Tạp chí Sông Hương - Số 47.x (T.5-1991)
Thử quan tâm thêm một khía cạnh dân tộc tính khi phân tích bài thơ "Tương tư" của Nguyễn Bính (*)
08:59 | 16/12/2019


VĂN TÂM

Thử quan tâm thêm một khía cạnh dân tộc tính khi phân tích bài thơ "Tương tư" của Nguyễn Bính (*)
Ảnh: VnDoc.com

Tương tư

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người.
Gió mưa là bệnh của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.

Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này ?
Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.

Bảo rằng cách trở đò giang
Không sang là chẳng đường sang đã dành
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi...

Tương tư thức mấy đêm rồi,
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho !
Bao giờ bến mới gặp đò ?
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau ?

Nhà em có một giàn giầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào ?
                              NGUYỄN BÍNH
                              (Lỡ bước sang ngang)

 

Trong khoa học văn học ngày hôm nay ở nước ta, việc chấn chỉnh quan điểm thẩm mỹ, xây dựng lại hệ thống các khái niệm văn học, đa dạng hóa công cụ tiếp cận đối tượng... theo định hướng đổi mới, là yêu cầu cấp thiết chắc ai cũng thừa nhận, trên thực tiễn công việc tìm hiểu, bình luận văn học lãng mạn sau những bước tiến đáng kể đã bị quẩn lại; quẩn lại vì người nghiên cứu vẫn loay hoay trên bình diện định lượng (dựa vào mấy bảng giá trị cũ : tính dân tộc, tính hiện thực, tính nhân bản..., mà nâng điểm cho văn học lãng mạn), chứ chưa quan tâm đúng mức đến bình diện định tính (vận dụng thêm các tiêu chí khác nữa của các bảng giá trị: tính người, tính nhân loại phổ quát...).

Đến hôm nay, tôi lại phát biểu thêm : ngay ở phạm vi định lượng thì nhiều nhà nghiên cứu cũng chưa thật bao quát trọn vẹn nội hàm các tiêu chí cũ đặng có thể nhìn nhận chân diện mục trào lưu văn học phức tạp này một cách toàn diện và sâu sắc hơn nữa. Ví như tán thưởng văn học lãng mạn là có tính dân tộc chẳng hạn, thì cũng chỉ chững lại ở mấy nhận xét đã đề xuất từ lâu : "thở dài chống chế độ thuộc địa" hay "ca hát non sông đất nước"...

Sau đây, khi phân tích một bài thơ quen thuộc trong văn học lãng mạn : Tương tư của Nguyễn Bính, tôi không bổ sung thước đo thuộc loại định tính, mà vận dụng một tiêu chí giá trị quen thuộc : tính dân tộc ; vấn đề ở đây là tôi thử quan tâm thêm một số tố chất, một khía cạnh dân tộc tính của tác phẩm mà có lẽ chưa nhà nghiên cứu nào đề cập, đặng từ đó góp phần phát hiện nguồn gốc ma lực thơ Nguyễn Bính - việc này nằm trong ý hướng nới giản quan niệm, bổ sung công cụ khoa học văn học nói chung.

Bài Tương tư nằm trong một thi tứ bao trùm Thơ mới: tình yêu nam nữ - thứ tình yêu hiện đại "trăm hình muôn trạng" của văn học lãng mạn giai đoạn 1930 - 1945.

Con người lãng mạn trong bài Tương tư đã thao thức "chín nhớ mười mong” người thương ròng rã suốt "mấy đêm rồi", mong nhớ hết ngày này qua ngày khác, thậm chí hết tháng này qua tháng khác: "Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng"... Theo đạo lý quân tử "tu, tề, trị, bình" Nho gia, nhất là Tống Nho, thì kẻ nam nhi như thế là hỏng quá... Nhưng sức cuốn hút của thơ tình Nguyễn Bính (trong có bài Tương tư) chủ yếu không phải do thái độ thành thực giải bày nỗi niềm "chín nhớ mười mong" hay do sự cãi lý cho tính phù hợp quy luật của tình yêu nam nữ, đặng biện hộ cho đạo lý nhân văn (không ít nhà thơ đương thời bộc lộ tình cảm yêu đương nhiều khi còn đắm đuối hơn (Ao ước - Tế Hanh), tinh tế hơn (Ngậm ngùi - Huy Cận) hoặc não lòng hơn : "Chúng tôi lặng lẽ bước trong thơ - Lạc giữa niềm êm chẳng bến bờ - Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá - Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ" (Trăng - Xuân Diệu)...), mà ma lực thơ tình Nguyễn Bính chủ yếu là bởi những rung động của trái tim thi sĩ (thể hiện trong cấu tứ cũng như ở ngữ điệu - giọng dung hợp rất nhuần nhuyễn với một trục dọc văn hóa truyền thống : tính cách dân tộc.

Chúng ta đều rõ : Iinh hồn của một dân tộc thể hiện tập trung ở các hình thái folklore. Trong folklore Việt Nam có một khu vực đặc biệt phát triển : thơ ca dân gian. Hình thái này chiếm vị trí cao trong văn hóa dân gian không chỉ do số lượng, mà còn ở chất lượng: ca dao dân ca là một tổng kho văn hóa chứa đựng trí tuệ, tâm linh, thần thái Việt...; và trong kho tàng tinh thần đó, xuất hiện biết bao vần thơ tình yêu đặc sắc không thua kém bất cứ một khúc ca dao nào trên thế gian. Nhà thơ Nguyễn Bính chính là một chú bướm ("Con bướm vàng tuyền đậu Thám hoa" - Truyện cổ tích) bất giác hoặc hữu ý đã xâm nhập rồi lượn bay nhiều vòng trên một vùng văn hóa dân gian đặc biệt của dân tộc: ca dao dân ca.

Khi thâm nhập thơ ca dân gian, Nguyễn Bính đã hấp thụ được một thứ tinh nhụy độc đáo : ý thức về độ.

Một trong những nét đặc trưng của tính cách Việt là ý thức về độ (không vượt ngưỡng). Ý thức về độ ấy đã chi phối nhiều khu vực văn hóa dân gian Việt : về kiến trúc, các công trình xây dựng không quá lớn ; về sân khấu, tuồng bi mà vẫn tráng ; chèo khi đau buồn phải có hề ra trò xua tan ngay không khí thảm sầu ; về tín ngưỡng, lễ hội, nghiêm trang mà không khe khắt ; về ứng nhân xử thế, ít muốn "cạn tàu ráo máng"... Ý thức về độ của tính cách Việt do các nguyên nhân lịch sử địa lý lâu đời quyết định... Đồng hành trong hệ thống văn hóa ấy, tình yêu nam nữ trong ca dao dân ca tuy đắm đuối thiết tha mà không mấy khi bi lụy - cái thi tứ rũ liệt đến muốn tự diệt vì tình tuyệt vọng hầu như không xuất hiện trong thơ ca dân gian. Vả chăng, người bình dân (gồm cả lao động và trí thức) chủ nhân văn hóa dân gian, trong cuộc sống lúc đang yêu thì thường cũng là khi đang có nhiều trách nhiệm lớn nhỏ ràng buộc - đối với gia đình chẳng hạn. Hãy nghe lời van vỉ dễ thương của một thôn nữ tội nghiệp xưa :

Chàng ơi buông áo em ra
Để em đi chợ kẻo mà chợ trưa,
Chợ trưa rau nó héo đi
Lấy gì nuôi mẹ, lấy gì nuôi em.

Do đó, sầu tương tư, tình tuyệt vọng... trong ca dao dân ca xưa, chỉ đưa chàng đến mức nuối tiếc : "Tiếc công anh đắp đập be bờ - Để ai quăng đó, đem lờ đến đơm" "Đêm qua vật đổi sao dời - Tiếc công gắn bó, tiến lời giao đoan"...; hoặc dẫn nàng đến độ ngẩn ngơ : "Ngày ngày em đứng em trông - Trông non non ngất, trông sông sông dài...", quá nữa là : "Nhớ ai em những khóc thầm - Hai dòng nước mắt đầm đầm như mưa...".

Nét chủ yếu của tính cách dân tộc trong bài Tương tư chính là khuynh hướng cấu tứ khái quát mang ý nghĩa về độ : "chín nhớ mười mong" dài theo ngày tháng, dẫu biệt vô âm tín vẫn tiếp tục đợi chờ : "Bao giờ bến mới gặp đò", với niềm hy vọng xa vời : "Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?"... ; và chỉ đến mức ấy thôi, chứ không phải kiểu phản ứng quyết liệt : "Rồi anh chết, anh chết sầu chết héo - Linh hồn anh thất thểu dõi hồn em... " như chàng lãng mạn trong bài Ao ước của Tế Hanh - ý tứ cực đoan này phải chăng chỉ phù hợp với tâm lý một số độc giả thành thị - Phong cách cấu tứ thơ tình yêu với cái mức độ tình cảm phù hợp dân tộc tính như vậy đã xuất hiện trong hầu hết những bài thơ khác của Nguyễn Bính. Những nhân vật trữ tình thơ Nguyễn Bính (người thật việc thật hoặc hư cấu, khách thể hoặc chủ thể) dẫu có lâm trạng huống yêu đơn phương, tình tuyệt vọng... đều ứng xử có chừng mực : một chàng trai bị người yêu thờ ơ, chỉ than thở : "Tình tôi mở giữa mùa thu / Tình em lẳng lặng kín như buồng tằm” (Đêm cuối cùng); một cô gái bị lỗi hẹn cũng nhẫn nại chờ : "Anh ạ ! Mùa xuân đã cạn ngày - Bao giờ em mới gặp anh đây..." (Mưa xuân); đau đớn hơn : người yêu yểu mệnh, nhưng nỗi đau ấy đã hòa tan cùng mộng ảo : "Đêm qua nàng đã chết rồi - Nghẹn ngào tôi khóc, quả tôi yêu nàng - Hồn trinh còn ở trần gian - Nhập vào bướm trắng mà sang bên này" (Người hàng xóm)...; và trước thái độ quá thờ ơ của cô gái hái mơ, khách đa tình cũng chỉ trách móc mơ màng :

