Tạp chí Sông Hương - Số 366 (T.08-19)
Chuyến ngược ngàn
14:41 | 19/09/2019

NGUYỄN THẾ HÙNG    

Anh Thuyên nhà bên xóm Bến sang xóm tôi cưới chị Linh. Chị Linh xinh, da trắng, tóc dài nên nhiều anh trong xóm tôi mê, vậy mà chị lại đi lấy người xóm Bến.

Chuyến ngược ngàn
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Mấy ngày trước khi chị theo chồng, trai xóm tôi buồn như mèo cắt tai, như người già chết vợ. Tôi! Thằng bé mới mười ba tuổi cũng buồn những không biết nỗi buồn của tôi có giống họ? Tôi mất mẹ từ nhỏ, ở với bà, cha có vợ mới. Nhà tôi gần nhà chị, suốt ngày tôi sang cùng chị lích chích trốn tìm, lớn hơn tí có khi chơi cả trò chồng vợ. Khi tôi là chồng, nhưng có khi lại là con. Trong những người buồn thì người buồn nhất có lẽ là anh Cương công an xóm, con của ông chủ tịch xã. Mấy ngày đó anh cứ nhấp nhổm đứng ngồi rồi tựa cửa thở dài. Ai cũng biết anh Cương thầm yêu trộm nhớ chị Linh lâu rồi nhưng không được chị Linh đồng ý. Ngày cưới chị Linh, đám rước dâu đi chưa hết quãng đường đê cuối làng đã bị anh Cương cùng mấy thanh niên trong xóm chặn lại. Đám rước tắc giữa đường là điềm xui xẻo lắm đây. Chị Linh buồn, chị Linh sợ, chị Linh khóc, nước mắt thấm ướt khăn choàng, thấm ướt cỏ bờ đê. Anh Thuyên giận, mặt tím lịm trong gió đầu đông. Khi các bô lão trong đám rước dâu đã hết lời mà nhóm anh Cương vẫn không chịu cho đi. Anh Thuyên đành phải lách hàng bước lên hất hàm hỏi:

- Muốn gì?

Anh Cương liền trả lời:

- Chúng mày chưa đăng ký kết hôn đã dám cưới là phạm luật.

- Luật trong tay cha con nhà mày, cha mày không cho đăng ký, mày chận đường. Đừng để tao phải cởi áo chú rể.

- Tao thách!

Thế là ẩu đả, bùn ruộng ngấu nhuộm đen com lê, cà vạt. Nước ruộng phèn bắn hoen áo cô dâu. Và rồi máu. Máu loang đỏ đường đê, máu phun đầy mặt trai tráng. Hình như từ xưa đến nay mọi cuộc chiến tranh tàn khốc đều có nguyên nhân từ đàn bà?! Anh Thuyên bị bắt nhốt sau khi đã kịp bẻ gãy một tay, một chân anh Cương. Đêm tân hôn chiếc giường cưới lạnh như mặt đá già. Nệm trải giường vẫn phẳng phiu, trắng đến rợn người và đôi chim bồ câu trên gối cưới đang châu mỏ vào nhau đợi được nhầu nhò. Vậy mà anh Thuyên phải co cắp trong phòng giam đầy muỗi mòng với phân chuột. Chị Linh khóc hết nước mắt tha thủi đi ngược chiều gió về lại chiếc giường đơn lạnh nhà mình. Người con gái đẹp nhất làng tôi đã một lần sang mà đò không cập bến.

*

Tội đánh người anh Thuyên phải đi tù ba năm, cộng với cái tội ăn trộm máy bơm hợp tác xã mới bị khui ra tổng cộng anh phải ở tù năm năm. Trại tù cách làng tôi hơn mười cây số, mỗi lần đi thăm anh Thuyên chị Linh đều sang rủ tôi theo. Chị chở, tôi ngồi sau xe ôm theo cái túi trong đựng mấy thứ chị sắm cho anh. Mỗi lần lên dốc, chị Linh phải rướn người đạp xe, mồ hôi thấm chiếc áo phin trắng mỏng gián chặt vào tấm lưng đang trườn qua, trườn lại như nàng tiên cá trong phim. Rồi xe xuống dốc, đường xấu, dốc dài, thỉnh thoảng chị phải phanh gấp, mặt tôi vập vào lưng chị, ướt thơm, mằn mặn, trong tôi dâng lên cảm giác lạ vô cùng. Hình như tim tôi đã đập lỗi nhịp từ thuở mười ba?! Thỉnh thoảng đến những đoạn đường bằng, chị cho tôi chở. Chân ngắn, yên xe cao tôi phải nghiêng người oặt qua, oặt lại đạp với. Chị ngồi ngang oam người về phía trước cho tôi dễ chở. Lưng tôi với người chị thành một khối. Tôi chở không thấy mệt vậy mà chị ngồi sau lại thở gấp, hơi thở phả vào tai tôi nóng rẫy. Người chị cũng nóng hầm hập như đang lên cơn sốt. Tôi lo chị ốm, ngoái lại sau hỏi, chị thở dài nói không sao. Cứ thế khi hết đoạn đường bằng, tôi dừng xe để chị chở, mười lần như một, tôi thấy mặt chị đỏ bừng, mắt hoe hoe ngấn nước và bông tiếng thở dài.

