Tạp chí Sông Hương - Số 369 (T.11-19)
Vài suy nghĩ ngắn về tương lai của nghệ thuật
15:30 | 27/12/2019

TRẦN HOÀNG ANH

Một bồn tiểu bằng sứ được mua ở cửa hàng bán vật liệu xây dựng đã biến thành một tác phẩm nghệ thuật với cái tên “Vòi phun” của Duchamp, ký tên là R. Mutt (1917), đến nay nó là một tác phẩm kinh điển trong nghệ thuật nhân loại. Người ta gọi đây là tác phẩm vật làm sẵn (peadymade).

Vài suy nghĩ ngắn về tương lai của nghệ thuật
Tác phẩm: “The Physical Impossibility of Death in the Mind of Someone Living” của Damien Hirst

Tác phẩm này khi xuất hiện đã gây ra một phen choáng váng cho người xem cũng như các nhà phê bình nghệ thuật hiện thời. Và rồi, bất chấp sự la ó, mỉa mai, nó nghiễm nhiên là tác phẩm làm nền móng cho nghệ thuật ý niệm trong thế kỷ XX.

“Cái chết bất khả về thể xác trong tâm trí kẻ sống” là cách mà Damien Hirst đặt tên cho tác phẩm nghệ thuật làm từ xác một con cá mập dài 4,3m được ngâm trong phooc môn, ngày nay, nó là biểu tượng của nghệ thuật đương đại.

Người ta không hiểu được giá trị nghệ thuật nằm ở đâu trong tác phẩm Artiss Shit (phân nghệ sĩ, 1961) của Piero Manzoni. Tác phẩm này chính là phân của Piero Manzoni được đựng trong hộp thiếc, khi ra đời nó được rao bán ngàng với giá vàng. Hiện tại mỗi hộp bán được khoảng 6,8 tỉ đồng.

Và còn nhiều lắm những tác phẩm tương tự như thế kể từ ngày Duchamp, Damien Hirst, Piero Manzoni trình làng những tác phẩm “gây rối” của mình.

Thử đặt ra một giả định, bây giờ người ta cho bạn nghĩ ra một tác phẩm làm choáng váng người xem hơn những tác phẩm kể trên liệu bạn sẽ làm gì. Rất khó để điên tàng và quái gỡ hơn. La ó, mỉa mai, hắt hủi, tránh xa và xiển dương nhiệt tình… là những gì người ta đã dành cho những tác phẩm nghệ thuật đương đại.

Nếu không thể tìm ra những thử nghiệm đẩy sự điên rồ và gây choáng đi xa hơn những ý tưởng của Duchamp và của Damien Hirst thì chúng ta thử hỏi rằng vậy tương lai của nghệ thuật đương đại sẽ mang màu sắc gì. Tương lai của nghệ thuật là gì nữa khi người ta dường như đã khai thác một cách cạn kiệt những suy nghĩ nổi loạn nhất có thể để biến những thứ tầm thường, thừa mứa, rác thải… hàng ngày trở thành nghệ thuật.

Tôi nghĩ rằng tương lai của nghệ thuật đương đại có thể sẽ mang màu sắc ảm đạm trong một thời gian dài bởi nó đang lết đi từ những lặp lại trong sự kiệt quệ của hiện tại. Bởi người đến sau khó mà đẩy ý tưởng đi xa hơn người đến trước. Cũng có thể tương lai nghệ thuật đương đại sẽ khả quan hơn khi có một vài kẻ nào đó tìm ra được những khả thể hư cấu không nằm trong tư duy lý trí hiện tại. Cũng có thể tương lai của nghệ thuật đương đại sẽ mở ra một thời kỳ lãng mạn mới, thời kỳ tân lãng mạn khi sự phá phách, gây hấn đã đến hồi “no xôi chán chè.”

Hy vọng là điều không nên tiết kiệm, cũng có thể tương lai của nghệ thuật sẽ rực rỡ hơn khi người ta, dựa vào khoa học, tìm tới một chiều kích không gian vật lý khác, hay một cuộc sống có kết cấu vật chất hoàn toàn khác trên một hành tinh có sự sống nào đó xa xôi. Ở đó, vạn vật, khách thể hoàn toàn không nằm trong những gì mà loài người đã được thấy, thậm chí ngay cả trong tưởng tượng cũng là bất khả cho chúng ta. Lúc đó sẽ là một thời kỳ rực rỡ mới của nghệ thuật mô phỏng, của một bức tranh tân đại tự sự huy hoàng.

Tương lại của nghệ thuật là điều chúng ta không thể chắc chắn về diện mạo của nó, nhưng chúng ta có quyền phỏng đoán, đưa ra những giả thiết dựa vào túi khôn có sẵn hoặc có thể tưởng tượng.

