lấy trường học làm chỗ ở cho chúng. Không vào được nhưng gương mặt Nguyễn Chí Diểu , Nguyễn Thúc Hào… các thầy Võ Liêm Sơn, thầy Lê Thước, các thầy người Pháp… hiển hiện trước mắt anh. Lần đầu tiên ở đó, anh được biết đến ba chữ: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Ở đây, anh được học những bài học mới, những cách dạy mới - nhất là của các thầy người Pháp. Anh nhớ mãi giờ dạy của Giáo sư Martin. Sáng ấy, thầy Martin com lê, cà vạt chỉnh tề bước vào. Thầy ghi đầu bài lên bảng:

Les bienfaits de la colonnisation Francaise en Indodrine

(Những điều tốt về sự cai trị của Pháp ở Đông Dương).

Có nhiều tiếng xì xào. Giáo sư Martin đứng trước bảng, say sưa nói về công lao của Đại Pháp đối với Đông Dương: mở đường xe lửa, mở trường học, mở nhà thương... Tiếng rì rầm nổi lên ở phía cuối lớp học - nơi những anh lớn tuổi. Thầy nói tiếp về công lao Khai hóa, Bảo hộ. Tiếng rì rầm càng nhiều. Thầy ngạc nhiên:

- Sao các trò ồn vậy. Ta nói không đúng ư?

Thầy chỉ tay vào bạn Nguyễn Hữu An - con một thương gia người Hoa giàu có ở phố Bao Vinh, tính hiền lành như con gái.

- Theo ý trò, ta nói có đúng không?

An nhỏ nhẹ:

- Dạ, có phần đúng ạ.

- “Có phần đúng” như thế có nghĩa là có phần sai? Đúng chỗ nào? Sai chỗ nào?

- Dạ. Đúng là có việc tốt như mở đường xe lửa, có nhiều tàu buôn bán, mở trường Quốc Học.

Có tiếng học sinh nói to “Trường Quốc Học là do vua Thành Thái mở.” Khá thật! Lớp ồn ào hẳn lên. Mặt thầy Martin đỏ ửng:

- Võ Giáp. Trò là học sinh giỏi, trò có ý kiến gì không?

Cả lớp lặng im. Anh Giáp đứng dậy, lễ phép nói:

- Dạ. Thưa thầy. Trước khi trả lời, em muốn hỏi thầy một câu có được không ạ?

- Được. Trò cứ hỏi.

- Dạ. Thầy vừa cho biết Đại Pháp là một nước văn minh, luật pháp nghiêm. Vậy ở bên đó, những kẻ mang thuốc phiện bán bị phạt như thế nào?

- Nhà nước Đại Pháp cấm buôn bán thuốc phiện vì làm suy yếu chủng tộc Đại Pháp, ai chuyên chở từ 1kg hoặc mua bán sẽ bị tù từ một năm hoặc hơn.

Võ Giáp hăng hái:

- Dạ. Thế mà ở Việt Nam, nước Pháp lại mở hàng trăm đại lý độc quyền bán thuốc phiện, hàng nghìn đại lý độc quyền bán rượu...

Cả lớp xôn xao, thích chí. Mặt thầy Martin tái đi, Võ Giáp nói tiếp:

- Ở làng An Xá nghèo của trò tận ngoài Quảng Bình, quan bắt làng mua rượu của hàng Phôngten mỗi đinh mỗi tháng 1 lít. Dân không có tiền mua, ông lý trưởng bị đánh, bị dọa cách chức, phải bán ruộng để nạp tiền cho hãng. Thưa thầy. Như vậy có đúng là nước Pháp Bảo hộ và Khai hóa cho Đông Dương không ạ?

Hình như đã lấy lại bình tình, thầy Martin hỏi lại Võ Giáp:

- Thế theo trò, nước Pháp không làm được điều gì tốt cho Đông Dương sao?

- Dạ. Có ạ!

- Đó là điều gì?

- Dạ. Đó là mang đến những cuốn sách rất mới, rất hay về người Pháp xưa ạ.

- Trò thích cuốn nào?

- Dạ. Nhiều lắm. Như LoCid của nhà viết kịch Corneille, Những kẻ khốn nạn của Victo Hugo ạ.

Võ Giáp thấy đôi mắt phớt xanh của thầy như sáng thêm nhìn mình:

- Trong LoCid, trò thích nhất nhân vật nào?

- Dạ. Trò thích nhất Rodri dám chết để rửa nhục cho cha mình, dám đánh và đánh giỏi dẹp tan được giặc Mo mà cũng dám chết cho tình yêu.

- Trò thích “Những kẻ khốn nạn” ở điểm nào?