Tôi và chị đi thăm anh Thuyên hết một mùa nắng. Đến mùa mưa, một lần chị em tôi đang chở nhau trên đường thì có một chiếc xe gắn máy đỏ chót chạy ngược chiều. Đường xâm xấp nước, chiếc xe đỏ lại phóng nhanh nước bắn lên khắp áo quần, mặt mũi làm chị lạng tay lái, chiếc xe cùng hai chị em đỗ kềnh sang bên đường. Chúng tôi chưa kịp bò dậy thì chiếc xe máy vừa nãy đã quay lại. Người thanh niên ăn mặc lịch sự vội vàng dựng xe rồi chạy lại đỡ hai chị em tôi lên. Khi đối mặt với chị Linh, anh ta sững mất mấy giây rồi miệng ấp a, ấp úng xin lỗi. Còn tay thì vội vàng rút khăn mùi soa thơm phức trong túi áo ra chấm bùn trên mặt, trên áo chị Linh. Tôi cũng bị nước té lấm lem. Ướt, bẩn còn nhiều hơn cả chị Linh vậy mà chả ai quan tâm. Tủi! Tôi đứng xớ rớ như người thừa. Tôi đứng nhìn. Hết tủi rồi tức cứ trào lên muốn nổ con mắt. Tôi càng tức hơn khi chị Linh còn nhìn thủ phạm mà cười, má ửng hồng, miệng ấp a, ấp úng như người có lỗi lặp đi lặp lại điệp khúc: “Em không sao, em không sao”. Tôi muốn hét lên: “Chị không sao nhưng tôi thì trên chiếc áo mới này đầy nhóc sao… bùn đây này. Chị không sao nhưng tôi ướt hết trơn, hết trụi lạnh muốn chết đây này”. Chị Linh như bị người đàn ông thôi miên, cứ đứng vậy cho người ta lau lên vai, lên má, lên tóc... Tôi không chịu nỗi nữa rồi, tôi nhìn chiếc xe đạp chị em tôi vẫn thường đi giờ nằm chỏng chơ, lỏng khỏng mốc xỉn đến thảm hại bên cạnh chiếc xe gắn máy đỏ chon chót dáng hào hoa. Tôi nhìn túi đồ tiếp phẩm cho anh Thuyên nổi lều phều giữa vũng nước bùn. Không cần xắn quần và cởi giày, tôi lội ào xuống giật chiếc túi lên. Nước đã ngấm vào lỏng bỏng. Thuốc sợi, cá khô… ướt nhoe nhoét. Điên tiết tôi hét lên một tiếng như muốn xé toang lồng ngực mười ba cùng lúc vung tay lẳng mạnh túi đồ. Không cả nhìn túi đồ bay đi bao xa, không nhìn chị, nhìn người đàn ông thủ phạm, tôi quay người cắm cổ chạy thục mạng về nhà. Sau đó tôi biết, chị cũng tất tả đạp xe về theo bỏ dở chuyến thăm anh Thuyên, dù mặt mũi, áo xống đã được người ta lau rất kỹ.