Cô hái mơ ơi, cô gái ơi
Không trả lời nhau lấy một lời
Cứ lặng rồi đi, rồi khuất bóng
Rừng mơ hiu hắt là mơ rơi...

                        (Cô hái mơ)

Tố chất dân gian, dân tộc sâu nặng mà kín nhẹm ấy trong cấu tứ khiến những bài thơ tình Nguyễn Bính, trước và sau 1945 dễ dàng tìm được sự đồng cảm và tiếp đón hào hứng của một số lượng độc giả lớn (thành phố và tỉnh nhỏ, thành thị và nông thôn...) mà có lẽ chưa nhà thơ lãng mạn nào đạt được.

Tất nhiên, quảng đại quần chúng độc giả tìm đến thơ tình Nguyễn Bính còn vì những bài thơ mang tình tứ gần gũi với tâm hồn, tính cách người Việt ấy đã được thể hiện bằng ngữ điệu (giọng) thân quen : giọng ca dao dân ca. Trong bài Tương tư, đó là thể thơ lục bát ngàn xưa dịu ngọt đầy tính nhạc, vần phong phú, lối đan chữ (chín nhớ mười mong), kiểu suy tưởng vật thể hóa (Lá xanh nay đã thành cây lá vàng), và những từ có vùng mờ ngữ nghĩa dẫn thi tứ lan tỏa man mác (Biết cho ai, hỏi ai người biết cho)... Đông đảo người đọc đến với thơ tình yêu Nguyễn Bính lại còn do những dòng thơ thuận tính cách người Việt đó đã đánh thức biết bao kỷ niệm êm đềm về quê hương xứ sở thân yêu... Trong bài Tương tư, đó là hình ảnh : thôn Đoài, thôn Đông, bến nước, đầu đình, giàn trầu, hàng cau... ở những bài thơ khác của Nguyễn Bính, cũng tràn ngập các hình ảnh gần gũi: những con bướm trắng, bướm vàng vẽ vòng trên các vườn cải hoa vàng; vườn chanh vườn cam, vườn bưởi ngào ngạt hương bay...

Nhưng thiết tưởng giọng ca dao dân ca cùng các đường nét sắc màu quê hương xứ sở thân yêu không phải không ngân nga lay động trong thơ Anh Thơ, Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ, thậm chí cả Hàn Mặc Tử... tuy vậy sức cuốn hút của các thi sĩ này đối với đông đảo độc giả Việt Nam hẳn còn một khoảng cách đáng kể so với trường hợp Nguyễn-Bính.

Như vậy, bên cạnh những lực hấp dẫn thứ yếu, phải chăng cảm thức về độ trong thẳm sâu tâm linh Việt hội nhập hòa tan trong các vần thơ "chân quê" Nguyễn Bính chính là thứ tín hiệu kiểu siêu âm, hồng ngoại rất lợi hại đã tạo ra công năng chủ yếu đặng quy tụ biết bao các chàngnàng lái đò chẳng hạn - những người không ham vượt ngưỡng, vốn hàng ngày vẫn âm thầm ngang dọc trôi nổi nơi sông nước con tim người Việt:

Lang thang anh dạm bán thuyền
Có người giả chín quan tiền lại thôi...

                              (Giấc mơ anh lái đò)

Chẳng lẽ ôm lòng chờ đợi mãi
Cô đành lỗi hẹn với tình quân...

                              (Cô lái đò)

V.T.
(TCSH47/05-1991)

------------------
(*) Trích tham luận tại Hội thảo Đổi mới nội dung nghiên cứu giảng dạy văn học do Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội tổ chức (tháng 4-1991).

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Dạ đề (11/10/2019)