Tạp chí Sông Hương - Số 364 (T.06-19)
Tố Hữu: Thơ và những ngày tháng trong ngục tù đế quốc
09:50 | 15/07/2019

DƯƠNG PHƯỚC THU    

Nhà thơ, nhà cách mạng Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh ngày 4 tháng 10 năm 1920 tại làng Hội An, nơi xưa kia thường gọi là Faifô (vì làng này ở gần cửa Đại An nên quen gọi Hải Phố mà ra thế) nay Hội An đã lên cấp là thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam; quê nội Nguyễn Kim Thành ở làng Phù Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tố Hữu: Thơ và những ngày tháng trong ngục tù đế quốc
Ảnh: internet

Sở dĩ Nguyễn Kim Thành sinh ra tại Hội An vì lúc ấy thân phụ ông là một nhà Nho có biết tiếng Tây nên vào làm phiên dịch ở Tòa sứ Quảng Nam. Từ nhỏ cho đến năm 9 tuổi, Nguyễn Kim Thành sống và học hai năm đầu tiểu học ở Hội An. Vào năm 1929, thân phụ của Nguyễn Kim Thành là Nguyễn Tấn Long (vì phạm húy sau đổi là Nguyễn Trần Nghi) nhận một công việc của Nam triều nên lại chuyển ra Huế ở1, cả gia đình ông sống nhờ nhà của một bà cô trong Thành nội. Thời gian này Nguyễn Kim Thành vào học lớp ba trường Tiểu học Paul Bert (Pôn Be), nay là trường Tiểu học Phú Hòa. Năm 1931, thân phụ của ông xin chuyển việc vào Phan Thiết, người anh cả thi đỗ ngành bưu điện được tuyển vào làm ở Đà Nẵng, nên Nguyễn Kim Thành cùng mẹ lại phải vào ở với người anh cả, theo học lớp nhì. Qua năm 1932, giữa kỳ nghỉ hè thì mẹ Nguyễn Kim Thành mất, lúc ấy bà mới 47 tuổi. Sống xa cha, sớm mất mẹ, may nhờ được mấy người anh chăm lo mà Nguyễn Kim Thành có điều kiện theo lên được lớp nhất. Năm 1933, Nguyễn Kim Thành thi đỗ đầu Tiểu học ở Đà Nẵng. Do hoàn cảnh khó khăn, Nguyễn Kim Thành đành phải nghỉ học một năm ở nhà trông cháu. Sau nhờ người anh cả thu xếp kiếm được mươi đồng cho Nguyễn Kim Thành ra Huế, tiếp tục theo việc đèn sách. Cuối năm 1934, Nguyễn Kim Thành thi vào năm đệ nhất trường Khải Định2 (nay là trường Quốc Học), may sao được học bổng, ăn ở nội trú. Sách vở mượn đọc ở thư viện miễn phí.

Về lại Huế, Nguyễn Kim Thành lúc này đã 14 tuổi, ông bắt đầu nhận ra những đổi thay của xã hội. Qua sách báo, Nguyễn Kim Thành biết được, phong trào Mặt trận Bình dân Pháp lên cao, lập được chính phủ mới, có nhiều nét tiến bộ. Ở Việt Nam, Mặt trận Dân chủ do Đảng Cộng sản Đông Dương khởi xướng, hoạt động ngày càng sôi nổi, đang dần đi vào quần chúng. Thành phố Huế cũng bừng lên không khí rầm rộ. Ngay trong trường Khải Định người ta đã thấy rải rác có truyền đơn cộng sản và thông tin lan truyền về những nhà ái quốc vốn học sinh của trường này như Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... đã tác động tích cực đến ý thức cũng như nhận thức của Nguyễn Kim Thành trước thời cuộc đang diễn ra.

Năm 1935, Nguyễn Kim Thành vào học năm thứ hai, cũng là lúc nhiều nhà hoạt động cách mạng được trả tự do như Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu từ Côn Đảo về lãnh đạo phong trào. Hải Triều Nguyễn Khoa Văn bị án tù ở Sài Gòn, được thả, ông trở về Huế, liền mở hiệu sách Hương Giang để làm vỏ bọc hoạt động bí mật và tuyên truyền cách mạng... Ở Huế, ngoài hiệu sách Hương Giang, còn có hiệu sách Thuận Hóa, là một cơ sở quan trọng của Xứ ủy, do đồng chí Lê Duẩn (bấy giờ là Ủy viên Trung ương, Bí thư Xứ ủy) đóng vai chủ hiệu. Nhờ những cơ sở bí mật và cán bộ hoạt động ở đây cung cấp mà Nguyễn Kim Thành có điều kiện tiếp xúc được với các sách báo về cộng sản, nhận được nhiều thông tin về đường lối cách mạng, về phong trào công nhân quốc tế; nhờ những người như Lê Duẩn, Hải Triều, Nguyễn Chí Diểu dìu dắt, dần dần ông giác ngộ chủ nghĩa cộng sản. Chính vì những điều này mà Kim Thành bị đuổi khỏi khu nội trú, bị cắt học bổng. Nguyễn Kim Thành phải tự thân vận động, tự kiếm chỗ ở. Ông nhận làm gia sư cho một gia đình ở xóm nghèo gần Đập Đá. Ở đây, Nguyễn Kim Thành lại có điều kiện gặp gỡ và thường lui tới với đồng chí Bùi San, một cán bộ cao cấp của Đảng có cơ sở ở xóm Chợ Cống; rồi từ đồng chí Bùi San, Nguyễn Kim Thành tiếp xúc được với đồng chí Phan Đăng Lưu, lúc bấy giờ là Ủy viên Trung ương Đảng được phân công hoạt động công khai, phụ trách tờ báo Dân của Xứ ủy Trung Kỳ. Mà theo Nguyễn Kim Thành, Phan Đăng Lưu là “Người giảng chính trị nhiều nhất cho tôi qua sách báo”. Và “anh Phan Đăng Lưu cũng chính là người thầy đầu tiên hướng tôi vào dòng thơ cách mạng”.3