*

Sau lần ấy, mỗi lần đi thăm anh Thuyên chị Linh vẫn sang rủ tôi đi cùng, nhưng tôi viện đủ lý do để từ chối. Dần dần rồi chị cũng thôi không sang rủ nữa. Chị vẫn chăm đi thăm anh Thuyên một mình nhưng tôi lại nghe người làng nói. Hàng tháng chị lấy cớ đi thăm anh Thuyên nhưng chỉ đạp xe ra đến thị trấn rồi sau đó leo lên ngồi sau xe máy màu đỏ chót có người đàn ông chở đi chơi. Tôi cật vấn, chị ôm tôi xoa đầu khóc chẳng nói gì, rồi chị lánh dần mặt tôi. Tôi thấy mất mát thực sự. Đêm đêm tôi thường chìm vào những cơn ngủ mê và đêm nào cũng vậy, trong giấc mơ của tôi luôn có hình bóng chị Linh. Khi chị là thiên thần, khi là ác quỷ. Khi chị là vợ cũng có khi là kẻ phụ tình. Và nghe mọi người nói, trong giấc mơ tôi la hét nhiều lắm. Tôi không gọi bố mẹ, bạn bè mà chỉ gọi mỗi một tên chị Linh. Những giấc mơ lớn hơn tuổi tôi, lớn hơn thể xác tôi. Tôi đã đánh mất đi sự hồn nhiên, ngây thơ ở tuổi mười bốn. Từ những đêm mơ về chị Linh, tôi có thói quen tắm vào buổi sáng. Đến bây giờ tôi vẫn không sao lý giải được chuyện đó. Chỉ có một điều là cho mãi đến khi bị đuổi khỏi trường đại học thì trong tôi vẫn vẹn nguyên tình cảm thuở ban sơ với chị. Tôi không dám nghĩ đó là tình yêu. Nhưng chắc chắn không phải là tình bạn. Người tôi càng ngày càng xanh xao, học hành sút kém. Bà lo đưa tôi đi khám đủ thầy, kể cả thầy… bói và thầy cúng nhưng vẫn không sao tìm ra bệnh. Cuối cùng cha phải về đưa tôi ra thành phố ở cùng. Ở thành phố, môi trường mới, bạn mới, học hành nhiều, nhưng thời gian đầu chị vẫn luôn về trong giấc mơ tôi. Thỉnh thoảng tôi có ghé về thăm quê, thăm bà và mong nhìn thấy chị. Nhưng chả mấy khi được gặp. Hỏi về chị mọi người ậm ự cho qua. Một lần tôi gặp anh Cương bước chấm phẩy trên quãng đường đê. Khi gần xáp mặt tôi, anh cười giả lả bông đùa:

- Ồ tình địch về thăm quê à?

Tôi bảo anh nói bậy. Anh cười đáp lại:

- Bậy gì, tình yêu không biên giới, không tuổi tác. Tình yêu là bất diệt, sẵn sàng chiến đấu đến… chân bại, danh liệt… không biết yêu chỉ có thiệt. Mình yêu Linh dữ dội nhưng chắc không ác liệt bằng cậu. Cậu lời hơn vì luôn được ở bên Linh. Còn mình…

Nói đến đó anh nhìn xuống đôi chân què, đôi chân bại. Khi tôi hỏi anh có còn giận chị, giận anh Thuyên không. Anh Cương chỉ cười rồi khi chia tay buông một câu nhẹ như tiếng thở dài:

- Ngày đó mình và Thuyên cũng chỉ xấp xỉ tuổi cậu bây giờ… lại đang yêu… Linh nó đẹp thế. Đàn bà đẹp làm khổ đàn ông và làm khổ cả chính mình…

Anh chỉ nói vậy rồi lại chấm phẩy đi về phía mặt trời lặn. Còn tôi, ngược chiều anh, tôi đi về phía mặt trời mọc.

Cứ thế theo thời gian, hình bóng chị cũng nhạt dần trong tôi. Tôi thi đậu đại học với số điểm khá cao. Rồi tôi có người yêu. Em Thi của tôi không xinh nhưng có tấm lưng và mái tóc giống chị Linh vô cùng. Những lần say đắm, em thường phủ lên mặt tôi mái tóc dày, dài, óng mượt của em. Tôi nghe như tuổi thơ vọng về. Trong tóc em có hương lúa, hương ngô ngậm đòng. Có mùi phù sa, với hương hoa cà, hoa bí. Em đã sống ở thị thành cùng tôi hai năm vậy mà hương đồng nội vẫn đậm đặc vậy. Tôi không dám nghĩ rồi một ngày kia, tóc em không còn mùi hương cũ. Ừ và liệu bây giờ tóc chị Linh, mồ hôi chị Linh còn giữ mùi hương xưa. Trong mơ, tôi đã là một người đàn ông thực thụ ở cái tuổi mười bốn. Nhưng với Thi, tôi vẫn là một chàng trai trong trắng thơ ngây. Tôi muốn tôn thờ một tình yêu thánh thiện. Bởi tôi sợ. Tôi sợ lắm cái cảm giác tột đỉnh phiêu bồng trong những giấc mơ rồi bưỡi bạ ê chề khi tỉnh dậy. Tôi sợ phút bồng bột vội vã chạm vào điều thiêng để nó không còn thiêng nữa thì cũng là phút tình yêu vỗ cánh bay đi. Tôi sợ lắm phút nhập thân cũng là phút tình yêu tắt thở… Nhưng tôi đã sai lầm, chí ít là trong tình cảm đối với Thi. Để đến khi em ra đi tôi mới biết, em nghi ngờ khả năng đàn ông trong tôi. Ừ nếu chỉ vậy thì cũng không sao, tôi vẫn có thể học xong đại học và rồi cuộc sống sẽ cuốn tôi đi với những vui buồn của nó. Nhưng chuyện đâu chỉ dừng ở đó. Tôi đã phải trút toàn bộ ẩn ức kìm nén vào bộ mặt đắc thắng của người yêu Thi. Đàn ông sợ nhất là bị chế diễu sự bất lực trước đám đông...?! Tôi bị đuổi học. Cha không còn cưu mang. Tôi lại ngược miền gió cát về với tuổi thơ, về với bà. Lòng bà như lòng quê hương, chẳng khi nào xua đuổi những con người lầm lạc tìm đường về.

