Tạp chí Sông Hương - Số 364 (T.06-19)
Nghiên cứu ngoại biên trong khoa học xã hội nhân văn
09:38 | 26/07/2019


PHAN TUẤN ANH

Nghiên cứu ngoại biên trong khoa học xã hội nhân văn
Ảnh: internet

1. Vấn đề trung tâm và ngoại biên trong triết học

Lịch sử triết học, nhất là lịch sử triết học phương Tây có thể nói chính là lịch sử phủ định, xác lập, thay thế nhau giữa các trung tâm. Mỗi trường phái triết học ra đời là sự thay thế trung tâm triết học này bằng trung tâm triết học khác. Theo Lê Nguyên Long: “Lịch sử siêu hình học phương Tây suốt từ thời cổ đại đến nay, theo Derrida, là một chuỗi những tìm kiếm không ngừng một cái logos như là một trung tâm, một hiện hữu nguyên ủy (the originary presence), hay nói cách khác, một cái nguyên ủy vắng mặt (the absent origin). Cái logos đó luôn được viện dẫn, bởi nó hứa hẹn đem lại ý nghĩa và mục đích cho tất cả mọi vật. Nó có chức năng như một trung tâm phổ quát, một cái sở biểu siêu nghiệm (the transcendental signified) mà tất cả mọi cái năng biểu (the signified) đều quy chiếu về” [5,22]. Đọc lại tiểu luận Structure, Sign and Play in the Discours of the Humain Sciences (Cấu trúc, kí hiệu và trò chơi trong diễn ngôn các khoa học nhân văn), J. Derrida đã chỉ ra phạm trù trung tâm trong triết học phương Tây được biểu hiện bằng nhiều thuật ngữ, với nhiều hàm nghĩa khác nhau như: bản chất, chủ thể, tồn tại, Thượng Đế, thực thể, con người… Trên thực tế, chúng ta thấy rằng trong hệ thống triết học của những trường phái lớn, hoặc những triết gia lớn luôn có nhiều trung tâm, hay thường thể hiện mối quan tâm của họ hướng đến nhiều lĩnh vực. Ví dụ triết học Marx ít ra có ba mối quan tâm cơ bản là kinh tế chính trị, chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử.

Các nhà nghiên cứu lịch sử triết học trên thế giới thường phân định lịch sử triết học vào một số trung tâm chính, và xếp các trường phái, triết gia vào trong từng trung tâm đó. Ví dụ, S.E. Frost trong Những vấn đề cơ bản của triết học đã chia lịch sử triết học ra thành các trung tâm cơ bản như Bản chất của vũ trụ (có thể tóm lược thành “vũ trụ” - PTA); Vị trí con người trong vũ trụ (con người); Cái thiện và cái ác là gì? (thiện - ác); Bản chất của Chúa (Thượng đế); Định mệnh chống lại Ý Chí Tự Do (Tự do); Linh hồn và sự bất tử (Linh hồn); Con người và Nhà nước (Nhà nước); Con người và Giáo dục (Giáo dục); Ý thức và vật chất; Ý tưởng và tư duy (tư duy). Trong từng trung tâm, có sự tham gia bàn luận của nhiều triết gia khác nhau, dẫu đồng đại hay lịch đại. Chỉ tính riêng trong bản thân một logos, ta đã thấy từng trường phái triết học hay quan điểm của từng triết gia đã có sự thay đổi.

Nói tóm lại, trong mỗi logos của triết học, quan điểm của mỗi triết gia, trường phái là rất khác nhau, thậm chí đối lập, phủ định lẫn nhau gay gắt. Cũng thật khó để nói đến sự tiến bộ trong quan điểm triết học của từng trung tâm này. Ở mỗi thời đại, tùy theo quan điểm, hoàn cảnh lịch sử cụ thể, người ta có thể nhấn mạnh, độc tôn, cực đoan theo hướng này hoặc hướng khác. Tuy nhiên, sự thống nhất ở đây nằm ở tính trung tâm của từng logos cơ bản này. Mặc dù triết học rất phức tạp, trừu tượng, lịch sử đầy bất trắc của nó vẫn có thể gói gọn vào vài trung tâm (logos) cơ bản. Ở tầm vĩ mô, những logos này thay thế lẫn nhau, bởi từng thời đại sẽ có mối quan tâm hơn với từng logos. Ví dụ thời cổ đại, khi ý thức con người mới phát triển, sự chinh phục, thông hiểu tự nhiên còn thô sơ, logos chính yếu trong triết học là “Vũ trụ”. Thời trung cổ, khi chế độ phong kiến chiếm ưu thế và Nhà thờ Kito giáo nắm toàn bộ thần quyền lẫn thế quyền, thì logos chính yếu là “Thượng đế”. Vào thời Phục Hưng, dưới ánh sáng của khoa học và ý thức nhân văn, logos chính yếu của triết học là “Con người”… Các logos thay thế lẫn nhau, phủ định, đối kháng nhau, nhưng các logos này không hoàn toàn bị mất đi hay xóa bỏ hẳn. Logos “Con người” có thể nói ra đời từ triết học Phục Hưng, được kéo dài mãi về sau trong phong trào triết học nhân sinh, mà đỉnh cao của nó là triết học hiện sinh…

Những công trình lịch sử triết học khác viết theo mô thức quy đồng vào các trung tâm cũng không hiếm, cho dù sự phân định các logos hoặc các triết gia có thể khác nhau, tiêu biểu là công trình của Samuel Enoch Stumpf và Donald C. Abel (2003), Nhập môn triết học phương Tây [6] hay Phan Quang Định trong Toàn cảnh triết học Âu Mỹ thế kỷ XX [3] chia ra một số logos chính như: thể tính, nhân vị, hiện sinh… Như vậy, lịch sử triết học phương Tây cho đến trước thời hiện đại, vẫn nhấn mạnh và là sự thay thế nhau giữa các trung tâm. Chỉ đến khi triết học hậu hiện đại ra đời mà hạt nhân tư tưởng của nó là thuyết Giải cấu trúc, vấn đề ngoại biên mới được đặt ra và ý thức một cách riết róng. Tuy nhiên, triết học hậu hiện đại/giải cấu trúc ra đời ngay trong thời hiện đại (nửa đầu thế kỷ XX), trong khi đó “hoàn cảnh hậu hiện đại” (La condition postmoderne) mà J.F. Lyotard dự báo trong cương lĩnh nổi tiếng cùng tên thì phải đến thập niên 90 thế kỉ XX mới hoàn thiện chín muồi, cho nên chúng ta tạm thời có mô hình khái quát như sau về vấn đề trung tâm và ngoại biên trong lịch sử triết học phương Tây:



Triết học giai đoạn A (đề cao trung tâm) đã nỗ lực kiến tạo các logos có tính toàn trị và toàn năng trong việc giải thích thế giới, con người và vận hành xã hội. Các trường phái triết học này, tiêu biểu như Nho giáo ở phương Đông, triết học thần học Kyto phương Tây thời Trung cổ, triết học cổ đại Hy Lạp của Platon đã nhấn mạnh đến việc tạo ra một trật tự theo kiểu hướng tâm. Trong xã hội, có một trung tâm nào đó như vua, Thượng đế, ý niệm tuyệt đối, nền cộng hòa, đạo đức… mà tất cả phải tuân phục, đặc biệt là tuân phục người đại diện tuyệt đối cho trung tâm. Nhà triết học giải cấu trúc J. Derrida cho rằng, trung tâm vừa nằm trong lại vừa nằm ngoài cấu trúc của xã hội, vừa là một thành tố, lại vừa đứng trên mọi thành tố còn lại trong cấu trúc của nó. Như vậy, trong mỗi xã hội đều có một trung tâm, trong triết học cũng có trung tâm, trung tâm là thành tố của xã hội và triết học, nhưng nó không hề bình đẳng với mọi thành tố khác mà luôn mang xu hướng đứng trên, nằm ngoài cấu trúc. Ví dụ vua không bị xét xử, truy tố trước luật pháp dẫu có phạm tội gì đi chăng nữa. Hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới quy định tổng thống, thủ tướng hay thậm chí cả nghị sĩ quốc hội được quyền miễn truy tố trước pháp luật khi còn tại nhiệm. Hóa ra trung tâm đứng trên/ ngoài hệ thống cấu trúc xã hội. Trong triết học cũng tương tự, triết học của Hegel hay Platon giải thích rất nhiều vấn đề về con người, xã hội, tri thức, nhưng trung tâm cuối cùng của nó là ý niệm (tuyệt đối).

Theo Lê Nguyên Cẩn [5,50], giai đoạn triết học chứng kiến quá trình trung tâm hóa (hướng tâm) rõ rệt nhất là thời kì Ánh sáng (thế kỉ XVIII). Đây là giai đoạn mà xã hội châu Âu chứng kiến quá trình tư bản hóa cao độ, sự đề cao lí trí và khoa học một cách tuyệt đối, từ đó, dẫn đến xuất hiện nền tảng triết học duy lí, những đế quốc với hình thái cực đoan nhất của nó là các quốc gia phát xít. Ông gọi đây là nền tảng triết học đề cao quyết định luận và tính tổng thể.

Triết học trong giai đoạn B (đề cao ngoại biên) ra sức giải trung tâm, bằng cách lấy ngoại biên làm không gian suy tư. Ngôn ngữ trở thành triết học của ngôn ngữ và là không gian chính yếu để các nhà hậu hiện đại/ giải cấu trúc trình bày lí thuyết triết học ly tâm, đa tâm, phi trung tâm hóa (décentralisation) của mình. Hàng loạt mệnh đề triết học mới mang tính giải tâm hóa (decenteration) ra đời như hỗn độn (chaos), phi lựa chọn (nonselection), mảnh vỡ (fragment), chủ nghĩa cực hạn (minimalism), huyền ảo (magical), liên văn bản (intertext), chống đại tự sự, trò chơi (play)…, ảnh hưởng trực tiếp đến nghiên cứu văn học. Thực ra, trong nền tảng triết học hiện đại như chủ nghĩa hiện sinh, phân tâm học, hiện tượng luận đã có những mầm mống phi tâm hóa, giải trung tâm, nhưng phải đến triết học hậu hiện đại/giải cấu trúc với các nhà lập thuyết như J. Derrida, J.F. Lyotard hay M. Foucault thì vấn đề ngoại biên mới được đưa vào hạt nhân của sự suy tư triết học.

Triết học giải cấu trúc là hạt nhân tư tưởng chính của chủ nghĩa hậu hiện đại. Giải cấu trúc là giai đoạn phát triển sau của chủ nghĩa cấu trúc, nhưng mang tính phủ định lại chủ nghĩa cấu trúc. Giải cấu trúc được J. Derrida sáng lập và là nhà triết học tiêu biểu nhất. Công trình nổi tiếng đầu tiên của J. Derrida khai sinh ra giải cấu trúc có lẽ là Cấu trúc, kí hiệu và trò chơi trong diễn ngôn các khoa học nhân văn được trình bày vào tháng Mười năm 1966 tại Đại học John Hopkins. Trong công trình nổi tiếng này và cả những kiệt tác triết học xuất bản năm 1967 như Écriture et Différence (Viết và sự khác biệt), La Voix et Phénomene (Lời nói và hiện tượng), De la Grammatologie (Ngữ pháp học), J. Derrida đã ra sức giải trung tâm, cho rằng vì trung tâm không thực sự đứng trong cấu trúc, mà đứng bên trên, bên ngoài, nên thực ra nó không hẳn là trung tâm. “Trung tâm là ở trung tâm của tổng thể tính, nhưng, vì khi trung tâm không thuộc về tổng thể tính (không phải là một phần của cái tổng thể tính), mà tổng thể tính lại có trung tâm của nó ở những nơi khác. Nên trung tâm không phải là trung tâm” [9]. Từ đó, J. Derrida đã đi đến chỗ phủ định trung tâm, lập luận không hề có trung tâm thực sự bền vững trong triết học, bởi lịch sử của nó đã chứng kiến quá nhiều sự thay đổi trung tâm khác nhau. Mọi vấn đề theo J. Derrida chỉ là diễn ngôn (discourse), ở đấy, nguyên tắc trò chơi (play) chi phối tất cả. Cái biểu đạt (the signifier) thực ra không biểu thị cho bất kì cái được biểu đạt (the signified) nào mà chỉ biểu đạt cho những cái biểu đạt khác. Đi từ sự loại bỏ trung tâm trong triết học, J. Derrida đã nhấn mạnh đến việc các cấu trúc được thả lỏng, cấu trúc bị biến thành giải cấu trúc, ngôn ngữ là trò chơi tự do của hệ thống cái biểu đạt. Như vậy, qua lập luận trên, đi liền với sự xóa bỏ vai trò của trung tâm là sự nhấn mạnh đến phần ngoại biên trong triết học của J. Derrida.

Khác với những hệ thống triết học đề cao vai trò của triết học trong hệ thống các khoa học nói chung và khoa học nhân văn nói riêng, đặc biệt là đối với ngữ văn học, Derrida đã giải cấu trúc quan niệm này thông qua việc nhấn mạnh triết học cũng chỉ là một diễn ngôn sử dụng chất liệu ngôn ngữ. Ngôn ngữ lại luôn mang tính trò chơi nên xét về bản chất, triết học thực ra không có quyền phán xét, không là chân lý tuyệt đối mà nó cũng tương tự như thi ca, nghiên cứu văn chương. Derrida ra sức phủ định cái gọi là logocentrism (trung tâm phán quyết về sự chắc chắn) của triết học, để chứng minh thực ra mọi diễn ngôn đều có tính ẩn dụ. Nhìn chung, triết học giải cấu trúc của Derrida đã quan tâm nhiều đến ngôn ngữ và văn học, biến ngôn ngữ và văn học thành trung tâm của đời sống triết học, nâng vị thế của chúng từ ngoại biên vào trung tâm đời sống trí thức phương Tây trong thế kỉ XX. Đúng như nhận định của Forrest E. Baird: “Điều này có thể cắt nghĩa tại sao thuyết giải cơ cấu (giải cấu trúc - PTA) - với việc nó đọc kĩ bản văn để phát hiện hoạt động của ngôn ngữ chống lại chính nó - đã có ảnh hưởng lớn nhất của nó trong văn học, hơn là trong triết học” [1,660].

Nhà triết học thứ hai có ảnh hưởng lớn đến việc ra đời của nghiên cứu ngoại biên đó là J.F. Lyotard - cha đẻ của triết học hậu hiện đại trên thế giới. Hậu hiện đại - với tư cách một thuật ngữ trong nghiên cứu văn học nói riêng và khoa học xã hội nhân văn nói chung xuất hiện từ rất sớm, có thể ngay từ thế kỷ XIX đã được sử dụng, nhưng với tư cách một mệnh đề triết học, được trình bày trong một công trình triết học thì phải đến năm 1979, với cuốn sách có tính chất cương lĩnh của Lyotard là Hoàn cảnh hậu hiện đại.

Tư tưởng về hậu hiện đại của Lyotard rất gần gũi, hoặc được lấy cảm hứng trực tiếp từ triết học giải cấu trúc của J. Derrida ở điểm: một trong hai định nghĩa của ông về hậu hiện đại, đó là “sự hoài nghi đối với các siêu tự sự”. Siêu tự sự (métanarrative) hay đại tự sự (grand narrative) (có nơi dịch là siêu truyện (métarécit) hay truyện lớn (grand récit) vốn là những thuật ngữ nhằm chỉ những học thuyết lớn, có tính chất toàn trị, có khả năng tự hợp thức hóa chính nó và có tham vọng bao quát mọi vấn đề trong xã hội. Ví dụ như tư tưởng Ánh sáng, triết học Hegel, thần học Kyto… Tư tưởng về chống lại đại tự sự của Lyotard thực chất là một biến thể của tư tưởng giải cấu trúc, tức giải hợp thức hóa (délegitimation) các trung tâm nhằm đề cao ngoại biên - tiểu tự sự. Theo Thụy Khuê (Diễm Cơ), “Hành động chấp nhận uy quyền của một siêu văn bản, Lyotard gọi là chấp nhận “sự khủng bố của lý thuyết tư biện” (la terreur spéculative) và ông cho đó là sự “bất công tuyệt đối”. Hậu hiện đại chống lại những bất công ấy, chống sự “độc tài” của các lập thuyết trong các văn bản lớn (grands récits), siêu văn bản (métarécits), chủ trương bảo tồn và phát huy tính chất đa dạng của các thuật ngôn ngữ trong các vi văn bản (petits récits)” [7,437].

Có thể thấy triết học của cả J. Derrida và Lyotard đều có chung một cội nguồn - đó là lí thuyết trò chơi ngôn ngữ (jeux de langage) của nhà triết học ngôn ngữ L. Wittgenstein. Ở chương 3 của cuốn Hoàn cảnh hậu hiện đại, với tựa đề “Phương pháp: trò chơi ngôn ngữ”, Lyotard đã áp dụng hiệu quả các quan điểm triết học ngôn ngữ của Wittgenstein vào việc nghiên cứu tình hình tri thức hậu hiện đại. Bằng việc nhấn mạnh đến tính dụng hành (pragmatique) của ngôn ngữ, nhà triết học hậu hiện đại đã đặt ngôn ngữ vào trong những tình huống phát ngôn cụ thể mang tính ngữ dụng học (sprachpragmatic), gắn liền với chủ thể nói/viết. Ngôn ngữ luôn mang tính trò chơi, không tiên đề có những quy tắc chơi, mà do người chơi thỏa thuận với nhau.

Lyotard hình dung cấu trúc xã hội giống như cấu trúc của ngôn ngữ. Ở đấy, ông không chấp nhận các đại tự sự - đại diện cho phần trung tâm có quyền uy tối thượng, mà chủ trương một xã hội hậu hiện đại với các vi văn bản, trong đó mọi người đều có quyền phát biểu ý kiến, ngay cả khi nói sai mà ông dùng thuật ngữ ngộ luận (paralogie) vẫn phải được lắng nghe. Tiểu tự sự (vi văn bản) - đại diện cho phần ngoại biên được Lyotard đặc biệt nhấn mạnh trong một cơ cấu xã hội mới. Tiểu tự sự là cách thức để chống lại sự chính thống hóa tri thức của các đại tự sự. Tiểu tự sự là những truyện kể cá nhân, có tính văn học dân gian truyền miệng. Tiểu tự sự trong lịch sử bị áp chế và phán xét bởi tri thức khoa học (trung tâm), bởi nó chỉ đại diện cho cá nhân, không có tham vọng thành chân lí phổ quát. “Chính các truyện kể đưa lại cho mình quyền uy. Còn nhân dân theo nghĩa nào đó chỉ là những người hiện thực hóa chúng, và họ làm việc đó không chỉ khi kể, mà cả khi nghe và còn cả khi trở thành nhân vật trong các truyện kể đó, tức khi “chơi chúng” trong các thiết chế của mình” [4,115] .

Một triết gia khác có vai trò quan trọng trong việc hình thành quan điểm ngoại biên trong triết học hậu hiện đại/giải cấu trúc là M. Foucault. Là nhà triết học lịch sử, M. Foucault có xuất phát điểm khác Derrida và Lyotard khi ông không khởi đi từ ngôn ngữ và văn học mà lấy cơ sở ở văn hóa và các hiện tượng xã hội đặc thù như bệnh điên hay tính dục. M. Foucault đặc biệt quan tâm đến các thành phần ngoại biên, bị đẩy ra bên lề xã hội như những người bệnh tâm thần. Trong công trình Bệnh tâm thần và nhân cách (1954) và Lịch sử bệnh điên thời cổ điển (1961) - vốn là luận án tiến sĩ của ông, M. Foucault đã chỉ ra cách thức các cá nhân bị loại bỏ ra khỏi xã hội thế nào và xem xét khái niệm “điên” (ngoại biên) thực chất được kiến tạo như thế nào từ phía trung tâm là những người bình thường, không điên.

