Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-19)
Dì Ba chẻ chữ
15:26 | 20/01/2020

1.
Ở xóm Bà Tàu, mỗi lần nhắc tới cái ác của Quản Ló thì ai nấy thảy đều tội nghiệp và cảm thông bà Tám Hội Đồng, má đẻ Quản Ló. Vì, “Sanh con ai nỡ sanh lòng/ Nuôi con ai chẳng vun trồng cho con” (Ca dao). Và, như lời người xưa: “Cha mẹ sanh con, trời sanh tánh”.

Dì Ba chẻ chữ
Minh họa: ĐẶNG MẬU TỰU

Có điều, ngoại và người cao niên trong xóm không chịu vậy, mà hay nói: “Con tự sanh tánh, cha mẹ khó dạy tánh cho con và trời thì chẳng trách nhiệm gì về tánh của con người”.

Hai Tịch bị Quản Ló căng nọc giữa sân Nhà việc làng(1).

- Mầy trộm trâu ông Cả bán cho ai? Nói!

Quản Ló, tay chống nạnh, tay nắm cán chày vồ, miệng gằn từng tiếng một.

- Tui nào trộm trâu ông Cả mà Hương quản đề quyết!

- Mầy không trộm, thì thằng nào trộm?

Quản Ló vừa truy vừa bức.

Hai Tịch nằm ngửa mặt ngó trời. Thăm thẳm trời xa... Trời xa, không giải nổi hàm oan người lương thiện. Hương quản Ló quết một chày xuống bụng Hai Tịch, từng quằn thớ thịt quại theo cơn đau buốt thể xác. Đã vậy, trời quái ác hơn, cứ nhè đôi mắt mà nhả nắng soi rọi..., soi rọi tới mức đôi mắt nhức nhối muốn vỡ bung tròng. Hai Tịch thoáng nghĩ: “Tự cứu, trời bất khả cứu!”

- Không ai trộm trâu ông Cả. Chẳng là...

- Chẳng là, sao? - Gằn giọng hỏi, Quản Ló nạt.

Cơn đau rần rật thấm thịt da, Hai Tịch hổn hển thở, nói tiếp:

- Chẳng là, cậu Tư biểu tui bắt hai con trâu lứa biếu anh em Vệ quốc đoàn ăn lợi sức sau trận đánh bót Bà Lý.

Nghe xong, Quản Ló cười gằn, bởi việc cậu Tư con Cả Khị bắt trâu nhà gởi biếu đàng trong(2) không phải một mình Quản Ló biết, mà trong nhà ngoài ngõ ai nấy đều biết. Song, chuyện đã lỡ, và lo sợ Chủ tỉnh Nẫm(3) hay tin thì Cả Khị - dù đã vô dân Tây - cũng sẽ tán gia bại sản. Sợ trở nên ác, càng sợ thì càng ác độc. Cả Khị quá sợ nên nhắm mắt làm điều thất đức, đút lót tiền và bày vẽ Quản Ló trút toàn bộ sự việc cho Hai Tịch - người ở đợ chăn bầy trâu.

- Không trộm trâu, mần sao tui dám nhận trộm, thầy Quản?

- Mầy không nhận trộm, thì rồi má của mầy sẽ phải nhận!

Thất kinh, Hai Tịch phản ứng đứng dậy - phản ứng theo phản xạ - chớ anh, sao có thể đứng dậy, vì tứ chi đã bị Quản Ló căng nọc. Lòng nhói đau, khi anh nghĩ tới cảnh bọn làng lính hành tội má. Và, anh biết chắc mẻm một điều: “Với bọn chúng, trong cái làng nghèo và nhỏ bé nầy, chẳng có việc gì bọn chúng không dám làm, cả việc giết người!”

- Để mầy coi, tau bắt má của mầy!

Nói chắc cứng, Quản Ló liệng chày, phủi đít bỏ đi.

Có lẽ, tiếng rên than của anh đã làm lay động lòng trời. Nắng phôi dịu nóng và pha nhạt gay gắt không gian. Hai Tịch dần tỉnh táo - cái tỉnh táo, trực diện đối đầu với bầy thú dữ! Thương má, nhớ cô Ba... hốc mắt anh, dù vét cạn những hạt nước cuối cùng cũng chỉ đủ ứa mí mắt không thể nhỏ thành giọt.

Gầm gừ, chớp giựt. Trời chuyển dạ, đổ mưa!

“Lấy đâu ra chục bạc chuộc anh Hai Tịch thoát vòng lao lý?” Ba Phiến bối rối, nghĩ không ra.

Đôi bông tai “hoa mù u chưa nở” của má cho Ba Phiến, biểu tượng thì con gái trinh trắng chưa có chủ và nó như là một thứ gia bảo, vật bất ly thân. Mỗi khi nhà có đám tiệc hoặc có chuyện đi xa, người ngoài trông vào đôi bông tai đủ biết chủ nhân của nó là con gái chớ không phải đàn bà.

- Mưa thì mưa hắt cho rồi, cứ chuyển tới chuyển lui... ghê rợn và nhức đầu quá!

Bảy Chờ cằn nhằn.

Ngó cháu, đôi mắt dì Ba đỏ chạch và có lẽ dì vừa khóc xong thì phải. Bảy Chờ tuổi đời dù còn non nớt, nhưng cũng hiểu lờ mờ và có cảm giác dì Ba rất thương chú Hai Tịch, con bà Sáu ở xóm ngọn Bà Tàu.

- Bảy!

Đột ngột, dì Ba gọi giọng dựng ngược.

- Dạ! Dì kêu con.

- Không kêu con thì dì kêu ai? - Rồi, dì ấp úng nói: “Sớm mai, bây đi với dì”.

- Đi đâu vậy, dì?

Bảy Chờ thắc mắc hỏi.

Đôi mắt trông buồn lắm, dì nói:

- Đi bán đôi bông của dì!

Lát sau, lời dì rất khẽ: “Con không được nói với ai và cho ai biết, cả bà ngoại”.

Miền quê, nhất là miền quê hẻo lánh, đất tối mau, trời sáng nhanh.

Gà gáy sang canh hai, Bảy Chờ cố dỗ giấc ngủ nhưng không dỗ được vì mải suy nghĩ câu nói của ngoại dặn dì Ba: “Mất ‘Đôi bông hoa mù u chưa nở’, là coi như mất thì con gái”. Lăn qua trở lại, Bảy Chờ tự hỏi: “Chẳng lẽ, sớm mai mình dửng dưng để dì Ba đi bán cái biểu trưng ‘thì con gái’ để rồi, cả xóm giềng cười chê!”

Lòng buồn tràn ngập đêm mịt mù...

Thước phim chuyện cũ ngày đã qua, quay chậm trong tâm trí Bảy Chờ.

Bảy Chờ nhớ lại:

Lịch mặt trăng, tháng Tư, mặt trời nhả nắng hâm hấp cánh đồng. Trên đường theo má về thăm ngoại, thăm dì Ba Phiến, Bảy Chờ nhìn những luống cày lật đất ruộng phơi ải nhấp nhô như con sóng nhảy nước lúc gặp gió mùa sang. Hồi đương thời, bà ngoại đẻ một hơi năm cô con gái, không có con trai; ông ngoại thất vọng, buồn bã bỏ nhà đi. Bà ngoại thương chồng, nhưng không nhớ. Chòm xóm hỏi, bà ngoại cười: “Sợ rằng, nhớ sẽ làm vướng bận khao khát có con trai của chồng!”. Và, bà cũng thường hay nói: “Thương vì cái nghĩa và cái nghĩa tào khang đó, chồng đã cho vợ Ngũ long công chúa”. Đôi lúc chạnh lòng, bà tặc lưỡi:

- Phận nữ nhi, rồi sẽ bị cái niềng vừa lạc hậu vừa ác buộc người đời thành nếp nghĩ con gái: “Ăn cơm nguội, ngủ nhà ngoài”.

Má của Bảy Chờ thứ út trong năm chị em và trong năm chị em, thì cả bốn chị em lần lượt rủ nhau đi lấy chồng vì ông bà xưa nói: “Có chồng hơn ở giá”. Song với dì Ba, dì làm ngược lại: “Ở giá hơn có chồng”! Dì mượn cớ: “Lấy chồng, ai nuôi má?”. Xuân xanh dì trôi theo dòng thời gian tới khúc xuân phân, nhiều mối trai làng dạm hỏi ngỏ lời, dì lặng thinh không để ý người dưng. Ngoại thúc giục và rầy:

- Đừng vì xuân huyên mà con phí cái xuân sắc!