Tháng 3 năm 1937, sau cuộc tuần hành rầm rộ của hàng vạn quần chúng Thừa Thiên đi đón Gô đa phái viên của Chính phủ Pháp, để đòi những quyền dân chủ, dân sinh, Nguyễn Kim Thành được tổ chức cử làm Bí thư Đoàn thanh niên Dân chủ thành phố Huế. Tháng 4 năm 1937, Nguyễn Kim Thành được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; trở thành đảng viên nhưng ông vẫn tiếp tục theo học ở trường Quốc Học và bí mật hoạt động cộng sản. Giữa năm học 1938, Nguyễn Kim Thành thi đỗ Thành chung, được nghỉ mấy ngày ông liền tranh thủ sang Lào thăm người anh trai thứ. Trong lần đi qua vùng biên giới ông đã viết bài thơ Lao Bảo. Ở Lào, ông may mắn gặp được một cụ đồ nho người Quảng Bình. Sau cuộc trò chuyện và đọc thơ cho cụ đồ nho nghe; cụ cảm phục ý chí và liền cho nhà thơ trẻ hai chữ “Tố Hữu” để làm bút danh, hai chữ ấy cụ lấy ý nằm trong câu chuyện Khổng Tử gặp Hạng Thác, khi ngài nhận xét Hạng Thác rằng “Ngô nhi tố hữu đại chí” nghĩa là “trẻ ta sẵn có chí lớn” cụ có ý thầm khen Nguyễn Kim Thành. Nhưng Nguyễn Kim Thành lại xin cụ được giải thích sang nghĩa khác: Tố là trong trắng, Hữu là bạn. Hai chữ Tố Hữu với nghĩa là “Người bạn trong trắng”.4 Từ đây bút danh “Tố Hữu” gắn liền với sinh mệnh cuộc đời nhà thơ, nhà cách mạng được nhiều người biết đến hơn cả tên thật Nguyễn Kim Thành. (Ngoài ra, Tố Hữu còn có bí danh là Lành thì mãi cuối năm 1942, khi vượt ngục về hoạt động ở Hậu Lộc, Thanh Hóa, tại nhà mẹ Tơm mới có tên này. Lành - cái bí danh ông thường dùng hàng ngày theo nghĩa thân mật cho đến lúc “qua bên kia bầu trời”).

Thời gian này Tố Hữu làm nhiều bài thơ đăng trên báo Dân ở Huế, báo Thế giới ở Hà Nội và bài Từ ấy đã ra đời.

Cuối năm 1938, Tố Hữu đang học năm thứ nhất ban Tú tài ở trường Quốc Học và bí mật hoạt động. Đầu năm 1939, Tố Hữu được cử vào Thành ủy Huế, phụ trách tuyên truyền và thanh niên5. Trên cương vị mới của mình, ông thường tổ chức các hoạt động, diễn thuyết ở một số huyện như Hương Trà, Hương Thủy về các ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Quốc tế Lạo động 1/5, Cách mạng tháng Mười Nga 7/11... để tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản... Nhưng những hoạt động tuyên truyền cộng sản của Tố Hữu không qua khỏi sự theo dõi của mật thám Pháp và Nam triều, chúng quyết định bắt ông.

Sáng sớm ngày 27 tháng 4 năm 19396, khi Tố Hữu còn đang ngủ mê mệt vì cả đêm hôm trước đi về Hương Thủy, chuẩn bị cho cuộc mít tinh lớn ngày 1/5 thì mật thám Pháp ập vào phòng, ngay tại nơi mà ông đang ở làm gia sư trong xóm Chợ Cống, còng tay bắt đưa đi, lúc bấy giờ Tố Hữu mới 19 tuổi.

Chúng giải Tố Hữu tới nhà lao Thừa Phủ. Nhà lao này nằm ở phía sau Phủ đường Thừa Thiên, giam ông vào một xà lim riêng.

Trước đó, vào tối ngày 12 tháng 7 năm 1939, trên đường công tác chỉ đạo kế hoạch chuẩn bị cho một cuộc biểu tình lớn sắp tới ở Huế, Nguyễn Vịnh, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên đã bị mật thám theo dõi, bắt tại bên kia cầu Trường Tiền. Chúng nhốt Nguyễn Vịnh hai đêm hai ngày ở một phòng riêng tại bốt “sen đầm”7. Hai hôm sau chúng mới giải Nguyễn Vịnh và một số người khác bị bắt mấy hôm trước vào lao Thừa Phủ.

Bấy giờ, Tố Hữu đã bị giam ở nhà lao Thừa Phủ được hơn hai tháng, đến ngày 14 tháng 7 năm 1939, Tố Hữu thấy lính dẫn vào phòng một người rắn rỏi, nước da nâu, mắt sáng, mặt vuông chữ điền. Tố Hữu nhận ra đó là Nguyễn Vịnh (sau này có tên là Nguyễn Chí Thanh) mà Tố Hữu đã gặp một lần ở làng quê.

