Tạp chí Sông Hương - Số 372 (T.02-20)
Chuột và những suy nghiệm trong đời sống
09:06 | 05/03/2020

YẾN THANH  

Đối với mỗi người Việt Nam, chuột là một “người hàng xóm” tự nhiên quen thuộc. Thật ra, trong lịch sử của loài người, có lẽ không loài động vật nào gắn bó tự nhiên với chúng ta hơn loài chuột.

Chuột và những suy nghiệm trong đời sống
Tranh của họa sĩ Đặng Mậu Tựu

Các nghiên cứu về lịch sử di dân của con người đến những vùng đất mới thường được căn cứ trên những dấu vết của chuột còn lưu lại. Bởi cứ con người đi đến đâu, thì những loài chuột đặc thù cũng theo chân di dân đến những vùng đất mới. Tuy vậy, nếu như người phương Tây thường tỏ ra sợ hãi chuột, thì loài chuột đối với người Việt Nam vừa sợ lại vừa thân quen; vừa là kẻ thù nhưng cũng là biểu tượng cho sự sinh sôi nảy nở hay khát vọng đấu tranh của những người bị trị. Có lẽ, tình thế lưỡng nan, lấp lửng hai mặt này đối với hình tượng chuột trong nền văn hóa của chúng ta là do Việt Nam xuất phát từ một nền văn minh lúa nước. Giữa con người với tự nhiên có mối tương liên, gắn bó mật thiết. Tư tưởng tôn trọng sinh mệnh tự nhiên và những dấu ấn văn hóa Totem thờ động vật, ngay cả những động vật gây hại cho đời sống con người đã trở nên quen thuộc, giống như ông cha của chúng ta từng thờ rắn, thờ hổ, thờ cá sấu, thờ thuồng luồng…

Ngay từ khi rất bé, tôi đã có một băn khoăn, và có lẽ băn khoăn này cũng là của nhiều người rằng, tại sao trong nền văn hóa phương Đông, trong đó có Việt Nam, chuột lại là con giáp đứng đầu tiên chứ không phải hổ, rồng, rắn - những động vật đầy sức mạnh hoặc mang tính huyền thoại; hay chí ít cũng là trâu và ngựa - những con vật đầy cương mãnh và sức sống? Tính ra, chuột phải là loài yếu thế, nhỏ bé và dễ bị tổn thương nhất trong 12 con giáp. Sau này, khi đọc những công trình của giáo sư sử học, tương lai học người Israel là Yuval Noah Harari (như Sapiens - Lược sử về loài người; Homo Deus - Lược sử tương lai; 21 bài học cho thế kỷ 21), tôi nhận ra sự tương đồng trong cách mà hai loài người và chuột sinh tồn qua lịch sử tiến hóa, cũng như đã từng bước chia nhau thống trị thế giới này. Loài người trong ánh sáng và thế giới bên trên, còn loài chuột trong bóng tối và thế giới ngầm ở phía dưới. Homo Sapiens (loài người) tính ra không thể bay như chim, không có móng vuốt, không thể bơi như cá, không có sức mạnh siêu phàm như voi hay khả năng chống chịu đặc biệt nào kiểu như loài vi khuẩn gấu nước (Tardigrade).