M. Foucault đã đưa ra nhiều dữ liệu thú vị rằng người điên không phải lúc nào cũng bị loại ra khỏi đời sống xã hội như những kẻ ngoại biên nguy hiểm. Cùng một trạng thái hay một hành vi, nhưng các cá nhân có thể bị tống giam, bị loại bỏ trong một thời đại hay xã hội nhất định, song vào thời đại hoặc xã hội khác thì lại được vinh danh hoặc xem là người bình thường. Ví dụ, người bị bệnh hủi hay con nghiện từng bị cách ly bắt buộc khỏi xã hội, bị coi như tội phạm trong những không gian nhốt họ, nhưng ngày nay chỉ bị xem là người bệnh và không bị áp dụng cách li bắt buộc. Vào thời Trung cổ trở về trước, người điên vẫn được phép sống tự do trong cộng đồng, họ được phép phát ngôn và hoàn toàn không bị cách ly. Nhưng từ thế kỉ thứ XVII trở đi, với sự lên ngôi của lí trí trong thế kỉ của chủ nghĩa cổ điển, người điên bị bắt giam tập trung trong những nhà thương điên, bị tước quyền công dân và quyền phát ngôn như những người bình thường khác. Ở Paris vào thế kỉ XVII, cứ một trăm người dân thì có một người bị giam giữ như những kẻ điên. Những người điên đã bị áp chế, bị giam cầm, bị loại ra khỏi đời sống xã hội bởi các nhà nước đóng vai trò trung tâm điều hành xã hội. Vấn đề là những trung tâm này sẵn sàng qui kết cho mọi người phát ngôn nghịch luận, những kẻ chống đối, những nhà cách mạng, những người thuộc tầng lớp dưới đáy chịu bất công… là kẻ điên để dễ bề cai trị họ bằng cách tống vào nhà thương điên. Một khi lí trí trung tâm độc đoán được lên ngôi, những gì là cảm tính, là ngoại biên đều bị giải hợp thức hóa, bị kiểm soát một cách chặt chẽ trong các nhà thương điên có tính chất y hệt những nhà tù. Như vậy, qui kết một cá nhân là điên loạn, để rồi tống giam họ, loại bỏ họ ra ngoại biên chính là âm mưu và phương pháp mà trung tâm sử dụng để đối phó với kẻ chống đối.

Tổng hợp lại những cặp phạm trù thường chỉ mối quan hệ giữa trung tâm và ngoại biên trong triết học, chúng ta tạm có một bảng phân loại tương đối như sau:



Có thể nói, xu hướng triết học hậu hiện đại ngày nay là hướng về ngoại biên, đề cao ngoại biên trong sự giải trung tâm và bất tín nhận thức về trung tâm. Chúng ta sẽ tạm đưa ra mô hình như sau nhằm hình dung về mối quan hệ đầy phức tạp giữa trung tâm và ngoại biên trong triết học:

a. Trung tâm > Ngoại biên: Mô hình triết học tiền hiện đại
b. Trung tâm <=> Ngoại biên: Mô hình triết học hiện đại
c. Trung tâm < Ngoại biên: Mô hình triết học hậu hiện đại

2. Vấn đề trung tâm và ngoại biên trong văn học


Vấn đề ngoại biên trong khoa học xã hội nói chung và nghiên cứu văn học nói riêng chỉ được đặt ra vào thế kỉ XX, với sự ra đời của tư duy lí luận văn học hiện đại, hậu hiện đại. Theo Trần Đình Sử, thuật ngữ ngoại biên (marginal) lần đầu tiên được học giả người Mỹ Robert Erza Part (1864 - 1944) đề cập đến nhằm nghiên cứu bộ phận người nhập cư trong xã hội Hoa Kỳ [5,2]. Những người nhập cư ở Mỹ có gốc gác từ thế giới thứ ba, chủ yếu là người da đen, người Mỹ Latin, người châu Á nghèo khổ. Họ đến từ những nền văn hóa ngoại lai. Chính vì thế, các nhóm thiểu số, lạc hậu, dễ bị tổn thương này khi đến Mỹ đã bị mắc kẹt trong thế lưỡng nan giữa việc gia nhập vào văn hóa sở tại và giữ lại bản sắc văn hóa gốc của dân tộc mình. Marginal còn chỉ bộ phận văn hóa của những nhóm người ở biên giới, hoặc các nhóm từ bỏ bản sắc cũ để đi theo bản sắc văn hóa mới ở nơi nhập cư. Trần Đình Sử cũng nêu một trong những cội nguồn khác của nghiên cứu văn hóa ngoại biên là nghiên cứu sinh học của nhà thực vật người Đức có tên Beechar vào năm 1942. Beechar đã nghiên cứu sự cộng sinh (symbiosis) của các loài sinh vật ở các vùng giáp ranh địa mạo, nhằm tạo nên một chỉnh thể đầy đa dạng, mang sức sống mãnh liệt mà ông gọi đó là “hiệu ứng ngoại biên” (edge effect), từ đó làm căn cứ cho thuật ngữ văn hóa ngoại biên (marginal culture).

Trong phạm vi nghiên cứu văn học, ta có thể tìm thấy nhiều quan điểm ủng hộ ngoại biên trong các trường phái hiện đại và hậu hiện đại. Sớm nhất có thể là chủ nghĩa hình thức Nga (Russian Formalism) vào những thập niên đầu thế kỉ XX. Chủ nghĩa hình thức Nga ra đời vào thập niên 20 của thế kỉ trước, bao gồm những cây đại thụ như Tynianov, Eikhenbaum, Sklovski, Jakobson, Tomashevski, Propp… xuất hiện đúng vào thời điểm Cách mạng tháng Mười diễn ra nhà nước vô sản đầu tiên hình thành. Những nhà hình thức luận ban đầu chú trọng vào việc nghiên cứu ngôn ngữ thơ, đặc biệt nhấn mạnh đến tính văn học dựa trên vai trò quan trọng của chất liệu hình thức ngôn ngữ. Sklovski trong công trình Về thơ ca và về ngôn ngữ ngoài logic tư duy đã chỉ ra trong ngôn ngữ thơ, ngoài yếu tố logic còn cả yếu tố phi logic. Với mệnh đề nổi tiếng “nghệ thuật như là thủ pháp”, những nhà hình thức luận như Sklovski đã nhấn mạnh hình thức so với phần nội dung, điều này ngược lại với truyền thống nghiên cứu văn học trước đó xem nội dung là trung tâm, còn hình thức chỉ là ngoại biên, chỉ là cái vỏ vật chất nhằm truyền đạt nội dung trong nghệ thuật. Nghệ thuật không phải là bản sao của hiện thực, mà nó nhằm chức năng “lạ hóa” hiện thực thông qua các thủ pháp.