Trong cuốn Hồi ký Nhớ lại một thời, Tố Hữu viết về Nguyễn Vịnh: “Khi mới vào tù, tôi thấy anh rất ít nói, không có vẻ gì hăng hái đấu tranh. Tôi nghĩ: Anh này phải từ từ mà giác ngộ. Ba tháng sau, đến ngày ra tòa, anh bị kết án hai năm tù giam vì “âm mưu làm rối loạn tình hình”! Thật ra, địch cũng chẳng có chứng cớ gì, cứ bắt bừa vậy thôi. Cho đến một hôm, bên ngoài giới thiệu anh là Bí thư Tỉnh ủy, tôi là Thành ủy viên phụ trách tuyên truyền. Anh Thanh cười nói với tôi: “Thôi, tau làm bí thư, mi phó bí thư”. Lúc đó tôi mới biết anh là cấp trên của mình. Tôi vừa buồn cười vừa ngượng, và cũng thấy rõ đức tính kín đáo và trầm tĩnh của anh. Mới quen nhau, mà chúng tôi nhanh chóng trở nên thân thiết”.8

Mặc dù khi chúng đem ra xử, Nguyễn Vịnh không nhận bất cứ “tội” nào mà bọn mật thám buộc cho ông, tòa án Nam triều ở tỉnh Thừa Thiên vẫn kết án ông hai năm tù giam. Tại phiên tòa này, Tố Hữu cũng lãnh án hai năm tù giam như Nguyễn Vịnh và ba đồng chí khác.

Theo lệ trong tù, những người đã lãnh án, được ở chung phòng rộng. Việc này lại giúp cho tù nhân có điều kiện trao đổi thông tin, tổ chức sinh hoạt chính trị, văn hóa. Tố Hữu được phân công tổ chức cho anh em học chính trị, văn hóa và cả chữ Pháp. Tố Hữu say mê làm thơ, ở trong tù đêm nào cũng nhẩm từng câu chữ, sửa đi sửa lại thành bài. Mấy ngày sau, Tố Hữu đã viết xong bài Nhớ đồng đề tặng Nguyễn Vịnh.

Gì sâu bằng những trưa thương nhớ
Hiu quạnh bên trong một tiếng hò!

Đâu gió cồn thơm đất nhả mùi
Đâu ruồng che mát thở yên vui
Đâu từng ô mạ xanh mơn mởn
Đâu những nương khoai ngọn sắn bùi?...


Tố Hữu và Nguyễn Vịnh bị giam chung một phòng. Một hôm, giữa tháng 8 năm 1939, địch bắt được đồng chí Lê Chưởng (người Quảng Trị), Xứ ủy viên Trung Kỳ. Chúng đánh rất ác. Nếu những trận đòn này kéo dài có thể Lê Chưởng sẽ bị chết. Trước tình hình ấy, để bảo vệ Lê Chưởng, Nguyễn Vịnh bàn với chi bộ nhà tù là phải tổ chức đấu tranh.

Thế là một kế hoạch cụ thể được vạch ra: Cứ sau khẩu lệnh: Một hai ba! Những tù nhân lại đồng thanh la to: “Chống khủng bố! Chống tra tấn! Chống đánh đập tù nhân! Bảo vệ Lê Chưởng!”

Tố Hữu viết: “Tiếng la rất lớn, làm náo động dư luận cả thành phố Huế. Địch hoảng hốt đối phó. Tên Đồn khố xanh chỉ huy khủng bố bằng vòi rồng, cứ nhè ai la to là xịt thẳng vào người đó. Vòi rồng mạnh lắm. Thư sinh như tôi bị xịt trúng là ngã. Khi địch thôi xịt, chúng tôi lại la. Sau vài lần, địch thay đổi phương pháp. Chúng dỡ những tấm ván sàn bằng gỗ lim lao thẳng vào đám tù nhân. Với những tấm ván to như vậy, ai bị lao trúng có thể chết. Chi bộ bàn: Ai khỏe đứng phía trước, ai yếu đứng phía sau. Huy động chăn ra xếp cao thành “chiến lũy” ở phía trước. Nhờ vậy mà thiệt hại được giảm đi rất nhiều. Sau ba ngày, tuy một số đồng chí bị thương, nhưng thấy tù nhân quá kiên quyết, ngoài phố dư luận quần chúng ồn ào quá nên chúng phải chùn tay. Chúng tuyên bố không đánh anh Lê Chưởng nữa mà chỉ biệt giam thôi”.

Cuộc đấu tranh của tù nhân tại nhà lao Thừa Phủ đã thắng lợi, bọn cai ngục rất cay cú. Chúng liền đem mấy anh em mà chúng gọi là “đầu sỏ” ra tòa xử, tuyên án mỗi người phải lĩnh thêm sáu tháng tù và đày đi Lao Bảo.

Theo Tố Hữu thì những tù nhân này gồm: Nguyễn Vịnh, Hoàng Anh, Lê Thế Tiết, Tố Hữu và một đồng chí nữa bị còng tay giải đi Lao Bảo.9

Tố Hữu viết: “Đến nhà đày Lao Bảo vào một ngày thời tiết đang chuyển sang đông, sau khi cụ Phan Bội Châu đã qua đời”. Còn trong cuốn Nhà đày Lao Bảo thì ghi Tố Hữu được chuyển đến tháng 9 năm 1940.10

Đến Lao Bảo, chúng giam tù nhân vào nhà hầm. Đó là căn hầm dài vài chục mét đào sâu xuống đất, chỉ có mấy cửa sổ nhỏ để thông hơi. Căn hầm chật chội mà nhốt tới bốn mươi người, đủ cả mùi ẩm ướt, cứt đái lưu cữu, ngột ngạt vô cùng.

Ở Lao Bảo cũng như ở nhà lao Thừa Phủ, những người tù chỉ được ăn cơm hẩm với cá thối. Nhưng cái khác ở Huế là phải đi làm khổ sai. Chân luôn bị xiềng, kể cả khi đi làm.

Một ngày cuối năm 1940, bọn cai ngục phát hiện ra một điều gì đó trong lá thư nhà gửi cho đồng chí Lê Thế Tiết (Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị). Tên Đồn liền gọi ông lên và đánh đá rất dã man. Ông bị một quả đấm quá mạnh, ngã đập đầu vào một góc bàn, vỡ sọ chết ngay tại chỗ.

Tất cả anh em nhà tù họp ngay, bàn kế hoạch đấu tranh quyết liệt. Nhưng đấu tranh thế nào để giảm tổn thất và có hiệu quả. Chi bộ nhà tù Lao Bảo quyết định tất cả anh em tuyệt thực và cả tuyệt ẩm (nhịn uống). Chủ trương đưa ra được toàn bộ anh em nhất trí. Tù thường phạm cũng hưởng ứng bằng cách hò la. Ngay từ ngày đầu, bọn cai ngục đàn áp quyết liệt. Chúng đánh bằng roi và báng súng rất dữ nhưng anh em vẫn kiên trì, quyết không lùi bước.

Nhịn ăn đã khó, nhịn uống càng khó bội phần. Anh em tù dồn chăn lại, song vì chân ai cũng bị cùm nên phải chuyển dần đến tay người cuối cùng ở nơi trũng nhất của căn hầm đọng lại chút nước cọ rửa nhà đã nhiều ngày. Tù nhân thấm nước vào chăn và vắt vào miệng những người có nguy cơ chết khát. Tố Hữu thuộc số người yếu nhất, nên được các đồng chí “ưu tiên” được vài mươi giọt cũng cảm thấy mát ruột.

Tố Hữu kể rằng: “Có điều lạ là đến lúc sức kiệt, tôi cảm thấy đầu óc vẫn tỉnh táo. Có lẽ do bản thân và có cả tập thể bên mình nên tinh thần mới được thế”.

Cuộc tuyệt thực đến ngày thứ 10, tên Đồn vào nhà giam. Tố Hữu là người biết tiếng Pháp nên thay mặt anh em phản đối, lên án việc chúng tra tấn đánh đập tù nhân, đòi phải hủy bỏ ngay chế độ độc ác của nhà đày.

Bọn cai ngục liền tách những người mà chúng cho là “đầu sỏ” nhốt vào xà lim biệt giam. Xà lim này ở nhà ngục Lao Bảo chỉ như một cái quan tài bằng xi măng, không thể ngồi được. Khi nằm, trần cách mặt chỉ mấy chục cen ti mét. Tố Hữu bị cùm chân, trần truồng nằm trên sàn. Trời vùng núi Lao Bảo cuối năm lạnh như cắt. Tố Hữu vẫn phải tiếp tục cùng anh em tuyệt thực. Lúc đó ông cảm thấy cái chết chỉ còn gang tấc.

Cuộc tuyệt thực kéo dài 14 ngày, đói lả, nhưng anh em tù không chùn bước. Nhờ quần chúng tốt ủng hộ, tin tù nhân Lao Bảo tuyệt thực, có nguy cơ chết, đã dội về Kinh thành Huế, gây tiếng vang trong dư luận. Đó là khoảng tháng 11 năm 1940, địch chưa dám khủng bố trắng, nên chúng phải chùn tay.

Nhờ sự chỉ đạo kịp thời của chi bộ nhà lao đã tạo nên sức mạnh đoàn kết trong tù và dư luận bên ngoài ủng hộ mà cuộc đấu tranh của tù nhân Lao Bảo đã hoàn toàn thắng lợi. Địch tuyên bố không đánh đập nữa, chúng cho nhận thư từ, cho ăn cơm tử tế. Nhưng năm người gồm: Nguyễn Vịnh, Hoàng Anh, Tố Hữu và hai đồng chí nữa lại bị chúng đày đi Buôn Ma Thuột.

Từ Lao Bảo, chúng chuyển tù nhân bằng ô tô xuống Quảng Trị, rồi từ Quảng Trị đi xe lửa vào Nha Trang, sau đó đi ô tô lên Buôn Ma Thuột.11

Tố Hữu bị giam ở nhà tù Buôn Ma Thuột khoảng ba tháng. Ở nhà ngục này, Tố Hữu gặp được các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Trương Văn Lĩnh, Chu Văn Biên, Ngô Đức Đệ và nhiều đồng chí lớp trước. Lúc đó mọi người mới biết rõ Nam Kỳ đã có cuộc khởi nghĩa nổ ra. Những tù nhân mới vào được nghe kể lại những tấm gương hy sinh oanh liệt của các đồng chí Trung ương: Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, nhiều đảng viên cộng sản và quần chúng trung kiên, mọi người rất đau lòng và càng lo lắng cho vận mệnh của Đảng lúc này. Khởi nghĩa Nam Kỳ vì một chút manh động mà trong thời gian ngắn đã mất hầu hết bộ máy lãnh đạo. Đây cũng là bài học quý giá cho những người hoạt động cộng sản suy tính về sau trong các cuộc đấu tranh với kẻ thù.

Đến tháng 4 năm 1941, Tố Hữu mãn hạn tù hai năm theo án xử ở Huế. Chúng giải ông về Huế, lại tống vào nhà lao Thừa Phủ. Qua 5 ngày bị giam ở Thừa Phủ, thấy tiếp tục bị giam, Tố Hữu chất vấn bọn cai ngục: “Tôi mãn hạn tù rồi, sao các ông không thả?” Viên cai ngục nói: “Anh còn sáu tháng tù tăng án ở lao Thừa Phủ, đó là chưa kể ở Lao Bảo. Giờ thì đi an trí đã rồi xử sau!”.

Mấy hôm sau, chúng đưa ông lên ga Huế, đi bằng tàu hỏa, giải vào Quy Nhơn, tạm giam mấy ngày. Ở nhà tù Quy Nhơn, viên cai ngục cho Tố Hữu biết “Anh sẽ đi lên trại tập trung Đăk Glei ở phía bắc Kon Tum”. Thế là rõ một án tù không thời hạn.

Từ Quy Nhơn, xe tải nhà binh bịt bùng theo con đường 14, bò gần hết cả ngày, xế chiều mới đến Kontum. Bọn chúng nhốt Tố Hữu qua đêm ở một trại tạm giam gần như chuồng ngựa, có hàng gỗ lim bọc quanh rất chắc. Viên cai ngục đẩy Tố Hữu vào trại và ném cho ông một gói xôi hẩm rồi ra sân đánh bạc với mấy tên lính canh. Mặc dù nhà giam rất bẩn, hôi và vô số muỗi, nhưng vì mệt quá nên Tố Hữu ăn xong liền ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Đến gần sáng, người lính canh vào gọi ông dậy, lại đẩy lên một cái xe tải khác, lúc lắc chạy lên hướng bắc, qua các đồn Đăk Tô, Đăk Xút, Đăk Pao... cho đến khi lên tới Đăk Glei.12

Tại nhà đày Đăk Glei, chốn ma thiêng nước độc, hoang vu và lạnh giá, Tố Hữu gặp các đồng chí của mình đang bị giam trước ở đây, như Lê Văn Hiến, tác giả cuốn sách Ngục Kon Tum nổi tiếng từ 1936, Huỳnh Ngọc Huệ, người thợ máy học trường Bách nghệ ở Huế sinh hoạt cùng chi bộ với Tố Hữu năm 1937...

Tố Hữu ở Đăk Glei mới hơn một tháng, thì có lệnh phải về gấp “trả nợ” sáu tháng tù tăng án, vì cái tội đấu tranh lúc trước ở nhà lao Huế. Thế là ông lại bị chúng nhốt vào nhà tù Quy Nhơn một lần nữa, nhưng lần này dài hơn.

Ở Quy Nhơn, Tố Hữu có bạn tù mới, bị giam ở xà lim bên cạnh. Đó là đồng chí Lung, một anh thợ điện vừa bị bắt mấy tuần trước. Và cứ mỗi lần được ra sân chơi, Tố Hữu thường chủ động gặp Lung để thảo luận về tình hình và “hâm nóng” lòng tin cách mạng cho nhau.

Tại nhà ngục Quy Nhơn, Tố Hữu bị chúng giam hai lần, tổng cộng hơn sáu tháng. Rất tiếc là cái nhà ngục thời Pháp thuộc này đã bị phá bỏ từ đầu năm 1955, hiện ở Quy Nhơn chỉ còn dấu tích của một nhà ngục khác, tại số 9 đường Đào Duy Từ, xây từ thời Ngô Đình Diệm cai trị miền Nam.

Theo Tố Hữu, thời gian bị giam ở đây ông viết khá nhiều bài thơ. Và cũng có nhiều bài đã thất lạc. Mới đây chúng tôi tìm ra một bài, có tên Lòng thợ.

Ở nhà ngục Quy Nhơn, hàng đêm, Tố Hữu thường nghe một tiếng rao của một em bé gái: “Ai ăn bánh bột lọc không?” Tiếng nó rao nhỏ yếu, nghe mà thương quá... Một buổi sáng dậy, bỗng nghe anh Lung gọi sang xà lim của Tố Hữu: “Này, tối qua, mi có nghe con nhỏ mô rao bán bánh không?” Tố Hữu đáp: “Ừ, đêm nào cũng nghe nó rao ngoài tường nhà lao, như để hỏi mình có mua không, thật tội nghiệp!” Bỗng nhiên Lung cười to mà như một tiếng nấc: “Con gái út của tao đó, mới tám tuổi mà đêm nào cũng phải mang bánh đi bán cho mẹ. Hắn biết tao ở trong này nên cố ý rao to cho tao nghe đó. Có đứt ruột không chớ!” Tố Hữu nghẹn cổ, ứa nước mắt, nhưng cũng gắng nói một lời với bạn tù: “Đời còn khổ lắm, Lung ơi, nên phải làm cách mạng chớ sao!”

Theo Tố Hữu, bài thơ Một tiếng rao đêm được viết trong hoàn cảnh ấy.

Ai ăn bánh bột lọc không?
Tiếng rao sao mà ướt lạnh tê lòng!
...
Trên môi mỏng hãy thơm mùi sữa mẹ
Tiếng rao nhỏ của một em gái bé
Không vang lâu, chỉ vừa đủ rao mời
Mà giọng còn non quá, yếu dần hơi
Nên cái bánh nửa chừng ra cái “bén”...