Chắc hẳn mọi người sẽ còn nhớ vào năm 1984, chuyên gia nghệ thuật khả kính Danto loan báo rằng “nghệ thuật đã chết”, nó chết bởi nó đã vượt ra ngoài mọi quy chuẩn mô phạm về hình hài, về vài trò của một nghệ phẩm.

Có lẽ đến nay, không có một chiều kích nào trong đời sống mà nghệ thuật hiện đại, hậu hiện đại chưa đặt chân tới. Nghệ thuật siêu thực, Vị lai đã nỗ lực hết sức mình trong việc khai thác không gian vật lý và không gian tâm lý. Ngay cả sự chuyển động vô hình của thời gian cũng không thoát khỏi tham vọng trong nghệ thuật của Marcel Duchamp, Salvador Dalí… Người ta còn thấy cả những tham muốn mô tả những dạng không gian khả thể trong nghệ thuật ý niệm, tối giản, trình diễn…
 

Tác phẩm: “Chân dung”của Lê Quảng Hà
Tác phẩm:“Váy cưới”của Trương Tân

So với khởi nguyên thì xã hội ngày nay đã biến đổi theo những chiều hướng dường như không thể kiểm soát được. Sự biến đổi này có căn nguyên từ việc con người luôn khát khao cái mới, luôn hướng tới tính hiện đại trong không/ thời gian mà mình lưu trú. Hướng tới tính hiện đại và tạo ra cái mới đã xảy ra trong lịch sử loài người như thế nào? Cái mới có thực sự đồng nghĩa với sự phát triển hay không? Những ai là kẻ tụng ca cái mới và những thế lực nào đã từng ngăn chặn cái mới ra đời vì sợ hãi cái mới như sợ hãi trước những mầm móng của tự do?

Những quan niệm, những quy chuẩn, những cấm kị, những quy luật tưởng đã vững như bàn thạch trong lịch sử luôn bị rạn nứt trước những tư tưởng và những hành động hướng tới xác lập tính hiện đại. Nói đúng hơn, tính hiện đại chính là những thay đổi của các quan niệm sống không bao giờ tĩnh tại.

Để tính hiện đại luôn được xác lập trong mỗi thời kỳ lịch sử, trong từng nền văn minh khác nhau thì vai trò của lý trí là rất to lớn. Lý trí đã giải thoát con người khỏi những quyền uy của thần giáo, những  đám mây mù của tín ngưỡng. Tính  hiện đại của lý trí mở ra một thời kỳ đầy ánh sáng để loài người tin vào sự tiến bộ của khoa học, thị trường và tự do. Lý trí đã mở ra những cuộc cách mạng lớn như cách mạng công nghiệp ở Anh, cách mạng giành độc lập của Mỹ, cách mạng chính trị ở Pháp. Dĩ nhiên, ngày nay, trong thời Hậu hiện đại thì lý trí lại bị chính con người hoài nghi để bước vào những tính hiện đại đang còn là khả thể.

Tiến trình đó cho chúng ta thấy rằng con người từ lúc biết tư duy đã không ngừng mơ mộng. Mơ mộng, tưởng tượng chính là vũ khí để con người chiến thắng những thế lực bảo thủ, phản động, những thế lực sợ hãi mọi sự thay đổi có thể phá vỡ lợi ích của chúng. Ta thấy sự tiến bộ và biến đổi của mọi giá trị, sự va đập của các hệ thống chính trị, các nền kinh tế, những thắng lợi và những thất bại tạm thời của tính hiện đại trong từng thời kỳ lịch sử của nó.

Để vươn tới tính hiện đại, để cái mới hình thành thì luôn phải có những kẻ mở đường. Kẻ mở đường thường là những kẻ tinh hoa, kẻ dám vì cái mới mà sẵn sàng gánh chịu mọi tổn thất về mình, kể cả hi sinh tính mạng.

Trong thời kỳ huy hoàng của lý trí, người ta đã vững tin vào một thế giới ổn định và hợp nhất, nhưng hiện tại, mọi thứ đã trở nên xô lệch. Giấc mơ về một thế giới đại đồng đã vụn nát. Con người đang đối diện với một thế giới đa cực và ngầm ẩn những rủi ro không thể lường trước. Và để an ủi, Jacques Attali cho rằng đã từng cho rằng: “Theo tôi chỉ một thứ duy nhất, lòng vị tha là có thể cùng một lúc bảo tồn cho loài người bản tính, tinh thần sáng tạo và tự do của nó, và lập dự án cho tương lai lâu dài. Con đường đến đó rất hẹp. Hẹp ghê người.”