*

Anh Thuyên và chị Linh đã về quê trước tôi. Sau bao thăng trầm đò chở chị Linh vẫn chưa một lần cập bến. Anh Thuyên mang về quê nghề thợ mộc. Anh lập tốp thợ ngược ngàn. Chị Linh cũng thường xin theo làm chân nấu ăn. Anh làm cố phó, trả lương cho mọi người sòng phẳng như nhau. Ngày tôi về, bà đội mâm sang nhà anh Thuyên xin cho tôi cùng đi làm. Nghe bà nói. Anh cười ằng ặc:

- Bà cho cháu theo thằng tù mà không sợ nó hư à?

- Có việc làm thì không sợ hư. Anh đã ở tù rồi, anh sẽ dạy nó cách để không phải vào tù.

- Muốn không phải vào tù thì đừng giây vào gái. Xin lỗi bà, gái là gốc của mọi tội lỗi.

- Tôi biết, anh nói vậy là anh đã nhận. Thằng kia, sao còn đứng đực mặt ra đó, không quỳ xuống mà bái sư?

- Sư với cụ gì cái thằng tù bà ơi. Sao lại nhận thầy ngược như thế? Hai năm đại học nó đã nghe bao lời vàng, lời ngọc của các vị đại đại giáo sư, đại đại tiến sĩ vậy mà vì gái còn hư. Thằng tù như tôi đang còn trần gian lắm, thầy với sư với cụ gì cái giống tôi. Thôi đếch phải lạy, về chuẩn bị tay bị tay gậy mai sang ngược với anh ta đi ăn mày thiên hạ.

*

Chúng tôi xắm nắm chuẩn bị ngược ngàn từ mờ sáng. Ban đầu thì anh Thuyên dục ghê lắm, dục ăn, dục uống, nhưng khi ăn uống xong anh lại trùng trình hút thuốc Lào vặt rồi ngồi nhìn ra ngõ xỉa răng tanh tách. Xấp xửng mặt trời lên nửa con sào mới thấy chị Linh lần khần vào ngõ. Hình như mắt anh Thuyên có lóe lên một tia sướng. Nhưng, anh chả đổi thế ngồi, nói:

- Chuyến này tôi tìm được người mới, cô không phải đi.

- Người gì cái thằng ngợm đó.

Nghe chị Linh nói mà tôi thắt lòng. Ngày xưa chị đâu có thế. Cái thời quá vãng xa xưa chị gọi tôi cứ một cục cưng của chị, hai cục cưng của chị. Tôi đã đổi thay quá nhiều hay chị đã quá nhiều thay đổi? Chẳng lẽ sau một thời gian ngồi sau yên xe máy đỏ đã biến chị thành một con người như thế này sao? Nghe chị Linh nói, anh Thuyên xẵng:

- Thì cô là người chắc?

- Ngợm cả nột lũ, anh ngợm, tôi ngợm, chúng nó ngợm. Phấn đấu từ khỉ lên người còn lâu lắm, còn trần ai lắm, không nhảy cóc được đâu. Không cho theo, tôi đi làm đĩ anh đừng trách.