Ngoài những bài thơ đã công bố, thời giam bị giam ở nhà ngục Quy Nhơn, Tố Hữu có thêm bài thơ Lòng thợ đề tặng Lung viết vào tháng 10 năm 1941. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, bài thơ này được in trên báo Tay Thợ, số Tết Bính Tuất 1946, do Cơ quan tuyên truyền tranh đấu của công nhân Việt Nam Trung Bộ, xuất bản tại Huế, Huỳnh Ngọc Huệ làm chủ bút, mà chúng tôi đã giới thiệu ở trên. Lúc bấy giờ Tố Hữu đang làm Phó Bí thư Xứ ủy Trung Bộ, đóng tại Huế. Xin công bố nguyên văn (sic) để bạn đọc tham khảo:  



LÒNG THỢ

      Tặng Lung  

Một đêm nữa, rồi thôi ra ngục tối
Mà lòng anh sao vẫn nặng trăm chiều
Ngoài song giăng, trăng sáng biết bao nhiêu
Mà anh thấy trời đêm như vực thẳm!
Ý nổi loạn cuốn trăm vòng rối rắm
Đánh làm sao tan mấy lớp vây lòng
Ờ mai đây, chân lại sẽ thong dong
Thân rảnh nhẹ không vướng còng xích nữa
Sống hôm nay chẳng biết có ngày mai
Hai bàn tay, ấy đó cả gia tài!
Anh lại sẽ lần hồi đi bán dạo
Bao tủy máu, mua ngày hai bữa gạo
Với quanh năm, đôi bộ áo quần xanh.

 
Thế rồi sao, còn vợ với con anh?
Trong mí mắt, cảnh gia đình hiện tới
Anh lại thấy ở nhà tranh rách rưới,
Ngoài ngoại ô, rác bẩn như chuồng heo
Nằm soi lưng lở lói dưới ao bèo.
Đây là góc buồng xưa, trong bóng tối
Có tiếng khóc nghe sao buồn nhức nhối
Một đứa con ghẻ mụt bám đen ruồi
Đang chao mình tập tểnh đẩy tao nôi
Để ru ngủ một thằng em quặn đói.
Mẹ chúng nó còn lang thang bước mỏi
Ngoài đường xa phố sáng bán chè rao
Đó con anh và đó vợ năm nào
Xưa đã khổ mà nay càng thêm khổ!
Chừ anh lại về nơi đau đớn cũ
Hết tù nhưng rồi biết tính sao đây?

Cứ đeo theo mà chắp nối dòng ngày
Chỉ trôi tới một vũng lầy biết trước
Rồi sẽ hết, ôi vô duyên vô phước
Ngựa khô hơi quỳ gối bên đường trường!
Chừ sao đây! Về ấp lại tình thương
Để lưng vô tạm nương ngày tháng lạnh
Con đỡ dọi tới khi vừa mạnh cánh
Khổ dầm sương giãi nắng kiếp lang thang?
Chừ sao đây! Kéo cờ trắng đầu hàng,
Hay chuyển sức trăm cân đầu búa sắt
Đập tan hết những tình riêng nhỏ nhặt
Để tay ghì riết chặt khối đời to?

Chết con ta? Nhưng sống vạn đời thơ
Ở chung cũng là con ta đó cả.
Vợ ta chết? nhưng sống muôn êm ạ
Nhà ta tan? Nhưng sống vạn gia đình.
Không, phải hy sinh, phải nhất thiết hy sinh
Lòng vô sản phải mang tình nhân loại
Chí đã quyết ra đi là tiến mãi!

Ngoài sông giăng, đêm đã biến từ nào,
Có con nhồng đâu đó hót trên cao
Mây ửng đỏ ở ven trời xa rộng…


                        Tố Hữu
         Xà lim Quy Nhơn, tháng 10/1941
 

Đọc lại tập thơ Từ ấy của Tố Hữu đã xuất bản từ năm 2000 về trước, hình như chưa có bài Lòng thợ viết tại nhà ngục Quy Nhơn. Phải chăng bài thơ bị thất lạc hay về sau Tố Hữu quên không đưa vào.13

Tố Hữu bị giam ở nhà ngục Quy Nhơn, vừa “trả nợ” xong sáu tháng tù tăng án thì lại bị giải lên nhà ngục Đăk Glei. Khoảng tháng 12 năm 1941, trên chiếc xe tải bịt bùng, chúng chở Tố Hữu lên phía bắc Kon Tum như lần trước.

Đến trại tập trung, Tố Hữu gặp lại bác Lê Văn Hiến và mấy anh bạn cũ, dù là tù tội nhưng không khí lúc ấy rất vui. Lại có thêm hai đồng chí mới vào đây: Chu Huy Mân và Nguyễn Duy Trinh, đều là các vị “bô lão” xứ Nghệ mình. Các đồng chí cho Tố Hữu biết thêm tình hình mới về Liên Xô, về bọn phát xít Đức... Còn tình hình trong nước thì ngày càng gay go. Bọn Nhật vẫn ngồi trên đầu bọn cai trị Pháp và Nam triều, cướp bóc, giết người man rợ. Nhưng điều mừng nhất là cụ Nguyễn Ái Quốc đã về nước, ở đâu đó và đã phát lời “Hiệu triệu cứu nước” gửi đồng bào toàn quốc. Thế cách mạng đã có ngọn cờ lãnh đạo đầy uy tín đối với cả dân tộc. Lúc này, địch càng khủng bố ác liệt, bắt giam bất cứ ai có chút lòng yêu nước. Cán bộ, đảng viên vào chật các nhà tù, chỉ còn một số ít hoạt động bí mật. Tình thế này thì phải bằng mọi cách, xây dựng cơ sở ở mọi nơi, nhất là vùng nông thôn, địa bàn rừng núi. Phải vượt ngục thôi.

