Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-19)
Lão Sáu nhị tỳ
09:40 | 10/05/2019

TRẦN BẢO ĐỊNH  

1.
Lão ngồi tựa lưng ngôi mộ cổ dưới tán lá cây me đại thụ, mắt lim dim. Buổi trưa, giồng Tân Hiệp buồn thiu theo từng cơn oi bức của cái nóng hầm hập nắng cuối mùa.

Lão Sáu nhị tỳ
Minh họa: Nhím

Trời gầm gừ chớp giựt, như thể chuyển dạ đổ mưa. Mưa chưa thấy đổ đã thấy có người ngủm củ tỏi(1) vì sét đánh.

- Ông Sáu! Buồn vậy, ông Sáu?

Trùm Nọc hỏi.

Giả điếc, lão không nghe. Trùm Nọc tưởng lão điếc đặc, kề tai nói lớn; nhướng mắt, lão nói nhát gừng:

- Mắc mớ gì buồn, chú em!

Lý là, lão đang mơ màng thương cội nhớ nguồn nên không muốn ai quấy rầy. Vậy thôi!

Gò Me nằm trên giồng Tân Hiệp, và giồng Tân Hiệp thuộc đất Ba Giồng - vùng đất từng là lãnh địa của quân Đông Sơn dưới quyền thống lãnh Đỗ Thanh Nhơn, vùng đất xương trắng máu đào giữa hai thế lực Tây Sơn - Nguyễn Ánh. Gò Me phía Tây, ga xe lửa Tân Hiệp phía Đông; đối diện và cách nhau bởi con lộ Đông Dương(2). Dân nghèo tứ xứ tụ về ga xe lửa kiếm sống và họ, cất chòi dựng lều trên đất Gò Me ở tạm qua ngày.

Giồng Tân Hiệp vốn xưa kia là đất Trấn Định, từ những năm trước và sau năm Canh Thìn (1700) đã có những tín hữu Kitô rời Phú Yên đến sinh sống nơi đây (Tân Lý Đông) và khi chết, chôn đất thánh họ đạo; có những mộ chí ghi năm 1663 hoặc 1664. Gò Me, vốn là nhị tỳ chôn dân bổn xứ hay dân ngụ cư hoặc khách lữ.

“Buổi đầu, ít người tới ở nên tụm lại thành nhúm, nhiều nhúm thành nhóm, nhiều nhóm thành xóm - Xóm Gò Me”! Có người nói vậy, chẳng biết đúng sai nhưng ai nấy thảy đều tin, vì nghĩ cũng có lý. Đôi khi, cũng có người cắc cớ hỏi: “Nhị tỳ thì ở Gò Me, còn nhứt tỳ thì ở đâu?” Chẳng nghe ai trả lời trả vốn, chỉ một mình lão nói phong long nửa chơi nửa thiệt:

- Nhứt tỳ ở đùi ái phi chớ ở đâu! Tỳ đầu vào đùi ái phi uống rượu, và lỏ con mắt coi mỹ nữ ca múa thâu đêm... Hết nhứt tỳ, thì xuống nhị tỳ!

Những lúc vậy, lão trở nên lanh lẹ và rất tếu táo, hóm hỉnh.

- Nhị tỳ là nghĩa địa, hui nhị tỳ là chết... đó mà!

Thiệt ra, phải nói cạn tàu ráo máng rằng: “Gốc gác lão ở đâu, người xóm Gò Me chẳng ai huỡn tìm hiểu. Lão từ phương trời nào trôi dạt tới, người xóm Gò Me bất cần biết... mà cần biết để làm gì? Từng mảnh đời đều có góc khuất thân phận”. Trùm Nọc kết bạn vong niên với lão, bởi lão thích chữ Nọc được ủ tiếng Trùm. Lão thường bênh vực Trùm Nọc với mấy bà sồn sồn trong xóm: - Tên gọi xấu hái, bổn tánh hiền lành là đạt chuẩn ở đời!

Bà Chín mạnh miệng cãi lại:

- Trùm Nọc bổn tánh hiền thì có hiền, còn lành thì cần phải coi lại!

Rồi, bà dợm kể ra mấy chuyện... Lão vội nhảy xổm vô khỏa lấp:

- Lành, rách thì cũng như nhau. Mấy bà cứ giỏi tò mò tọc mạch!

Rồi, cả đám cười ngất!

Đực Cồ, là tên cúng cơm của Trùm Nọc.

Vốn dân chơi Cầu Ba Cẳng(3), nghe nói, thời Sài Gòn còn là Đô thành, Đực Cồ từng đăng ký nhiều sắc lính để lấy tiền thưởng đầu quân giúp đỡ những người anh em giang hồ vướng vòng lao lý. Về sau, Đực Cồ đào ngũ và bị bắt, bị đẩy ra chiến trường làm Lao công đào binh. Bỏ trốn, Đực Cồ không quay lại chốn giang hồ và cũng không dám trở về quê, bèn tấp vô xóm nhị tỳ Gò Me lánh thân. Lý do đơn giản là, người và ma sống lẫn lộn nên làng lính hầu như không dám bén mảng tới rình mò bắt lính. Chẳng biết họ sợ ma hay người, hay sợ cả hai?

Trăng nhị tỳ lạnh lẽo và hình như, Hằng Nga rải tóc sưởi ấm những nấm mồ xiêu phách lạc nơi nghĩa địa Gò Me. Nhấp nhô mồ cao mả thấp nhòe nhoẹt hơi sương, bất giác Đực Cồ thương ba nhớ má và ngửa mặt hỏi trời: “Bao giờ quê hương tôi, thôi chiến tranh?” Đêm đêm, Đực Cồ và bà con xóm nhị tỳ Gò Me, ai nấy đều nguyện cầu đất nước Hòa Bình!

Trải qua nhiều nghề, nghề nào cũng khiến Đực Cồ lên bờ xuống ruộng và rốt cuộc, cũng chỉ là “đen chưn trắng tay”!

- Đâu, bây nuôi heo nọc, thử coi!

Bà Chín xúi Đực Cồ.

- Cụt vốn rồi, chị Chín ơi!

- Cụt vốn thì chị cho mượn! Đừng cụt chí thú mần ăn thì chẳng có ma nào cho cậu mượn được…

Trước và nhất là ngày hòa bình, Đực Cồ nổi tiếng về nuôi heo nọc giống nhảy đực - nổi tiếng tới độ, cái nghề thành danh xưng cái tên Trùm Nọc! Mà cũng phải, Trùm Nọc thường khoe: “Một con heo nọc giống, mỗi năm có thể truyền những thông tin di truyền cho hàng ngàn thế hệ sau. Ngược lại, một con heo nái tốt chỉ có thể truyền cho khoảng bốn, năm mươi heo con”.

Trùm Nọc tiếp:

- Hồi nọc nhà bị buộc vô nọc quốc doanh, tổ trưởng chăn nuôi trực tiếp phát triển đàn heo vì mắc bệnh thành tích, ép nọc nhà ngày nào cũng phối giống và tuần lễ sau đó nọc nhà suy kiệt, lết chớ đi đứng không vững.

Trùm Nọc giải thích: “Tùy lứa tuổi, thể trạng mà nọc giống phối giống tuần một đôi lần, rồi nâng dần lên, tuần có thể đôi ba lần”.

Trùm Nọc tâm tư:

- Không có chị Chín, chắc gì thằng Trùm Nọc nầy nuôi heo nọc giống và thành danh.

- Nói nào ngay, hồi nẳm, vợ cậu Trùm Nọc nghe ba hụt bốn trớt, tưởng hợp tác xã bắt chồng vô quốc doanh nên mợ Trùm quậy một trận tới bến... để tiếng đời: đàn bà xóm nhị tỳ Gò Me dễ có mấy ai?

Bà Chín cười tủm tỉm, cái tủm tỉm của dân cùng đinh ở vào buổi xã hội giao thời.

2.

Chạng vạng, bóng tối ngoi lên từ đất, phủ khuất dần từng nấm mồ giữa tiếng nhạc đồng quê do côn trùng hòa tấu. Đứa bé gái áng chừng chưa tròn mười tuổi, chạy hớt hơ hớt hải đâm sầm vô người lão. Đang đi, lão đứng khựng lại, và nghĩ: Chắc là nó sợ ma!?

- Nầy cháu! Chạy đâu mà tăm hơ tăm hớt vậy?

- Dạ! Con đi mua gạo, chạy về nhà!

- Nhà cháu ở đâu?

Lão dụi mắt, chăm chú ngó theo hướng tay chỉ của bé gái.

- Ông ơi! Nhà của má con ở đó... đó!

Một mái chòi nằm lẩn dưới tán cây bên mép rìa nghĩa địa.

- Đâu, con đưa cái bịch cho ông coi!

Cầm cái bịch nhẹ tênh độ một ký lô gạo, tự dưng lão chạnh lòng và chợt hiểu: “Bé gái chạy rút về nhà để má kịp nấu cơm, chớ đã ở chung với người chết thì còn sợ ma cái nỗi gì!” Ánh mắt bé gái lấm la lấm lét vì sợ ông cụ bắt lỗi bắt phải. Xoa đầu bé gái, lão cười nụ cười hiền khô:

- Thôi về đi cháu! Nhớ chạy cẩn thận!

Tiếng chim cú kêu tiếng kêu buồn.

Im lặng, lão ngồi uống trà đêm cùng người anh em bạn buổi hàn vi.

- Chú Sáu! Có chi mà tư lự?

Cụ Tám hỏi thăm dò.

- Cái chòi ở mép rìa là của ai vậy, anh Tám?

- Là của mấy má con cô Năm Chóp!

Bất ngờ, cụ Tám hỏi vặn lại lão:

- Mà chú hỏi làm chi?

- Tui muốn nhờ anh mua giúp giạ gạo, gởi tặng má con cô Năm Chóp.

Lão học lại chuyện ban chiều lúc tình cờ gặp đứa bé gái, cụ Tám trầm ngâm kể lại lai lịch của chủ nhân cái chòi. Kết thúc chuyện, cụ Tám nói:

- Tuy nghèo dưới mức nghèo, nhưng cô Năm sống không hèn, cho dù một nách phải nuôi bầy con mồ côi cha. Hằng ngày cô đi bán vé số dạo quanh vùng và hễ có dịp ai mướn mần gì thì mần đó, chẳng ngại nhọc nhằn mưa nắng.

- Hòa bình lâu rồi mà người sống dưới mức nghèo sao còn nhiều hơn cả cái thời chiến tranh?

Chẳng rõ lão hỏi cụ Tám hay tự hỏi chính mình. Cụ Tám nói khống không:

- Hòa bình đâu có nghĩa là… tự nhiên dân sẽ no cơm ấm áo, sẽ lấp dần hố ngăn cách nghèo - giàu... (!)

Đêm càng khuya, tình đồng môn Collège de Mytho (Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho) càng sâu. Lão ngồi chống cằm lên bàn tay đời từng vinh quang và ô nhục, từng rây máu và rắc hoa... Rồi, tất cả chỉ còn lại vết bụi mờ trong ký ức. Lão nhớ tuổi thơ êm đềm bên dòng sông Gầm bốn mùa trăng thanh gió mát. Lão bồi hồi nhớ má - người má hồn hậu mà nghiêm khắc - luôn dạy con phải biết sống theo người xưa: “Tiền tài như phấn thổ/ Nhơn nghĩa tợ thiên kim”, và trên hết, dù cảnh ngộ nào cũng không được coi thường nghĩa khí! Chẳng tự dưng mà lão mò tới Gò Me ở cái tuổi ngoài tám mươi, chờ chết mà chưa chịu chết! Số là, lão ghiền gặp bạn cố tri nên bỏ nhà đi lang thang kiếm tìm. Thường thì, lão tới nhà cụ Tám ở chơi mươi ngày hoặc có khi hàng tháng. Lần hồi, xóm nhị tỳ coi lão như người thân đi xa trở về, chẳng ai bỏ công soi mói quá khứ ông lão “gần đất xa trời”.

- Cụ Tám ơi! Có trong nhà không, cụ Tám?

Không tiếng trả lời, Trùm Nọc dợm bụm đôi bàn tay làm loa miệng gọi tiếp.

- Gì đó Trùm? Chú em mở cổng vô chơi!

Lão Sáu chống gậy ở hàng ba, thay lời cụ Tám nói vọng ra.

- Sao? Dạo nầy đi bỏ nọc khá hôn, chú em!

- Khá cái con khỉ gì ông Sáu! Xém gây lộn như giặc thì có!Trùm Nọc nói giọng bực tức, Lão Sáu cười:

“Chuyện đâu còn có đó, hấp tấp không khéo nấu cơm nếp hồi chẳng kịp”!

- Có mầy ở trỏng không, Trùm Nọc?

- Gì nữa đây, chị Chín!

Bà Chín bươn bả bước vô sân. Con mực nằm ở ngạch cửa, chẳng sủa ai, chỉ sủa mỗi bà Chín.

- Mực! Mực, thôi bỏ đi con!

Cụ Tám rầy con mực, rồi tình thiệt cầm giữ bà Chín:

- Không mấy khi, mời thím ăn lót dạ luôn thể!

Thằng cháu cụ Tám từ nhà dưới bước lên nhà trên, khệ nệ bưng nồi cháo cá, rau đắng đất mọc hoang nơi mồ hoang nghĩa địa. Cháo nóng bốc khói, Trùm Nọc sức trung niên húp cháo rột rẹt khiến mọi người vui tai. Bà Chín vừa múc cháo vừa phân bua:

- Thuở đời nay, con Năm Chóp ở xóm nhị tỳ nầy, ai không biết nó: “Nghèo sạt xương hông/ Nghèo không gạo nấu/ Nghèo thấu Ngọc Hoàng/ Nghèo tàn, nghèo mạt/ Nghèo khạc ra tro/ Nghèo ho ra máu...”(4). Vậy mà, cậy cậu Trùm bỏ nọc con nái nhà tui để tui cho Năm Chóp mượn nái nuôi đẻ. Cậu Trùm cứ hẹn lần hẹn lữa... hứa lèo!”

Bà quay qua cụ Tám, Lão Sáu:

- Hỏi hai anh coi có tức không?

- Không phải vậy đâu, chị!

Trùm Nọc cãi chính.

- Phải, không gì nữa? Chuyện rành rành ra đó, cậu cứ cố cãi chầy cãi cối!

- Thì, chị Chín cứ để cho Trùm Nọc nói nghe sao cái đã!

Cụ Tám thọc vô, can ra.

Trùm Nọc chậm rãi nói:

- Cái buổi ban sơ của cái đầu đời, nó khắc dấu sự dạn dĩ hay nhút nhát mãi về sau...

- Thọc thẳng chuyện, cậu mải đi đường huờn hoài ai chịu nổi!

- Gấp gáp chi, chị Chín!

Trùm Nọc nói tiếp: “Nọc giống lần đầu nhảy đực phải được nhảy con nái nhỏ hơn, tánh nết hiền lành và già dặn kinh nghiệm; nếu không, nọc giống sẽ hoảng sợ. Nghiệt nỗi, nái nhà chị thuộc loại nái xề, lớn xác, tánh khí dữ dằn...; những lúc đi rong, nó hay ủi mấy cái mả đất thấp tanh bành té bẹ!”

Bà Chín nín thinh, ngồi nghe. Trùm Nọc sẵn trớn giãi bày:

- Chị dám giao nái cho cô Năm mượn, tui chỉ ra công bỏ nọc; vậy không lẽ, thằng Trùm vai u thịt bắp từ chối!? Chẳng qua, tui đang nuôi thúc đực giống cho giò cẳng được cứng cáp thêm chút nữa, rồi hẵng tính. Hễ bỏ nọc là đậu thai!