Hết thật rồi, chị Linh đã lấy nốt những gì ngây thơ còn lại trong con người tôi. Tôi đã bị chị đánh cắp tuổi thơ thơ ngây và trong trắng. Tôi đang cố phấn đấu để làm người nhưng chị lại kéo tôi về kiếp ngợm. Và tôi sẽ làm ngợm như một điều tất yếu. Thấy chị Linh cương quyết, anh Thuyên cũng không cản nữa, thế là đoàn ngược ngàn. Chúng tôi đi qua một đồi trắng bạt ngàn hoa côm cốm. Hoa trắng khô như hoa giấy, đơn điệu và tẻ nhạt vô cùng. Đi hết nửa ngày đường rừng rồi cũng vào đến nơi. Khi đặt đồ nghề xuống, anh Thuyên nói: “Ngày trước thợ mộc làm nhà thì cơm gà, cá gỡ, người nhà phục vụ từ cái tăm. Còn giờ, cha nó, chui vào tận đây mà vẫn không yên.” Chúng tôi phải tự dựng lán, khi đục gỗ, cả cán đục và dùi đục đều phải ngâm nước để tiếng đục không vọng đi xa. Ngày xưa tiếng vọng của chàng, đục là vui lắm, rộn ran lắm là thanh âm của sự no đủ, sum vầy. Đã đi nhiều lần nên chị Linh biết đào bếp Hoàng Cầm rất khéo. Tất nhiên như anh thuyên nói: “Cũng là để đừng thơi thơi như đéo ngày thôi, chứ mắt cú vọ bọn kiểm lâm chúng nó biết hết, nhưng chủ nó mua rồi…”. Nhóm đàn ông bọn tôi nằm chung một lán, sạp nứa. Còn chị Linh được nằm riêng một lán, sạp ghép hai cái bìa gỗ lim bằng ngằn ngặt. Khi lát xong sạp cho chị Linh, anh Thuyên còn cẩn thận đưa mấy đường bào cho phẳng hết những sóng cưa. Ghép xong anh nhìn cái sạp của chị Linh lạ lắm. Hay anh nhớ lần đầu tiên anh chuẩn bị giường cưới cho mình với chị Linh. Ừ nếu cái giường cưới ngày xưa đó được một lần gối chăn nhàu nhò, mộng mẹo ken két nghiến thì giờ đây cuộc sống của cái bọn ngợm chúng tôi đã được thành người?! Bài học đầu tiên trong nghề thợ mộc anh Thuyên dạy tôi: “Làm phải có mẹo, đ phải có…” Mới vào nghề nên tôi được giao nhiệm vụ bào phá với cưa ngang. Thỉnh thoảng rỗi việc, đi qua chỗ tôi bào, chị Linh ngồi tè he xuống bên đối diện rút bào cùng tôi. Tôi ấn, chị rút được một lúc, mồ hôi của cả hai đều tứa ra, mặt chị lại đỏ sây, đỏ sất, cái thời quá vãng xưa lại hiện về. Quất quanh trong hương đại ngàn, tôi nghe như thoang thoảng mùi tóc chị, mùi tóc em Thi.

Bào phá chỉ mệt mấy ngày đầu, sau đó công việc ít hơn, khi rảnh tôi lại cùng chị lội suối bắt cua, bắt cá, hái môn thục cải thiện. Những lúc đó chị lại trở về với những ngày xưa, những ngày mưa chị xắn cao quần đi qua ngõ nhà tôi ra đồng. Tôi gọi với theo: “Chị Linh ơi, nhớ bắt cho em mấy con muồm muỗm to nhé.” Chị sẽ trả lời: “Cục cưng của chị nhớ ở nhà ngoan, đừng ra bờ ao nghịch nước, rồi chị sẽ bắt cho”. Rồi mỗi lúc bắt được con cua to, chị cũng reo lên hồn nhiên trẻ, răng trắng lấp lánh suối. Tôi lại đứng nhìn chị như vừa lạ vừa quen. Ước gì rừng núi, ruộng đồng mãi giữ chị tôi của những ngày khốn khó xưa. Giờ đây anh Thuyên đã về, hai người làm lại từ đầu cũng đâu có muộn. Vậy mà sao… Đến bữa ăn, chị luôn ngồi gần nồi cơm xới cho cả bọn. Ai ăn xong một bát cũng đều chìa cho chị xới. Riêng anh Thuyên, cứ xong một bát lại đặt kịch xuống sàn, chị Linh phải chồm qua người tôi lấy bát xới cơm cho anh, thoảng trong miếng cơm tôi và có cả mùi tóc chị. Nhìn mọi người quây quần bên mâm cơm tôi lại nghĩ. Nếu như ngày xưa cái giường cưới của anh chị được nhiều lần rung lên và tất thảy chúng tôi đây là những đứa con của anh chị thì chắc bữa cơm sẽ khác lắm. Chí chóe tiếng trẻ con mời mọc, tất bật gắp chuyền bát cho nhau. Anh Thuyên sẽ khề khà chung rượu mắt mơ màng ngắm nhìn đàn con trứng gà, trứng vịt xì xụp rau dưa. Và bữa ăn cứ muốn kéo dài đến vô tận. Vậy mà nay, lặng im, buồn cả trong những miếng và cơm.