Trong suốt chiều dài của lịch sử tạo hình thế giới, ở mỗi giai đoạn cụ thể không ai có thể dự đoán một cách chính xác về hình hài của nghệ thuật ở giai đoạn tiếp theo. Vì thế, những kẻ đi trước, trong nỗ lực mô phỏng thế giới hiện thực được thấy ở thời tiền sử đến nghệ thuật Hi Lạp cổ đại, La Mã, nghệ thuật Trung Cổ không ai có thể nghĩ tới sẽ có một nền nghệ thuật mẫu mực, kinh điển tới mức khó tưởng tượng được như nghệ thuật Phục Hưng bắt đầu vào thế kỷ XV. Sau trường phái hiện thực (thế kỷ XIX), ai ngờ được rằng trường phái nối tiếp là Ấn tượng, Hậu ấn tượng, Tân ấn tượng lại đẩy nghệ thuật tạo hình trượt ra những kiểu cách khác, nhìn thực tại bằng một con mắt khác, một con mắt gây lạ lẫm, hoài nghi, xì xào. Khi trường phái Biểu hiện (1905 - 1930) đi tới mô tả thế giới bên trong thay cho việc bắt chước vẽ lại cái được thấy bên ngoài thì ít ai lại nghĩ tới rồi đây, trường phái Lập thể lại đặt cái được thấy trong nhiều chiều cạnh soi xét khác nhau, thoát ly hoàn toàn bóng dáng của nghệ thuật truyền thống. Đến nghệ thuật kiểu gây hấn, nghịch dị, đả phá… của Dada với những tên tuổi như Hans Arp, Du Champ, Man Ray… rồi đến nghệ thuật đại chúng (sau thế chiến thứ hai), rồi đến nghệ thuật trình diễn, ý niệm trong dòng đương đại thì có lẽ chúng ta thấy rằng nghệ thuật đã thay đổi như thế nào so với khởi nguyên của nó.

Trong cuộc sống đầy biến động như hôm nay, con người ngày càng khát khao đạt được tự do tuyệt đối trong sự tuyệt vọng của mình, trong những sự va đập của các yếu tố vừa thống nhất vừa đối lập trong một không gian bất định. Không nghệ sĩ nào dám tuyên bố nghệ thuật của mình là thứ duy nhất, là thứ độc nhất vô nhị chưa từng được phát hiện hay chưa từng tồn tại, và đây chính và yếu tổ để chúng ta vin vào những lập luận của lý thuyết Liên văn bản, liên ngành. Con người hiện đại, mỗi cá nhân là một vực thẳm, ai nấy đều mơ những giấc mơ của riêng mình. Sự đa dạng, tính nhất thời, sự biến ảo khôn lường khiến cho nghệ thuật khó mà nắm bắt, khó quy hiện tại vào một cùm từ, một khái niệm định danh duy nhất nào đó, dù cho nội hàm khái niệm đó có rộng lớn đến bao nhiêu đi nữa. Không khi nào mà nghệ thuật có thể nhanh lỗi thời như hiện nay. Một tác phẩm đương đại ngày nay, cũng giống như một phát minh trong công nghệ điện tử, nó có khả năng lỗi thời ngay khi vừa được khai sinh.

Dù muốn dù không thì con người và cả nghệ thuật hiện nay đang phải đối mặt với những vấn nạn khôn lường. Trong những rủi ro ấy nghệ thuật ngày nay vẫn sẽ đa dạng và triển nở, mỗi một chiều hướng nghệ thuật sẽ có một không gian, môi trường, sự lập luận lý do để nó tồn tại trong tính chất phủ định, ganh đua, dè bỉu những chiều hướng khác mình. Nghệ thuật sẽ quay lại phản tư chính nó, nó không vì một lý tưởng nào ngoài chính nó, nó không cấp nghĩa cho một ý tưởng ngoài nó, nó quay lại nhìn ngắm và mô tả chính mình trong xu hướng siêu hư cấu, siêu hiện đại. Một chiều hướng nữa là nghệ thuật có thể sẽ quay về hoài cổ khi mọi tìm kiếm đã đến lúc chán chường, tinh thần của một thời kỳ Tân lãng mạn sẽ xuất hiện trên một cơ sở khác trước. Khi khát vọng tạo nên một thế giới hợp nhất thông qua lý trí bị sự hỗn tạp làm cho vụn nát thì xã hội và nghệ thuật tự khắc đi tìm những lối thoát. Và bây giờ tâm thức lãng mạn, một lần nữa trở thành lối thoát. Lối thoát này sẽ đẩy cái tinh thần lãng mạn trong nghệ thuật cổ điển đi xa hơn, nó sẽ thận trọng đến mức rụt rè trước những phá phách đổi mới, nó vừa bước đi vừa cẩn thận nhìn ngó cái đống đổ nát của nghệ thuật hậu hiện đại, đương đại hai bên đường đi của nó. Nó vừa nhớ nhung vừa muốt vượt  lên những quy chuẩn mô phạm cổ điển xa xưa trong âm mưu thêu dệt nên huyền thoại cho mình.