So với những người anh em gần gũi nhất như người Neanderthal (có não lớn gấp đôi chúng ta, nhưng đã tuyệt chủng ngay khi người tinh khôn bắt đầu bành trướng); hay loài linh trưởng to lớn nhất hiện nay còn tồn tại (Gorilla), Homo Sapiens (con người) vẫn yếu thế đến mức có thể ngay lập tức bị sát hại nếu đọ tay đôi sức mạnh với những họ hàng gần gũi của mình. Thế nhưng, tại sao những loài động vật mạnh mẽ, đầy sức mạnh và vũ khí tự nhiên kia đã tuyệt chủng, hoặc đang bên bờ của tuyệt chủng (sư tử, gấu trắng, voi, tê giác, cá voi, hổ…), còn chúng ta lại bành trướng khắp toàn cầu? Bởi vì, loài người có một xã hội rộng lớn, được cố kết bằng những cộng đồng tưởng tượng kết nối bằng tôn giáo hoặc tình dục, hoặc những câu chuyện diễn ngôn trừu tượng như nhà nước, dân tộc, văn hóa. Những diễn giải của Y.N.Harari, được bổ sung bởi Richard Holloway trong Lược sử tôn giáo và đặc biệt là Tình dục thuở hồng hoang của Christopher Ryan và Cacilda Jethá, đã cho thấy cách thức con người kết nối lại với nhau thành những cộng đồng đông đảo (các quốc gia, tôn giáo, dân tộc rộng lớn), tạo nên những sức mạnh khổng lồ có khả năng khai phá tự nhiên, di dân bành trướng liên tục và làm tuyệt diệt vô số những loài động vật khác hùng mạnh hơn rất nhiều so với chúng ta. Elizabeth Kolbert trong công trình Đợt tuyệt chủng thứ sáu cho rằng đang có một đợt tuyệt chủng qui mô lớn khắp toàn cầu. Cái khác của đợt tuyệt chủng hàng loạt này, so với 5 lần trước, là do một loài sinh vật gây nên chứ không phải do thảm họa tự nhiên. Con người chính là hung thủ gây ra tuyệt chủng hàng loạt hiện nay.

Loài chuột xét từ góc độ sinh học, tiến hóa, cấu kết xã hội và khả năng thích nghi chống chịu, đặc biệt là khả năng sinh sản cũng có nhiều nét giống con người. Trên thực tế, cùng với con người, chuột là loài động vật có vú đông đảo nhất và phổ biến nhất trên trái đất. Nếu như sự bành trướng của con người cùng nền văn minh công nghiệp đầy ô nhiễm môi trường của họ là một thảm họa môi sinh, thì đó lại là điều kiện phát triển thuận lợi dành cho chuột. Đâu có con người là ở đó có chuột, người càng nhiều thì chuột càng đông, bất kể là thành phố hay nông thôn, hiện đại hay lạc hậu. Chuột xét từ góc độ tính dục giống người ở điểm liên tục giao phối, sinh sản. Các nhà khoa học tính ra đây là phương thức mà chuột luôn bảo toàn và phát triển số lượng cá thể trong cộng đồng, bất chấp thiên tai, sự tàn sát của thiên địch (chủ yếu là con người) hay dịch bệnh. Đặc điểm này cũng tạo tiền đề tiến hóa nhanh hơn, nhằm kịp thích nghi với những điều kiện mới bên ngoài.

Về mặt lí thuyết, trong môi trường thuận lợi, chuột có khả năng thụ thai khi chỉ 5 tuần tuổi từ khi sinh ra. Một lứa đẻ từ 6 đến 20 con non, và chỉ sau 3 tuần, chuột mẹ có thể bắt đầu chu ki sinh sản mới. Dù tuổi thọ của chuột tối đa không quá 18 tháng, nhưng việc sinh sản liên tục này giúp chuột phát triển và bành trướng ra mọi không gian sinh tồn. Chính vì điểm tương đồng này giữa người và chuột, mà loài người trong biểu tượng về mặt văn hóa, luôn xem chuột là hiện thân của sự sinh sôi nảy nở, dấu hiệu của những mùa màng bội thu. Khát vọng phồn thực, sinh sản phát triển giống nòi của người Việt như thế, không thể tìm thấy biểu tượng totem nào hoàn hảo hơn chuột. Cấu trúc xã hội của chuột không quá phức tạp như loài người, nhưng cũng có những thứ bậc nhất định, giúp nó cố kết lại dưới các đẳng cấp phân tầng. Chuột cũng như người, dù có trên dưới, nhưng lại có thể chung sống bên nhau trong một lãnh thổ. Điều này là cơ sở để phát triển giống nòi nhanh chóng, so với những loài quen sống đơn độc, hay đánh dấu, phân chia lãnh thổ rõ ràng như chó sói hay hổ.