Anh Thuyên nhận làm một lúc hai cái nhà lim ba gian. Hì hục hơn tháng trời chúng tôi đã làm hoàn chỉnh một cái. Chủ nhà mang tiền vào tận lán trả và thuê chúng tôi chặt nứa để bó xung quanh cột, hạ, rui, mè, trắn, kẻ dong theo suối về xuôi. Trưa, sau khi ăn cơm xong, anh Thuyên họp cả tốp thợ lại, trước lúc chia tiền anh nói:

- Xong một nếp nhà rồi, nghỉ hai ngày, đứa nào ra thị trấn xả thì đi. Như thỏa thuận, thợ chính ba chục, thợ phụ hai lăm - Quay sang tôi anh nói tiếp - Thằng nửa đại học lấy cái bút tính giúp anh.

Tôi tính đến ai, anh Thuyên đếm tiền trao cho người ấy. Đến lượt chị Linh, ngoài tiền công, anh đưa thêm cho chị ba trăm và nói:

- Tháng rồi tao sang đục mày bốn đêm… cũng theo giá thị trường… tao trả.

Chị Linh đang tính đưa tay cầm tiền bỗng rụt lại, liếc nhanh sang tôi rồi bỗng dưng mặt tái lại, chị chửi:

- Mả cha thằng tù, đồ chó.

Anh Thuyên mặt vẫn không biến sắc thủng thẳng:

- Thằng tù…đù con điếm, chúng ta bình đẳng, sòng phẳng, ăn bánh trả tiền khỏi lẳng nhẳng.

Chị Linh không nói gì, lẳng lặng cầm tiền nhét vội vào cạp quần, nước mắt lả chả rơi. Chị quay sang nhìn tôi bằng ánh mắt thật lạ và khó hiểu. Hình như ánh mắt này tôi đã gặp ở Thi ngày em với tôi còn yêu đương nồng nàn, và ngày tôi rời khỏi trường đại học cũng là ánh mắt ấy của Thi. Rồi không cả tiếng nức, chị bước qua tôi cúi đầu tha thủi đi xuống suối, cứ thế lội ngược dòng. Trong đời chị liệu còn mấy lần phải lội con nước ngược chị ơi?! Tôi nhìn theo chị, rồi lại nhìn anh Thuyên. Chốn nhân gian này có gì đau đớn hơn khi người tình hành hạ người tình. Yêu đương hành hạ yêu đương?! Cả buổi trưa đó chị không về, chiều, chúng tôi khiêng cột nhà xuống suối, cứ một cột được bó vào giữa bốn lọn nứa, còn hạ thì bó vào giữa hai lọn. Mới bó được cột thứ hai tôi thấy anh Thuyên sùng sục chạy về lán cầm theo cây thước vuông xuống suối, anh cuống cuồng đo lại cái cột cái, đo đến ba lần rồi anh mới gọi giật tôi lại: “Thằng mặt trắng, thằng nửa đại học kia lại đây. Mày giết ông rồi, chó liếm hết mực hay sao mà mày thiến cụt cột cái đến năm phân? Cha mày, có mỗi cái câu “mộc gia, nề giảm mà cũng không chịu nhớ”, ngơ ngơ ngác ngác như hươu gạc”. Nghe vậy tôi rụng rời chân tay, thế là hỏng cả cái nhà rồi. Trước khi làm gia chủ đã tính trực rất kỹ, từ tuổi chồng, tuổi vợ, ngày tháng năm làm nhà… giờ cả cái cột lim… Tôi đứng như trời trồng giữa suối, tốp thợ cũng dừng tay theo. Anh Thuyên lẳng lặng bỏ lên lán nằm. Làm cố phó, đứng đầu một tốp thợ làm nhà, kỵ nhất là cắt cụt cột cái. Trước khi vào nghề tôi đã biết, đã học thuộc những điều cấm kỵ của nghề mộc. Vậy mà tôi lại phạm vào điều cấm lớn nhất trong các điều cấm. Ma xui quỷ khiến hay ánh mắt chị Linh, em Thi đã xúi bẫy tôi đưa lưỡi cưa lên trên năm phân. Năm phân cột cái mới chết, cột cái ứng với chủ nhà, ứng với cố phó… Tôi cũng nem nép lên theo anh. Thấy tôi vào anh không nói gì, mắt cứ mở trừng trừng nhìn chòng chọc lên trần nhà. Tôi móc hết tiền công trong túi ra đưa cho anh và nói: “Em có mỗi chừng này, nhờ anh mua cột đền họ… còn thiếu, em làm trả dần.” Anh không nhìn tôi, không trả lời, không cầm tiền. Tôi đặt nắm tiền nhàu nhĩ xuống sạp và lẳng lặng lội xuống suối. Vô thức tôi cũng lội theo con nước ngược. Tôi cứ lội, lội mãi mà vẫn chưa đến được ngọn nguồn, chưa biết được sự nông sâu. Tôi cứ đi và thỉnh thoảng trên đường ngược về nguồn tôi lại gặp tôi, gặp chị Linh với những chiều gió cả, tôi và chị nô đùa trên suối lặn ngụp bắt con bóng cát, con tôm càng, con cua đá. Tôi gặp lại chị, gặp lại tôi của những ngày xưa thân ái. Tôi cứ mộng du đi, tôi sẽ đi không biết khi nào mới dừng lại, chỉ đến khi nghe chị Linh hỏi tôi mới giật mình ngửng lên. Chị đang ngồi chon von trên một hòn đá to mọc giữa lòng suối. Tôi đứng nhìn chị, một lần nữa cảm giác chị vừa lạ, vừa quen lại nổi lên trong tôi. Và ánh mắt hồi chiều của chị lại nhìn tôi. Chẳng lẽ đó lại là ánh mắt của tình yêu? Nếu không phải là tình yêu sao Thi cũng có ánh mắt đó mỗi lần nhìn tôi? Tôi leo lên với chị, cảm giác bã bời nhưng không còn thơ dại để được gối đầu lên người chị liu riu ngủ như xưa. Tôi ngã lưng xuống mặt đá. Đá bao nhiêu tuổi, đau gì mà mặt chằng chịt vết nhăn? Chị bó gối ngồi kề bên mặt lạnh băng, buồn như mặt đá. Hai chị em tôi không nói với nhau lấy một câu, cũng không có ý định sẽ xuôi về khi mặt trời đang từ từ rớt xuống sau núi. Cứ thế tôi mở mắt nhìn đại ngàn đang dần khép. Khi bóng tối bao trùm tôi cũng nhắm mắt và thiếp đi lúc nào không biết, chỉ đến khi những giọt mưa rừng quất vào người rát rạt tôi mới vùng tỉnh dậy. Tôi đã gối đầu lên người chị tự bao giờ, chị đang gập người che mưa cho tôi. Nghe tiếng suối gầm gào, tôi hốt hoảng nhìn xuống. Lũ rừng! Chắc phía thượng nguồn mưa lớn, nước đã lồng về vây kín hòn đá chị em tôi ngồi. Tôi lắc vai chị hét lớn:

- Sao chị không thức em dậy khi còn kịp?

- Nếu nước cuốn đi được thì tốt. Sống chắc gì đã hay hơn chết.

- Nhưng em… em…

- Chưa muốn chết, nhất là chết cùng tôi chứ gì? Thì tại tôi, tại tôi cả - chị hét - để tôi chết đi cho rồi. Đàn ông, tao căm thù đàn ông.

Chị hất tôi ra và định lao mình xuống dòng nước đang há những cái lưỡi dài chờ đợi thèm thuồng. Tôi ghì chị lại trên mặt đá. Không biết nước mưa hay nước mắt chị, nước mắt tôi thấm mặn môi? Một lúc sau, thấy có vùng vẫy, lẫy hờn cũng không thể thoát khỏi được vòng tay thép của tôi, người chị mềm dần, ấm nóng. Tôi vẫn ôm chị, lần đầu tiên tay tôi ôm trọn được một vòng quanh người chị. Mùi tóc, mùi da thịt chị lại rộn lên, ký ức xưa lại ùa về ứ tràn lồng ngực… Tôi vội vàng thả chị ra. Chị hụt hững nhìn tôi thở dài. Hết cơn giông bão trong lòng cũng là lúc trời tạnh mưa. Trăng lên, không biết hôm ấy là mười mấy mà trăng lên sáng rờ rỡ. Hai chị em tôi ngồi bó gối, hết nhìn nước lại nhìn trăng nhưng không ai nói với ai một lời. Hình như mưa phía thượng nguồn cũng đã tạnh, nước suối bây giờ chỉ rì rầm như lời thủ thỉ vuốt ve... Thoảng đâu phía đầu nguồn vọng lại tiếng con chim tìm chồng thống thiết giọi và da diết nhớ: Chàng ơi chàng… chàng ơi chàng… chàng ơi chàng… rồi tiếng kêu khắc khoải của con chim bắt cô trói cột đều đều gõ vào tâm tưởng, nhồi sâu vào cõi mê của người đang buồn. Buột miệng chị nói như than thở một mình:

- Sao muôn đời đàn bà luôn phải theo đàn ông?