- Dạ. Trò kính phục người thợ xén cây Giăng Văn Giăng, biết hy sinh tất cả cho những người bất hạnh và...

Võ Giáp định nói thêm: “và thích nhất là Ăng Giôn rát dám vùng lên chống bọn quý tộc phản bội để bảo vệ thành quả của công xã Paris...” nhưng vội kìm lại. Nói thế sẽ bị cho là có tư tưởng phản loạn chống Đại Pháp.

Cả lớp nhốn nháo. Có bạn vỗ tay. Có tiếng kêu: Cừ lắm. Hoan hô. Võ Giáp nhìn lên bảng. Lạ thật. Thầy Martin tươi tỉnh, nheo mắt nhìn Võ Giáp. Hình như thầy ngạc nhiên. Nhìn đồng hồ, sắp hết giờ. Giáo sư bảo Võ Giáp ngồi xuống rồi nhìn khắp lớp:

- Hôm nay, chúng ta đã có một giờ học sôi nổi và bổ ích. Ý kiến của tôi và các trò có những điểm khác nhau. Nhưng không sao. Chúng ta sẽ suy nghĩ thêm. Điều tôi bằng lòng nhất ở các trò là...

Thầy lại nhìn cả lớp rồi dừng lại ở Võ Giáp.

- Các trò có cách suy nghĩ của riêng mình. Các trò cần phải luôn như thế. Chuyện đúng, sai là muôn vẻ, có điều đúng chỗ này mà lại sai nơi khác, đúng lúc này mà sau lại không đúng nữa. Điều cốt yếu nhất của các trò là luôn tìm cách lập luận, biết lập luận, biết phản bác để tìm được cái đúng nhất. Có vậy, khi bước vào đời đỡ sai lầm...

Nhớ lại điều đó, Bộ trưởng Giáp thầm nghĩ: mình rời khỏi trường lâu rồi, giáo sư Martin về Pháp lâu rồi, nhưng những điều thầy đã dạy nhất là phương pháp suy nghĩ độc lập, biết phản biện để tìm ra điều đúng nhất mà đỡ vấp ngã đã theo ông suốt đời mang đến cho ông nhiều thành công. Bài học tư duy đúng cùng bao bài học khác mình học được ở mái trường này.

Chợt từ dãy lầu bên trái một sĩ quan Tàu bước tới. Nhìn thấy là cờ đỏ sao vàng nhỏ cắm ở đầu xe, y dơ tay chào rồi quay gót. Vừa lúc một thanh niên từ dãy lầu phải bước tới, một chiếc băng đỏ quanh ống áo bên trái. Anh ta chưa kịp hỏi thì Bộ trưởng Giáp đã lên tiếng:

- Cậu có phải là học sinh Quốc Học không? Sao lại ở tại trường vào lúc này?

Nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng ở đầu xe, cạnh người hỏi mình là một quân nhân đeo súng sáu, anh ta nói:

- Dạ. Em là cựu học sinh Quốc Học. Bây giờ là quân số của Trường Thanh niên tiền tuyến chuẩn bị Nam tiến. Anh em còn ở trong đó chờ lệnh là lên đường.

- Thế trường Quốc Học có tiếp tục mở nữa không? Học ở đâu?

- Dạ. Đã chuyển vào Đại Nội. Lớp đặt ở nhà tả vu, hữu vu.

- Thầy nào hiệu trưởng? Giáo viên có những ai?

- Dạ. Thầy Phạm Đình Ái là hiệu trưởng. Có các thầy Ưng Quá, thầy Nguyễn Dương Đôn, thầy Nguyễn Thúc Hào.

À ra thế? Thầy Nguyễn Thúc Hào hồi đó học cùng một lớp với Võ Giáp sau ra Hà Nội rồi sang học ở Pháp giờ lại về trường giảng dạy. Các thầy khác cũng từ đây ra đi và nay cũng đã trở về. Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp bắt tay người chiến sĩ trẻ: “Chúc các đồng chí lập được nhiều chiến công”. Chiếc xe lại lăn bánh đưa đoàn của Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp về trụ sở của Ủy ban Hành chính Thừa Thiên Huế đang tạm đóng tại tòa Khâm sứ cũ.

