Tạp chí Sông Hương - Số 372 (T.02-20)
Chơi chữ, một giá trị đỉnh cao trong thơ trên kiến trúc cung đình Huế
09:09 | 11/03/2020

NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG     

Chơi chữ (hay còn gọi là lộng ngữ) là một biện pháp nghệ thuật xuất hiện khá phong phú về hình thức trong văn chương, nhất là thi ca. Đó là những hình thức diễn đạt dùng âm thanh, từ ngữ, hàm ý để tạo ra lượng nghĩa mới bất ngờ và thú vị.

Chơi chữ, một giá trị đỉnh cao trong thơ trên kiến trúc cung đình Huế
Bài thơ "Vũ trung sơn thủy" của vua Thiệu Trị ở Điện Long An – Ảnh: Lê Công Doanh

Trong thơ văn chữ Hán, chơi chữ xuất hiện với nhiều dạng linh hoạt và “biến hóa” dựa trên cơ sở tính tượng hình của ký tự như đồng âm dị nghĩa, đa nghĩa mở rộng, chiết tự, ám họa thị giác, hồi văn liên hoàn, trình bày theo cấu trúc v.v.

Chơi chữ trong thơ trên kiến trúc cung đình Huế tuy không phải là biện pháp nghệ thuật phổ biến, nhưng thiết tưởng cũng cần giới thiệu về một số trường hợp đặc biệt. Đặc biệt đến mức có thể trở thành những ví dụ điển hình về trình độ chữ nghĩa cao siêu của chủ thể sáng tạo nếu so sánh với các tác giả trung đại ở Việt Nam cũng như các nước đồng văn.

1. Hình tượng hội họa từ các con chữ

Thi ca với hội họa là một quan hệ “huyết thống” in đậm trong văn chương chữ Hán, từ đó hình thành nên các thành ngữ “thi trung hữu họa” hay “họa trung hữu thi”. Trong thế giới nghệ thuật, thư pháp và thi ca đã hô ứng rất hiệu quả. Ở đó, phương diện hình ảnh của con chữ gắn với nội dung luôn được cổ xúy, nhấn mạnh qua nghệ thuật viết chữ. Thơ trên kiến trúc cung đình Huế trong quá trình tổ chức câu thơ, có thể là ngẫu nhiên, cũng có thể là hữu ý, đã tập hợp nên những cấu trúc đầy sức gợi hình, gợi cảm cho sự thúc đẩy phát triển hình tượng, nội dung. Những điển hình đó được thể hiện qua các trường hợp sau ở lăng Minh Mạng, ở điện Thái Hòa, ở điện Long An:

- Có thể bắt gặp một đàn chim ríu rít, tụ tập qua sự xếp đặt loạt chữ có cấu trúc bộ khẩu (口: cái miệng) trước mỗi chữ: 喃 呢 啁 哳 幾 聲 嬌 (Nam ni trao triết kỷ thanh kiêu: Râm ra ríu rít thật xinh yêu);

- Có thể bắt gặp cả một vũ trụ bao la vần vũ nhưng lại dồn nén trong sự dung chứa của các chữ có bộ khí (气: thể khí): 英 氣 正 氤 氳 (Anh khí chính nhân uân: Khí lành tràn đầy khắp);

- Có thể bắt gặp cảnh hừng đông bừng tỏ dần lên qua các chữ có bộ nhật (日: mặt trời): 曈 曨 東 旭 耀 (Đồng lung đông húc diệu: Mờ sáng mặt trời mới mọc phía Đông chói lọi);

- Có thể thấy và “nghe” được âm thanh của nước chảy, sự trở mình của hệ thực vật trong hai câu có đến 9/14 chữ mang bộ chấm thủy (氵: nước) tràn ngập, với 4 chữ mang bộ thảo đầu (艸: cỏ) sum xuê: 潺 潺 水 涧 苔 滋 潤 / 漾 漾 波 洲 蓼 茂 榮 (Sàn sàn thủy giản đài tư nhuận / Dạng dạng ba châu liệu mậu vinh: Nước suối rì rào rêu thắm mướt/ Bãi bồi sóng sánh cỏ tươi xanh); hay “tận mục” nước cuộn mặt hồ của hai câu thơ với 6/10 chữ mang bộ chấm thủy: 漪 漣 迴 岸 陡 / 澄 湛 遂 流 瀧 (Y liên hồi ngạn đẩu/ Trừng trạm toại lưu lung: Lăn tăn quanh dốc bến/ Cuộn chảy theo dòng trong). Hay là một câu bảy chữ đều có bộ chấm thủy diễn tả mặt nước lô xô: 澶 洄 泙 湃 沸 澜 (Thiền hồi bình phái phất phong lan: Sóng gió lô xô ở giữa dòng. Quả tài tình với cách lựa chọn chữ nghĩa, ắt hẳn là dụng ý của cổ nhân.

- Có thể bắt gặp trong thơ trên kiến trúc cung đình Huế, ngoài các chữ mang nét nghĩa chỉ về các công trình xây dựng như đình, điện, đường, các, vũ, lâu, tạ, đài, đặc biệt còn có 239 chữ liên quan đến bộ môn (門), có nhiều chữ nằm trong trường nghĩa chỉ về nhà cửa trong đó: khai (開) 136 lần, các (閣) 21 lần, khuyết (闕) 16 lần, môn (門) 15 lần, quan (關) 14, nhàn (閒)14 lần, khải (闓) 8, xương (閶) 4 lần, hạp (闔) 4 lần, tịch (闢) 4 lần và nhàn (閑) 3 lần. Trong đó, có một số câu thơ được thể hiện với tính biểu tượng rất cao, một câu có đến 3, thậm chí 4 chữ có bộ môn này, tạo nên một hình ảnh có hình dáng, tượng hình về công trình kiến trúc, ví dụ: 閶 闔 開 黃 道 (Xương hạp khai Hoàng đạo: Cửa cung mở vào giờ Hoàng đạo); hoặc 閶 闔 開 金 闕 (Xương hạp khai kim khuyết: Cửa cung điện đã mở ra [như] cửa bằng vàng). Đây là lối chơi chữ có tính chất “ám họa thị giác”, chúng thật sự là những bức tranh được vẽ nên một cách hình tượng bằng những ký tự. Câu thơ tác động trực tiếp vào thị giác, chúng ta như hình dung được cả không gian với những hình khối tầng tầng lâu các, lớp lớp cung điện. Đó là một hiện tượng phù ứng với thực tế, triều Nguyễn rất tự hào về công cuộc kiến thiết đất nước của mình, hàng loạt các công trình làm việc của triều đại đã bắt đầu khởi công xây dựng từ thời Gia Long và bộ mặt của Kinh đô Huế đến thời Thiệu Trị đã khá chỉnh trang. Do vậy, các công trình kiến trúc đã trở thành một trong những niềm tự hào của triều đại này.

Trong những “kiệt tác thơ thị giác” của thi ca chữ Hán, Vương Duy (701 - 761) có câu: 木 末 芙 容 花 (Mộc mạt phù dung hoa: Cuối cành phù dung nở hoa). Câu thơ được triển khai từ chữ đầu tiên đến chữ cuối cùng có số nét tăng dần mộc (4 nét), mạt (5 nét), phù (8 nét), dung (10 nét) và cuối cùng đến hoa số nét bắt đầu giảm (8). Chỉ cần cảm nhận bằng thị giác, người đọc có thể hình dung tiến trình vận động của sự vật, từ chữ đầu đến chữ cuối biểu hiện khá rõ của cả một tiến trình vận động, có cảm giác như được chứng kiến về hình ảnh nụ hoa từ khi hàm tiếu đến lúc nở bùng và mãn khai. Hay Đỗ Phủ (712 - 770) khi mô tả nỗi khát khao của con người khi gặp hạn hán, cầu được mưa thì viết lên một loạt các chữ liên quan đến bộ (雨: mưa) từ nhiều nét đến ít nét:雷 莛 空 霹 歷 雲 雨 竟 虛 無 (Lôi đình không tích lịch/ Vân vũ cánh hư vô: Sấm chớp giật liên hồi/ Mây mưa rốt cuộc vẫn là sự huyễn hoặc). Câu thơ trở thành một ám thị có chất hội hoạ, thật sự gợi lên cả một không gian có dáng dấp.

Những trường hợp chơi chữ có hình thức như vậy trong văn chương là không nhiều, chỉ những bậc hay chữ, giỏi nghĩa mới có thể làm được. Các trường hợp chơi chữ theo dạng này như đã nêu trong thơ trên kiến trúc cung đình Huế cũng là một trong số ít đó, nó có giá trị phản ánh nghệ thuật qua hình thức phô diễn chữ nghĩa của người xưa.