Từ góc độ tâm lí học và văn hóa, người Việt Nam như đã nói, vừa sợ lại vừa yêu quý chuột. Họ sợ là bởi chuột tàn phá nông nghiệp, truyền nhiễm những căn bệnh dịch nguy hiểm. Lịch sử nhân loại từng chứng kiến những đợt suy giảm mạnh do dịch bệnh, mà tiêu biểu là giai đoạn 1347 đến 1351 tại châu Âu, có đến 25 triệu người đã chết (chiếm ¼ dân số châu Âu) bởi căn bệnh dịch hạch do vi khuẩn Yersinia Pestis gây ra và được truyền nhiễm qua chuột. Thật ra, cách thức sinh tồn và bành trướng thông qua việc làm loài khác tuyệt diệt bởi những căn bệnh dịch chết chóc ở quy mô rộng không phải là cách thức chỉ có riêng ở loài chuột. Homo Sapiens cũng từng làm người Neanderthal khỏe mạnh, thiện chiến hơn nhiều lần tuyệt diệt bằng cách này. Jared Diamond trong công trình Súng, vi trùng và thép, cũng chỉ ra đa phần những người da đỏ bản địa tại châu Mỹ đã bị tuyệt diệt bởi những căn bệnh dịch chết người mà người da trắng thực dân châu Âu mang đến. Như vậy, với góc độ là những chủng loài tàn sát và hủy diệt các loài bản địa trong quá trình di dân (kể cả đồng loại hay khác loài), chuột và người là những kẻ đồng hành trên những dấu chân chết chóc.

Với người Việt, chuột đem lại những kí ức không mấy tốt đẹp, bởi đối với đời sống nông nghiệp, chuột là thiên địch tàn phá mùa màng của con người. Không khó để ta tìm thấy trong vô số những câu thành ngữ nhắc đến chuột trong kho tàng tiếng Việt, đa phần đều mang lại những ấn tượng phản diện, xấu xa: cháy nhà ra mặt chuột, chuột chạy cùng sào, ướt như chuột lột, chuột sa chĩnh gạo, lù đù như chuột phải khói”. Ngay trong nhân tướng học, kẻ mặt chuột cũng là kẻ tiểu nhân, độc ác nhiều mưu kế hại người. Những kẻ “mắt dơi mày chuột” thường điển hình cho kẻ ác, thành phần đục khoét trong xã hội. Chuột từ một thiên địch tự nhiên trong sản xuất dần được ám chỉ, hoán dụ đến những thành phần xấu xa của xã hội. Lần giở lại kho tàng văn học Việt Nam trung đại, ta thấy Nguyễn Đình Chiểu từng viết Hịch bắt chuột (Thảo thử hịch). Đọc qua bài hịch, ta thấy cụ Đồ Chiểu rất am tường về đặc tính sinh học của loài chuột:

“Lớn nhỏ răng đều bốn cái, ăn của người thầm tối biết bao nhiêu/ Vắn dài râu mọc hai chỉa, vắng mặt chủ lung lăng đà lắm lúc./ Vả sáu mươi giáp hoa đứng trước, lẽ thì thiện tính linh tâm;/ Thì mười hai chí tuế ở đầu, cũng đáng cư nhân do nghĩa./ Cớ sao lại đem lòng quỷ quái?/ Cớ sao còn làm thói gian tham?”

Nhưng thực chất bản hịch lại nhằm khích lệ tinh thần dân tộc đứng lên kháng Pháp và bè lũ tay sai đục khoét:

“Giận là giận trộm đồ bàn Phật, trốn án mà xưng vương;
Căm là căm cắn sách kẻ Nho, đành lòng mà phá đạo.
 
Ngao ngán bấy cái thân chuột thúi, biết ngày nào ô thước phanh phui;
Nực cười thay cái bụng chuột tham, uống bao thuở Hoàng Hà ráo cạn.
 
Ví có ngàn giòng nước khảm, khôn bề rửa sạch tội đa dâm;
Dẫu cho muôn nén vàng đoài, cũng khó mua riêng hình bất xá.

Tội dường ấy đã nên ác quá;
Ta tới đây há dễ nhiêu dung.
 
(…)

Sắm sửa binh sương giáp sắt;
Trau giồi ngựa gió xe trăng.
 
Giống trống sấm xuất binh;
Phất cờ lau tập trận”.

Trong Thánh Tông di thảo (tương truyền của vua Lê Thánh Tông), Quyển hạ có truyện Thử tinh truyện (Truyện tinh chuột) kể về một con chuột tinh tu luyện lâu năm có khả năng biến được thành người. Con chuột tinh này biến hóa thành một Nho sinh đang đi học xa, hằng đêm về ân ái với người vợ của anh ta. Phép thuật của chuột tinh mạnh đến nỗi giữa trời nắng hay các đạo bùa thông thường không thể làm nó biến thành cốt thật. Mãi đến khi nhờ thần Phù Đổng dùng phép tiên, mượn Ngọc Hoàng thượng đế viên ngọc mắt mèo mới làm con chuột hiện nguyên hình. Có lẽ phát tích từ chuyện chuột tinh giả dạng thành ông cống nho sĩ, mà ngày nay dân gian hay gọi chuột là ông cống.

Trong kho tàng văn học Việt Nam hiện đại, khi còn ấu thơ, tôi nhớ mãi tác phẩm Cái tết của mèo con của Nguyễn Đình Thi vốn được đưa vào trong sách giáo khoa thuở ấy. Dưới thủ pháp nhân hóa đầy thú vị, Nguyễn Đình Thi đã xây dựng hình tượng “ông Chuột Cống” đầy hung ác, là đối thủ của chàng mèo con đầy hồn nhiên dễ thương. Cái kết của tác phẩm là cái chết của kẻ phá hoại hung ác, kẻ áp bức xã hội mang tên Chuột Cống. Thật ra, quan niệm nhìn nhận chuột như những kẻ phản diện, xấu xa, đại diện cho cái ác vốn không hiếm trong văn hóa phương Đông. Trong Kinh thi có bài Chuột xù ám chỉ bọn quan lại đục khoét nhân dân như chuột hại. Trong thiên Khuyến học của Tuân Tử, giống Ngô thử (chuột có năm cái tài nhưng chả có cái gì đến nơi đến chốn) cũng là những kẻ phản diện điển hình.

Tuy nhiên, hình tượng chuột chứa đựng nhiều mâu thuẫn và phức tạp trong cơ cấu tâm thức văn hóa Việt Nam nói riêng và phương Đông nói chung. Chuột vẫn được ngợi ca vì ngoài ý niệm sinh sôi, phồn thực, nó còn đại diện cho tầng lớp bị trị, những người nông dân thấp cổ bé họng. Chuột trong quan hệ với mèo là kẻ bị áp bức/ bị trị so với kẻ áp bức/ thống trị. Phàm là kẻ cai trị áp bức bao giờ cũng gian ác, ngu xuẩn và tham lam. Điều này phần nào giải mã tại sao một trong những bộ phim hoạt hình kinh điển nhất của nhân loại, được mọi nền văn hóa yêu mến, mọi lứa tuổi thích thú là Tom và Jerry (William Hanna và Joseph Barbera) của hãng MGM (và sau này là Warner Bros). Trong đó, chuột Jerry đại diện cho cái thiện, luôn luôn chiến thắng con mèo Tom tham ăn, hung ác nhưng ngu xuẩn. Biểu tượng văn hóa toàn cầu, nhân vật hoạt hình được yêu thích nhất của Walt Disney đó chính là chuột Mickey (họa sĩ Ub Iwerks sáng tạo nên năm 1928). Chuột Mickey đại diện cho giá trị của hòa bình. Tổng thống Mỹ Jimmy Carter từng nhận định: “Mickey là đại sứ thiện chí, nhà trung gian hòa bình, nói thứ ngôn ngữ tình bạn trên khắp thế giới”.

Quay trở về với văn hóa Việt Nam, trong tranh dân gian Đông Hồ, một trong những bức nổi tiếng nhất có lịch sử hơn 500 năm tuổi là bức Đám cưới chuột. Tựa đề là đám cưới chuột nhưng nội dung bức tranh là một đoàn chuột đi rước các lễ vật (cá, chim) để cống cho một con mèo to hung ác. Người nông dân dưới chế độ phong kiến bị bóc lột đến tận xương tủy, muốn sống hay tồn tại được, họ phải cúng tiến, hối lộ cho kẻ cầm quyền. Bức tranh là một sự châm biếm xã hội, thể hiện ý thức đấu tranh giai cấp. Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, dù hình tượng chuột thường hiện ra xấu xa, vẫn có những bài ca dao thể hiện sự phản kháng giai cấp thông qua hình tượng chuột:

Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo


Tác phẩm truyện thơ Nôm cổ nhất còn lưu giữ được ở Việt Nam cũng liên quan đến chuột, đó là truyện Trinh thử, gồm 850 câu (tương truyền là của Hồ Huyền Quy). Câu chuyện có cốt truyện khá liêu trai, kể về một cuộc đánh ghen giữa gia đình chuột cái - đực với cô chuột bạch không may lạc vào. Ngoài ý nghĩa đạo đức Nho gia, ca ngợi lòng trinh bạch của chuột bạch, câu chuyện là một tâm sự thầm kín của tác giả khi muốn giữ lòng trinh bạch, trung hậu với triều Trần, giữa lúc bị Hồ Quý Ly thoán đoạt cướp ngôi báu. Trong văn học Việt Nam hiện đại, đọc truyện O chuột của Tô Hoài, chúng ta thấy sự áp bức tàn bạo của loài mèo đối với những con chuột bé nhỏ: “Mèo và chuột là đôi loài có thù không đội trời chung với nhau. Mèo ghét chuột quá, ghét kịch liệt. Ý giả mèo ta tin rằng giống mình giỏi nhất thiên hạ; những tên chuột, tất cả lò nhà chuột, chỉ đáng đem thân làm nô lệ cho loài mèo thần thánh. Thế mà cái giống thấp hèn ấy không biết điều mà lại hay tắt mắt, táy máy, bặng nhặng làm nghịch mắt và rác tai bề trên”. Sâu thẳm trong quan niệm nghệ thuật của Tô Hoài cho thấy một sự bênh vực, cảm thông với kẻ yếu. Trong tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột của Hồ Anh Thái, chúng ta thấy xã hội loài chuột có nhiều giá trị tốt đẹp, cho dù chúng là ẩn dụ phóng chiếu về nhau. Khi nhân vật Chuột trùm chết, cả xã hội chuột dưới quyền trung thành với nó sẵn sàng tự sát chết theo để thể hiện lòng trung thành: “Trên màn hình máy tính, hàng trăm hạt gạo đỏ lao xuống sông. Những hạt gạo đỏ tung tóe hoa cà hoa cải từ trên đỉnh dốc xuống. Cả một trời pháo hoa chuột tóe ra. Cả một dòng thác chuột màu đỏ trút xuống. Sông Hồng bên dưới trong đêm đen bỗng đỏ rực lên. Cả một mảng sông như dòng nham thạch đỏ trôi về phía biển”.

Xã hội loài người sẽ đi về đâu, tha hóa đến mức nào? Có lẽ chúng ta cần soi vào chuột để hiểu mình và tự điều chỉnh. Có một sự thật chắc chắn, nếu con người tàn sát nhau và phá hủy thế giới này, chuột sẽ thay loài người làm bá chủ thế giới, như chúng ta đã từng thay thế khủng long để cai trị hành tinh này. Trong những khu vực chết sau thảm họa nguyên tử Chernobyl, tương truyền xuất hiện những loài chuột khổng lồ có khả năng ăn thịt người do bị đột biến, chúng là chúa tể vùng đất hắc ám mà loài người không thể tồn tại do phóng xạ. Tôi cố gắng không nghĩ đến viễn cảnh đen tối đó, để hy vọng về một thế giới mà ở đó, khoa học công nghệ giúp loài người, chuột cùng tất cả những loài khác vẫn có thể chung sống hòa bình, chia sẻ hành tinh này. Biểu tượng chuột trong tương lai của loài người, cần phải khác những con chuột khổng lồ tại Chernobyl hay Papua New Guinea (nơi tồn tại loài chuột Bosavi lớn nhất thế giới với chiều dài 81cm); đó cần là chú chuột Mickey hòa bình, hay con chuột máy tính cầm tay mà năm 1963, Douglas Engelbart đã phát minh ra để thay đổi nền văn minh này.

Y.T  
(TCSH372/02-2020)



 

Các bài mới
Nhớ Huế (13/03/2020)
Lối xuân (10/03/2020)
Bếp lửa (08/03/2020)
Các bài đã đăng
Chuột ly hương (04/03/2020)
Đổ xăm hường (02/03/2020)
Bông huệ trắng (07/02/2020)