Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-19)
Gió, ký ức và người đàn ông năm mươi
08:34 | 08/11/2019

ĐỖ TẤN ĐẠT

(Nhân đọc tập thơ “Nhật ký gió cuốn” - Nxb. Văn học 2018 của tác giả Phạm Tấn Dũng)

Gió, ký ức và người đàn ông năm mươi
Ảnh: netquang

Gồm hơn 40 bài thơ tự do trong tập thơ dày hơn 120 trang. Nhật ký gió cuốn của Phạm Tấn Dũng đã thổi một luồng gió Thu Bồn vào thơ với nhiều hơi ấm quê hương và ký ức sống.

Tác giả sinh ra ở Điện Bàn, Quảng Nam đã trình làng cuốn “Nhật ký quê hương” qua giọng thơ có phần sâu lắng ăm ắp nỗi niềm.

Thơ anh thể hiện rõ nguồn cảm hứng nội tâm, ở đó bắt gặp được người đàn ông quá nửa đời người bắt đầu thấy sự trở về qua những giấc ngủ bị cứa sâu:

Bên kia bức tường nhà có tiếng thủy tinh vỡ/ tôi bật dậy/ nỗi nhớ không tròn/ có thể là vết cứa vào hư không/… (Vết cứa).

Để rồi “những đứa con Thu Bồn” trong anh thức dậy nhen nhóm lửa ký ức:

Nhánh hoa mua như cứa vào chiều/ những đứa con Thu Bồn vác núi lên vai/ cõng gió cõng nắng cõng những thân phận lục bình trôi dạt (Thu Bồn).

Ký ức về quê hương đó là một ký ức đầy trắc trở, gió sương của mưu sinh thường nhật cho đến giấc ngủ mớ ban đêm:

Những đứa con Thu Bồn/ mệt nhoài bốn phương gió bão/ rưng rức khóc thầm núi cháy sông khô/

Thương kiếng nhớ quê ngày đi tháng ở/ chiều về nhai giấc chiêm bao/ rồi mơ hoang mớ hoảng/ lấy nạng chống trời đêm/
(Thu Bồn).

Phạm Tấn Dũng không cầu kỳ quá về ngôn ngữ, thơ anh viết như kiểu thổi bong bóng mà không cần lấy hơi. Nhưng nếu chúng ta đọc kỹ cũng sẽ dễ bị cuốn theo tiếng lòng của tác giả. Có những bài mà theo tôi, anh đã thành công khi mang về cho bạn đọc những chiếc vé tàu ký ức nhiều màu sắc và dư âm của vùng đất Điện Bàn, Quảng Nam:

đã ngùi ngùi đầu làng Thi Lai Hà Mật/ tiếng guốc khua đều sạp chợ Phú Bông/ tiếng chim gù bồi hồi giữa trưa Đông Bàn/ giữa chiều Bàn Lãnh/ tiếng còi tàu chiều tà ga Xuân Đài gạt thầm nước mắt tiễn đưa/ tiếng dệt lụa ươm tơ làng Bảo An trăm năm còn vọng.../ (Quê Hương).

Kể cả khi bạn không là người Quảng, kể cả khi bạn không phải là người Quảng tha hương, tôi tin rằng bạn sẽ chùng lòng xuống rất lâu khi nghe những câu thơ này:

Ôi quê hương quê hương quê hương/ những lần khóc/ có người tha hương ngay trên quê mình/ tôi này nói với tôi/ quê mình Gò Nổi/... (Quê hương).

Không dễ để đọc được hết tập thơ một lần, đặc biệt là thể loại thơ tự do càng cần sự chiêm nghiệm và thời gian. Bên cạnh những bài thơ suy tư về quê hương cố xứ, Phạm Tấn Dũng cũng chen vào những bài anh viết cho anh về những giấc mơ cuộc đời, giấc mơ số phận. Và có đôi lúc thấy Phạm Tấn Dũng trở về với chiếc kèn lá chuối trong đứa trẻ năm mươi:

- nhiều khi nhiều khi/ đi/ về/ thổi chiếc kèn lá chuối/ thằng bé năm mươi năm nhặt tiếng chim rơi/ (Tiếng chim rơi).

- giấc mơ đàn ông/ ở quán trọ đời tạm/ trệu trạo nhai nắng chiều/ nắng rồi cũng phai/ đau rồi cũng nhạt/.

cơn mơ đàn ông/ như bức tranh phản sáng của ngày không sắc/ tóm tém đóa trẻ thơ/ giẫm lên chân trần/ lội lên vũng tối vỡ đôi bóng mình.
(Những mảnh vo tròn).

Phạm Tấn Dũng cũng có một thời theo nghề vẽ nhưng nghe anh kể là không thành công. Bắt gặp đâu đó những nét vẽ tình yêu lãng mạn đẹp buồn của anh trong bài thơ Bức Tranh:

đêm qua mưa/ sao riêng mình em ướt/ em giấu nỗi buồn đi đâu/ những hạt mưa góa bụa/ mặc tháng năm già nua chạy dọc trên đầu/
Đêm qua mưa/ đêm dài hơn dấu chấm câu/ tôi không biết và em không biết/ em giấu nỗi buồn trong tôi/ câu thơ vừa ngủ trong tranh/

Nhật ký gió cuốn
là tập thơ không quá đánh đố và ẩn dụ về câu chữ. Thơ anh dễ khơi gợi sự rung cảm cho người đọc bằng chính tình yêu quê xứ, bằng chính nỗi lòng của một gã đàn ông ngoài năm mươi đầy trắc ẩn với cuộc đời. Và tôi tin lời nhà thơ người Ý, Salvatore Quasimodo: “Thơ là sự mặc khải rằng người làm thơ tin rằng cảm xúc của họ chính là tiếng lòng của độc giả”. Nhật ký gió cuốn là tập thơ giàu tính trải nghiệm của tác giả về cuộc sống. Mặc dầu quê hương cũng là chủ đề đã rất quen thuộc trong thơ ca. Nhưng hẳn sau khi đọc tập thơ này có thể tôi cũng như bạn sẽ nhận ra một dấu chấm lửng cho những ai đang luôn đau đáu một nỗi niềm nguồn cội?

Đ.T.Đ  
(SHSDB34/09-2019)
 

Thơ PHẠM TẤN DŨNG

Thu Bồn

nhánh hoa mua như cứa vào chiều
những đứa con Thu Bồn vác núi lên vai
cõng gió cõng nắng cõng thân phận lục bình trôi dạt
dọc ngang bãi bờ lau xanh rêu cỏ
xô rớt những câu thơ
nhịp nhịp vui buồn
khép
mở
cánh thời gian
những đứa con Thu Bồn
mệt nhoài bốn phương gió bão
rưng rức khóc thầm núi cháy sông khô
thương kiểng nhớ quê ngày đi tháng ở
chiều về nhai giấc chiêm bao
rồi mơ hoang mớ hoảng
lấy nạng chống trời đêm
Thu Bồn Thu Bồn
từ thượng nguồn đến sóng xô Cửa Đại
những mưa ướt dấu chân
những tiếng hát chật lên nắng gió
những nụ hôn đất nâu ngẩn ngơ vội vàng
đèo truông bóng đổ sông đục ao trong
đền xưa tháp cũ đường hút bụi mờ
vườn chanh bãi bắp giếng cũ đình làng
nhịp nhịp thời gian
thằng Thu Bồn gã Vu Gia
sóng tóc ngang chiều
choàng áo mời người đi uống rượu
rồi đứng giữa đường ngay ngắn tạm biệt em
một cánh hoa mua soi đáy nước Thu Bồn.



Hát xa quê

ễnh ương kêu chiều tạnh dông tháng sáu
sông chạm đáy rồi đồng lúa đắng đòng
hắt hiu đèn đêm vốc nắm sáng đèn đường
nhưng cơn gió quê như giọng ai cười lễnh loãng
thằng bé Thu Bồn
ôm guitar ngồi hát xa quê
tháng sáu ngày dông thương cây bắp trên đồng
cha vá chiêm bao mẹ khâu giấc mơ
dắt trâu bãi bờ nhai bói triền sông
giọng nghé ầm vang trong cơn nấc cụt
gốc rễ nỗi niềm mồn một như in
thằng bé Thu Bồn
mưa nắng dội ngăn sâu
những tháng sáu trôi chạnh nhớ xa xôi
sông khóc đêm vì chẳng ai tắm hai lần
cá không quẫy tuột câu mà giận lẫy bầy đàn
lục bình trôi về đâu hun hút
chiều bờ xa nước cạn đến mênh mông
đứa trẻ Thu Bồn
sẫm màu ký ức
lụt bão từ chân lên đỉnh tóc


tháng sáu tháng sáu
những đứa trẻ Thu Bồn
ngẩng đầu mà hát
không còn muốn nghe phải đợi nước ròng
xa quê tìm về tiếng chim réo rắt
phía những nhịp cầu bên chân núi Chúa
chùm cánh bằng lăng rủ nhau hóng gió


tháng sáu tháng sáu tháng sáu
ai tha hương mà không nhớ tiếng ễnh ương
sông níu thân đêm bật khóc dây đàn
lục bình trổ bông tím phía chiều quê
thằng bé Thu Bồn
ru gió mồ côi
ôm guitar hát.



Vết cứa

bên kia bức tường nhà có tiếng thủy tinh vỡ
tôi bật dậy
nỗi nhớ không tròn
có thể là vết cứa vào hư không
những vết cứa mông muội vào dòng chảy
những mảnh thủy tinh ngổn ngang cắc cớ


hình như những vết
hằn trong ngóc ngách lang thang hư thực
những đường dốc đồi cũ
sương mù lạnh buốt
hay những phố vắng mặt câm
những vết nhăn phận người
sâu trong ký ức giẫm tiếng mưa rơi
cuộc tình muôn màu muôn vẻ
còn giọt nước mắt khô
như suốt đời em không trở lại


những cổ chai đã gãy
khi đã đủ hâm nóng những chiếc lưỡi trên bàn
những khuôn mặt thân quen bè bạn
những lệch lệch xiêu xiêu đổ vỡ
những rong chơi bát ngát vô thường


bên kia bức tường có tiếng thủy tinh
vỡ tôi
trong không gian tối của căn phòng
tôi muốn ru tôi thêm tròn giấc
nhưng vệt sáng thủy tinh
đã cứa vào tôi.







 


 

Các bài mới
Thơ (15/11/2019)
Các bài đã đăng
Hôm nay có phải (28/10/2019)