Sau sự phì đại của một hiện thực bất khả mô phỏng, có thể nghệ thuật sẽ tự nó phân chia ra các vùng lãnh thổ nhỏ hơn, những vùng lãnh thổ này có sự khác biệt với các vùng lãnh thổ khác, thậm chí mỗi lãnh thổ sẽ hoạt động trong xu hướng biệt lập, bảo lưu những gì chỉ là của mình. Lúc này, giá trị nghệ thuật nằm ở cái bản sắc riêng nhất của nó, trong lãnh thổ giới hạn của nó. Nó chống đối sự giao thoa mà văn minh kỹ thuật số đang làm mưa làm gió.

Sau những giấc mơ của các cá nhân đơn lẻ, người ta nhận thấy sự đa dạng của mỗi cá nhân đơn lẻ sẽ gây ra những hiềm khích không thể giải quyết được những mâu thuẫn, những vấn nạn mà xã hội hiện đại đang mang vác trên mình nó. Nghệ thuật quay về với bản tính thiện lành sau bao năm gây hấn cuồng điên. Lấy sự trắc ẩn và lòng vị tha làm nền tảng thay cho sự đập phá nghịch ngợm trước kia. Chiều hướng tương lai này của nghệ thuật sẽ giống như một giấc mơ êm ái sau một cuộc chiến hoang tàn. Bao giờ cũng thế, sau những hoang tàn người ta sẽ ngồi lại trầm tư hơn, nhìn lại đống nát vụn và nghĩ về những chân trời mới, chân trời ấy chỉ có lòng vị tha, sự trắc ẩn là hạt nhân cho mọi tồn tại.

Về nghệ thuật đương đại, từ khi mới ra đời cho đến nay nó vẫn luôn bị những câu hỏi tra vấn, nghi ngờ về chân giá trị nghệ thuật đeo bám. Cái đẹp của nghệ thuật đương đại nằm ở đâu, mục đích của nó là gì, phải làm sao để thấy chúng đẹp. Liệu sự trống trải đến phản cảm về mỹ học của nó có nên liệt vào sự phản nghệ thuật hay không. Liệu sự nỗ lực của nghệ thuật đương đại trong việc làm bùng nổ những chất liệu mới, vượt qua sự kể tả hay lối chới ám dụ, ẩn dụ sẽ thực sự chèo lái con thuyền nghệ thuật tiếp tục đi lên hay không. Căn rễ của nghệ thuật đương đại là nó được bắt đầu từ những vết thương khổng lồ sau chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai. Tinh thần của Dada hướng tới phá hoại những nền tảng của truyền thống, phá tan những chuẩn mực, quy các điển phạm. Nhưng rồi nó chết yểu. Nó chết yểu vì gây hấn quá đà, vì sự hiếu chiến, nó chết bởi theo Graham Collier: “Lời kêu gọi tàn phá nào cũng chứa đựng những mầm móng hủy diệt tự thân.”

Chúng ta thấy rằng càng về sau sự cực đoan trong nghệ thuật càng lớn, cực đoan đến mức phi lý và vô nghĩa. Khi niềm tin đã mất thì sự diễu nhại bắt đầu len lỏi trong các thể chế, các quy tắc ứng xử. Mọi thử nghiệm, thực hành của các nghệ sĩ đương đại đang bày ra trước mắt chúng ta chính là lãnh thổ của những người tài năng, tuy nhiên, đây cũng là nơi ẩn nấp của những kẻ bất tài, đeo bám, ăn theo.

Trên đây là những mường tượng, những suy nghĩ nhất thời, những giả thiết về các chiều hướng tương lai của nghệ thuật đương đại. Hy vọng sẽ có một chân trời thực sự tươi sáng, cấp nghĩa cho những chân giá trị nghệ thuật thay cho cái hỗn loạn, cái mập mờ đầy hoài nghi trước mắt chúng ta.

T.H.A  
(TCSH369/11-2019)


 

Các bài mới
Xem tranh (03/01/2020)
Các bài đã đăng
Dị mộng (16/12/2019)
Tuyết ca (16/12/2019)