Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-19)
Thơ
09:21 | 15/11/2019

ALAN BURNS      

William Carlos Williams cũng như bất cứ người nào, đến rất gần với việc nhận thức ra lý tưởng mới của chủ nghĩa hình tượng, nhất là trong những bài thơ như “The Great Figure” và “The Red Wheelbarrow”.

Thơ

Trong những bài thơ khác, đáng chú ý là “The Wind Increases” (1934) và “A Sort of a Song” (1944), Williams bình luận về loại thơ ông muốn làm. “The Wind Increases” là một hình thức thơ trên trang giấy (spatial poem); nói một cách khác, bài thơ dùng cách sắp đặt chữ trên trang giấy như một cách diễn tả. Bài thơ nói về gió, và những chỗ thụt đầu dòng không bình thường khiến cho các chữ có vẻ như “gió cuốn đi”. Bài thơ còn nói về bản chất của nhà thơ (“nếu có bất cứ bản chất nào”). Bám vào sự tương tự hữu cơ được chuộng bởi các nhà lãng mạn, Williams so sánh chữ của nhà thơ với cây cối bị gió thổi. Thơ phải được neo lại, nhưng nó cũng phải ghi vào sổ “hình thức/ của chuyển động”, cách mà một cây đang chịu gió thổi ra sao. Thứ hình dạng như thế rõ ràng vừa phức tạp vừa tương đối tự do, nhưng nó sẽ không dễ tàn nếu gió không thể thổi nó đi mất. Thơ thực sự, nói một cách khác, vừa ngẫu nhiên vừa lâu dài: nó giảng hòa những mâu thuẫn này. Ý của Williams, dù là mới lạ trong dạng thức, cũng trở lại “Nghệ thuật” (đã bàn luận dưới “Art & Beauty”) của Emerson và Melville; về mặt tinh thần bài thơ cũng có vẻ rất gần với trích dẫn chơi chữ bởi Thoreau đã dùng làm đề từ cho đoạn này. Trong “A Sort of a Song”, Williams đưa ra lối đặt trong ngoặc “No idea/ but in things” đã tái công thức lại đề mục chính trong “Ars Poetica” của MacLeish. Williams thúc đẩy nhà thơ làm thơ và phát minh, và cũng xem tự chính thơ vừa là một con rắn sẵn sàng cắn vừa là một đóa hoa chẻ đá (để nở). Như trong “The Wind Increases”, ông đặt chỗ nhấn vào tính nguyên thủy sửng sốt và tính ngoan cố không ngờ của chữ của nhà thơ thật, cũng như nhấn mạnh vào mối kết nối giữa thi ca và thiên nhiên.

J.V. Cunningham trình bày rõ ràng một phản- bác chua chát chống lại dòng chính thơ Mỹ với “For My Contemporaries” (1942). Đặc trưng thì Cunningham bất đồng quan điểm với việc bám vào một khái niệm hữu cơ thơ tự-do của số đông. Thay vào đấy, ông tự đồng tình với phát biểu (đang) nổi tiếng của Robert Frost, rằng làm thơ tự do giống như đánh tennis không có lưới ngăn giữa. Cunningham loại bỏ truyền thống lãng mạn tự biểu hiện và thế vào đấy là các nhà thơ Latin và Phục Hưng nghiêm khắc hơn như kiểu mẫu, chuộng nói đến tác phẩm của mình là “thơ vần” (verse), để phân biệt nghịch lại “thơ” (tự do). Thơ vần, mà ông nhắc đến là những sáng tác vận luật và vần nhịp chặt chẽ, ông cho rằng, thuộc về công chúng với những căn bản khách quan ưu tú, trong khi thơ, ý ông muốn nói là thơ tự do, đã biến thành riêng tư hay thuộc nhóm văn học, với những phẩm chất căn bản chủ quan và phần lớn là độc đoán, gần-như-tôn-giáo. Không nghi ngờ gì nữa, nhiều nhà thơ và nhà phê bình Mỹ, bắt đầu với Emerson và Whitman, đã cố sức tìm trong thơ tự do vài ý nghĩa tư tưởng cũng như phẩm chất “Mỹ” riêng biệt không rõ nghĩa, trong khi đó, lại quên mất rằng các nhà thơ người Anh như Christopher Smart, William Blake, và Martin Farquhar Tupper đã dùng nó trước cả Whitman, rằng Vers libre của Pháp đã gây hứng cho phong trào hiện đại, và rất nhiều nhà thơ Mỹ hay nhất và đặc sắc nhất - từ Bryant và Longfellow cho đến Melville và Dickinson cho đến Robinson và Frost - từng làm thơ theo vận luật.

