Tạp chí Sông Hương - Số 372 (T.02-20)
Nhớ những vần thơ chúc Tết của Người
15:35 | 24/01/2020

VŨ VĂN     

Một mùa xuân nữa lại về, mùa xuân của hòa bình, của ấm no và những đổi thay của đất nước. Nhưng đã có thời kỳ, những mùa xuân của dân tộc đến vào những lúc chiến tranh vô cùng gian khổ, trong lòng nhiều người từng sống qua những năm tháng ấy lại dâng lên niềm thương nhớ Bác, nhớ giọng nói của Người, nhớ những lời chúc Tết của Người vang lên trên loa phát thanh mỗi đêm Giao thừa.

Nhớ những vần thơ chúc Tết của Người
Ảnh: Internet

Trong suốt thời gian làm Chủ tịch nước (từ 1946 cho đến khi qua đời), Bác đã viết tất cả 20 bài thơ chúc Tết. Bài thơ chúc Tết đầu tiên kể từ khi Bác giữ cương vị Chủ tịch nước là bài “Chúc Tết Đinh Hợi 1947” và bài thơ chúc Tết cuối cùng chính là bài chúc “Tết Kỷ Dậu 1969”:

Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào
Tiến lên chiến sĩ đồng bào
Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn!


Đây là một trong ba bài thơ chúc Tết được viết theo thể lục bát (hai bài lục bát chúc Tết trước đó được Bác viết năm 1951 và 1954), gồm sáu câu, mỗi câu thơ chứa đựng một âm hưởng hào hùng, một khí thế thừa thắng xốc tới:

Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to


Trong hai dòng lục bát đầu tiên, Bác đã tổng kết lại một cách ngắn gọn thành công của năm cũ và dự đoán đầy tin tưởng cho sự thắng lợi của một năm mới. Âm hưởng của chữ “thắng” được lặp lại trong hai dòng thơ như một sự kéo dài, nối tiếp qua thời gian và cả không gian. Niềm vui chiến thắng đã từng đi vào rất nhiều bài thơ khác của Bác, tạo ra một cảm hứng mãnh liệt để thi ca xuất hiện:

Chuông lầu chợt tỉnh giấc thu
Ấy tin thắng trận Liên khu báo về

                        (Tin thắng trận, 1948)

Lục mãi giấy tờ vần chửa thấy
Bỗng nghe vần thắng vút lên cao

                        (Không đề, 1968)

Những mùa xuân thắng lợi sẽ nối tiếp nhau để mục đích cuối cùng của toàn thể dân tộc là giành độc lập:

Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào


Câu thơ như một lời tuyên ngôn chắc nịch, hùng hồn. Trong một dòng thơ mà xuất hiện đến bốn lần những động từ gây cảm giác mạnh: đánh (hai lần), cút, nhào. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang bước vào giai đoạn căng thẳng nhất, kịch liệt nhất. Câu thơ của Bác như một lời động viên đầy phấn khích để toàn dân, toàn quân tiến lên. Hai động từ “cút”, “nhào” có tính phỏng hình rất cao, phù hợp với đối tượng chịu sự tác động.

Hai câu kết của bài “Thơ chúc Tết Xuân Kỷ Dậu 1969” đã nói lên mong ước không chỉ của Bác mà còn của toàn thể nhân dân Việt Nam:

Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào
Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn


Động từ “tiến lên” thể hiện được sự đoàn kết một khối và khí thế mạnh mẽ sẵn sàng chiến đấu của quân dân ta trước mọi kẻ thù. Trong nhiều bài thơ chúc Tết khác, Bác cũng dùng động từ “tiến lên”:

Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào
            (Thơ Chúc Tết Xuân Đinh Hợi 1947)

Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta
            (Thơ Chúc Tết Xuân Mậu Thân 1968)

Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta lúc ấy cùng thắp sáng một niềm khát khao duy nhất về ngày nước nhà hoàn toàn thống nhất, Bắc Nam hai miền không còn chia cắt. Đó sẽ là ngày mẹ được gặp con, vợ được gặp chồng, anh em bạn bè được hội ngộ trùng phùng trong mùa xuân chung của dân tộc.

Những bài thơ chúc Tết của Bác đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mỗi người dân Việt Nam. Mỗi bài thơ chúc Tết của Bác là một sự tổng kết thắng lợi năm cũ, đề ra mục tiêu năm mới, và bao trùm lên hết thảy luôn luôn là một khát vọng độc lập tự do cho dân tộc, hạnh phúc ấm no cho nhân dân. Từ khi Bác đi xa, người dân không còn được nghe những bài thơ mừng xuân mới của Bác nữa, nhưng nỗi nhớ thương thì vẫn còn nguyên vẹn trong triệu trái tim.

Mùa xuân năm 1969 là mùa xuân cuối cùng Bác ở lại với dân tộc ta, lúc này sức khỏe của Bác đã yếu nhiều. Thế nhưng, cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn cực kỳ cam go và quyết liệt. Cuộc nổi dậy của quân và dân ta ở xuân Mậu Thân năm 1968 đã làm lung lay mộng bành trướng của Nhà trắng ở Đông Nam Á. Vì thế, bài thơ chúc Tết năm 1969 của Bác tiếp tục như một lời hiệu triệu, thôi thúc toàn Đảng, toàn dân và quân ta thêm quyết tâm đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược ra khỏi đất nước ta là một nhiệm vụ tối thượng lúc bấy giờ:

Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
Tiến lên! chiến sĩ, đồng bào
Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn!


Sáu năm sau bài thơ ấy, niềm mong ước bấy lâu của Người đã trở thành sự thật, nhân dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh tàn bạo của đế quốc Mỹ, giành nhiều thắng lợi vẻ vang mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Thắng lợi của Nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một trong những trang chói lọi nhất của lịch sử dân tộc và là một sự kiện có tầm quốc tế và có tính chất thời đại sâu sắc. Bài thơ ngắn gọn nhưng chan chứa ý thơ, tràn đầy sắc xuân, vừa độc đáo, hào hùng vừa ấm áp, thương yêu, thể hiện rõ tâm niệm rất thiết tha, rất mặn nồng của Bác gửi đến toàn thể quần chúng nhân dân, với điều mong ước, là niềm tin vào ngày mai tốt lành, ngày mai tươi sáng của đất nước và sự thắng lợi của Cách mạng Việt Nam mà Bác Hồ gửi gắm vào từng dòng thơ, ý thơ.

Trong dịp Tết đến xuân về, cùng đắm chìm vào những vầng thơ của Người và khắc ghi những gì Người đã làm cho dân tộc và để thấy được tinh thần lạc quan của dân tộc trong những lúc chiến tranh, để từ đó mà thêm thương yêu hơn đất nước mình, một đất nước anh hùng. Nhớ lời dạy của Bác, các thế hệ người Việt Nam sẽ tiếp tục ra sức phấn đấu, quyết tâm xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng to đẹp hơn.

V.V
(TCSH372/02-2020)


.....................................................
Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Chí Minh toàn tập - Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011.
2. Theo dấu chân Bác Hồ - Nxb. Chính trị Quốc gia 2014.
3. Hồ Chí Minh tiểu sử - Nxb. Lý luận chính trị 2006.  




 

Các bài mới
Nhớ Huế (13/03/2020)
Lối xuân (10/03/2020)
Bếp lửa (08/03/2020)