*

Trong căn phòng đẹp và sang trọng, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đang nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo ở địa phương. Các đồng chí Trần Hữu Dực, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu và nhiều đồng chí ở thành phố Huế cũng đến dự. Giám đốc Sở Tuyên truyền Trung Bộ Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn) không lên ngồi ở những hàng ghế đầu, anh chọn một chỗ ở góc bên phải để nhìn, để nghe người bạn học cùng trường hai mươi năm về trước đang nói về tình hình đất nước, về nhiệm vụ sắp tới. Nhìn anh Bộ trưởng mới ba mươi lăm tuổi, gương mặt ngời sáng, chững chạc và điềm tĩnh, trình bày mạch lạc tình hình trong nước và quốc tế, ông Hải Triều lại nhớ anh học trò năm xưa: dáng nhỏ nhắn, rụt rè trong chiếc áo dài đen, quần bà ba trắng, chân đi guốc mộc nhưng đôi mắt mở to thông minh nhìn ai cũng như muốn hỏi điều gì. Võ Giáp học thật xuất sắc, nhiều tháng xếp thứ nhất, trên cả Nguyễn Thúc Hào - con của một vị Thượng thư người Xứ Nghệ, mình và các bạn rất quý. Càng quý hơn là Võ Giáp rất ghét Pháp nhưng cũng rất kín đáo, chín chắn trước tuổi. Tuy Võ Giáp học dưới hai lớp nhưng Võ Giáp đã sớm trở thành nhóm bạn tâm giao cùng Nguyễn Khoa Văn và Nguyễn Chí Diểu. Các sách báo tiến bộ, các tài liệu tuyên truyền chống thực dân mình có được đều cho hai người mượn hoặc gọi đến nhà cho đọc. Sau đám tang cụ Phan Chu Trinh, rồi từ khi cụ Phan Bội Châu về sống ở Bến Ngự, phong trào yêu nước lan mạnh khắp kinh đô - nhất là học sinh Quốc Học. Theo lệnh của chánh mật thám Trung Kỳ Leon Sogny, hiệu trưởng trường Bourotte ra lệnh cho giám thị và giáo viên phải kiểm soát học sinh chặt chẽ - nhất là những trò hay lui tới chỗ ông Phan Bội Châu. Sogny chỉ thị cho hiệu trưởng Bourotte: “Phải nghiêm khắc trừng phạt học sinh. Tất cả sôi lên từ khi ông già xứ Nghệ vào đây. Phải tìm cớ đuổi ngay những trò hay lui tới nơi ấy. Đó là mầm loạn. Phải dập lửa ngày khi vừa bén, nếu không nó sẽ bùng lên thiêu cháy tất cả chúng ta”. Tuân lệnh, Bourotte giao cho các giáo viên phải thật sự nghiêm khắc với những học sinh đó. Phạm Xuân Mai - người Quảng Nam, xuất sắc về môn toán ở gần nhà cụ Phan, bị đuổi vì “có bài làm giống bạn!” Thầy Võ Liêm Sơn đã gọi Võ Giáp và Nguyễn Chí Diểu lên dặn: “Ta biết hai trò học giỏi nhất nhì lớp nhưng cũng phải hết sức cẩn trọng.” Võ Giáp và Nguyễn Chí Diểu biết rất rõ điều đó nhưng vẫn cứ hay lui tới nhà cụ Phan. Cụ có sức hút kỳ lạ với hai người. Nguyễn Khoa Văn đã dặn hai người giữ gìn. “Tụi em sẽ hết sức cẩn thận. Chúng không thể có cớ để đuổi tụi em đâu.” Nào ngờ… ngày mồng 6 tháng 4 năm 1927 trong giờ thi Toán… Ở bàn trên Võ Giáp đã làm xong bài, ở bàn sau Nguyễn Chí Diểu đang viết dòng kết thúc. Mấy bạn quanh đó cặm cụi làm. Bỗng một giám thị từ ngoài đi thẳng vào chỗ Nguyễn Chí Diểu, giật bài:

- Đồ con lừa. Sao chép bài của người khác?

Quá bất ngờ, Nguyễn Chí Diểu đứng dậy:

- Thưa ngài, tôi không chép bài của ai cả. Xin ngài đối chiếu.

Viên giám thị xa xả:

- Đồ An Nam bẩn thỉu. Đã dối trá còn hỗn xược.

Võ Giáp không nhịn được, đứng lên:

- Yêu cầu ngài không được thóa mạ dân tộc tôi.

Tổng giám thị Hecte và Phó tổng giám thị người Việt đến. Nguyễn Chí Diểu bị đuổi ra khỏi phòng. Không thể để bạn bị oan ức, Võ Giáp đặt bài sang bên cạnh, viết đơn lên ngài hiệu trưởng. Đơn của Võ Giáp bị từ chối. Võ Giáp bàn với các bạn trong lớp rồi chạy sang lớp đệ tứ gặp Nguyễn Khoa Văn. “Chúng ta sẽ bãi khóa. Không thể để cho chúng ức hiếp mãi. Cậu về lo vận động các lớp đệ nhất, đệ nhị, miềng và Đào Đăng Vỹ lo các lớp đệ tam, đệ tứ.” Những mảnh giấy nhỏ được bí mật chuyền đi khắp các lớp.

Chiều hôm đó, 14 giờ... Nguyễn Khoa Văn nhớ như vậy. Tất cả học sinh xếp hàng trước sân trường. Giám thị huýt còi vào lớp. Đệ nhất A xếp hàng ở giữa. Võ Giáp bước ra khỏi hàng, hô to:

- Đả đảo người Pháp xúc phạm người Việt Nam. Không được đuổi học Nguyễn Chí Diểu. Anh em ơi. Chúng ta cùng nhau lên tòa Khâm kêu gọi với ngài Khâm sứ.

Ngòi nổ đã châm lửa. Các lớp đệ nhị A, đệ nhị B kéo nhau đi. Rồi Nguyễn Khoa Văn, Đào Đăng Vỹ cùng dẫn đầu hai lớp đệ tứ quay ra, ào ào đi tới phía cổng. Một số bạn ở lớp đệ tam cũng chạy theo. Cuộc bãi khóa bắt đầu. Sogny được tin, cho quân chốt chặt các ngã đường. Ngày hôm sau, cả học sinh Đồng Khánh rồi các trường Kỹ nghệ, trường Hậu bổ, trường Thuận Hóa cùng tham gia bãi khóa. Sông Hương nổi sóng. Cả Kinh đô Huế rùng rùng náo động. Cảnh sát dùng vòi rồng tấn công. Hàng chục học sinh bị bắt.

Sáng ngày mồng 8 tháng tư, trước cổng trường dán yết thị: Đuổi học 7 học sinh cầm đầu: Tôn Thất Hoạt, Nguyễn Khoa Văn, Đào Đăng Vỹ, Võ Giáp, Phan Bôi... Mặc! Phong trào bãi khóa vẫn tiếp tục. Hơn 80 học sinh bị đuổi. Riêng Quốc Học có đến 43 người. Cả thành phố Huế đứng lên giang tay che chở, nuôi nấng học sinh bãi khóa. Các trường Hà Nội, Sài Gòn cũng gửi điện , gửi tiền ủng hộ.

“Thật là những ngày sôi nổi tuyệt vời” - nhớ lại những ngày ấy, lắng nghe Bộ trưởng Giáp đang sôi nổi nói chuyện với các đồng chí, Hải Triều mỉm cười.

Cuộc họp kết thúc lúc 11 giờ. Đoàn Chính phủ còn có nhiều việc quan trọng phải làm, Hải Triều định đứng dậy về thì Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp bước tới:

- Chúng mình đi dạo một lúc được không?

- Được chớ! Chỉ sợ đồng chí Bộ trưởng mệt thôi.

Bộ trưởng Giáp nhìn vào mắt Hải Triều:

- Đừng gọi mình như thế. Chính phủ giao thì mình phải làm. Với Bộ trưởng Giáp, Nguyễn Khoa Văn bao giờ cũng là người anh thân thiết, người bạn chí tình - người đưa Võ Nguyên Giáp đến với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để ông có được ngày nay.

Hải Triều chợt nhớ: Ngày ấy, tháng ba năm 1927, mình đã gọi Võ Giáp và Nguyễn Chí Diểu đến nhà cho đọc Le Procès de la Calonisation Francaise (Bản án chế độ thực dân Pháp) của Nguyễn Ái Quốc. Cậu ấy vẫn nhớ điều đó.

- Chúng mình đi đâu? Hải Triều hỏi.

- Ra bờ sông. Bao năm rồi mình không được ngắm sông Hương.

Hai người dừng lại trên bến Văn Lâu.

Trăng hạ tuần vừa lên. Dòng sông Hương cuối đông lững lờ nửa sáng nửa tối, lãng đãng hơi sương, vừa như muốn phô ra vẻ đẹp dịu dàng mềm mại của mình vừa như e lệ muốn dấu mình lại nên trông càng quyến rũ.

Những chấm đèn nhỏ trên mấy chiếc thuyền xuôi dòng, vang lên tiếng hát những bài ca mới càng làm Võ Nguyên Giáp nhớ đến những ngày xưa. Gió lạnh mơn man trên mặt, trong đầu Võ Nguyên Giáp bỗng thức dậy tiếng hò ai oán thủa nào:

Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi ai câu, ai sầu, ai thảm?
Ai thương ai cảm, ai nhớ ai trông?
...