Tuy chơi chữ ở trường hợp trên chỉ có tính chất đơn lẻ, nhưng nó lại phản ánh giá trị cao về một biện pháp nghệ thuật, về hình thức nghệ thuật và phản ánh khá rõ nét bản chất ý nghĩa của thơ trong hệ thống này qua các chủ đề miêu tả và thể hiện.

 

Vua Thiệu Trị

2. Kỹ xảo sắp đặt ngôn từ

Trong hệ thống thơ trên kiến trúc cung đình Huế có một công trình khá đặc biệt - điện Long An - được xem là “biệt điện” của vua Thiệu Trị, nơi được chạm khắc của 165 bài thơ đều là thơ của vị vua này. Thơ ở đây được trang trí với nhiều dạng thức: chạm nổi sơn son, chạm nổi thếp vàng và cẩn xà cừ. Đặc biệt có hai bài thơ chơi chữ đồng dạng, được cẩn xà cừ cực kỳ tinh xảo trên vách ván ngôi điện này. Đó là bài Vũ trung sơn thủy (雨 中 山 水: Non nước trong mưa) và bài Phước Viên văn hội lương dạ mạn ngâm (福 園 文 會 良 夜 漫 吟: Ngâm vịnh trong đêm thơ ở vườn Phước Viên).

Cả hai bài thơ đều có cùng hình thức trình bày, chạm khảm theo đồ hình bát quái. Bên cạnh mỗi bài thơ là “mã” để mở khóa với nội dung như sau: Dụng hồi văn thể kiêm liên hoàn, bằng trắc tứ vận, độc thành thất ngôn ngũ ngôn, lục thập tứ chương (用 迴 文 體 兼 連 環 / 平 昃 四 韻 / 讀 成 七 言 五 言/ 六 十 四 章: Dùng thể hồi văn kiêm liên hoàn với bốn vần bằng trắc, đọc thành thất ngôn, ngũ ngôn được 64 bài). Vì cả hai bài đều có hình thức giống nhau, ở đây chỉ xin trình bày bài Vũ trung sơn thủy mà thôi.

Vũ trung sơn thủy có tính chất hồi văn và liên hoàn, có nghĩa là bắt đầu từ xuất phát điểm nào cũng có thể đọc thành câu, ghép thành bài. Bên cạnh đó, tính liên hoàn buộc phải ít nhất, chỉ trong một cặp câu thì phải có sự láy/ lặp một chữ, nối hai bài lại với nhau (hoặc vận dụng nhiều dạng láy khác). Điều quan trọng nữa, bài thơ được giải mã phải trên cơ sở xác định rõ bốn vần (bằng trắc tứ vận) là Canh, San, Dạng, Chấn. Ở đây chúng tôi không thể trình bày cách mở khóa của toàn bộ bài thơ (từ cách xác định vần đến cách đọc). Tại cuốn sách Tìm hiểu kỹ xảo hồi văn kiêm liên hoàn trong bài Vũ trung sơn thủy của Thiệu Trị, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn cũng đã “mất” hơn 450 trang sách để lý giải, trình bày phương pháp, cách đọc cho từng bài theo trình tự nhất định. Trong giới hạn cho phép, chúng tôi xin được giới thiệu một số bài mà tác giả Nguyễn Tài Cẩn đã mở khóa, giải mã một “bí ẩn thi ca” tồn tại suốt nhiều năm.

Từ 56 chữ, vua Thiệu Trị đã sắp xếp theo những trật tự về âm vận, niêm luật, đối ngẫu những ngữ nghĩa vẫn đảm bảo, đến cách dịch, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn cũng tỏ ra công phu không kém trong sự chọn chữ để dịch với sự sắp xếp đồng dạng một cách khéo léo và tinh tế.
       
 

Nguyên văn bài thơ: Bản dịch thơ của GS. Nguyễn Tài Cẩn:



Sau đây là 02 bài hồi văn, liên hoàn trong vần Canh của bài thơ Vũ trung sơn thủy qua bản dịch của Nguyễn Tài Cẩn1:
 