Thúc giục và rầy chiếu lệ, chớ ngoại hiểu tình yêu của đứa con gái thứ ba đã gởi trọn cho người trai ở ngọn rạch Bà Tàu...

Ngoại trở mình, tiếng gió xành xạch phát từ quạt mo cau.

- Bảy! Ngủ đi cháu, trời sắp sáng rồi đó!

- Nực quá, ngoại ơi!

- Ừ. Trời nực thiệt, cái nực sắp đổ cơn mưa dông đồng bằng.

Có lẽ, suốt đêm nay, ngoại cũng không dỗ được giấc ngủ. Trời nực, hay chuyện của dì Ba!?

2.

- Phiến! Mới tờ mờ sáng, vội đi đâu vậy con? Ngoại xỉa thuốc, hỏi dì Ba.

- Dạ...

Dì Ba chưa kịp trả lời, ngoại trở bộ ngồi, quay sang hỏi Bảy Chờ:

- Bây tính gì mà dợm chưn chộn rộn, đó?

- Dạ. Thưa ngoại…

Ngõ nhà ngoại, sương ban mai bàng bạc màu trắng sữa ẩm ướt và se lạnh. Biểu dì Ba bước tới gần, bàn tay gầy, da khô nhăn nhúm của ngoại sờ lên trái tai dì.

- Phiến! Con đeo lại “Đôi bông hoa mù u chưa nở” cho má!

- Nhưng, dạ thưa má...

Nghiêm sắc mặt, ngoại nói rõ từng tiếng một: “Chuyện thằng Tịch, má lo!”

Thì ra, mọi chuyện dì cháu toan tính, ngoại đã “đi guốc trong bụng”; có điều, không hiểu sao ngoại có thể dễ dàng “đi guốc trong bụng” của dì cháu?

Chuyện dì Ba, ngoại thừa biết tâm tư dì Ba rất muốn đi lấy chồng - nói chính xác là khao khát - Điều khao khát bình thường như bao phụ nữ bình thường khác, là có người xây tổ để họ giữ ấm - mái ấm gia đình! Trong năm người con gái của ngoại và nếu theo lẽ thường, thì ngoại sẽ thương con gái út bậc nhất. Đằng này ngoại không theo cái lẽ thường đó, ngoại thương dì Ba hơn tất cả những đứa con gái khác của ngoại. Họ hàng ai cũng đoán già đoán non là do dì Ba ở giá nuôi ngoại. Song, chiều sâu của cái chữ ẩn chứa cái nghĩa không đơn giản vậy. Với ngoại, bốn đứa con gái đã yên bề gia thất, riêng dì Ba... bến đục bến trong, ngoại không biết rồi đây phận dì sẽ tới bến nào? Và có lẽ, ngoại thương dì hơn hết là chỗ đó! Có lần, ngoại hỏi:

- Phiến! Con có dò la được gì về tông tích thằng Tịch chưa?

Rửa chân trên cầu nước, ngoại hỏi dì Ba đang lui cui cột dây xuồng dưới bến sông.

- Dạ. Thưa chưa, má.

Bảy Chờ nhớ như in, hôm đó, giọng dì buồn... Buồn như mưa chiều trơn trợt đường quê. Và, ngoại nín thinh, không hỏi gì thêm sợ chạm vết thương lòng con gái.

Những lúc rỗi việc, dì Ba thường tâm sự với Bảy Chờ:

Rạch nào ở xứ sở Nam Bộ thảy đều có vàm và ngọn. Thường là, ngọn rạch đảm nhận chức năng chuyển nước lên đồng, bởi “trên đồng cạn, dưới đồng sâu”, và khi nước nổi tràn đồng thì ngọn rạch gánh vác vai trò tháo nước trôi ra vàm đổ về sông. Hai Tịch - đứa con ngọn rạch Bà Tàu - mang khí chất như ngọn rạch, cứu người giúp đời dù cảnh nhà tía má nghèo kiết xác. Mười tuổi, mồ côi tía và cũng từ lúc đó, Hai Tịch đi ở đợ nhà người để có chút tiền mua thuốc thang lo bịnh cho má, đồng thời có ít ỏi miếng ăn nuôi em.

Cám cảnh, dì Ba để ý thương Hai Tịch.

Nhà ngoại cách nhà má Hai Tịch một cánh đồng và cánh đồng đó thuộc về dây ruộng Cả Khị.

Ngoại vốn có mối giao tình từ thời bà Tám về làm thứ thất ông Hội đồng tỉnh hạt Tân An(4), đơn vị tổng Thạnh Hội Thượng. Tư Khị, cậy nhờ chồng bà Tám cất nhắc vô hương chức làng và sau đó nhảy lên Hương Cả. Nói gì thì nói, dẫu sao Cả Khị cũng phải “vuốt mặt nể mũi” đối với bà Tám Hội Đồng!

- Ló! Sao con dám làm cái chuyện thất đức? Bà Tám Hội Đồng vặn tới vặn lui câu hỏi.

- Dạ. Chuyện gì má?

Quản Ló tỉnh rụi, giả lơ như không biết.

- Chuyện Hai Tịch chớ chuyện gì!

Bà nói huỵch toẹt và có lẽ, bà đau hơn nỗi đau của Hai Tịch, khi người mẹ trực diện với sự vô cảm của đứa con. Hôm nghe má của con Ba Phiến học lại đầu đuôi câu chuyện Hai Tịch gánh chịu hàm oan và con Ba lén má, định bán đôi bông tai để gom đủ tiền chuộc người nó thương, bà nghẹn lòng!

- Ló! Con không sợ cái ngày mai... sao?

Chậm rãi, bà nói tiếp:

- Ló ơi! Dù cả đời con làm phải, chỉ một lời bạc ác, chưa nói tới hành động, thì cũng bỏ thôi!

Quản Ló im lặng, đứng như trời trồng kẻ nghịch tử.

- Ló! Thả Hai Tịch ra ngay và không dễ ăn tiền của Cả Khị, con mau mang trả lại cho nó!

Bà nhắc lại lời người xưa: “Dưới miếng mồi thơm, tất sẽ có con cá chết” (Tam Lược). Chắc là thấm ruột những lời của mẹ, Quản Ló rụt rè:

- Má ơi! Bắt dễ, thả khó. Muốn thả Hai Tịch, phải có ý kiến của ông Cả.

Ăn miếng trầu, bà Tám Hội Đồng mào đầu câu chuyện.

- Không giấu gì ông Cả, tui và má con Phiến tới gặp ông Cả là do nghĩ tới cái tình làng nghĩa xóm, nhứt là cái tình xưa giữa ông Cả với ông nhà tui...

Cả Khịa khịt mũi, cười ngất:

- Vậy, chẳng phải bà Tám tới đây vì chuyện của thằng Hai Tịch?

Rồi, lão mở loa miệng hết công suất và kết luận: “Hai Tịch, cái thằng phản chủ. Thiệt đúng, ‘nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà’. Đó là tui còn lưu lại chút tình chủ tớ. Nếu không, tui tố cáo quan trên rằng nó trộm trâu khao quân Việt Minh thì cả nhà nó chết chắc!”

Vênh váo mặt, lão tự đắc về điều lão tuôn ra từ “miệng quan trôn trẻ” (Tục ngữ).

- Ông Cả nói vậy cũng đặng. Nghiệt nỗi, người làng truyền tin miệng: “Cậu Tư, con trai ông Cả đã “xếp bút nghiên” rời Sài Gòn vô bưng kháng chiến. Hôm rồi, cậu Tư có trở về chung với cậu Năm Hòa(5) và cậu Tư, biểu Hai Tịch bắt giùm hai con trâu để cậu khao quân!”

Sừng sộ, Cả Khị nạt:

- Bà nói bậy! Thằng Tư nhà tui vẫn còn học Collège Chasseloup Laubat.

Đột ngột, Cả Khị đập tay xuống mặt bàn, trở mặt hăm dọa:

- “Ngậm máu phun người”. Bà liệu hồn, đừng dựa hơi cái thây ma ông Hội đồng!

Không khí ngột ngạt, người căng thẳng. Sợ bà Tám “căng quá đứt dây”. Ngó Cả Khị, ngoại tủm tỉm cười, nụ cười giữ không khí ngột mà không ngạt; dây căng thẳng nhưng không cho đứt.

- Ông Cả ăn nói khéo quá! Nhưng, ông Cả nhớ cho, thà vụng mà thiệt thà vẫn hơn khéo mà xảo trá!