- Anh biết không. Nhiều đêm ở Thăng Long, nhất là những đêm ở Quảng Tây mình nhớ sông Hương đến nao lòng. Có đêm lạnh, nằm mơ nghe tiếng hò “Thuyền ai thấp thoáng bên sông/ Nghe câu mái đẩy chạnh lòng nước non...” mình giật mình tỉnh dậy. Nhìn ra: Ly giang trăng vàng giãi mênh mông! Lặng ngắt! Lòng mình như thắt lại.

Nghe giọng nói trầm đầy xúc động của Võ Nguyên Giáp, Hải Triều chợt nghĩ: trong lòng anh Bộ trưởng chắc đang có nhiều điều tâm sự lắm đây. Võ Nguyên Giáp hỏi:

- Nhà cụ Phan có còn nguyên vẹn không?

Nghe Bộ trưởng Giáp hỏi vậy, Hải Triều biết Võ Nguyên Giáp đang sống lại với bao kỷ niệm xưa giữa hai người.

- Nhà của Tiên sinh vẫn như xưa. Mình vẫn thường ghé lại đó.

- Cậu có nhớ buổi sáng xuân Đinh Mão 1927 cụ chúc tết chúng mình?

- Nhớ chứ. Làm sao mà quên được buổi đó.

Cả hai người lặng im giây lát như để hướng về những kỷ niệm qua. Sáng xuân ấy trời se lạnh. Tuy đến sớm nhưng trong nhà đã có bà Đạm Phương, cô Trần Thị Như Mân, chị Bội Lan, chị Thể Chi, cùng mấy cô và Nguyễn Khoa Văn. Có cả mấy bậc cao niên người Huế cùng bác sĩ Hoàng Hữu Nam. Sau khi xin phép mọi người, thầy Võ Liêm Sơn chắp tay kính cẩn nói:

- Kính thưa cụ. Hôm nay một số thầy trò trường Quốc Học đến đây xin bày tỏ sự ngưỡng mộ bậc chí sĩ anh hào, kính chúc cụ vẫn khang cường để bày vẽ cho lớp hậu sinh luôn tấn tới.

Thầy đọc bài thơ mừng thọ cụ vào tuổi sáu mươi. Giọng thầy trong mà âm vang:

Phan tiên sinh là người hào kiệt
Mười năm xưa đọc hết sách thánh hiền
Gặp cơn đất đổ trời nghiêng
Lòng mẫn thế ưu thời chan chứa
...

Mọi người lắng nghe. Quanh vườn, cây cối cũng đứng lặng. Gió xuân như ngừng thổi. Giọng thầy Võ Liêm Sơn càng về cuối càng hào hứng:

Hai mươi năm sinh tử lưu ly
Chí đồ nam vẫn chờ khi gió tiễn
Dẫu gan sắt ai lay chẳng chuyển


Võ Giáp thấy cụ Phan Bội Châu cũng xúc động lắm. Cụ cảm ơn thầy Võ Liêm Sơn và mọi người.

Khách đến càng lúc càng đông. Cụ Phan đứng dậy. Cụ muốn nói điều gì. Căn phòng bỗng trở nên chật chội. Cụ bước ra thềm. Mọi người ra đứng ở sân. Võ Giáp và Nguyễn Thúc Hào cố len vào đứng gần cụ để nghe cho rõ và nhìn cho kỹ. Trời xuân lành lạnh, nắng nhạt ửng vàng mái lá, chiếu sáng những cây cao trước cổng. Cụ đứng đó, dáng to cao, khoác chiếc áo cài khuy vải kiểu áo của người Hoa, tay cầm chiếc gậy mây song cong kiểu cán ô. Gương mặt cụ quắc thước với mái tóc dày, vầng trán rộng và dô, đôi tai to, đôi mắt sáng lên dưới đôi mày rậm. Dưới sống mũi cao và thẳng là đôi môi dày với đám râu quai nón dài. Bọn trẻ con nhìn cụ nói với nhau “Ông già ni mặt như Tây, bận áo Tàu mà nói tiếng miềng.” Cụ nhìn mọi người, nét mặt nghiêm nghị.

- Thưa quý thầy, quý cô và các anh, các chị…

Võ Giáp lắng nghe, tiếng Nghệ nặng mà vang như tiếng chuông đồng. Không hiểu sao mà mọi hôm thầy gọi đám học sinh đến là “các trò” “các cháu” mà hôm nay lại gọi các anh, các chị nhỉ?

- Châu tôi nay đã sáu chục năm trên đời, hơn hai mươi năm bôn ba hải hồ, tìm mọi cách lo cho nước nhà có chủ quyền nhưng rốt cuộc thất bại vẫn hoàn thất bại, tự thấy mình xấu hổ với cha ông lắm. Nay về đây được đồng bào thương yêu lấy làm cảm tạ lắm.