- Giờ thì tui mớí rõ, giận cậu thiệt lãng xẹt!

Bà Chín cười giả lả.

Vắt áo lên vai, Trùm Nọc ra về trước vì bận lo bữa ăn đực giống.

- Thím Chín! Tui tính nhờ thím một chuyện…

- Chuyện gì, anh Sáu cứ nói!

Lão Sáu tằng hắng:

- Nhờ thím dẫn tui qua chòi, thăm mấy má con cô Năm.

- Tưởng nhờ chuyện gì chớ chuyện nầy có gì anh phải nhờ!

Như sực nhớ điều chi, Bà Chín nói nhát gừng: “Bận đi bán vé số, giờ nầy chắc cô Năm không có ở chòi”. Chẳng muốn giấu bà Chín, Lão Sáu nói huỵch toẹt:

- Tới thăm tụi nhỏ, tui gởi ít tiền sửa căn chòi lại, mùa mưa sắp đến rồi!

3.

Đêm tha phương, lão bấm lóng tay đếm thời gian thắm da đỏ thịt, và thời gian cắt cứa tâm hồn vỡ ra từng mảnh vụn bi hài. Lão thao thức, tự hỏi: “Tám mươi lăm cái Xuân xanh, sao vẫn chưa tới Đông tàn úa!? Hít thở khí trời chi nhiều vậy?” Bạn bè và người thân yêu đã lần lượt bỏ lão ra đi. Lão cố quên lão, mà thiệt ra, lão có gì để đáng nhớ trong cõi trần ai tà chánh bất minh? Sương nhị tỳ, khác hẳn hằng hà sa số sương mà lão từng gặp trên bước đường chiến tranh và hòa bình; nó không vẩn đục, đầm đầm hơi lạnh quến chặt cái lẻo âm thịnh dương suy... Đêm tha phương, lão trằn trọc nhớ nhà và rồi, lão sợ chia lìa trong căn nhà có một thời sum hợp, lão sợ cô đơn trong căn nhà từng có một thời nồng ấm! Lão buông cái tôi nhưng vẫn vướng lại cái đời và với lão, lão chẳng biết nên vui hay buồn!?

- Nầy, anh Tám! Tui cười Trời bằng tiếng cười tui, không vay mượn Đất!

Lão nói giọng khề khà như trốt gió cuốn lá me rụng rề rà trên lối mòn nghĩa địa.

Cụ Tám hiểu người bạn già từ thời trai tráng, không thể sống có dương mà thiếu âm; âm dương là đạo lý. Nghe cụ Tám tâm tình, lão mừng rơn trong bụng, thốt lên: “Nhứt âm nhứt dương chi vị đạo” (Kinh Dịch). Rồi, đôi bạn già - mấy đứa nhỏ trong xóm gọi là “già khú đế” - cùng ngó nhau cười. Hiểu Lão Sáu, không ai bì cụ Tám và tâm tư Lão Sáu ra sao, thì cụ Tám đi guốc trong bụng. Cụ Tám thương bạn, thương cả những điều nghịch ý mình và cả hai, không biết ai sẽ tiễn ai đi trước? Cụ Tám mở lời chẳng khác gì mở lòng cho bạn thôi ngại ngùng tỏ tình với người ta. Cụ nói: “Trời nuôi người bằng ngũ khí, đất nuôi người bằng ngũ vị; nghĩa là: gió - nắng - ẩm - khô - lạnh, năng lượng từ vũ trụ tự nhiên ban tặng con người hấp thụ sống. Trong lúc đó: chua - đắng - mặn - ngọt - cay, tạo điều kiện ắt có và đủ nuôi dưỡng sinh lý con người”.

- Anh Tám! Ý anh muốn nói...

- Tui muốn nói: “Âm khí nội hóa, dương khí ngoại vi”, đó mà!

Biết bạn mình là kẻ sĩ “dụng tắc hành, xử tắc tàng”, và cũng đã từng xuất thân ở chốn quan trường... Cụ Tám nói luôn: “Trái tim còn rung động là trái tim còn yêu thương và hẳn nhiên, còn vay nợ người. Sao tự dối mình, dửng dưng không trả?”

Nói thì nói vậy, chớ thiệt ra, từ độ nửa năm nay, cụ Tám và bà Chín đã đem tâm tình của Lão Sáu rỉ rả mùi mẩn bên tai cô Năm Chóp. Trong tuyệt cùng hiu quạnh, người thiếu phụ chưa tới tuổi “Tri thiên mệnh” bắt đầu thổn thức và tình yêu hình như bật dậy, một thứ tình yêu vượt qua tuổi tác bằng đạo lý âm dương!

Căn chòi cũ dột nát ngày nào được thay bằng căn nhà mới lành lặn, đủ sức che mưa nắng người mẹ và bầy con. Bữa cơm chiều, không còn cảnh bầy con chao vao chờ mẹ đem tiền lời bán vé số về đong gạo. Lão hạnh phúc hơn má con cô Năm, vì lão biết cho đi...

Dù có “nhà cao cửa rộng”, Lão Sáu vẫn bám miết nơi nhị tỳ Gò Me. Hỏi ra mới biết, lão không thể nào xa cô Năm và tụi sắp nhỏ. “Tiếng sét ái tình chăng?”, nhiều lần lão tự cật vấn. Rằm tháng Giêng năm đó, lão đưa cô Năm về ở chơi nhà lão ở ngoại thành Sài Gòn; cái nhà đồ sộ bao quanh bởi khu vườn rộng rải, bốn mùa bông trái. Cô Năm ngập ngừng không dám bước chân lên bực thềm cao vì cả đời, cô chưa được bước. Đêm chao vao, cô Năm thao thức, trằn trọc mất ngủ và có cảm giác tù túng, giam mình nơi bốn bức tường ngộp thở. Buồn vời vợi, cô Năm nhớ căn chòi, nhớ nhị tỳ, nhớ xóm gò Me... và nhớ đủ thứ nhớ! Lão dỗ dề: “Hay là em và tụi nhỏ về nhà qua sanh sống cho đỡ vất vả!”

Cô Năm thiệt thà, thưa:

- Nhà của anh sang trọng quá, nền gạch trơn láng in cả bóng dáng em; nhưng sang mà xa, trọng mà lạ và nó hoàn toàn không thích hợp với em.

Rồi, cô nói dứt khoát:

- Thương nhau, em rửa đít nhưng không bợ đít anh!

Lão bất ngờ trước lời nói của người đàn bà ít chữ và lam lũ sống.

Ở mấy ngày nhà của lão, cô Năm cứ nằng nặc: “Xin anh cho em trở lại nơi em đã gởi gắm đời em!” Trong bữa cơm chiều, cô thỏ thẻ:

- Tụi nhỏ mến anh vì ân tình, em thương anh bởi nghĩa khí. Căn nhà cất trên đất nhị tỳ là của anh, của em và của chúng mình. Em và bầy con, không dám nghĩ tới tài sản, nhà cửa của anh. Xin anh hiểu cho!

Ngày vui duyên mới, mừng nhà mới; bà Chín uống cạn chung rượu, ngẫm suy: “Không lẽ chúc cô dâu tuổi xấp xỉ năm mươi, chàng rể đã tám mươi lăm cái xuân xanh bằng câu sáo mòn Bách niên giai lão? Thôi thì, chúc “Sớm hôm mãi mãi có nhau”! Rồi, bà nói thêm: “Dân gian Gò Me có câu: Tu trăm năm mới được ngồi chung chuyến thuyền, tu ngàn năm mới được cùng chung chăn gối”.

Hôm đó, Trùm Nọc say quắc cần câu, nhưng không phải đụng đâu nói đó, nó vẫn tỉnh trong cơn say. Trùm ngâm nga: “Chồng già vợ trẻ là tiên” nơi nhị tỳ xóm Gò Me! Và, bây giờ Trùm mới hiểu ra lời Lão Sáu nói trước đây với Trùm: “Khi đàn ông đưa cho phụ nữ tinh trùng, họ sẽ tạo ra một em bé. Khi bạn đưa cho họ một căn nhà, họ sẽ tạo ra tổ ấm và nếu, bạn tặng họ những nụ cười, họ sẽ tặng bạn trái tim yêu…”(5). Trùm vỗ đùi, cười khanh khách và la toáng lên: “Tuyệt! Lão Sáu tuyệt vời!”. Mọi người ngơ ngác, chẳng hiểu Trùm Nọc cười và nói gì?