- Chả phải, đó chỉ là chuyện cổ tích. Em suốt đời… em cũng vì đàn bà mà khổ…

- Sao Thuyên nó phạm bao nhiêu tội, đi tù về là trả xong nợ… còn chị … biết khi nào thoát hết tội nợ đây em?

- Anh Thuyên cố chấp vậy… sao chị…?

- Em đã từng yêu em biết. Cũng tại chị, cứ cắn răng chịu nhục mấy năm qua cũng chỉ mong có đứa con để Thuyên nghĩ lại. Có lẽ trời đang muốn phạt nên cố mãi mà vẫn chưa có… Nhưng trưa nay, Thuyên lặp lại hành động đó trước mặt em. Chị không còn chịu đựng nổi nữa.

Chị nói rồi chị lại khóc, tôi thấy sao mà xa xót quá. Người con gái đẹp nhất làng tôi, người dệt nên những khung trời tuổi thơ tôi giờ phải chịu thế này sao? Cố nhịn nhục, cố chịu đựng bởi lụy một chữ tình mấy năm trời mà vẫn không thoát khỏi cái quan niệm, cái lồng đạo đức bao đời. Một lần lầm lỡ của chị tôi. Lần đâu tiên lỡ chạy theo cái giống tình yêu của chị cũng là dấu chấm hết cho một thời hoa mộng. Hơn bao giờ hết tôi muốn ôm chị vào lòng vỗ về và chia sẻ. Biết bao giờ trở lại ngày xưa đây? Chị tan nát còn anh Thuyên thì cũng có lành lặn gì đâu, sao họ không thể vá víu cho nhau?!

Trăng vẫn rờ rỡ và nước vẫn vờn chân đá. Chị đã nằm xuống mặt đá và hình như chị đang thiếp đi. Trong giấc ngủ thấy chị thanh bình lạ, chỉ thỉnh thoảng chị lại nấc lên như đứa trẻ bị đánh đòn oan. Trăng núi xanh và mát giát đầy cỏ cây, trăng tô hồng cho môi, má chị. Trăng khỏa lấp đi những nếp nhăn như vết chém của thời gian lên hai đuôi mắt chị. Khuôn mặt chị rờ rỡ dưới trăng. Trong tóc chị trăng cũng vào trốn đầy. Tôi cứ ngồi vậy ngây người ngắm chị ngủ. Cái cảm giác vừa lạ, vừa quen lại ùa về trong tôi. Rồi có lúc tôi giật mình sao chị giống Thi đến lạ, giống từ mái tóc, bờ môi… Ngả người nằm xuống bên chị rồi tôi cũng thiếp đi… Trong mơ tôi thấy Thi trở về với tôi, em úp mặt vào ngực tôi tức tưởi khóc cho những tháng ngày nông nổi. Tôi vuốt tóc em, thơm lên bờ môi cong đã bao lần bạc phấn với môi kẻ bạc tình. Tôi muốn làm hồng lại đôi môi Thi và lần này tôi muốn chứng tỏ khả năng đàn ông của mình. Tôi sẽ làm tất cả vì tôi vì em. Làm như nó vốn là vậy, được vậy và phải vậy Thi ơi... Tôi trườn lên, trườn lên, trườn lên mãi... Đại ngàn rung chuyển. Cây cối ngã nghiêng, suối sùi bọt trắng hổn hển thở. Trăng xấu hổ dấu mặt trong mây, dòng nước cuồn cuộn ghì xiết ghềnh đá. Đá vặn mình răng rắc khớp. Rừng động, muông thú túa ra nhảy múa hoan ca…

Sau phút thăng hoa mãnh liệt, cảm giác hạnh phúc cứ ngấm lắng dân trong tôi hiền dịu miên man như dòng suối sau lũ… Tôi đã tỉnh ngủ nhưng vẫn nhắm mắt nằm nán lại để cho những cảm xúc thần tiên ngấm lắng, để được tận hưởng hết những giây phút hết mình. Để tự thỏa thuê khi đã chứng tỏ được mình là đàn ông đích thực với em Thi… Đến khi nghe vẵng bên tai lời chị nói: “Cảm ơn em, chị tin là lần này chị sẽ có… và anh Thuyên sẽ nghĩ lại…”. Khi ấy tôi mới vùng ngay dậy…

Tôi vơ vội đống quần áo nhảy ào xuống dòng suối đang ngửa mình nây nẩy hứng ánh bình minh… Lần ngược này liệu tôi có còn xuôi?!

N.T.H  
(TCSH366/08-2019)




 

 

Các bài mới
Zaabalawi (25/09/2019)
Các bài đã đăng