Chính từ nền tảng lí thuyết mà những nhà cấu trúc luận đặt ra, theo Lê Nguyên Long, nhà lí thuyết người Do Thái Itamar Even-Zohar cùng các học trò đã phát minh ra lí thuyết đa hệ thống (polysystem). Có thể nói, trong các lí thuyết nghiên cứu văn học, thì lí thuyết đa hệ thống của Even-Zohar có sự quan tâm một cách trực tiếp nhất và có nhiều kiến giải thú vị về ngoại biên. Trong hệ thống lí thuyết của Even-Zohar, thuật ngữ văn học trung tâm (central literature) và văn học ngoại biên (peripheral literature) đã được nghiên cứu trong mối quan hệ vận động của tiến trình văn học thế giới. Hai khu vực văn học đặc thù này theo Even-Zohar có cấu trúc động như hình dung của các nhà hình thức Nga, tức là chúng liên tục tương tác và hoán chuyển cho nhau. Ông viết: “Đa hệ thống, tức “hệ thống của các hệ thống”, được xem xét trong lí thuyết đa hệ thống với tư cách một toàn thể đa phân tầng mà ở đó các quan hệ giữa trung tâm và ngoại vi là một dãy đối lập (PTA nhấn mạnh)” [8,113]. Văn chương theo quan điểm của Even-Zohar là hệ thống có tính chất đa hệ thống, có sự đa dạng và phân tầng nên giữa chúng luôn có sự lưu chuyển, vận động. Chính vì vậy, sự phân định đâu là trung tâm, đâu là ngoại biên chỉ là phân hạng tạm thời, phụ thuộc vào ngữ cảnh cụ thể đầy tính tương đối. Chính quan điểm này đã cổ xúy và càng thúc đẩy sự quan tâm đến văn học ngoại biên trong nghiên cứu văn học.

Một trong những nhà nghiên cứu văn học, nhà văn hóa lớn khác có nhiều ảnh hưởng đối với sự phát triển của lí luận văn học ngoại biên là Mikhail Mikhailovich Bakhtin. Theo Trần Đình Sử, thuật ngữ ngoại biên trong mỹ học và nghiên cứu văn học của ông là granitxa. Nhà bác học người Xô Viết cho rằng bản chất của văn hóa nằm ở ngoại biên, văn hóa không có trung tâm mà toàn bộ nằm trên đường biên giới, chỉ ở trên đường biên thì văn hóa mới thể hiện đầy đủ sức sống của nó. Trong triết học và mỹ học của Bakhtin, ông thường xuyên nhấn mạnh đến tính chưa hoàn kết, sự đa nguyên và đối thoại (dialogism) và đa thanh, phức điệu (polyphony). Trong công trình nổi tiếng của mình được viết năm 1929 với tựa đề Những vấn đề của sáng tác Dostoievski (sau này tái bản đổi tên thành Những vấn đề thi pháp của Dostoievski), Bakhtin đặc biệt nhấn mạnh đến loại tiểu thuyết đa thanh, phức điệu của Dostoievski. Trong loại tiểu thuyết này, có sự đối thoại liên tục của các ý thức khác nhau, giữa các ý thức trong cùng một chủ thể, và giữa các ý thức của các chủ thể khác nhau mà những nhà nghiên cứu gọi đó là đối thoại liên chủ thể. Đặt mọi nhân vật, ý thức trong trường đối thoại này, thực ra Bakhtin có tham vọng nhiều hơn là khám phá ra một thể loại tiểu thuyết mới. Ông muốn đề ra một nền tảng triết - mỹ học mới, ở đấy sự dân chủ, thông hiểu giữa trung tâm và ngoại biên là điều kiện tiên quyết cho mọi tồn tại.

Năm 1965, Bakhtin xuất bản cuốn luận án tiến sĩ của mình với tên gọi Sáng tác của François Rabelais và văn hóa dân gian thời Trung cổ và Phục hưng. Trong cuốn sách này, ông đặc biệt nhấn mạnh đến nền tảng văn hóa dân gian, mà biểu tượng và linh hồn của nó là những lễ hội carnaval. Theo Bakhtin, đối lập với văn hóa hướng tâm của chế độ phong kiến và nhà thờ Trung cổ khắc kỷ, đối lập với văn hóa thường nhật nhàm chán, trong những lễ hội carnaval, văn hóa toàn dân với sự nhấn mạnh tiếng cười quảng trường, sự suồng sã, nghịch dị (grotesque) trong ngôn ngữ, sự đảo vai xã hội thông qua hóa trang, các bữa tiệc thừa mứa say sưa, tính phồn thực trong các điệu múa, lời ca… là khát vọng dân chủ của nhân dân. Trong các lễ hội carnaval, Bakhtin cho rằng chúng ta có thể chứng kiến rõ nhất sự đổi vai địa vị xã hội và văn hóa giữa trung tâm và ngoại biên. Những vị vua, quý tộc, giáo hoàng bị đem ra nhạo báng bằng cách cho những kẻ ăn mày, điên rồ giả trang, hoặc tạo thành hình nộm để giễu nhại và đốt cháy.