“For My Contemporaries” kể ra cách Cunningham, với lương tâm, từ bỏ “thơ” để theo “vận luật”. Những câu ngắn trong bài thơ tương phản với câu dài, sưng phồng lên, như Cunningham đã nói, với “tiếng động tinh thần” - mà ngay lập tức, kết hợp với Whitman và các nhà thơ hiện đại hậu duệ. Bài thơ nhấn mạnh vào khó khăn và tính nguyên thủy của sự khéo léo tài giỏi và chiều theo những người có ý đánh giá thấp hoặc ngay cả bất chấp đạo lý truyền thống của vận luật. Đoạn thơ cuối nhức nhối sắp đặt cảm giác và khéo léo với vận luật, dường như cũng sắp đặt thơ (tự do) với điên khùng. (Những tình cảm tương tự có thể tìm thấy trong vài bài thơ ngắn về nghèo khổ viết bởi đồng nghiệp thông cảm quen biết với Cunningham, Yvor Winters, gồm có “To a Young Writer”, “On Teaching the Young”, và “Time and the Garden”). Văn phong gay gắt biểu thị của Cunningham mở đầu hình ảnh tự nhiên và dạng thức hữu cơ bị chỉ trích hoàn toàn. “For My Contemporaries” hơi khó chịu nhưng là một phát biểu cá nhân không chối cãi về việc kháng cự lại những phương thức có ưu thế của thơ Mỹ. Nó trêu chọc một cách nào đó rằng tất cả mọi phát biểu thông minh rõ ràng không đồng quan điểm, và không có gì đáng nghi ngờ, đã được dùng đề tạo hứng cho phong trào “tân hình thức” qua vài thập niên qua, liên kết với tác phẩm của những nhà thơ-kiêm-phê-bình xuất sắc như Timothy Steele và Dana Gioia.

Mặt khác, “American Poetry” (1963) của Louis Simpson, tương tự như “Poetry” của Moore trong cách nó kêu gọi những bài thơ tạp nhạp có thể “tiêu hóa” bất cứ gì hiện hữu trên thế giới, kể cả “uranium”. Simpson, giống Moore và không giống Cunningham, đứng ở dòng chính tư tưởng Mỹ về thơ, nối dài từ thời Emerson và Whitman. Không có lý thuyết gia chủ yếu nào về thơ Mỹ lại muốn giới hạn chủ đề của thơ đối với đề tài “thi ca” bình thường. Tất cả mọi thứ trên thế giới, như Emerson ám chỉ trong bài tiểu luận “The Poet”, phải được xem là nguyên liệu thích hợp cho tưởng tượng thơ sử dụng. Simpson thể hiện cụ thể thơ Mỹ qua hình ảnh một con cá mập, khi bị mổ bụng có thể tìm thấy đủ thứ kinh ngạc (Simpson đưa ra thí dụ chiếc giày, tượng trưng cho bất cứ điều gì “không thơ lắm” mà ta có thể tìm thấy trong một bài thơ Mỹ xác thực). Ông phát triển hình ảnh này xa hơn nữa gồm trong hai câu: con “cá mập” phải bơi không biết mệt qua “sa mạc” của văn hóa Mỹ, và nó phải, trong những điều kiện vô nhân đạo như thế, xoay sở để tìm hay giữ được tiếng nói “hầu như người”. Nối kết với thiên nhiên trong bài thơ ở mức độ tinh tế nhất - “những mặt trăng” và “sa mạc” không hẳn gợi lên được một đồng quê lý tưởng - nhưng đây cũng là một phần của quan điểm. Những vệt cắt vô cùng lớn của Mỹ châu hiện đại lồ lộ thiếu vắng bất cứ di tích nào của thiên nhiên, nhưng thơ, vẫn thích nghi và hỗn tạp như Emerson đã tiên đoán, phải xông tới và tìm những nguồn hứng mới; nó phải, một cách đối nghịch, làm thơ không có nét thơ. Không có bài thơ nào nói đến bây giờ đã nắm được câu hỏi căn bản và khó nhất trên tất cả: Thơ là gì? “Because You Asked about the Line between Poetry and Prose” (1980) của Howard Nemerov bắt đầu làm việc đó, cho dù hơi gián tiếp một chút. Trong bài thơ súc tích hình tượng này, Nemerov chỉ ra một cách duyên dáng những bóng màu xám tách biệt thơ với văn xuôi. Ông làm như thế với minh họa ẩn dụ: khoảng khắc hạt mưa lạnh cóng biến thành tuyết. Khoảnh khắc đích xác của sự thay đổi này thì tránh né cái nhìn chăm chú nhưng chính sự thay đổi thì không thể hoài nghi được. Nói một cách khác, Nemerov từ chối phân biệt hẳn hòi giữa thơ và văn xuôi. Phân ranh mập mờ nhưng khác biệt - thứ mà A.R. Ammons trong “Corsons Inlet” gọi là “đường cắt căng ra” (sharpeness spread out). Nemerov chứng tỏ, qua thí dụ sáng lòa của mình, rằng đường ranh chính xác giữa các thứ liên quan với nhau rất khó để vẽ chính xác. Khi nào thì “trung niên” chấm dứt và “cao niên” bắt đầu? Chúng ta có thể khó nói ra mặc dù vẫn tin rằng mình có thể nhận biết trung niên hay người già khi gặp mặt. Trong vài trường hợp nào đó một thí dụ cụ thể, có thể nhiều tranh luận trừu tượng đáng giá. Phần lớn thơ được dự đoán theo khái niệm này, và ở đây, Nemerov chưa viết về thơ mà chỉ mới đưa ra một thí dụ hay, thơ là gì. Dana Gioia thăm dò một khía cạnh khác của thơ trong “The Next Poem” (1991), một trình bày nổi bật về hy vọng mà tất cả mọi nhà thơ thực hành sẽ đồng tình. Gioia diễn tả ý tưởng Platonic của một bài thơ mà trong đó ông (và nhiều nhà thơ thể luật) khao khát mỗi lần đặt viết lên giấy (hoặc là, gõ gõ mấy cái lên phím). Bài thơ mà ông nghĩ đến sẽ có câu mở đầu khó quên, sẽ làm ra cách sử dụng thể thơ một cách chuyên môn và hữu cơ, sẽ dùng vần tinh vi, phối hợp các ngôn ngữ thông thường với âm nhạc sinh động, kinh ngạc, tránh phần mảnh và khó hiểu, và và với sự ẩn tàng chắc chắn đầy ý nghĩa. “Giờ thì có vẻ tốt hơn trước,” ông than vãn, khi nó thật sự được làm xong. Gioia kềm giữ giấc mơ hoàn hảo bằng những thỏa hiệp cứng ngắc và bất mãn của sự trình diễn hiện thời. Nhiều nhà thơ cố làm “bài thơ hoàn hảo”, trong khi biết rằng điều đó rất khó. Tuy vậy, Gioia ám chỉ, chính tự giấc mơ, là thứ tạo ra hứng cho vài bài thơ hay, vì nếu không có một hoàn hảo lý tưởng sẽ không có căng thẳng theo đuổi cái tuyệt hay. Bài thơ, minh họa qua nhiều quan tâm, những tư cách đáng ganh tị mà nó kể ra từng chi tiết, kết thúc bằng một suy diễn sâu sắc: nhà thơ như người câu cá, chờ đợi con cá kế tiếp cắn câu và hy vọng sau rốt, đó sẽ là “con cá lớn”.

Điểm Thọ dịch  
(SHSDB34/09-2019)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng