Tạp chí Sông Hương - Số 370 (T.12-19)
Tính triết lí và chức năng giáo dục của vè
10:19 | 03/01/2020


TRIỀU NGUYÊN

Tính triết lí và chức năng giáo dục của vè
Ảnh: internet

1. Đặt vấn đề

“Vè là một thể loại tự sự bằng văn vần, được biểu diễn dưới hình thức nói hoặc kể, chủ yếu phản ánh kịp thời và cụ thể những chuyện về người thực, việc thực ở từng địa phương. Vè giống như một loại “khẩu báo” (báo bằng miệng) của nhân dân, rất gần với thể kí ở trong văn học Việt. Khác với ca dao, vè thiên về tự sự, ít tính chất trữ tình, thiên về thông báo nội dung sự việc, ít chú ý trau chuốt về hình thức” [1, tr. 185]. Hoặc “Vè là một thể loại tự sự bằng văn vần của văn học dân gian, dạng “khẩu báo” (báo miệng), kể về các hiện tượng tự nhiên, về con người và xã hội, các đối tượng này đều “có vấn đề”, khiến những người ở địa bàn liên quan muốn biết, muốn thể hiện sự quan tâm của họ; vè có phong cách ngôn ngữ tường minh, cụ thể”(1).

Triết lí được hiểu là quan niệm về nhân sinh, xã hội của một đối tượng người hay sản phẩm do họ làm ra, đặc biệt, là văn học nghệ thuật. Triết lí của vè là một hình thức của loại triết lí thực hành.

Tìm hiểu tính triết lí và chức năng giáo dục của vè, là một nghiên cứu về nội dung. Việc nghiên cứu này chẳng những mang lại một số tri thức quan trọng về thể loại đặt ra, mà còn cho thấy các lưu ý về vấn đề mà dân gian đã thủ đắc, như bản chất của loại triết lí thực hành và việc giáo dục ra sao của vè.

2. Giải quyết vấn đề
2.1. Tính triết lí của vè
2.1.1.
Vấn đề chung

+ Tài liệu [3/VI(2), tr. 5-155] có Phần I “Những bài vè nói về triết lí sự đời và nhà giàu”, gồm 29 bài, như (ghi tên 10 bài đầu): “Triết lí sự đời (I)”, “Triết lí sự đời (II)”, “Ngẫm nhân tình thế thái”, “Đừng chộ đói mà khinh”, “Luận về đồng tiền”, “Vạn tội bất như bần”, “Bởi vì một miếng ăn”, “Vè tục ngữ”, “Phúc tội trời đã cân”, “Nghĩa nhân là chủ muôn đời”. Qua tên gọi cũng thấy ý nghĩa triết lí của chúng. Đó là triết lí thực hành, được đúc rút từ thực tiễn cuộc sống. Chúng góp phần giải thích quan niệm của một số danh nhân trên vùng đất; chẳng hạn, khi luận về tiền hay việc khó nghèo, Nguyễn Du viết “Một ngày lạ thói sai nha/ Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền” - Truyện Kiều, dòng 597 - 598), Nguyễn Công Trứ nêu “Lục cực bày hàng sáu, rành rành kinh huấn chẳng sai/ Vạn tội lấy làm đầu, ấy ấy ngạn ngôn hẳn có” - Hàn nho phong vị phú),...

Như tài liệu vừa nêu (Kho tàng vè xứ Nghệ, 9 tập) đã tóm tắt bài “Triết lí sự đời (I)”, rằng: a) Không nên “xu viêm phụ nhiệt”, vì đối với cuộc đời, giàu sang không phải là hiện tượng vĩnh viễn; b) Không nên ỷ mạnh hiếp yếu, ỷ giàu mà làm điều phi nghĩa, cũng như khinh khi người nghèo, bợ đỡ kẻ giàu; c) Ruộng đất là cái vĩnh viễn, còn con người chỉ hữu hạn, không bắt cái hữu hạn giữ riệt cái vĩnh viễn; d) Người có tài đến đâu cũng có khi chủ quan, mà đã như thế thì khó tránh khỏi thất bại.

Dưới đây, là một đoạn trích từ bài này:

Đá giằn trên ngọn cỏ,
Tiền của lấp ngãi nhân;
Đừng chộ khó khinh bần,
Đừng chộ giàu kính trọng.
Con trâu, mẫu rọng (ruộng),
Của chung ở giữa trời.
Mỗi người canh một hồi,
Ai canh lâu được mãi?
Ai khôn bằng Từ Hải,
Cũng mắc dại Thúy Kiều…
[3/VI, tr. 18-19]

Đã gọi “triết lí thực hành” thì không chỉ chừng ấy. Ngay ở tài liệu đang bàn, ở Phần IV (của tập VIII) “Những bài vè nói về phong trào Duy Tân và Đông Du”, có bài “Luận về chữ nghèo”, với các câu “Nghèo lại đứng, nghèo lại đi/ Nghèo mà có biết thị phi làm đầu/ […] Nghèo ơi, nghèo thức dậy/ Nghèo nỏ ngủ mần chi/ Phường nô lệ kẻ đi người lại/ Tụi văn minh ở đâu mà ngái/ Cũng trong vòng tứ hải ngũ chu/ Nghèo này ham trí mà nỏ ham ngu”(3), thì nội dung cũng là triết lí về “nghèo”, chỉ do phù hợp với quan niệm của các nhà yêu nước giai đoạn đầu thế kỉ XX, nên [3/VIII, tr. 655-656] đã xếp nó vào đây.

+ Thật ra, triết lí được ghi nhận từ vè cũng là triết lí của các thể loại văn học dân gian nói chung, chỉ khác nhau ở sự đậm nhạt của vấn đề, tùy mỗi thể loại liên quan. Như nếu ở ca dao coi trọng các biểu hiện qua tình cảm lứa đôi, ở truyền thuyết đề cao trách nhiệm của cá nhân với dân tộc,.., thì ở vè đặc biệt quan tâm đến việc đối nhân xử thế trong quan hệ xã hội nhiều hơn.

Điều này có thể nhận ra trong rất nhiều tác phẩm vè khác. Như ở Văn học dân gian Quảng Bình (Trần Hùng (Chủ biên) (1996), Nxb. Văn hóa Thông tin, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường Quảng Bình kết hợp xuất bản, tr. 212-275), mục “Vè phản ánh sinh hoạt ở làng xã và vui chơi”, có triết lí “Muốn chiến thắng, phải thay đổi”, như “Đổi phách lên lái/ Mới hòng ăn thua” (“Vè bơi thuyền”, tr. 218). Hoặc: “Thương người ham làm, ghét kẻ vụng trộm”, như “Cái thằng ăn chùng/ Thì đập cho chết/ Cái con bút nếp/ Thì kêu cho ăn” (“Vè ông kể”, tr. 223). Hoặc nữa: “Kẻ lười biếng thì phải chết”, như “Bắt cá, cá nẻ/ Đi ẻ, chó cắn/ Đi tắm, chết trôi/ Ôi thôi rồi, hết đời thằng nhác!” (“Vè thằng nhác”, tr. 229)...(4)

2.1.2. Một số kiểu nhân sinh quan, vũ trụ quan của vè

Như đã nói, quan niệm về cuộc đời, về vũ trụ của vè, là sự nhìn nhận có tính triết lí về nhân thế được phản ánh trong các thể loại văn học dân gian. Do vè nêu nhiều vấn đề thuộc sinh hoạt trong cộng đồng xã hội, mà vấn đề nào cũng thể hiện nội dung vừa nêu, nên trở thành quan niệm phổ biến.

2.1.2.1. Nhân sinh quan của vè

Quan niệm về cuộc đời của vè thật dung dị, dễ nắm bắt, đó là con người cần tình yêu. Bởi đây là tình cảm mở đầu cho nhiều mối quan hệ huyết thống, có tính chất ràng buộc với bất kì một cá thể người nào (ai cũng có tổ tiên, ông bà cha mẹ, và các loại anh em xuất phát từ đó). Với tình đôi lứa, không có thứ tình nào cao quý hơn, cho dù của cải có nhiều và giá trị đến đâu, cũng khó bề sánh nổi: “Anh có một rú tiền/ Em có một rú tiền/ Cũng không bằng ân ái, ngãi duyên mặn nồng” (“Đạo ngãi tình thâm” - rú: núi, rừng núi) [4/IX, tr. 107].

Con người trong quan hệ với nhau, việc nhân nghĩa qua tam cương (ba mối: vua - tôi, cha - con, chồng - vợ)(5), ngũ thường (năm điều hằng thường: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín) được đề cao. “Cương thường” là nền tảng chính trị, đạo đức của Nho giáo, được coi trọng dưới chế độ phong kiến. Như lời cảm thán của nhân vật Tôn Thất Thuyết trong bài “Vè Thất thủ kinh đô”, khi đưa vua Hàm Nghi ra Tân Sở, tỉnh Quảng Trị (tức vùng Cùa, thuộc xã Cam Chính, huyện Cam Lộ), và vùng rừng núi của tỉnh Quảng Bình: “Phò vua lấy một chữ trung/ Trời cao, biển rộng, non Bồng phải đi!”

Có điều, hầu hết số bài vè có được thuộc thế kỉ XIX, XX, là hai thế kỉ cho thấy sự xuống cấp của thể chế phong kiến cuối cùng (nhà Nguyễn), dù đạo “cương thường” vẫn được đề cao nhưng không còn mạnh nữa. Chẳng hạn, lời của bài “Vè Thất thủ Thuận An”, đặt vào nhân vật là một linh mục người Pháp, khi luận bàn về việc mất cửa Thuận: “Thắng thời vinh hiển bá quan/ Bại thời phận lính tồi tàn tấm thân” (Vè chống Pháp: Thất thủ Kinh đô; Thất thủ Thuận An (1883 - 1885) - Lương An (1983), Nxb. Thuận Hóa, Huế. tr. 154); hoặc khi ông Khoán bắt được người ăn trộm tre vào lúc giữa khuya của một đêm mưa gió, các chức sắc làng vẫn lúng túng, vì cảm giác đó là việc làm “thiếu nhân ái”, do kẻ trộm túng thiếu quá mà phải làm liều: “Trong làng như đánh cờ vây/ Phải đi coi hát giải khuây kẻo buồn” (“Vè người ăn trộm tre”) (Văn học dân gian Quảng Bình, sđd., tr. 219);...

Cũng có lúc, đặc biệt là với các con vật và trong cuộc sinh tồn, đã gặp một số sự việc tiêu cực; chẳng hạn, bài “Vè con chó” có nhận xét: “Hồi dương lộn nhào/ Lấy cây đập óc/ Con người rất độc” (Ca dao, dân ca, vè, câu đố huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) - Trần Việt Kỉnh (Chủ biên) (2011), Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, tr. 437), tả cảnh người giết chó để ăn thịt, khi chó “hồi dương” (bấy giờ đã cạo sạch lông, đang nướng dở chừng), người đã đập vào đầu khiến chó chết hẳn. “Độc” theo đó là độc ác. Để được sống, con người phải ăn thịt các sinh vật (rau quả, lợn gà,...). Tục ngữ có câu: “Chim với phượng cũng kể loài hai chân, thú với kì lân cũng kể loài bốn vó”; do chim (hai chân) và thú (bốn vó) thì người có thể ăn thịt, nên phượng và kì lân, hai con vật được cho là đẹp đẽ và linh thiêng, cũng sẽ khó bề tránh khỏi. Có điều việc “ăn” ấy không phải tùy thích, mà phù hợp với yêu cầu nhân văn và luật pháp tiến bộ của con người(6).

