Tạp chí Sông Hương - Số 364 (T.06-19)
Trẻ em - Hình tượng vô tận của nghệ thuật
10:19 | 30/06/2019

TRẦN DIỄM THY

Trong nghệ thuật tạo hình trên thế giới cũng như ở Việt Nam, hình tượng trẻ con luôn được xem như là một nguồn mạch của sáng tạo nghệ thuật.

Trẻ em - Hình tượng vô tận của nghệ thuật
Tác phẩm “Không gian trong bếp" của Bùi Văn Tuất

Tùy vào không gian văn hóa, kỹ thuật tạo hình, lăng kính thẩm mỹ... mà mỗi người nghệ sĩ có những cách nhìn khác nhau về hình tượng trẻ con. Nhìn chung, khi lấy trẻ con làm hình tượng trung tâm cho mỗi nghệ phẩm, các họa sĩ thường đặt hình tượng của mình vào trong những cách nhìn và trong những chiều kích không gian trong trẻo, ngây thơ, hồn nhiên, yêu đời.
 

Tác phẩm “Đứa trẻ du ca” của Trịnh Cung

Lối tạo hình qua lăng kính theo kiểu tư duy ngây thơ, nguyên thủy của trẻ con, tác phẩm Đứa trẻ du ca đã nói lên được sự trong sáng, tươi vui và mơ mộng của mỗi đứa trẻ. Hình ảnh trong tranh là hình ảnh đến từ sự ước lệ chứ không phải là một sự tả thực; chính vì sự ước lệ, sự sai lệch có chủ ý của tác giả đối với hình thể thật bên ngoài đã kéo cái không gian mơ mộng, cái vẻ bí ẩn và lãng mạn của Đứa trẻ du ca đi xa hơn so với sự tả thực một cách máy móc. Họa sĩ Trịnh Cung đã trả tuổi trẻ về với sự hồn nhiên nguyên thủy vốn có, sự hồn nhiên đó, không tùy thuộc vào lý trí khô khan mà tùy thuộc vào sự bay bổng của trực cảm nghệ thuật.
 

Tác phẩm “Cậu bé và trái cam” của Vincent Van Gogh

Trong một phong nền văn hóa khác, với kỹ thuật thường thấy của riêng Van Gogh đó là những nét cọ mạnh mẽ, màu sắc dứt khoát, cách thể hiện hình thể tưởng như thô vụng nhưng lại cực kỳ tinh tế khi đặt các hình thể trong tổng hòa của một tác phẩm, hình tượng cậu bé hiện lên giữa một không gian đầy hoa trở nên tươi vui, hồn nhiên hơn bao giờ hết. Có lẽ đây cũng là những giây phút vui mừng hiếm hoi trong tâm hồn của một người họa sĩ đã từng khốn khổ nhất trên thế gian.

Tác phẩm “Em Thúy" của Trần Văn Cẩn


Trần Văn Cẩn, một họa sĩ lớn của Việt Nam, nằm trong “bộ tứ” nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn (Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn), cũng đã để lại cho đời một bức tranh kinh điển về hình tượng trẻ em. Em Thúy là một trong những tác phẩm về chân dung thành công đầu tiên của hội họa Việt Nam thế kỷ XX. Nhân vật trung tâm hiện lên với sự giản dị, hiền hòa, là hiện thân của tuổi thần tiên nhiều mơ ước bay xa.

Tác phẩm “Không gian trong bếp" của Bùi Văn Tuất

 

Tác phẩm “Chân dung" của Vũ Duy Tâm

Ngày nay, khi nghệ thuật tạo hình đang đứng trước những cơn lốc lôi cuốn của các trào lưu, trường phái mới nhưng hình tượng trẻ em vẫn luôn được những họa sĩ về sau lựa chọn biểu đạt như: Bùi Văn Tuất, Nguyễn Đăng Sơn, Vũ Duy Tâm, Trần Viết Thục, Lê Thế Anh, Nguyễn Ngọc Anh, Nguyễn Đinh Duy Quyền...

Chúng ta nhận thấy, mỗi họa sĩ thường có một cuộc đời và một số phận khác nhau, con đường thành công hay thất bại cũng không giống nhau nhưng tựu chung, khi họ lựa chọn hình ảnh trẻ em trong tác phẩm của mình thì các họa sĩ lại có một điểm chung là đều nhìn trẻ em trong con mắt thánh thiện, ngây thơ, trong sáng và đầy những khoảng trời mơ mộng.

Tác phẩm “Bầu trời tuổi thơ” của Nguyễn Thị Hải Hòa


Nhìn không gian đầy cánh chim và hình một em bé bay trên những cánh chim trong tác phẩm Bầu trời tuổi thơ của tác giả Nguyễn Thị Hải Hòa hay không gian thấm đẫm màu cổ tích trong tác phẩm Dưới mưa của Nguyễn Đăng Sơn, người xem như được trở về với quá khứ, với những di chỉ còn lại trong tiềm thức mình. Họa sĩ là những người có thể đánh thức tiềm thức của người xem, khơi gợi những chân trời chưa được biết tới và có thể nhắc nhở chúng ta về những chân trời tuổi thơ, những chân trời tưởng như đã bị quên lãng.

Tác phẩm “Dưới mưa" của Nguyễn Đăng Sơn


T.D.T
(TCSH364/06-2019)

---------------------
Hình ảnh trong bài được người viết sưu tầm từ internet.


 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng