Tạp chí Sông Hương - Số 369 (T.11-19)
Dị mộng
08:47 | 16/12/2019

TRẦN BĂNG KHUÊ   

1.
“Tôi đảm bảo câu chuyện mà tôi sắp kể đây hoàn toàn bắt đầu bởi một giấc mơ. Một giấc mơ kỳ quặc, chúng là những bức tranh lạ lẫm không đầu không cuối, không hề có bất kỳ sự kết nối nào”.

Dị mộng
Mịnh họa: Nguyễn Thiện Đức

Tôi đã rất tự tin viết như thế trong giấc mơ của mình. Nhưng khi đó tôi vẫn không tài nào tỉnh giấc, không thể mở mắt ra để tạo lập những mảnh ghép hòng hình thành nên câu chuyện hoàn chỉnh. Hẳn vậy mà giấc mơ vẫn chỉ là giấc mơ. Chẳng còn gì khác ngoài một sự rời rạc trong tầm truy soát của tôi về nó, về những thếp màu biến hóa và sống động. Hệt như một cuộc phiêu lưu mà tôi mong muốn được trải nghiệm, nhưng cũng rất hãi sợ, đầy nỗi e ngại, đã từng khiến tôi phải trốn nấp trong bốn bức tường màu trắng quen thuộc.

Tôi đã từng nghĩ, “mọi thứ người ta thấy trong mơ sẽ tan thành cát bụi”. Nhưng không, tôi biết, “nó được lưu dấu lại ở một chiều không gian khác, lúc ẩn lúc hiện, lúc sương khói mịt mùng, khi rõ rệt như một tòa thành cô độc đã cũ”.

Đôi khi tôi vẫn cả quyết, cố chấp tìm kiếm giấc mộng ấy. Thật là quỷ dị. Tôi chọn cái tên “quỷ dị” để đặt cho câu chuyện mà tôi nằm mơ thấy. Nhưng khi tỉnh dậy chỉ với một con mắt, tôi lại gọi nó bằng cái tên khác, mỹ từ khác lưu loát hơn là “dị mộng”. Ngặt một nỗi, mỗi hình ảnh dị mộng của tôi lại rời rạc, chắp vá và mờ nhạt trong toàn bộ bức tranh đến tội nghiệp. Sau đó, chúng dần dần tan biến mất, hoặc chỉ còn sót vài dấu vết loang lổ, từ dị mộng mở cho tới dị mộng kết.

Thứ mà tôi luôn nằm mơ thấy, bức tranh đầu tiên là những ngọn sóng bạc nấp sau hàng dương xanh rì rào của quê nội. Trong đêm tối, biển sẽ có màu đen. Hoặc thi thoảng lấp lánh ánh sáng bạc thanh khiết, an lành của trăng. Biển là hình ảnh đầu tiên kết nối tôi trở lại với giấc mơ. Biển khá lặng lẽ. Nhưng, vẫn có thể đang nổi sóng ngầm dưới đáy một con tàu lớn. Tôi nghe tiếng con tàu gầm thét ra lệnh cho biển, cho gió, cho những con người xiêu vẹo trên ấy, cho tất thảy những con tàu nhỏ bé hơn ở xung quanh hãy dạt qua một bên để nó rẽ sóng tiến về phía trước.

(chẳng biết phía trước có những gì? hẳn là một giấc mơ, hoặc không?)

Tôi rất sợ đánh nhau. Hồi bé, tôi nhớ mỗi lần bị các bạn to xác hơn ở trên lớp bắt nạt, tôi đều câm nín. Tôi không thể đánh lại kẻ to xác ấy. Tôi cũng không thể lớn tiếng với kẻ to xác ấy. Tiếng của tôi rất nhỏ. Giọng của tôi rất bé. Vậy là, tôi phải đợi cho hết giờ học, sau đó lủi thủi ra về trong uất ức. Mặt tôi luôn bị lem luốc bởi nước mắt hòa với màu mực viết. Thậm chí chúng còn lấm cả xuống áo, xuống váy. Nhưng, như thế có là gì, tôi sợ nhất, ám ảnh nhất vẫn cái trò khẽ vào tay, quất vào mông bằng cây thước gỗ to và dài của cô giáo những năm học tiểu học. Tôi không tưởng tượng ra được, bàn tay của tôi khi ấy bé nhỏ ra sao? Tôi tò mò về hình ảnh của mình trong một loạt ký ức thời thơ ấu. Đó chắc hẳn là những thước phim quý giá. Mọi dấu vết đều được lưu lại rất rõ rệt.

Nhưng, lúc này, tôi không cho phép mình nhớ thêm nữa về khoảng thời gian ấu thơ. Tôi nhớ ra rằng, tôi đang phải tham gia cuộc chiến. Cuộc chiến diễn ra rất rõ rệt. Trong một giấc mơ. Dù rằng tôi rất sợ đánh nhau. Tôi sợ nhìn thấy máu. Tôi sợ nhìn thấy các thi thể. Tôi sợ những bãi chiến trường ngổn ngang trộn lẫn xương thịt và bụi đất mà người lớn kể lại thời loạn lạc.

Con tàu lớn của tôi đã bắt đầu rẽ sóng một cách dứt khoát để tiến về phía trước. Tiếng súng đầu tiên đã nổ. Tiếng súng tiếp theo. Hàng loạt âm thanh vang dội khắp nơi. Những đồng đội của tôi đang ngã xuống. Nằm im bất động. Tôi biết, chẳng thể có điều gì tốt đẹp từ những cuộc chiến. Dị mộng mở đầu của tôi là một hoạt cảnh hiên ngang khi tham chiến. Nhưng, mảnh ghép dị mộng này ám ảnh tôi, níu lấy tay tôi, không cho phép tôi được rời khỏi cuộc chiến trong mơ để tỉnh giấc, quay về với thực tại dưới bầu trời yên ắng chỉ còn lại tiếng côn trùng rỉ rả.

2.

Đêm xuống. Rất yên tĩnh. Nơi này, chỉ có tiếng tàu điện ngầm chạy qua chạy lại ở ga tàu gần tòa nhà tôi trọ. Chẳng còn âm thanh nào khác ngoài tiết tấu gấp gáp trong một bộ phim hành động hoặc thi thoảng có cả tiếng rên rỉ sung sướng của cặp đôi nào đó từ căn phòng kế bên.

Tôi đọc sách. Chồng tôi lướt web, xem tin tức bóng đá tổng hợp hoặc tiếp tục với cái luận án dang dở. Sự yên lặng ở đây vào lúc này, khiến tôi cảm thấy xa lạ. Tháng mười là của mùa xuân. Chúng chỉ mới hân hoan bừng nở những bông hoa vàng trên cỏ xanh mà tôi thấy. Nhưng, tôi đã kịp mường tượng đến mùa hè. Những mùa hè ấm áp, tươi đẹp và tràn đầy sức sống. Mùa đông vẫn ám ảnh tôi. Ở quê nhà, hẳn là đã bắt đầu rét. Rét lắm. Tôi không biết những người mẹ của chúng tôi, những đứa trẻ nghèo miền núi liệu có đủ áo ấm để mặc không? Tôi chẳng dám gọi điện về. Mỗi lần gọi, cả chồng tôi và tôi đều cảm thấy hổ thẹn vì việc chúng tôi rời đi đến một nơi xa xôi. Chúng tôi vẫn là những đứa con ham mê giấc mộng trẻ tuổi.

Tôi nhớ, tháng mười năm ngoái, khi mùa xuân vừa rời khỏi nơi tôi đang sống thì tháng mười hai ở quê nhà, mùa xuân lại bắt đầu đến. Tôi muốn “đi tìm thời gian đã mất” trong lúc tỉnh táo, không phải mơ. Những giấc mơ quỷ dị. Tôi thả lỏng trí não, tôi bỏ “nước Mỹ” của Kafka xuống, và quay sang hỏi anh ấy vu vơ: “lâu rồi không nghe tiếng chó sủa nhỉ?” Chồng tôi gật gù, “ý tưởng rất thú vị”. Hóa ra, tiếng chó sủa có thể hiểu theo nhiều chiều ẩn. Tiếng chó sủa với tôi lúc này, chỉ đơn giản là một thứ âm thanh gần gũi thân thuộc từ những tháng ngày thơ ấu đối với bất kỳ ai.

Sau này, ánh sáng tràn đầy mặt đường, tiếng chó sủa trong đêm vẫn còn văng vẳng. Nhưng, tôi luôn ngờ vực hai trạng thái kì quặc trong giấc ngủ của tôi khi nghe tiếng chó sủa. Chúng khá lạ lẫm. Tôi vừa cảm thấy an tâm, hệt như đó là sự bảo vệ chắc chắn cho giấc ngủ của tôi, vừa cảm thấy sợ hãi, lo lắng, hẳn trong bóng tối (và kể cả ánh sáng) nữa đã có thứ gì đó xấu xa xảy ra. Những kẻ trộm đêm chẳng hạn. Hoặc những kẻ giết người. Tôi có vẻ đã nghĩ hơi quá rồi. Những kẻ giết người thường bất chấp thời gian. Chúng sẽ hành động khi nào chúng muốn. Hoặc là, những kẻ trộm chó. Thời ấy, (bây giờ vẫn vậy), chó thường bị đánh bã, rồi bắt trộm. Nhà tôi, cũng phải mất vài thành viên như thế. Nuôi chó để giữ nhà, làm bạn. Chẳng ai nuôi chó để thịt bao giờ. Cha tôi, anh tôi, vài bận mở mắt trừng trừng qua màn đêm sâu trong bóng tối để canh bắt kẻ trộm chó. Có một dạo, cả nhà tôi thức trắng đêm để súc ruột cho con mực. (Mực là tên một chú chó có bộ lông đen tuyền của gia đình tôi thời đèn dầu). Mực sống sót qua đêm đó.

Sau này, nhà tôi vẫn rất thèm nuôi chó, nhưng mỗi lần mất một thành viên như thế, bởi bọn trộm chó, nhà tôi khá chán nản. Mẹ tôi lúc nào cũng khóc sưng mắt khi sáng hôm sau chẳng thấy con chó mình nuôi và yêu thương đâu nữa. Bẵng đi một thời gian, không nuôi bất cứ con gì, mẹ tôi thấy buồn, lại tiếp tục xin chó nhà người ta đẻ về nuôi. Năm tôi chưa rời khỏi nhà để sang xứ người, tôi chăm một con chó lai giống becgie. Nó lớn rất nhanh. Trổ mã, trổ giò, phổng phao như một thanh niên bảnh chọe nhất xóm. Các bác xung quanh hễ thấy nó lon ton ngoài ngõ lại nhắc nhở, cẩn thận không thì bị hốt đấy. Dạo này, bọn trộm chó lượn vào cả ban ngày. Chúng chẳng đợi tới đêm tối, lén-rình-mò để câu trộm. Có hôm, nó hẹn hò với bạn gái, tôi thức trắng đêm, đợi cửa. Khi tôi rời đi, chưa đầy vài tháng, mẹ tôi nói, chàng thanh niên lai becgie nhà tôi đã mất tích.

Đêm nay, tôi thèm nghe tiếng chó sủa. Lại nhớ giọng ồm ồm của Coca. Tôi không dám mường tượng về cái chết của Coca. Bóng tối và cái ác đồng hiện. Sự đau đớn, mất mát cũng thế. Tôi không thích thói phàm ăn tục uống của con người. Chúng thường đi quá giới hạn cho phép. Chúng dẫn đến việc tồn tại của cái xấu, cái ác. Chồng tôi bất giác quay sang hỏi tôi: “đánh chết kẻ trộm chó thì có phải là xấu và ác không?” Tôi im lặng.