Bài 1:  
Loan hoàn vũ hạ giang triều tấn,    
Trướng dật phong tiền ngạn biện thanh.
Sơn tỏa ám vân thôi trận trận,      
Lãng sinh khiêu ngọc trích thanh thanh.
Sàn sàn thủy giản đài tư nhuận,     
Dạng dạng ba châu liệu mậu vinh.   
Nhàn điếu nhất chu ngư dật tấn,     
Hướng lâm song tiễn yến phi khinh.
Tròn vây gió nổi triều lan ngập,
Rộng thoáng mưa vờn nước biếc xanh.
Non kín đen trời mây cuốn gấp,
Sóng dâng gieo ngọc tiếng vang quanh.
Tuôn reo suối thấm rêu dâm dấp,
Bóng dợn cồn vươn cỏ mướt xinh.
Buồn giải rỗi câu thuyền lướt khắp,
Động về chia dãy én bay nhanh.
Bài 2:  
Sàn sàn thủy giản đài tư nhuận,     
Dạng dạng ba châu liệu mậu vinh.    
Nhàn điếu nhất chu ngư dật tấn,     
Hướng lâm song tiễn yến phi khinh.   
Loan hoàn vũ hạ giang triều tấn,     
Trướng dật phong tiền ngạn biện thanh. 
Sơn tỏa ám vân thôi trận trận,       
Lãng sinh khiêu ngọc trích thanh thanh.
Tuôn reo suối thấm rêu dâm dấp,
Bóng dợn cồn vươn cỏ mướt xinh.
Buồn giải rỗi câu thuyền lướt khắp,
Động về chia dãy én bay nhanh.
Tròn vây gió nổi triều lan ngập,
Rộng thoáng mưa vờn nước biếc xanh.
Non kín đen trời mây cuốn gấp,
Sóng dâng gieo ngọc tiếng vang quanh.



Bài thơ là một kiểu chơi chữ trí tuệ của một vị vua. Chỉ từ 56 chữ, vua Thiệu Trị đã cho đến 64 bài thơ thất ngôn bát cú (chưa kể 64 bài ngũ ngôn bát cú). Trong đó có kiểu hồi văn với 32 cặp bài thất ngôn thuận nghịch độc với 16 điểm xuất phát đi 2 hướng; lại có kiểu liên hoàn vô cùng phức tạp: liên hoàn thẳng, liên hoàn vòng quanh; liên hoàn một chiều, hai chiều; liên hoàn đối xứng, không đối xứng. Đó là một cách sắp xếp cực kỳ công phu, người thật có tài và vốn chữ nghĩa phong phú mới có thể làm được.

Ngoài ra từ hình thức và cấu trúc của Vũ trung sơn thủy có thể suy luận thêm về mối liên hệ giữa Dịch học trong kết cấu bài thơ. Bài thơ trình bày theo 1 hình tròn tượng trưng cho thái cực, có 2 vần bằng/ trắc tượng trưng cho lưỡng nghi, có 4 vần Canh, San, Chấn, Dạng tượng trưng cho tứ tượng, và đọc được 64 bài tượng trưng cho 64 quẻ trong Dịch học. Những sự trùng khít một cách nhịp nhàng về các con số chắn chắn phải có nguyên nhân. Vua Thiệu Trị là một Nho gia, ở đây sự đề cao về dịch lý của các nhà nho theo khuynh hướng Tống Nho có thể là nguyên nhân hình thành nên hiện tượng này.

3. Tạm kết

Nhìn chung, các dạng chơi chữ trong thơ trên kiến trúc cung đình Huế lại có giá trị nghệ thuật đạt đến mức đỉnh cao, phản ánh tài văn chương cũng như năng lực, khuynh hướng thẩm mỹ của người đương thời, trở thành những minh chứng vô cùng đặc sắc về nghệ thuật chơi chữ trong sáng tạo thi ca của người trung đại Việt Nam và các nước đồng văn. Nghệ thuật chơi chữ trong thơ trên kiến trúc cung đình Huế đã thể hiện những năng lực thẩm mỹ của chủ thể sáng tạo, phản ánh quan niệm thẩm mỹ của người trung đại. Qua một số dẫn chứng cũng cho thấy trình độ chữ nghĩa của các bậc thức giả thời bấy giờ, nhất là các hoàng đế thi sĩ.

N.P.H.T  
(TCSH372/02-2020)

------------------
1. Dẫn từ: Nguyễn Tài Cẩn (1998), Tìm hiểu kỹ xảo hồi văn kiêm liên hoàn trong bài Vũ trung sơn thủy của Thiệu Trị, Nxb. Thuận Hóa, Huế.




 

Các bài mới
Nhớ Huế (13/03/2020)
Các bài đã đăng
Lối xuân (10/03/2020)
Bếp lửa (08/03/2020)
Chuột ly hương (04/03/2020)
Đổ xăm hường (02/03/2020)