Cụ dừng lại. Võ Giáp nhìn thấy trên gương mặt cụ hiện lên những nét buồn. Mọi người lặng im, không dám thở mạnh chờ xem cụ nói gì thêm. Cụ đưa mắt nhìn mọi người. Cụ dừng lại giây lát nhìn vào Võ Giáp. Võ Giáp sướng rơn, chăm chăm nhìn. Cụ nói tiếp:

- Thế nhưng, thời thế nay đã khác trước, bên Pháp có ông Lư Thoa ( j.j Rousseau), ông Mạnh Đức Tư Cưu (Montesquieu) bên Nga có ông Liệt Ninh (Lê nin), dân Việt ta đâu cũng có những người mẹ, người cha yêu nước. Nhưng cụ Phan Chu Trinh đã mất rồi, lớp chúng tôi cũng già rồi, giờ chỉ trông vào lớp trẻ. Tết ni, tôi có bài thơ chúc tết thanh niên.

Đám đông thở phào nhẹ nhõm, cựa quậy. Cụ cất tiếng đọc. Mọi người lặng im. Võ Giáp đợi một lời chúc sẽ bắt đầu từ một cảnh xuân như các lời khai bút của các cụ ngày xưa. Nào ngờ, cụ đọc: “Dậy! Dậy! Dậy!” Mọi người ngạc nhiên.

Võ Giáp nhìn sang Nguyễn Thúc Hào, sang Nguyễn Chí Diểu, sang anh Văn - tất cả đang tròn xoe mắt nhìn cụ. Giọng cụ đượm buồn:

Xuân ơi xuân, xuân có biết cho chăng?
Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng
Hai mươi năm lẻ đã từng chua với xót
.

Cụ dừng lại. Đôi mắt nhìn về trước mặt như vào cõi xa xăm nào đó. Mọi người lặng đi. Không ngờ cụ lại nói về mình như vậy. Giọng thơ liên tiếp những “thẹn” những “buồn” những “tủi” với “sông” với “núi” với “trăng,” với giang sơn đất Việt. Sao người lại buồn quá làm vậy? Mọi người ngước nhìn cụ. Và kìa, thật bất ngờ, giọng Cụ bổng ngân vang, trân trọng:

Thưa các cô, các cậu lại các anh

Cụ không gọi “trò” không gọi “cháu”, không “bảo” mà lại “thưa”. Có nhầm lẫn gì chăng? Kìa cụ đã đọc tiếp:

Trời đã mới người càng nên đổi mới
Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội
Ghé vai vào xốc vác cựu giang sơn
Đi cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan
Giây đoàn thể quyết ghe phen thành nghiệp lại.


Võ Giáp nghe mà lòng háo hức theo từng từ “đi” “đứng” “trụ” tham gia đoàn thể. Hay quá! Mọi người như thấy mình có thêm sức mạnh. Đến mấy câu cuối thì tất cả như rạo rực hẳn lên:

Đúc gan sắt để dời non lấp bể
Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ
Mới thế này là mới hỡi chư quân
.

Cụ dừng lại giây lát. Mọi người nín thở chờ đợi. Giọng cụ vang lên đĩnh đạc:

- Chữ rằng: nhật nhật tân, hữu nhật tân

Cụ đứng im nhìn mọi người gương mặt xúc động. Trông cụ như trẻ lại, tràn đầy dũng khí. Cảm xúc của mọi người như vỡ oà ra. Có ai đó nói to “Hay quá!” Rồi có tiếng vỗ tay. Mọi người rào rào vỗ theo. Võ Giáp và Nguyễn Chí Diểu cũng hoan hỉ dơ đôi bàn tay lên vỗ mãi. Nguyễn Thúc Hào mỉm cười, rạng rỡ. Võ Giáp thấy mọi người đang nhìn nhau rồi tất cả nhìn về phía Cụ. Phan tiên sinh vẫn đứng đó, gương mặt sáng ngời, hồng hào như một pho tượng đồng vững chãi, sinh động. Võ Giáp chợt nhớ lời của nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc nói về cụ Phan: “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập.” Cụ là người nhà Trời phái xuống đây chăng? Một người nhà đưa chiếc ghế ra. Cụ ngồi xuống. Mọi người nhìn nhau. Chợt cụ lại đứng lên, nhìn mọi người, giọng trở nên tha thiết:

- Thưa đồng bào. Châu tôi may nhờ sự cứu giúp của đồng bào may thoát khỏi chốn lao lung, được về sống ở đây, ngày tết xa nhà lại được đồng bào đến thăm và chúc tết, lòng thật cảm kích. Thế nhưng suy cho cùng Châu tôi vẫn là thân phận tên tù.

