NGUYỄN THƯỢNG HIỀN
Dáng thế của đồi Hà Khê như một con linh thú vừa tách khỏi đất mẹ, rời tổ uống mấy ngụm nước bên bờ dòng Linh Giang. Quay đầu hướng về quê mẹ, đất tổ Trường Sơn như một lời từ biệt, lòng rộn buồn vui. Một nhát gươm chí mạng của thuật sĩ Cao Biền, thân thú mang nặng vết thương vẫn còn hằn sâu ở chân đồi.
Linh khí tiêu tan, năm tháng qua đi vết thương chưa lành… Vị thiên sứ nhà trời áo đỏ, quần lục hạ giới, đặt chân lên đồi Hà Khê, mang theo hỷ tín đến những cư dân quanh vùng. Sẽ có vị chân chúa đến đây xây chùa hàn gắn viết chém, xây bảo tháp khơi thông dòng khí đất trời - Một lòng nán đợi.
Một ngày đẹp trời, Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng, dương buồm dong thuyền ngược dòng sông Thơm chiêm ngắm biết bao cảnh đẹp trời đất. Từ xa đồi Hà Khê đột ngột nổi lên giữa bãi đất bằng phẳng lệch về mé sông như chúa sơn lâm đang cúi đầu thưởng thức mấy ngụm nước trong xanh, thơm mát. Một lời mời gọi không thể cưỡng nổi. Ngài rời thuyền theo lối mòn dấu thỏ, đường dê lên đỉnh đồi. Ngôi miếu sơ sài nhưng không kém phần trang trọng, hương khói không nở bay xa. Trên tầm cao mới thấy hết cái diệu vợi của đất trời, của xứ Ô Châu Cận Lục. Những người dân nơi đây đã kể chuyện lai lịch của miếu thờ bà già trời cùng thông điệp của Thiên đình. Trời đã phái vị thiên sứ xanh giữ đất thiêng chờ ta, ta sẽ là chính chủ của mảnh đất này, cùng với con cháu ngàn đời quần cư sinh sống.
Chúa cho xây chùa, thờ Phật, để vỗ về trăm họ an cư, chính Chúa đã giáng bút “Thiên Mụ Tự” (Bà già trời - năm 1601).
Phật ấn được đóng dấu trên đồi Hà Khê là tiên dược chữa lành vết chém, phá bỏ lời nguyền, bùa yểm của bọn tà thuật: “Ta là vị chân Chúa đã thành, người là quan thứ sử chưa thành”. Hậu duệ của chúa Tiên, vua Thiệu Trị hoàn thành nốt tâm nguyện của tiền nhân cho xây bảo tháp “Từ Nhân” (1844 - 1845), sau đó tháp được đổi thành “Phước Duyên”.
Khí hạo nhiên đã trở lại, thông suốt đất trời, lòng người… Hoành Sơn nhất đái… Tháp gồm 7 tầng, mỗi tầng đều được thờ các vị: “Quá khứ Thất Phật”.
- Tầng 1: Trung thiên Điều ngự Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật (Cakya Mauni), 11 tầng.
- Tầng 2: Ca Diếp Phật (Kacvapa) gồm 11 tầng cấp.
- Tầng 3: Câu Xày Xá Mâu Ni Phật (Kanakamouni) gồm 11 tầng cấp.
- Tầng 4: Câu Lưu Tôn Phật (Kra Koutphanda) gồm 10 tầng.
- Tầng 5: Tì Xà Phù Phật (Visvathou) gồm 10 tầng.
- Tầng 6: Thi Khí Phật (Sijkhi) gồm 9 tầng.
- Tầng 6 lên tầng 7 qua một cửa sắt được khóa chặt, niêm phong cẩn thận. Mỗi năm chỉ được mở cửa vào tháp một vài lần để làm vệ sinh, thay nước, dâng hương: Ngày đầu năm, Lễ Phật Đản (tháng 4), Lễ Vu Lan hoặc những lúc vua muốn cầu quốc thái dân an. Tầng 6 và tầng 7 cách nhau khoảng 2m.
Theo lời kể của thầy Hoàng, dạy Đại học Văn khoa Huế những năm trước 1975. Muốn lên tầng 7 phải dùng 1 thang gỗ dài khoảng 2m. Tầng này thờ Đức Thích Ca Mâu Ni, cùng 2 đệ tử của ngài là Ananda và Ca Diếp bằng vàng ròng. Các đồ từ khí: giá đèn, lư trầm, lư hương… đều làm bằng bạc. Bộ chén trà, chén nước làm bằng ngọc, đá quý.
Bộ Lễ giữ chìa khóa, Bộ Công giữ thang và với sự chứng kiến của Ngự tiền văn phòng của Hoàng triều cùng một vị cao tăng của chùa. Sau khi đã bàn bạc, thống nhất nội dung khi vào tháp, có lập biên bản mới được mở cửa. Sau ngày thất thủ Kinh đô 23/5 Ất Dậu (1885) các tượng Phật cũng như các đồ từ khí đều bị mất trộm.
*
Chiều ngày 14/7 Nhâm Tuất (1982). Thầy Trí Tựu, mời thầy giáo Lê Văn Lợi, thầy giáo Hà Xuân Liên, thầy Huyền Thanh chùa Từ Đàm. Tôi mời Trang đi cùng (thầy quen biết ba mẹ tôi). Cây song thọ đào trong khuôn viên chùa là quà đầu năm của ba mẹ tôi dâng thầy Đôn Hậu. Sáng mồng một tết Mậu Thân (1968) thầy ghé nhà thăm ba mẹ tôi sớm, chúc tết bà nội tôi, cùng cành song thọ đào đã được chiết cành, mọc rể về trồng tại chùa, sau đó thầy lên khu.
Chúng tôi lên chùa đúng hẹn, chuyện trò trà nước một lát, thầy giao chìa khóa tháp Phước Duyên và bó hương, nhờ chúng tôi thắp đều các tầng, thầy phải giải quyết một số việc còn lại, thầy sợ ngày mai khách thập phương đông, ồn ào không thể mở tháp dâng hương. Thầy Hà Xuân Liêm đang cần đối chiếu lại, hiện thực trong nội lòng tháp cho một vài chi tiết chưa được rõ cho quyển sách viết về chùa thầy đã dày công nghiên cứu. Thầy Lê Văn Lợi cần một vài tấm hình từ đỉnh tháp nhìn xuống xung quanh.
Từ lúc bước chân vào ngưởng cửa bảo tháp, tôi chợt nghĩ đến nhiều điều dị đoan: Hầu hết dân Huế đều biết chùa Thiên Mụ không phải là nơi hẹn hò của những đôi trai gái đang yêu, những cặp tình nhân đang say đắm yêu nhau, thề thốt. Đó là tín hiệu của sự chia lìa, đôi khi chỉ vì một duyên cớ lãng xẹt. Phải chăng đây là lời nguyền của tay thuật sĩ Cao Biền đã được chân chúa và những người con của thiên tử (các vua nhà Nguyễn) hóa giải. Vết chém đã được hàn gắn nhưng vẫn để lại sẹo. Phá bỉnh những kẻ đang yêu nhau là một gỡ gạc trả thù của Cao Biền. Ngoài nhiệm vụ của Thái thú - Thứ sử Cao Biền làm ngu dân, bóc lột, đàn áp, tha hồ vơ vét tài sản của nhân dân sở tại, hắn còn được Đường Y Tông (860 - 873) ra lệnh phải tìm kiếm những nơi long thủy phát vượng phí, có thể sinh đấng minh quân, một mối họa cho Hán Tộc, sau này đều phải phá yểm, diệt trừ. Cao Biền tha hồ tự tung tự tác, chỗ nào có dấu hiệu đều bị gã triệt hạ không thương tiếc. Cao Biền là tiền nhân của kẻ hủy diệt nhiều tập (do những ám ảnh của một vài lãnh thổ: Việt Tường - An Nam - Lạc Việt - Bách Việt… đã gây ra rất nhiều tổn thất cho các quan thái thú).
Tôi biết đây không phải là đất hứa của tình yêu, nhưng lại là một cơ hội không dễ gì có được nếu mình không có cơ duyên. Một điều hết sức buồn cười, ngộ nghĩnh vào đất Phật lại nghĩ đến Chúa. Tôi thật ham hố, tình yêu dâng đầy. Ca từ trong một bài hát nào đó lại về trong tâm tư chao loạn của tôi “Con quỳ lạy Chúa trên trời, sao cho con lấy được người con thương”, A men - A Di Đà Phật - Thiện tai. Đây là một tai họa đáng yêu. “Con tin có Chúa ngự trong chùa”.
Thầy Hà Xuân Liêm bước vội lên mấy bậc cấp đến tầng thầy cần kiểm tra. Thầy Lợi cũng gấp gáp lên đỉnh để kịp đón nắng cho những tác phẩm ghi ảnh của mình. Hai đứa tôi từng bước một hết tầng này đến tầng nọ, thắp hương như một cái máy. Chúng tôi đang loay hoay tìm cách lên trên đỉnh. Thầy Lê Văn Lợi cũng đã gần như đạt được ý muốn về mấy tấm phim của mình, nghe tiếng ơi ới của thầy Hà Xuân Liêm bên dưới cần giúp đỡ, thầy Lợi vội vã đi xuống. Khá vất vả chúng tôi lên được tầng trên đỉnh tháp, khoảng không gian chật hẹp hơi khó xoay xở. Tôi cũng chỉ kịp nhìn những bãi cát trắng phía Đông Nam, cái bát ngát của Trường Sơn và dòng nguyệt bạch Hương Giang đẹp quá đổi. Trang lên sau cùng, một ý nghỉ chợt ùa đến. Tôi thắp 3 nén hương trước Phật Thích Ca Mâu Ni đứng chờ. Trang xuống, tôi gọi nhỏ Trang lại đứng bên tôi, tôi nói đủ hai đứa cùng nghe:
“Trước đấng vạn năng, con Nguyễn Thượng Hiền đã qua cái tuổi 40, chỉ là một anh giáo nghèo, dị hình, dị tướng: chân cao, chân thấp, vai lệch, vai nghiêng chỉ có trái tim đang yêu. Cầu mong chư Phật cho con được lấy người con gái đang đứng bên cạnh làm vợ”.
Đây là khoảnh khắc chờ đợi lâu nhất đời tôi, không gian tĩnh lặng lạ thường, thời gian như ngưng động, nhịp tim đập thình thịch. Không biết tôi có còn mặt mũi nào để lết xuống những vòng xoáy của cầu thang hạ giới? Một lúc lâu, hơi ấm từ chốn nào đó bám lấy bàn tay tôi, níu chân, thân tôi sắp ngã quỵ. Cảm ơn em! Đã giang tay cho tôi vịn tĩnh ngày tàn, sống tiếp những ngày vui. Cảm ơn Phật đã cho con “phúc duyên”, lành thay, lành thay!
Chúng tôi đã bước xuống 52 nấc thang của thiên đường, chỉ có hạ giới, trần gian mới biết được thiên đường. Khi đã ở chốn thiên đường rồi, đâu còn chỗ cho hạ giới để cân bằng.
*
Lễ Đại tường mẹ các cháu đã qua trong tháng 7, tôi gom lại những mảnh tro tàn đầy hơi ấm của vành khăn sô, áo chế, mũ rơm, gậy vông vào lò hương cũ, đốt mấy nụ trầm để được nhìn thấy những làn khói lam bịn rịn vào mùa Vu Lan. Tôi vẫn được cài lên áo đóa hồng màu hồng, mẹ tôi vần là nải chuối, buồng cau… Nhưng các con tôi phải nhận đóa hoa hồng màu trắng. Biết bao giờ lời nguyền mới chấm dứt! Những ngày còn lại, một mình với em cùng các con yêu dấu.
“Cơm nước chưa xong đầu tiêu muối
Cơm nước xong rồi đầu muối tiêu”
Lạc Viên
N.T.H
(SHSDB33/06-2019)