Bật ngật, Cả Khị bất ngờ nghe câu nói của ngoại. Ngoại nói tiếp:

- Ông Cả nói vậy thì bọn đàn bà nầy nghe vậy, chớ tấm lòng yêu nước thương dân ở mỗi người dân Việt đâu thể khoanh tay đứng nhìn bọn thực dân Pháp quay lại xâm lược Nam Bộ lần nữa...

- Té ra, hai bà là Việt Minh? - Mất bình tĩnh, đổ quạu, Cả Khị nói bừa.

Ngoại vẫn cười và nói:

- Ông Cả cố giấu, hoặc giả bộ không muốn biết đó thôi! Con cái trong nhà, sao ông Cả không biết?

Trán ông Cả, hình như rịn mồ hôi.

Nhả bã trầu, ngưng xỉa thuốc, bà Tám nói cứng lời:

- Tình cảnh bây giờ ai yêu nước là phải đánh Tây, như ông Mười Ký(6) con điền chủ giàu có, từng học trường cậu Tư đang học bây giờ. Sau đó, ông Mười sang Pháp học Đại học Toulouse và chống Tây; cả hai người con của ông Nguyễn Ngọc Tương là Nguyễn Ngọc Bích(7) và Nguyễn Ngọc Nhựt(8) đều sang Pháp du học và cả hai đều tham gia đánh Tây... Chuyện cậu Tư bỏ học, đánh Tây là chuyện đương nhiên và bình thường đối với những người có lòng tự trọng và yêu xứ sở.

Không đợi Cả Khị phản ứng, bà Tám nói tiếp:

- Cách làng mình con sông Bảo Định, bên kia sông, ông Đoàn Giang(9) ở Tân Hiệp đã tự nguyện hiến toàn bộ điền sản cho việc đánh Tây. Ông Cả chỉ mất có đôi trâu do con trai lấy mà nỡ nhẫn tâm “vu oan giá họa” cho người lương thiện; bộ ông Cả không biết xấu hổ sao?

Mặt mày Cả Khị đổi màu tái nhợt sang tái mét.

Ngoại tiếp lời bà Tám:

- Cậu Tư và cậu Năm Thanh Phú Long(10) theo Việt Minh đánh Tây một lượt, cùng ngày. Người làng khen ông Cả có đứa con vừa biết chữ, vừa biết sống có nghĩa.

Tới đây, thì Cả Khị phát run khan.

- Tình thiệt là vậy, giờ tui phải tính sao?

- Tính sao? Chẳng tính sao cả! Chủ quận, chủ tỉnh lo tính cái thân còn chưa xong thì mong gì tính chuyện khác.

Bỏm bẻm nhai trầu, bà Tám nói tỉnh rụi.

Trời nghiêng nắng trút gió xoay chiều.

Cả Khị lúng túng và tự dưng, cảm thấy tay chân mình thừa thãi.

- Ông Cả khéo lo! Chuyện cậu Tư theo Việt Minh đã có kẻ mật báo Chủ tỉnh Tân An rồi, nhưng do phong trào Việt Minh ngày càng lớn mạnh và vì bận tính kế giả bịnh cáo quan, nên Chủ tỉnh họ Lê làm ngơ.

- Sao bà Hội Đồng biết?

- Không lẽ, điều tui biết phải báo bẩm cho ông Cả tỏ tường?

Bà Tám hỏi ngược lại Cả Khị. Ngoại chen lời:

- Bộ ông Cả quên hồi trước từng nhờ ông Hội Đồng dắt mối làm quen với Chủ tỉnh?

Cả Khị bẽn lẽn. Ngoại thêm lời: “Chỗ qua lại của người ta!”

Bà Tám hiểu ý ngoại dùng mà không buông dây cho tới khi nào đạt được mục đích: “Cả Khị xác nhận Hai Tịch không trộm trâu và đồng ý bãi nại, thả Hai Tịch”.

Rối như gà mắc tóc, Cả Khị tháo mồ hôi hột, lắp bắp:

- Giờ tui... mần sao?

- Thả Hai Tịch!

Bà Năm nói chắc cứng.

3.

Bâng khuâng chiều khóc những ngày...

Chiến tranh tạm ngưng theo Hiệp định đình chiến.

Trước mộ phần của ngoại và dì Ba, khói nhang dùng dằng bay vì nước mắt Bảy Chờ. “Mới đó, năm năm rồi...”. Thở dài. Bảy Chờ buông tiếng than và chép miệng. Đứa cháu gái của dì Ba ngày nào, giờ đã là mẹ của hai con. Rời làng theo chồng xa xứ, và đạn bom ngăn Bảy Chờ đường về. Trở lại cố hương, xóm cũ “vật đổi sao dời”. Người làng còn sống sót kể lại cho Bảy Chờ nghe bao chuyện đời thương xót mà trong đó, có chuyện nhà của ngoại.

Hai Tịch được thả ngay sau khi ngoại và bà Năm gặp Cả Khị.

Ngoại gặn hỏi dì Ba:

- Phiến! Chuyện trăm năm, con hỏi lòng con đã kỹ chưa?

Trầm tư, ngoại nói: “Muốn không phụ ai thì đừng hứa bậy, muốn không ai phụ mình thì đừng tin bậy, nha con!”

- Dạ. Thưa má, con và anh Hai không hứa bậy tin bậy đâu má!

- Vậy thì được, má vui!

Chưa trọn hai trăng, ngoại cho phép dì Ba trao “Đôi bông hoa mù u chưa nở” cho Hai Tịch giữ gìn. Dì hạnh phúc một đêm với người dì thương, trước lúc Hai Tịch lên đường tòng quân cứu nước. Ngoại biểu dì sang làm dâu, chăm sóc má chồng và đó cũng là sự trả hiếu của dì đối với ngoại. Ngoại nói: “Một đêm đồng tịch đồng sàng đủ đạo tào khang trọn kiếp!” Dì Ba ưng bụng, làm theo lời ngoại.

Người chồng chiến binh ra chiến trường mang theo đôi bông thì con gái của vợ, và không hẹn ngày về. Mòn mỏi thâu canh, dì đợi mà không chờ. Bởi, dù có chờ, thì “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” (Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về).

Má chồng của dì thường an ủi con dâu bằng cách nhắc tích xưa: “Lương Châu từ do Vương Hàn sáng tác, là điệu hát cổ nói tới chuyện trận mạc nơi biên ải ở Lương Châu giữa người Hán và người Hồ đánh giết nhau cách đây nhiều thế kỷ. Một bi khúc chiến tranh, thời nào chiến tranh rồi cũng vậy!”

Sở dĩ phải dông dài cắt nghĩa, vì bà hiểu tánh cách con dâu: dù thuộc lớp người ít chữ nhưng chữ nào ra chữ đó; nếu chưa thông nghĩa của chữ sẽ chẻ chữ lòi nghĩa để thông.

Nói chẻ chữ, Bảy Chờ liên tưởng tới chuyện hồi nẳm về ngoại phụ dì Ba chẻ củi khi trời sắp chuyển mùa sang mưa.

- Dì Ba! Chẻ củi có giống “chẻ chữ” không, dì? - Bảy Chờ thắc mắc.

Dì Ba ngừng tay búa chẻ, quẹt mồ hôi lấm tấm sống mũi: “Con nhỏ nầy, nhiều chuyện thiệt”!

- Thì, dì cắt nghĩa cho con nghe đi!

Bảy Chờ nài nỉ ỉ ôi đôi ba lượt, dì Ba vừa cười vừa nói:

- Sao mà giống nhau cho được. Cùng là động tác chẻ, nhưng chẻ củi phải biết lựa sớ cây sớ gốc và nương theo sớ, chẻ cây chẻ gốc thành củi trong thế dứt khoát “trói và buộc”...

Như thể lấy hơi, dì ngưng nói nửa chừng.

Cụt hứng, Bảy Chờ cắm cúi chẻ khúc gỗ cây bần. Đột nhiên, dì Ba nói tiếp:

- Chẻ chữ, trói mà không nhứt thiết phải buộc và dù có buộc, thì rồi cũng buông...

Giờ được nghe người làng kể chuyện chẻ chữ của dì Ba, Bảy Chờ cảm nhận được cái sâu sắc khác thường trong cái bình thường của dì.