Mười năm trôi qua...

Lão Sáu chơi với ma, và lão đón nhận rất nhiều tân binh ma tình nguyện gia nhập binh đoàn ma nhị tỳ Gò Me; nhiều đến đỗi lão chóng mặt, đi đứng không còn được vững như xưa. Mắt ráo hoảnh - ráo hoảnh tới độ lão không còn hạt nước mắt nào để đưa tiễn cụ Tám, bà Chín và Trùm Nọc tranh nhau xếp hàng gởi thân xác dưới ba tấc đất nhị tỳ. Riêng lão, lão vẫn sống nhăn răng - nói cho đúng, răng lão rụng sạch trơn, chỉ còn trơ nướu! Lão kiệm lời, chỉ biết cười, không biết khóc. Bọn trẻ trong xóm lớn thành người, gọi lão bằng cái tên gần gũi thân thương: Lão Sáu nhị tỳ!

- Sương xuống rồi đó! Vô nhà đi mình!

Cô Năm Chóp giờ đã là bà cụ đi trọn một nguơn đời, tuổi sáu mươi; nhắc khéo chồng.

Lão ngước nhìn vợ, bất ngờ lão nhận ra điều mà mười năm chung sống, lão chưa hề nhận biết. Lão cười, không phải nụ cười thỏa mãn hay kiêu hãnh - Lão cười vì ý nghĩ ngộ nghĩnh chợt qua, Năm Chóp như dòng sông sâu thẳm, thoạt nhìn mặt nước bình yên, nhưng lòng sông thì chứa bao kỳ trân dị bảo và dữ dội, rất dữ dội. Lão tặc lưỡi - hình như lưỡi của người đợi năm cái Tết nữa là tròn trăm tuổi - nó thụt dần, phát âm không còn rõ tiếng: “Đàn bà thoạt nhìn chẳng có gì đặc sắc, lôi cuốn; song càng nhìn càng thấy thích thú, đáng yêu như có ma lực lôi cuốn... Đàn bà đó thật quý hiếm!”

- Mình đã gặp đàn bà đó bao giờ chưa?

- Có gặp rồi, tại nhị tỳ…!

Lão Sáu vịn vai vợ, đứng lên.

Đôi vai run có lẽ vợ lão cũng xúc động. Nhìn nghĩa địa mờ sương chiều, lão ôm xiết vợ như thể lão sợ:

Mỹ nhân tự cổ như danh tướng,
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu
(6).

Vợ lão chẳng hiểu chồng muốn nói gì. Lão lầm bầm: “Tồn tại run sợ thời gian, bởi thời gian là kẻ thù độc ác của tồn tại, và rồi cái tên Lão Sáu nhị tỳ nầy biết có tồn tại với thời gian”!?

T.B.Đ
(SHSDB32/03-2019)

.....................................  
(1) Nghĩa là chết.  
(2) QL.1A  
(3) Góc đường Bãi Sậy và đường Vạn Tượng, ngay khúc rẽ  phải ra kênh Tàu Hũ, phía sau chợ Kim Biên. Cầu có tên Pont des 3 arches, dành riêng cho người đi bộ, do công ty Brossard et Mopin xây dựng đầu thế kỷ 20.
(4) “Vè tôi nghèo”, Ca dao.  
(5) Dựa ý William Golding (1911 - 1993), Lạc Trường Xuân.  
(6) Người đẹp từ xưa như tướng giỏi/ Chẳng hẹn chờ ai thấy  bạc đầu.




 

 

Các bài mới
Chia (20/05/2019)
Các bài đã đăng
Mưa Huế (07/05/2019)