Bakhtin có lẽ là nhà triết học có nhiều sự quan tâm nhất đến khu vực văn hóa ngoại biên, và cũng là người đã đặt ra nhiều nền tảng lí thuyết quan trọng nhất đối với sự phát triển của lí luận văn học hậu hiện đại. Vào thập niên 70 thế kỉ XX trở đi, một số trí thức cấp tiến ở phương Tây có nguồn gốc Đông Âu như Julia Kristeva hay Tzvetan Todorov đã nỗ lực giới thiệu các quan điểm triết - mỹ học và lí luận văn học quan trọng của Bakhtin vào châu Âu. Đặc biệt là sự kiện năm 1966, dưới cảm quan triết học giải cấu trúc luận, J. Kristeva đã đưa ra thuật ngữ “liên văn bản” trong tham luận Bakhtin, lời nói, đối thoại và tiểu thuyết trong một seminar. Từ tham luận này của Kristeva, một hệ lí thuyết văn học hậu hiện đại mới đã ra đời: thuyết liên văn bản.

Các nhà liên văn bản như Kristeva, Barthes, Genette, Derrida… đã đưa ra quan niệm thế giới như một văn bản, hay mọi văn bản đều là liên văn bản, dẫn đến chủ trương chối từ việc truy tầm nguồn gốc trích dẫn/vay mượn/đạo văn… trong các (liên) văn bản. Nếu văn bản từng là trung tâm trong chủ nghĩa cấu trúc, thì trong giải cấu trúc liên văn bản đã thay thế vị trí của nó. Thực chất văn bản chỉ là một mạng lưới đan dệt vô số những văn bản trước nó, bên cạnh nó. Với sự ra đời của thuyết liên văn bản, giải cấu trúc đã tiến hành giải trung tâm tác giả, và cả tính chủ thể trong văn bản. Nếu Bakhtin từng nhấn mạnh đến tính chủ thể của ngôn ngữ, trong đặc tính đối thoại liên chủ thể, thì đến thuyết liên văn bản, chủ thể bị biến mất, (liên) văn bản thay thế như một biểu tượng của khu vực ngoại biên.

Cùng với sự ra đời của thuyết liên văn bản, mỹ học tiếp nhận (Reception Aesthetics) cũng đã góp phần quan trọng trong việc giải trung tâm tác giả văn học. Có thể nói, tư duy lí luận văn học tiền hiện đại luôn nhấn mạnh đến vai trò của tác giả đối với đời sống văn học nói chung và văn bản nói riêng như một Thượng đế toàn năng. Tác phẩm văn học chẳng qua là bản tường trình lại lịch sử tinh thần của tác giả. Qua đó, nghiên cứu văn học thực chất là sự khảo cổ học lại chủ ý của tác giả mà thôi. Các phương pháp xã hội học và tiểu sử học nhờ vậy đã được vận dụng như các công cụ vạn năng trong nghiên cứu văn học tiền hiện đại. Bước sang tư duy lí luận hậu hiện đại, các nhà mỹ học tiếp nhận bao gồm cả hai nhánh là giải cấu trúc và hiện tượng luận - tường giải học đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của người đọc trong việc tạo lập nghĩa cho tác phẩm văn học. Họ đều có một điểm chung là nhấn mạnh đến vai trò trung tâm của người đọc trong việc diễn giải và thông hiểu văn bản văn học. Chỉ từ hoạt động đọc của người đọc trở đi, một văn bản mới biến thành tác phẩm văn học. Có bao nhiêu người đọc thì có bấy nhiêu tác phẩm văn học. Tác giả chỉ là người tạo ra bộ khung, cung cấp nghĩa, còn bản thân người đọc mới là người diễn giải nên tác phẩm, cung cấp cho nó ý nghĩa, giá trị, thông điệp. Như vậy, đúng như quan điểm của Ingarden, tác phẩm văn học là “vật hai lần có chủ ý”, bao gồm cả chủ ý sáng tạo (của tác giả) và chủ ý tiếp nhận (của người đọc).

Lí luận văn học hậu hiện đại phát hiện ra vai trò mới của người đọc. Người đọc không chỉ là chủ thể hứng nhận và truy tìm chủ ý của tác giả, mà thực ra, người đọc cũng là chủ thể đồng sáng tạo. Thậm chí, khi Roland Barthes tuyên bố “tác giả đã chết” trong công trình nổi tiếng của mình, thì đồng thời cũng đánh dấu cho sự lên ngôi của người đọc. Có thể nói, người đọc là một phạm trù triết học - thẩm mỹ, một trung tâm tạo nghĩa trong lí luận văn học hậu hiện đại. Hans Robert Jauss trong công trình kinh điển Lịch sử văn học như là sự khiêu khích đối với khoa học văn học (1970) cho rằng, đã đến lúc cần phải thay lịch sử văn học truyền thống được đánh dấu bằng các mốc tác giả và tác phẩm bằng lịch sử của quá trình tiếp nhận văn học.