Trước mươi ngày má chồng chết và căn nhà cháy rụi vì đạn pháo, dì nhận được bức thơ ghi vội mấy dòng của chồng qua chị giao liên: “Mình! Tui bị thương nặng khi dẫn tổ đặc công đánh đồn Ông Tờn, Mộc Hóa. Mai rồi sẽ trời sáng, tui về! Nếu tui không gởi xương tàn cốt rụi đâu đó trên quê hương”. Bức thơ đầu tiên và cũng là bức thơ cuối cùng của chồng, dì trở thành quả phụ!

Chôn cất má chồng tử tế, dì đội khăn tang quay về mái nhà xưa, những tưởng được sống cận kề và phụng dưỡng ngoại suốt cuộc đời còn lại; nào ngờ ngoại sớm quy tiên, dì thui thủi một mình đội hai tang trắng trên mái đầu xanh chưa sợi tóc bạc.

Bạn ngoại, bà Năm Hội Đồng bịnh già ngày một nặng. Biết chắc không qua khỏi, bà kêu con trai và nói:

- Đốc phủ sứ Lê Tấn Nẫm, người có mối giao tình với ba của con ngày trước, mà còn phải cáo bịnh từ quan và nhường cái chức Chủ tỉnh Tân An lại cho Lê Văn Thơ.

Bà lặng lẽ sờ tay con:

“Thời thế rồi đây không biết đâu mà lường, con mau bỏ việc làng liệng cái ác... Rèn tánh để làm người!”

Rồi, bà căn dặn: “Thà là, Thú diện nhơn tâm, chớ đừng thú tâm nhơn diện!

Một trăm ngày sau ngày bà Năm Hội Đồng mất, Quản Ló trốn việc làng, lên Bảy Núi học đao, tu tâm dưỡng tánh.

Chiến tranh ác liệt tràn qua xóm nhỏ. - Thằng Cả Khị, mầy giấu nó ở đâu?

Thằng Tây mặt gạch, nói tiếng Việt rất rành; nó vừa tra vừa khảo Ba Phiến.

- Tui không biết!

- Không biết! Không biết...! Mầy phải biết!

Đám lâu la và thằng Tây mặt gạch khai thác, quần Ba Phiến nhừ tử lúc nắng lên hai sào ngọn cây tới khí bóng nắng xế nghiêng đồng. Ba Phiến nhất định một mực “Không biết”!

Dưới hầm bí mật, Cả Khị nghe rõ mồn một mọi sự thảm khốc đang diễn ra. Nhiều lần, lão định tung nóc hầm trồi lên sống mái với bọn giặc vì không chịu thấu tiếng rên la của Ba Phiến. Nhưng rồi nghĩ lại, bao nhiêu sanh mạng bà con trong làng làm cơ sở mật cho Việt Minh nằm trong danh sách mà lão đang có nhiệm vụ cất giữ, lỡ lộ ra...? Chịu trận, lão cắn môi rướm máu để miệng không bật thành tiếng khóc. Suốt năm nay, bọn chỉ điểm truy lùng Cả Khị ráo riết và với tui Tây, thì Cả Khị thuộc loại “Phản Tây đầu Việt Minh”, nắm kinh tài Việt Minh trong quận.

Trên mặt đất, Ba Phiến đơn thân hứng trọn từng trận đòn thù bằng chính mạng sống của mình. Trong cơn nguy khốn “thập tử nhất sinh”, Ba Phiến thoáng nghĩ: “Lấy khí chất giữ tiết nghĩa, bà Năm và má, nhứt là cậu Tư đã dày công đưa Cả Khị từ Đàng họ sang Đàng mình; há lẽ, giờ mình muối mặt khai báo!? Má dạy lời người xưa: ‘Suốt đời làm phải, một câu bạc ác đủ đổ đi cả’ (Gia ngữ), huống chi chuyện đại sự nước non”. Máu rỉ tai, miệng mũi máu trào, thở hắt hơi... Biết mình khó sống sót, Ba Phiến nhớ dòng thơ của người chồng chiến binh yêu dấu: “Mai rồi sẽ trời sáng, tui về! Nếu tui không gởi xương tàn cốt rụi đâu đó trên quê hương”... Mình ơi! Thôi đừng về... Mình về, đâu còn tui đợi!

- Hầm bí mật ở đâu? Chỉ! - Lồng lộn, tiếng thằng Tây mặt gạch hệt tiếng chó điên sủa.

Bất động, Ba Phiến giờ chỉ là cái xác lõa lồ thi thể!

Kinh sợ, thằng Tây mặt gạch và đám lâu la lấm lét, bỏ đi.

Chui khỏi hầm bí mật, Cả Khị vuốt mặt và đắp chiếu dì Ba. Lão lạy và ngước mặt ngó trời, khóc ngất:

- Đầu hai thứ tóc, qua mới biết thế nào là chẻ chữ lòi nghĩa và vì nghĩa, giành lấy cái chết!

Thẫn thờ, Bảy thắp thêm nhang lên mộ phần ngoại và dì Ba.

Lẫn trong sương chiều, rời rạc tiếng cú kêu buồn...

T.B.Đ  
(SHSDB35/12-2019)

-----------
(1) Như UBND xã, bây giờ.

(2) Cách gọi phân biệt: Kháng chiến (đàng trong), theo Pháp (đàng ngoài).

(3) Năm 1946, Đốc phủ sứ Lê Tấn Nẫm được Chính phủ lâm thời Cộng hòa Nam Kỳ cử làm Chủ tỉnh, tỉnh Tân An.

(4) “Năm 1930, có cuộc bầu cử đồng loạt các Hội đồng tỉnh hạt trên toàn Nam Kỳ vào cùng một ngày, đợt 1 ngày 9/2/1930; đợt  2 ngày 16/2/1930. Tổng nào bầu lại tổng đó số hội viên đã được ấn định” (Địa chí hành chánh Nam Kỳ thời Pháp thuộc 1859 - 1954,  Nguyễn Đình Tư, Nxb. Tổng Hợp TPHCM, 2017).

(5) Nhà văn Đoàn Giỏi (1925 - 1989).

(6) Mười Ký, tức GS Trần Văn Giàu (1911 - 2010), sinh tại xã An Lục Long, quận Châu Thành, tỉnh Tân An (nay là xã An Lục Long,  huyện Châu Thành, tỉnh Long An). Ông là nhà hoạt động cách mạng, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, triết học và nhà giáo Việt  Nam.

(7) Nguyễn Ngọc Bích, tốt nghiệp trường kỹ sư Bách Khoa “École Polytechnique” và trường kỹ sư Cầu Cống “École Nationale des  Ponts et Chaussées”, tại Paris. Năm 1940, ông về nước tham gia Việt Minh, giữ chức Khu bộ phó Khu 9. Ông nổi tiếng “kỹ sư phá cầu”  do phá nhiều cầu để chận tiến binh của quân đội Pháp, trong đó có cầu đúc Cái Răng (Cần Thơ) và Nhu Gia (Sốc Trăng), chận quân  đội của tướng Pháp Valluy (Cái Răng) và Nyo (Nhu Gia).

(8) Nguyễn Ngọc Nhựt, tốt nghiệp Kỹ sư tạo tác trường “École Centrale des Arts et Manufactures de Paris”, gọi tắt là “École Centrale  de Paris”, lấy vợ người Pháp. Năm 1948, ông được cử làm Ủy viên Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam Bộ, phụ trách công tác Thương  binh và Xã hội, trở thành Ủy viên trẻ nhất trong Ủy ban. Năm 1949, ông bị quân Pháp bắt cầm tù và bị tra tấn chết năm 1952.

(9) Đoàn Giang là thân sinh của nhà văn Đoàn Giỏi. Ông hiến điền sản cho phong trào Việt Minh. Trụ sở UBND huyện Châu Thành,  tỉnh Tiền Giang hiện nay vốn là nhà của gia đình ông Đoàn Giang đã hiến khi xưa.

(10) Trần Thiện Khiêm (Đại tướng, Thủ tướng VNCH) sinh 1925 tại làng Thanh Phú Long, tổng Thạnh Mục Hạ, quận Châu Thành,  tỉnh Tân An (nay là xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An). Năm 1945, Trần Thiện Khiêm tham gia Việt Minh và lúc  Pháp tái chiếm Nam Bộ, ông chiến đấu dưới sự chỉ huy của Khu bộ trưởng Trần Văn Trà. Đến giữa năm 1946, ông quay trở về thành.




 

Các bài mới
Chùm tản văn (18/02/2020)
Nước mắm (14/02/2020)
Các bài đã đăng
Nhớ mưa Huế (20/01/2020)