2.1.2.2. Vũ trụ quan của vè

Là kiểu triết lí thực hành, vè không luận về vũ trụ kiểu các tôn giáo hay dịch học. Nhưng thể loại này đã biểu hiện sự biến đổi, chuyển dịch của giới tự nhiên, xem đó như một quy luật bình thường(7). Chẳng hạn, nước thì vốn ở chỗ thấp, sâu (theo bề mặt quả đất), nhưng khi trời lụt, thì thuộc tính ấy không còn, bấy giờ, mối quan hệ vũ trụ - con người (tức trời - người) là một, được hòa nhập: muốn tồn tại, con người không thể tách rời. Như “đất cao ráo (để dựng nhà)” cũng như cánh đồng trũng, đường bộ trở thành dòng nước chảy, phải đi thuyền, ở bài “Vè nạn lụt”: “Thổ cao coi cũng như đồng/ Trên đường thuyền chở dưới sông khác gì”; cả những nơi cao nhất của địa bàn được đề cập, như cồn, đồi cũng chứa đầy nước, như bài “Bão năm Thân (1932)” phản ánh: “Thuyền mành chí quyết/ Lên đậu trên cồn/ Bao nhiêu thuyền buôn/ Trôi lên chùa Nhãn”(8);...

Với các sự vật, hiện tượng tự nhiên khác, quan hệ của con người thường vận dụng, để sống chung với chúng. Quan niệm này được triết lí nhà Phật, triết lí đạo Lão dẫn dắt. Với sự vật vô sinh và nhìn từ xa, như các hòn đảo nhỏ ven bờ, các dòng nước đục, trong ở biển, con người sử dụng chúng như những thứ dùng để đánh dấu, tương tự các mốc chỉ đường. Như ghe thuyền đi biển tới được Hòn Mê, là đã đến vùng Tĩnh Gia, Thanh Hoá: “Trông ra Mê, trông kề Bung, Núc/ Trông Bãi Đón, ngựa giục Trường Sa” (“Thuyền qua vùng Tĩnh Gia”), tới được ngàn Thùy Vân là đã đến Vũng Tàu, sắp vào tới Sài Gòn: “Qua Thùy Vân đến nơi giếng Bống/ Ngàn Vũng Tàu lồng lộng cao phong” (“Thuyền qua Vũng Tàu, Sài Gòn”)(9),...

2.2. Chức năng giáo dục của vè

Đề cập đến “Tính nhiều chức năng của văn học dân gian”, Chu Xuân Diên (2003) đã viết: “Trong văn học dân gian, chức năng nhận thức, chức năng giáo dục, chức năng thẩm mĩ và chức năng sinh hoạt hợp thành một thể thống nhất. Văn học dân gian là một hình thái ý thức xã hội phức tạp” (Chu Xuân Diên, “Những đặc trưng của văn học dân gian”, trong: [2, tr. 29]). Riêng vè, chức năng giáo dục vẻ như có nổi trội hơn, được đề cao hơn, so với các chức năng kia.

Ở đây, về chức năng giáo dục, vè đã đề cập đến hai lĩnh vực chủ yếu, được nhiều người chú ý: vè giáo dục con người qua hình thức phê phán, đả kích về các việc làm, nhận thức sai trái trong cuộc sống thật; và vè giáo dục con người qua tình yêu gia đình, làng mạc.

Sở dĩ đặt cạnh việc thông tin (tin lành thì ít, tin dữ lại nhiều), đã không hiếm người lo sợ việc đánh mất “chất người” (hiểu là tính nhân ái, chất nhân văn trong cư xử), nên dùng hình thức giáo dục vừa nêu để “giữ thăng bằng”. Như mở đầu bài “Vè bảo ban con gái (II)” (Vè Thừa Thiên Huế - Tôn Thất Bình (Chủ biên) (2001), Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế xuất bản, Huế, tr. 94), có lời: “Nằm phòng đương lúc thảnh thơi/ Nghĩ đời mà thấy sự đời mà ghê/ Dạy con chắp mấy lời quê/ Dù ai nghe cũng chớ chê đừng cười”.

2.2.1. Vè giáo dục con người qua việc phê phán, đả kích cái xấu, ca tụng điều tốt đẹp

+ Trong quá khứ, vè phổ biến chủ yếu dưới hình thức phê phán, đả kích. Phê phán, đả kích là cách uốn nắn để con người có được hành động, việc làm đúng đắn, thay vì sai trái như đã trót mắc phải. Chẳng hạn, lời răn ở cuối của bài “Đi chợ ăn hồng”: “Tham ăn mất nết thì chừa” [3/VII, tr. 221] hay “Anh chàng lười (I)”: “Muốn sống phải gắng mà ăn mà mần/ Đừng có để hóa thành củi mục” [3/VII, tr. 229]. Việc làm này thực hiện châm ngôn “Thuốc đắng dã tật”.

+ Do không phải bao giờ việc giáo dục bằng lời, dù là lời đắng cay, cũng thành công, mà có khi phải dùng đến vũ lực. Đặc biệt là công cuộc chống Pháp vào cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Ở lời sớ “Xin dứt việc hòa hảo để khích lệ lòng người” tâu trình với vua Tự Đức, Nguyễn Xuân Ôn viết: “Không thể lấy nhân nghĩa mà nói với chúng được. Chúng vượt muôn dặm biển khơi hiểm trở để mưu mô cướp đất nước của mình, dụng tâm như thế, mà mình lại muốn lấy ý tốt để đối đãi với chúng được sao?” (“chúng”: chỉ quan quân Pháp)(10). Các tác giả vè cũng nhận ra điều ấy. Những bài vè thay vì mang nội dung phê phán, đả kích các nhân vật liên quan, đã ngợi ca các anh hùng yêu nước chống thực dân trước khi Huế vào tay Pháp (1885) (11), và sau đó, những người khởi nghĩa thuộc các phong trào: Cần Vương, Duy Tân, Đông Du,…

+ Bên cạnh đó, hẳn không cần nói ra, chúng ta đều biết rằng, nội dung giáo dục có mặt trong mỗi bài vè, đặc biệt là loại vè lịch sử chống ngoại xâm. Bởi chuyện đánh giặc cứu nước là việc chung của mọi con dân, không kể thành phần, tôn giáo, như sư Thụ ở chùa Lãng (xã Trà Giang, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), đã xả thân cho Tổ quốc: “Cùng với nghĩa sĩ bốn phương/ Phất cờ thần tướng, mở đường thiên binh/ Phá dinh công sứ Thái Bình/ Sa cơ ông đã bỏ mình vì dân” (“Vè sư Thụ” - Văn học dân gian Thái Bình, sđd., tr.350)…

Ngay cả các nhân vật nông dân khởi nghĩa chống lại triều đình phong kiến, nội dung này cũng hiển hiện: “Nàng Ba gạt lệ truyền ra/ Các người trung nghĩa trời đà chứng tri/ Nhưng mà tạo hóa huyền vi/ Tử sinh thành bại chuyển di khôn lường/ Nay cho đem hết bạc vàng/ Chia nhau về kẻo vợ mong con chờ/ Nghĩa quân sung sướng reo hò/ Ai về nhà nấy một giờ tan ngay”. (Lời nàng Ba, bài “Vợ Ba Cai Vàng” lưu truyền ở Nghệ Tĩnh - theo [3/ VII, tr. 614-627] - nàng Ba đã giải tán nghĩa binh, chia của cải để mọi người về với gia đình, sau khi tán dương sự trung kiên của họ).

2.2.2. Vè giáo dục con người bằng tình yêu gia đình, làng mạc

Tình yêu gia đình, làng mạc qua vè bao gồm tình cảm của các thành viên trong gia đình, tình làng nghĩa xóm. Có điều, vè đã phản ánh vấn đề vừa nêu theo lối điển hình. Như với trường hợp đầu, thường gặp là tình cảm của cha mẹ với con cái, ở trường hợp sau, là phong cảnh làng quê.

Ở trường hợp đầu, bài “Vè bảo ban con gái (II)” có những dòng, như: “Gái thì giữ việc trong nhà/ Hình dung yểu điệu, nết na dịu dàng/ Khi ăn khi nói chững chàng/ Khi ngồi khi đứng dịu dàng dung nghi/ […] Làm người cho biết mọi đường/ Đàng kim mũi chỉ là phương đàn bà/ Còn nghề bánh trái kia là/ Đến khi kị chạp trong nhà càng hay/ Bán buôn canh cửi kia thay/ Nghề chi phải giữ trong tay một nghề!” (“Vè bảo ban con gái (II)”) (Vè Thừa Thiên Huế, sđd., tr. 94). Chỉ có cha mẹ mới bảo ban con gái như thế: chi li, tường tận từng chút một.

Với trường hợp sau, có khá nhiều, như từ [4/VII], có “Phong cảnh Bùi Sơn”, “Nhất vui là đất chợ Tràng”, “Đâu hơn Phú Mĩ làng ta”, “Nỏ nơi mô bằng Thạch Trụ”,… Đây là các bài theo thứ tự từ 7 đến 10 của Phần 2, “Những bài vè nói về phong thổ, phong cảnh” của tài liệu vừa ghi. Chỉ cần đọc nhan đề đã cho thấy nội dung các bài vè thể hiện sự tự hào về các làng quê đang được trưng ra, là gấm vóc, tươi đẹp, sống an vui không đâu bằng.

Như: “Hai bên thủy nhiệu/ Trước án ngọc chữ vương/ Ngóng lên trên truông/ Có thành Lê nước đổ/ Nom sang tây hổ/ Có con voi chầu/ Nom lên trên đầu/ Có cồn Cổ Ngựa/ Nom vào chính giữa/ Có cụm rú Mắt Rồng(12)” (“Phong cảnh Bùi Sơn”) [4/VII, tr. 260-261]; hoặc: “Có khi ngồi thong thả/ Gẫm phong cảnh mọi nơi/ Nghe lắm chốn ăn chơi/ Đâu hơn bằng Thạch Trụ/ Đất nam thanh nữ tú/ Đất văn võ lưỡng đồ/ Đất hướng vũ trông vô/ Đất Tam Thai chầu lại” (“Nỏ nơi mô bằng Thạch Trụ”) [4/VII, tr. 272-274]; chúng khẳng định điều nêu trước.

Như đã trình bày, đây là các tình cảm có tính chất nền, xuất phát của mọi tình cảm xã hội khác, nên là lối giáo dục chẳng những đúng hướng mà còn cơ bản, nhân văn.

3. Nhận xét, kết luận

+ Bài viết chia làm hai mục, là tính triết lí và chức năng giáo dục của vè. Mục đầu gồm vấn đề chung và một số kiểu nhân sinh quan, vũ trụ quan cụ thể. Mục sau trình bày hai lĩnh vực: vè giáo dục con người qua việc phê phán, đả kích cái xấu, ca ngợi điều tốt lành (nhất là việc đứng lên chống ngoại xâm, chống sự bạo ngược, bất công trong xã hội cũ); và vè giáo dục con người bằng tình yêu gia đình, làng mạc.

Khi tìm hiểu “tính triết lí và chức năng giáo dục của vè”, bài viết đã thông qua các tác phẩm vè thuộc một số tài liệu và địa bàn cụ thể. Việc làm này đã đi đúng với phương thức mà nó đặt ra; đồng thời, cũng đóng góp thiết thực trong việc tiếp cận một đối tượng (hay lĩnh vực) trong nghiên cứu.

+ Thể loại vè tuy được xác định và đưa vào giảng dạy ở các bậc học đã lâu, nhưng việc tìm hiểu về nó thì khá ít ỏi (có lẽ do sức thu hút hạn chế của sự việc). Do đó, vấn đề như bài viết này đặt ra, chẳng những ít nhiều có ích cho chuyện thưởng lãm, mà còn khiến gia tăng điều cần nắm hiểu vềthể loại liên quan.

T.N
(TCSH370/12-2019)


Tài liệu tham khảo:

1. Hoàng Tiến Tựu (1990), Văn học dân gian Việt Nam, tập 2, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
2. Nguyễn Xuân Kính (2003), “Chương XIII: Nghiên cứu, bình luận về vè”, trong: Tổng tập văn học dân gian người Việt, Tập 19: Nhận định và tra cứu, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 939-1032.
3. Ninh Viết Giao (1999, 2000), Kho tàng vè xứ Nghệ, 9 tập, Nxb. Nghệ An.
4. Ninh Viết Giao (2011), Văn hóa dân gian xứ Nghệ (từ tập VII đến tập XV), Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội (tài liệu này in lại 9 tập vè ở tài liệu [3], có chỉnh sửa, bổ sung, theo thứ tự; chẳng hạn, tập VII & XI của tài liệu này tương ứng với tập I & V của tài liệu trước).  


