Tạp chí Sông Hương - Số 367 (T.09-19)
Tác động của văn hóa đến hoạt động truyền thông đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao tỉnh Thừa Thiên Huế trong bối cảnh hiện nay
16:02 | 18/10/2019

NGUYỄN CHÍ QUANG

Tác động của văn hóa đến hoạt động truyền thông đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao tỉnh Thừa Thiên Huế trong bối cảnh hiện nay
Ảnh: internet

Trong giai đoạn hiện nay, các dân tộc đều chịu tác động lớn của tiến bộ khoa học kỹ thuật; sự phát triển đa dạng của các phương tiện nghe, nhìn và du nhập của các nền văn hóa thế giới, tạo nên những “va đập”, giao thoa và sự tác động đến văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của xã hội, văn hóa lại có tác động ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng hơn đến hoạt động truyền thông ở những khu vực đặc thù này. Thực tế đó, đòi hỏi cần có sự nhìn nhận lại, đánh giá ngày càng nghiêm túc, cẩn trọng vấn đề tác động của văn hóa đến hoạt động truyền thông cho các đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện có hiệu quả hoạt động này trong thời gian đến.

Ở vùng cao tỉnh Thừa Thiên Huế, ngoài 5 dân tộc chính, gồm: Pa Kô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy và Kinh, còn có nhiều dân tộc khác cùng đoàn kết sinh sống. Phần lớn các cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh cư trú phân tán, xen kẽ tại vùng núi huyện Nam Đông và A Lưới với địa hình chia cắt phức tạp, nhiều địa bàn là nơi có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh; đời sống người dân đa phần còn khó khăn, trình độ phát triển không đồng đều, trình độ học vấn chưa cao, song đồng bào sở hữu văn hóa, tri thức bản địa phong phú, đa dạng. Đặc biệt, tính gắn kết cộng đồng cao, sự hiếu khách, yêu văn nghệ là đặc tính nổi trội, phổ biến ở nhiều cộng đồng thiểu số tại các địa phương vùng cao này; cùng với đó là vai trò dẫn dắt, then chốt của những người tiên phong, người có uy tín như Già làng, Trưởng bản…

Tác động của văn hóa đối với hoạt động truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số nước ta nói chung và địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng đã được khẳng định và thể hiện không chỉ trong quá khứ, mà còn ở hiện tại cũng như sẽ còn tiếp tục trong tương lai. Từ thực tiễn đó, mà trong thời gian qua thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành của tỉnh luôn dành các điều kiện ưu đãi nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các cộng đồng dân tộc thiểu số, ban hành nhiều chính sách về phát triển thông tin, truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số. Song đến nay, sự hưởng thụ thông tin văn hóa giữa miền xuôi và miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao vẫn còn không ít khoảng cách bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do chưa thực sự coi trọng văn hóa, hoặc thiếu hiểu biết về văn hóa dẫn đến truyền thông chưa đạt hiệu quả tương xứng.

Mặc dù, hoạt động truyền thông ở vùng cao trên địa bàn tỉnh có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống hiện nay không chỉ chịu tác động từ văn hóa, mà còn từ chính trị, kinh tế, xã hội… Tuy nhiên, cần quan tâm đúng mức ảnh hưởng của văn hóa tác động đến việc thực hiện các chiến lược, sách lược truyền thông cũng như các hoạt động truyền thông cụ thể. Với đồng bào vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có trình độ nhận thức còn hạn chế, khó có thể truyền tải thông điệp mang nặng tính lý luận hay quá cách điệu hóa, trừu tượng hóa; hoặc với đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số chỉ biết nói tiếng của dân tộc mình mà tiến hành truyền thông bằng tiếng Kinh, hoặc cử cán bộ giỏi tiếng nước ngoài mà không biết tiếng dân tộc thì đồng bào sẽ không hiểu, hiệu quả truyền thông khó được đảm bảo.

Nhìn nhận từ đặc thù công tác truyền thông đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là việc hiểu và nắm bắt được văn hóa của cộng đồng với đặc trưng là tính gắn kết cộng đồng cao để sử dụng “mạng lưới” sẵn có hoặc tạo nên một mạng lưới truyền thông được coi là một trong những biện pháp quan trọng tác động đến chất lượng công tác truyền thông. Từ đó, làm thành dòng chảy truyền thông giữa người truyền thông - thông điệp - đối tượng tác động, giúp chia sẻ những bài học kinh nghiệm, hình thành ý tưởng cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông hiện tại hoặc cho hoạt động truyền thông kế tiếp. Song, đặc điểm tâm lý, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số có những yếu tố đặc biệt. Vì lý do đó nên ngày nay, càng có nhiều cơ quan, tổ chức… truyền thông lựa chọn hình thức, thông điệp truyền thông hay người làm truyền thông đến nhóm đối tượng này theo tiêu chí phải có hiểu biết nhất định về văn hóa địa phương, văn hóa của nhóm đối tượng để bảo đảm sự bình đẳng văn hóa; đồng thời, có khả năng thúc đẩy sự lan tỏa các thực hành mới trong cộng đồng dân tộc thiểu số bởi đây là quá trình mang tính lựa chọn, cần một khoảng thời gian nhất định.

Do vậy, trong công tác truyền thông đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao cần nghiên cứu kỹ văn hóa bản địa để lựa chọn người truyền thông, chọn thông điệp, hành động truyền thông mang tính gần gũi, phù hợp với tâm thức văn hóa địa phương. Thực tế đã chứng minh, thông điệp truyền thông nếu thể hiện dấu ấn hoặc sự liên kết, tôn trọng văn hóa bản địa sẽ dễ dàng đi vào lòng người, dễ được tiếp nhận và tạo hiệu quả tích cực trong việc thúc đẩy nhận thức, hành động đúng đắn của người dân. Nếu ngược lại, dễ gây sự xa lạ, xa cách, thậm chí khó hiểu, từ đó khó tiếp nhận thông điệp truyền thông. Đặc biệt, hoạt động truyền thông sẽ đạt hiệu quả cao nếu có sự chuẩn bị, tìm hiểu kỹ càng đặc điểm tâm lý dân tộc của đồng bào dân tộc thiểu số.

Văn hóa tác động một cách toàn diện đến các công cụ, phương tiện truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số sinh sống, bởi các công cụ, phương tiện truyền thông như tranh cổ động, tờ rơi, biểu ngữ, báo, đài phát thanh, đài truyền hình, điện thoại, fax, internet, mạng xã hội… đều là sản phẩm của văn hóa do con người sáng tạo ra. Thiếu các công cụ, phương tiện này, hoạt động truyền thông có thể bị mất đi tính đa dạng, hấp dẫn, sức thuyết phục và khả năng tạo ra hiệu ứng, hiệu quả truyền thông rộng rãi. Điển hình, với tranh cổ động, tờ rơi, việc trình bày đẹp, ấn tượng và làm nổi bật những từ quan trọng, hình minh họa dựa trên những nét văn hóa gần gũi trong cuộc sống hàng ngày của đồng bào dân tộc giúp đồng bào hứng thú và dễ tiếp thu hơn. Với phương tiện phát thanh, truyền hình, thường có sự ngắn gọn, rõ ràng, truyền cảm, cùng với âm nhạc, hình ảnh dân tộc và ưu tiên dùng tiếng dân tộc thiểu số, giúp đồng bào nhớ nhanh hơn, hứng thú hơn do được tác động đến nhiều giác quan cùng một lúc. Việc tận dụng truyện, thơ ca, trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số để có cách thức thể hiện phù hợp cũng tạo hiệu quả truyền thông rõ rệt do gần gũi với tâm thức văn hóa và tâm lý tiếp nhận của họ.

Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay, có thể thấy rõ tác động ngày càng đa dạng, sâu sắc của văn hóa đến sự phát triển và sử dụng các công cụ, phương tiện truyền thông, với sự xuất hiện và biến đổi như vũ bão của các công cụ, phương tiện này, kéo theo đó là sự biến đổi số lượng đối tượng tiếp nhận, tâm lý, thói quen tiếp nhận và chịu ảnh hưởng bởi truyền thông của ngày càng nhiều của đồng bào tại vùng cao. Tác động của văn hóa đến hoạt động truyền thông không chỉ dừng lại ở văn hóa nội bộ quốc gia hay văn hóa của các cộng đồng dân tộc thiểu số trong nước với nhau mà còn đến từ văn hóa của các dân tộc, đất nước khác trong khu vực biên giới và ngay cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới do ảnh hưởng mạnh mẽ của quá trình hội nhập và toàn cầu hóa.

Hiện nay, văn hóa của các cộng đồng, dân tộc, quốc gia trên thế giới đang dần tác động ngày càng nhanh, mạnh và len lỏi vào mọi ngóc ngách của hoạt động truyền thông nói chung, truyền thông ở đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao ở Thừa Thiên Huế nói riêng với nhiều hình thức biểu hiện và phạm vi tác động mới. Cụ thể, càng ngày người ta càng nói nhiều đến “văn hóa truyền thông số” với sự trợ giúp của điện thoại, điện thoại thông minh (smart phone), máy tính bảng, máy vi tính, mạng internet cùng các phương tiện khoa học - kỹ thuật hiện đại khác khiến hình thành văn hóa truyền thông kiểu mới, khác với kiểu truyền thống (chủ yếu qua truyền thông trực tiếp và gián tiếp với sự trợ giúp của các phương tiện truyền thông thô sơ, lạc hậu). Phạm vi tác động trong xu thế mới, không chỉ trong đời sống thực mà còn trong đời sống “ảo” (trên mạng internet, qua các trang mạng xã hội, kênh chia sẻ thông tin…) của người dân ở vùng dân tộc thiểu số; tác động không chỉ trong lúc thực hiện hoạt động truyền thông mà cả sau khi hoạt động truyền thông đã được thực hiện hoặc đã hoàn thành bởi người dân và người thực hiện hoạt động truyền thông, cũng như bất kỳ người nào trên thế giới có thể giao tiếp, tương tác, phản hồi với nhau qua điện thoại, hoặc mạng internet, đặc biệt qua Facebook, Twitter, Youtube, Zalo...

Tất cả các vấn đề trên tạo thành tổng thể tác động của văn hóa đến hoạt động truyền thông đối với đồng bào dân tộc thiểu số cùng cao trên địa bàn tỉnh, có sự đan xen, tương tác, ảnh hưởng lẫn nhau, đòi hỏi hoạt động truyền thông cần chú trọng đến tổng thể các vấn đề tác động, không nên quá coi trọng hay thiên lệch khía cạnh tác động nào bởi sẽ dễ dẫn đến những bất bình đẳng, mâu thuẫn, xung đột…, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của hoạt động truyền thông cả trước mắt lẫn lâu dài. Với sự đa dạng và khác biệt về văn hóa của các cộng đồng dân tộc tại vùng cao tỉnh Thừa Thiên Huế, đòi hỏi hoạt động truyền thông tại những địa bàn này, cần có sự chọn lựa, chọn lọc các giá trị văn hóa để vừa đảm bảo bình đẳng, đa dạng văn hóa, tránh sa vào định kiến, vị chủng, không đi ngược lại các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm các nhu cầu, lợi ích chính đáng của người dân và hướng đến các giá trị văn hóa phổ quát của nhân loại: chân - thiện - mỹ. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động truyền thông, tăng cường nhận thức, hướng đến những hành động tích cực của đồng bào dân tộc thiểu số nhằm mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững các cộng đồng dân tộc, góp phần thúc đẩy sự phát triển vững bền, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

N.C.Q
(TCSH367/09-2019)


Tài liệu tham khảo

1. Trương Văn Quân (2008), Các ấn phẩm báo chí của Thông tấn xã Việt Nam phục vụ đồng bào dân tộc miền núi, Luận văn cao học, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội.
2. Vũ Quang Hào (2012), Ngôn ngữ báo chí, Nxb. Thông tấn, Hà Nội.
3. Trần Ngọc Thêm (2012), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
4. PGS,TS. Đặng Thị Thu Hương (2015), Văn hóa truyền thông đại chúng - sức mạnh mềm trong kỷ nguyên kỹ thuật số, Tạp chí Lý luận Chính trị và Truyền thông.
5. TS. Bùi Thị Như Ngọc (2019), Tác động của văn hóa đến hoạt động truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số nước ta hiện nay, Tạp chí Cộng sản.
6. PGS,TS. Đinh Thị Thúy Hằng (2019), Phương thức truyền thông cho cộng đồng thiểu số, Tạp chí Người Làm Báo.
 



 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Phần còn thiếu (11/10/2019)
Ga hoang (07/10/2019)
Chùm thơ Phan Duy (07/10/2019)