Tôi đau đớn khi nghĩ về chú chó mà tôi đã chăm bẵm từ bé cho đến lớn. Tôi vẫn thèm nghe tiếng chó sủa lúc này. Bóng tối đã phủ xuống. Cái xấu và cái ác còn ẩn nấp đâu đó. Tôi đang tỉnh táo. Không có những giấc mơ nào khác để kể. Nhưng cuộc chiến trong dị mộng trước dường như vẫn còn dở dang thì phải? Tôi nghĩ, tôi phải quay trở lại chiến trường đó, trên con tàu lớn đó. Ấy vậy, lúc này đôi mắt tôi vẫn mở trừng trừng xuyên vào bóng tối, mơ mộng về những hiện cảnh đẹp đẽ khác, không phải là một cuộc chiến. Tôi nhớ ra một câu ngạn ngữ Tây Ban Nha, “The dogs bark, but the caravan goes on”. (Có nghĩa là, “mặc tiếng chó sủa, đoàn lữ hành vẫn tiếp tục bước”).

3.

Những ngày nắng gắt, ánh sáng là thứ tôi không tài nào chịu nổi. Chúng làm mờ mắt tôi, chúng khiến hai con ngươi của tôi nhức buốt. Chắc hẳn các thiết bị công nghệ đã làm tôi rơi vào cảnh huống này.

Buổi tối, trước giờ đi ngủ chính thức, tôi thường thả lỏng cơ thể và mắt bằng cách không làm gì cả, không đọc sách, không viết, không phim ảnh. Tôi chỉ nằm im, bất động, nhắm nghiền mắt lại rồi bắt đầu nhìn sâu vào bóng tối. Điều khá kỳ bí là tôi đã thấy rất nhiều thứ trong bóng tối. Một thế giới khác hoàn toàn hiện hữu dưới ánh sáng sắp đặt của vũ trụ. Bóng tối này, tôi tự mình điều khiển, tự mình nắm bắt sự hiện diện tồn tại của nó, của chính tôi. Chẳng hạn như lúc ấy, ngay cái thời điểm tôi rời bỏ những ánh sáng trắng sắp đặt cùng với ánh sáng xanh nhân tạo, tôi nhìn thấy thứ ánh sáng khác, chúng không nhạt nhòa loang lổ, chúng thực sự rất huyễn hoặc. Dị mộng lạ lùng này hiện thể dưới hình hài một chú chó không đầu, đang hớn hở nhảy từng bước về phía tôi, rồi biến mất. Hoặc tôi có thể nhìn thấy một vùng ánh sáng thanh khiết ấm áp, rõ ràng rất chan hòa yêu thương. Nhưng, ngay sau đó tôi lại thấy mình đang tiến về phía những bậc thang đi xuống, và chúng sâu hoắm như một vực thẳm.

Nỗi sợ hãi là một cảm giác thường trực mà tôi nghĩ tôi cần phải chiến đấu với nó rất nhiều kể cả khi tỉnh táo lẫn mê mộng. Tôi không nhớ bao nhiêu lần tôi chạy trong bóng tối, hoặc từ từ rơi sâu xuống vực. Tôi biết tôi rồi cũng sẽ chìm dần vào trạng thái mê mê tỉnh tỉnh kì quặc quen thuộc. Tôi mơ lại những giấc mơ cũ, về biển, về cuộc chiến không có tiếng súng, về cơn mê sảng với ký ức pháo sáng trên những ngọn đồi của bố chồng tôi trước khi ông mất.

Nhưng ngay sau đó, những giấc mơ kia bị cắt ngang, tôi bị đưa đẩy đến với một hiện cảnh khác, một câu chuyện khác.

4.

Cha chết.

Ngày cha chết, bức tranh “biển lặng” mà cha tôi thích treo trên tường, nơi cha thường đọc sách bỗng dưng hóa thành màu đỏ. Sóng bạc thành xám. Cát trắng thành đen như xỉ than. Tôi liếc vội bức tranh, kịp quan sát và nhận biết những thay đổi của nó. Tôi nhớ, cha thường nói, khi thấy tôi nhìn chằm chằm vào bức tranh mà không hề hỏi cha câu nào, “biển lặng nước rất sâu”. Ngoài bức tranh cha còn có một chiếc hộp nhỏ rất kì lạ mà cha thường xuyên khóa kín.