Cụ dừng lại. Mọi người thấy xót xa.

- Mà suy cho cùng tất cả đồng bào ở đây, tất cả đồng bào ở ngoài kia, cả hai mươi lăm triệu đồng bào ở trên đất nước Việt không bị giam trong tù mà thực ra cũng là thân tù!

Mọi người lặng đi! Giọng cụ như trầm xuống. Cụ nói về thân phận nô lệ đủ đường và bao nhiêu nỗi khổ đau của người dân Việt.

- Họa diệt chủng đã sờ sờ ra đó. Không có lẽ con cháu Lạc Hồng, con cháu của bà Trưng bà Triệu, của Lê Lợi, Quang Trung lại cam chịu nô lệ mãi ru??...

Võ Giáp nhìn ra xung quanh: mọi người tay nắm chặt, mắt nhìn nhau, ngời sáng…

- Từ buổi ấy đời mình đổi khác - Võ Nguyên Giáp cất tiếng nói với Hải Triều. Ngay sau này, có những lúc nản lòng, nghĩ đến buổi đó, mình lại cố sức vượt lên.

Trăng hạ tuần đã chiếu sáng mặt sông. Có tiếng hát vang vang từ bến. Hải Triều biết đêm đã khuya, ngày mai Võ Nguyên Giáp nhiều việc định bảo bạn ra về, bỗng Võ Nguyên Giáp hỏi:

- Dạo này mạ có khỏe không?

- Mạ vẫn khỏe, vẫn hăng hái tham gia công tác phụ nữ, vẫn nhắc cậu luôn.

- Nhờ anh thưa với mạ Giáp có lời xin lỗi. Lần này việc gấp quá không đến vấn an sức khỏe mạ được. Giáp ơn mạ nhiều lắm.

- Sao anh lại nghĩ vậy?

Võ Nguyên Giáp nhìn ra mặt sông. Trăng lên cao. Mặt sông như sáng hơn. Có nhiều con thuyền chở đầy hàng cập bến phía dưới nhà ga. Chắc là lương thực và đồ quân dụng chuyển vào cho mặt trận phía Nam. Võ Nguyên Giáp không trả lời mà hỏi lại:

- Anh có nhớ hình ảnh má lúc ở Đàn Nam Giao trong lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh không?

Hải Triều mỉm cười, quay sang nhìn bạn. Võ Nguyên Giáp đang sống trong hoài niệm.

- Hồi đó, anh Giáp mới vào học đệ nhất A?

- Đúng vậy. Hôm đó, rất nhiều người kéo về Đàn Nam Giao làm lễ truy điệu chí sĩ Phan Chu Trinh vừa mất. Dưới rừng thông, đông nghịt người, đầy cảnh sát và mật thám, mình quá ngạc nhiên thấy mạ đài các, đàng hoàng xuất hiện trên lễ đài.

Câu nói của Võ Nguyên Giáp làm cho Hải Triều như sống lại ngày ấy. Một sáng hè nắng vàng kinh thành. Bất chấp sự ngăn cấm và dọa dẫm của chính quyền, đông đáo nhân sĩ, trí thức, công chức các công sở, học sinh các trường và cả dân chúng hội về rừng thông cạnh Đàn Nam Giao làm lễ truy điệu cụ Phan, bày tỏ lòng ngưỡng mộ. Nhiều người lên nói về công lao, khí phách của nhà yêu nước. Bỗng một người trong Ban tổ chức đứng lên trịnh trọng nói:

- Kính thưa đồng bào. Cụ Phan Bội Châu có soạn một bài điếu văn viếng chí sĩ Phan Tây Hồ. Thế nhưng, do tình hình sức khỏe, Cụ đã ủy quyền cho bà Đạm Phương nữ sử thay mình đọc bài văn đó.

Tiếng vỗ tay rần rần. Bà Đạm Phương người dỏng dỏng cao với tấm áo dài màu huyết dụ, đàng hoàng bước lên diễn đàn. Lạ quá! Chưa bao giờ thấy phụ nữ diễn thuyết trước đám đông, Võ Giáp ngước mắt, chăm chú nhìn. Gương mặt bà sáng sủa, vầng trán rộng, mái tóc đen rẽ đường ngôi ở giữa, tai dài như tai Phật, bà cất tiếng nói. Một giọng đặc chất Huế điềm đạm mà trong trẻo. Sau vài lời nói về hoạt động của Phan tiên sinh, bà cất tiếng đọc điếu văn của cụ Phan Bội Châu ủy quyền. Võ Giáp và mọi người như bị cuốn hút vào từng câu từng chữ. Giọng bà như nghẹn ngào:

Vẫn biết tinh thần di tạo hóa, sống là còn mà thác cũng như còn
Chỉ vì thời thế khuất anh hùng, xưa đã rủi nay càng thêm rủi
Lấy ai đâu nối gót nghìn thu,
Vậy ta phải kêu người chín suối!


Thế nhưng đến đoạn nói về hoạt động của cụ Phan, giọng bà rắn ròi, mạnh mẽ:

Ba tấc lưỡi mà gươm mà súng, nhà cường quyền trổng gió cũng gai ghê
Một ngòi lông vừa trống vừa chiêng, cửa dân chủ khêu đèn thêm sáng chói.


Đến lúc nói về những năm cụ Phan bị đày ra Côn Đảo cùng cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Ngô Đức Kế, cụ Đặng Nguyên Cẩn, giọng bà thiết tha, cả hàng mấy trăm người chăm chú lắng nghe, Võ Giáp như cảm được cốt cách của các nhà khoa bảng yêu nước:

Thân, Dậu, Tuất bấy nhiêu năm tân khổ, khi đào cây, khi lượm đá, giữa bể trần gió bụi vẫn ung dung.
Đặng, Hoàng, Ngô ba bốn bác hàn huyên, khi uống rượu, khi ngâm thơ, ngoài cửa ngục lần than và khảng khái.


Và lạ thay, thường cuối bài văn tế, người nghe thường nghĩ về người chết với bao nỗi buồn thương nhưng ở đây, qua giọng đọc vừa ngậm ngùi mà vẫn cứng cỏi mọi người như náo nức hẳn lên.

Nghìn vàng khôn chuộc được anh hào, tấc dạ dám thề cùng sông núi.
Trước đã giỏi mà sau thêm giỏi nữa, dấu cộng hòa xin rán sức theo đòi
Thác còn thiêng mà sống phải thiêng hơn, thang độc lập quyết ra tay vin với


Lễ đã thành mà mọi người vẫn còn nán lại từng nhóm từng nhóm tản vào rừng thông Nam Giao, đi về trên các con đường, bàn luận về cụ Phan, về thời cuộc, lòng đầy phấn chấn. Võ Giáp hỏi Nguyễn Chí Diểu:

- Bà Đạm Phương là ai vậy?

- Cháu nội vua Minh Mệnh đó.

- Trời! Cháu nội vua mà cũng gan góc rứa ư?

Vừa lúc qua một hàng nước, hai người khát khô cả cố. Võ Giáp níu Nguyễn Chí Diểu đứng lại nhưng cả hai đều không có tiền. Tình cờ, bà bán nước nhìn thấy, bèn gọi:

- Hai cháu vào đây uống nước. Bà không lấy tiền mô. Còn nhỏ rứa mà biết đi theo những người yêu nước là giỏi lắm.

Kể cho Hải Triều nghe những điều đó, giọng Võ Nguyên Giáp sôi nổi:

- Thật hồi đó, cả thành Huế trên mỗi phố, trên các ngã đường, tận làng quê, trong mỗi nhà, đâu đâu cũng nói đến cụ Phan Chu Trinh, cụ Phan Bội Châu, đều ghét Tây mong cho nước nhà Độc lập.

Dừng lại một lát, nhìn sông Hương đã vào khuya mà thuyền bè vẫn xuôi ngược, Võ Nguyên Giáp nói với Hải Triều mà như nói với mình:

- Cậu biết không? Những ngày ở quê, rồi cả sau này khi ra Bắc, thường được nghe, được giảng: bọn quan lại là tay sai của thực dân, phong kiến, con nhà giàu - nhất là phụ nữ chỉ biết đua đòi ăn diện, trí thứ tiểu tư sản bấp bênh, chỉ có công nhân và nông dân mới hăng hái làm cách mạng. Mình cũng tin thế. Nhưng rồi vào Huế, gặp mạ, gặp nhiều người, trải qua bao việc, mình hiểu ra: không chỉ có thế. Dân Việt Nam mình ai cũng có lòng nồng nàn yêu nước. Mình ơn mạ, ơn nhân dân Huế là vì vậy. Sau này, mình sống ở nhiều nơi, gặp đủ mọi giai tầng, mình càng hiểu điều đó. Thế nhưng, đối với mình: Huế là nơi sớm cho mình biết thêm những bài học quan trọng nhất của cuộc đời.

N.T.Q  
(TCSH362/04-2019)




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Trăng và Quỳnh (09/05/2019)