Tiêu biểu trong các chủ đề nghiên cứu văn học ngoại biên phải kể đến nghiên cứu về văn học thiểu số (littérature mineure). Hai triết gia giải cấu trúc Pháp là Gilles Deleuze và Félix Guattari đã viết công trình kinh điển Kafka, Pour littérature mineure (Kafka, vì một nền văn học thiểu số) năm 1975. Hai triết gia giải cấu trúc đã lựa chọn một trường hợp điển hình cho văn học ngoại biên/thiểu số, bậc thầy văn chương (hậu) hiện đại thế giới là F. Kafka. Vốn là người gốc Do Thái, nhưng Kafka lại sáng tác bằng tiếng Đức trên mảnh đất ông sống và sáng tác là thành phố Praha thuộc Tiệp Khắc (ngày nay là Cộng hòa Czech). Như vậy, ông là nhà văn “thiểu số của thiểu số” như cách nói của Bùi Văn Nam Sơn.

Thuật ngữ thiểu số (mineure) trong nghiên cứu văn học của Deleuze và Guattari không hàm nghĩa định lượng là thấp kém, mông muội, chất lượng nghệ thuật tồi, mà gần như đồng nghĩa với thuật ngữ ngoại biên, tức nhằm chỉ một vị trí chính trị riêng, mang tính đối kháng/thoại với văn học trung tâm. Nếu văn học trung tâm cần đặt ra những điển phạm, sự chặt chẽ, qui luật rõ ràng thì văn học ngoại biên/thiểu số lại tiến hành giải ngôn ngữ. Trong quan điểm của Deleuze và Guattari, văn học thiểu số/ngoại biên luôn mang tính chính trị một cách trực tiếp, bởi nó mang tính chất đấu tranh giữa ngoại biên với trung tâm. Các tác giả viết: “Không gian hạn hẹp của nó khiến cho mỗi vấn đề cá nhân ngay lập tức bị mắc nối vào chính trị”. Để thực hiện được sứ mạng ấy, văn học ngoại biên phải trực tiếp giải lãnh thổ ngôn ngữ, tiến hành tối đa sự giải phóng ngôn ngữ.

Lí luận văn học hậu hiện đại như vậy luôn chú trọng đến vấn đề ngoại biên, đưa văn học ngoại biên trở thành một trong những thuật ngữ, khái niệm đặc thù và tiêu biểu. Trong cuốn từ điển văn học với tựa đề Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ XX do I.P. Ilin và E.A. Tzurganova chủ biên, phần thuật ngữ khái niệm về chủ nghĩa hậu hiện đại, thuật ngữ ngoại biên (marginalism, marginalisme) được đưa vào nghiên cứu một cách chính thức.

Tóm lại, trong lí luận văn học hậu hiện đại, vấn đề trung tâm và ngoại biên thường được thể hiện qua một số cặp phạm trù đối lập như sau:



Mô hình mối quan hệ giữa trung tâm và ngoại biên trong lí luận văn học là như sau:

a. Trung tâm > Ngoại biên: Tư duy lí luận văn học tiền hiện đại
b. Trung tâm < Ngoại biên: Tư duy lí luận văn học hiện đại (trào lưu tiền phong)
c. Trung tâm = Ngoại biên: Tư duy lí luận văn học hậu hiện đại


Trên đây là một số phác thảo ngắn đề dẫn vào nghiên cứu ngoại biên trong khoa học xã hội và nhân văn, lấy nền tảng ở triết học và ngữ văn học. Từ hai cơ sở này, ta có thể mở ra nhiều lĩnh vực trong tương lai để từ đó thực hiện cuộc chuyển hướng hệ hình trong nghiên cứu khoa học xã hội hướng từ trung tâm ra ngoại biên.

P.T.A  
(TCSH364/06-2019)


Tài liệu tham khảo:

1. Forrest E. Baird (2006), Tuyển tập danh tác triết học từ Plato đến Derrida, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

2. Gilles Deleuze và Félix Guattari (2013), Kafka, vì một nền văn học thiểu số, Nxb. Tri thức, Hà Nội.

3. Phan Quang Định (2008), Toàn cảnh triết học Âu Mỹ thế kỷ XX, Nxb. Văn học, Hà Nội.

4. Jean François Lyotard (2008), Hoàn cảnh hậu hiện đại, Nxb. Tri thức, Hà Nội.

5. Nhiều tác giả (2012), Kỉ yếu hội thảo quốc gia “Văn học trung tâm/ngoại biên: Những vấn đề lí thuyết và lịch sử”, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I tổ chức, Hà Nội.

6. Samuel Enoch Stumpf và Donald C.Abel (2003), Nhập môn triết học phương Tây, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh.

7. Lộc Phương Thủy (chủ biên) (2007), Lí luận - phê bình văn học thế giới thế kỉ XX (tập 2), Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

8. Itamar Even-Zohar (2014), Lý thuyết đa hệ thống trong nghiên cứu văn hóa, văn chương, Nxb. Thế giới, Hà Nội.

9. http://kattigara-echo.blogspot.com/2015/03/cau-truc-dau-hieu-va-tro-choi-trong.html  




 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Gloria J (17/07/2019)