---------------
(1) Định nghĩa này từ “Tìm hiểu về vè người Việt”, một chuyên luận sắp công bố của người viết bài  báo này. “Phong cách ngôn ngữ tường minh, cụ thể”, tức sử dụng ngôn ngữ, trên đại thể, mỗi từ ngữ, hình ảnh có một nghĩa - phân biệt với các loại phong cách khác, như phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, dựa trên nguyên tắc: mỗi từ ngữ, hình ảnh có nhiều hơn một nghĩa.

(2) Đọc là: [tài liệu (gồm nhiều tập)] số 3, tập thứ VI.

(3). Một số từ ngữ ở đoạn trích: thị phi: [是非] phải trái; nỏ: chẳng; mần chi: làm gì; ngái: xa; tứ hải ngũ chu:  bốn bể năm châu.

(4) Một số từ ngữ ở các đoạn trích: phách: mũi thuyền (“đổi phách lên lái”: tráo người chèo ở mũi (đầu)  thuyền, đến chèo ở vị trí lái (cuối) thuyền); chùng: vụng (“ăn chùng”: ăn vụng); bút: vút (“bút nếp”: vút gạo nếp); ẻ: ỉa; nhác: lười, lười biếng.

(5) Tam cương: a) Ba mối quan hệ: vua - tôi, cha - con, chồng - vợ: b) Người trên (vua, cha, chồng) phải  thương yêu, chăm sóc và bao dung người dưới (bề tôi, con, vợ); ngược lại, người dưới phải kính nhường, thương yêu, phục tùng và biết ơn người trên.  

(6) Dù sự ngược đãi, hành hạ động vật, nhất là thú nuôi, bị luật pháp nhiều nước tiên tiến cấm đoán,  nhưng việc giết con vật “hồi dương” khi đã bị cạo lông, nướng dở chừng, thì đó là “ân huệ” chứ không phải tội ác (bởi có thoát được, con vật cũng chết, nhưng quằn quại hơn).

(7) Người phương Tây gọi “dịch” là chuyển dịch, Kinh dịch là the book of change (sách của lẽ biến đổi).  

(8) Có thể đọc hai văn bản này ở: a) Bài “Vè nạn lụt”: Văn học dân gian Thái Bình (Phạm Đức  Duật (Chủ biên) (1981), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 359); b) Bài “Bão năm Thân (1932)”: [4/VII, tr. 665].

(9) Có thể đọc hai văn bản này ở: Vè các lái, tri thức dân gian đi biển của người Việt (Ngô Văn Ban  (2016), Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội), các tr. 258 &376.

(10) Nhiều tác giả (1976), Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỉ XIX (1858 - 1900), Nxb. Văn học, Hà  Nội, tr. 279.

(11) Trước 1885, như các cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực ở Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), Rạch  Giá năm 1861, của Trương Định ở Gò Công (tỉnh Tiền Giang), Tân An (tỉnh Long An), năm 1862; cuộc khởi nghĩa của Cố Bang ở vùng Nghệ Tĩnh năm 1874. Cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám ở Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn) và Yên Thế (tỉnh Bắc Giang), khoảng 1870-1913;…

(12) Trước án ngọc chữ vương: phía trước làng có mấy ngọn núi hình cái án; chữ vương là đất quý, nhiều  người làm nên; thành Lê nước đổ: chỉ suối Bộc Bố chảy từ ngọn Động Chủ có thành vua Lê (thành Lục Niên) xây dựng làm căn cứ chống quân Minh, vào những năm từ 1424 đến 1427; rú Mắt Rồng: nằm trong dãy Thiên Nhẫn, chính giữa trại Bùi Phong (thuộc xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) nhìn lên (chú theo theo liệu nguồn).  




 

Các bài mới
Phượng hoàng (08/01/2020)
Các bài đã đăng
Một khoảng xanh (02/01/2020)
Gặp gỡ (31/12/2019)