Tố Hữu bàn với Huỳnh Ngọc Huệ, người bạn thân cũ: “Mày với tao về Quảng Nam, Thừa Thiên. Tìm lại các mối rồi gây dựng dần phong trào”. Huệ đồng ý ngay. Tố Hữu hỏi ý kiến Chu Huy Mân và Nguyễn Duy Trinh. Các đồng chí đều tán thành...

Ngày 14 tháng 3 năm 1942, Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ cứ tự nhiên ra bờ suối đi làm như thường lệ. Rồi lặng lẽ lẫn trốn vào rừng sâu. Và cứ như thế, vừa đi vừa dò đường, vừa canh chừng bọn địch, nhắm hướng Quảng Nam mà tiến. Sau mấy ngày đến làng Rô, rồi vượt qua nhiều địa bàn có đồn địch đóng, nhờ được nhân dân che chở, hai ông đã thoát vòng vây của mật thám. Sau gần cả tháng trời hai người mới về tới Đà Nẵng. Để đảm bảo an toàn, từ đây, chia tay, Tố Hữu đi theo một hướng, Huỳnh Ngọc Huệ theo một hướng khác (nhưng không may, Huỳnh Ngọc Huệ bị sốt nặng, phải vào bệnh viện nên bị bọn chúng nhận ra và bắt lại), Tố Hữu trở về bắt liên lạc, gây dựng cơ sở ở Huế, Quảng Trị, Đồng Hới, rồi ra hoạt động ở Thanh Hóa, Hà Nội, lên Việt Bắc...

Cuối năm 2016, chúng tôi có dịp trở lại Kon Tum. Nhờ ngành văn hóa và bạn bè ở đây giúp đỡ, chúng tôi đến thăm các di tích nhà ngục, nơi từng giam giữ những chiến sĩ cộng sản. Người vừa dẫn đường vừa kể chuyện cho chúng tôi là nhà thơ Tạ Văn Sỹ, ở Hội Văn nghệ Kon Tum, trong câu chuyện về thơ Tố Hữu, anh khoe: “Tớ mới tìm ra được một trong những bài thơ “thất lạc” của Tố Hữu viết tại Đăk Glei. Bài thơ có tên Ân hận”.

Bài thơ này do nhà báo lão thành Đoàn Bá Từ, một cựu tù ở Đăk Glei cùng thời với Tố Hữu “lưu giữ” bằng trí nhớ. Ông Đoàn Bá Từ cho biết, bài thơ này tự tay Tố Hữu chép đưa cho ông để “đăng” vào tờ báo do tù chính trị phạm thực hiện tại ngục Đăk Glei. Những số báo viết tay “xuất bản” ở đây đều do Đoàn Bá Từ kỳ công chép tay trên 6 trang giấy rồi đóng tập, chuyền nhau đọc. Do vậy, mọi người có bài đều phải đưa cho Đoàn Bá Từ để chép vào trang báo.14

Nhiều năm sau này, nhà báo Đoàn Bá Từ cứ thắc mắc không hiểu tại sao trong các tập thơ của Tố Hữu lại thiếu bài Ân hận này. Chính vì thế ông mới ghi lại và cho công bố:

“Tôi muốn đưa em tới Lớp trường/ Vở đời em sẽ ghép thêm chương
Hồn tôi lưu luyến nương trong đó/ Sáng tợ gương và phảng phất hương”...


Việc ra báo ở nhà ngục Đăk Glei được Lê Văn Hiến viết trong Trở lại Kon Tum như sau: “Trong trại, chúng tôi ra hai tờ báo; một tờ do anh em ở phòng dưỡng bệnh xây dựng lấy tên là La-za-rê... và một tờ lấy tên Chàng Làng... Ngày Tết anh em ra tạp chí Mùa Xuân... Tòa soạn gồm có những anh em như Hà Thế Hạnh, Lê Nhu, Đoàn Bá Từ, Nguyễn Trọng Vĩnh, về sau có thêm đồng chí Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ... Các tờ báo phản ánh khá trung thực sinh hoạt của trại và đã góp một phần quan trọng vào việc giáo dục, giải trí cho anh em”.

Ở một đoạn khác Lê Văn Hiến viết15: “Sáng mồng 4 tháng 6 năm 1942 chúng tôi lên đường từ Đăk Glei để tới Đăk Tô... Để đề phòng địch lục soát tài liệu lợi dụng những sơ hở để phản công, ngay trong đêm ấy anh em nhất trí hủy tất cả giấy tờ, văn bản, không giữ lại một mảnh giấy, sợ địch vin cớ khủng bố. Ngoài số tài liệu ra, chúng tôi tiếc nhất là tập thơ của Tố Hữu cũng phải hủy”.

Hay như trường hợp Tố Hữu làm thơ ở đây, Lê Văn Hiến viết: “Chúng tôi tổ chức những chuyến đi như những nhà thám hiểm. Một lần gặp một thác nước rất đẹp, Tố Hữu có làm bài thơ “Thác lụa”. Lần khác lại gặp một thác nước khác ba bậc đổ từ trên cao xuống, nhà thơ lại cho ra đời bài thơ “Dưới dòng thác đổ”. Tiếc rằng hai bài thơ này đến nay không còn được lưu giữ”.

Phải chăng hai bài thơ trên và bài Ân hận này cũng nằm trong tập thơ đã bị hủy mà Lê Văn Hiến nhắc tới?

Dưới đây là bài thơ Ân hận được chép lại từ trí nhớ lâu ngày của ông Đoàn Bá Từ nên có mấy chỗ sai hoặc nhớ nhầm, thành ra khó hiểu, nhà thơ Tạ Văn Sỹ đã có vài chỉnh lý lại cho hợp với câu thơ hơn và đã công bố trên báo Kon Tum. Xin chép ra đây để bạn đọc cùng tham khảo.  