Cha không trăn trối, một lời cũng không. Cha ngậm chặt miệng, như khi còn sống cha vẫn ngậm chặt những hột thị vậy. Những đứa con lần lượt phủ phục dưới chân giường cha, lắng tai nghe tiếng sóng cuối cùng trong lồng ngực gầy gò xương xẩu không còn đập nhịp nữa. Đêm đó đầy bão. Mẹ vắt vành khăn lên nhìn ra ngoài cửa. Con bướm đen chấm bi trắng lượn qua lượn lại rồi mất hút. Bóng tối nhập nhòa với thứ ánh sáng của đèn, nến và hương trầm. Tôi rời khỏi chân giường cha, đến bên hộc bàn, nơi cha vẫn thường ngồi viết thứ gì đó trong những đêm không ngủ. Tôi phải tìm ra nó, tìm bằng được nó, rồi đưa đến bên cha, nói với cha trước ngày cha rời khỏi nhà tổ, nhà của nhiều thế hệ đã từng rời đi như thế để ra đồng với giun dế. Tôi phải tìm thấy nó, trước lễ an táng, hạ thổ.

Tôi quên mất cảm giác nghẹt thở buồn bã, hay là việc nhỏ lệ gào khóc quen thuộc như những cảnh tang tóc mất mát mà tôi biết, khi cha trút hơi thở cuối cùng. Tôi trâng trâng mắt nhìn cha qua khe cửa sổ gần giường cha nằm. Người ta không cho tôi đến gần cha. Người ta nói, vì cha thương tôi nhất.

Ngày đưa cha ra đồng. Trong đầu tôi chỉ quay cuồng một ý nghĩ. Tôi muốn tìm thấy thứ đó, thứ mà tôi biết cha đã để lại. Thứ mà cha vẫn giấu kín trong hộc bàn nơi cha làm việc. Nơi cha đọc sách và viết. Đó là thế giới riêng của cha.

5.

Một vài tia nắng hắt qua tấm rèm cửa sổ. Tôi mở mắt, tỉnh giấc. Chỉ là một giấc mơ. Tất cả đều là giấc mơ. Chúng lần lượt hiện bày thành các câu chuyện khác nhau. Chỉ có bức tranh là thật. Và dĩ nhiên, cha tôi vẫn còn tồn tại trên đời này, khoẻ mạnh, bình an. Đã lâu tôi không nói chuyện với cha, (vì một vài lí do riêng), nhưng tôi biết, cha vẫn thương tôi nhất.

Tôi khẽ liếc nhìn bức tranh “biển lặng” một người bạn vẽ tặng tôi vẫn im lìm thâu tóm lấy thứ ánh sáng bàng bạc lấp lánh của ngày mới. Tôi chợt nhớ ra, giấc mơ của tuần trước, về một gã đàn ông tôi không nhìn thấy mặt, lầm lũi dò dẫm từng bước trong đêm. Gã chỉ làm mỗi một việc là nhặt ánh sáng và bóng tối. Những dị mộng kỳ quặc, chúng luôn khiến tôi được trải nghiệm thêm một cuộc đời ở thế giới khác. Về gã đàn ông tôi không nhìn thấy mặt. Tôi đã có câu chuyện riêng dành cho hắn. “Kẻ nhặt linh hồn trong những giấc mơ”. Hẳn nhiên, mọi thứ mà tôi mơ thấy, chúng vẫn tồn tại đâu đó.

Lúc này, tôi không muốn nằm mơ. Bên ngoài cửa sổ, một chút ánh sáng bình minh le lói. Có tiếng chim hót, ngọt lành. (Không phải tiếng chó sủa). Ở đây, chưa bao giờ tôi nghe thấy tiếng chó sủa. Tiếng chim vẫn lảnh lót, ca mừng ánh sáng. Hóa ra, trong khi tôi chìm đắm vào những dị mộng, thì cuộc đời vẫn xinh đẹp rạng ngời dưới ánh sáng mặt trời buổi sớm.

T.B.K  
(TCSH369/11-2019)


 

Các bài mới
Xem tranh (03/01/2020)
Các bài đã đăng
Tuyết ca (16/12/2019)