Tạp chí Sông Hương - Số 47 (T.1&2-1992)
Săn kỳ lân - Khám phá thêm một điều bí ẩn trong tác phẩm của Shakespeare
15:11 | 21/02/2020

ANĐRÂY GOCBUNỐP (Tiến sĩ ngôn ngữ học Liên Xô)

Gần đây đã có những khám phá rất có ý nghĩa ở Washington và London, trong những cuốn sách đã yên nghỉ trên các kệ sách thư viện trong cả bốn thế kỷ nay.

Săn kỳ lân - Khám phá thêm một điều bí ẩn trong tác phẩm của Shakespeare
Ảnh: internet

Trong nhiều năm trời, các chuyên gia đã tranh cãi về những bài Sonnet của Shakespeare, nhưng nhà thơ lớn này lại có một tác phẩm còn bí ẩn hơn nữa, "Phượng hoàng và Chim Gáy", một bài thơ than vãn về cái chết của một đôi tình nhân thuộc dòng thế phiệt trâm anh. Những người viết tiểu sử của Shakespeare theo truyền thống vẫn tin rằng bài thơ ra đời vào năm 1601, đó là ngày tháng ghi ở trang đề tựa trong tuyển tập của Robert Chester, là tập thơ đăng bài thơ ấy lần đầu tiên. Ba bản còn lại hiện ở Thư viện Folger Shakespeare (Washington) ghi năm 1601, bản ở Thư viện Huntington (Mỹ) lại mất trang ghi tựa đề và ngày tháng xuất bản, và bản ở thư viện Nhà bảo tàng Anh, đề năm xuất bản là năm 1611.

Cái chết của những ai đã được Shakespeare than vãn và những người đồng thời với ông trong tuyển tập thơ của Sir Robert Chester gán cho cái danh hiệu là "Kẻ tử vì tình ái" ? Tại sao cuốn sách lại không được dư luận quần chúng chú ý ? Cuốn sách ấy đã không hề đăng ký theo như luật lệ ngày ấy, cũng chẳng được đề cập ở một tài liệu nào cả. Đến thế kỷ thứ mười chín R.W.Emerson đã đề nghị Học viện Quốc gia Mỹ trao một giải thưởng đặc biệt cho người nào tìm ra được điều bí ẩn của bài thơ.

Trong 100 năm qua nhiều giả thuyết đã được đặt ra, nhưng chẳng một ai tìm ra một cách giải quyết ổn thỏa.

Một chuyên gia Xô Viết viết về Shakespeare, Giáo sư Ilya Ghililốp, đã nghiên cứu tất cả mọi nguồn tài liệu có liên quan đến điều bí ẩn và đi đến một kết luận rằng bài thơ không thể nào ra mắt trước năm 1611; Năm 1601 là một điều hoàn toàn bí ẩn. Điều này giúp thêm cứ liệu để tìm ra rằng Phượng hoàng và chim Gáy là biểu trưng của Bá tước Rutland và bà vợ ông là Elizabeth. Một vài học giả của thế kỷ 20 lại cho rằng bá tước Rutland là tác giả thực sự của tất cả những tác phẩm của Shakespeare.

Sau những công bố về những tìm tòi của Ilya Ghililốp đăng trên báo Moscow News vào tháng 3/1988 (đã được dịch và đăng lại trên Tạp chí Sông Hương số Xuân 1989(*)), một người ở nhà xuất bản Shakespeare Neusletter (Mỹ) là Louis-Marder đã lấy làm thích thú với giả thuyết này. Để minh chứng cho điều đó, Ilya Ghililốp đã đề nghị các học giả Mỹ so sánh những sự khác biệt ở những cuốn sách của Chester lưu trữ ở Washington và London.


Những đồng nghiệp phương tây chẳng phải vội vàng chi để thực hiện điều này - hầu như tháng nào cũng có những giả thuyết mới về Shakespeare. Vào cuối năm 1989, nhà dịch thuật Liên Xô, bà Marina Litvinốpva, trong thời gian viếng thăm Hoa Kỳ, đã đến thư viện Folger Shakespeare gần điện Capitol ở Washington và yêu cầu được xem cuốn sách cổ. Đưa những trang sách ấy ra dưới ánh sáng, Litvinốpva trông thấy một dấu in kỳ lạ : Một con lân với hai chân sau quỳ xuống. Cùng với người bảo quản sách quí hiếm Laetitia Yeandle, bà xem lại những cuốn sách tham khảo và thấy rằng dấu in ấy rất độc đáo, chẳng có trong một cuốn sách nào cả. Sự bí ẩn đã được lần ra khi bản in giữ ở Washington được đem ra so sánh với bản in giữ được ở Luân Đôn. Sau đó những người giữ thư viện ở Washington đã tìm thấy một dấu in khác, một chiếc mũ cổ trong cuốn sách của họ, và gửi những bản sao của cả hai cuốn sách ấy đến cho ủy ban Shakespeare thuộc Hội đồng văn hóa thế giới, Viện khoa học nhà nước Liên Xô.

Khi các học giả Xô Viết đến Luân Đôn, họ đã tìm thấy con lân chân quỳ giống như vậy trên những trang sách trong tuyển tập của Chester ở Thư viện Nhà bảo tàng Anh Quốc.

Không còn nghi ngờ gì nữa về cái điều rằng cả hai bản in của cuốn sách đăng những bài thơ của Shakespeare đã được cùng một tay thợ nhà in làm ra và trên cùng một trang in, hiển nhiên là vào năm 1611. Ngày tháng ra đời của bài thơ như thế là đã bị thay đổi cả mười năm, một sự kiện hiếm thấy trong lịch sử nghiên cứu về Shakespeare.

Con kỳ lân còn có thể giúp thêm một điều hữu ích cho các nhà nghiên cứu tiểu sử trên thế giới. Bằng cách đối chiếu "Phượng hoàng và chim Gáy" với những cuốn sách khác xuất bản trong năm 1612-1613, cuối cùng điều thắc mắc của những người hâm mộ Shakespeare đã được hé lộ. Trong lúc đó những khám phá khác có thể sẽ làm kinh ngạc những kẻ cho rằng mình đã hiểu tất cả về Shakespeare.

H.H. dịch
(Báo Moscow News 2/91).
(TCSH47/01&2-1992)

---------------------
(*) Xem thêm:

http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c329/n19733/Dieu-bi-an-ve-Chim-Phuong-hoang-cua-Shakespeare.html

 

 

Các bài mới
Kẻ ăn mày (07/08/2020)
Các bài đã đăng