ÂN HẬN

        Gửi L  

Tôi muốn đưa em tới Lớp trường
Vở đời em sẽ ghép thêm trương
Hồn tôi lưu luyến nương trong đó
Sáng tợ gương và phảng phất hương.

Tôi muốn đưa em tới nẻo đường
Cho lòng em hiểu nghĩa yêu đương
Ôi thương, nếu chỉ vì sum họp
Tôi đã dừng chân giữa gió sương.


Nên thử mời em chén rượu cay
Em cười; em uống, em rằng: Say!
Mà em say thật, tôi sung sướng.
Tưởng những ngày trong cát bụi bay.

 
Em sẽ cùng tôi đi bốn phương
Lâng lâng cất giọng hát vang lừng
Ngờ đâu giông tố đường ta đã
Giam hãm tôi trong bốn mảng tường.

 
Tôi chẳng buồn chi nhưng chỉ thương
Bơ vơ con én giữa đêm cuồng
Biết chăng em hỡi? lòng tôi hận
Tôi mới đưa em tới Cổng trường.

                                    T.H

Qua nội dung bài thơ Ân hận, theo nhà thơ Tạ Văn Sỹ, thì đây là tâm sự của tác giả với một người bạn tuổi đàn em (tên L.) vừa được tác giả dẫn dắt theo trường cách mạng: “Tôi mới đưa em tới Cổng trường”. Các từ “Lớp trường, Cổng trường” viết hoa là ẩn dụ trường lớp cách mạng, nhưng nửa chừng thì tác giả bị tù đày, không còn dìu dắt tiếp tục, để “em” tự xoay xở giữa bao gian khó hiểm nguy “bơ vơ” con én giữa đêm cuồng”, và tác giả lấy đó làm điều ân hận. (Dĩ nhiên việc để người bạn nhỏ “bơ vơ” là do yếu tố khách quan, nhưng với lòng tự trọng của một nhân cách, tác giả tự cho mình có lỗi mà ôm niềm ... ân hận!).

Nghiên cứu và tiếp tục nghiên cứu về nhà cách mạng Nguyễn Kim Thành - nhà thơ Tố Hữu trong những năm tháng hoạt động cách mạng bị kẻ thù giam cầm, theo tôi, ở ông có hai tư cách lớn đều như nhau. Tư cách nhà thơ và tư cách nhà cách mạng. Với Tố Hữu thì hai tư cách ấy luôn hòa quyện với nhau làm một, vì thơ Tố Hữu chính là thơ ca cách mạng, một nguồn sinh khí cách mạng đã nâng đỡ, tiếp sức thêm cho nhiều người bị giam cầm trong ngục tù đứng dậy, nhiều người còn đang “ngơ ngác” ở ngã ba đường đã đến với cách mạng một cách tự nguyện, tin ở ngày mai sẽ chiến thắng.

Xưa nhiều người đã khẳng định, nay chúng tôi xin nhắc lại, Tố Hữu là nhà cách mạng xuất sắc, nhà thơ lớn của dân tộc, ông mãi mãi là con chim đầu đàn của nền thơ ca cách mạng Việt Nam.

Huế, tháng 3/2019
D.P.T  
(TCSH364/06-2019)

------------------
1. Tố Hữu, Nhớ lại một thời (Hồi ký), Nxb. Văn hóa Thống tin, 2002, tr. 8.
2. Nhớ lại một thời, Sđd, tr. 18.
3. Nhớ lại một thời, Sđd, tr.24.
4. Nhớ lại một thời, Sđd, tr.36
5. Nhớ lại một thời, Sđd, tr.37
6. Nhớ lại một thời, Sđd, tr. 38
7. Hội tù yêu nước Thừa Thiên Huế, Chí khí trong lao tù, Nxb. Thuận Hóa, 2002, 22.
8. Nhớ lại một thời, Sđd, tr. 42.
9. Theo cuốn Nhà đày Lao Bảo (1896 - 1945), Nxb. Chính trị QG, 2002, tr. 252, thì số tù nhân từ Huế  chuyển lên Lao Bảo đợt này (9/1940) là 6 người, thêm Trần Công Khanh.  
10. Nhà đày Lao Bảo (1896-1945), Sđd, tr. 252.
11. Tỉnh ủy Đắk Lắk - Viện Lịch sử Đảng, Lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột, 2010, tr.83.
12. Bài thơ Tiếng hát đi đày của Tố Hữu ra đời trong hoàn cảnh này. Năm 2016, trong đợt đi khảo sát lại  con đường Tố Hữu từng bị địch giải lên Đăk Glei (gần dưới chân núi Ngọc Linh - nơi nổi tiếng với sâm  Ngọc Linh) chúng tôi rất ngạc nhiên là từ ngoài đường 14 rẽ vào nhà giam này, thi thoảng có những cột  mốc cây số ghi khoảng cách “Ngục Tố Hữu 5 km”, “Ngục Tố Hữu 1 km”...
13. Mới đây ở Hà Nội cũng tìm ra bài thơ này nhưng có tên là “Đời thợ” và có nhiều câu rất khác với Lòng thợ.
14. Nhà báo Đoàn Bá Từ, cựu tù Đăk Glei, đã mất tại Đà Nẵng vào tháng 10/2014, tiên thọ 98 tuổi.  
15. Xem thêm Thời soi động của Chu Huy Mân. 






 

Các bài mới
Các bài đã đăng